Lúc ấy trong hạt Gò Công, tại chợ Giồng Ông Huê, mà bây giờ người ta gọi tắt là chợ Giồng, mặc dầu nhà nước Pháp đã có mở một trường tổng trong một tòa nhà cất bằng gạch ngói đẹp đẽ, đàng hoàng, và có bổ hai giáo viên dạy một lớp chữ quốc ngữ và một lớp xen nhiều giờ chữ Pháp, mà trường tư của ông Giáo Huân cũng vẫn có học trò học đông hoài. Ông giáo Huân là một nhà nho học hoạt bác, thông sử kinh rành nghĩa lý, giảng sách dễ hiểu, viết chữ có gân, tuổi đã quá năm mươi mà sức khoẻ còn đầy đủ. Cách mười năm trước vợ ông chết để lại cho ông một thướt vườn trong làng Vĩnh Hựu và môt đứa con trai 20 tuổi. Ông phải cưới vợ sớm cho con đặng có dâu lo việc cơm nước trong nhà, rồi ông chấp nối tóc tơ với thím Hằng là một góa phụ ở ngoài chợ Giồng. Thím Hằng nầy hồi trước vốn là vợ của một người khách trú, thuộc bang Triều Châu tên Hứa Thêm có một tiệm bán trà và bánh in, thèo lèo ở chợ Giồng. Vợ chồng sanh được đứa con trai đặt tên là Hứa Mỹ. Khi Hứa Mỹ được 7 tuổi, Hứa Thêm buôn bán khá, có tiền dư nhiều mới giao tiệm cho vợ rồi đem con về Tàu đặng để nó ở với bà nội mà học chữ. Rủi thay, Hứa.Thêm dắt con đi vừa được một tháng thì thím Hằng được thơ của bà mẹ chồng cho hay Hứa Thêm đau nên chết, bà giữ Hứa Mỹ lại đặng trông nom cho nó ăn học, chừng khôn lớn rồi bà sẽ cho nó trở qua. Thím Hằng buồn rầu về sự mất chồng, lại xa con, thím hết muốn buôn bán nữa. Thím sang tiệm bánh cho người khác, tom góp vốn liếng được gần ba ngàn. Thím mua một nhà ngói ba căn, vách ván, phía trước có sân, phía sau có một miếng vườn nhỏ nhỏ. Sân thì thím để chất đống củi đòn trữ mà bán lẻ, còn phía sau thím cất thêm một thà lá ba căn cao ráo, khoảng khoát, để trữ cá khô và nước mắm mà bán cho bạn hàng. Buôn bán thế nầy thím đã thảnh thơi mà lại có lợi nhiều. Chẳng bao lâu thím chấp nối tóc tơ với ông Giáo Huân, vợ chồng toan tính với nhau, mới đóng vách mà ngăn một căn trong nhà lá phía sau để trữ nước mắm với cá khô, còn hai căn thì đóng bàn ghế dọn thành một trường học cho ông giáo dạy chữ nho. Trường học của ông Giáo Huân ở gần chùa Ông Quan Đế, dựa bên lộ từ phía cây Me lớn đi lên, trước chùa Ông, sau nhà việc Vĩnh Lợi, rồi đi thẳng vô Vĩnh Hựu. Trường mở dạy đã bảy năm rồi, trai gái học chung, số học trò luôn luôn không dưới 40. Học trò ở chợ quần áo sạch sẽ chớ không phải tèm lem như trẻ em ở đồng, ở rẫy. Mới tập viết thì dùng giấy dùng viết chớ không phải dùng đất mà viết trên ván rồi bôi. Học trò phân nhiều lớp. Lớp mới học vỡ lòng, la rùm: Thiên trời, địa đất, nhơn người, rồi tập viết chữ lớn bằng khu tô, thì đóng tiền trường mỗi tháng hai cắc bạc. Lớp đã viết được rồi, dầu còn viết hàng ba thì phải đóng tiền trường năm cắc. Còn lớp nghe giảng sách, bất luận học Minh Tâm Bửu Giám hay Ấu Học Tầm Nguyên, hay Tứ Thơ Thể Chú, thì phải đóng chẵn một đồng. Nhờ vậy nên mỗi tháng ông Giáo Huân kiếm vài chục đồng bạc, uống trà hút thuốc không hết, huê lợi trong vườn trong Vĩnh Hựu ông giao hết cho con với dâu ăn xài thong thả. Thời dụng biểu trong trường ông giáo Huân không giống với trường nhà nước. Sớm mơi ăn cơm rồi ngoài 9 giờ thì bắt đầu dạy. Gần 12 giờ thầy nghỉ trưa. Luc ấy học trò tự do, nhưng không được cười giỡn làm