Cứ chạng vạng, khi bóng tối đổ sẫm màu một góc rừng U Minh, những tia nắng rụng góc trời cháy rực. Khi đàn muỗi bắt đầu cất mình lên như đám mây nặng trĩu những giọt sương máu từ đầm lầy. Khi đàn quạ khạc ra tiếng khàn đặc rên rẩm trên những chạc cây bị sét đánh cụt ngọn. Đó là lúc người đi rừng chậm chân bắt đầu nghe từng tràng tiếng hú ghê rợn.
Không rõ cất lên từ đâu. Loạt tiếng hú làm nổi gai lưng này. Chúng rên từng hồi đứt đoạn. Luồn như rắn dưới những tàn lá rậm rịt. Dán mình trườn trên mặt bùn nhão sệt nham hiểm của đầm lầy rồi trôi dạt trong bầu không khí u uẩn bốc lên từ những xác cây mục, đe nẹt ngay cả những kẻ làm nghề sơn tràng táo gan nhất.
Dân quanh vùng chỉ dám kiếm ăn von ven ngoài bìa rừng, ruột cứ cuộn lên nỗi thòm thèm tiếc của. Đời ông đời cha họ truyền lại, ở trong sâu kia, có vô khối chim thú lạ mà chỉ cần bắt được một con cũng đủ để sung sướng cả đời. Chưa kể đến bao nhiêu trầm, kỳ nam đang lặng lẽ toả mùi thơm trong những thân cây huyền hoặc. Nhưng có thèm khát đến mấy, dân sơn tràng cũng chỉ dừng lại ở những lời than tiếc nắc nỏm. Đã không ít kẻ bạo gan chẳng chịu nổi sự cám dỗ, liều mạng dấn sâu vào đầm lầy, đặt chân lên lớp bùn mịn và lập tức cái lớp bùn gian manh kia sụt xuống nuốt từ chân đến bụng rồi đầu kẻ xấu số. Tiếng kêu cứu của người sắp chết chỉ còn ằng ặc sủi bọt trong cái đầm lầy không đáy trước khi mất dạng.
Và cứ kéo nhằng nhẵng theo những buổi chiều ngằn ngặt tiếng hú là đoàn người lê thê lết đi không một tiếng động trong sương mờ. Đoàn người không rõ hình hài, được xâu thành chuỗi qua lòng bàn tay bằng một sợi thép gai rỉ bê bết máu khô lẫn máu tươi. Nhìn kỹ, chuỗi người bị xâu đều thiếu gan bàn tay, gan bàn chân. Thiếu tai. Máu đổ ri rỉ chảy dọc lối họ qua. Những bàn tay chìa ra phía trước, rên xiết đòi lại thứ mà họ đã bị cắt, bị chặt, bị xẻo. Cuộc diễu hành rùng rợn kéo cho đến khi mặt trời khuất hẳn sau rừng cây. Thì những tiếng rú ghê rợn cũng dứt. Không gian gần như bình yên,cho đến lúc gà gáy canh tư.
Khi tiếng gà đầu tiên vừa cất lên, cuộc diễu hành lại tiếp tục theo hướng ngược lại. Đoàn người trở về. Họ dong theo đoàn một gã to con, mặt trắng bệch với nụ cười gằn ẩn sau khuôn miệng đỏ bầm lượn cong cong như miệng đàn bà. Hai chân hắn bị xiềng. Tiếng xiềng khua xủng xoẻng như kẻng báo giờ chết. Hai tay hắn đỡ một chiếc mâm khổng lồ đầy ụ thức ăn đã chế biến và được bầy biện rất tinh tế, khiến chúng đẹp rực rỡ như một chiếc lẵng lớn đầy hoa lá. Nhìn kỹ, đó là món nộm tai người và món hầm gan bàn tay, gan bàn chân người, dù chúng đã được cắt tỉa, nhuộm màu với một nghệ thuật sành sỏi. Gã to con chìa cái mâm ra trước mặt đoàn người: "Này là chân, là tay, là tai các người. Nhặt lấy!". Đoàn người xúm lại, chen chúc, vừa rên rẩm vừa rạp xuống, lẩy bẩy lục lọi. Cố tìm ra đâu là tai, đâu là gan bàn chân bàn tay họ đã bị thái nát ra, tẩm ướt mắm muối mỡ đường, nhuộm màu sặc sỡ dưới hình hài những mỹ vị. Sau một hồi tìm kiếm, đoàn người rú lên tuyệt vọng, xô lại túm lấy gã quật xuống đất. Gã chẳng hề hấn gì, nhăn nhở cười với đôi môi bầm đỏ máu thêm nhành rộng trên khuôn mặt trắng bệch.
