Nguyễn Hữu Bào sinh ngày 16 tháng 6 năm 1936 tại làng Đông Lao, tỉnh Hà Đông, miền Bắc Việt Nam. Di cư vào miền nam và sinh sống ở thủ đô Sài Gòn từ năm 1955. Nhà giáo Nguyễn Hữu Bào dạy học từ năm 1960. Ngoài thì giờ dậy học ông còn soạn sách giáo khoa, viết văn, làm thơ.
Vượt biển ngày 16 tháng 6 năm 1979. Sau hơn 9 tháng tạm trú tại trại tị nạn Leamsing, Thái Lan, ông được định cư tại Hoa Kỳ ngày 8 tháng 4 năm 1980. Hiện cư ngụ tại thành phố Westminter, tiểu bang Califonia.
 
_________________
 
Sau ngày mất nước, 30-4-1975, tôi cũng như đa số dân Sài Gòn thường xuyên theo dõi đài phát thanh Việt Ngữ của đài BBC và VOA. Hôm nào thời tiết xấu, nghe không rõ, tôi cảm thấy bực tức khó chịu. Nhưng không lo, trong số bạn hữu, bà con nghe lén đài ngoại quốc thế nào cũng có người nghe được phần phát thanh Việt Ngữ của đài BBC và VOA. Tôi cũng không mất công đi dò hỏi. Nếu có tin gì phấn khởi hoặc liên quan tới Việt Nam thì thế nào cũng có người kể lại cho nghe. Những tin hay ít nhất tôi cũng được nghe hàng chục người kể lại. Nhiều tin tôi biết rồi, nhưng nghe bà con kể đi kể lại nhiều lần mà tôi vẫn thích thú, chăm chú nghe thực sự chứ không phải vì xã giao lịch sự.
Trong một bài bình luận về vấn đề “boat people” đài BBC có một câu như sau: “Trong số những người Việt Nam vượt biển 50% bị Cộng Sản bắt cầm tù, 25% chết trên biển cả, 24% bị hải tặc cướp của, đánh đập, hãm hiếp...chỉ có 1% hoàn toàn may mắn đến bờ bến tự do bình an”. Mặc dầu tìm tự do vô cùng nguy hiểm, đến đất tự do phải trả một giá quá đắt như vậy nhưng đồng bào kẹt lại vẫn liều lĩnh phiêu lưu. Đồng bào quan niệm: “ Thà chết trên biển cả còn mát mẻ sung sướng hơn sống trong ngục tù Cộng Sản”.
Đúng lắm. Kể từ khi Việt Nam hoàn toàn bị nhuộm đỏ, các trại cải tạo là nhà từ nhỏ, còn toàn quốc là nhà tù lớn. Người có khả năng phiêu lưu dù có bỏ mình trên biển cả cũng còn sung sướng hơn những con chim trong lồng chạy quẩn chạy quanh.
Sau nhiều lần tổ chức vượt biên không thành, cuối cùng tôi được anh Nguyễn Duy Chính giới thiệu tôi với anh Đỗ Thanh Tròn. Gặp được người cùng tư tưởng anh Tròn mừng lắm. Anh Tròn mua được chiếc thuyền chạy trên sông của một dân chài tên Sáu Lá. Chiếc thuyền này dài 9m, rộng 2m50. Tôi không hiểu ai giới thiệu anh Tròn quen một xưởng mộc chuyên đóng tầu, xưởng trên bờ kinh xã Lương Hòa thuộc tỉnh Long An.
Chiếc thuyền được đưa đến xưởng mộc này nhờ tu bổ. Nhóm của chúng tôi gồm có gia đình anh Đỗ Thanh Tròn, hai vợ chồng và năm đứa con nhỏ, anh Nguyễn Duy Chính và tôi. Năm đứa con nhỏ của anh Tròn tôi không nhớ rõ tên, tôi chỉ biết chị Tròn tên Phó Thị Gương. Như vậy nhóm chúng tôi gồm có 9 người. Gần đến ngày khởi hành thêm anh Nguyễn Duy Xuân, chú ruột anh Nguyễn Duy Chính, vượt ngục từ trại cải tạo về tham dự. Như vậy nhóm của chúng tôi vừa tròn 10 người, bốn đàn ông, một đàn bà và năm trẻ nhỏ.
Chúng tôi đều cư ngụ tại Sài Gòn. Ngoài chiếc thuyền mua của anh Sáu Lá. Anh Tròn còn có một chiếc thuyền nhỏ Gọi là taxi. Chiếc taxi này dùng để chạy đi chạy lại liên lạc từ bến Hàm Tử đến Lương Hòa, chuẩn bị xăng, dầu, dụng cụ, lương thực...cho cuộc ra đi. Trong thời gian di chuyển trên sông chúng tôi đều dùng giấy tờ giả.
