Một buổi tối, tôi tới sứ quán Pháp dự chiêu đãi nhân ngày 14 tháng Bảy. Giấy mời đề bảy giờ, tôi đến hơi trễ, tây ta đã rất đông, vào tiệc đã khá lâu. Tiệc đứng. Không hẳn là như trên tàu điện nhưng cũng mỏi nhừ, cũng mệt lử và cũng mạnh ai nấy chen.
Phòng tiệc rù rù máy lạnh, song sức máy không đủ làm nhẹ bầu không khí nặng hơi người và khói thuốc, nồng ngạt mùi nước hoa đàn bà, mùi nước hoa đàn ông, mùi phấn son, mùi xi đánh giày, mùi thức nhắm và mùi rượu mạnh các loại. Khách khứa phải dãn dần ra hiên, tản bớt xuống vườn.
Tiếng trò chuyện ở ngoài vườn không ồn như trong phòng mà nhè nhẹ ran lên. Thỉnh thoảng như bị cù ré lên tiếng cười của một bà nào, một ông nào. Các ông các bà, với ly rượu trên tay hoặc với đĩa thức nhắm, hoặc là ôm đồm một lúc trên tay cả hai thứ, đứng tụ từng nhóm dăm vị với nhau, vừa uống ăn vừa đấu hót. Nom ai cũng lịch sự, đẹp đẽ mượt mà. Nhất là các bà các cô người nào người nấy diện ngất. Các ông thì tuyệt vời tề chỉnh, tất cả đều đóng hộp, đường bệ com lê cà vạt giày da, tương xứng với tên tuổi và phẩm giá. Các nhà buôn, các nhà báo, các nhà kịch sĩ, các nhà ca sĩ, các nhà thông thái già, các nhà thông thái trẻ, các nhà từ thiện, các nhà môi giới. Tất cả các gương mặt đều đậm nét cao quý, tất cả các dáng điệu đều đặc Pháp. Và ngôn luận nữa, cũng Pháp. Khi có một anh Tây nào đó xì xồ một lời dí dỏm, lập tức trong nhóm thực khách vây quanh y những ai sành tiếng Tây liền rộ lên cười tán thưởng, còn những ai, như tôi, chỉ biết tiếng mẹ đẻ thì nhũn nhặn mỉm cười theo với vẻ tươi vui dè dặt. Tôi thấy có cô thậm chí còn nhón chân lên nhìn tay ngoại quốc thạo pha trò nọ bằng cặp mắt gần như mờ đi vì si mê và thán phục.
Tại giữa khu vườn, ở nơi sáng nhất, trội lên một đám chừng chục vị đặc biệt rôm rả. Chưa nhìn rõ ai nhưng thoáng qua cung cách hân hoan buông tuồng của họ, đoán đây là một toán nam nữ đồng nghiệp trẻ tuổi nên tôi phải vội vã liệu đường. Ra gần cổng sứ quán, do hấp tấp tôi xô phải một ông già đang bước đi chậm rãi. Luýnh quýnh tôi xin lỗi.
- Không sao. Tôi không làm sao cả đâu ạ, thưa ông! - Ông già nói - Cũng là bởi tại tôi tối nay có hơi ngà ngà. Mà làm sao ông cũng về sớm vậy, nhà văn?
Tôi nhìn, giấu nỗi sửng sốt. Tôi biết ông. Ông già chủ sạp báo ở đầu đường Nam Bộ chứ ai. Y phục dạ tiệc của ông sờn nát. Cà vạt kiểu gì đâu nom như cái cờ đuôi nheo. Và bởi vì ông gầy nhom nên cả sơ mi cả áo vét đều lụng thụng. Ông thấp người, lưng còng còng. Tôi đỡ khuỷu tay ông, đưa ông sang đường.
- Cái lễ cát tó năm nay linh đình chỉ, - Ông già nói, giọng khàn khàn - Khách khứa đông gớm ghê. Có lẽ là vì kỳ này, ngoài Đại Cách mạng, Tây nó còn muốn tưởng niệm luôn cả quả bom Mỹ hai mươi năm về trước thổi bay tòa đại sứ.
Gió mát thổi dài dọc phố. Đường Thợ Nhuộm về khuya vãn dần xe cộ. Vỉa hè thưa người qua lại. Tôi bước đi thật chậm cạnh Me xừ. Ông già tên Bôn nhưng vẫn nghe dân tình cùng phố với ông gọi ông như vậy, Me xừ.
- Tôi đồ rằng ông đang bận tâm tự hỏi cái lão già này khoác tư cách nào mà vào ra can dự cái chỗ tiệc tùng long trọng đó, phải thế chăng? Mà ông ạ, không chỉ tối nay đâu, đã thành cái lệ rồi, hễ cứ lễ lạt to to một chút trong sứ quán là tôi tất yếu có giấy mời. Là tôi đến dự. Mà tôi là ai nào ai biết.
Ông nói phà ra mùi rượu song không hề nhịu giọng. Ông bước chậm lệt sệt lê giày, nhưng ông không chuệnh choạng. Lời lẽ của ông khúc triết.
- Tôi nghĩ, ngay cả các viên chức lễ tân của sứ quán cũng chẳng biết tôi là nhân vật nào. Họ cứ tra theo danh sách do những người tiền nhiệm giao lại mà lắp tên và địa chỉ của tôi vào giấy mời in sẵn. Giấy mời đến tay tôi theo đường bưu điện. Tôi đến, chìa giấy ra, rồi vào cổng, chẳng ai căn vặn. Vào ra sứ quán nhiều lần, tôi thạo cửa trước cửa sau, lối thẳng lối quanh, tôi sành thể thức tiếp tân của từng loại buổi chiêu đãi. Tôi dễ dàng kiếm được một ly và nhè nhẹ một chút thức nhắm gì đó mà không phải xông xáo, không phải chường mặt giữa đông người. Tôi tìm chỗ khuất, không nói gì, không bắt chuyện, tôi lắng nghe tiếng Pháp người ta đang nói ran khắp xung quanh. Tôi thui thủi nép bên lề nước Pháp.
Dòng độc thoại của con người kỳ quặc đang lê bước bên cạnh khiến tôi bắt đầu cảm thấy ngại. Tôi liếc mắt sang. Dưới ánh đèn đường vàng ủng, khuôn mặt ông cụ nom càng bệu rệu.
- Nhưng đã bảo là không muốn chường mặt ra thì còn cố len lỏi vào đó làm gì chứ, hẳn ông đang nghĩ vậy. Hẳn là ông đang cảm thấy ngượng thay cho tôi, hẳn ông đánh giá tôi là một tên già lố lăng, lai căng, sùng ngoại.
Tôi vừa dợm ấp úng mấy lời thưa cụ rằng tôi chưa có cái vinh hạnh được biết nhiều về cụ nên tôi không thể nghĩ này nghĩ nọ cái gì cả, nhưng Me xừ đã lập tức ngắt lời tôi:
- Ông chẳng cần phải lựa lời. Đừng e sẽ làm tôi mếch lòng. Vì sự thực đúng là như ông đang nghĩ. Chỉ có điều tôi không chuộng ngoại nói chung, mà chỉ Pháp thôi, tôi ưa hầu hết những gì của Pháp. Nhân đây tôi cũng xin được thú thực cùng ông, tôi chính cống là một bóng ma thân Pháp cuối cùng còn sót lại trong lòng Hà Nội!
