1.
Cả nước Mỹ rúng động. Dưng không, có một anh di dân châu Á nổi điên, đem súng vào trường nơi anh ta theo học, bắn chết một lúc 32 mạng người, gồm 27 sinh viên và 5 giáo sư, đồng thời làm 7 người khác bị thương từ nhẹ đến nặng. Cả nước Mỹ cùng hỏi nhau câu hỏi: tại sao anh ta lại làm như vậy?
Một nước Mỹ hùng cường, nơi tập trung hầu như những thành phần ưu tú nhất của thế giới, những bộ óc siêu đẳng có khả năng giải đáp bất cứ câu hỏi nào. Nay, đứng trước sự kiện tưởng chừng như vô lý nhất từ trước tới nay, họ chỉ còn biết tự hỏi mình, và hỏi nhau: tại sao? tại sao?
Cả nước Mỹ để tang trước bi kịch quốc gia (national tragedy). Người ta thắp nến trong những buổi tụ họp công cộng, cầu nguyện trong các nhà thờ, treo cờ rũ ở khắp các công sở. Người ta ôm nhau khóc, chìa tay cho nhau nắm, và nói với nhau những lời yêu thương. Tất cả những biểu lộ ấy trong phút giây họan nạn chỉ có thể giúp người ta sống sót qua những giờ phút đau khổ nhất, thêm sức mạnh để khỏi ngã quỵ trước sự mất mát những người thân yêu. Nhưng, chắc chắn, câu hỏi “ Tại sao “ vẫn còn nguyên vẹn đó, chưa được trả lời. Bởi vì, đó không phải là một câu hỏi dễ được trả lời. Bởi vì, thế giới này có quá nhiều những người điên. Người điên nhân danh một đất nước như vị tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad, thay vì ưu tiên cho các vấn đề dân sinh trong nước, lại dồn nỗ lực vào việc thách đố cả thế giới bằng cách thử nghiệm việc chế tạo bom nguyên tử, để mặc cho nhân dân đói rách, bệnh tật. Người điên nhân danh một niềm tin tôn giáo như ở Iraq, lấy sự bất an, chết chóc, khủng bố người khác làm thành tích để cho linh hồn mình được sống bình an đời đời.
Thời nào cũng có những người điên, những kẻ sát nhân. Nhưng người điên, kẻ sát nhân trong thời đại kỹ thuật tuyệt đỉnh này đã là mối đe dọa lớn nhất, khó tiên đóan nhất và hậu quả sự điên khùng của họ khó lường nhất.
32 người đã chết với đôi mắt mở lớn, kinh ngạc. Họ không hiểu sao mình lại bị chết một cách “ lãng nhách “ như vậy. Buổi sáng, họ đến trường, để học, để giảng dạy. Cuộc sống còn bao hứa hẹn phía trước. Bao ước vọng cho bản thân, cho gia đình, cho bạn bè, cho xã hội, cho đất nước, cho nhân lọai khắp nơi. Bỗng nhiên, trong khỏanh khắc, tất cả biến mất. Tưởng chừng như mặt đất vừa nứt ra, họ là những người chẳng may đứng gần đó bị lọt thỏm xuống vực sâu không đáy. Nhưng nếu thế, người ta đã có câu trả lời. Và không bận tâm ôm đầu, bóp trán, miệng không ngớt lẩm bẩm hai chữ tại sao. Thiên tai thì thời nào chẳng có, nơi nào chẳng có. Thí dụ như tháng 12 năm 2005, trận Tsunami ở vùng biển Nam Á nhận chìm một lúc mấy trăm ngàn con người. Người ta đau đớn, nhưng không thắc mắc truy hỏi tại sao. Hay những quả bom nổ trên những đường phố của Bagdad, hàng trăm người banh xác mỗi ngày. Người ta cũng đau khổ, cũng giơ hai tay lên trời hỏi Alah: Tại Sao? Và, đôi trường hợp, cùng lúc với câu hỏi được đặt ra, người ta đã tìm thấy câu trả lời.