Ngày 11 -6-1979, anh Tròn cùng anh Sáu Lá và tôi dùng chiếc thuyền taxi giả dạng dân chài đi đánh cá để tìm đường ra biển. Hồi 6 giờ chiều cùng ngày chúng tôi ra đến Cửa Đại thuộc Vàm Láng, gặp công an biên phòng vẫy vào. Trong lúc đó tụi công an đang bắt giữ một chiềc tàu lớn, trên tàu lố nhố đàn bà con nít rất đông. Chúng tôi bị công an hỏi giấy tờ, khám xét thuyền, hạnh họe đủ điều rồi sau đó cho chúng tôi đi. Thoát nạn, chúng tôi mở máy cho thuyền chạy ra biển đánh cá. Quay đầu lại nhìn lá cờ đỏ màu máu tôi không khỏi rùng mình.
Ra khơi, chúng tôi tập sự quăng lưới đánh cá. Mấy tiếng đống hồ chúng tôi kéo lưới mệt phờ người mà không được con cá nào. Hôm sau chúng tôi trở về. Tránh đồn công an bên bờ này, chúng tôi đi sát bờ bên kia. Nhưng bên bờ kia cũng như bên bờ này đều có đồn công an kiểm soát. Trở về, chúng tôi chỉ bị xét giấy qua loa chứ không bị hạch hỏi lôi thôi lắm. Nắm vững tình hình hai bên bờ Cửa Đại đều có tụi chó săn canh phòng, anh Tròn khoái trí nói “ Đêm tối, ra biển chúng ta cứ đi ra giữa biển cả là yên chí và chắc ăn nhất”
Về Sài Gòn, chúng tôi họp nhau quyết định khởi hành từ Lương Hòa hồi 5 giờ chiều ngày 15-6-1979. chúng tôi không có thì giờ theo dõi tin tức khí tượng. Chúng tôi, người là công chức, người là giáo chức, người là quân nhân. Không ai có một chút gì về kinh nghiệm đi biển, không ai có chút gì hiểu biết về máy tàu. Chúng tôi là bọn người điếc không sợ súng.
Buổi sáng ngày khởi hành, mười người trong bọn chúng tôi có mặt đông đủ trên chiếc thuyền định mệnh. Thuyền của chúng tôi chạy bằng máy Yamaha F10 và trang bị thêm một máy đuôi tôm. Suốt cả buổi sáng bận rộn nhưng chỉnh lại các hệ thống máy móc, hệ thống bơm nước, trữ nước ngọt trên thuyền, bơm mấy cái ruột xe làm phao...Chương trình khởi hành hồi 5 giờ chiều. Nửa đêm thuyền tới cửa biển là tốt nhất. Đúng giờ khởi hành, anh Tròn mở máy không chạy. Cả bốn người đàn ông cùng xúm lại hết tháo cái nọ mở cái kia, nhưng máy vẫn không nhúc nhích. Cầu cứu mấy người thợ mộc cũng chẳng ai biết gì về máy tàu. Trời tối. Anh Chính đành phải về Sài Gòn đón thợ máy xuống. Ông thợ máy, chúng tôi thường gọi là ông Thà, chú họ anh Chính, đối với chúng tôi rất tốt. Chúng tôi chờ thợ máy chả khác nào bệnh nhân đang cơn ngặt ngèo chờ thầy thuốc. Mãi đến 9 giờ đêm anh Chính với ông Thà mới đến. Ông Thà mở con heo dầu, lau sạch sẽ, rồi ráp vô. Công việc rất giản dị, dễ dàng, chỉ vài phút là xong. Sau đó máy nổ ròn. Nghe tiếng máy nổ chúng tôi vui mừng còn hơn nghe pháo Tết.
Đúng 12 giờ đêm thuyền nhổ sào. Hai bên bờ rạch dừa nước mọc um tùm. Thuyền của chúng tôi như con cá sấu luồn trong bụi cây rập rạp từ rạch ra sông. Chúng tôi dự tính đi lòng vòng đánh cá trên sông, chờ nửa đêm 16-6 ra biển. Suốt ngày anh Tròn cho thuyền chạy trên nhiều con sông tôi không nhớ hết tên. Gặp những khúc sông vắng chúng tôi quăng lưới đánh cá. Chúng tôi bơi lội cho thỏa thích. Anh Chính và tôi lặn xuống lòng sông bốc được mấy nắm đất bùn. Chúng tôi lấy bao nylon gói nắm đất quê hương mang theo đến chân trời xa lạ.
