Nói "ác" với nói "ác ý" khác nhau. Người ta làm ra một điều ác có thể bởi vô ý. Nhưng đến nói "ác ý" thì cái ấy rõ ràng bởi người ta hữu ý mà làm hay thậm chí cố ý mà làm.
 
Trong các nghề nghiệp, nhất là nghề buôn, thường hay có sự ác ý.
Có câu chuyện một hiệu thuốc lá toan chuyện cạnh tranh với một bạn đồng nghiệp mình mà giở đến cái thủ đoạn tàn khốc, thật không ai nghĩ đến.
 
Số là hiệu X, thuốc lá ngon có tiếng, vẫn bán chạy lâu naỵ Ra để tranh với hiệu X, hiệu Y bèn dùng một kế rất hiểm độc.
Hiệu Y bỏ vốn ra hàng vạn mua lấy thật nhiều thuốc lá của hiệu X rồi dìm lại một vài năm mới bí mật đem ra bán. Trong lúc ấy, hiệu Y cố làm cho thuốc lá của mình ngon lên và quảng cáo thật riết. Tự nhiên công chúng thấy thuốc X quá dở - thuốc để đến hàng năm tài gì chả dở? - rồi đổ xô nhau mua thuốc lá Y mà hút nên nó bán rất chạy. Hiệu X sau cũng biết mình thiệt hại vì hiệu Y, nhưng không kiện được, bởi không đủ tang chứng.
Lại chuyện hai hãng tàu thuỷ tranh nhau nữa. Hãng Giáp cố cướp quyền lợi của hãng Ất, bèn quyết kế đụng cho chìm tàu hãng Ất trong khi hai chiếc gặp nhau. Vả tàu này đụng chìm tàu kia là một sự có tội trước pháp luật. Nhưng hãng Giáp không kể điều ấy, tính rằng dù có kiện nhau cho ra lẽ cũng phải mất một vài năm mới xong, bây giờ cứ hẵng triệt nó đi để chuyển cái lợi chạy tàu con đường ấy về phần mình.
 
Quả nhiên sau đó vụ kiện cứ dây dưa hoài cho đến ba bốn năm mới xong. Hãng Giáp có bị bồi thường cho hãng Ất ít nhiều, nhưng nhờ sự độc quyền trong bấy nhiêu năm, nó vẫn còn lời chán.
 
Ấy là tôi cử ra một vài ví dụ để chỉ rõ cái ác ý bởi nghề nghiệp.
Đối với những cái ác ý ấy, pháp luật vẫn không bao giờ dung thứ. Nhưng tại lòng dạ con người quỉ quái đến điều thành thử pháp luật cũng phải có chỗ cùng.
 
Làm báo cũng là một nghề nghiệp. Một nửa nghề làm báo hàm có những cái tính chất văn học, xã hội v.v... nhưng một nửa là buôn bán.
 
Có người lại nói rằng làm báo là chỉ có độc một tính chất buôn bán cũng như các nghề nghiệp buôn bán khác. Bởi vì theo thương luật, hễ việc gì đem tiền ra kinh doanh tức là việc buôn bán. Thế thì làm báo cũng kinh doanh bằng tiền nên nó cũng là việc buôn bán.
 
Người ta đã coi nghề làm báo là việc buôn bán thì tất nhiên người ta cũng dùng ác ý để đối phó với nhau, và cái ý ấy người ta cũng cho là cái ác ý bởi nghề nghiệp.
 
Ngày nay, sự dành nhau mà sống phải coi là sự nghiêm trọng giữa loài người. Đã thế thì những cái thuyết đạo đức vu vơ không còn là thế lực để địch với những cái quan niệm về quyền lợi hiện tại. Biết vậy nên tôi cũng đã phải nhận cho làm báo là một nghề nghiệp buôn bán và trong đó ai không giữ sự thật thà mà dùng đến ác ý thì dùng.
 
Tuy vậy, theo lẽ thường việc gì cũng có giới hạn mới được.
Giữa làng báo Sài Gòn, có lần tôi đã thấy báo này dùng chước quyến rũ, cướp chủ báo của báo kia. Lại có lần, hai báo cùng ra số Tết, mà báo này lập thế làm cho báo kia trục trặc để mình ra trước.
 
Những việc như thế kể cũng đều là ác ý cả. Nhưng lạ sao, khi nghe những câu chuyện ấy, ai nấy chẳng lấy làm đáng phi nghị cho lắm; mà có kẻ lại cho là ngộ nghĩnh, buồn cười?
 
Thì ra, nghề làm báo có cho đứt đi việc buôn bán nữa, cũng chỉ một phần về ty quản lý mà thôi. Những việc trên đó là việc thuộc về ty quản lý, nên dù nó đeo cái tính chất lém lỉnh xỏ xiên của nghề buôn bán, chúng ta cũng còn bỏ qua được. Trong tiếng Việt Nam chưa ai xoá bỏ được bốn chữ "thương nhân đa trá" thì con nhà buôn cứ trổ ra các thứ mánh khoé sau lưng pháp luật.
 
Tôi chỉ muốn nhắc người ta nhớ rằng trong nghề làm báo còn một phần nữa về toà soạn, phần này thì quả không dính dấp gì với việc buôn bán, cho nên nó chẳng dung được cái ác ý nào cả.
 
Ai có ác ý trong việc biên tập như đặt điều nói xấu cho kẻ khác, thì có thể bị toà án truy tố mà mắc vào tội phỉ báng. Còn ai không làm hại đến kẻ khác, chỉ lấy phải làm trái, lấy đen làm trắng, dù pháp luật không có quyền hỏi đến chớ cũng bị dư luận khinh rẻ hay là hình phạt bởi lương tâm.
 
Như thế thì về việc biên tập, chúng ta nên không hề có ác ý mới phải. Cớ sao trên báo lại thấy có sự ấy hoài?
Việc rất nhỏ nhặt "hột đậu nhọn" hay "chữa văn", cũng thường hay làm cho kẻ khác thấy cái ác ý của mình, là làm chi vậy?
Đại khái như một bài ở tờ báo này trước đây có câu "Bà ấy quên hết ít nhiều tiếng ta", vốn là câu chúng ta có thể nói được "hết ít hay hết nhiều" sao lại chẳng được? Thế mà cũng có người cãi, bảo rằng đã "hết" sao còn "ít nhiều" gì? Rõ thật là cãi bướng chỉ có cái ác ý muốn dìm ếm nhau thì mới cãi như thế mà thôi.
 
Nay đến cuộc chữa văn cũng chỉ thấy cái ác ý người này muốn mạt sát người kia mà bày ra, chứ không có chút thực tình nào về văn cả.
Thế chẳng biết tại người ta tin sự dìm ếm mạt sát ấy là có lợi cho mình nên mới làm như thế, hay là không tin, nhưng cứ nghĩ cho cái ác ý đó là bởi nghề nghiệp, làm như thế không hại chi nên cứ làm.
 
Nếu nghĩ cho đó là cái ác ý bởi nghề nghiệp thì lầm lắm, vì trong việc đó không còn phải là nghề nghiệp nữa.
Ít nào người ta cũng phải có một chút lòng tôn trọng chân lý thì mới đứng ra làm một cái nghề như nghề báo.
 
Phan Khôi
(Hà Nội Báo, số 23, 10-6-1936)
 

 


Xem Tiếp: ----