Chương 12
Ông bà bối rối dụng chước trá hôn
Sấm sét tưng bừng nghe lời nghiêm huấn

 
Từ ngày nàng Lệ Bích về ở làm con nuôi ông ngô Sĩ Liên nàng thấy đã được an thân rồi nên nàng không tính đi đâu nữa. Nàng có ý muốn lóng nghe coi dưới kinh thành động tịnh thể nào, vua có bắt tội nàng hay không, còn Thanh Tòng xử trí làm sao, ngặt vì Hưng Hóa là chốn sơn khê nham hiểm, không ai lên xuống Kinh đô. Ðã vậy mà thân nàng là gái khuê môn dầu ông Ngô Ngự sử có nghe việc triều đình, ông cũng chẳng hề tỏ cho nàng biết.
Nàng cùng thế phải khoanh tay mà chờ thời  vận,  ngày đêm chỉ trau dồi thi phú, ôn thuần sử kinh mà thôi.
Vợ chồng quan Ngự sử thấy nàng có đủ công, ngôn, dung, hạnh mà văn học lại thêm có tài nữa, nên tưng tiu như ngọc như ngà, nhứt là Ngô phu nhơn đêm ngày chẳng muốn rời nàng,  bà thương yêu chẳng khác nào như con của bà đẻ.
Nuôi Lệ Bích trót 2 năm trường, quan Ngự sử vì chưa thấy nơi nào xứng đáng nên  ông chưa tính sự gả nàng lấy chồng. Ông qua Thái Nguyên thăm ông Huỳnh Như Hào, thình lình ông gặp Thanh Tòng, ông nghe nói chàng văn võ toàn tài, ông thấy chàng tướng mạo khôi ngô, mà lại ông nghi chàng là con quan Thân Tướng quốc nữa, ông nghĩ trai nầy rất xứng đôi với gái nọ, bởi vậy ông liền tính chuyện làm sui. Khi về đến nhà, ông thừa lúc đêm khuya canh vắng, ông mới thuật chuyện ông hứa gả con cho con quan Chánh sứ Thái Nguyên lại cho bà nghe và ông khuyên bà sửa soạn cho sẵn sàng đặng tới ngày cho hai họ giao bôi hiệp cẩn.
Ngô phu nhơn nghe nói thì chưng hửng. Bà ngó ông mà trách rằng:
- Sao ông gả con, ông không nói trước cho tôi hay?
- Con nó đã lớn rồi; tôi thấy chỗ xứng đáng thì tôi gả rồi về sẽ nói lại với bà, chớ đường sá xa xôi, phải trở về hỏi bà rồi mới trở qua mà gả thì thất công quá.
- Tôi có một mình nó, tôi cưng nó lắm, tôi không chịu gả.
- Bà không chịu sao được, tôi hẹn ngày lỡ rồi, bữa đó họ qua làm lễ hiệp cẩn đa.
- Ông hứa với họ, ông làm sao đó ông làm, tôi không biết. Tôi không chịu gả.
- Bà đừng có nói như vậy. Ai có con lại không thương song có con gái hễ nó khôn lớn thì phải lo đôi bạn cho nó. Tôi gả chỗ nầy xứng đáng lắm. Ðể chàng rể qua đây rồi bà coi. Tôi cũng biết vợ chồng mình không có con, nhờ nuôi con Hồng Hạnh mấy năm nay, nó hủ hỉ với bà, nên bà hết buồn rầu, bởi vậy tôi gả mà tôi có giao bắt rể. Hễ cưới rồi thì vợ chỏng nó ở bên nây 6 tháng rồi về bển ở 6 tháng. Vì quan Chánh sứ có một đứa trai đó mà thôi, ổng cũng cưng nó lắm; tôi muốn bắt luôn nó bên nây, mà thấy ổng nói quá nên tôi mới chịu thay phiên như vậy.
- Ông có gả thì ông bắt ai ông thế vô đó tự ý ông, chớ tôi nói thiệt con của tôi, tôi không chịu gả.
- Con của tôi kiếm đem về đó, chớ phải con của bà kiếm hay sao mà bà nói con của bà?
- Con của ông kiếm, mà công của tôi nuôi, thì là con của tôi.
- Bà nói ngang ngược quá! Nếu bà không thuận, rồi bữa đó người ta đem lễ vật qua nghinh hôn, tôi mới nói làm sao với người ta?