Sự xuất thần vô cớ, sự bộc bạch bỗng dưng của ông già không làm tôi ngạc nhiên. Tôi cứ bình thản nghe. Nghe thì gì mà không được. Về cái khoản nghe người đời tâm sự thì tôi như là có năng khiếu bẩm sinh.
- Lẽ cố nhiên, thuở còn thơ, khi phải học thuộc lòng rằng Tổ tiên chúng ta là người Gôloa thì tôi cũng thừa hiểu đấy là một điều thậm dối trá, - Me xừ lại khàn khàn bắt đầu nói sau một hồi lâu trầm lặng bước đi - Nhưng mà, ông ạ, thuở đó tôi và chúng bạn cũng lại thường hát như thế này: Tôi có hai mối tình. Quê hương tôi và Pari...
Đến đầu phố Dã Tượng, tôi và Me xừ dừng lại ở một quán cà-phê vỉa hè. Chúng tôi ngồi, im lặng, thìa khuấy lanh canh. Bên Hỏa Lò, công trường xây dựng khách sạn vẫn đang ầm ì làm lụng.
- Ông thấy đấy, - Xừ Bôn nói, đưa tay chỉ - Người ta đang nhổ nốt những mẩu vụn cuối cùng của thời Pháp thuộc. Chẳng ai tiếc, mà chẳng ai tiếc là phải.
Buông tiếng thở dài, ông già nói tiếp, chậm rãi:
- Hồi xưa kia khi phố xá tĩnh lặng chứ không như bây giờ. Có thể đi suốt dọc một quãng phố dài mà chỉ có một mình mình kèm cái bóng và tiếng chân của mình. Hồi đó, rộc đi vì quá đầy chữ nghĩa, tôi thường có cái thú tiêu dao, một mình đi dạo để tìm khuây khỏa. Tôi tránh những nơi ồn ào, những nơi tụ bạ, tôi chỉ ưa những phố Tây tĩnh mịch, thưa vắng bóng người. Đường Bôniphaxi, đường Hale, đường Giabui... Ông thấy đấy, đã đổi đời năm chục năm rồi mà trí nhớ tôi vẫn chưa đổi được hết tên các phố. Những đường phố êm như mộng, thanh nhã và thư nhàn. Nhà ở những phố ấy toàn biệt thự, tất cả đều kín cổng cao tường, như là những lâu đài nhỏ. Và phố nào cũng râm mát. Xưa, gia đình chúng tôi sống tại phố này đấy. Phố Giăng Xôlê. ở ngôi nhà kia kìa!
Xừ Bôn nhổm người khỏi ghế, đưa tay chỉ sâu vào khúc đường Thợ Nhuộm mà tôi với ông đã đi dọc qua vừa nãy.
- Thời ấy, khu phố này người mình rất hãn hữu. Mấy ngôi biệt thự kề nhà chúng tôi chủ nhân đều người Pháp. Giữa các láng giềng Tây và chúng tôi cố nhiên ít có sự giao du, nhưng mức sống và lối sống của gia đình tôi chẳng hề thua kém họ, nếu không nói là còn hơn. Tây nó được thế nào thì chúng tôi được thế nấy. Hết sức là bình quyền, ông ạ.
Me xừ khịt khịt mũi ra chiều tự phụ.
- Nếu không vướng thế giới chiến tranh thì hẳn là tôi đã được gia đình cho qua Pari du học rồi. Nhưng mà nước Pháp bị chiếm đóng. Quân Nhật vào Đông Dương. Còn tôi vào trường Luật. Ngày đó tôi giàu suy tư, tôi đầy nghĩ ngợi. Tôi héo mòn đi vì đăm chiêu. Tôi ưa độc thoại. Ngoài triết học tôi còn nghiền ngẫm văn chương thi phú. Tôi am tường tư tưởng các tiểu thuyết của Xtăngđan, của Flôbe, tôi thuộc lòng vô số thơ của Huygô, của Bôđơle, của Rembô và Véclen. Nhất là Véclen, ông ạ. Véclen... Cốc cà-phê đã cạn, và ngồi mãi đã phát nhàm nhưng ông già vẫn chưa thấy nhàm câu chuyện.
- Lúc bấy giờ, trong thiên hạ nhiều kẻ hùa theo Nhật. Nhưng tôi thì không tài nào ưa nổi đám quan binh ngạo mạn và cục cằn ấy. Tôi thầm mong văn minh Pháp sẽ có ngày trị lại được thói hung tàn của bọn rợ. Song chỉ là mong như vậy chứ tôi hoàn toàn trốn khỏi thời cuộc. Mặc dù những tài liệu Việt Minh ngầm truyền bá trong sinh viên tôi cũng được đọc nhưng tôi chẳng chịu tin theo. Đến Tây còn chưa cự nổi Nhật nữa là. Người mình sức vóc tới đâu mà hòng đuổi chúng, tôi nghĩ vậy. Và tôi lẳng lặng xa lánh tất cả những bạn bè mà tôi ngờ là đang nuôi chí làm chuyện lớn. Tôi vùi tuổi trẻ của tôi vào những chồng sách già nua. Tôi sống bưng tai bịt mắt đến mức xây lưng lại với cả nạn đói.
Ông già chật vật nới nút cà vạt. Nói nhiều phát mệt, cái sọ hói khô khốc của ông loáng mồ hôi.
- Những năm ấy, Hà Nội sống không yên, mất ăn mất ngủ, liên miên nhao nhác náo động. Nhưng riêng ở các phố Tây thì bầu không khí vẫn như trong thuở thái bình. Có phần còn thái bình hơn. Một nền thái bình quỵ lụy. Thật đúng là như thế. Bởi vì từ khi nước Pháp đại bại thì người Pháp ở Hà Nội tuy vẫn được yên lành nhưng bị thâu mất bính quyền, càng năm càng thất thế. Co ro sợ sệt. Nhà cửa dinh thự của họ cũng như so vai rụt cổ. Phố xá phờ phạc. Phố nào phố nấy đìu hiu, vắng tanh vắng ngắt... Nhưng mà ông ạ, chính cảnh tượng yếm thế như vậy lại hòa hợp với cõi lòng tôi thuở bấy giờ. Khi một mình dạo bước trên vỉa hè dưới tán những cây bằng lăng hoa tím phố Giăng Xôlê, nghe tiếng vĩ cầm than van, tôi tưởng tượng mình như chiếc lá vàng rơi rụng trôi dạt trong làn gió thu của thơ Véclen. Phố Xôlê hồi ấy, ông ạ, tĩnh như tờ, và trong mường tượng của tôi, nó có vẻ như hẹp hơn và dài hơn hẳn Thợ Nhuộm bây giờ. Dài thẳm, hun hút và buồn lắm. Hồi ấy, vào mỗi buổi sáng, vào mỗi buổi chiều, khi tôi ra khỏi nhà và khi tôi trở về luôn luôn có tiếng vĩ cầm đợi tôi tại quãng phố trước cổng nhà. Tôi tưởng tượng cây đàn ấy cả ngày ngưng tiếng mãi chờ cho tới khi có tiếng chân tôi bước đến mới nức lên. Tiếng đàn tuyệt diệu mà sao đau xót não nùng, dự cảm những ngày mai và nuối tiếc những ngày qua. Lòng tôi se lại cảm thương vô hạn nỗi lòng cô thiếu nữ người Pháp, và ông ạ, than ôi, chẳng can hệ gì đến tôi mà vô cớ tôi buồn nhớ, tôi tiếc thương nước Pháp...