rầy; muốn về nhà thì về muốn đi chơi cũng được, hay là muốn ở đó mà học ôn hoặc tập viết tuỳ ý. Thường thường mấy trò trộng tuổi, nghe sách, thì ở luôn mà học, duy có mấy trò nhỏ hay đi chơi hoặc ra chợ mua bánh mà ăn. Hôm nay, quá 9 giờ rồi, học trò rải rác đi học, vô sân rồi thì đi dọc theo đường bên hè mà vô trường ở phía sau. Ông Giáo Huân ăn cơm uống nước rồi, ông đứng tại cửa giữa vấn thuốc mà hút. Ông ngó ra lộ thấy có một cậu trai chừng 15, 16 tuổi, đương đi thơ thẩn, thì ông kêu: - Xuân, vô đây cho thầy hỏi thăm một chút coi. Cậu trai ấy nghe kêu thì xâm xâm đi vô, tới thềm thì chấp tay cung kỉnh xá thầy. Ông Giáo Huân hỏi dồn dập: "Cháu còn đi học chữ Tây hay không? Học đến bực nào rồi? Nói tiếng Tây được hay chưa? Thôi học hay sao nên thả đi chơi vậy hứ?". Không đợi người ta trả lời, ông liền tiếp xây lưng đi vô nhà, và đi và nói tiếp: "Vô đây, vô nói chnyện cho thầy nghe thử coi". Ông Giáo kéo ghế ngồi dựa cái bàn. Cậu Xuân thấy thím Hằng đương ngồi trên bộ ván ngang đó têm trầu mà ăn, cậu xá thím rời đứng xớ rớ, tay vịn cây cột. Ông Giáo Huân hỏi lại: - Cháu còn học dưới Gò hay không? - Thưa còn. - Còn học sao lại được về mà đi chơi? - Thưa, bãi trường từ hôm qua con về. - À! Bãi trường. Nghỉ tới chừng nào mới học lại? - Thưa nghỉ lới 25 tháng giêng. - Dử hôn! Nghỉ hơn hai tháng, học trò quên chữ hết còn gì! - Thưa, bãi trường lớn nên nghỉ lâu. - Cháu xuống Gò học đã được hai năm rồi. Bây giờ lên tới cấp nào? Còn học bao lâu nữa mới rồi?. - Thưa hồi mới xuống con ngồi học lớp ba học một năm. Năm nay con học lớp nhì mãn rồi. Ra giêng khai trường, con sẽ lên lớp nhứt, học thêm một năm nữa thì cuối năm đi thi. - Thi thì chắc cháu đậu, vì thầy biết cháu ham học lại siêng năng, nên chữ gì cũng vậy, hễ cháu học thì chắc cháu giỏi hơn chúng bạn. Mà qua năm nay cháu thi đậu rồi cháu được làm ông gì hay thầy gì nè? - Thưa thầy, con nghe người ta nói, hễ học lớp nhứt mà thi đậu, như mình thôi học thì nhà nước cho làm thầy giáo và bổ đi dạy mấy trường công hoặc trường làng. Còn nếu mình chịu đi học thêm cho học lực được cao, thì nhà nước nuôi cơm nước áo quần cho mình học hai năm tại trường lớn Mỹ tho rồi lên Sài gòn học tiếp thêm hai năm nữa. Mãn bốn năm thì ra trường sẽ được bổ làm thông ngôn, ký lục trong các sở, hoặc làm giáo viên dạy mấy trường sơ học. - Nếu qua sang năm thi rồi cháu thôi học để đi làm giáo làng hoặc giáo tổng, mỗi tháng lãnh lương 9, 10 đồng có nghĩa gì, sợ không đủ cơm áo cho cháu, đâu có dư mà nuôi chị Hương Văn được. Phải rán học thêm bốn năm nữa đặng làm thông ngôn, ký lục mới khá. Cha chả, mà chị Hương Văn nghèo chỉ đủ sức cho cháu học đến bốn năm hay không? - Thưa, con chưa nói chuyện đó cho má con biết. Bụng con thì muốn học nữa, ngặt con thấy má con cực khổ quá, nên nên con không nỡ lo tương lai cho phận con, mà để cho má con cực khổ thêm tới bốn năm nửa. Có lẽ con học thêm một năm lớp nhứt nữa rồi con xin đi làm giáo làng đặng con giúp đỡ má con. - Cháu biết thương mẹ như vậy thì cháu là con có hiếu. Ngặt hồi trước cháu học với thầy, cháu thông minh mẫm cán, học được Đại Học, Trung dung, Luận Ngữ rồi kế cháu bỏ để qua học chữ Tây. Học thêm đã mấy năm rồi nếu ra làm