- Ông nói tôi không chịu gả, hoặc là con mà nó không ưng, thì họ về chớ gì.?
- Sao được. Thôi bà đừng có cãi. Bà kêu con Hồng Hạnh ra đây đặng tôi nói cho nó hay rồi tôi hỏi thử nó coi, tôi gả đó phải hay là bà cản đó phải.
- Không được. Nó sợ ông, tự nhiên nó nghe theo lời ông chớ gì... Nầy,  mà như ông hỏi nó rồi nó nói nó chưa muốn lấy chồng thì ông đừng gả nghe hôn?
- Không gả sao được. Bà cứ biểu thể nữ đòi nó ra đây mà.
Ngô phu nhơn kêu thể nữ mà dạy mời tiểu thơ. Lệ Bích đương chong đèn ngồi xem sách, bỗng nghe có lịnh cha mẹ đòi, nàng bèn sửa áo cài trâm mà đi ra, sau lưng có Xuân Lan theo hầu. Nàng bước tới làm lễ quan Ngự sử và phu nhơn rồi khép nép đứng một bên. Quan Ngự sử chưa kịp nói thì phu nhơn đã hớt mà nói rằng: ''Cha con tính gả con lấy chồng, con đừng có chịu nghe con''. Quan Ngự sử trợn mắt ngó bà mà quở rằng: ''Bà đừng có lộn  xộn để cho tôi phân phải quấy cho con nó nghe chớ''
Ông day qua nói với Lệ Bích rằng ''Cha chơi bên Thái Nguyên, cha thấy con trai của quan Chánh sứ Huỳnh Như Hào, tưổi chàng vừa mới 20 mà văn võ toàn tài, kinh luân gồm đủ, rõ ràng là một đứng thanh niên hào kiệt. Cha nhắm coi thiệt là xứng tài  vừa lứa với con lắm, nên cha đã hứa làm sui với quan Chánh sứ Hùynh Như Hào rồi hẹn trong năm ba bữa nữa đây sẽ cho làm lễ nghinh hôn.  Mẹ con vì thương con nên nãy giờ mẹ con gàn trở không chịu gả. Cha khuyên con hãy nghe lời cha, vì con đã lớn rồi, mà chỗ nầy thiệt là xứng đáng lắm, vậy con hãy sửa soạn lo bề xuất giá.
Nàng Lệ Bích ở đây nàng tưởng đã an thân rồi,  trong hai năm nay nàng chẳng hề để ý đến sự cha mẹ nuôi sẽ gả nàng lấy chồng, bởi vậy nàng nghe  quan Ngự sử nói tới việc ấy thì nàng biến sắc tán loạn tâm thần rồi té xỉu, bất tỉnh nhơn sự. Ngô phu nhơn kinh khủng, hối thể nữ xúm lại khiêng Lệ Bích vào phòng. Bà ôm nàng mà than khóc om sòm, bà trách ông sao bày chuyện mà hại con bà, bà đau lòng rối trí nên bà nói vấy vá làm cho ông lính quýnh không biết liệu làm sao cho yên việc.
Lệ Bích tỉnh lại, nhưng mà nàng cứ nằm thiêm thiếp không nóí tiếng chi hết, mà chừng nàng nói thì là nói bậy, nói bạ, trông ra như tuồng đã mất trí khôn rồi vậy.
Vợ chồng quan Ngự sử đều lo sợ, rước thầy hốt thuốc lăng xăng, ông đổ tội cho bà, bà đổ tội cho ông, vì sự nầy mà  trong nhà mất niềm hòa thuận.
Thể nữ đứa nào cũng đều buồn rầu, nhưng mà trong bọn  ấy duy có một mình Xuân Lan cứ ràng một bên mà săn sóc, chẳng chút nào chịu rời chủ mà đi ra ngoài.
Qua ngày sau, nhơn lúc quan Ngự sử và phu ăn cơm, trong phòng chỉ có một mình Xuân Lan mà thôi, Lệ Bích bèn kêu Xuân Lan lại gần mà nói nhỏ rằng: ''Cô muốn thoát nạn, nên cô giả cuồng trí, chớ thiệt cô không có bịnh chi hết. Con phải lập thế đặng đêm nay cô thoát thân!“
Xuân Lan hiểu ý thì nó vững bụng, nên lật đật đáp rằng: ''Vậy thì Công nương cứ việc giả điên. Trong đêm nay đợi trong nhà ngủ hết rồi con sẽ lén mở cửa mà dắt công nương đi''.