Giọng nói của ông cựu sinh viên trường Luật nghẹn lại. Không đành dứt ra đứng dậy, tôi đành mất sạch thì giờ ngồi nghe rì rầm những hồi ức đầy tự mãn và hoàn toàn không đâu vào đâu của một thứ dĩ vãng đã hoàn toàn bị xóa sổ.
- Cây đàn ấy là của Xôphi, con gái nhà Pêguy hàng xóm với gia đình tôi. Gia đình Pêguy không giàu có. Nhà của họ là một ngôi biệt thự hai tầng cũ kỹ. Tường nhà nhiều năm không được quét mới lại, màu vôi đã xạm. Ông Pêguy là một ông Tây bất thường. Sống thu mình, hiền lành và thầm lặng. Chẳng cứ với người mình mà với cả người Tây đầm, Pêguy cũng tránh giao du. Cánh cổng sắt từ mặt phố mở vào sân nhà ông ta hầu như quanh năm chẳng biết khi nào hé mở... ấy vậy mà ông ạ, tôi lại vốn là chỗ quen biết với nhà bên đó. Cố nhiên không phải là với ông Pêguy mà là với các con của ông ta. Ông ta góa vợ. ở vậy nuôi hai người con. Một trai một gái. Trai tên Philip một tuổi với tôi. Còn Xôphi thì ít hơn ba tuổi. Xôphi mồ côi mẹ ngay lúc lọt lòng. Và đáng thương nhất ông ạ là Xôphi cô ấy bị mù. Mù từ nhỏ. Cặp mắt nom như là hoàn toàn bình thường vậy mà hoàn toàn không nom thấy gì.
Ông già ngừng kể, lục túi áo rút mù xoa ra chấm mồ hôi. Tôi chẳng nói gì, lẳng lặng nhìn.
- Tôi và Philip đã dễ dàng kết bạn ngay khi gia đình tôi vừa dọn tới. ở cái tuổi mười hai, mười ba, bức tường ngăn cách tây ta chưa cao lấp mặt như là khi đã trưởng thành. Thêm nữa giữa khuôn viên nhà chúng tôi với nhà Pêguy không xây tường gạch mà chỉ được ngăn ra bởi một hàng rào sắt. Từ hai bên bờ rào, tôi và Philip bắt chuyện làm quen. Philip rủ tôi qua chơi. Cậu ta không sang bên tôi được vì còn phải trông nom đứa em. "Đứa em gái khốn khổ bị mù của tôi", cậu ta bảo thế.
Không như thói thường đám Tây con, hai anh em nhà Pêguy tính nết rất lành, nhất là Xôphi. Có lẽ do vì được sinh ra tại Việt Nam nên vóc dáng cô mảnh dẻ, tóc đen mắt huyền, giọng nói êm ái, tư chất dịu hiền. Tôi rất mến cô. Nhiều bữa không có Philip ở nhà, tôi vẫn sang chơi. Chúng tôi cùng nhau đi dạo trong vườn hoặc là ngồi cạnh nhau trong cái chòi hóng mát ở cuối vườn. Cả hai đều ít lời, không có nhiều chuyện để nói, tôi thường đọc truyện cho Xôphi nghe. Và đọc cả thơ nữa, còn cô thì đàn cho tôi nghe. Tôi có thể ngồi lặng hàng giờ nghe cô tập viôlông. Những khi có tôi bên cạnh, Xôphi vui hẳn lên. Đôi khi còn cười lên thành tiếng. Thậm chí nhờ tôi mà cô đã dần dần bập bõm nói được cả đôi chút tiếng Việt.
Me xừ thở dài, giọng trầm xuống:
- Nhưng nói gì đi nữa thì quan hệ giữa tôi với anh em nhà Pêguy cũng là một thứ tình cảm phi lý và nghịch thường, ngày một thêm chướng và thêm trái lẽ. Cho nên chẳng tài nào mà bền được. Càng lớn lên suy nghĩ càng ít hồn nhiên, nhiễm dần những thiên kiến, lòng dạ khác đi, tình bằng hữu nhạt dần. Trước tiên là giữa tôi với Philip. Chẳng có sự tuyệt giao nhưng cứ thế lẳng lặng lảng dần nhau. Mà đã không còn chơi với ông anh thì cố nhiên là cũng khó bè bạn với cô em. Tôi tránh dần, rồi tránh hẳn qua lại nhà bên đó. Vả lại, thời cuộc đổi thay. Từ năm 1940, sự đời ngày một thêm nghiêm trọng. Philip không vào đại học. Một ngày nọ, tôi thấy hắn vận đồ nhà binh về thăm nhà.
Ông già móc bao thuốc ra, châm một điếu. Ông nuốt một hơi, ho một hồi, rồi lại nuốt tiếp một ngụm khói nữa, lại ho. Ông dụi điếu thuốc đi.
- Sau Tết ất Dậu, Nhật làm đảo chính diệt hẳn người Pháp. Chỉ một đêm, quân lính Thiên Hoàng đã cướp gọn Hà Nội. Tây đầm bị bắt, bị lùa hết lên camiông chở hốt đi. Phố Xôlê yên tĩnh bỗng rầm rập lính tráng, xủng xoảng súng ống gươm kiếm. Vậy mà, ông ạ, trong huống cảnh hung dữ nhường ấy, gia đình chúng tôi lại bạo gan chứa chấp một gia đình người Pháp. Thưa ông, đó chính là gia đình Pêguy... Ông cụ thân sinh tôi với ông Pêguy tuy rằng cũng có đôi chút quen biết nhưng mà chẳng phải là mật thiết gì. Chẳng qua vì là một gia đình bản xứ thuộc tầng lớp trên sống gần cận nhất nên khi sự biến thình lình chúng tôi bỗng trở thành cơ may duy nhất của cha con ông ta. Tối đó, vừa nghe súng nổ, hay tin trong Thành có biến, hồn xiêu phách lạc, không kịp vơ vén đồ đạc của nả, ông Pêguy dắt Xôphi chạy ngả vườn sau, lách song sắt hàng rào qua bên chúng tôi. Mặc dù rất sợ, sợ lắm, nhưng ông cụ thân sinh tôi vẫn thuận cho hai cha con ông ta vào tỵ nạn.
Cố nhiên, thưa ông cái nghĩa cử liều chết ấy đã khiến cả gia đình nơm nớp. Chỉ riêng tôi là thấy rộn lên trong lòng. Trạng thái hiểm nguy dù sao cũng là sự bất ngờ mới lạ làm lay động cuộc sống lặng tờ, tẻ nhạt, bình chân như vại của gia đình tôi và của bản thân tôi. Tính chất ly kỳ của sự việc khiến tôi ngầm phấn khích. Tôi tự thấy mình can đảm, tôi tự hào mình nghĩa hiệp. Và ngay trong lúc mà song thân tôi đang nghênh tiếp viên lãnh binh Nhật tại phòng khách thì tôi ở dưới hầm rượu bên cạnh cha con Pêguy chia sẻ cùng họ nỗi khiếp sợ. Tôi và Xôphi tay trong tay. Chứa chan xúc cảm, tôi khoác cho cuộc tỵ nạn của Xôphi một vẻ lâm ly thần tiên. Có vẻ nực cười ông nhỉ? Song le có ai trong huống cảnh thế lòng dạ lại không sinh ra hão huyền phải không thưa ông?