giáo làng thì uổng công phu của cháu quá. Chớ chi hồi đó cháu học luôn chữ nho, thì bây giờ cháu đủ sức mở trường tư mà dạy học như thầy, lương hướng hơn giáo làng mà được thong thả, khoẻ khoắn. Hồi cháu từ biệt thầy đặng qua trường tổng mà học chữ tây, thiệt thầy buồn quá. Người Nam thì học chữ Nam, đặng ăn ở theo định nghĩa của mình. Học theo người ta làm chi. Thứ học để làm tôi mọi, thà dốt rồi làm ruộng hoặc lập vườn mà nuôi thân cũng còn vinh quang hơn nhiều. Thầy thương cháu lắm. Hồi trước cháu là ngôi sao xán lạng trong trường của thầy. Thầy chắc thầy sẽ truyền đạo học của thầy cho cháu được, bởi vậy cháu bỏ mà đi ngả khác, thầy tiếc hết sức. - Thưa thầy, tại cha con mất, má con nghe lời cậu Ba con, ép con phải qua trường tổng mà học cho khỏi tốn tiền thầy, rồi sau được làm giáo viên. Vì vậy nên con mới đi học chữ Tây, chớ thôi học chữ nho thiệt con cũng buồn lắm. - Nếu anh Hương Văn còn sống, chắc thầy cản ảnh, thầy không để ảnh cho cháu bỏ nho mà học chữ Tây. Mà bây giờ bãi trường nghỉ tới hai tháng cháu ở nhà làm cái gì? Không lẽ mỗi ngày ăn no rồi thả đi chơi hoài. - Thưa, con coi bài vở cũ lại, chớ không có làm chi hết. Ông Giáo Huân lơ lửng mà suy nghĩ. Ông mở cái hộp thuốc ra và lấy thuốc vấn mà hút nữa. Thím Hằng nói: "Thiếu gì con nhà giàu có, bạc tiền dư dã mà họ lại không chịu đi học. Còn cháu Xuân đây ham học, lại có khiếu thông minh, mà nhà thì nghèo, mẹ góa con côi, đi học không được. Ông trời trớ trêu quá. Chớ chi ông cho cháu Xuân sanh trong một nhà giàu có lớn, thì cháu sẽ học giỏi biết chừng nào". Ông Giáo nói: - Ở đời phải có trặc trẹo như vậy mới có chuyện mà nói chớ. Có lẽ tạo hoá gây cuộc khó khăn để trui gan, thử chí con người, bởi vậy gặp khó khăn mà lướt qua mới thiệt là giỏi. Thím Hằng hỏi Xuân: - Chị Hương Văn lúc nầy còn bán ngoài chợ hay không cháu? Hết mùa bắp, khoai rồi, chị bán thứ gì? - Thưa, má con bán xôi với bánh bèo. - Bán xôi, bánh mà lời lóm bao nhiêu? - Thưa, mỗi bữa lời năm ba cắc cũng đủ ăn. - Sự sống bắt buộc phải tốn hao nhiều thứ, như nhà cửa, áo quần, thuốc men, chớ có phải tốn cơm, cá mà thôi đâu cháu. Ông giáo nói: - Nhà nghèo phải chịu nhiều nỗi khổ, nói sao cho xiết. Mà khó khăn cho mấy người ta cũng sống được, có sao đâu mà lo. Nếu có lo là lo đừng vì chữ bần hàn mà làm trái đạo nghĩa, làm nhục tổ tiên mà thôi. Ông Giáo xây câu chuyện qua địa hạt phong hoá, thím Hằng không muốn theo, nên thím làm lơ. Ông giáo mới nói với cậu Xuân: - Xuân, thầy giảng Tứ Thơ cho cháu vừa hết bộ Luận Ngữ thì cháu thôi học. Cháu còn thiếu bộ Mạnh Tử, chưa nghe. Bữa nay thầy bắt đầu giảng Mạnh Tử cho con Cúc Hương học. - Chà! Cô Cúc Hương đã học xong Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, bây giờ cô nghe tới Mạnh Tử lận? Giỏi quá! - Nó thông minh lắm, lại siêng năng cũng như cháu hồi trước vậy. Nó cũng lớn rồi, cha mẹ nó muốn bắt nó ở nhà đặng tập buôn bán. Nghe giảng sách tay đôi, một thầy một trò thiệt buồn quá. Ngặt Cúc Hương cứ năn nỉ xin thầy dạy dùm Mạnh Tử nữa cho nó học đủ bộ Tứ Thơ rồi nó sẽ ở nhà mà buôn bán. Vì vậy nên thầy phải rán dạy dùm cho nó đặng nó khỏi thiếu sót. Thầy nghĩ đất Gia Định mình bây giờ không còn thi cử gì nữa. Người