Ngô phu nhơn vì thương Lệ Bích mà lại lo sợ nữa, nên bà không chịu rời nàng. Ðêm ấy bà biểu thể nữ nhắc giường đem để trong phòng đặng cho bà ngủ mà thăm chừng con. Mà nằm trong phòng thì bà cứ thức sáng đêm, dường như bà canh nàng, làm cho nàng không thể thoát thân được.
Còn một bữa nữa thì tới ngày nghinh hôn. Quan Ngự sử thấy Lệ Bích còn đau hoài thì ông lấy làm bối rối, không biết liệu lẽ nào. Ông cho mời bà ra ngoài mà bàn tính. Bà khuyên ông hãy lấy cớ con đau mà xin hồi hôn. Ông đã tiếc tài chàng rể, mà ông lại sợ mích lòng ông sui, nên ông không chịu, ông tính xin đính hôn mà thôi đợi, chừng nào con mạnh rồi ông sẽ cho hay mà làm lễ cưới. Bà nghĩ đình lại rồi sau cũng phải cho cưới, nên bà không chịu, cứ nài phải bãi sự hôn nhơn mà thôi.
Vợ chồng cãi lẽ với nhau cho tới tối rồi bà muốn cho vừa ý bà, nên bà bày cho ông cái chước trá hôn. Bà khuyên ông hãy dùng Xuân Lan thay làm Hồng Hạnh mà gả, làm như vậy ông đã khỏi thất ước, mà cũng khỏi lìa con nữa.
Quan Ngự sử một là lo sợ nỗi con bịnh, hai là bối rối về nỗi vợ phiền, ông nghĩ cái chước của bà bày đó là vẹn toàn hơn hết, bởi vậy ông cho kêu Xuân Lan ra mà dạy rằng: „Nầy con, ông đã hứa gả tiểu thơ cho con quan Chánh sứ Thái Nguyên. Ngày mai nầy người ta qua làm lễ nghinh hôn. Rủi tiểu thơ nhuốm bịnh thình lình không thể nào cho cưới được; mà nếu không cho cưới thì ông thất ước với người ta. Ông bà muốn cho vẹn vẻ mọi bề, vậy ông bà cậy con hãy thuận tình thay thế cho tiểu thơ mà kết tóc trăm năm với con quan Chánh sứ. Con hãy lấy tên Hồng Hạnh mà xuất giá, con kêu ông bà bằng cha mẹ. Nếu con thuận tùng thì từ rày ông bà đãi con theo bực tiểu thơ. Con hãy hết lòng mà giúp ông bà một phen nầy, cái nghĩa ấy ông bà chẳng hề quên đâu“.
Xuân Lan chưng hửng, chưa kịp trả lời, thì phu nhơn bước lại nắm tay mà nói rằng: „Con vô đây cho bà sửa soạn thay đổi áo quần cho. Tại duyên nợ của con như vậy, nên trời mới khiến như vậy''. Phu nhơn và nói và kéo Xuân Lan đi. Xuân Lan ngơ ngẩn, cứ đi theo bà không kiếm được lời chi mà từ chối.
Ðêm ấy phu nhân lo dọn phòng đặng qua bữa sau làm lễ giao bôi. Bà sửa soạn trang điểm cho Xuân Lan và dạy dỗ mọi bề đặng cho sự trá hôn khỏi dấy lậu.
Phu nhơn lại tưởng Lệ Bích thiệt cuồng trí loạn tâm, sợ để nàng ở trong nhà lậu sự, bà mới dọn cái tịnh thất của ông cất riêng trong giữa vườn để khi nhàn hạ ông ra đó mà xem sách, rồi bà dời nàng ra đó mà nằm.  Nàng hay sự trá hôn thì nàng không nói xàm nữa, nàng lại tỏ thiệt với bà rằng vì nàng sợ cưới chồng nên nàng sanh bịnh, bây giờ khỏi cái ciệc ấy rồi nàng vui mừng tự nhiên hết bịnh, xin bà chớ lo. Bà lấy làm  mừng, bèn khuyên nàng dầu hết bịnh cũng ở lại tịnh thất, chớ đừng vô nhà mà lậu sự.
