Bữa đó cũng như thường lệ, đến xế ông Kinh Lương thay đồ rồi ngồi chờ Vĩnh Xuân lại đặng đi làm việc với nhau một lượt cho vui. Gần tới giờ hầu mà chưa thấy Vĩnh Xuân, ông bèn bước lại kêu thầy. Vĩnh Xuân cũng đã thay đồ rồi, nhưng thầy ngồi tại bàn viết, đương chong mắt nhìn bút tích của Cúc Hương, dường như mặc niệm mà trông cậy bạn khuất mặt chỉ giùm đường lối đặng đi cho khỏi lầm, khỏi lạc. Thấy dạng ông Kinh ngoài cửa, thầy giựt mình nhớ lại cuộc đời cơm áo hằng ngày, thầy lật đật đứng dậy đi liền với ông Kinh, cứ ngó trước mặt mà đi, không nói chi hết. Ông Kinh biết Vĩnh Xuân đương bối rối, ông không dám nhắc tới việc Cẩm Nhung. Chừng đi gần tới cửa Tòa Bố, thình lình Vĩnh Xuân nói: “Tối nay tôi sẽ cậy ông bà phân xử giùm việc nhà của tôi. Thiệt khó quá, tôi không biết phải xử trí cách nào cho thỏa thuận mà rẻ phân, tôi khỏi mang tiếng dại khờ, mà người ta cũng khỏi bị chê cười xấu hổ”. Ông kinh nói: “Mình lo phận mình, còn chuyện của họ thì họ làm sao họ làm, hơi nào mà lo”. Chiều ăn cơm rồi, vợ chồng ông kinh đợi tối một lát mới lại nhà Vĩnh Xuân. Ông Kinh thì bình tĩnh như thường, còn bà Kinh thì sắc mặt đầm đầm, không còn những nét bải buồi, vui vẻ như cũ. Vợ Chồng ông Kinh bước vô thì thấy Vĩnh Xuân ngồi tại bàn viết, Vĩnh Tân đứng một bên, hai tay ôm bắp vế cha mà nói chuyện líu lo, còn bà Hương văn thì Ngồi trên ván ngó con ngó cháu vui cười, hí hởn. Trông quang cảnh gia đình đầm ấm như vậy, ông Kinh bất nhẫn nên lạnh ngắt trong lòng, thầm tiếc hạnh phúc của người bạn tri âm rồi đây sẽ tiêu tan, chỉ để lại thêm một vết thương tâm phải mang trọn đời, cũng như vết thương cũ hàn không lành, chữa không dứt. Vĩnh Xuân lật đật đứng dậy mời ông Kinh ngồi bàn giữa, Vĩnh Tân bỏ cha chạy lại đứng một bên bà nội. Bà Kinh vói bồng cháu để trên ván, rồi ngồi một bên vuốt ve. Bà Hương văn biểu Vĩnh Tân nằm đặng bà quạt cho mà ngủ, rồi bà hỏi bà Kinh: -Hồi sớm mơi thấy bà kêu xe đi đâu đó vậy? -Đi qua bên Chợ Cũ. -Phải tôi hay bà qua Chợ Cũ tôi đi với bà đặng đem Tân qua thăm ngoại nó. -Thôi, thăm viếng làm chi. Bà Chủ có nhớ cháu ngoại thì bả qua đây. Có luật gì buộc chị phải đem cháu đi thăm bả. Ông Kinh hỏi Vĩnh Xuân: -Hổm nay thầy thông có nói chuyện thơ từ đó cho chị Hương văn nghe hay chưa? -Chưa. Tôi sợ má tôi buồn nên tôi không dám nói. -Nói phứt cho rồi, còn giấu làm chi lữa. Bà Hương văn hỏi bà Kinh: -Chuyện gì vậy? Sao lại giấu tôi? -Để thầy thông thẩy nói cho chị nghe. Mổ phứt mục ghẻ đi thầy thông. Còn mong mỏi sự gì nữa mà dung dưỡng. Nó đã tầy uầy rồi. Vĩnh Xuân buồn bực nó: “Thưa má, việc nhà rối lăm. Vì con sợ má buồn nên hổm nay con không dám nói cho má hay. Mà cũng vì hổm nay con nghe phong phanh chớ chưa dám chắc. Bữa nay con có đủ bằng cớ rồi, không sợ nghi lầm nữa. Vậy con phải tỏ thiệt cho má rõ. Mẹ thằng Tân lấy trai má à …” Bà Hương văn la lớn: -Úy! Trời đất ơi! Có thiệt như vậy hay không con? Đừng nói oan cho nó, xấu hổ nó tội nghiệp lắm. -Con sợ oan, nên con dò hỏi kỹ lưỡng lắm. Để con nói má nghe. Từ ngày vợ con sanh thằng Tân rồi thì nó lấy cớ cần dùng thanh khí đặng bồi bổ sức khỏe, nên ban đầu nó về ở bên nhà thường hơn bên nây. Trót năm sáu tháng đây bà gia con bịnh, nó xin ở luôn bên nhà đặng săn sóc và mỗi tuần đưa lên Sài gòn đặng đốc tơ tiêm thuốc. Cách chừng mười bữa rày con có tiếp được thơ, của một người nào trên Sài gòn không biết, gởi cho con hay vợ con lên trển làm việc tồi bại và khuyên con nếu muốn giữ danh giá cho vẹn toàn, thì đừng cho vợ con đi Sài gòn nữa. Vài bữa sau, vợ con qua thăm. Con dặn đừng đi Sài gòn nữa. Nó nghe dặn như vậy thì nó tái mặt, làm cho con phát nghi đã đụng chạm đến chỗ bí mật của nó rồi. Nó bối rối, nhưng nói bà gia con một tháng mới đi tiêm thuốc một lần, chớ khỏi đi mỗi tuần nữa. Nó lại hứa tháng tới bà gia con đi thì nó cậy anh Ba nó đưa đi, nó ở nhà coi nhà. Té ra hôm qua con có được cái thơ thứ nhì cũng ở trên Sài gòn gởi nói bữa thứ hai vợ con có lên, nó đi một mình, ở tới sáng thứ ba mới về. Trong thơ người ta nói vì sợ phạm danh giá của con nên người ta để cho nó về. Nếu nó còn lên nữa, thì thì người ta sẽ xởn đầu tóc của nó, không vị tình con nữa. -Họ gởi thơ nói như vậy mà biết có đi hay không. Nó đã hứa với con rồi, cỏ lẽ nào nó dám đi. Bà Kinh tức quá, bà dằn không được nữa, nên bà nói: -Có đi thiệt chị à. Hồi sớm mơi tôi qua bển tôi dọ, bà Chủ nói với tôi đây không chắc hay sao. Tôi hỏi thăm thuốc men. Bả nói dưới nầy không có bán. Hễ hết thuốc thì phải lên Sài gòn mà mua. Cẩm Nhung mới đi hôm thứ hai, nó mua đem về đó. -Như vậy thì chắc rồi. -Còn gì nữa mà sợ oan ức? -Mà mẹ thằng Tân lấy ai trên Sài gòn? -Thơ không có nói lấy ai, chỉ nói phá gia cang của một người có hai đứa con thơ. -Chuyện kỳ cục quá. Thiệt tôi nghe như sét đánh bên tai vậy. -Cái nầy mới khổ lung nữa chớ. Cẩm Nhung có chửa chị à. Hồi sớm mơi qua bển tôi ngồi