Hồi 4 giờ chiều ngày 16-6, chúng tôi đi trên Vàm Kỳ Ôn. Gặp chiếc ghe bán đồ ăn chúng tôi vẫy lại. Trên ghe có nhiều đồ ăn như dừa tươi, lạp xưởng, khô mực, bánh kẹo, thuốc lá...Có bao nhiêu chúng tôi mua hết. Chúng tôi muốn xài hết những đống tiền của chế độ mà chúng tôi ghê tởm. Trúng mối, cô bán hàng cười như hoa. Bất thần, cô hỏi:
- Các anh đi bao giờ về?
Chúng tôi chột dạ nhìn nhau. Anh Tròn nhanh trí trả lời:
- Chúng tôi đi đánh cá ít ngày rồi trở về.
Nói rồi, anh Tròn nháy mắt nhắc anh em:
- Chúng ta đi là vừa.
Con thuyền của chúng tôi vừa đi được một phút thì thuyền công an đuổi theo. Anh Xuân cầm lái. Anh Tròn hối thúc:
- Mở hết ga! Chạy hết tốc lực!
Thuyền của chúng tôi lao vun vút trên Vàm Kỳ Ôn. Thuyền công an phóng vun vút đuổi theo. Gặp những ghe nhỏ tròng trành muốn đắm. Bà con văng tục chửi thề om xòm. Ra đến sông Tiền thay vì quẹo trái ra biển, chúng tôi chạy thẳng lên Mỹ Tho đánh lạc hướng bọn chó săn. Tiền giang rộng mênh mông, thuyền xuôi ngược khá nhiều. Trời nhá nhem tối. Thế là chúng tôi thoát khỏi cuộc rượt đuổi. Hú vía! Nếu chúng tôi bị bắt trên Vàm Kỳ Ôn thật là lãng nhách.
Chừng 8 giờ tối, Anh Tròn bảo anh Xuân cho thuyền rẽ về trái, tìm đường ra biển. Vào khoảng 10 giờ đêm chúng tôi thả neo gần Cồn Phụng, miền đất của ông đạo Dừa. Anh Tròn bàn tính:
- Ra cửa biển chúng ta phải phóng hết tốc lực mới thoát được.
Anh Chính góp ý:
- Như vậy chúng ta phải cho máy đuôi tôm chạy phụ với máy lớn.
- Đúng lắm.
Nói rồi anh Tròn lấy tay quay mở máy đuôi tôm. Anh quay cả chục lần máy không nổ. Mở máy ra thấy bên trong đầy bùn đất. Anh Tròn cằn nhằn bọn thợ mộc làm ẩu, đánh rớt máy xuống sình rồi cứ để y nguyên như vậy ráp lên thuyền. Anh Tròn cũng tự trách mình ỷ i máy mới không chịu chạy thử. Chúng tôi rọi đèn pin, mở máy lau bùn đất. Trong khi chúng tôi sửa máy, tàu công an tuần tiễu đi qua. Chúng tôi chỉ liếc nhìn chứ không ngừng lại. Hú vía! Lau máy sạch rồi, hết anh tròn đến anh Xuân, anh chính quay máy vẫn không nổ. Máy đuôi tôm loại lớn nên quay khá nặng. Tôi nín thở, dùng hết sức quay, máy nổ được vài cái rồi tắt. Thấy tôi có sức khoẻ tương đối hơn anh em một chút nên anh em khuyến khích tôi cố gắng thêm lần nữa xem sao. Nghỉ vài phút lấy lại sức, tôi cố gắng quay lần nữa. Máy nổ Bịch...Bich.!...vài cái rồi im lặng. Tôi cố gắng quay thêm vài lần nữa không kết quả. Máy đuôi tôm đánh bỏ không sử dụng.
Sông nước đen ngòm. Xa xa vài ánh đèn leo lét của ghe thuyền qua lại. Thuyền của chúng tôi đậu gần bờ, bên cạnh những bụi cây đen thẫm bí hiểm. Đặc biệt có vài bụi cây rất nhiều đom đóm, tưởng như mỗi cái lá có một hai con đom đóm khiến cây rực sáng. Những cây này giống như những cây thông khổng lồ trang trí đén màu trong đêm Noel.
Máy đuôi tôm không chạy. Chúng tôi chỉ có một máy Yamaha F10. Theo kinh nghiệm trong chuyến đi dò đường, anh Tròn bảo anh Xuân lái thuyền giữa sông và chạy thẳng ra giữa bờ biển
Thuyền không đốt đèn. Máy nổ khá lớn. Đêm khuya thanh vắng tiếng máy nổ càng lớn hơn. Trống ngực chúng tôi cũng hòa nhịp cùng với máy nổ. Thuyền đang chạy ngon trớn, bất thần khựng lại. Anh Tròn hét lên:
- Tắt máy! Thuyền mắc cạn!
- Nguy rồi!
Anh Xuân kêu lên, đồng thời tắt máy. Mọi người ngơ ngác, nhớn nhác.