mình cần học nho để tu tâm, dưỡng tánh mà ở đời vậy thôi. Mà xuất thân làm ăn, nếu không học Mạnh Tử thì như đi chiếc thuyền không có bánh lái. Cúc Hương tính buôn bán, nó muốn học Mạnh Tử là phải lắm. Đó là thêm một lý thầy phải dạy nó nữa. May gặp dịp bãi trường, cháu ở không tới hai tháng, thầy muốn cháu thừa cơ hội mà học luôn Mạnh Tử với Cúc Hương. Có thêm một trò nữa thì thầy mới sốt sắng. Cháu chịu hay không? Xuân dụ dự rồi đáp: - Thưa, để thủng thẳng con suy nghĩ coi. - Suy nghĩ làm chi? Có điều chi trắc trở đâu mà suy nghĩ. - Con phải thưa cho má con hay coi má con có bằng lòng lay không. - Á! Cháu sợ phải đóng tiền chớ gì. Không. Thầy dạy giùm cho cháu, cháu khỏi đóng tiền học. Bãi trường, cháu học thêm Mạnh Tử cho có đủ nhân nghĩa mà xử sự, có ích quá. Ở không mà thả rều có ích gì đâu. Cháu bắt đầu học liền bữa nay đi. Chiều về sẽ nói lại cho chị Hương Văn hay, nói thầy dạy giùm, thầy không đòi tiền. Mà cháu ăn cơm sớm mơi rồi hay chưa? - Thưa, rồi. - Vậy thì đi xuống trường với thầy. Bây giờ chắc học trò đã tới đủ rồi. Ông giáo dắt Xuân vô trong rồi đi cửa sau mà xuống nhà dạy học. Đi dọc đường ông hỏi: - Bộ sách Tứ Thơ của cháu hồi trước cháu còn đủ hay không? - Thưa, còn đủ hết. Đi học thì con gói cất trong tủ. Bãi trường con mới đem ra mà đọc lại. Con mới lấy ra hồi hôm nầy. - Được lắm. Vậy mai cháu đem Mạnh Tử theo mà học. Bữa nay cháu dò chung sách của Cúc Hương. Chừng thầy giảng giải rồi, thầy sẽ cho cháu mượn sách của thầy đặng cháu học đỡ. Ông giáo bước vô nhà học, sau lưng có Xuân đi thẹo. Học trò ngồi chật ba cái bàn thấp mà dài, cả thảy đồng đứng dậy chấp tay xá thầy. Ông giáo khoác tay biểu ngồi xuống và ông đi ngay lại chỗ Cúc Hương ngồi mà nói: ''Cúc Hương, thầy lại kiếm thêm một trò xin nghe giảng sách Mạnh Tử nữa đây, đặng cháu học cho có bạn. Cháu biết Xuân mà". Cô Cúc Hương ngó Xuân, miệng chúm chím cười mà đáp: "Thưa biết, anh Xuân là học trò cũ của trường nầy. Anh Bỏ đi học chữ Tây mấy năm nay''. Xuân biết ý Cúc Hương muốn mở hơi bao biếm, nhưng nghĩ không phải chỗ biện bạch quấy phải, nên cậu cũng chúm chím cười chớ không nói chi hết. Ông giáo biểu mấy trò dồn xuống một chút đặng trống ở đầu bàn giữa một chỗ cho Xuân ngồi ngang mặt với Cúc Hương ngồi phía bên kia. Ông Giáo đi qua hai bàn hai bên mà chỉ đạo cho học trò học. Xuân ngồi ngó tứ phía thì thấy ván, bàn, ghế, võng, đều còn y như mấy năm trước, không dời đổi chút nào hết. Phía trong lót bộ ván gõ nhỏ để cho thầy nằm ngồi. Trước bộ ván thì để một cái ghế nghi, trên ghế có một bình trà, hai chén nhỏ, một hộp thuốc, một lư lửa với một cặp kiếng, để cho thầy mang mà xem sách. Một bên lại có để ba chồng sách thấp thấp, sách cũ mà bìa cứng quành. Trên ván có gối dựa, có gối đầu, có quạt lông, lại có một ngọn roi mây để khi nào học trò nhỏ làm rầy lúc thầy giảng sách, thì thầy nhịp trên ván mà biểu im lặng. Thầy đã có chỗ nằm ngồi thong thả, mà ngang với bộ ván lại có giăng một cái võng bố để lúc thầy dạy mệt thì nằm đưa nhúc nhích cho mát. Còn ba dãy bàn của học trò ngồi học, thì hai dãy hai bên toàn là học trò nhỏ cộng chung với lối 30 trò, một bên học Tam Tự Kinh, một bên học Tam Thiên Tự, bàn nào học theo bàn nấy