một bên nó, tôi thấy rõ ràng. Nó có chửa hơn ba tháng. -Bà thấy vậy hay sao? Hôm qua nó thăm lần chót đây, tôi thấy bộ tịch nó tôi cũng nghi có thai. Nhưng tôi nghĩ mấy tháng nay nó có gần gũi với chồng nó đâu mà có nghén được, nghĩ như vậy rồi tôi bỏ qua. -Thầy thông nói bốn năm tháng nay Cẩm Nhung về thăm giây lát rồi đi về bển chớ ngủ bên nây đêm nào đâu. Vậy thì nó lấy trai nên có chửa đó chớ gì. Mà coi thế nó mê lắm, bởi vậy nghe thầy thông cấm không cho đi Sài gòn nữa, vậy mà cũng lén đi cho được, chắc đi đặng thông tin cho tình nhơn hay chồng đã nghi rồi không còn được thong thả nữa. -Cha chả, việc rối rắm quá, bây giờ phải tính làm sao đây? -Chị là mẹ chồng. Quyền quyết định về phần chị, bởi vậy tôi với ông Kinh lại cho chị hay coi chị liệu lẽ nào. Bà Hương văn bối rối, ngó xuống ván thấy Vĩnh Tân đã ngủ rồi, nằm coi thơ thới, vô ưu vô lự. Bà quạt cho cháu ít quạt rồi nói: “Thiệt khó liệu quá. Nhờ ông bà làm mai, tôi được Cẩm Nhung cho Xuân, tôi mừng hết sức. Tôi nghèo mà làm sui với nhà giàu có sang trọng. Chị sui tử tế, con dâu dễ thương, được như vậy đã có phước lắm rồi, còn ước mơ sự gì nữa. Không đầy một năm, dâu tôi nó sanh cho tôi một đứa cháu nội, phước nhà tôi càng thêm lớn, lòng tôi càng quí trọng con dâu. Tôi được vui, tôi không nỡ làm cho dâu buồn, bởi vậy đối với nó tôi cư xử hết sức dễ dàng, tôi cho nó thong thả, muốn về bên nhà chừng nào cũng được, về rồi muốn qua chừng nào cũng được. Tôi có dè sự dễ dàng của tôi mà sanh tai hại như vậy đâu. Tôi nói thiệt, mất con dâu quí tôi tiếc lắm, ngặt người đàn bà có chồng mà sanh ngoại tình, thì chồng làm sao dám lân la gần gũi nữa, gần gũi rồi thiên hạ coi ra gì. Hồi trước ông với bà thương con tôi, nên xe tơ kết tóc giùm cho nó. Bây giờ rủi có chuyện như vầy, xin ông bà cũng làm ơn gở rối giùm, cho Xuân tôi khỏi xấu hổ, khỏi buồn rầu. Nghĩ việc đời tôi dửng dừng dưng. Chồng con sờ sờ đó mà đành bỏ hết đi lấy người khác được. Lòng dạ như vậy không biết sao mà nói. Con nhà giàu sang mà còn vậy, đến hạng nghèo hèn mới sao? Phong hoá biến đổi đến thế nầy thì cang thường luân lý còn gì đâu mà kể?”. Bà Kinh nóng nảy, bà rán bình tĩnh ngồi nghe, nhưng lửa phẩn uất hừng hực trong lòng, bởi vậy bà Hương văn vừa dứt lời thì bà không để cho ông Kinh trả lời, bà hớt mà nói: “Thứ đàn bà hư, đã có chồng, có con mà còn lấy trai thì cạo đầu mà trấn nước nó cho rồi, cần gì mà phải liệu. Hồi cựu trào, thứ đàn bà đó bị xử nặng lắm. Người ta buộc hai chưn vào hai con voi rồi đánh voi đi đặng xé thây làm hai. Đời nay dễ quá, nên mới sanh tồi bại. Theo ý tôi, thì con Cẩm Nhung đã hư, không biết thủ trinh, thủ tiết với chồng, thì thầy thông nên đạp đít nó cho rồi, còn nghĩ tình nghĩa vợ chồng làm chi nữa. Nhưng không lấy thì phải khuấy cho hôi. Phải làm cho cả dòng họ nó mang xấu rồi sẽ bỏ. Phải trị thói gian dâm cho thẳng tay đặng nêu gương cho người khác sợ mà phải giữ tiết trinh, giữ đạo làm vợ. Cẩm nhung là con nhà giàu, ngày sau nó hưởng một phần gia tài của cha mẹ. Gia tài đó có mất đâu mà sợ. Nó có con, thì ngày sau Vĩnh Tân cũng được hưởng gia tài của mẹ như mấy đứa con khác. Có mất phần đâu”. Ông Kinh nói: “Người phải mới quí, chớ gia tài quí gì mà kể. Để thủng thẳng mà tính. Bà nó không nên nóng quá rồi sau phải ăn năn. Cẩm Nhung nó thất tiết với chồng, thì thầy thông phải ly dị đã đành. Vợ lấy trai, nó đã hết thương mình, nên nó mới thương người khác được, thế thì còn tình nghĩa gì mà ăn ở với nó. Dầu mình nó cẩn ngọc hay phết vàng đi nữa, cũng không ai thèm. Ngặt theo luật của mình từ đời Hồng Đức sau luật Gia Long cũng để y như vậy, người đàn bà có chồng, nếu phạm một tội nào trong bảy tội có định trong luật, thì chồng mới được để bỏ. Đã vậy mà nếu người vợ đã có chịu tang cho cha mẹ bên chồng, hoặc không còn cha mẹ, anh em đặng trở về mà nương dựa thì luật không cho người chồng để bỏ. Bây giờ tuy Tòa Tây xử hình, xử hộ hết thảy, song sự vợ chồng ly dị, Tòa cũng cứ chiếu luật thất xuất của mình mà phân xử. Cẩm Nhung lấy trai, thì phạm một tội trong luật thất xuất, chồng cũng có thể kiện mà phá hôn thú được. Nhưng trong vụ để bỏ, Tòa thường chăm nom số phận của người vợ, nên kiếm đủ cách mà hòa giải. Bởi vậy để vợ khó lắm, chớ không phải đễ đâu. Bà nó tưởng muốn để vợ thì làm đơn nói vợ lấy trai rồi Tòa cho để liền hay sao. Đâu mà được. Phải trưng bằng cớ vợ lấy trai mới được chớ”. Bà Kinh tức giận nói: -Thầy thông trình hai bức thơ đó cho Tòa xem. Nài tôi làm chứng, đặng ra giữa Tòa tôi khai bà Chủ có nói với tôi bữa thứ hai đó cẩm Nhung có đi Sài gòn. -Bằng cớ và chứng khai như vậy chưa đủ cho Tòa tin. Người ta ghét Cẩm Nhung, người ta rơi thơ mà cáo gian, hoặc chồng muốn để vợ, nên viết thơ mượn người lên Sài gòn mà gởi cũng được vậy. Cẩm Nhung đi Sài gòn mua thuốc cho mẹ uống thì có lỗi gì? Lấy trai mình phải bắt được quả tang, lại phải có nhà chức trách