Tôi nhảy xuống mực nước chưa tới bụng. Trăng hạ tuần nhô lên, tuy ánh trăng không sáng lắm nhưng cũng soi rõ chiếc thuyền của chúng tôi đậu lù lù giữa biển rộng mênh mông. Đèn pha từ đồn công an phóng ra, nhưng không nghe tiếng máy nổ nên không lo lắm. Anh Tròn bảo tất cả mọi người nhảy xuống đẩy thuyền. Còn anh đứng ở mũi thuyền dùng sào đẩy phụ.
Cồn cát mịn, cứng phẳng như xa lộ. Chúng tôi ghé chân chèo dùng hết sức đẩy thuyền. Tay đẩy thuyền nhưng mắt vẫn không rời ngọn đèn pha từ đồn công an. Đẩy thuyền đi đến hơn 500m mới thấy mực nước sâu dần. Anh Tròn kêu mọi người lên thuyền và nổ máy tiếp tục chạy. gió biển đêm khuya mát rượi, mọi người khoan khoái hít căng lồng ngực.
Yêu quê hương nhưng tôi mong xa quê hương, xa bờ biển sớm chừng nào đỡ lo chừng ấy. Hai tư tưởng trái ngược trong ý nghĩ khiến tôi buồn ray rứt. Nhìn những bụi cây cứ nhỏ dần, mờ dần, tôi không khỏi nghẹn ngào rơi lệ. Gạt nước mắt, tôi thì thầm “ Quê hương ơi! Xin chào tạm biệt!” Tôi không dám nghĩ đến hai chữ “Vĩnh Biệt”. Hai chữ “tạm biệt” vừa thốt ra khiến cho tim tôi se lại, lòng tôi thổn thức, hai hàng nước mắt ròng ròng.
Đến 12 giờ trưa, thuyền đã đi được một đoạn đường khá dài. Nhìn lại, tôi không thấy bến bờ quê hương đâu nữa. Chúng tôi thả neo, thuyền tạm ngừng để thay chân vịt. Vì đụng cồn cát nên chân vịt bị cong bắt buộc phải thay. Việc làm này nếu ở trên song hay trên bờ biển có đất đứng thì dễ. Còn chỗ biển sâu tôi phải vừa bơi vừa ôm chân vịt ráp vô nên hết sức khó khăn. Loay hoay hơn tiếng đồng hồ không ráp xong chân vịt tôi đâm lo. Lúc ráp được chân vịt tôi thở phào. Mừng quá! Chúng tôi gói cái ống nhòm và cái hải bàn trong mấy lớp bao nylon rồi dấu dưới hầm máy, giờ mới dám lấy ra. Gói kỹ như vậy không ngờ nước vẫn vô. Ống nhòm hư hoàn toàn. Hải bàn còn dùng được. Dưới hầm máy nước lên đến bụng. Anh Tròn mở máy bơm nước nhưng máy bị hư. Anh Tròn phân công anh xuân và anh Tròn thay nhau lái thuyền. Anh Chín coi hải bàn, hải đồ nhắm hướng. Còn tôi tát nước. Gàu múc nước là cái mũ sắt nhà binh cũ. Còn chị Tròn trông nom lũ con nhỏ ở caibin. Việc tát nước vô cùng vất vả, cứ tát cạn thì hai phút sau mực nước phòng máy lại đầy như cũ.
Suốt ngày nắng đẹp. Biển tốt.
Sáu giờ chiều. Bỗng nhiên bầu trời mây kéo đến bao phủ phút chốc tối đen. Gió nổi lên mỗi lúc mỗi mạnh hơn rồi biến thành bão. Trời tối thật nhanh. Nhìn chung quanh không một ánh đèn. Anh Tròn bảo anh Xuân cho thuyền chạy theo sóng. Tôi thầm phục anh Tròn. Thuyền quá nhỏ nếu chạy ngược song sẽ bị lật mất.
Tôi tát nước mỏi rời cả tay. Tôi kêu một bạn nào xuống hầm máy thay tôi. Nhưng anh Tròn, Xuân và Chính cả ba đều không chịu được mùi dầu máy, các anh cứ xuống hầm máy là khó chịu nôn mửa. Công việc tát nước của tôi không ai thay thế. Để quên mệt nhọc tôi vừa tát vừa nhẩm đếm. Mỗi tay múc 50 gàu rồi lại đổi tay kia. Dần dần quá mỏi mệt mỗi tay tôi chỉ múc được 30 gàu rồi 20 gàu đã phải đổi. 