Tôi uể oải đưa tay che miệng giấu một cái ngáp. Tôi đoán chừng là sắp sửa phải nghe một câu chuyện tình nẫu ruột được moi lên từ đáy rương.
- Cuộc mạo hiểm của gia đình tôi chẳng kéo dài. Hai cha con ông Pêguy náu thân trong nhà chúng tôi được vẻn vẹn có hai hôm. Sáng ngày thứ ba, hiến binh xộc cửa vào thăm. Như là đã được mật báo, chẳng cần lục soát hay xét hỏi lôi thôi, viên lãnh binh Nhật dùng tiếng Pháp rành rọt yêu cầu ông cụ thân sinh tôi lập tức giao nộp những người Pháp đang ẩn trốn. Mặc dù trong vụ ấy ông cụ thân sinh không bị buộc tội, không ai trong gia đình tôi bị tống giam, nhưng mà thương xót Xôphi, tôi chẳng cầm được nước mắt.
Lại một cơn ho nhưng Me xừ không ngừng kể:
- Đầu thu năm 45 mở ra nhiều hy vọng. Tôi đoán chắc đà chiến thắng của Đồng Minh sẽ khiến quân Nhật phải nương tay với các tù nhân người Pháp. Gia đình Pêguy ắt hẳn sẽ tai qua nạn khỏi. Tôi sẽ còn gặp lại Xôphi. Tôi tin như vậy. Nào ngờ... Nào ngờ... sau chiến tranh không phải là một nền hòa bình mà là một cuộc xâm lăng tàn bạo. Không như tôi hão huyền mơ tưởng, người Pháp trở lại Đông Dương không trong tư thế những người từng chịu chung họa phát xít với dân Nam mình mà là trong bộ dạng của quân cướp nước hung hăng bạo tàn gấp bội lần quân Nhật. Sau khởi nghĩa Mùa thu, và ngay sau lễ Độc Lập, hay tin liên quân Anh - Pháp gây hấn ở Nam Bộ, tôi đã nghĩ ngay rằng dù Xôphi có còn sống đi nữa nhưng mà vướng phải cuộc xâm lăng này thì chúng tôi cũng không hòng gì còn có thể gặp lại nhau. Quả nhiên là như vậy, ông ạ, không bao giờ nữa...
Không nhìn thấy được gương mặt Me xừ nhưng tôi hình dung thấy chóp mũi ông ửng đỏ và mắt ông mờ đi.
- Cách đây gần chục năm, một người Pháp qua đường tình cờ dừng bước trú mưa dưới mái hiên nhà tôi. Nơi mặt tiền nhà mình, tôi có bày một sạp báo. Người khách Tây nhặt ở sạp lên một cuốn tạp chí giở xem lướt lướt. Vừa lật xem vừa hỏi han này nọ. Vì rằng ông khách có ý thán phục tiếng Pháp của tôi nên tôi lập tức có thiện cảm với ông ta. Mưa to. Tôi mời khách vào hẳn trong nhà uống trà và chuyện vãn. Khách trao tôi danh thiếp. Tên là Giăng Pêguy. Họ của vị khách cố nhiên gõ mạnh vào trí nhớ tôi. Tôi lựa lời dò hỏi và lần hồi tôi kể lại chuyện xưa. Mặc dù không có người họ hàng nào từng sống ở Đông Dương thời thuộc địa, nhưng mà Giăng rất quan tâm tới câu chuyện, ông ta nài tôi kể kỹ hơn và lắng nghe rất chăm chú. Cuối cùng, tỏ vẻ mừng rỡ, ông ta bảo rằng suốt một năm làm việc tại Việt Nam đã cất công tìm kiếm những người như tôi mà không được, may mắn làm sao khi đã hết nhiệm kỳ, ngày mai về nước rồi thì lại có sự tình cờ này. "Ông là một người bạn của nước Pháp. Và còn hơn thế, ông là người có công trạng với nước Pháp". Ông ta trịnh trọng bảo vậy. Trước lúc ra về, ông ta đề nghị tôi ghi lại cho ông ta tên tuổi ba cha con Pêguy và địa chỉ ngày xưa của họ ở phố Xôlê... Sau đó chừng nửa năm, tôi bỗng nhận được giấy mời dự tiệc của Sứ quán Pháp. Tuy rất ngạc nhiên nhưng tôi vẫn đóng bộ vào và tới dự. Đấy là lần đầu tiên tôi vào chốn ấy. Tiệc tan, tôi được mời lưu lại. Người ta trao cho tôi món quà từ Pari. Một cây đàn viôlông rất đẹp và còn mới nguyên. Trong hộp đàn có phong thư của Giăng Pêguy. Trong thư, Giăng viết rằng sau nhiều nỗ lực tìm kiếm ông ta đã lần được đích xác tung tích số phận những người hàng xóm thuở xưa của tôi. Song, ông ta lấy làm tiếc và ông ta xin chia buồn với tôi bởi nỗi những cố nhân ấy của tôi đều đã qua đời. Người con trai tử trận ở Điện Biên Phủ. Người con gái thì mất ở Sài Gòn vào năm đầu thập niên 60. Ông bố chết cùng trong năm ấy, và cũng tại Sài Gòn. Cây đàn, Giăng xin tặng tôi nhằm bày tỏ niềm ngưỡng mộ của một người Pháp lớp hậu sinh đối với quá khứ Pháp - Việt đẹp đẽ và đầy xúc động thời xa xưa, mà tình bạn giữa tôi với anh em nhà Pêguy là một minh chứng. Cuối thư, Giăng trịnh trọng nhắc lại: "Ông là một người bạn của nước Pháp".
Ông ạ, ca ngợi tôi và tặng cho tôi một món quà không đâu vào đâu như vậy rõ ràng là Giăng Pêguy đã hiểu sai hoàn toàn câu chuyện tôi kể. Phần vì tiếng Pháp của tôi sau nhiều chục năm trời bỏ bẵng có thể đã không còn hoàn hảo như xưa. Phần vì một người Pháp hậu sinh như Giăng đã không hiểu chút gì về nước Pháp thực dân, cha ông của nước Pháp ngày nay.
Im lặng một lát, Me xừ nói tiếp:
- Hẳn là ông cũng biết, bọn thực dân nhà binh phái đến sau Hiệp định Sơ bộ mới được phép vào lại Hà Nội. Còn thực dân xi vin thì ngay sau ngày Nhật đầu hàng đã lục tục trở về với nhà cửa của họ ở các phố Tây. Nhưng mà bên hàng xóm gia đình tôi, cha con Pêguy vẫn mãi biệt tăm. Nhà họ được chính quyền mượn làm trụ sở của ủy ban Bảo vệ khu phố. Vì là đội viên tự vệ nên tôi thường vào ra nhà đó. Biệt thự đã sung công nhưng mà đồ đạc của nả gia đình Pêguy không bị đụng chạm đến. Sự bài trí cũng không suy suyển nhiều. trong phòng riêng của Xôphi, tôi thấy trên kệ còn đó những cuốn sách mà ngày trước tôi đã đọc cho cô nghe, và cả cây đàn vĩ cầm của cô nữa tôi thấy vẫn còn nằm nguyên đó trên chiếc bàn gỗ nhỏ kê kề ô cửa sổ trông ra tán cây bằng lăng ngoài cổng. Một con mèo xiêm nằm trên bậu cửa sổ sưởi nắng.