nên la rùm. Bên nây học: "Phụ cha, mẫu mẹ, sư thầy, quân vua", thì bên kia lại la: "Thiên Trời, Địa Đất, thất mất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà, quốc nước,…". Xuân ngồi mắt ngó trước sau, tai nghe inh ỏi, quang cảnh cách lấy năm trước diễn lại trước mắt, xưa nay cũng vậy, cậu xúc động nên liếc Cúc Hương mà cười. Tại bàn giữa chỗ cậu ngồi, chỉ có mười trò, 3 gái 7 trai, toàn là học trò nghe sách duy có Cúc Hương, 15 tuổi, học Tứ Thơ, còn 9 trò kia, gái cũng như trai, còn học sách Minh Tâm, tuổi tác xấp xỉ với nhau, lối 13 hoặc 14. Ông Giáo Huân lần lượt dạy giáp hai bàn hai bên rồi ông nhịp roi biểu nín hết đặng ông giảng sách cho học trò lớn. Nhờ tập quen kỷ luật nhiều năm, bởi vậy vừa nghe nhịp roi thì học trò nín êm, chỉ có ít học trò lầm thầm trong miệng. Ông Giáo lại ghế nghi lấy cuốn sách Minh Tâm với cặp mắt kiếng rồi đi ra mà ngồi cái ghế để tại đầu bàn giữa phía ngoài cửa, dỡ sách ra đọc chữ rồi cắt nghĩa từng chữ, từng câu cho học trò nghe. Cậu Xuân cũng như Cúc Hương day lại phía trò ngồi gần liếc mắt dòm vào quyển sách mà dò chung với bạn. Ông Giáo cắt nghĩa được hai tờ sách rồi ông xếp lại mà nói: "Thôi bữa nay giảng bao nhiêu đó đã nhiều rồi. Bây học đi, có câu nào chưa hiểu rõ thì sẽ hỏi lại. Bây giờ để thầy giảng Mạnh Tử cho cúc Hương. Mấy trò cũng nên lóng nghe lần đặng hiểu chút đỉnh nghĩa lý sau học cho dễ". Ông đi lại ghế nghi đổi sách mà lấy "Mạnh Tử thượng quyển rồi kéo ghế ngồi đầu bàn phía trong. Ông thấy cậu Xuân ngồi khoanh tay không có sách trước mặt, ông mới biểu trò gái ngồi gần Cúc Hương đổi chỗ với Xuân đặng Xuân qua ngồi dựa bên Cúc Hương mà dò chung sách của Cúc Hương. Xuân vâng lời thầy mà đổi chỗ, không ái ngại chi hết. Cúc Hương đẩy cuốn sách qua phía Xuân. Thầy bắt đầu đọc từng câu mà cắt nghĩa xuôi rồi nói tới lý. Hai trẻ cúi mà dòm chung vào quyển sách, hai đầu gần đụng nhau, nhưng mắc lo dò cho nhớ chữ và hiểu nghĩa nên không ái ngại chi hết. Dạy được ba tờ sách rồi ông Giáo nói bữa đầu giảng ít một chút đặng khỏi ngán, quen rồi sẽ giảng nhiều hơn. Ông trao quyển sách của ông cho Xuân mượn. Ông lại bộ ván ngồi rót nước trà mà uống và lấy cây quạt mà quạt. Học trò đứa cầm vở lên hỏi chữ, đứa cầm sách lại hỏi nghĩa, tiếp tục lên xuống không ngớt. Xuân gầm đầu vào quyển sách không để ý đến việc chi khác, cũng không tính đổi chỗ ngồi trở lại đặng xa Cúc Hương. Mặt trời gần đứng bóng, ông Giáo thấy học trò các cấp đều lo học, không còn hỏi chữ nghĩa gì nữa, ông lại võng nằm, một hồi rồi bỏ đi lên nhà trên. Học trò biết thầy đi nghỉ trưa, tới giờ mình được thong thả nên rủ nhau tốp đi chơi, tốp đi chợ mua bánh về ăn. Phần đông thì ra chợ, nhưng đi riêng thì tốp đôi ba trò, chớ không đi chung. Trò nào không muốn đi thì gởi tiền cho chúng bạn mua giùm kẹo, cốm hoặc chuối nấu. Bây giờ trong trường chỉ còn có mười mấy trò, nhưng dụm nhau từ khóm năm ba trò, con trai thì ra sau hè đánh đáo, con gái thì ngồi dưới đất đánh đũa. Trên bàn giữa chỉ còn có Xuân với Cúc Hương ngồi êm, chăm chú ngó vào sách mà học, ngồi một bên nhau, nhưng không ai nói tới ai. Thình lình Cúc Hương kêu mà hỏi: "Anh Xuân, bài đầu ý nói cái gì vậy anh? Nãy giờ em suy nghĩ hết