Một ngày của đặc khu Thủy Yến được bắt đầu và kết thúc như vậy. Tiếng súng đạn của những trận kịch chiến qua đã ba mươi năm, nhưng những cuộc diễu hành thì chưa ngơi lấy một ngày.
*
Con hổ mang bành dữ dằn gồng mình quấn xoắn lấy cánh tay trần mảnh mai rám nâu của vợ Ba Xà. Cái đuôi chơm chởm vảy sừng của nó chọc lên tận cổ chị muốn đâm thủng da thịt. Con rắn rút sống lưng dồn vảy dựng đứng định bẻ gẫy cánh tay. Cái giống vật mốc xì và nồng nặc mùi hôi đầm lầy này lớn cỡ cổ chân, dài gần sải tay. Cổ bạnh ra phun phì phì. Đôi mắt độc địa chằm chằm nhìn,snh sáng rờn rợnnhòng thôi miên người đàn bà nhỏ thó mồ hôi chảy thành dòng ướt đẫm mặt.
Vợ Ba Xà không ngán. Dù sao thì ông chồng chị cũng đã nổi tiếng là người bắt rắn giỏi nhất vùng. Nhà lại sẵn môn thuốc gia truyền chữa rắn cắn thần diệu sống để dạ chết mang đi. Vợ Ba Xà bặm môi. Ngón tay cái và ngón trỏ thoăn thoắt lừa miếng thít chặt lấy mang, sát cái miệng đang há ra đỏ lòm của con rắn, khiến nó không có cách gì cắn được và phải nhả nọc độc vào một chiếc lọ nhỏ. Rồi tay trái chị nhúng vào một thứ nước ngải có mùi thơm ngai ngái,vuốt hờ trên đầu rắn. Lập tức con hổ mang bành trở nên ngoan ngoãn, nới lỏng vòng quấn. Vợ Ba Xà thảnh thơi cho nó tuồn vào một chiếc lồng sắt ken dày và cài chặt then lại. Chị cất chiếc bình chứa nọc vào một thùng xốp lớn đựng đầy nước đá. Khi chị trút bỏ quần áo xuống sông tắm, lằn lưng con rắn vẫn hằn đỏ cánh tay.
Nước phù sa ưng ửng màu vỏ trứng gà ve vuốt bộ ngực nở vồng vì căng sữa và cặp mông cũng màu vỏ trứng gà rắn chắc của chị. Mặt sông mênh mang lấp loá nắng. Gió lay lá cây đọng mỡ phù sa long lanh ngọc bích. Nắng soi rõ cái xóm chỉ có bốn căn nhà lẻ loi bên bìa rừng đang đổ bóng nhỏ xíu xuống vệ sông. Tiếng gà gáy trưa loang dài cũng vàng rười rượi. Vợ Ba Xà khoả nước, mỉm cười. Ba Xà người chắc như cây lim, bắt được nhiều rắn nhất xóm. Thằng Rồng đã đầy tuổi thôi nôi, hay ăn chóng lớn. Ghe của cái ông bụng phệ cứ đến đúng hẹn lấy nọc rắn. Nhà chị có bộn tiền mua dưa mắm.
Bóng cây trứng cá đổ dài trên mặt sông, nghiêng xuống bờ vai lấp lánh nước của vợ Ba Xà một vệt đen mờ. Vợ Ba Xà hối hả vơ vội chiếc áo, chạy tấp vào nhà. Trên bộ ván ngựa, thằng Rồng đang giơ cả bốn chân lên trời khóc. Thằng bé có đôi mắt nâu hình lá trâm bầu của mẹ, đường viền môi rõ nét như cánh cung của cha. Không chỉ vợ chồng Ba Xà, mà cả xóm đều cưng thằng bé hết cỡ. Người mẹ vội ấn vú vào miệng con. Vừa kịp ngẩng đầu lên đã thấy có bóng người đổ tối sầm trước cửa. Chị há miệng kêu không ra tiếng.
Ba Xà không về một mình. Nằm thượt trên lưng anh, trông như đã chết là một người tóc tai râu ria lòng thòng, mặt sưng phù bầm tím, chân dài quết đất. Ba Xà thở hồng hộc, nặng nhọc bước qua bậc cửa, ghé vai đặt cái gã trên lưng xuống bộ ván ngựa duy nhất trong nhà, rối rít gọi vợ:
- Để thằng Rồng đó! Mở khạp lấy cho tui chai thuốc chữa rắn cắn. Cầu may. Thằng này bị rắn lục cắn. Không chắc sống...!