làm chứng, hoặc mình bắt được thơ tình của vợ gởi cho trai hay là của trai gởi cho vợ, mới thành bằng cớ được chớ. -Nói như ông vậy, thì thầy thông phải khoanh tay để cho Cẩm Nhung lấy trai hoài hay sao? Đây rồi nó sanh con, thẩy phải bồng mà nuôi nữa sao? Để vậy mà xấu hổ quá chịu sao được. Lại nó có chửa nữa, phải làm sao cho thầy thông khỏi mang đứa con tội lỗi đó chớ. Bà Hương văn nói: “Tôi nghĩ lại tôi tiếc con Cẩm Nhung quá. Thiệt ba năm nay, đối với tôi, nó không có làm điều chi cho tôi cảm tình hay cảm nghĩa như con Cúc Hương hồi trước. Về tình nghĩa thì nó không bằng Cúc Hương thiệt, nhưng nó không thất lễ với tôi, không dám tỏ ý khinh khi tôi chút nào. Mà nó lại sanh cho tôi được một đứa cháu nội, bao nhiêu đó đủ cho tôi cám ơn và yêu mến. Nếu nó khờ khạo, rủi quấy với chồng nó chút đỉnh, nó biết ăn năn qua xin lỗi với tôi và chồng nó, thì tôi có lẽ động lòng mà hỉ xả cho nó, bắt nó về ở bên nây vậy thôi, đặng chồng vợ hiệp hòa, mẹ con thân ái cho xong. Bà Kinh cãi: -Hỉ xả sao được chị? Nó lấy trai đã có chửa rồi, chị bắt thầy thông phải rước về mà nuôi hay sạo? -Tôi dòm thằng Tân, tôi bất nhẫn quá bà à! Nó có tội lỗi gì mà mới bây lớn mình bắt nó phải lìa xa mẹ, phải dứt tình mẫu tử! Ngặt Cẩm Nhung đã mang bụng chửa, mình dung cho nó sao được. -Tại vậy mới khó liệu. Bà Hương văn lấy vạt áo lau nước mắt rồi quạt muỗi cho Vĩnh Tân. Ông Kinh nói: “Cái hư cửa Cẩm Nhung đã đến cực điểm rồi, không thể nào rộng dung cho được. Dầu chị Hương có thương nó cho mấy đi nữa, thầy thông cũng phải phân rẽ. Nếu để nó lân la tới nhà nữa, thì thiên hạ chê cười. Họ sẽ nói thầy thông mê vợ giàu, đến vợ bỏ đi lấy trai mà thầy cũng còn đeo theo, không chịu đoạn tuyệt. Ấy vậy thế nào thầy thông cũng phải kiếm cớ mà để vợ cho toàn danh tiếng. Nhưng theo ý tôi không nên làm lở vỡ cho thiên hạ hay làm chi. Mình nên liệu thế nào rời nhau một cách êm thấm thì tốt hơn. Quậy tùm lum đặng cho người ta mang xấu có ích gì cho mình? Mình lấy bùn mà bôi lên đầu, lên mặt người ta, mình cũng phải lấm tay chút đỉnh chớ khỏi áo được. Thầy thông nghĩ coi tôi nói như vậy có phải hay không? Ý bà nói vậy nên muốn làm rùm beng cho cả dòng họ nó mang nhục. Làm chi vây? Bà Chủ có con, dầu bả cưng con, có lẽ nào bả xúi dục cho con hư hay sao mà oán bả? Bà con dòng họ cũng vậy, mấy năm nay ai cũng quí trọng thầy thông, tôi tưởng có ai muốn cho vợ thẩy hư làm chi, mà mình tính làm cho họ mang tiếng xấu. Ý thầy nghĩ sao đâu thầy nói nghe thử coi thầy thông?” Vĩnh Xuân nghiêm nghị, ôn hòa, thủng thẳng nói: “Tôi hiệp ý với ông Kinh lắm. Nãy giờ tôi ngồi nghe ông bà với má tôi bàn tính, tôi suy nghĩ kỹ rồi. Vợ tôi phạm tội lớn quá, tôi không thể nào còn mang cái danh chồng chánh thức của người đàn bà như vậy nữa được. Dầu má tôi có mang ơn Cẩm Nhung hay là có thương phận Vĩnh Tân cho mấy đi nữa, cũng không thể hỉ xả cái tội lớn của vợ tôi đó được. Còn ý bà Kinh muốn quậy cho xấu tất cả thân tộc của vợ tôi, cái đó tôi nghĩ không nên, bởi vì ở đời ai cũng muốn tốt, chớ ai muốn xấu làm chi. Vợ tôi sa ngã, tôi muốn cho đó là sự rủi ro, đó là tai họa xảy ra trong gia đình, cũng như tôi không tránh khỏi, mà bà già tôi, cũng như mấy anh mấy chị, không ai mổn hết. Bởi nghĩ như vậy nên tôi không giận vợ tôi mà tôi cũng không nỡ phiền ai hết”. Vĩnh Xuân nói tới đó rồi ngừng lại, mắt ngó ngọn đèn, bộ tư lự dường như tìm nhớ việc dĩ vãng xa xuôi. Vợ chồng ông Kinh với bà Hương văn đều chong mắt ngó thầy, có ý đợi coi thầy xử trí thể nào mà lại nói không giận, không phiền ai hết. Vĩnh Xuân nín một chút rồi ngồi xõng lưng lên nói một cách mạnh mẽ: “Vợ tôi sanh trắc nết, nó thất tiết với chồng, là có lỗi nặng. Việc ấy đã đành như vậy. Nhưng nếu xử cho công bình, thì tôi phải nhận định lỗi ấy tại tôi gây ra, tại tôi xô đẩy cho vợ tôi té xuống hầm xuống hố. Trước khi chịu cưới vợ, tôi đã biểt lòng tôi đã khô, tình tôi đã cạn. Thế mà muốn cho mẹ vui, tôi cưới vợ về, tôi không lo nhen nhúm lại bếp lửa tình, tôi không biết dan díu, tôi không thèm ngó ngàng đến con vợ mới lớn lên, nó đương khao khát thương yêu; nó mong đợi ở tôi không được, tự nhiên nó phải đi tìm nơi khác. Nếu tôi ăn ở như muôn ngàn người chồng khác, cứ khắn khít với vợ, chăm nom, khêu gợi tình yên của vợ, thành tâm xây dựng hạnh phúc gia đình đặng vợ chồng chung hưởng với nhau, thì con vợ tôi nó sẽ là một người vợ hiền như ai, có lẽ nào nó đành phụ rãy người chồng thành thật thân yêu mà ôm cầm sang thuyền khác. Ấy vậy vợ tôi hư, tôí có lỗi trong đó ít lắm là phân nửa. Tôi không được phép giận hờn phiền trách con vợ tôi”. Bà Kỉnh nghe Vĩnh Xuân nói xuôi xị, bà không thể nín được, nên bà chận mà hỏi: -Thầy thông nói như vậy thì bây giờ bỏ qua chuyện nầy hay sao? -Không thế bỏ qua được. Tuy tôi nói vợ tôí hư, tôi có lỗi trong đó, song lỗi của vợ tôi cũng lớn quá, không thể dung được. Bề nào vợ chồng tôí