1 Nó ốm nhách. Xương sống, xương sườn nhô ra thụt vào. Một ấn tượng sâu đậm về sự thiếu đói, vất vả. Nó biết! Thân phận xấu xí của nó lẽ ra không nên tồn tại. Thế nhưng, niềm ham sống sợ chết giống như mạch nước ngầm cứ cuồn cuộn tuôn trào, nhấn chìm mọi sầu thảm, u uất. Và nó cũng biết, để tồn tại, nó phải hạn chế bớt sự sinh động, sôi nổi. ở mọi nơi mọi chỗ, kể cả nơi vắng vẻ chỉ có một mình, nó vẫn co rúm và hạn chế tối đa những cử động. Rón rén đi, rón rén ngồi, nằm. Ngay cả khi ngáp vặt vì buồn tủi hay mệt nhọc, nó vẫn phải nhìn trước ngó sau và ngáp một cách rụt rè. Dầu vậy, nó vẫn bị người đời và đồng loại xa lánh, xua đuổi. Đó là điều đau buồn nhất đối với nó. Đêm đêm, nơi ven rạch, dưới gốc cây điệp già nó ngửa cổ kêu than. Tiếng kêu của nó như gió hú qua khe núi khi chiều xuống, như lời ca vút cao bị nghẽn lại nửa chừng. Nhức nhối khôn lường. 2 Một ngày kia! Đám chó nhà ở gần cầu sắt dồn nó tới đường cùng, không còn chỗ chạy nữa. Sau nó là tường nhà cao tầng. Trước mặt là năm "người anh em" cao to lực lưỡng với những hàm răng sắc nhọn trắng ởn như rừng gươm đao chắn lối. Ai cũng nghĩ, cuộc đời nó sẽ kết thúc tại đây. Người xưa nói, chó cùng bứt dậu. Bản năng sinh tồn huy động hết mọi tiềm lực, khiến nó mạnh lên gấp nhiều lần. Cuộc chiến một chọi năm xảy ra tuy ngắn, nhưng sự khốc liệt thật khủng khiếp. Nó phá được vòng vây, băng qua đường, lao xuống rạch với thân thể rách nát máu me đầm đìa. 3 Băng qua rạch, nó nhắm hướng mặt trời lên mà đi. Theo cảm nhận của nó, đấy là nơi hết thảy mọi vật đều rạng rỡ, tươi vui, không có cãi lộn hay đánh đấm lẫn nhau. Chắc hẳn ở nơi đó người ta sẽ để nó sống yên ổn, không xua đuổi đánh đập. Cuộc sống đã dạy nó, cho nó một năng lực tránh người xấu. Trên mảnh đất người nhiều hơn cây cỏ này, không thể tránh hết mọi người được. Chỉ cần tránh những người xấu bụng, độc ác. Nó nhận ra từ xa mùi vị kẻ xấu. Cái mùi ấy khó ngửi lắm, nếu không nhanh chóng tránh xa, nhất thiết bị hắt hơi, nhảy mũi, có khi sinh bệnh đau đầu, đau bụng. Đêm đi, ngày ngủ, tự liếm vết thương cho đỡ đau, đỡ rát. Lần lần nó đến một nơi ít nhà cao tầng, nhiều nhà lụp xụp, thấp bé. Đêm ấy mất điện. Thế nên trời trong, gió mát càng trong, mát hơn. Trăng sáng mơ màng như người thiếu phụ chợt nhớ cố nhân. ánh trăng lãng đãng dịu dàng. Nó cảm thán kêu lên: "Chao ôi! Cuộc sống mới kỳ diệu làm sao!". Chưa bao giờ nó thấy ham sống đến thế. Vừa kêu dứt tiếng, bỗng nhiên nó thấy một con quái vật từ trên mái nhà gần đó phóng xuống. Quát vật mắt xanh lè, móng vuốt nhọn hoắt táp vào mặt nó. Nó lùi lại, nhe răng gầm gừ. Quát vật cũng dừng lại thủ thế, rít lên những tiếng mảnh và sắc. Nó nhận ra, quái vật là con mèo cái. Người ta thường nói, xung khắc như chó với mèo là ý nói chó mèo không bao giờ làm bạn với nhau được, hễ gặp nhau là đánh lộn. Nó không thích mụ mèo này chút nào, từ giọng điệu, lời nói, dáng vẻ đứng đi cho đến cái mùi bẳn gắt của mụ. Nhưng nó cảm thấy mụ không phải là giống vật độc ác. Cái gì không thích, không hợp thì tránh đi. Cuộc sống dạy nó thế. Chẳng nên cãi lộn hay đánh nhau với cái mình không thích. Nó