Ta là Mi, con mèo mun. Ta học tiếng người từ người bạn thân của ta là Nhật Chiêu, tuổi cầm tinh con mèo. Trong khi trò chuyện, đôi khi cả hai lầm lẫn không biết ai là mèo, ai là người. Và thường kể cho nhau nghe những câu chuyện mà cả hai lắp ghép từ đủ mọi nguồn. Ta tự hào là mèo mun. Theo Từ điển các biểu tượng, “Con vật ấy sống bảy đời. Những thần Djin cũng hay hiện diện dưới hình dạng mèo… Mèo đen chính là thần Djin ác ý, cho nên cần phải chào nó khi giữa đêm nó vào buồng ai đó. Trong rất nhiều truyền thuyết, mèo đen là biểu tượng của bóng tối và thần chết. Con mèo đen tuyền có những thuộc tính ma thuật. Người ta ăn thịt mèo đen, để tu luyện trở thành thuật sĩ. Lá lách của con mèo đen, nếu đeo vào cho người đàn bà đang có kinh sẽ làm người ấy hết kinh. Dùng máu mèo đen thay mực, có thể viết nên những áng văn mê hồn.” _______________ Quả là tôi có mơ viết lên những áng văn mê hồn, nhưng chưa bao giờ mơ dùng máu mèo đen thay mực! Con mèo mun mà tôi gọi tên là Mi sống với tôi từ khi nó mới một tháng tuổi, quà tặng của một người bạn thân. Tôi dạy nó tiếng người. Nhưng trí tưởng tượng của nó thì không cần tôi phải khơi gợi. Thế nên xin các bạn hãy cảnh giác những gì nó kể. Có thể là sự thực đấy, cơ mà biết đâu? “Sự thật! Nhưng tưởng tượng cũng là sự thật.” Khái Hưng nói thế, nếu tôi nhớ không lầm. _______________ Ta sẵn sàng hiến máu. Chà, những áng văn mê hồn! Nhưng bản thân những con mèo đã là những áng văn mê hồn rồi, không phải như vậy sao? Chính vì thế mà Doris Lessing phải kêu lên: “Nếu một con cá là vận động của nước hiện thân, tượng hình, thì mèo là biểu đồ và hình mẫu của không khí mê ly. Ôi mèo!... Mèo, mèo, mèo, mèo.” _______________ Con mèo của tôi thường ngồi trên mái nhà nhìn trăng say đắm mà hát lên vần thơ Mèo và trăng của William Butler Yeats: Khi quyến thuộc gặp nhau, Có gì hơn nhảy múa? Biết đâu trăng có thể Học điệu múa nơi mèo? _______________ Hôm nay, khi Nhật Chiêu ngồi viết cái gì đó ngoài vườn thì ta phóng từ mái nhà xuống, nhảy phốc lên chiếc ghế mây bên cạnh ông và chào bằng một lời quen thuộc mọi ngày: Meo meo, một ngày hạnh phúc! Lời chào đó phần nào dựa vào câu nói xác đáng của Stanley Spencer: “Nơi đâu một con mèo đến ngồi, là nơi đó hiện ra hạnh phúc.” Chào Mi, một ngày hạnh phúc! Mi vừa làm gì trên mái? Một chuyện tức cười thôi! Ngồi tán gẫu với mấy con mèo hàng xóm. Bỗng dưng trên trời xuất hiện một vật thể lạ, bay lơ lửng, trắng ngà. Cả bọn sửng sốt, hoang mang và bắt đầu ý kiến: Đĩa bay đấy! Ừ, phải rồi và chắc là có chở một chú mèo hành tinh. Mèo ư, không phải là người à? Có hành tinh của mèo, ở đó mèo là sinh vật thượng đẳng. Ừ, phải rồi. Sẽ có ngày họ xuống dạy chúng ta lật đổ loài người. Tuy ý kiến đó quá khích, nhưng ông biết rồi đó, mèo là giống ưa nổi loạn và luôn luôn kiêu hãnh đã xuất hiện trên mặt đất này trước con người rất lâu. Hơn nữa, con mèo trứ danh của Natsume Soseki từng nói rằng: “Đương nhiên rồi cả con người cũng không thể nào huy hoàng vĩnh viễn. Ta nghĩ tốt hơn hết là nên