Giờ phút thử thách sắp tới. Chúng tôi vô cùng hồi hộp. Hành trang của chúng tôi đã theo thuyền chìm xuống đáy biển. Chúng tôi hoàn toàn trắng tay, sống nhờ lòng tốt của thiên hạ. Tùy anh em thủy thủ nhắc chúng tôi sửa soạn hành lý, nhưng thực ra anh em đã sắp sẵn cho chúng tôi đủ rồi. Một gói gạo chừng 5 ký, một cái sô sắt tráng men chứa lưng sô sữa đặc, mấy hộp thịt, mấy hộp cá, hai ổ bánh mì, một lọ thuốc cảm, một gói quần áo, một Cái đèn pin, một cây thuốc lá và mấy bao diêm. Anh bếp lén tặng chúng tôi một con dao có bao da rất đẹp. Đúng 4 giờ sáng thì phúc phận đã điểm. Tàu ngừng hẳn, chúng tôi được dẫn lên boong. Cái bè từ từ hạ thủy. Một thủy thủ chỉ tay về phía đèn sáng và bảo chúng tôi: “ Đó là ngọn hải đăng. Còn đây là Vịnh Thái Lan. Các anh cứ bới thẳng tới nới có đèn là tới bờ.” Chúng tôi cảm ơn ông thuyền trưởng Và thủy thủ đoàn đã cứu giúp chúng tôi. Giây phút từ giã, anh em còn căn dặn thêm: “ từ giờ phút này các anh hãy quên chúng tôi đi nhé!”
Ánh mắt anh em thủy thủ ai cũng có vẻ ái ngại, băn khoăn, lo lắng cho số phận của chúng tôi. Sau khi bắt tay chào từng người, chúng tôi rụt rè lần bước từng bậc thang xuống cái bè định mệnh.
Chúng tôi vừa bước xuống bè, con tàu từ từ rẽ sóng tiến thẳng. Bè do 4 thùng phuy hàn dính với nhau, kích thước lớn bằng cái chiếu. Trên 4 thùng phuy có một khung sắt. Tấm ván ép đặt lên khung sắt. Bè làm khá vững chắc. Dây cáp cột rất cẩn thận. Trên bè có sẵn bốn cái bơi chèo và một thùng nước ngọt. Đêm tối ánh sáng hải đăng rất rõ. Bốn cái bơi chèo nhịp nhàng khuấy nước. Chúng tôi vững tâm. Trời sáng dần. Hải đăng mờ dần. Khi vừng đông ló dạng, chúng tôi mới biết ngọn núi hải đăng xa lắm, bé tí teo. Ban ngày chúng tôi mới rõ cái bè tuy vững chắc nhưng thất cách. Vì nó hình vuông nên di chuyển rất khó. Cứ bơi ngược ba thước thì sóng đẩy lui lại 2 thước. Chúng tôi luôn tay bơi từ sáng đến chiều mà ngọn núi trước mặt vẫn còn xa mờ mịt.
Trời tối hẳn. Hải đăng lại tỏa sáng. Cái bè của chúng tôi cứ dập dềnh như đùa giỡn cùng sóng biển. Bất thần gặp luồng hải lưu cuốn cái bè trôi băng băng về bên tay trái. Ngọn hải đăng cứ lùi dần về bên phải. Một lúc sau chúng tôi không thấy ngọn hải đăng đâu nữa. Chán nản mỏi mệt, chúng tôi kẻ nằm người ngồi bó gối ngủ gục.
Sáng hôm sau, chúng tôi gặp đoàn tầu đánh cá. Có lẽ thấy lạ nên họ đậu quanh chúng tôi. Họ ngắm nhìn hồi lâu rồi bỏ đi. Cùng lúc đó sóng gió đẩy bè trôi gần vào bờ. Chúng tôi lên tinh thần ráng sức bơi. Nhưng khi cách bờ chừng 300 mét sóng gió lại kéo bè ra không sao cưỡng lai được.
Bánh mì, đồ hộp sữa đã ăn hết, thùng nước ngọt 20 lít uống chỉ còn phân nửa. Đã hai ngày chúng tôi sống trôi nổi trên cái bè kỳ cục. Chiều 23 tháng 6 có một chiếc tàu Thái Lan đánh cá cứu chúng tôi bằng cách họ kéo cái bè vào hoang đảo. Sau này chúng tôi mới biết lúc bấy giờ chính phủ Thái Lan ban hành cấm cứu tầu tị nạn. Vì vậy nên tàu đánh cá không dám cho chúng tôi vào đất liền. Trước khi lên hoang đảo, chúng tôi được chủ tàu cho ăn cơm với cá kho.
Chúng tôi đặt chân lên hoang đảo lúc trời vừa tối. Nằm đất, nằm cát chúng tôi ngủ một giấc ngon lành. Sáng hôm sau mọi người tỉnh dậy mới biết hòn đảo nhỏ xíu, chiều dài chừng 300m chiều rộng chừng 200m. Trên đảo chỉ có cây cỏ dại. May mắn lúc đó vào mùa mưa. Khát, chúng tôi kiếm những tảng đá chũng đựng nước mưa, cúi xuống uống. Cái sô sắt trước đựng sữa đặc, giờ dùng làm nồi cũng tạm được. Gói gạo nấu cháo mười người ăn được hai ngày. Hết gạo chúng tôi xuống bờ biển kiếm những con hào bám vào đá đập lấy ruột ăn.