sức mà em hiểu không thấu. Học mà tập luôn luôn thì vui. Vui cái gì? Bạn ở xa lại thì mừng. Sao mà mừng? Người ta không biết mà nình không hờn, vậy mới là quân tử. Không biết giống gì? Anh hiểu sao đâu, anh làm ơn cắt nghĩa lại cho em nghe thử coi". Xuân ngó ngay Cúc Hương và nghiêm chỉnh đáp: "Theo lời thầy dạy hồi nãy thì bài nầy khó hiểu là tại chữ "học". Cô phải định nghĩa chữ "học" cho đúng thì tự nhiên cô hiểu hết". Cúc Hương cười mà nói: - Anh kêu em bằng cô nghe kỳ quá. Anh em học với nhau một trường từ hồi nhỏ, mà anh kêu cô thì dường như thuở nay chưa quen biết nhau. - Chớ kêu thế nào? - Kêu bằng em. - Cô đã lớn rồi. Kêu em sao phải. - Anh mấy tuổi mà anh nói em lớn? - Tôi 16 tuổi. - Em mới 15, nhỏ hơn anh một tuổi thì làm em là phải lắm chớ. Em muốn từ rày sắp lên anh kêu em bằng em cho có tình thân thích một chút, đừng kêu bằng cô nữa nghe hôn. - Muốn vây cũng được. Tự ý em. - Bây giờ anh cắt nghĩa bài sách lại cho em nghe đi. - Chữ "học" đây là học đạo nho, chớ không phải học đặng biết chữ Tàu, như mình học đây vậy. Sách nói: "Học nhi thời tập chi, bất duyệt hồ?". Tôi hiểu nghĩa như vầy: mình được nghe giảng về đạo nhân nghĩa của nho giáo; rồi mỗi giờ mổi khắc mình gia công rèn tập, làm y như lờI dạy; mình học đã đắc đạo há mình không vui lòng đẹp dạ hay sao? Chữ "duyệt" là vui đẹp, nhưng vui đẹp ở trong chớ không lộ ra ngoài. - Anh giải nghĩa như vậy thì đễ hiểu quá. Em hiểu rồi. Hồi nãy em bối rối là tại em không biết định nghĩa chữ "học". Để em giải câu thứ nhì cho anh nghe coi trúng hay không. "Hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ?" Ý sách nói: có người bạn ở phương xa họ nghe mình học đã đắc đạo, họ đến mà bàn luận hoặc học hỏi với mình, được như vậy mình không vui hay sao?" - Em nói như vậy thì trúng lắm. Nhưng em nên nhớ chữ "lạc" nghĩa là vui như chữ "duyệt", song vui lộ ra ngoài chớ không phải vui ở trong như "duyệt". - Cám ơn anh. Em sẽ nhớ. Còn câu chót, phải như vầy hay không? "Nhơn bất tri nhi bất uẩn bất diệc quấn tử hồ?" nghĩa là: ví dầu người ta không hay, không biết mình tu tập đã đắc đạo, nếu không ai tìm tới đặng học hỏi với mình, mà mình cũng không hờn trách, mình ăn ở được như vậy không phải là quân tử sao? Cắt nghĩa như vậy trúng hay không anh Xuân? - Trúng lắm. Em giỏi quá. - May có anh học với em; nên em học dễ mà lại vui nữa. Nếu để em học một mình, chắc em bối rối lắm. Anh thôi học chữ Tây hay sao nên trở lại học chữ nho đây anh Xuân.? - Lúc nầy bãi trường, tôi được nghỉ tới hai tháng. Hồi nãy tôi ghé thăm thầy. Thầy nói bữa nay thầy bắt đầu dạy em học bộ Mạnh Tử. Thầy biểu tôi nhơn bãi trường được ở nhà, tôi nên học luôn Mạnh Tử với em đặng thông trọn bộ Tứ Thơ. Tại vậy nên tôi mới học đây, chớ không phải tôi bỏ chữ Tây. Chừng khai trường tôi phải đi học thêm một năm nữa cho mãn lớp nhứt rồi mới thôi. - Nếu vậy thì anh học ở đây tới hai tháng. Em học Mạnh Tử có anh dìu dắt. Em mừng lắm. Em học xong bộ Tứ Thơ rồi em cũng thôi, đặng ở nhà tập buôn bán. Anh nhắm coi trong hai tháng mình học hết bộ Mạnh Tử hay không? - Thầy nói thầy rán dạy cho hết. - Em mừng quá. Mình được học với nhau tới hai tháng. Chừng thôi mình sẽ thôi với nhau một lượt. Anh