lặng lẽ chờ đợi Ngày của Mèo.” Ta biết, quyển Tôi là con mèo của Soseki là kinh thánh của các ngươi. Vì mèo luôn luôn thích đem con người ra giễu cợt. Và Soseki đã viết theo điểm nhìn đó của mèo, làm nên một kiệt tác đáng gọi là tuyệt cú mèo, phải không? Ta biết, mèo là loài biết sống một mình. Làm bạn với con người nhưng vẫn bảo toàn tự do của mình. Tôi rất mê đoạn văn Con mèo đi một mình của Rudyard Kipling mà ông thường đọc cho tôi nghe: “Và khi trăng lên đêm về, hắn lại là con mèo đi một mình. Hắn ra ngoài, đến với Rừng Râm Rú Rậm, hay đi lên Cây Cao Cành Cả, hoặc bước trên Mái Mơ Mái Mộng, vẫy cái đuôi hoang dã mà đi trong cô đơn hoang dã.” Nhớ hay đấy, nhưng vật bay lạ kia liệu có hoang dã không? Chỉ có tôi không tin đó là đĩa bay. Lại càng không tin là có mèo nào đang điều khiển nó. Vả lại, ngạn ngữ loài mèo có câu: “Trong mắt mèo, mọi thứ đều meo meo.” Nhưng mà, mèo cũng như người, thường sống bằng ảo tưởng. Mèo có mơ không? Khỏi nói, luôn luôn mơ ngày mơ trăng. Vì thế bọn mèo tiếp tục tranh cãi: Đó là một vị thần? Ái chà, thần linh đã chết hết rồi kia mà. Thần linh của loài khác có chết hết đi nữa thì cũng còn thần linh của riêng loài mèo. Tôi tin bóng hình đang bay kia chính là nữ thần Bast của chúng ta, nữ thần của Hoan Lạc đang múa theo nhạc trời. Nhờ nàng mà chúng ta sinh sôi. Nghe hay nhỉ! Có những thần tượng của con người bỗng dưng hiện ra trong mây, bỗng dưng trào rơi nước mắt, bỗng dưng lướt đi trên mặt nước bao la trước đôi mắt cả tin của con người. Mèo ơi mèo, sao mi giống người đến thế! Thì bầy đàn mà, đâu chả thế! Lại tiếp tục bàn tán về vật lạ: Meo meo, eo ơi, hay đó là ma! Không thấy nó trắng toát à? Ai đời ma hiện giữa ban ngày! Có đủ loại yêu ma mà Coi chừng đó chỉ là một loài chim. Nếu mà nó bay gần, sẽ cho nó biết tay! Đại bàng đấy! Đại bàng cũng không sợ! Chỉ được cái khoác lác! Tôi chán nghe bọn họ đấu hót nên nhảy xuống đây với ông. Được, vậy theo Mi, vật bay đó là gì? Tôi không biết và không muốn làm bộ rằng mình biết. Nếu có thiền sư Nam Tuyền ở đây, ông sẽ chém cái gì? Hoan hô, vật bay đó đang đáp xuống kìa, sau lưng Mi, và đó chỉ là chiếc nón lá không có quai. Ha ha! Trời ạ, nón lá! Xấu hổ chưa! Cảnh vừa rồi thực ra là gì? Cứ như là bắt chước một câu chuyện bằng thơ tên là U.F.O của Paul Gallico đang ở trước mặt ta đây. Để ta đọc cho mi nghe: Xin chào, Vật Lạ Đang Bay Từ trời xa vô tận đến đây Từ nguồn nào, khi nao bạn đến Thoát vòng ôm và những vòng quay Rời hang động sao trời vĩnh cửu Vượt thời gian không có đêm ngày Bắc cầu qua ngàn năm ánh sáng Đến cùng tôi chói rạng hôm nay… Hãy xuống đi bạn hỡi Đọc tôi nghe bí ẩn Vô Biên Kể tôi nghe câu chuyện u huyền Cho dù ai xui bạn tới Thì đó cũng là nhân duyên. Vật thể bay kì diệu ơi Bạn… A, a… Bạn… là cái gì kia chao ôi! Chỉ là túi giấy đỏ thôi Rỗng không và cũ kĩ, Chẳng ngoài trời đến, chẳng xa xôi Nhìn một chút, đúng như tôi nghĩ Ai không từng lầm lẫn khi chơi Chỉ thương ôi thơ ca hoài phí! Bài thơ viết từ điểm nhìn của một chú mèo con, Mi thấy thế