khép nép nhún nhường bỏ đi. Được một đoạn, ở nơi nhà cao che khuất ánh trăng, nó nhận thấy có người. Không có mùi của kẻ xấu. Mùi của sự sống cũng rất ít. Nó cẩn trọng bò lại gần hơn. Người đó nằm sấp, bất động, ở tư thế đang đi bị đổ ngã rồi không gượng dậy nổi. Nó dí dí mũi sát người đó, đánh hơi lần lần. Sự sống chập chờn leo lét. Nó không thể bỏ đi, xem như không có chuyện gì. Sự sống lớn lắm, chẳng nên để mất đi một cách dễ dàng. Nó hô hoán, gõ cửa các nhà. Cả một vùng đang yên ả dưới trăng bỗng náo động hẳn lên. Người ta mở cửa chạy ra, la lối. - Cướp, cướp! Nó ngạc nhiên nhìn người ta chạy tới, chạy lui. Cớ sao thiên hạ không nghĩ ngay đến việc cứu người. Lẽ ra trong cuộc sống, khi có sự cố nào đông như vậy, ý nghĩ đầu tiên của người ta phải là cứu người bị nạn mới phải. Nó kêu to "cứu người ở đây!". Chẳng ai để ý tới nó. Nó buồn! Nhưng cũng không thể buồn lâu được. Phải cứu người: Nó cắn vào gấu quần một người, ráng sức kéo người đó lại gần người bị nạn. Cuối cùng, mọi người cũng biết được nguyên cớ xảy ra. Người bị nạn được đưa vô nhà. Có người giận dữ nói: - Đang đêm gây rối trật tự chỉ vì gã sỉn. Con chó nào ngu vậy! Đập chết nó đi! Mọi người đồng thanh hưởng ứng. Nó hãi quá, chui sâu vô gầm giường nhà người bị nạn. Nhưng chẳng ai tìm nó cả. Thiên hạ chỉ nói mạnh mồm cho hả giận, bõ ghét thế thôi. Xem ra, người trong xóm vừa giận vừa thương người bị nạn... Họ chăm sóc anh ta chu đáo...4 Rồi anh ta cũng tỉnh lại vào lúc trời đã gần trưa. Con người đáng thương này là một nghệ sĩ vô danh trên sân khấu, phim ảnh nhưng lại nổi tiếng về lòng yêu nghề. Anh ta bấu víu vào các đoàn hát, đoàn làm phim như kẻ si tình mê muội. Gần hai mươi năm, kể từ khi rời khỏi miệt vườn lên thành phố theo gánh hát học nghề cho tới nay, chưa bao giờ anh nhận được một vai diễn dài mười phút. Anh hát cũng được, diễn cũng không đến nỗi tồi, nếu giảm bớt việc nhấn nhá làm duyên, cường điệu mọi thứ. Tuy nhiên, người ta không dùng anh không chỉ vì bệnh diễn cương, hát cương. Lý do, chính vẫn là bệnh hay tranh cãi với đạo diễn. Không chán nản, thất vọng, anh kiên trì đeo bám các đoàn hát, đoàn làm phim. Từ ngày vợ ôm con bỏ nhà đi theo người khác, anh sinh tật nghiện rượu. Hằng ngày ngoài việc chạy xe hon đa ôm, anh quẩn quanh săn tìm các đoàn làm phim, các gánh hát xin vai diễn. Thù lao bao nhiêu cũng được, không có cũng không sao. Anh cần được có mặt mình trên phim, trên sân khấu. Như kẻ nghiện lên cơn, anh vật vã năn nỉ các đạo diễn. Có lần anh theo đoàn làm phim suốt cả tháng trời làm công việc tạp dịch phục vụ đạo diễn, diễn viên chính chỉ để được đóng vai một người vô danh bị đám đông hỗn loạn tháo chạy chà đạp. Vỏn vẹn chỉ có mười giây trên màn ảnh với khuôn người và bộ mặt ốm nhom, hốc hác chẳng cần phải hóa trang. Anh năn nỉ xin được gào lên: "cứu tôi với" nhưng đạo diễn gạt đi, bảo: Âm nhạc nói thay lời đó, thế mới ép-phê! Anh cãi lại: "Phim mà thiếu tiếng người, sao gọi là nghệ thuật". Đạo diễn trừng mắt, quát: "Anh biết gì vì nghệ thuật, cút đi". Anh buồn lắm. Nỗi buồn nhức buốt từ trong xương tủy lan ra. Thuốc giảm đau của anh là