Sau đó những con hào không còn, chúng tôi không biết lấy gì ăn. Những cây rau dại hoa vàng mọc trên đảo rất nhiều. Anh Xuân bảo đó là rau cúc tần, ăn được. Tôi chả biết rau cúc tần ra sao, nghe anh Xuân nói tôi tin và ra hái liền. Rau cúc tần nấu cháo đắng nghét, nhưng tôi cũng như mọi người cố gắng nuốt. Đêm nào tôi cũng bị đau bụng, tiêu chảy, nhưng ban ngày vẫn phải ăn cháo cúc tần.
Tàu Thái Lan qua lại đánh cá rất nhiều, nhưng không ai thèm để ý đến chúng tôi. Có một đêm hải tặc viếng hoang đảo. Bọn hải tặc lố nhố tới hơn mười tên. Một tên có súng. Còn các tên khác cầm dao, cầm búa. Bọn cướp bắt chúng tôi ngồi tập chung một chỗ. Chúng đốt đuốt sáng rực. Lục soát không có gì đáng lấy. Chả hiểu nghĩ sao bọn cướp lại cho chúng tôi một gói cơm và một con cá nướng khá lớn. Trước khi rút lui, một tên cướp ngứa tay bắn lủng mấy cái thùng phuy dùng làm bè.
Chúng tôi sống trên hoang đảo đã mười ngày. Thấy chờ đợi mỏi mòn, vô vọng, anh Tròn bàn tính:
- Anh Xuân, anh Bào, chú Chính, ba người hãy tìm cách bơi vào đất liền. Đến nơi các anh báo cho chính quyền địa phương cứu gia đình tôi. Nếu tất cả chúng ta đều ở lại chờ đợi hão huyền thì chúng ta sẽ chết đói hết.
Anh Xuân gật đầu, lâp lại lời anh tròn:
- Đúng. Chờ đợi hão huyền chúng ta sẽ chết đói hết.
Anh Chính cũng đồng ý và khen anh tròn tính như vậy là phải lắm.
Từ hoang đảo tới đất liền tôi thấy khá xa, ước chừng đến mười cây số. Thấy anh Xuân và anh Chính đồng ý với anh Tròn nên tôi nghe theo. Riêng tâm tư tôi không khỏi ngại ngùng. Tôi sợ biển lắm rồi.
Kiếm được hai cây tre khô, chúng tôi cột lại làm phao. Sáng sớm ngày 23-6-79, Xuân, Chính, Bào từ giã gia đình anh Tròn rối vác dao hạ thủy. Trước khi chia tay, anh Tròn dặn đi dặn lại: “ Tới đất liền các anh nhớ phất cái áo lên cho chúng tôi biết nhé”. Ba người bám vào hai cây tre, tay bơi, chân đạp. Có lúc chúng tôi bơi trong vùng biển san hô cứa đứt cả chân. Có lúc gặp luồng nước biển lạnh ngắt khác thường làm tôi rợn cả người. Trong khi bơi tôi cứ hay nghĩ dại, nếu vô phúc gặp cá mập nó táp cho một miếng là đi đứt cặp giò. Tưởng tượng tôi không khỏi rùng mình lo sợ.
Đến xế chiều quay lại nhìn hòn đảo nhỏ như một đốt ngón tay. Đất liền vẫn còn xa mù mịt. Ước chừng chúng tôi mới bơi được nửa đoạn đường. Bụng đói, lại vận động không ngừng suốt từ sáng đến chiều nên ba anh em mệt lả. Mệt đến nỗi tay chân không còn sức cử động nữa. Nước cuốn chúng tôi trôi sang bên phải. Nhìn những cây xuất hiện xa xa, anh Xuân bảo đó là cây thốt nốt. Tôi hoảng sợ nếu lạc vào đất Miên thì coi như lao đầu vào chỗ chết. Biển nguy hiểm như thế chúng tôi cũng đành mặc cho nước cuốn đi. Sức tàn lực kiệt, chúng tôi như ba con cá ngáp ngáp trên mặt nước chờ chết. Sắp sửa vĩnh biệt cõi đời, tôi tỉnh táo và bình tĩnh niệm Phật. Tôi chỉ ân hận là không được chết trên quê hương, không được nhìn những người thân yêu cuối cùng trước khi đi vào giầc ngủ ngàn thu.