Qua ngày sau là ngày nghinh hôn, quan Chánh sứ Huỳnh Như Hào dắt Thanh Thòng qua tới, có Tô Hộ điếu đãi tùy tùng, lại có vài chục tên quân, khiêng lễ vật cầu hôn nữa.
Quan Ngự sử với Ngô phu nhơn ra tiếp rước. Phu nhơn xem thấy Thanh Tòng diện mạo khôi ngộ thì bà khen thầm, bà liếc ngó loài, thiệt là xứng tài sắc với Lệ Bích lắm.
Ông dạy bà cho đòi tiểu thơ ra đặng cho hai trẻ làm lễ từ đường rồi có động phòng hoa chúc. Vả Xuân Lan với Thanh Tòng thuở nay đã gặp mặt nhau nhiều lần, Xuân Lan hễ ngó thấy Thanh Tòng thì biết liền, duy có Thanh Tòng vô ý nên không biết Xuân Lan được. Xuân Lan nghe lịnh thì bước ra làm lễ hai họ. Nàng vùa liếc ngó chàng rể thì nàng biến sắc, nên ngơ ngẩn trong lòng, không hiểu Thanh Tòng ở đâu mà lọt vào đây. Còn Thanh Tòng có ý trông cho thấy mặt nàng dâu đặng coi có phải Lệ Bích hay không, chừng chàng thấy không phải, thì chàng thất vọng, nên trong lòng bối rối, ngoài mặt buồn hiu, lúc ấy trong trí chỉ tính kế thoát thân mà thôi, chớ không tính vợ chồng chi hết.
Chàng rể bối rối, nàng dâu ngẩn ngơ, nhưng mà phải gắng gượng kề vai với nhau mà làm lễ từ đường rồi dắt nhau vào phòng đặng làm lễ giao bôi hiệp cẩn.
Khi vô phòng rồi thì Xuân Lan và khép cửa và hỏi rằng: ''Công tử vì cớ nào mà ngày nay lại làm con quan Chánh sứ Thái Nguyên? Tôi không dè công tử đành phụ công nương tôi mà đi cưới vợ như vậy''.
Thanh Tòng nghe nói thì thất kinh, ngó Xuân Lan trân trân và hỏi rằng:
-  Nàng là ai mà biết tôi?
-  Công tử quên tôi hay sao?
-  Tôi không biết nàng, thiệt tội lỗi quá. Xin nàng tỏ thiệt coi nàng là ai.
-  Tôi là thể nữ của công nương Lệ Bích đây.
-  Trời ơi! Té ra tôi nghi trúng rốt mà! Công nương ở đâu bây giờ?
-  Công tủ còn hỏi tới làm chi? Ðã cưới tôi rồi! Bây giờ còn mặt mũi nào mà hỏi thăm công nương tôi nữa?
Thanh Tòng rơi lụy mà đáp rằng: ''Tâm sự của tôi dài lắm không thể nói cho hết được. Tôi vì công nương mà phải ra nông nỗi nầy. Tôi xem tập thi của quan Ngự sử trao, tôi chắc là công nương nên tôi mới đi cưới đây. Vậy công nương ở đâu xin nàng mau mau cho tôi biết đặng tôi tới đó mà tỏ hết tâm sự của tôi cho công nương nghe''.
Xuân Lan liếc mắt ngó Thanh Tòng và chúm chím cười mà đáp rằng: “Công nương bây giờ ở tại nhà đây, vì muốn thủ ước với công tử nên giả cuồng trí, rồi ông bà mới dạy tôi trá luôn. Việc nầy chẳng nên lậu ra cho người ngoài biết. Công tư giả động phòng hoa chúc với tôi như thường. Ðể tôi tỏ lại cho công nương tôi hay rồi như công nương tôi muốn gặp mặt công tử thì tôi sẽ lập thế cho mà gặp nhau”.
Thanh tòng nghe nói như vậy thì mừng rỡ tạ ơn Xuân Lan lăng xăng.