Xin được thú thực với ông là cho đến ngay trước giờ súng nổ đêm Mười Chín, trong thâm tâm, tôi vẫn mong mỏi sẽ không bùng nổ chiến tranh. Tôi cứ thầm nuôi hy vọng sẽ có một sự thỏa hiệp, một tinh thần thiện chí nào đó từ nước Pháp. Gì thì cũng là nước Pháp kia mà. Người Pháp lừng lẫy văn minh chứ đâu phải một giống dòng cuồng chiến, tôi nghĩ vậy. Vả chăng, vừa thoát ách phát xít, vừa giành lại được tự do, không lẽ nước Pháp lại có thể rắp tâm giày xéo nền độc lập và cướp đoạt tự do của nước người. Tuy nhiên, ông ạ, ham muốn hòa bình và nhiệt tình ái quốc chẳng ngược lại nhau. Tôi không theo gia đình tản cư về quê nội ở ngoài Đơ. Tôi quyết ở lại cùng anh em tự vệ một lòng quyết tử cho lời thề Độc Lập. Vào buổi tối Mười Chín, khi đèn tắt súng nổ, tuy rằng có sợ nhưng tôi đã không do dự, lập tức ra chiến lũy dấn thân vào đêm đầu tiên thành phố chúng ta lâm trận.
Im lặng một lát như là để lục tìm trong trí nhớ, xừ Bôn kể tiếp:
- Chắc là ông đã nghe nhiều và đã đọc nhiều về công cuộc phòng thủ Hà Nội ngày ấy. Có thể ông còn biết nhiều hơn tôi đấy bởi vì rằng quả thực là tôi không biết gì mấy. Nhiệt tình kháng chiến thì có thừa nhưng tri thức trận mạc chẳng có bao nhiêu. Sẵn sàng tác chiến nhưng mà tác chiến thế nào đây thì cứ rối tinh lên. Phố xá tối om, súng đạn rầm rầm. Chốc chốc lại một tiếng nổ chuyển đất. ánh lửa hắt lên đỏ hồng trời mây. Vậy nhưng các trận đánh đang thực sự diễn ra ở mạn nào của thành phố thì tại chỗ chúng tôi chẳng ai rõ ra sao cả. Súng nổ được một chặp thì có tin ta thắng rồi. Nhưng chỉ lát sau đã tin ngược lại, mặt trận vỡ, Tây đang đánh trận ra mọi ngả. Tảng sáng thì thiết giáp giặc từ Cửa Nam đánh lên đã rầm rầm tiến dọc đường Carô. Một chiếc quặt vào phố Xôlê xả liên thanh. Vì được cất toàn bằng các thứ đồ gỗ như là giường tủ bàn ghế chăn đệm nên chỉ chốc là chiến lũy bốc cháy. Chúng tôi phải thối lui dưới làn đạn. Liền một lúc mấy người bị bắn gục trên mặt đường. Cả anh chỉ huy trưởng và anh chỉ huy phó cũng phải đạn ngã xuống. Trung đội vỡ làm đôi. Nửa lui về nhà Pêguy để giữ trụ sở ủy ban, nửa khác, có tôi, chạy dạt vào trường Bách Nghệ. Phố Xôlê chúng tôi vậy là đã mất vào tay giặc ngay trong những giờ đầu tiên của cuộc Toàn quốc kháng chiến.
Trường Bách Nghệ cũng chẳng giữ được lâu. Thú thực là tôi tối tăm mặt mũi, thụ động thối lui theo anh em chứ chẳng còn hiểu ra làm sao nữa. Tôi chẳng hiểu bằng cách nào mà mình lại có thể đã chạy lọt vào được trong khuôn viên nhà thương Bảo Hộ. Cho đến trước đêm Noel, cuộc chiến ở dọc phố Phủ Doãn dẫn về khách sạn A-di-a rất là dữ dội. Thật đúng như có ai đó đã nói: chiến tranh nào phải trò đùa, đấy là cả một cuộc kinh thiên động địa và là một lò lửa thử lòng người. Hăm hở đặt bước đi đầu tiên vào trận chiến thì dễ nhưng can đảm bước thêm dù chỉ một bước nữa thôi lại chẳng dễ chút nào. Khi có lệnh rút qua bên Hàng Bông, tôi chần chừ, không dám chui ra khỏi chỗ nấp để chạy theo anh em băng qua lưới đạn đan trên phố, vì thế mà bị rớt lại trong nhà thương. Giặc ập vào. Tôi cùng một số người nữa bị giải về tập trung ở vườn hoa Canh Nông, rồi sau đó bị bắt đi phu... Rốt cuộc, cuộc kháng chiến ba ngàn ngày tôi chỉ theo được vẻn vẹn có ba hôm...
Tôi bị bổ vào một toán phu đòn, ngày ngày còng lưng cắm mặt đun xe chở xác. Lao dịch rất khổ cực nhưng nhất là rất khổ tâm. Chúng tôi lặn lội trong rét mướt, lượm xác người mình chết dưới các gốc cây, các bờ tường, các hốc cầu thang, trong các đống gạch vụn những ngôi nhà đổ. Bấy giờ, mặt trận đã tụ lại trong vùng Đồng Xuân và Đông Kinh Nghĩa Thục. ở các khu phố đã rơi vào tay giặc tiếng súng thưa dần. Phố xá hoang vu, tanh bành, đổ nát, chết chìm chết lặng dưới mưa phùn gió bấc. Hầu hết các tử thi đều phải chôn xuống những nấm mồ chung. Nấm mồ chung lớn nhất nằm ngay bên hông Tòa Đại hình kia kìa, chỗ mà ngày nay là chợ Âm Phủ đấy. Cả một phố bị đào hoắm xuống thành một cái huyệt chung chôn xác đàn ông, xác đàn bà, xác trẻ con bị Tây giết hại trong mùa đông ấy... ấy là một mùa đông rực lửa, sấm vang chớp giật, đồng thời là một mùa đông lạnh lẽo chưa từng thấy, giá rét căm căm, khí buốt thấu xương. Sau Tết nguyên đán lại càng rét đậm.
Xừ Bôn ngồi thừ, đầu cúi xuống. Ông đã quên bẵng tôi, có lẽ tâm trí ông đã trôi mất dạng vào cõi vô bờ bến.
- Một ngày nọ, vào khoảng trung tuần tháng Hai tây, tôi bất ngờ gặp gỡ người quen. Một chiếc xe díp đột ngột hãm lại cạnh chỗ toán phu chúng tôi đang làm lao dịch. Thằng Tây trên xe nhảy xuống, lộp cộp giày đinh bước sấn đến. "Pôn! - thằng Tây kêu lên - Pôn, đúng là anh rồi! Sao anh ở đây? Sao lâm vào cảnh ngộ này? Anh đổi khác nhiều quá". Mặc dù thằng Tây có giọng nói ồm ồm và để râu quai nón nhưng tôi vẫn nhận ra đấy là Philip Pêguy, anh bạn hàng xóm ngày nào. Nom anh ta cũng đã đổi khác quá đỗi, đã chính hiệu là một thằng giặc Tây: binh phục, súng sáu, giày đinh, mũ trận. Tuy nhiên Philip đã rất tử tế với tôi. Nhờ hắn bảo lãnh mà tôi thoát phận phu tù. Hắn bảo hắn biết chuyện gia đình tôi đã có ý tốt cho cha và em gái hắn lánh nạn. Hắn bảo hiện giờ Xôphi đang cùng cha ngụ ở Hải Phòng và đang rất nóng lòng mong Hà Nội sớm được bình định để sớm được trở về với tổ ấm thân yêu thời thơ ấu. Philip đưa tôi về đồn binh của hắn đóng ở đường Rialăng. Tôi được nghỉ ngơi một ngày rồi thì phải đi thông ngôn cho Philip.