Trong giây phút tuyệt vọng đó, bỗng có tàu đánh cá xuất hiện, khi tàu đến bên cạnh chúng tôi mới biết. Trên tàu quăng giây xuống cho chúng tôi bám lấy. Chúng tôi vận dụng hết sức mới leo lên được sàn tàu. Lên đến nơi cả ba người nằm mệt thiếp đi.
Tỉnh dậy tôi thấy trời gần tối và tàu đang vào bến đậu. Thoát chết! Chúng tôi mừng khôn xiết. Tôi tưởng tượng ba người sẽ được chính quyền tiếp đón nồng hậu, săn sóc chu đáo, tử tế. Ngờ đâu chừng nửa giờ sau cảnh sát Thái Lan đến điệu chúng tôi và chủ tàu về bót thẩm vấn. Trong khi cảnh sát thẩm vấn chúng tôi báo ngoài hoang đảo còn một gia đình gồm 7 người. Chúng tôi yêu cầu họ cho tàu ra cứu.
Nghe chúng tôi báo cáo, họ im lặng. Sau một tiếng đồng hồ thẩm vấn, họ đưa bốn người từ bốt về chi nhánh cảnh sát tỉnh Ryon. Nơi đó chúng tôi bị tống giam vì tội nhập cảnh bất hợp pháp. Còn chủ tầu bị giam vì tội cứu người vượt biển và khi bị giam tôi thấy anh chủ tầu không tỏ vẻ gì oán trách tụi tôi, ngược lại anh còn có vẻ hài lòng vì vừa làm được một việc thiện. Đêm hôm đó, bốn người chúng tôi bị nhốt trong cũi sắt với sáu phạm nhân khác. Trong lòng cũi sắt rộng bằng cái chiếu mà chứa đến mười người nên nghẹt bụng, phải ngồi bó gối thu hẹp lại mới đủ chỗ.
Sáng hôm sau chúng tôi bị còng tay dẫn xuống phòng thẩm vấn. Sau đó, ba tên nhập cảnh bất hợp pháp được giam riêng trong một cũi sắt. Còn chủ tàu, ân nhân của chúng tôi, được thả về. Anh ta vô tội vì khai thấy ba người sắp chết đuối đều ở trần nên anh ta tưởng là người Thái. Chúng tôi ra dấu cảm ơn anh chủ tàu. Anh ta cũng làm dấu diễn tả cảm tưởng anh ta rất sung sướng vì làm được một việc thiện. Bị giam cầm, chúng tôi còn phải chịu đói nữa. Bữa ăn, mỗi người được phát một chén cơm. Hàng ngày mỗi người được phát hai chén cơm. Đói rã rời! Đói thê thảm! Đêm nào cũng mơ được ăn cơm no bụng. Tỉnh dậy, tôi thấy miệng đang nhai nước miếng tóp tép. Chúng tôi bị nhốt trong bót cảnh sát tỉnh Ryon vừa tròn một tuần. Sau đó chúng tôi bị còng tay dẫn lên xe chuyển đến nhà tù lớn thuộc tỉnh Chantaburi.
Chúng tôi bị nhốt chung với các can phạm thuộc nhiều nước khác như Miến Điện, Miên, Lào...
Đến giờ ăn, thấy mỗi người bưng một dĩa cơm, tụi tôi cũng lấy mỗi người một dĩa. Anh Xuân vừa ăn được một miếng thì bị tên cai ngục giật lại. Hắn dật luôn cả dĩa cơm trên tay anh Chính và tay tôi. Hắn giải thích chúng tôi là tù mới chưa có phiếu ăn. Hắn bảo tụi tôi đưa tiền hắn đi mua giùm. Chúng tôi làm gì có tiền, cũng chẳng có cái gì để bán được. Chúng tôi phải nhịn đói hai ngày mới được lãnh phần ăn đầu tiên. Xuất cơm của nhà tù Chantaburi cho ăn cũng không hơn gì nhà tù Ryon. Chúng tôi vẫn đói liên miên thê thảm. Sau bữa ăn vẫn đói tôi gầy đến nỗi ngồi không vững. Tôi bị đi kiết lỵ nặng, mỗi lần đi cầu mất đến nửa lon máu tươi. Bệnh nặng như vậy mà không có thuốc. Tôi tưởng đã chết trong nhà tù Thái Lan. Trong nhà tù chỉ có ba người Việt Nam là đói nhất. Còn các phạm nhân khác một là họ có tiền mua cơm, mua quà bánh ăn thêm, hai là họ có thân nhân tiếp tế.
Tôi nhớ có một buổi đẹp trời, anh bạn tù người Cam Pốt tặng chúng tôi một gói cơm và mấy muỗng đường. Ăn cơm nguội với đường ngon vô cùng. Tưởng như từ thủa chào đời đến giờ chưa được ăn món nào ngon như vậy.