cũng phải rã rời, còn mặt mũi nào mà thấy nhau nữa. Nhưng ý tôi muốn rã rời một chách êm thấm, chẳng cần hờn giận nhau, chẳng nên nói xấu cho nhau. -Phải thưa kiện mới để bỏ được. Hễ thưa kiện thì phải kể tội lấy trai, chớ giấu sao được. Mà kể tội tức phải nói xấu, rồi tự nhiên phải giận hờn làm sao tính êm cho được. -Tôi không muốn xướng ra mà kiện xin để. Tôi kiện, tôi phải hài tội của vợ tôi, tự nhiên nó phải mang tiếng xấu. Bỏ vợ, mình không nên nói xấu cho nó, phải để cho nó có thể lấy chồng khác. Tôi muốn vợ tôi nó vô đơn xin để tốt hơn tôi. -Lấy cớ gì mà kiện thầy được? -Có vợ chồng khác tánh ý nên không thuận hòa làm cho gia đạo xào xáo. Vì vậy nên vợ chồng thỏa thuận phân rẽ đường ai nấy đi. Tòa đòi tôi mà hỏi, tôi cũng ưng thuận rẽ phân. Tuy tòa kiếm thế giải hòa nên phải dây dưa vài tháng, nhưng rốt cuộc tòa cũng cho để được. -Như đàng gái họ không chịu xướng ra mà kiện thì làm sao? -Phải nói với họ, nếu họ không chịu kiện thì tôi phải kiện, nếu tôi kiện tự nhiên tôi phải hài tội lấy trai, mà tôi còn phải ngăn cấm chừng sanh đứa con đương mang trong bụng không được để tên tôi là cha. Tôi kiện thì tôi phải nói tùm lum, xấu hổ lắm. Họ muốn che đậy cái nhục, tự nhiên họ phải nghe lời mà kiện, đâu dám để cho tôi kiện … -Bây giờ ai đi nói với Cẩm Nhung đây? -Tôi cậy bà chớ biết cậy ai. Ông Kinh nói: “Thầy thông tính như vậy thì hạp với đạo quân tử. Thầy thông không lẽ mang mặt qua Chợ Cũ mà nói chuyện nầy được. Tôi cũng không thể đi thế cho thẩy. Chớ chi ông Chủ Thiệu còn sống thì tôi mới qua bàn tính với ổng được. Có một mình bà nó đi thì phải hơn hết. Hồi trước bà nó làm mai. Bây giờ cơm không lành, canh không ngon, thì bà nó phải hòa giải”. Bà Kinh đáp: -Ông nó muốn tôi đi thì tôi đi. Tôi có nệ gì đâu. Nhưng qua nói làm sao, phải dạy cho tôi biết đặng tôi nói cho trúng ý. -Bà nó qua nói chuyện riêng với bà Chủ, đừng cho Cẩm Nhung hay là ai trong nhà nghe. Bà nó phải đem hờ hai cái thơ theo đặng nếu bà Chủ không tin, thì đọc cho bả nghc. -Tôi có biết chữ quốc ngữ đâu mà đọc. -À còn chuyện trắc trở đó nữa. Bà không biết đọc thì lấy ra lăm le cho bà Chủ thấy rồi thuật sơ mỗi bức thơ cho bà ấy nghe. Như bả muốn biết rõ thì bả kêu con bả đọc, mà thế nào cũng đừng cho bả lấy hai thơ đó, phải đem về trả lại cho thầy thông đặng chừng kiện ra tòa nếu có cần dùng thì thầy trình ra cho Tòa xem. Còn việc của Cẩm Nhung, bà biết cháo chang. Bà cứ thuật có đầu có đuôi cho bà Chủ nghc. Sau rốt bà nói ý thầy thông đã nhứt định phân rẽ, vì vợ thầy đã lấy trai có chửa, thầy không thể dung tha được. Song thầy không muốn làm tùm lum cho vợ thầy mang xấu, nên thầy khuyên vợ thầy vô đơn xin phá hôn thú. Bà nói y theo ý thầy thông nói hồi nãy đó. -Nếu bà Chủ binh con, bà cái lẫy nói con bả chính chuyên, không có lấy ai hết, nó ăn ở với thầy nên có thai nghén đó, chớ không phải lấy trai, thì tôi phải làm sao thầy thông? Vĩnh Xuân châu mày đáp. -Nếu có lỗi mà còn cượng lý, không chịu nhận lỗi, thì bà nói cho bà gia tôi biết, tôi sẽ vô đơn kiện liền. Mà tôi kiện thì tôi phải nói ngay vợ tôi lấy trai và tôi xin Tòa chứng nhận cái thai trong bụng không phải là con của tôi. Tôi khai tùm lum xấu hổ thì chịu lấy. -Được tôi hiểu rồi. Như bà Chủ chịu cho Cẩm Nhung kiện xin phá hôn thú, thì thầy có buộc điều chi nữa không? -Tôi buộc hai điều nầy: thứ nhứt không được xin bắt con, phải để Vĩnh Tân cho má tôi nuôi, thứ nhì không bắt tôi phải chịu tiền cơm cho vợ tôi mỗi tháng trong lúc Tòa chưa lên án cho ly dị, bởi vì tôi nuôi cơm đặng ăn no rồi đi lấy trai thì kỳ quá. -Giàu có mà đòi tiền cơm nỗi gì. Thầy giao hai phong thơ cho tôi đặng lát nửa tôi mượn ông Kinh đọc lại cho tôi nhớ rồi sáng mai tôi đi. Vĩnh Xuân lại bàn viết mở tủ lấy hai phong thơ trao cho bà Kinh. Bà Hương văn nói: “Miễn tôi được Vĩnh Tân ở với tôi thì thôi. Mất con dâu tuy buồn, song dâu hư không đáng tiếc. Có vầy mới thấy rõ dâu như con Cúc Hương hồi trước thiệt là khó kiếm. Xuân tôi không chịu kiếm vợ khác nghĩ cũng phải lắm. Nếu Cúc Hương còn sống, thì nó đâu có làm cực lòng như vậy. Ông Kinh đứng dậy nói: “Thôi, để lôi về tôi chỉ cách cho bà nó biết, đặng sáng mai qua nói chuyện với bà Chủ cho hẳn hòi”. Vợ chồng ông Kinh dắt nhau đi về. Bà Hương văn bồng Vĩnh Tân đem vô mùng cho nó ngủ. Vĩnh Xuân bưng đèn lại bàn viết, ngồi ngó di bút của Cúc Hương, ngó cả giờ rồi mới đóng cửa đi nghỉ. Một luồn không khí buồn bực bao trùm từ dãy phố chỗ Vĩnh Xuân qua đến sở vườn của bà Chủ Thiệu. Buổi sớm mơi đó, bà Kinh Lương ngồi xe kéo sang thăm bà chủ Thiệu với sứ nạng truyền một tin tức hư cửa, hại nhà. Bà biết lần đi thăm nầy bà sẽ xốc giận, gây buồn, chớ không phảí đem chuyện vui vẻ mà nói với bà bạn già như lấy lần trước. Tuy biết như vậy song bà đương giận Cẩm Nhung tràn trề trong lòng, nên bà hâm hở quyết trút phứt cái bầu phiền não đó cho rồi đặng xem coi cuộc tóc tơ của bà gây ra nó sụp đổ thế nào, nhứt là coi bà Chủ Thiệu sẽ che đậy thói hư thúi của con, hay là bà cũng biết ăn năn hối hận. Xe dừng trước thềm, bà Kinh thấy ngoài sân im lìm, trong nhà vắng vẻ. Bà không dụ dự, mạnh bước lên thềm mà vô cửa. Bà Chủ đương nằm một mình tại bộ ván lớn phía trong. Bà lồm cồm ngồi dậy, thấy bà Kinh thì bà nói: “Mời bà đi thẳng vô đây”. Bộ bà không mừng rỡ như trước, mà coi mòi ngạc nhiên và ái ngại. Bà Kinh vô tới không đợi chủ nhà mời, bà cứ ngồi và hỏi: “Bữa nay bà mạnh?”