- Ông ạ, than ôi, - Ông già khàn khàn than lên - Như vậy là tôi đã một bước đi theo Tây, mặc dù chỉ trong thời gian ngắn ngủi mấy ngày. Trong mấy ngày đó, tôi ngồi cùng xe Philip len lỏi đến gần mặt trận. Ôtô núp vào góc phố chõ loa về phía chiến lũy. Tôi phải dịch những lời dụ hàng, khi là những lời hứa hẹn ngọt ngào, khi là những lời hăm dọa. Không muốn, nhưng biết làm sao được thưa ông, tôi bị bắt buộc. Với lại cũng xin thú thực là tôi đã cố tìm một cái lý để tự mình biện bạch với mình. Vô hình chung tôi đã bám víu vào luận điệu của bọn Tây khi tự nhủ rằng dù sao thì mình cũng đang giúp vào một nỗ lực nhằm tránh cho Hà Nội khỏi phải đổ máu và đổ nát nhiều hơn nữa.
Nhưng mà tiếng loa chiêu hàng đã chẳng dụ được ai bỏ chiến lũy ra đầu Tây. Trận chiến trong Liên khu Một ngày một kịch liệt. Căm tức vì bị dai dẳng cầm chân, những lời lẽ bọn Tây bắt tôi phải dịch vào trong loa ngày càng ít đường mật. Sáng ngày 15 tháng Hai, xe chiêu hàng đậu ở bãi Lơpagiơ oang oang đọc tối hậu thư của Bộ chỉ huy Pháp. Hạn ngày nọ giờ nọ các vị trí đề kháng còn lại của Việt Minh phải trương cờ trắng nếu không sẽ bị làm cỏ. Kề bãi Lơpagiơ cảnh tượng ghê gớm của trận Đồng Xuân còn bày nguyên đấy. Thị tứ sầm uất thành bãi chiến trường hoen máu. Trong mưa phùn lửa đã tắt nhưng khói vẫn tuôn nhả. Gió bấc thổi mù tro than. Gạch nát, ngói vụn, rầm gãy. Rải rác những xác xe tăng cháy thui, xích thép đứt tung, lính lái chết vắt người ở cửa xe. Sau trận tử chiến kinh hoàng này, liền mấy ngày tương đối lắng dịu, súng vẫn nổ song không rộ lên. Bọn Tây đau đòn, nhừ tử hao binh tổn tướng, phải tạm ngừng tấn công. Nhưng mà tình thế bên Việt Minh cũng đã cam go lắm rồi. Qua cách nói năng của Philip tôi thấy là bọn Tây đã không còn chút hồ nghi gì về sự tất thắng của chúng. "Quân đội Pháp sẽ giành chiến thắng một cách nương tay, một cách mã thượng, một cách nhân từ", Philip bảo vậy.
Nhưng Hà Thành đã không để cho bọn xâm lăng có cơ hội đắc thắng. Sáng 18 tháng Hai, ánh lửa rực một góc trời mà thành phố thì im phắc. Liên khu Một trống rỗng. Trùng vây khép chặt thế mà Việt Minh thình lình biến đâu hết. Cuộc rút lui thần kỳ ấy đã đẩy nước Pháp vào một thắng lợi vô cùng lố bịch, dường như là đã thắng mà kỳ thực là đại bại. Chiếm được đất người rồi mà kẻ chiếm đóng không thở phào nhẹ nhõm, không chút mừng vui hoan hỷ. Bọn lính chiến lầm lỳ, mệt mỏi, hai hàng dọc súng lăm lăm, dè dặt tiến chầm chậm vào các hẻm phố không người.
Bất chấp cơ nguy bị bắn tỉa, Philip cho xe xông xáo sục sạo vào tất cả các đường dọc ngõ quanh trong khu phố cổ. Tôi chẳng hiểu là Philip muốn gì nữa. Giữa bầu không khí lặng thinh ghê người của các dãy phố, loa chiêu hàng chẳng còn gì để nói, bẽ bàng, câm miệng, chỉ thỉnh thoảng lại buột phát ra những tiếng lọc khọc khọt khẹt như là cái cổ họng bị hóc xương. Ngồi cạnh Philip trên chiếc xe díp tâm lý chiến ấy, tôi run rẩy vì cóng lạnh và sợ hãi. Mặc dù dọc hai bên hàng phố tuyệt không bóng người, không một ô cửa hé mở, tịnh không một giọng nói, một ánh mắt vậy mà tôi vẫn cảm thấy rờn rợn dâng lên từ từng ngôi nhà, từng mái hiên, bờ tường, góc phố hơi thở của một lòng căm thù khốc liệt tuy rằng câm nín và vô hình.
Cửa sổ tầng hai của ngôi biệt thự bên kia đường bật mở. Một người đàn bà bước ra ban công. Chị ta nhìn xuống đường. Có phải chị nghe thấy giọng kể của xừ Bôn? Thực ra lúc này giọng ông hạ thấp như là lào thào bên tai tôi.
- Dù vậy, dù trong bụng nơm nớp lo sợ bất ngờ súng lại nổ, tôi vẫn thấy bất ngờ khi biết lại phải đi đến chỗ đang xảy ra bắn nhau. Lại có trận chiến nổ ra ông ạ. Khi đó đã xế chiều. Mà không phải trong Liên khu Một. Nghe lệnh qua máy bộ đàm xong, Philip bảo tôi: "Pôn! Người ta vừa phát hiện một chiến lũy còn sót lại của Việt Minh. Tại chính đường phố của tôi!". Từ Ô Quan Chưởng, Philip ngoặt xe, thả hết tốc độ, vùn vụt lao về phố Xôlê. Đến đầu phố, xe chúng tôi chạy sau một xe camiông chở đầy lính mũ đỏ. Chiếc Camiông đỗ xịch lại xế cổng nhà tôi. Bọn lính rầm rập nhảy xuống. Trước khi chúng tôi đến đã có một toán Âu Phi bủa vây ngôi biệt thự. Không phải biệt thự gia đình tôi. Biệt thự nhà Pêguy.
Từ mé Bờ Hồ, xuôi theo đường Lý Thường Kiệt, một luồng gió mạnh tràn xô tới. Gió mát và rất ẩm. Lá sấu ào ào rụng trút xuống. Tôi muốn báo với xừ Bôn về khả năng sắp sửa có một cơn dông, nhưng mà tôi im lặng.