rượu, rượu tàn phá cơ thể anh. Chưa tới tuổi 40, anh đã bệu xệu như một ông già. Mùa mưa vừa qua, sức anh càng yếu hơn.5 Căn nhà trống rỗng, mốc thếch và hôi hám. Anh nằm trên chiếc giường gỗ mọt, mắt lờ đờ nhìn lên trần nhà. Con mèo cái mầu vàng lợt, gà gật ngủ ngồi ở bên anh. Con mèo này, ngày trước là cục cưng của vợ anh. Khi bỏ nhà, chị đem theo nó. Không hiểu sao, khi ra khỏi cửa, con mèo đột nhiên nhảy ra khỏi chiếc giỏ xách tay, leo tuốt lên mái nhà gừ gào ra ý từ chối. Từ đó, nó là người thân duy nhất ở bên anh, khi anh về nhà. Anh không lo ăn cho nó. Mọi việc nó tự lo. Vùng này lắm chuột, nhiều rau, nó không bị đói. Có điều lạ! Trước kia nó mắn đẻ lắm. Kể từ ngày đó, không thấy nó mang bầu, đêm trăng sáng không thấy nó gào đực. Ngày lại ngày, năm qua năm, người ta luôn thấy nó ngồi ở cửa nhà chờ đợi chủ về.6 Con chó bò ra khỏi gầm giường. Con mèo xù lông nhảy tới, tỏ ý xua đuổi. Anh ngồi lên, thều thào nói: - Bạn thân mến, đêm qua đã cứu ta, ta cảm ơn bạn nhiều lắm. Nếu không có chỗ nào nương thân, xin ở đây với ta... Con mèo ngúng nguẩy bỏ đi, tỏ ý không vui. Anh giữ lại vuốt ve con mèo: - Đừng giận, thêm bạn bao giờ cũng tốt hơn, phải không nào? Loài vật luôn hiểu được tiếng người. Nhiều người tin vậy. Con chó hoang sớm thân thiết với anh. Nó ở lại với anh. Sống cùng nhà với con mèo già khó tính, hay bẳn gắt, dỗi hờn. Để tránh khỏi xảy ra chiến tranh, chúng biết cách tránh né nhau. Khi con mèo đi kiếm ăn, con chó ở nhà. Khi chó đi tìm thức ăn, con mèo ở nhà. Gặp khi mưa gió trở trời không ra ngoài được, hai đứa phân chia ranh giới. Con mèo ở trên giường. Con chó ở góc nhà. Mỗi đứa nhìn theo một hướng. Nếu chẳng may vì một nguyên do nào đó phải nhìn thấy nhau, chúng cứ để tự nhiên không ngoảnh mặt ngó lơ như loài người. ấy là vì chúng nó có khả năng nhìn thấy mà không thấy. Thấy hay không là ở lòng mình, ở sự cảm nhận của mình. Không thấy nhau hiềm khích oán thù cũng không tồn tại. Dân xóm bắt đầu nói nhiều về chuyện ở nhà ấy. Họ bảo là chuyện lạ. Không lạ sao được, trong nhà ấy có ba con sống hòa thuận: con chó, con mèo và con sâu rượu... Người ta cười hề hề. Ai đó rơi nước mắt!7 Người có cách tính thời gian của người. Các giống vật khác cũng có cách tính thời gian của mình. Ngay như người, cách tính cũng khác nhau. Người tính thời gian theo giờ. Người tính theo sản phẩm... Nó nhận thấy chủ của mình tính thời gian theo "xị". Ngày có sáng, chiều, tối. Sáng (tính đến trưa) là một "xị". Chiều, tối (đến khi lăn kềnh trên giường) là hai "xị". Ngày có ba xị thôi. Dĩ nhiên, đơn vị xị không phải là nước bình thường, mà là rượu đế loại nặng, đốt cháy vù vù, còn hơn cả bếp ga. Dân nghiền cần uống đủ liều theo thói quen. ít không xong, coi như chưa có. Nhiều hơn cũng không ổn, thấy mệt hơn, khó chịu hơn. Ngày nào cũng buồn phiền nói với chủ: "Sống vậy là hỏng đời, không tốt đâu!". Như một tiếng rên rỉ uẩn ức, xót xa. Anh vỗ về nó, hát rống lên: "Nhân gian mờ mịt, mịt mờ. Đâu cần sự nhớ, đâu chờ đợi chi..." Thương đấy, cũng giận đấy. Nó bật thành tiếng la: "Không! Không!". Nhưng anh đã ngục xuống và chìm ngập trong cơn