. Bà nói không được mạnh. Bà kéo giỏ bình rót một chén trà mời khách. Bà Kinh ngó quanh quất, không thấy Cẩm Nhung, mà cũng không có ai hết. Bà hỏi: -Cô thông đi Sài Gòn hay sao mà để bà nằm có một mình đây? -Không. Nó đi ra sau vườn. -Thấy vắng tưởng cổ đi Sài gòn. -Có việc chi đâu mà đi. Bà Kinh muốn mở đầu nói chuyện, nhưng thấy bà Chủ buồn, nên bà không nỡ nói gắp có ý đợi coi bà Chủ có hỏi thăm tới rể hay cháu ngoại rồi bà sẽ chụp lấy đó mà truyền tin chẳng lành. Bà chờ lâu quá mà không thấy bà Chủ hỏi tới rể con, bà mới khởi đầu mà nói: „Bữa nay tôi qua đây trước thăm bà, sau nói chuyện nhà của thầy thông cho bà nghe“. Bà liếc mắt thấy bà Chủ biến sắc và ngó bà trân trân, không nói chi hết, dường như chờ nghe coi khách sẽ nói chuyện gì. Bà Kinh khi ra đi thì hâm hở cương quyết, mà đến việc thì bà bất nhẫn, nên dụ dự, vói lấy lá trầu têm rồi nói: „Thầy thông cậy tôi qua đây thưa thiệt cho bà hay, vợ thẩy đi Sài Gòn mấy tháng nay làm việc tồi tệ thấu tới tai thẩy. Thẩy buồn quá, thẩy muốn qua bàn tính với bà, nhưng nói ra càng thêm đau lòng, thẩy không nỡ nói, bởi vậy thẩy cậy tôi thay mặt nói dùm“. Bà Kinh ngừng, có ý dọ coi bà Chủ có biết việc con hư hay không. Bà Chủ hỏi: “Thầy thông nghe vợ thẩy làm việc chi tồi tệ mà thẩy cậy bà qua nói chuyện?“ Cửa đã mở rồi, bà Kinh phải đi sấn vào, không còn dụ dự nữa được. Bà mới xích gần lại bà Chủ rồi to nhỏ kể chuyện của Vĩnh Xuân và Cẩm Nhung cho bà Chủ nghe. Bà nói bà Hương văn thương dâu, còn Vĩnh Xuân tin vợ, nên mấy năm nay mẹ con để cho Cẩm Nhung thong thả về ở với bà Chủ, trước bà vui lòng, sau cô sung sướng tấm thân. Mấy tháng nay vì bà Chủ bịnh nên để cho Cẩm Nhung theo săn sóc bà đặng đưa bà đi Đốc tơ và đêm ngày chăm nom thuốc men cho bà. Cách mười mấy bữa trước, Vĩnh Xuân có được thơ từ Sài gòn gởi xuống cho hay Cẩm Nhung lên trển làm điều tồi bại và khuyên đừng cho cô đi Sài Gòn nữa mà thầy phải mang tiếng xấu luôn với cô. Bữa sau cô qua thăm. Vĩnh Xuân không rầy la, hờn giận, chỉ êm thắm khuyên vợ chẳng nên đi Sài gòn nữa. Cô hứa chắc cô sẽ vâng lời. Thế mà tuần sau, Vĩnh Xuân được thơ nữa nói Cẩm Nhung còn lên trển nữa, lên sáng thứ hai tới thứ ba mới về. Người ta nói vì sợ động tới danh giá của Xuân; nên không nỡ xởn đầu Nhung, để cho cô về. Nhưng nếu còn mang bụng chửa léo lên một lần nữa, thì người ta không dung. Thơ lại nói tình nhơn của Nhung có vợ lại có tới hai con. Thế mà Nhung mê, ăn nằm đã có thai hơn ba tháng, Vĩnh Xuân nhớ đã gần năm tháng rồi vợ chồng không gần gủi nhau. Vậy thai ấy không phải là con của Xuân, nên thầy cậy bà Kinh qua cho bà Chủ hay và xin bà liệu định dùm cho gấp, đặng thầy khỏi bị thiên hạ cười chê xấu hổ. Bà Kinh móc túi lấy hai phong thơ ra mà cho bà chủ coi. Bà Chủ ngồi khóc rấm rứt, không cần coi thơ, nên bà Kinh bỏ vô túi lại. Bà Kinh thấy bà Chủ cứ khóc, không nói chi hết, bà phải nói: „Hồi hôm thầy thông mời vợ chồng tôi lại mà nói việc nhà, rồi cậy vợ chồng tôi tính dùm. Thầy nói đàn bà đã bỏ chồng lấy trai đến có chửa thì còn gì mà mong chồng tha thứ. Sự phân rẽ đã đành rồi. Nhưng thầy kính mến bà, thầy nghĩ tình mấy anh; mấy chị, lại tuy vợ có lỗi với thầy, song có sanh cho thầy một đứa con trai, bởi vậy thầy không nỡ quậy cái quấy của vợ ra tùm lum cho cả bà con anh chị bên vợ phải bị họ cười chê xấu hổ. Vợ chồng tôi có biết tính làm sao đâu. Vả lại hồi trước tôi làm mai cho vợ chồng kết tóc se tơ. Bây giờ dầu phải rã rời, tôi cũng lãnh qua bàn tính với bà. Thầy thông nói như vậy cũng dễ. Thẩy nói nếu thẩy vô đơn kiện xin phá hôn thú thì thẩy phải hài tội của vợ, làm như vậy bên vợ phải mang tiếng tội nghiệp. Thẩy muốn vợ thẩy vô đơn kiện thẩy mà xin để. Tòa đòi hầu thẩy chịu để liền thì xong chuyện. Vậy bà tính dùm cho êm thì tốt hơn. Thầy buộc có một điều là để Vĩnh Tân cho thẩy nuôi. Thẩy không làm khó gì hết“. Bà Chủ Thiệu cũng vẫn khóc hoài. Nhưng bây giờ bà đã biết được ý tứ của Vĩnh Xuân, vợ hư thì bỏ vợ, chớ không phiền mẹ vợ, cũng không giận lây anh chị bên vợ, thì bà nhẹ bớt nỗi lòng, nên bà chậm rãi nói: „Tôi được rể biết điều, tôi tưởng tôi có phước lắm rồi. Tôi có dè con Cẩm Nhung ngu dại quá, nó sanh tâm tác tệ như vầy đâu. Tôi xin bà nói dùm lại với thầy thông, sanh con ai cũng muốn nó nên, chớ ai dại gì mà xúi nó hư. Thầy thông biết nghĩ, nên không giận tôi với mấy anh của Cẩm Nhung, thiệt tôi