nào? Ai mà chẳng lầm! Ta cũng có một câu chuyện muốn kể với Mi Không phải vật bay nữa chứ? Không, một sinh vật lạ lùng! Mi biết, ta thường đi bộ vào ban đêm trên phố. Và mới đây, ta gặp một cô gái không giống với bất kỳ ai trên đời. Đẹp lắm ư? Hơn là đẹp nhiều, bởi quá ư huyền bí. Nàng luôn luôn mặt áo nhung, dáng đi vô cùng uyển chuyển. Có gì lạ kia chứ? Trên gương mặt trái xoan trắng ngần là đôi mắt mèo thuần tuý, to tròn và xanh biếc, lại có thể đổi màu như mã não. Đồng tử thì giãn nở vô chừng. Tóm lại, đôi mắt nàng giống hệt mắt Mi, mà còn đẹp hơn bội phần! Tuyệt vời! Và ông nên biết, trường nhìn của mắt mèo là 275 độ trong khi con người chỉ có trường nhìn 150 độ. Lại có thể nhìn xuyên đêm tối. Vừa đẹp vừa hữu ích vô cùng, phải không? Đúng thế, đôi mắt ấy đáng cho Baudelaire ca ngợi như ông từng ca ngợi đôi mắt của nàng Féline: Người Trung Hoa báo giờ bằng cách xem mắt mèo… Còn tôi, tôi nhìn vào mắt nàng Féline xinh đẹp… Dù đêm hay ngày, trong ánh trời sáng tươi hay bóng đêm mờ ảo, tôi luôn luôn thấy rõ giờ giấc trong đáy mắt nàng diễm tuyệt… Vâng, tôi nhìn thấy giờ: đó là Thiên thu! Trên hè phố hẹp, nàng và ta hầu như chạm mặt nhau, và ta bỗng dưng nhìn thấy đồng tử trong đôi mắt tròn của nàng thu hẹp lại như là tim sen. Đồng tử thu hẹp, ông có biết là gì không? Đó chính là tình yêu ở loài mèo. Thật không? Nàng là mèo ư? Ông đã gặp cô gái có đôi mắt mèo. Nàng là ai? Đó là nữ chúa của chúng tôi. Tôi đi dạo trong rừng nhiều lần vào những đêm trăng, rất thường gặp nàng. Chẳng lẽ cô gái đẹp như tiên ấy chỉ là một con mèo? Giống như câu chuyện vật thể bay của Mi? Khác! Vật bay vừa rồi chỉ là sự ngộ nhận như là nhìn dây thừng hoá rắn. Còn cô gái có đôi mắt mèo, đẹp như tiên ấy là một thế giới mà chưa ai từng biết đến! Con người biết quá nhiều thứ nhưng chưa từng biết rõ loài mèo chúng tôi, tình yêu chúng tôi. Ta từng nhìn thấy Mi ngồi trên mái nhà, mê mải nhìn trăng không biết bao nhiêu lần. Đó có phải là tình yêu ở mèo? Như nhà thơ Kyorai miêu tả:
Không bạn tình đêm nay Mèo nhìn trời thăm thẳm Mà hát gào bi aiTình yêu ấy sâu như đêm tối, khó mà biểu hiện ra lời cho dù là thơ ca tuyệt tác. Hãy giúp ta gặp nàng, được không? Tôi chưa hề từ chối ông điều gì. Vào lúc nào đây? Một đêm trăng. Và chỉ có thể đưa ông đi khi ông đang ngủ. Và xin nói trước, chỉ linh hồn ông là có thể theo tôi. Rồi nó nhăn mặt cười và biến mất. Khiến cho tôi nhớ con mèo Cheshire của Lewis Carroll: “Được thôi, mèo nói; và lần này nó biến mất từ từ, từ chót đuôi trở đi, cuối cùng mới đến cái cười nhăn mặt, cái cười còn lưu lại hồi lâu sau khi mọi ngấn tích của mèo đã biến đi. Chà! Mình thường thấy một con mèo không có cái cười nhăn mặt nào cả, Alice tự nhủ; nhưng một cái cười nhăn mặt mà không có mèo ư? Đó là chuyện lạ mà mình chưa từng thấy trong đời!” Và trong giấc mơ đêm ấy, tôi thấy cô gái có đôi mắt mèo nhíu mày cười với tôi. Khi nàng biến mất, cái cười nhíu mày vẫn còn lại, bay về phía ánh trăng, đến nỗi không còn phân biệt đâu là trăng, đâu là nét môi cười.°