mê. Con mèo già lặng lẽ rời khỏi nhà. Đã đến giờ kiếm ăn của mụ ấy. Nó cuộn khoanh thân mình trên mớ giẻ rách, đầu ngóc lên, chúi xuống, quay trái ngó phải, suốt đêm trằn trọc, thao thức, nghĩ mãi không ra, cớ sao con người hay tự mình làm khổ mình. Loài người thông minh hay ngu muội u mê đây? Một ngày kia, nó thấy thời gian bị gián đoạn nghĩa là không có thời gian nữa. Ông chủ không rời khỏi nhà, nằm co quắp, dúm dó trên giường, không có xị nào hết. Nó ngửi khắp người chủ, thấy sự sống mờ nhạt, mùi vị chập chờn trong khi đó mầu sắc mùi vị của sự đau nhức, rời rã hết sức đậm đặc và hỗn tạp. Không thể biết đau ở đâu là chính, bệnh ở đâu phát ra. Theo suy đoán của nó, người sống phải đứng vững trên mặt đất. Cái kiểu đau bệnh hỗn tạp như vậy, chắc chắn là bởi từ chỗ đứng có sự đau bệnh hay thương tích trầm trọng. Nó liếm chân chủ. Cách chữa bệnh của nó là vậy. Đau bệnh gì cũng dùng lưỡi liếm nhè nhẹ, để xoa dịu nỗi đau, để khuyến khích phần khỏe mạnh tự điều hòa. Nó mới đụng lưỡi vào chân chủ đã bị mụ mèo già rít lên: "Thôi đi, đừng quấy rầy người ta" và táp vào mặt nó một cái. Nó trợn mắt nhe răng, tính dạy cho mụ một bài học về sự lịch lãm, trừ diệt tính đành hanh thô bạo của mụ. Nhưng nó lại thôi, lặng lẽ lùi xa. Thực lòng, nó cũng rất thương mụ. Mụ bị đau bệnh mấy ngày nay. Nghe tiếng thở, ngắt quãng và nặng nề, nó biết bệnh của mụ phát ra từ ruột. Chắc mụ ăn phải thứ đồ ươn, thối, thiu rữa gì đó. Thật tội! Thân già vậy, vẫn phải lụi cụi đi kiếm ăn một mình... Mà cái giống mèo thật ngu ngốc. Cớ sao chúng lại nghĩ rằng chữa trị đau bệnh không cần đến sự an ủi, đến thuốc men, chỉ cần nằm im, ngủ một giấc là khỏi.8 Không có thời gian, nên thời gian rất dài. Dường như vô tận, không có điểm dừng. Nó bồn chồn, ngồi đứng không yên. Trong nhà có một người bệnh đã là buồn. Hai người ngã bệnh càng buồn thảm hơn. Nắng chiều vàng vọt đã tắt lịm. Trời xầm xì những cơn gió gọi nhau mang mưa về. Rồi đêm nay sẽ lại mưa. Mụ mèo không thể dò dẫm kiếm ăn được. Chẳng gì cũng sống trong một nhà. Mụ đau bệnh như vậy, nó không giúp, ai giúp đây? Nó đi ra ngoài, nghĩ ngợi mông lung về những thức ăn bọn mèo ưu thích. Người đời thường nói: "Mèo ăn chuột", lại nói: "Mèo mù vớ cá rán". Xem ra, thức ăn hợp khẩu vị nhất của mèo là chuột và cá. Chuột thì dễ thôi, nhưng không ổn trong lúc này. Mụ đau bệnh là bởi ăn phải thứ chuột bẩn. Mà chuột ở đây bẩn thật. Con nào, con nấy đều nồng nặc mùi hôi thối cống rãnh. Phải kiếm cho mụ con cá tươi để mụ tẩm bổ. Quyết định vậy! Đầu hẻm có cái chợ chiều, trong chợ có đến bốn, năm người bán cá. Toàn là loại cá tươi mới bắt ở sông lên. Nó ra chợ. Lặng lẽ luồn lách, kiên nhẫn rình rập, chờ đợi. Rồi nó cũng "chôm" được một con cá chép nhỏ còn tươi roi rói, giẫy đành đạch. Không thể mang con cá về nhà khi người ta còn nhìn thấy rõ mặt nhau. Nó ẩn mình trong đống rác, chờ tối. Rồi mưa xuống. Tối về. Nó đội mưa đi vòng vèo phía sau những ngôi nhà để tránh người. Căn nhà tối thui, im lìm. Trong mưa, càng im lìm ghê rợn hơn. Nó thấy ớn lạnh. Không phải vì sợ hãi! Một nỗi lo sợ vì mất mát, vì sự đau đớn chia ly chợt dấy