cảm đức, cảm tình lung lắm. Tôi thưa thiệt với bà, Cẩm Nhung là con út, nên tôi cưng hơn mấy đứa lớn. Gả nó lấy chồng, tôi muốn vợ chồng về ở với tôi cho sung sướng. Thầy thông không chịu tôi có ý buồn. Chừng nó sanh được một đứa con, chị sui tôi vui mừng, mà thầy thông cũng rộng rãi, để cho nó thong thả muốn về bên nây chừng nào cũng được. Về ở chơi mấy bữa cũng được. Nó thấy dễ nên ở bên nây thường hơn ở bển. Vì cưng con nên tôi mù quáng không thấy cái hại của đạo vợ chồng, tôi chứa nó trong nhà, không nỡ đuổi nó theo chồng, cho trọn nghĩa. Mấy tháng trước tôi bịnh nhiều phải đi Sài gòn mỗi tuần đặng tiêm thuốc. Thấy Cầm Nhung rảnh rang tôi mới xin để nó ở luôn bên nây đưa tôi lên xuống trên Sài gòn và đêm ngày chăm nom cho tôi uống thuốc. Nó đi với tôi lên Sài gòn ở nhà chị Hai nó. Thiệt nó ham coi cải lương, hát bội, hát bóng thứ nào cũng ưa hết. Lên trển ban đêm nó hay rủ con chị nó đi coi hát. Có khi con chị nó mắc, thì nó kêu xe đi một mình. Tôi tưởng nó ham vui nên không để ý“. Bà Chủ nói tới đó, bà lấy khăn lau nước mắt, lộ sắc giận rõ ràng. Bà Kinh muốn để nghe coi bà Chủ xử trí cách nào, nên bà ngồi chờ không nói chi hết. Bà Chủ têm trầu mà ăn rồi mới nói tiếp: „Con cháu đời nay bụng dạ nó kỳ lắm, chớ không như chị em mình hồi nhỏ. Nó ham vui chơi, ham loè loẹt, không kể đạo đức, nghĩa nhân gì hết. Tôi banh da xẻ thịt mà đẻ con Cẩm Nhung, tôi chắc tánh ý nó giống tôi nên tôi không lo ngại chi hết. Mà nghĩ nó đã có chồng, có con, chồng nó là người xứng đáng, ai cũng ngợi khen, kính phục, chớ phải người bậy bạ hay sao, bởi vậy tôi không có nghi nó sanh ngoại tình được. Hôm qua bà qua thăm, bà ngồi nói chuyện với nó một hồi, chừng bà về tôi với nó đưa bà ra cửa. Tôi dòm thấy cái bụng nó lùm lùm. Tôi trở vô và kêu nó lại gần mà hỏi nó có chửa hay sao. Nó đã bặt đường kinh nguyệt hai kỳ rồi. Tôi nhớ lại thì ngày tôi có bịnh nó ở luôn bên nây, gần năm tháng nay không có ngủ bên chồng nó đêm nào, mà sao nó lại có chửa. Tôi sợ quên, tôi kêu thằng anh Ba nó mà hỏi lại, thì thằng Khai cũng nói năm tháng nay con Nhung ngủ luôn bên nây. Tôi cạnh hỏi con Nhung không gần với chồng mà sao lại có chửa được. Nó cứ lặng thinh không chịu nói. Thằng Khai giận nên đánh nó một bạt tai, hỏi vậy chớ nó lấy ai. Con Nhung khóc, nhưng cũng không chịu nói thiệt. Tôi rũ riệt tay chưn, kêu van trời đất. Thằng Khai mắng nhiếc nó là đồ hư, có chồng con mà còn lấy trai, làm nhục nhã tông môn, nổi nóng giựt cây gài cửa muốn đập chết nó cho rồi. Tôi Can gián, tôi nói tai họa tới thì phải rán bình tĩnh mà lo, không nên nóng nảy mà gây thêm tai họa khác nữa. Thằng Khai giận bỏ nhà mà đi. Tôi dỗ con Nhung mà hỏi nó lấy ai. Nó chịu có lấy trai, nhưng không chịu chỉ tình nhơn của nó. Nó khóc mà nói nó lỡ dại làm xấu cho tông môn, vậy để nó tự vận mà chết đặng đền tội nó thất tiết với chồng và làm nhục cha mẹ“. Bà Kinh biết được ý tứ của bà Chủ, con hư bà không chữa lỗi cho con, mà còn tỏ thiệt sự cho bà nghe. Bà mới hỏi: -Nếu vạy cô Cẩm Nhung sa ngả, nên rồi bây giờ cô biết ăn năn hay sao? -Nó ăn năn, nên cứ đòi chết hoài. Bà nghĩ coi, làm mẹ nếu con có lỗi thì rầy la mắng nhiếc chớ nỡ lòng nào xúi nó chết cho đành. Tôi phải dịu bớt đặng cứu sanh mạng cho nó. -Vậy chớ sao. Dầu cô tự vận, bất quá tỏ ý ăn năn, chớ có gỡ tiếng xấu đâu, bởi vậy để cho cô chết không ích gì. -Thằng anh ba nó còn giận quá. Hồi hôm nó về ngủ, đến khuya nó thức dậy sớm mà đi nữa. Đêm nay tôi thức sáng đêm. Có ngủ nghê gì đâu. Rầu quá ngủ gì được. Hồi sáng tôi không thấy thằng Khai, tôi hỏi nó đi đâu, thì vợ nó nói thằng Khai đi Sài gòn đặng hỏi chị Hai nó coi có biết con Nhung lấy ai không. -Tôi tưởng việc đã lỡ rồi dầu biết cổ trai gái với ai cũng không ích gì. Lo thâu xếp viêc chồng con của cô đây cho êm thì tốt hơn. -Tôi cũng nghĩ như vậy. Đêm nay tôi lo việc đó quá. Không biết thầy thông thẩy hay rồi tôi nói làm sao với thẩy. Hồi nảy thấy bà qua, tôi có ý mừng, tính nói thiệt chuyện nhà cho bà nghe rồi cậy bà làm ơn năn nỉ dùm với thầy thông. Chuyện đã tùm lum tôi đâu dám xin thầy hỉ xả, tôi chỉ mong thầy thương tôi với anh chị nó mà tính êm cho đỡ xấu hổ mẹ con tôi vậy thôi. Thẩy muốn sao tôi cũng chịu vậy hết. Tôi nói thiệt, nếu thẩy đòi thường thể diện mấy ngàn đồng tôi cũng sẵn lòng chịu. -Không có đâu bà, thầy thông trọng nhân nghĩa, khẩy có thèm tiền bạc đâu. Thẩy buộc có một điều là để Vĩnh Tân cho thẩy nuôi, dầu có để bỏ, cô Cẩm Nhung đừng nài xin bắt con. -Thứ mẹ hư mà nài nỉ bắt con nỗi gì. Mà nếu thẩy không muốn tiền bạc, thôi thẩy coi có cái nhà nào họ bán thì tôi mua cho cháu Tân đứng bộ đặng cha con ở với nhau. -Còn chuyện để bỏ, thẩy muốn tránh tiếng xấu cho bà nên thẩy biểu Cẩm Nhung vô đơn kiện phá hôn thú. Chuyện đó bà nghĩ sao xin cho tôi biết đặng cho tôi trả lời với thẩy. Thẩy nói nếu để thẩy kiện thì thẩy phải lấy cớ vợ có ngoại tình nên