Hai người ở trong phòng một hồi lâu cho người ta tưởng đã làm lễ giao bôi rồi, chừng ấy Xuân Lan mới bước ra mà đi đến tịnh thất đặng thông tin cho Lệ Bích hay. Lệ Bích đương nằm một mình trong tịnh thất mà suy nghĩ cuộc đời. Thình lình Xuân Lan xô cửa chạy vô hơ hải nói rằng: ''Công nương ôi! Kỳ lắm!''. Lệ Bích tưởng có việc nguy biến nào nữa, nên lồm cồm chỗi dậy và hỏi rằng:
- Việc gì mà kỳ?
- Tân lang đó là Thân công tử.
- Hả! Thân công tử nào? Con nói cái gì vậy?
- Thân Thanh Tòng chớ Thân công tử nào.
- Húy! Thân công tử sao lại đến đây? Con coi chắc hay không?
- Công tử đã vào làm lễ động phòng hoa chúc với con, đã có nói chuyện với con, còn không chắc gì nữa.
- Công tử làm lễ động phòng với con hay sao?
Xuân Lan mắc cỡ nên cúi mặt ngó xông đất rồi mới đáp rằng:
- Phải làm đỡ cho người trong nhà khỏi nghi chớ.
Lệ Bích lặng thinh ngồi ngẫm nghĩ một hồi lâu rồi thở ra mà hỏi tiếp rằng:
- Tại sao mà Thân công tử lại đi cưới vợ đây?
- Thưa con không hiểu. Ðể con thuật việc con gặp công tử cho công nương nghe. Khi con bước ra làm lễ từ đường, con thấy Thân công tử thì con chưng hửng. Công tử ngó con rồi coi bộ buồn hiu. Công tử không biết con. Khi kề vai vào phòng làm lễ hiệp cẩn, con khép cửa lại rồi con hỏi rằng: “Thân công tử sao lại làm con quan Chánh sứ mà đi cưới vợ đây? Thân công tử đành Phụ công nương hay sao?'' Thân công tử biến sắc, day ngó con trân trân và hỏi con là ai. Con giận người bạc tình, nên con nói thiệt. Công tử mừng quýnh, hối con dắt đến cho gặp mặt công nương. Con nói không được để con thưa lại cho công nương hay trước đã.
- Mà Thân công tử có nói với con tại làm sao mà đi đến xứ nầy cưới vợ hay không?
- Con hỏi thì Thân công tử nói rằng công chuyện dài lắm, để giáp mặt công nương rồi sẽ tỏ hết cho công nương nghe.
- Người đã phụ ta mà đi cưới vợ, bây giờ còn gặp ta làm chi nữa?
- Công tử có nói tại thấy tập thi nào đó, đoán chắc công nương ở đây, nên mới đi cưới vợ đó.
- Tưởng là cưới ta, té ra cưới nhằm thể nữ của ta! Ðáng dữ.
Lệ Bích và nói câu chót đó và cười ngất. Xuân Lan hỏi nàng vậy chớ muốn chừng nào cho công tử gặp, đặng có sắp đặt. Lệ Bích ngẫm nghĩ một hồi rồi nói: ''Ta nghĩ giáp mặt công tử, ta càng thêm giận chớ không ích gì. Mà cũng nên gặp đặng ta kể cái thói bội bạc của chàng cho chàng hổ thẹn chơi, vậy con hãy liệu coi có thể dắt chàng đến đây mà người ta không thấy được, thì con lén mời chàng ra đây. Con phải cẩn thận đa nghé“.
Xuân Lan vưng lời và dặn Lệ Bích phải đi vô đi ra cho Ngô phu nhơn tin hết bịnh, bà không thăm chừng nữa, đặng nàng nhơn lúc đêm vắng mà dắt Thanh Tòng ra tịnh thất. Chủ tớ sắp đặt xong rồi, Lệ Bích mới dạy Xuân Lan rằng: ''Thôi con vào nhà đi, kẻo ở lâu tân lang trông...“ Lệ Bích và nói và cười, làm cho Xuân Lan thẹn thùa, cúi đầu bước ra cửa mà không dám ngó nàng.
Ðến chiều Ngô phu nhơn ra tịnh thất thăm Lệ Bích, thấy nàng mặt mày hớn hở, ăn nói vui cười, thì bà hết lo nữa. Bà ở chơi với con cho đến tối mò, bà mới trở vô nhà, mà khi vô rồi bà lại sai hai con thị tỳ ra ngủ đặng hầu hạ săn sóc lệ Bích.