Không khí trong nhà tù Chantaburi làm tinh thần tôi luôn bị khủng bố, đang nằm ngủ, nghe tiếng xích sắt loảng xoảng là tôi giật mình tỉnh dậy. Khi thì họ tống thêm tù nhân vào, khi thì họ kêu tên và còng tay một vài người dẫn đi. Nhất là lúc 2, 3 giờ sáng, cảnh sát đến kêu tên tù nhân làm ai nấy nhớn nhác lo sợ. Riêng tôi, mỗi lần diễn ra cảnh như vậy tôi sợ đến lạnh cả người.
 
 
Hồi 8 giờ sáng 25-7- 1979 Cai tù đứng ngoài xong sắt kêu tên:
- Nguyễn Duy Xuân
- Nguyễn Duy Chính
- Nguyễn Hữu Bào
Chúng tôi hồi hộp nửa mừng nửa lo. Thấy họ dẫn đến văn phòng và chỉ ghế ngồi tôi mới yên tâm phần nào. Thơ ký văn phòng bảo chúng tôi ký tên vào sổ và cho chúng tôi biết chúng tôi được trả tự do. Chúng tôi đi tìm tự do kể từ ngày 15-6 79, mãi đến 25-7 -79 chúng tôi mới được hưởng tự do, mới biết tự do quí như thế nào.
Chúng tôi được ngồi xe hơi và được cảnh sát chở đến trại tịn nạn Leamsing, chúng tôi nhập trại hối 4 giờ chiều 25-7 -79. Hơn 40 ngày xa quê hương, nay chúng tôi mới gặp lại đồng hương, mới được nghe tiếng mẹ đẻ yêu quen thuộc. Chân tôi bước vào trại mà tưởng chừng như không chấm đất.
Ngày hôm sau chúng tôi được phái đoàn Liên Hiệp Quốc phỏng vấn. Chúng tôi khai với phái đoàn là còn một gia đình gồm hai vợ chồng và năm đứa con nhỏ hiện còn trên hoang đảo. Hai ngày sau phái đoàn Liên Hiệp Quốc cho biết tin gia đình anh Đỗ Thanh Tròn chỉ có hai người sống sót là vợ và con gái anh Tròn. Mấy ngày sau mẹ con chị Tròn cũng được đưa đến trại Leamsing. Gặp chúng tôi chị Tròn mếu máo kể chuyện:
- Sau khi mấy chú đi rồi, chúng tôi chờ hoài không thấy tàu nào đến cứu. Anh Tròn quyết định kiếm tre khô làm bè đưa vợ con vào bờ...
Lau nước mắt chị Tròn kể tiếp:
- Anh Tròn ghép nhiều đoạn tre làm thành cái bè hình chữ nhật. Ảnh cho tôi cùng các cháu ngồi trên bè. Còn ảnh lội dưới nước vừa bơi vừa đẩy bè đi.
Chúng tôi im lặng chăm chú nghe. Giọng chị Tròn nghẹn ngào đẫm lệ:
- Tôi nghiệp! Ảnh sợ tụi nhỏ rớt xuống biển nên phải cột từng đứa dính liền với bè tre. Chờ thủy triều lên ảnh mới thả bè xuống nước. Nhờ nước triều lên bè trôi khá nhanh...
Kể đến đây chị Tròn nghẹn ngào không nói nên lời. Tôi cũng không ngăn được những dòng nước mắt thương cảm. Tôn trọng sự đau khổ của người vợ mất chồng, người mẹ một lần mất bốn đứa con, chúng tôi ngồi yên lặng.
- Thảm lắm! Các chú có biết không? Trên mặt biển các con tôi cứ chết dần...chết dần từng đứa
– Chị Tròn vừa khóc vừa nói – Tội nghiệp! Thằng Doãn nó nói “Ba giết tụi con rồi. Ba ơi!”
Chị Tròn khóc hu hu. Chúng tôi không biết nói sao an ủi chị. Hy vọng những giọt nước mắt khiến nỗi đau khổ lắng xuống, những giọt nước mắt sẽ xoa dịu dần vết thương lòng.
- Đẩy được cái bè đến gần bờ, ảnh đứng mực nước tới ngực rồi. Nhưng vì kiệt lực nên anh xỉu rồi chết luôn.
Từ nãy đến giờ chúng tôi không dám hỏi một câu.
- Xác năm cha con đưa vào nhà thiêu. Còn tôi với cháu Trinh được xe cứu thương đưa vào bệnh viện.
Kết thúc câu chuyện quá đau thương, chị tròn căn dặn chúng tôi:
- Mấy chú có viết thư về Sài Gòn xin đừng nhắc đến gia đình tôi. Coi như chúng tôi mất tích.
(Kỷ niệm hai mươi ba năm xa quê hương )
10 Tháng 10 Năm 2002