Vợ Ba Xà lập cập giằng đầu vú ra khỏi miệng con, đặt nó nằm chỏng chơ trên bộ ván, cạnh cái gã trông như quỷ xồm đang bất tỉnh kia, hối hả đi lấy thuốc. Trong lòng chị có những cảm giác trái ngược. Vừa muốn giúp người gặp nạn. Vừa lo sợ. Cái thứ thuốc bí truyền này, chỉ có những nhà mà tổ tiên làm nghề bắt rắn nhiều đời, từng bị rắn cắn chết đi sống lại nhiều lần, trong gia tộc đã có người nộp mạng cho thần Rắn mới có được. Lúc sắp chết, người giữ bí truyền mới vẫy đứa con tin cậy nhất đến, thều thào trăng trối vào tai, mà không bao giờ quên dặn một câu rằng thuốc này chỉ truyền chữa cho người nhà. Nếu chữa ra ngoài, thần Rắn sẽ bắt đổi mạng.... Vợ Ba Xà cầm lọ thuốc, ngần ngừ không muốn đưa.
Biết ý vợ, Ba Xà mắng át:
_ Chần chờ gì nữa! Mặc người ta chết à? Đưa đây! Lạy thần Rắn tha tội. Ba Xà này không thể thấy người sắp chết mà không cứu.
Ba nhà hàng xóm nghe rộn rạo cũng đổ sang. Người lấy đũa cậy răng đổ thuốc. Nhìn Ba Xà cầm lưỡi lam rạch chỗ vết cắn ghé miệng hút nọc, ông Bẩy Trăn thất kinh:
- Liều mạng vậy, Ba Xà! Coi chừng mầy chết thay nó, nếu mồm hoặc lưỡi mầy bị chảy máu đó nghe....!
Vật lộn toát mồ hôi một hồi. Khi mọi người đã bải hoải cả chân tay, tính đi kiếm bộ ván chôn người xấu số, thì gương mặt tím bầm của kẻ bị nạn bỗng thoáng chút sinh khí. Gã thở dài, từ từ mở mắt ngơ ngác nhìn quanh, rồi kêu lên yếu ớt, nghe không giống tiếng người. Thế mà tiếng kêu đó được phát ra từ một lồng ngực đang rất phổng phao của một gã trai áng chừng chưa qua ba mươi tuổi. Cái miệng rất đẹp, hàm răng chắc khoẻ sáng loà ló dạng giữa đám râu ria rậm rịt rối bù như dây rừng. Từ đôi mắt đen, sâu, hoang dại nhưng hiền như mắt bò con của gã ứa ra những giọt nước.
Nắng tắt hẳn. Xa xa vọng ngàn ngạt những tiếng hú từ rừng sâu.
*
Ba năm sau
Cái gã đó, giờ đây mang tên Pạng, đã coi Ba Xà như cha và ở hẳn trong nhà anh. Sở dĩ gã mang tên Pạng, vì cách đây ba năm, khi vợ Ba Xà đổ cháo vào mồm hắn, ra hiệu hỏi nhà đâu, hắn giơ ngón trỏ và ngón tay cái lên làm thành hình quả trứng, ý là "không". Khi hỏi tên, gã đập tay bồm bộp vào ngực, kêu " Pạng pạng...". Khi vừa đứng lên đi lại được, gã quỳ sụp xuống trước mặt Ba Xà, lạy như tế sao, gọi anh là "pạ pạ"- nghĩa là bố, gọi vợ Ba Xà là " chị", và thằng Rồng là "em", rồi xin ở lại nhà. Gã theo Ba Xà đi bắt rắn, nay đã thành thạo. Nhưng Ba Xà nể hơn nhiều khi nhìn gã vồ chuột. Chỉ đôi bàn tay không, hễ trông thấy chuột là hắn đổi khác, vươn mình dẻo như một con vượn, lẹ làng khác thường. Những con chuột rừng thân dài, thịt không béo mà rắn chắc, lọt vào nằm gọn trong tay gã như có phép dính. Những khi cầm con chuột giẫy giụa trong tay, đôi mắt bò non của gã bỗng sần lên những tia khoái trá. Từ ngày có gã, nhà Ba Xà lúcc nào cũng sung túc chuột, nhím, vui lên vì thỉnh thoảng hắn đã có thể nói dăm câu và cười. Vợ Ba Xà thì dạy hắn đọc và viết. Khi chiếc tivi chạy bằng máy nổ phát ra chương trình ca nhạc, hắn khẽ nhún nhẩy và ê a hát theo như trẻ con. Hắn cung kính với Ba Xà như cha đẻ. Thường cho thằng Rồng quà là những con chuột nướng to bằng bắp tay. Khi rừng ngập, khan hiếm thức ăn, hắn nhịn phần ăn của mình cho thằng Rồng. Nhưng cả xóm đều thấy lạ là không bao giờ hắn chịu bế thằng bé. Hễ thằng bé đến gần là hắn bối rối lảng đi, mà con mắt vẫn vụng trộm ngoái lại. Nghĩ rằng hắn thèm bế thằng bé mà không dám, có lần vợ Ba Xà đặt thằng Rồng vào tay hắn, hắn lắc đầu quầy quậy và lảng ngay ra xa. Đôi khi, vợ Ba Xà bắt gặp hắn ngồi xổm ở góc vườn, nhìn thằng Rồng đang chạy chơi như nhìn một con chuột lạ.