Hết canh một, nơi hướng đông mặt trăng mọc lên một vừng đỏ lòm, dọi cây cỏ sáng lòa. Mấy đám bông trồng chung quanh tịnh thất lấp ló khoe màu, rồi nhờ ngọn gió lao rao đưa mùi thơm bát ngát. Ngọn cây day qua oặt lại, nhành cây oằn xuống ngóc lên, làm cho yến sáng bóng trăng dọi mấy cái đường nhỏ trong vườn chạy tới chạy lui, coi lao xao trên mặt đất. Ngoài vườn im lìm, trong nhà lặng lẽ, duy có bóng trăng vằng vặc, lá khua lào xào, tiếng dế rầm rì, với cánh chim sập sận mà thôi.
Lệ Bích thấy hai con thị tỳ buồn ngủ, nàng bèn bãi hầu cho chúng nó và dạy chúng nó lén vào nhà sau mà nghỉ. Nàng chong đèn ngồi một mình trong tịnh thất, mắt thì ngó ngọn đèn, mà trí tưởng tượng việc ở đâu. Hễ nàng nghe rục rịch trước thềm, thì nàng tưởng Thanh Tòng đến, nên lật đật dòm ra cửa, hễ dòm không thấy ai, thì nàng châu mày, coi sắc mặt không vui.
Nàng chờ lâu chừng nào thì trong lòng càng xốn xang khó chịu chừng nấy. Nàng ngồi không được nữa, nên lần bước lại cửa đứng ngó mông. Thình lình nàng thấy dạng hai người đương núp theo bóng cây mà đi ra tịnh thất, nàng lật đật bước vô khép cửa lại rồi ngồi mà chờ.
Cách chẳng bao lâu, Xuân Lan hé cửa bước vô, ngó quanh quất thấy có một mình Lệ Bích, bèn nói rằng:,,Thưa công nương, con đã dắt Thân công tử ra tới rồi. Người còn đứng ngoài đây, chẳng biết công nương cho người vô hay chưa?
Lệ Bích gặc đầu, Xuân Lan bước ra vừa khỏi cửa, thì Thanh Tòng bước vô liền. Thanh Tòng ngó thấy Lệ Bích thì chàng té ngồi trên một cái ghế gằn đó, rồi hai tay ôm mặt mà khóc. Lệ Bích thấy vậy lấy làm chua xót trong lòng, song nàng gắng gượng lập nghiêm, nàng ngó chàng một cách rất vững vàng mà hỏi rằng: ''Thiếp với công tử là người thù. Công tử còn xin gặp mặt thiếp làm chi?
Thanh Tòng và khóc và đáp rằng:
- Xin công nương xét dùm lại mà dung tình cho tôi, chớ nếu công nương nghiêm khắc hoài thì tội nghiệp thân phận tôi lắm.
- Công tử có tình gì với thiếp đâu mà xin thiếp dung tình?
- Nếu tôi không có tình với công nương thì có đâu thân tôi đến nông nỗi nay.
- Công tử đã giết phụ thân của thiếp rồi bây giờ lại còn bội ước mà đi cưới vợ khác, làm như vậy đó sao công tử còn dám xưng là có tình? Công tử nói ra công tử không hổ thẹn hay sao?
- Tôi lỡ tay mà giết nhạc phụ, tội ấy tôi cam chịu, tôi không dám cãi. Khi ấy tôi xin công nương giết phứt tôi cho rồi, công nương không chịu giết, để  cho tôi sống làm chi mà mấy năm nay tôi lao tâm khổ trí không biết dường nào mà kể cho xiết. Còn sự tôi cưới vợ đây là vì tôi quyết gặp công nương nên tôi mới mạo hiểm mà làm như vậy, chớ nào phải tôi phụ tình công nương mà thay tơ đổi tóc hay sao.
Lệ Bích thấy bộ chàng rất buồn thảm, lại nghe giọng chàng có vẻ thiệt tình, bởi vậy nàng bớt giận mà hỏi dịu ngọt rằng: ''Tại sao công tử biết thiếp ở đây mà đi cưới? Mà tại sao công tử lại làm con quan Chánh sứ Thái Nguyên?''