- Tên cai bẩm với Philip rằng toán tuần tra của hắn đã phát hiện Việt Minh một cách ngẫu nhiên. Ngang qua cổng nhà này, nom thấy một con mèo nằm khoanh tròn sưởi nắng trên thềm, một tên lính lấy làm lạ, nhà trống chủ mà sao con mèo không bỏ đi hoang, hay là trong nhà có người? Một mình tên đó xộc vào, lát sau nghe tiếng la, và tên đó không trở ra nữa. Đã hơn hai tiếng đồng hồ rồi, bọn chúng a la xô vào mấy lượt nhưng đều bị những người trong nhà bắn súng ra bắt phải chạy lui. Hai chết, ba bị thương, với tên bị trong nhà nữa là sáu mạng. Tên cai đồ chừng có ít nhất mười Việt Minh đang cố thủ. Hỏa lực của họ rất mạnh, tên cai bẩm thế, nhưng mà tôi lại thấy ngôi nhà rất im lìm. Bọn lính lố nhố ngoài đường và thập thò quanh nhà rất lộ liễu thế mà trong nhà không bắn ra. Khi Philip dụ hàng họ cũng không bắn. Tôi dịch lời Philip, loa gọi oang oang, trong nhà vẫn im. Rất lạ. Sau, tôi mới hiểu: họ đã cạn hết đạn.
Me xừ cúi đầu xuống, nặng nề rơi sâu vào lặng im. Lặng im rất lâu. Tôi thở dài. Me xừ ngẩng đầu lên, và lại đến lượt ông ta buông tiếng thở dài.
- Như nãy tôi vừa kể cùng ông, ngay sau đêm đầu nổ súng, đội tự vệ phố tôi bị xẻ đôi. Một nửa gồm có tôi dạt sang trường Bách Nghệ, nửa nữa kẹt lại trong phố. Phố Xôlê, ông thấy đấy nằm xiên giữa toàn các đại lộ rộng thênh. Dọc các đại lộ ấy Tây tập trung binh đội. Thiết giáp, quân lính rầm rộ đêm ngày. Những anh chị em bị hãm lại trong phố không còn ngả nào mà thoát ra nữa. Ra ngả nào cũng đụng Tây. Đành tìm chỗ náu trong tầng hầm các ngôi nhà. Canh khuya họ lần ra tìm đường thoát và lựa cả cơ hội đánh úp Tây... Khi còn đang làm phu đòn dọn xác tôi đã nghe các bạn tù xì xầm kháo nhau là ở khúc phố gần nhà pha Hỏa Lò vẫn có lính Tây bị bắn tỉa, bị đâm, bị đoạt súng. Sau đó lại nghe nói Tây suỵt chó bẹc giê lần theo hơi đã bắt được tất cả những tay súng Việt Minh gan lỳ ấy. Thế mà hóa ra họ vẫn còn đó. Họ đã bị bủa vây. Họ cùng đường. Nhưng mà họ im lìm. Họ không bắn. Hay là họ muốn đầu hàng? Thực vậy, còn gì để bám víu nữa đâu mà không buông súng. "Các bạn đã bị Việt Minh bỏ rơi!", tôi dịch lời Philip. Hai tháng trời khản cổ chiêu hàng chẳng chút kết quả, Philip nôn nóng lập công. Hắn liều mạng thúc xe vào cổng, chõ thẳng loa vào nhà. Ba kẻ: tôi, tên tài xế và Philip ngang nhiên lộ mình trước tầm súng, oang oang dụ hàng mà không bị bắn thì đã rành rành là Việt Minh muốn hàng rồi. "Các bạn hãy bước ra theo hàng dọc, lần lượt từng người một, hai tay đưa cao khỏi đầu. Lấy danh dự một sĩ quan Pháp, tôi cam đoan các bạn sẽ được toàn tính mạng và sẽ được cư xử theo đúng luật quốc tế về tù binh chiến tranh". Ngay cả sau những lời lẽ ngông nghênh đó, chúng tôi cũng không bị bắn. Nhưng, khi Philip nói tiếp. "Các bạn nên biết rằng toàn thể quân đội và chính quyền Việt Minh đã đầu hàng", thì tôi chưa dịch, súng đã nổ. Loạt đạn tiểu liên xé toác miệng cái loa gắn ở đầu xe và phá vỡ kính chắn gió rồi xuyên qua bả vai tên tài xế. Philip nhào khỏi xe tránh đạn. Nhưng tôi thì cứ ngồi ngây cứng ở trên xe.
Một làn chớp sáng lòe. Bầu trời thành phố đang sà xuống. Chuỗi sấm rền vang lăn trên mây.
- Vâng. Sắp mưa rồi, - xừ Bôn nói, nhưng ông không ngừng câu chuyện lại, vẫn tiếp tục kể - Loạt đạn bắn ra ngắn ngủn. Sau đó tất cả chìm trong tiếng súng của bọn Tây. Mái ngói, tường vôi, cửa kính tóe tang tung vỡ. Tôi nghe Philip quát to lên bảo ngừng bắn, rồi lại nghe hắn gào lên hô a la xô. Bọn lính từ bốn xung quanh nhà rầm rập xông lên. Tịnh không gặp phải một phát súng nào từ trong nhà bắn ra, bọn chúng thả cửa ùa vào. Philip không xông vào theo, hắn đứng giữa sân, tay chống nạnh. Lát sau, bọn lính trở ra cùng với những tù binh Việt Minh chúng vừa bắt được. Chúng dìu ra cả một thằng Tây bị thương băng quấn quanh đầu. Đấy chính là cái thằng đã vì thấy con mèo xiêm mà xộc vào nhà. Nó chỉ bị Việt Minh đập vào đầu rồi tước súng chứ không bị giết. Còn những tù binh Việt Minh, ông ạ, không đông như bọn Tây tưởng. Ông biết không, chỉ vẻn vẹn có ba người. Người đầu tiên bị dong ra là phụ nữ. Một cô gái. Tóc dài xõa tung. Thằng cai bẻ quặt tay cô gái và sấp ngửa xô cô tới trước mặt Philip. Philip quát: Pôn! Hắn gọi tôi tới dịch. Hắn đưa tay nâng cằm cô gái lên hỏi tên, đơn vị của cô. Cô gái lặng thinh, quắc mắt nhìn hắn. Tôi biết cô gái này ở trong tổ cứu thương của đội tự vệ phố tôi, nhưng tôi không biết tên cũng không biết cô ở số nhà nào. Cô là một nữ sinh, tôi nghĩ thế vì cô còn rất trẻ và biết tiếng Pháp. Khi hai người đồng đội nam của cô bị bọn lính kéo lê từ trong nhà ra, quăng vứt xuống sân, cô giận giữ xô mình tới, lanh lảnh nói to lên bằng tiếng Pháp với Philip: "Các người không được phép đối xử vô nhân đạo với tù binh bị thương!". Philip cười gằn, đưa tay gạt mạnh cô ra. Chậm rãi, hắn bước tới, và cúi nhặt khẩu tiểu liên mà bọn lính vừa vứt xuống bên cạnh hai người tự vệ Việt Minh bị thương đang nằm vật trên nền sân gạch. Số vũ khí chúng thu được chỉ có khẩu tiểu liên đó, rồi một khẩu súng trường đã vỡ báng và một cây mã tấu. Philip tháo băng đạn ra, nhìn. Băng đạn rỗng. Khẩu súng trường cũng rỗng đạn. Philip lại nhấc cây mã tấu lên, huơ huơ. Hắm mỉm cười. Nhưng tôi rùng mình ghê sợ. Tôi lùi lại một bước. Bất đồ Philip ném mạnh cây mã tấu xuống sân. Hắn đi tới bên cô gái, trừng trừng nhìn cô gái và hắn nói thế này, tôi còn nhớ rõ mồn một: "Đất này, nhà này là của tôi, của cha tôi, của em gái tôi, của chúng tôi, người Pháp! Các người muốn cướp nhà cướp đất của chúng tôi? Xin nói để cô biết: chúng tôi là ông chủ, vì thế chúng tôi chỉ trừng phạt chứ chúng tôi không chiến tranh với nô lệ. Và vì không phải là chiến tranh nên không có tù binh, thưa cô!".