Hăm hai tháng chạp. Xóm bốn nhà rình rang giã gạo làm bánh đón Tết.
Hai tay xách nặng. Lỉnh kỉnh những bánh trái, gạo thịt, quần áo mới, Ba Xà cột ghe, hăm hở bước lên bờ. Đáp xuống chợ tỉnh từ chiều qua để sắm Tết giờ mới về đến nhà, chưa chi Ba Xà đã nhớ con. Anh nghĩ đến gương mặt tươi rói của vợ, nụ cười toét miệng của thằng Rồng khi trông thấy những thứ trên tay anh. Anh cũng mường tượng thấy khuôn mặt sáng lên của thằng Pạng- gã trai lầm lì nhưng chăm chỉ mà ba năm nay anh đã coi như đứa con nuôi dù tuổi nó kém anh chưa tới một giáp. Anh thương nó không cha mẹ, không biết gia đình ở đâu, khi hỏi đến chỉ biết lấy tay chỉ vào rừng. Quà anh mua cho nó kỳ này là một chiếc quần bò màu tím than.
Vừa dợm chân đặt lên ngõ, Ba Xà rởn người vì nghe thấy tiếng gào rú. Ba Xà quay ngoắt về phía có tiếng rú, thấy một đám đông đang xúm xít dưới gốc cây xoài lớn đầu xóm, ngửa cổ nhìn lên cây, vẻ mặt rất hoảng sợ. Ba Xà buông mấy thứ đồ mới sắm ngả ngớn trên mặt đất, chạy tới. Thì thấy vợ anh, mặt tái dại, miệng há ra nhưng không nói được, như người bị trúng gió cấm khẩu, đang quỳ, chắp hai tay vái cái gì đó ghê gớm lắm trên ngọn cây.
Ba Xà nhìn lên.
Cheo leo cao tít tắp trên cành chĩa lên trời, mềm oặt xuống như sắp gẫy vì sức nặng, là một thằng người cao lớn chân dài, cái miệng với hàm răng trắng ngậm dao bầu lấp loá nhô ra trong nắng, nhìn từ dưới lên cao đã thấy chói mắt. Thằng người nhìn xuống đám đông vẻ vừa sợ sệt, vừa đe dọa, một tay hắn bám ngọn cây, một tay hắn giấu một vật gì đang động đậy, trông như một con gà trắng. Đôi mắt bò non trợn trừng lừ lừ hắt ra màu xanh như màu rắn lục.
"Thằng Pạng"! Ba Xà hét lên. Nghe tiếng hét, thằng người giật mình. Nhìn rõ đôi chân dài thượt của gã run lẩy bẩy. Gã lấm lét nhìn Ba Xà, co một chân lên. Lúc đó, Ba Xà mới nhìn rõ, thằng Pạng không ở trên cây một mình. Cái bọc động đậy đó, chính là thằng Rồng con anh. Thằng bé khóc không ra tiếng, giẫy giụa trong những ngón tay đen đúa quắp chặt như vuốt diều của thằng Pạng.
Hết hồn hết vía, Ba Xà lấp bấp vỗ vào gốc cây, rối rít gọi:
- Pạng, sao nghịch dại vậy! Đưa em xuống ngay! Chết cả hai bây giờ!