Thanh Tòng lau nước mắt rồi thủng thẳng kể hết tâm sự của chàng cho Lệ Bích nghe. Chàng nói rằng khi chàng thắng trận hồi trào vua xả tội tử hình, phong cho chàng làm chức Kinh sư Ðô Tổng binh và hạ chỉ cho chàng phối hiệp với nàng. Vua hay nàng đã bôn đào, vua phát nộ, nên nhứt định gả Công chúa Như Hoa cho chàng. Chàng vì cựu ước nên quyết từ hôn. Quan tướng quốc sợ chàng mắc tội khi quân, mới tâu mà xin đình lại một năm đặng cho chàng tìm kiếm nàng, ví như mãn hạn rồi mà tìm không được thì sẽ thành hôn với Công chúa. Trót một năm trường chàng sai người rảo khắp phương mà tìm không ra mối. Quan Tướng quốc sợ chàng phạm tội khi quân nên mãn hạn rồi ông khuyên chàng phải ưng Công chúa. Vì chàng đã nặng lời thệ ước với nàng, chàng không thể dứt tình phụ nghĩa cho được, bởi vậy chàng tâu với vua xin thêm một năm nữa mà tìm nàng. Vua nghe lời sàm tấu, bèn bắt tội chàng khi quân, rồi thâu chức Ðô tổng binh lại. Quan Tướng quốc đương ngọa bịnh, ông hay việc ấy, ông hờn chàng không vưng lời ông, nên bịnh phát làm xung mà tạ thế. Chàng chưa kịp chôn cha thì lại có chiếu vua bắt tội chàng bất trung bất hiếu mà đày chàng lên Cao Bằng; chàng phải cam tâm ngó linh cữu của cha mà rơi lụy rồi đưa tay cho quân trói dắt đi. Ðinh Long với Ðinh Hổ nóng lòng chạy theo, lên tới Bắc Giang gặp nhau, hai tướng khuyên chàng phản nghịch, chàng không chịu; hai tướng bèn dắt hết quân sĩ lên núi trú ngụ, còn chàng với Tô Hộ thì quyết lên Cao Bằng mà thọ hình. Ði dọc đường chàng nhớ quan Thái úy tổ quán ở Thái Nguyên chàng nghi nàng ẩn tích nơi đó nên chàng cải tên là Võ Sơn Tòng đặng qua Thái Nguyên mà tìm nàng.
Qua đến đó chàng giết cường khấu mà giải nguy cho quan Chánh sứ. Quan Chánh sứ thương tài nên bắt chàng ở làm con nuôi. Chàng tìm nàng không được thì thất chí, vừa muốn trốn lên Cao Bằng thọ tội, kế quan Ngự sử qua chơi, ông thấy chàng ông mới tính chuyện làm sui với quan Chánh sứ. Khi quan Ngự sử về rồi quan Chánh sứ tỏ việc ông đã hứa hôn cho chàng hay, lại trao tập thi của nàng cho chàng xem thử. Chàng bối rối không thèm xem thi, chỉ lo thoát thân mà thôi. Chàng ngồi viết thơ để lại đặng đêm ấy trốn đi, may nhờ ngọn gió lật tập thi ra, chàng ngó thấy tuồng chữ, trong lòng sanh nghi. Chàng hỏi gạn lại mới hay người làm thi đó là con nuôi chớ không phải con ruột quan Ngự sử. Chàng đoán chắc là nàng, nên không tính trốn nữa, thầm tính rằng nếu qua cưới mà không phải nàng thì lúc động phòng chàng sẽ tỏ rõ thiệt tâm sự cho nàng dâu biết, rồi xin để cho chàng thoát thân, hoặc đi tìm nàng nữa, hoặc lên Cao Bằng thọ tội.
Lúc Thanh Tòng thuật chuyện thì Lệ Bích ngồi chăm chỉ mà nghe, nàng hay chàng từ hôn mà phải bị tội, thì nàng cảm tình, nên rơi nước mắt. Chàng thuật xong rồi, chàng thấy nàng ngồi im lìm mà sắc mặt buồn hiu thì chàng thở ra mà nói rằng: ''Công nương nghĩ lại đó mà coi nào tôi có dám phụ công nương bao giờ đâu; nếu mà tôi phụ công nương, thì năm trước tôi đã ưng Công chúa Như Hoa rồi, chớ có lẽ nào tôi từ hôn Công chúa cho đến nỗi bị tội rồi bây giờ lại chịu cưới vợ khác. Còn công nương vì sao mà lại vào làm con quan Ngự sử đây, xin công nương phân cho tôi biết với?“
Lệ Bích bèn thì thầm nói cho chàng rõ vì sao mà nàng dắt Xuân Lan đi trốn, lên tới Hưng Hóa gặp quan Ngự sử đem về thế nào, nàng thuật rõ đầu đuôi không sót chỗ nào hết.