không có sách Mạnh Tử hay sao? - Có ở nhà. Bữa nay tình cờ thầy biểu học, tôi có dè đâu mà đem theo. Ngày mai tôi sẽ có sách. - Dầu không có, anh học chung sách của em cũng được. Anh học nho giỏi, năm đó anh bỏ nho mà học chữ Tây, thầy tiếc quá. Em cũng buồn. Tại sao anh bỏ nho học đặng theo tân học vậy anh Xuân? - Tại ý cậu tôi muốn như vậy. Cậu nói con người trước hết phải lo cho no cơm ấm áo. Đi học phải chú trọng về cơm áo ngày sau. Đời nầy mà còn học nho để dùng vào chỗ nào. Cha tôi mất, má tôi nghèo, nên tôi phải nghe lời cậu tôi mà bỏ cũ theo mới. - Vì cơm áo nên đi học. Học như vậy em sợ không được cao thượng phải hôn anh? - Phải lắm. Nhưng nhà nghèo, ăn bữa trước phải lo bữa sau làm sao mà nghĩ đến cao thấp cho được em. Tôi đi Gò Công mà học hai năm nay, may có hoc bổng tôi học mới được. Nếu không có thì tôi cũng phải bỏ rồi mặc dầu cậu mợ tôi cho tôi ăn cơm. - Anh có chí háo học, lại có khiếu thông minh, mà bị nhà nghèo, thiệt uổng quá. - Mỗi người đều có mạng riêng. Tôi không phiền mà cũng không tiếc chi hết. - Anh đói bụng hôn anh Xuân? Em có tiền đây. Để em mượn học trò đi mua cốm chùi cho anh ăn. Mặc dầu Xuân cản, nói không đói bụng, Cúc Hương cũng đứng dậy đi lại chỗ mấy trò gái đương đánh đủa mà đưa tiền mượn một trò đi mua đồ ăn. Một lát trò ấy đem vô hai miếng cốm gạo với hai vắt cốm chùi. Cúc Hương bẻ ra thưởng cho trò đi mua nửa vắt cốm chùi, rồi mời Xuân ăn chơi. Xuân từ chối không chịu ăn, cử nói không đói. Cúc Hương làm mặt buồn mà hỏi: "Cốm của em mua nên anh chê phải hôn? Em cũng không đói. Sở dĩ em mượn đi mua là vì bữa nay gặp nhau lại, còn được học chung với nhau nữa, em mừng, em muốn anh em ăn chung thứ gì một chút cho vui vậy thôi. Anh ăn cốm của em mua, có gì đâu mà mắc cỡ. Anh từ chối em buồn lắm. Anh ăn một thẻ cốm gạo đây". Cúc Hương lấy một miếng cốm gạo đưa cho Xuân. Với những lời thiết tha vừa nghe đó thì khó cho Xuân từ nữa được, nên cậu phải lấy miếng cốm gạo của Cúc Hương đưa mời. Nhưng cậu lấy rồi cậu bẻ ra làm hai, để phân nửa trên miếng cốm thứ nhì, còn phân.nửa cầm mà ăn. Cúc Hương vói lấy nửa miếng để lai đó mà ăn và nói: "Anh chia hai như vậy em chịu lắm. Anh ăn phân nửa, em phân nửa". Hai trẻ ngó nhau, đồng cười với nhau. Tuy Xuân thôi học trường nầy đã hơn ba năm, nhưng ở chung một chợ, hai trẻ lâu lâu thì gặp nhau ngoài đường hoài. Mà gặp thì thấy thoáng qua vậy thôi, chớ không ngó cho kỹ. Tình cờ hôm nay được ngồi dựa bên nhau, được nói chuyện với nhau nhiều, lại nãy giờ lật sách, chỉ chữ, nhiều khi đụng chạm tay nhau, cả hài trẻ đồng nhận hình dạng bây giờ biến đổi khác hẳn với hình dạng ngây thơ hồi trước, rồi trong lòng xúc động, dường như có cái gì nó lay chuyển trong đầu óc, mà nó còn làm phơi phới trong ruột gan nữa vậy. Cúc Hương thấy Xuân bây giờ là một cậu trai mạnh mẽ, gương mặt hiền từ, cặp mắt sáng trưng, tướng mạo nghiêm trang, nói chuyện hòa hưởn. Xuân khác hẳn mấy cậu trai tía lia, vúc vắc, mà cũng không giống lấy cậu nhút nhát sụt sè. Tuy Xuân là con nhà nghèo mặc quần áo vải bô, song từ văn nói cho tới thái độ, con nhà giàu khó mà bì kịp. Còn cậu Xuân thấy Cúc Hương năm nay đã ra mã con gái, tóc bới vén khéo, mặc áo lụa quần hàng, nét