thẩy xin để. Làm như vậy thì thiên hạ hay hết. -Bà nói dùm với thẩy, con tôi lỗi với thẩy, bởi vậy thẩy muốn cách nào tôi cũng chịu hết. Hổ thẹn quá nên tôi không thể qua nói chuyện phải quấy với thẩy được. Để thằng Ba tôi đi Sài gòn về, tôi sẽ biểu nó qua bàn tính với thẩy. Thẩy muốn làm sao thì thẩy chỉ cho nó làm. Bà Kinh nghĩ câu chuyện nói đã đủ rồi, tưởng gặp phải khó khăn, té ra bà Chủ biết lỗi nên bà xuôi thuận hết. Bà Kinh đội khăn từ mà về. Bà Chủ đưa khách ra cửa, tay bà vịn vai bà Kinh vừa khóc, vừa nói: “Bà về làm ơn nói lại với thầy thông rằng vợ đã hư thúi mà thẩy còn thương tình tôi với mấy đứa con tôi, thẩy không nỡ quậy cho xấu hổ, thiệt mẹ con tôi cảm ớn đức của thẩy lung lắm; thẩy bỏ con vợ hư thẩy không tiếc, chớ tôi mất chàng rể quí thiệt tôi buồn vô cùng, vậy dầu thế nào tôi cũng xin thẩy đừng quên câu sanh con há đễ sanh lòng. Còn về phần tôi thì bao giờ tôi cũng quí trọng thẩy. Mấy anh nó cũng vậy”. Bà Kinh về, đến trưa bà thuật rõ tình cảnh ưu sầu, bực tức bên nhà bà Chủ cho mẹ con Vĩnh Xuân với ông Kinh nghe. Bà nói bà Chủ vô ý không đè con làm xấu như vậy. Hôm qua tình cờ bả thấy Nhung có bụng, bả cạch hỏi, thì Nhung khóc mà chịu có ngoại tình, nhưng không chịu chỉ tình nhơn. Bà Chủ mắng nhiếc, Ba Khai giận muốn đập chết, Nhung ăn năn đòi tự vận. Bà Chủ khóc quá, bà chịu lỗi với rể, chớ không binh con. Bà mến tiếc Vĩnh Xuân, cám ơn Xuân còn nghĩ tình nghĩa, không nỡ làm xấu cho nhà bà, Xuân buộc cách nào bà cũng chịu hết, muốn mấy ngàn bà thường danh giá bà cũng cho, hay muốn có nhà mà ở với Vĩnh Tân bà cũng mua để cho Tân đứng bộ. Còn việc để bỏ thì bà hổ thẹn với rể và chị sui nên bà không đám chường mặt qua mà nói chuyện, để Ba Khai đi Saigon về bà sẽ sai Khai qua xin lỗi, rồi Xuân muốn làm sao thì dạy cho Khai làm, miễn phân ly mà không oán hận. Ai nghe nói thái độ của bà Chủ như vậy, thì cũng xúc động, nên không nỡ phiền trách gì nữa, đến bà Kinh hồi hôm bà nóng nảy quá, mà thấy tình cảnh nhà bà Chủ, nghe bà Chủ khóc và năn nỉ thì bây giờ bà cũng dịu rồi, không còn muốn gây gổ nữa. Tối bữa sau, ăn cơm rồi, mới đỏ đèn một lát thì Vĩnh Xuân thấy xe ngựa ngừng trước nhà. Ba Khai bận đồ dài xuống xe đi vô. Vĩnh Xuân tiếp chào, mời ngồi. Thầy bình tĩnh, giữ đủ lễ, không mừng rỡ, mà cũng không lộ vẻ tự kiêu. Thầy kêu con sen biểu cho một bình trà rồi hỏi Ba Khai: -Má bữa nay khỏe hôn anh Ba? -Hai đêm nay ngủ không được, nên không được khỏe. Bà Hương văn dắt Vĩnh Tân ở trong đi ra. Bà chào Ba Khai, hỏi thăm sức khỏe của chị sui nữa, rồi biểu Vĩnh Tân lại xá cậu Ba. Thấy bình trà đem lên, Vĩnh Xuân rót một tách mà mời anh Vợ. Bà Hương văn nuốn để cho hài ngtrời nói chuyện thong thả, nên bà dắt Vĩnh Tân ra trước rồi đi luôn lại nhà bà Kinh. Ba Khai ké né, muốn khởi câu chuyện, nhưng bợ ngợ nên ngồi dụ dự một hồi lâu rồi mời nói: “Con Cẩm Nhung không nên nết, nó làm lỗi đạo cang thường, hai bữa rày má buồn rầu, xấu hổ, ăn ngủ không được, nên má muốn đau. Tôi với thằng Tư tức giận quá, muốn đập chết nó mà thả trôi sông cho khuất con mắt. Tai họa đến thình lình, cả nhà đương sầu thảm, bực tức, bà Kinh qua nói chuyện với má. Má hiểu được tánh ý của dượng, vợ hư mà dượng lo che đậy giùm cái xấu của vợ, dượng cũng không phiền trách má với anh em tôi. Má cảm nghĩa nên hai bữa rày má khóc hoài, càng mến đức dượng thì càng oán ghét con Cẩm Nhung. Má đi không được nên má biểu tôi thay mặt cho má qua trước cám ơn dượng, dầu phải xa vợ song dượng không quên tình mẹ con, anh em, sau xin dượng biết giùm bụng má và anh em tôi không bao giờ chịu cái thói bội nghĩa bạc tình của con Cẩm Nhung đó”. Vĩnh Xuân nói: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Vợ tôi nó ở với tôi không trọn đạo, vì tội của nó nặng quá, tôi không thể tha thứ được, nên tôi phải tính phân tay rẽ tóc, ai đi đường nấy cho khỏi xào xáo trong gia đình. Nhưng tôi nghĩ vợ chồng ăn ở với nhau dầu không có tình cũng có nghĩa. Huống chi nó sanh cho tôi một đứa con trai, đó là một cái ơn hiển nhiên trước mắt. Thương con phải nhớ tới mẹ: Vợ tôi còn trẻ tuổi, dầu phân rẽ tôi cũng phải giúp phương tiện cho nó lập gia đình khác mà hưởng hạnh phúc trên đời, bởi vậy xa nhau tôi không nỡ bôi lọ trên mặt nó. Tôi muốn cho cuộc rời rã nầy do nơi mạng số. Vợ tôi gieo nhơn nào thì nó hái quả nấy. Việc ai làm nấy chịu, má với mấy anh có can cớ chi đâu mà tôi phiền. Xin anh Ba về thưa với má, dầu tôi phải xa vợ, mà đứa con tôi còn đó, nó chấm dấu khoảng đời vui vẻ của tôi. Ra vô tôi thấy nó, làm sao tôi quên má với mấy anh chị cho được, bao giờ tôi cũng kính cha mẹ luôn luôn”. Ba Khai cảm động nên ứa nước mắt mà đáp: -Đến nước nầy mà dượng còn giữ nhân nghĩa hoài, tôi nghĩ lại thiệt tôi giận con Cẩm Nhung hết sức. Tôi không muốn kể tội khốn nạn của nó cho dượng nghe… -Thôi, anh Ba. Việc không tốt kể ra làm chi. Tôi coi như chuyện chiêm bao. Tôi