Pạng có vẻ phân vân. Trong tay hắn, thằng Rồng mở con mắt lờ đờ ngó xuống, bật lên một tiếng khóc, rồi tắt lịm. Pạng lom lom ngó xuống, canh chừng, hét lên với đám người:
- Thả tao đi. Nếu không, tao giết thằng Rồng!
Lúc đó, Ba Xà mới nhìn rõ, trên cổ gã đeo lòng thòng một cái tai người mà máu đã khô quánh đen bầm. Một mùi tanh nồng nặc bốc lên trong buổi trưa oi nồng khiến người ta nghĩ đến không khí của những bữa tiệc máu. Cả đám người lặng ngắt nín thở, nhìn thằng bé đung đưa mềm oặt trong móng vuốt thằng Pạng. Ông Bẩy Trăn run rẩy ghé vào Ba Xà:
- Tai bà Hai Rỗ đó. Thằng Pạng cắt khi bà đang ngủ. Nghe bà Hai rú, cả xóm rần rần đổ đến. Thằng Pạng mới cắp thằng Rồng leo lên cây. Nó nhe răng gớm ghiếc, như sắp ăn thịt thằng Rồng. Cả giờ nay rồi. Vợ mày té xỉu mấy lần mới hồi lại. Coi chừng đừng leo lên cây nghe, Ba Xà. Nó bóp chết thằng Rồng tức khắc đó. Dùng lời ngọt mà dỗ. Nó chỉ nể riêng mầy...
Chưa nghe dứt lời can của ông Bẩy Trăn, Ba Xà đã trèo lên cây. Vừa lên ba nấc đã nghe tiếng rít ghê rợn trên đầu. Con dao nhọn dùng để lột da rắn của nhà anh từ tay thằng Rồng sượt qua mang tai, cắm phập xuống đất, ngập tận cán. Từ tai Ba Xà, một dòng máu đỏ ri rỉ chảy dài. Ba Xà buông tay, rơi thịch xuống đất.
Vợ Ba Xà lao đến ôm chặt lấy chồng. Mắt chị lạc đi, con ngươi đảo lên:
- Thằng Pạng. Mày đang tâm giết cả pạ pạ mày sao?
Nghe hai tiếng "pạ pạ", thằng Pạng như sực tỉnh, ngó xuống. Hình như hắn nhận ra Ba Xà. Mắt đã bớt xanh lẹt. Nhưng bàn tay quắp thằng Rồng vẫn huơ lên hăm dọa trên đầu.
Ba Xà nén đau, cất tiếng dỗ dành:
- Con ơi! Con quên rồi sao? Ai đã cõng mày về từ trong rừng, cứu mày, nuôi mày như con? Thằng Rồng là em con đó, Pạng! Mày nỡ làm pạ pạ đau lòng sao? Mau mau xuống đây. Pạ không đánh, không mắng, cũng không cho ai đánh con đâu! Mày không xuống mau, thằng Rồng em mày chết mất.
Nghe những lời đó, cành cây đang đỡ thằng Pạng bỗng rung chuyển. Gã chuyền xuống một cành cây thấp hơn, ngó lom lom vào mặt thằng Rồng đang thoi thóp thở. Răng nhe sáng loá. Cái miệng dẹp phát ra những âm thanh nghe không giống tiếng người:
- Pạ ơi! Tôi đâu có định ăn thằng Rồng. Dù thịt trẻ nít thơm ngon lắm. Ba năm nay, ơn pạ cứu mạng, tôi đã cố nhịn....
Gã bỗng ôm mặt khóc, hú lên qua dòng nước mắt li ti rỏ xuống như những giọt nọc rắn:
- Pạ ơi! Sao bỗng dưng pạ lại bỏ đi. Tôi không thể làm người được nữa! Pạ cứ đi khỏi nhà là tôi thèm những bữa tiệc tai người. Từ nhỏ, tôi đã ăn như vậy. Ông chủ bảo tôi cách đi bắt người như bắt chuột rồi vác về đặc khu. Ông dạy tôi cách làm nộm tai người...
Ba Xà rùng mình, lạnh tận sống lưng. Anh nhớ lại những câu chuyện về đoàn người lũ lượt đi trong tiếng hú khóc trong đặc khu Thủy Yến, trong ánh vàng vọt của những tia nắng rụng, đi đòi lại tai và gan bàn chân bàn tay của mình đã bị xẻo trong những ngày chiến tranh. Mấy chục năm qua rồi cơ mà? Chiều chiều đi bắt rắn về muộn, Ba Xà vẫn nghe tiếng hú, nhưng cứ tự nhủ rằng không biết mình mơ hay tỉnh. Vậy, cái gã đang đung đưa mình trên cây kia, quắp chặt đứa con của anh trong tay, là người hay ma?