lên trong cõi lòng bồn chồn khắc khoải. Nó mang con cá lên giường, lay gọi mụ mèo dậy. Không thấy động tĩnh gì. Nó gí sát mũi ngửi. Mùi của sự sống mờ nhạt, phảng phất. ở bên mụ, chủ của nó vẫn mê man trong cơn sốt nóng. Sự sống leo lét, chập chờn! Sự sống từ giã người ta dễ dàng như vậy sao, buồn thảm và u uất như vậy sao?! Nó càng rống, càng la to hơn, kêu cứu thảm thiết hơn. Nhưng, tiếng của nó bị ngập chìm trong tiếng mưa. Ngày này mưa to quá, dữ quá. Chắc không ai nghe thấy tiếng nó kêu! Cần phải đi gọi người đến để cứu chữa cho người, cho mèo.9 Nó vội nhảy bổ ra cửa. Chợt sững lại, ngơ ngác. Gọi ai bây giờ? Đâu phải người nào cũng sẵn sàng cứu giúp người khác. Phải tìm đến người thân thiết nhất, tốt bụng nhất. Nó khịt mũi liên tục để nhớ lại mùi vị của người tốt, người thân với chủ nó. Cuối cùng, nó chọn người đàn bà nghèo khó ở cuối hẻm. Chị này không có chồng nhưng có đến ba con và vui vẻ hớn hở suốt ngày. Nghe nói, chị làm đủ mọi nghề, mọi việc người ta thuê mướn, trừ việc làm gái mại dâm. Mấy ngày trước chị thường qua đây lo chuyện cơm nước cho chủ nó. Chị có ý thương, nhưng chủ nó cư xử nhạt nhẽo, thậm chí còn có hành động xua đuổi. Chị không giận, cười hi hí, nói với mọi người: "Cái lão ấy ngu lâu, ngu dài, ngu tàn, ngu mạt. Người ta nói thương cái đồ quý của lão là cái tâm, cái tài chứ đâu phải cái đó!". Nghe giọng nói, tiếng cười và mùi vị của người đàn bà này, nó chắc là người tốt. Ông chủ nó được sống cùng nhà với chị là một điều tốt lành. Chỉ có chị mới cứu được chủ nó thoát chết. Mưa vẫn rầm rầm, rộ rộ. Lại thêm sấm chớp liên hồi. Trời đất như vầy, chắc cả người tốt lẫn kẻ xấu đều ngại ra đường. Không sợ gặp người nữa. Không phải đi đường vòng vèo qua các kẽ hở, lỗ thủng của những rào chắn. Cứ theo đường lớn mà đi. May thay, người đàn bà vui vẻ kia có nhà. Chị mới đi làm thuê ở tỉnh xa về, cười nói hớn hở với ba đứa con. Nó nhảy bổ vào nhà, sủa ba tiếng ngắn gọn. Là ý nó muốn bắt chước tiếng người hô, gọi hay xua đuổi: đi, đi... đi! Dường như người đàn bà hiểu ý nó. Chị vội trùm áo mưa, tông cửa chạy ra. Có chị căn nhà sáng bừng lên, ấm áp hẳn lên. Thêm hai người hàng xóm nữa chạy sang. Họ nói với nhau nhiều thứ, nhiều điều, nó không biết. Nhưng nó hiểu, mọi người tìm cách cứu chữa cho chủ nó. Người ta không chú ý đến còn mèo già sắp chết. Không thể trách họ được. Họ đang tập trung cứu chữa cho người. Việc cứu chữa, mang lại sự sống cho con mèo nó phải lo thôi. Nó lấy một chiếc áo rách của chủ, dùng răng, dùng chân bọc mụ mèo lại mang ra khỏi nhà.10 Vào lúc nửa đêm về sáng. Mưa tạnh, trời quang. Trăng sao lần lần hiện ra. Trời đất sáng láng, mát mẻ. Bên bờ sông nơi doi đất nhỏ bé cuối cùng còn có cỏ xanh, hoa dại, có một con chó vàng bẩn thỉu, xơ xác, loang lổ vết sẹo ra sức liếm toàn thân con mèo già. Không hiểu do sự nồng nhiệt cứu chữa, hơi ấm, sự sống của con chó đã truyền sức sống, hay vì mầu nhiệm nào đó mà con mèo già đột nhiên tỉnh lại. Mụ lồm cồm đứng lên và lặng lẽ trở về nhà. Con chó duỗi chân, gồng mình cho dãn cương cốt. Phía xa, dải mây mầu hồng lan tỏa. Người ta bảo, trời đã sáng.T.V.T.