Nàng thuật chuyện của nàng rồi thì nàng ngó chàng và cười và nói rằng:
-  Tại thiếp ơ hờ, thiếp làm thi đó, nên công tử mới biết được. Nếu không có tập thi, thì có đâu gặp nhau nữa.
-  Ấy cũng là tại ý trời khiến như vậy. Xin công nương quên cái hờn cũ đặng sum hiệp với nhau.
Lệ Bích đương vui, mà nghe chàng xin quên hờn cũ đặng sum hiệp, thì nàng châu mày ủ mặt ngồi ngẫm nghĩ một hỏi rồi nói rằng: ''Ðã biết lời thệ ước thì nặng nề, mà chữ phụ thù càng nặng nhiều hơn nữa. Thiếp làm sao mà kết duyên cùng công tử cho được. Thiếp xin công tử như còn tưởng tình thiếp thì cho phép thiếp mượn Xuân Lan thay mặt cho thiếp mà lo bề sửa trấp nưng khăn, được như vậy thì thiếp đã khỏi lỗi với chén thề, mà cũng khỏi lỗi cùng thân phụ chớ công tử muốn sum hiệp cùng thiếp thì sum hiệp sao được''.
Lệ Bích tỏ mấy lời can phế thì nước mắt tuôn dầm dề. Thanh Tòng vừa thấy sắc mặt, vừa nghe giọng nói, thì chàng hiểu nàng đau đớn về niềm cha con, bởi vậy chàng đứng dậy đấm ngực mà nói răng: ''Ðôi ta chết với nhau một lượt thì mới dứt cái khổ não được! Trời ôi! Ðã sanh tài sắc, sao lại nỡ khiến chi cho cái cảnh thê thảm như vậy!“
Chàng nói vừa dứt lời, thì ngoài vườn giông gió phát lên nghe ồ ồ, mặt trăng đương tỏ rạng bỗng mây giăng ngang, cây cỏ tối mò, lại sấm sét nổi lên tiếng gầm tiếng nổ nghe rền tai. Ngọn đèn chong để trên bàn bị gió thổi nên cũng tắt mất. Lệ Bích kinh hãi, lật đật đứng dậy. Lúc ấy một tiếng nổ cái rầm ngay trên nóc nhà rồi lại yến chớp xẹt một đường ngay vào cửa. Thình lình nghe có tiếng nói lớn như vầy: ''Hai con, cha là Thái úy Lê Niệm đây. Năm trước tại số mạng của cha tới chừng đó mà dứt, nên cha phải chết, chớ không phải Thanh Tòng cố ý giết cha. Vậy Lệ Bích chẳng nên vì cha mà rã rời tơ tóc. Hai con phải thuận với nhau đặng lo mưu phò vua giúp nước cho mau. Triều đình đã loạn rồi, phải toan trở về kinh mà cứu hiền trừ nịnh đặng khuôn phò xã tắc Hai con phải vưng lời cha''.
Thanh Tòng với Lệ Bích nghe rõ ràng là tiếng của quan Thái úy, bởi vậy cả hai đều thất sắc kinh tâm, nắm tay nhau đứng trân trân, không nói được một tiếng.
Sấm êm, gió dịu, trăng sáng, trời trong, Thanh Tòng với Lệ Bích định tĩnh lại rồi kề vai quỳ xuống và lạy và nói rằng: „Hai con xin vưng lời cha dạy. Mong linh hồn cha theo ủng hộ hai con, đặng hai con cứu nước phò vua cho toàn danh nghĩa''.
Hai người còn đương quỳ, bỗng đâu Xuân Lan chạy ào vô hơ hãi kêu rằng: ''Công tử, công nương ôi? Nguy lắm! Hai ông hiểu hết công chuyện rồi. Vậy công tử hãy ra cho mau''.
Thanh Tòng với Lệ Bích đứng dậy bước ra thì thấy quan Chánh sứ, quan Ngự sử với Ngô Phu nhơn đã tới trước cửa rồi.