Ba Xà cố hết sức trấn tĩnh, lấy giọng ngọt ngào:
- Pạng này! Tỉnh lại đi con. Con không cha không mẹ. Con là con của ta. Ba măm nay con sống ở xóm này. Mọi người thương con mà. Xuống đây, ba đón. Nào! Nghe ba, đưa em con xuống trước rồi ba đỡ con xuống sau. Ta bảo đảm cho con mà!
Nước mắt Ba Xà rơi lã chã. Thằng Pạng dịu nét mặt. Mắt gã trở lại gần như mắt bò con. Gã nghi ngại nhìn mọi người đang đứng quanh Ba Xà, bàn tay quắp chặt thằng Rồng đã nới lỏng. Ba Xà biết ý, nói:
- Bà con về nhà giùm đi. Không việc gì đâu. Để thằng Pạng mang em nó xuống đây! Nào Pạng con. Ngoan lắm!
Anh mặt trời đã úa vàng chiếu qua kẽ lá xoài, hắt lên mặt thằng Rồng những tia vàng vọt. Pạng trừng trừng nhìn thằng Rồng. Rồi nó thẫn thờ lần xuống từng cành cây, thấp xuống tới mức Ba Xà cập rập đưa tay ra định bồng lấy con. Nhưng thằng Pạng lại dừng phắt. Nó riết chặt con mồi trong vòng tay, mắt nhìn trừng trừng, nước miếng chảy ròng ròng qua khoé mép. Họng nó nhẩy nhẩy, lên xuống bật ra những tiếng hực hực thèm khát. Ba Xà níu chặt gốc cây. " Pạ...Pạ...!"...Tiếng nức nở của thằng Pạng. Như trong cơn mơ, cái thân thể bé bỏng của thằng Rồng chợt được Pạng buông xuống nằm gọn trong tay Ba Xà. Ba Xà muốn ngẹt thở, hối hả ấp mặt vào ngực thằng con.
Trên cây, thằng Pạng vẫn ngồi lặng. Nó nhìn chị Ba Xà ôm chặt thằng Rồng, bỏ chạy vào nhà, chốt chặt cửa. Nó nhìn thấy lũ người lúc nãy nghe Ba Xà tản vào nhà, bây giờ đang lấp ló chạy trở ra. Còn Ba Xà thì vẫn đứng dưới gốc cây, vẻ bồn chồn, như đợi hắn nhẩy xuống. Pạng nhìn đôi tay chằng chịt sẹo của pạ pạ. Đôi tay này là hình ảnh đầu tiên hắn nhìn thấy sau khi tỉnh lại từ lần hút chết do rắn lục cắn. Một lần nữa, những giọt nước mắt li ti lại ứa ra trên đôi mắt hắn. Hắn bất giác mím miệng dợm chân bước xuống. Chỉ một nhành ngang nữa là tới tay pạ pạ.
Đúng lúc đó, tia nắng vàng vọt cuối cùng rớt xuống. Và, nghe rất rõ, một chuỗi tiếng hú ảo não vọng tới từ ruột rừng sâu.
Thằng người đang đứng trên cây bỗng sựng ngược. Hắn vùn vụt leo trở lại ngọn xoài, dỏng tai nghe. Tiếng hú vẫn vọng lại, nghe rõ mồn một. Gương mặt thằng người bỗng nhiên xa vắng. Màu xanh rắn lục trở lại trong cặp mắt bò non.
Hắn nhìn lên trời, nhìn về phía đầm lầy hun hút sâu trong rừng. Rồi nhìn xuống gốc cây, nơi pạ pạ của hắn đang đứng. Bỗng hắn ngửa cổ lên trời, cất lên một tiếng rú. Tiếng rú này nghe giống tiếng người não nuột nối dài muôn ngàn tiếng hú vọng lên từ phía đầm lầy, trước khi hắn nhảy dựng lên lần cuối, rơi xuống gốc xoài, dội óc chết tươi với một dòng máu nhỏ ri rỉ chảy bên mép. Từ đôi mắt bò non mở trừng trừng của hắn, Ba Xà thấy dường như in hình một gương mặt trắng bệch với đôi môi nhành ra trong một nụ cười khó tả.
Tháng 9/01 Võ thị Hảo