muốn quên hết cho an trí. -Dượng thiệt đáng mặt quân tử. Tôi xin tỏ thiệt với dượng, không còn cha thì tôi là con trai lớn trong nhà, tôi có quyền nghiêm trị các em. Tôi hứa chắc với dượng, Cẩm Nhung gây tội, nó phải đền tội. -Anh Ba giận làm chi, nên xem đó là tai họa bất ngờ nên tránh khỏi vậy thôi. Lo giải hòa tốt hơn là hờn giận. -Không được dượng à. Làm tội thì phải đền tội chớ. Hổm nay nó biết xấu hổ nên nó đòi tự vận cho rồi. Được đậu. Làm tội rồi chết, đó là trốn tránh, chớ đâu phải đền tội. Phải sống mà đền cho hết tội mới được. Mà việc đó là việc của tôi. Dượng để cho má với tôi xử trí. Bây giờ tôi xin nói việc của dượng. Má muốn qua cho giáp mặt đặng tỏ nỗi lòng của má cho bác với dượng nghe. Ngặt con Cẩm Nhung làm cho má buồn rầu lại thêm hổ thẹn quá, nên má đi không được. Má biểu tôi qua nói với dượng rằng Cẩm Nhung làm việc tồi tệ như vậy, dượng tính cuộc phân ly là phải. Vợ đã lấy trai có bằng cớ rõ ràng, còn gần gũi làm sao cho được nữa, bởi vậy má không dám xin dượng che chở giùm cho má với anh em tôi khỏi bị thiên hạ cười chê. Nghe lời bà Kinh nói hôm qua thì má cảm ơn đức của dượng lung lắm, bởi vậy dượng dạy lẽ nào má cũng chịu hết, dượng muốn thứ gì má cũng sẽ làm cho dượng vừa lòng. -Tôi có muốn gì đâu. Tôi chỉ tính phá hôn thú cho vợ tôi thong thả, song phá một cách êm thấm cho nó khỏi mang tiếng xấu. Nếu tôi vô đơn mà kiện thì tôi phải hài tội của nó, nên tôi khống đành. Tôi muốn nó viện lý phu phụ hất hòa, nó vô đơn xin để. Nó vô đơn trước rồi tôi cũng vô đơn nói như nó mà ưng thuận để bỏ. Tòa sẽ đòi hai đàng, Tòa kiếm thế hòa giải, hai đàng cứ quyết rã rời. Tòa hòa giải ít lần không được tự nhiên Tòa sẽ lên án cho để, mà khỏi mang tiếng chi hết. -Cha chả, phải làm đơn cách nào? Cái đó thiệt tôi không hiểu. -Về thủ tục theo pháp luật anh hiểu không nổi đâu. Phải chịu tốn ít trăm mướn Trạng sư làm cho mới được. Việc sẽ dây dưa ít tháng, phải có Trạng sư đi hầu đặng cãi lẽ cho. -Tốn thì chịu tốn chớ sao. -Anh ra mướn Trạng sư, anh cắt nghĩa cho ổng nghe như tôi mới nói đó, thì ổng hiểu liền. -Để về tôi thưa cho má hay rồi mai tôi đi mướn Trạng sư. Mà dượng cũng phải vô đơn xin để, dượng cũng phải mướn Trạng sư. Để tôi đem tiền qua cho dượng trả tổn phí. -Khỏi. Tôi không cần mướn Trạng sư. Tôi vô đơn, tôi xuôi thuận theo vợ tôi, tôi chịu để bỏ, tôi có chống cự gì đâu mà phái có Trạng sư cãi lẽ. -Má có dặn tôi như vầy: dượng muốn cái gì, tôi cũng phải chịu hết, muốn có một số tiền để nuôi cháu Tân hay muốn có nhà cửa cho cháu ở rộng rãi cũng được. Dượng mua mấy ngàn má cũng cho, hay muốn nhà nào má sẽ mua để cháu Tân đứng bộ. -Xin anh thưa lại với má, tôi cám ơn má lắm, nhưng tôi không muốn gì hết. Vĩnh Tân là con của tôi tự nhiên tôi phải nuôi nó. Cha con tôi ở phố như vầy cũng an rồi, cần gì phải có nhà cửa. Tôi chỉ xin một điều là vợ tôi vô đơn xin để, nó đừng nài bắt Vĩnh Tân về mà nuôi. -Ối. Cái đó dượng khỏi buộc. Thứ mẹ hư mà nài bắt con nỗi gì. Tôi bảo lãnh việc đó. Dầu Tòa có dạy dượng phả giao con cho nó đi nữa, tôi cũng bắt cháu đem trả cho dượng nuôi. Thôi để tôi thưa lại cho má hay rồi mai tôi đi nói chuyện với Trạng sư. -Hễ Trạng sư vô đơn rồi thì anh cho tôi hay đặng tôi vô đơn tiếp theo. -Làm vtêc gì tôi cũng do nơi dượng. Tôi sẽ ghé thường. Ba Khai cáo từ. Vĩnh xuân đưa anh vợ ra tới xe. Ba Khai nói: má có nói dầu vợ chồng dượng có rời rã đi nữa, má cũng vẫn coi dượng là rể quí của má. Còn phần tôi đối với dượng, tôi thề có Trời Đất chứng minh, tình anh em thủy chung như nhứt, không bao giờ phai lợt. Vĩnh Xuân cảm động không nói được. Ba Khai lau nước mắt lên xe mà đi. Vĩnh Xuâu đi thẳng lại nhà ông Kinh mà thuật cuộc hội đàm đó cho mẹ và vợ chồng ông Kinh nghe. Ai cũng khen bà Chủ Thiệu với Ba Khai biết điều và tiếc mạng số khiến Cẩm Nhung gây tai họa đặng dứt tình thân ái. Vĩnh Xuân buồn mà nói: “Tại mạng số của tôi khiến cho tôi không có vợ, chớ không phải tại ai hết. Trước kia Cúc Hương là con thà giàu, cô khắn khít với tôi, thì Trời khiến cha mẹ cô chê tôi nghèo làm cho cô phải tìm cái chết đặng trọn nghĩa với tôi. Sau tôi cưới Cẩm Nhung, cũng con nhà giàu, mà mẹ vợ với anh vợ quí trọng cái nghèo của tôi, thì Trời khiến cho cô hư, đặng vợ chồng tôi rời rã. Cuộc đời trớ trêu quá! Ấy vậy muôn việc đều tại Trời. Mình cứ đường ngay thẳng mà đi, đừng ham muốn mà cũng đừng ưu phiền chi hết Ông Kinh nói: “Lời đạo đức quá!”. Bà Hương văn nói: “Giàu nghèo hay còn mất, tôi không cần. Tôi có chút cháu nội đây thì đủ cho tôi vui”. Bà dắt Vĩnh Tân về dỗ ngủ. Ông Kinh với Vĩnh Xuân uống trà rồi đờn chơi. Việc vợ chồng Vĩnh Xuân vào đơn tại Tòa lấy cớ phu phụ bất hòa mà ly dị, Tòa giải hòa ba lần không được, nên cách vài tháng sau Tòa lên án cho phá hôn thú, giao Vĩnh Tân cho cha nuôi. Nhà bà Chủ Thiệu khỏi mang tiếng thiên hạ cười chê. Mẹ con bà cảm đức mến tình Vĩnh Xuân hết sức.