mặt vừa đẹp đẽ, vừa thuần hòa, tiếng nói vừa trong ngần, vừa lễ nghĩa. Đã vậy mà còn thêm tướng đi yểu điệu miệng cười có duyên, ngón tay no tròn, nước da trắng đỏ. Cả nhan sắc và tánh tình đều hiệp nhau, khêu gợi ham thèm của trai mới lớn lên. Cậu Xuân tuy nết na đầm thấm, cử chỉ đàng hoàng song cậu cũng có máu có thịt, biết muốn, biết yêu, nên thân cận với Cúc Hương, cậu chẳng khỏi rúng động can trường như muôn ngàn thanh niên khác. Cúc Hương thấy xuân ăn hết miếng cốm gạo rồi, cô liền lấy vắt cốm chùi bẻ làm hai mà đưa phân nửa cho Xuân và nói: "Anh ăn thêm nửa vắt cốm chùi với em, rồi em đi múc nước cho anh uống. Có anh học chung với em, học tới chừng nào, em cũng không lo". Xuân không có lý mà từ được những lời mời hữu tình, hữu nghĩa của Cúc Hương, nên phải lãnh ăn thêm nửa vắt cốm chùi nữa. Cúc Hương vui vẻ nói chuyện không ngớt, chừng thấy Xuân ăn rồi cô mới vô trong lấy tô múc một tô nước mưa bưng ra cho Xuân uống và rửa tay. Cô đứng ngó Xuân, cô rất vui lòng mà được cho Xuân ăn uống, bởi vậy cô chúm chím cười hoài. Đợi Xuân rửa tay rồi cô lấy tô với cốm ăn không hết đem lại chỗ ba trò gái đánh đũa mà mời ăn cốm rồi nhờ đem giùm cái tô vô trong mà cất luôn. Chừng cô trở lại cái bàn giữa thì thấy Xuân đã đem sách vở qua ngồi phía bên kia, đối diện với cô nên cô hỏi: - Sao anh không ngồi bên nầy nũa? - Tôi có sách nên không phép ngồi chung hoài, nhứt là không có thầy. - Em hiểu rồi. Thôi bây giờ để em đọc và cắt nghĩa nghe luôn. Anh dò coi nếu có chỗ nào sái, anh sửa giùm cho em. Bây giờ Cúc Hương mới đọc và giải nghĩa. Xuân dò theo, chỗ nào Cúc Hương giải không rành thì Xuân nói thêm, có khi Cúc Hương cầm sách đi qua đứng một bên Xuân mà nói chuyện. Xế rồi, Học trò đi chợ hoặc đi chơi lần lượt trở về đủ hết. Bàn nào cũng lo học lại đặng một lát nữa thầy sẽ xuống mà dọn bài. Mấy trò nhỏ nếu quên chữ nào hay là không hiểu câu nào thì hỏi mấy trò lớn mà học. Đó là tục lệ của trường ông Giáo Huân thuở nay, hễ lớn thì phải giùm giúp nhỏ, giỏi phải nâng đỡ dở, cho không phải như thói đời lớn thì hiếp nhỏ, giỏi thì khi dở. Ông Giáo Huân nghỉ trưa, ông thức dậy tắm và uống trà rồi ông mới xuống trường. Ông dọn bài lớp nhỏ ngồi hai bàn hai bên rồi ông cho về trước. Còn bàn giữa, học Minh Tâm với Tứ Thơ, thì ông để ở lại đặng ông dọn kỹ. Ông biểu một trò trong đám học Minh Tâm đọc rồi giải nghĩa từ câu trong mấy tờ sách ông đã dạy hồi sớm mơi. Mấy trò khác ngồi dò mà nghe. Trò nầy giải vài ba câu thì ông biểu trò khác giải tiếp. Có câu nào giải trật, hoặc không rành, thì ông chận mà giải lại. Qua tới Mạnh.Tử, ông Giáo buộc Cúc Hương phải giải. Cúc Hương nhờ có Xuân cắt nghĩa giùm rành rẽ trước rồi, nên cô giải có mạch lạc, nói đủ ý nghĩa, không sai không sót chi hết, làm cho ông Giáo rất hài lòng, nên ông khen Cúc Hương nửc nở, mặc dầu ông biết có Xuân phụ giúp nên Cúc Hương mới thông được như vậy. Gần nửa chiều, dọn bài xong rồi, ông Giáo cho về hết. Xuân bước lại để quyển Mạnh Tử trên ghế nghi và xá thầy mà ra trước một mình. Cậu sợ mẹ không biết cậu đi đâu nên mẹ trông, bởi vậy cậu riết về nhà ở xóm Cây Me lớn. Cúc Hương ôm sách thủng thẳng ra sau, rồi tẽ xuống phía chợ đặng về nhà ở dựa mé kinh.