- Và... - Me xừ ho lên sù sụ - Và, nói đoạn, Philip quay phắt lại, bước xấn đến chỗ hai người bị thương lúc này đang cố đỡ nhau gượng ngồi dậy. Giật khẩu súng sáu ra khỏi bao, chẳng nói chẳng rằng Philip bóp cò, bắn tới tấp vào hai người đó. Tôi, và không chỉ tôi, cả bọn lính trong sân cũng đồng loạt chết sững. Dứt năm phát đạn như sét đánh, không khí lặng như tờ. Rồi thì... rồi thì... ông ạ, một tiếng thét chói lọi, xé ruột, đớn đau ngất trời. Cô gái quẫy mạnh, vùng ra khỏi gọng bàn tay của tên cai, nhanh như cắt, cô nhào tới, chụp lấy cây mã tấu, uốn mình cô vung mã tấu lên. Nhưng... Philip nhanh hơn, vừa nghiêng người tránh được nhát chém hắn vừa xiết cò bắn nốt viên đạn còn lại. Cô gái xiêu người. Cây mã tấu chém hụt xuống nền gạch. Lưỡi thép tóe lửa. Tôi thấy tên cai giật súng ra khỏi vai. Nhiều tên khác nữa cũng đã kịp tỉnh hồn, nhất loạt chúng đưa súng lên. Ngay lập tức, ông ạ, tôi vùng chạy. Tôi lao ra ngoài đường, tôi xô cả vào mấy tên lê dương. Không ai cản tôi, không ai quát tôi đứng lại. Có quát, tôi cũng không nghe thấy. Tiếng súng rồ lên trong sân, vang dội, rung giật, choán lấp không gian. Tôi chạy, chạy, chạy. Trong đầu lóe lửa, quay cuồng tiếng nổ của cuộc hành quyết man rợ. Tôi kiệt lực, gục ngã; lịm đi trong một cái ngõ lầy bùn ở mãi tận gần Hàng Cỏ. Tôi tỉnh dậy, tôi lê mình đi trên những dọc phố không người. Nước mắt tôi đầm đìa... Tôi là một thường dân, ông ạ. Một thường dân kém cỏi, hèn yếu nhưng tôi không ngờ, tôi không hiểu, tôi không lường nổi sự dã man và sự hèn hạ đến nhường ấy của bọn nhà binh thực dân. Nhiều tháng, nhiều năm sau đấy cảnh tượng xảy ra trên sân nhà Pêguy vẫn kẹp chặt tâm trí tôi. Nỗi đau thương khiến tôi không thốt nổi nên lời.
Tôi sống chui nhủi ở Trại Găng suốt thời tạm chiếm, làm đủ nghề cực nhọc để sinh nhai. Tôi yếu hèn, tôi yếm thế, tôi không có gan lần lối ra vùng tự do, nhưng tôi không thể cam tâm một lần nữa đầu Tây. Tôi cũng phải dứt lòng đoạn tuyệt với những người thân yêu của tôi. Biết làm sao được, tôi yêu quý họ nhưng họ theo Tây. Cả nhà tôi hồi cư ngay trong mùa xuân năm 47. Cha tôi và các anh tôi được Tây trọng dụng còn hơn thuở trước. Tôi biết là họ đã ra công tìm kiếm tôi và tôi cũng muốn về với họ lắm, nhưng tôi không thể. Một lần, mùa thu năm 47, vào buổi cuối chiều, cầm lòng không đậu, sụp nón xuống che mặt, tôi liều lần về, đi dọc theo phố Xôlê. Nhà tôi, trong nhà ngoài vườn chưa tối đã đèn điện sáng trưng. Tôi nom thấy có chiếc xe hơi đỗ trong sân. Nom thấy cả một con bẹc giê đang lồng lộn dọc hàng rào sắt. Trên ban công một lá cờ tam tài đang phần phật tung bay trong gió. Bên nhà Pêguy thì dường như vẫn chẳng khác xưa, cũ kỹ, rêu mốc, kín cổng cao tường. Những chứng tích của cuộc chạm súng và vụ tàn sát thì hẳn rằng không còn dấu vết. Tôi nghe gió dài lùa dọc phố, lá bằng lăng tơi tả rụng. Tôi chậm bước lại. Và ông ạ, hỡi ôi, tôi lại nghe thấy tiếng vĩ cầm cất lên, than vãn, buồn bã, vẳng ra. Như vậy có nghĩa Xôphi đã trở về với ngôi nhà thơ ấu của cô. Tôi có thể hình dung thấy cô như ngay trước mắt mình. Cô thiếu nữ người Pháp xinh đẹp, dịu hiền với đôi mắt mù sáng trong. Nhưng tôi lập tức bước gấp, như chạy, tôi bịt tai. Từ đó cho đến tháng Mười năm 54, tôi cắn răng tránh xa con đường thân thuộc ấy. Tôi không muốn nhìn thấy, tôi không muốn nghe thấy. Tiếng đàn tuyệt diệu ấy không thể nào tôi chịu nổi. Đấy là tiếng vĩ cầm của quân xâm lược, sự thật là như vậy, làm sao nghĩ cho khác được hả nhà văn...
°
Mưa như thác đổ rồi có phần ngớt đi nhưng sấm sét vẫn nhoàng nhoàng. Tôi chưa dám rời chỗ trú bên hông Tòa án nhưng ông già thì đã đội mưa đi rồi. Tôi đang nhìn qua mưa và nghe ông nói. Không nghe ông nói nữa, nhìn sang thì ra ông đã lẳng lặng bỏ đi khi nào, ông không cả chào tôi. Tôi nhớ trước khi lặn biến vào mưa ông đang kể chuyện hồi năm 72, lúc bọn Mỹ ném bom tòa đại sứ quán Pháp, ông đang núp trong căn hầm gần đó. Ông đã cùng mọi người xông vào cứu sập. "Tôi thấy ông Đại sứ được moi ra từ đống gạch vỡ. Máu mê bê bết, ông ấy đã chết rồi".
- Sau vụ ấy, tôi cứ tự hỏi liệu tôi có thể tha thứ cho nước Pháp hay không? Thời gian, năm tháng, gạch nát, ngói vụn, mạng người rớt xuống bao nhiêu thì đủ san bằng những hố sâu chết chóc và tai họa mà nước Pháp thực dân suốt một trăm năm xâm lược đã từng gây ra cho đất nước này?
Ông hỏi vậy rồi ông biến đi. Dưới những lần chớp tôi dõi sâu vào màn mưa. Chẳng thấy bóng ông già đâu. Nhưng thoảng trong làn gió ướt rượt, nghe như có tiếng ai đó huýt sáo khe khẽ theo giai điệu một bài hát. Đời tôi có hai mối tình. Quê hương tôi và Pari.

Xem Tiếp: ----