Còn ở Virginia Tech, Blacksburg? kẻ điên khùng, tên sát nhân là một thanh niên 23 tuổi, tên Seung-Hui Cho,gốc Đại hàn. Từ xứ sở chưa lấy gì làm giàu có của mình, anh ta theo cha mẹ định cư, lập nghiệp ở Mỹ từ năm 8 tuổi. Như bất cứ một gia đình di dân nào, Tàu, Việt Nam, Đại hàn, từ châu Á, từ châu Phi, họ phải làm lụng vất vả để an cư lạc nghiệp. Nhưng các con cái của họ đều được đến trường như bao trẻ em Mỹ khác. Anh thanh niên Đại hàn này cũng đã tốt nghiệp Trung học, đã vào học đại học ở Virginia Tech. Theo nội dung cuốn băng hình tự thâu Cho để lại trước khi gây nên cuộc thảm sát khủng khiếp rồi tự sát, thì anh ta thù ghét những kẻ giàu có hơn mình, những kẻ đã hất hủi anh ta. Anh còn tự ví mình đang làm một sự hy sinh giống như chúa Jesus. Theo những kết quả điều tra sơ khởi, anh thanh niên gốc Nam Hàn có nhiều triệu chứng bị bệnh tâm thần và đã từng được điều trị về bệnh này mấy năm trước. Nhưng liệu những điều này có giúp người ta trả lời được câu hỏi quái ác “tại sao” không?
Cha mẹ chị em ruột thịt của chính anh ta, cũng thú nhận rằng họ hòan tòan không thể hình dung và hiểu nổi những gì Cho đã gây ra cho cộng đồng Virginia Tech. Đó là những người sinh dưỡng hung thủ, đã từng chứng kiến cuộc đời 23 năm của anh ta, họ vẫn không thể hiểu nổi tại sao. Chị ruột của Cho, một thiếu nữ trí thức, tốt nghiệp đại học Princeton năm 2004, hiện nay làm việc hợp đồng cho bộ ngọai giao Hoa Kỳ đã thổ lộ. “ Chúng tôi (gia đình hung thủ) vô cùng xấu hổ vì tội ác này. Chúng tôi tuyệt vọng, bơ vơ và mất hẳn chỗ bấu víu. Kẻ sát nhân này chính là người mà tôi đã cùng với anh ta lớn lên dưới mái gia đình. Vậy mà, giờ đây, tôi có cảm tưởng như tôi chưa bao giờ biết đến con người này. Gia đình chúng tôi lúc nào cũng là một mái ấm yên bình, hạnh phúc và thương yêu. Em tôi tuy có trầm lặng, khép kín nhưng cũng đã cố gắng để chan hòa với gia đình. Chúng tôi hòan tòan không hiểu được tại sao nó lại có thể làm một hành động bạo lực khủng khiếp như thế này.” (theo Associated Press -20-04-2007)
Hiển nhiên, gia đình hung thủ cũng đau khổ, vì trước hết, họ mất chính anh ta, người con người em trong gia đình. Hơn thế nữa, nỗi đau khổ của gia đình những nạn nhân trong cuộc thảm sát còn là cơn ác mộng sẽ kéo dài cho chính họ. Họ hiểu rằng, con em của họ đã làm cho cả thế giới nhỏ lệ.
2.
Câu chuyện trên là bạo lực đến từ học trò, và xảy ra ở Mỹ. Tất nhiên, nó đã làm chảy nước mắt của nhiều người, vì có nhiều người chết, nhiều sự mất mát. Nhưng có một câu chuyện khác, xảy ra ở Việt Nam, không đến từ học trò, mà lại đến từ thầy (cô giáo, thấy giáo).Cũng lại một câu chuyện bạo lực khác, tuy không có ai chết cả, nhưng cũng đủ làm rơi nhiều nước mắt. Và rất nhiều những tiếng thở dài ngao ngán, rồi buồn bã, rồi cũng những câu hỏi: tại sao? tại sao?
Bé Hùynh ngọc Trâm, 10 tuổi, học sinh giỏi của lớp 5 trường tiểu học An Hiệp 2, thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, hôm cuối tháng 3 năm 2007 vừa qua bị tổng phụ trách Đội (thầy gíao Lê văn Xem) áp giải lên công an xã để lấy khẩu cung do bị nghi lấy cắp 47,800 đồng quĩ lớp (tiền VN hiện hành, tương đương 3 đô la Mỹ). Và đây là lời tường thuật sự việc của báo chí trong nước:
“ Do nghi bé Trâm và bé Thư (học sinh lớp 5/2, là cháu một giáo viên ở Trường tiểu học An Hiệp 2) lấy 47.800 đồng quĩ lớp, thầy Xem đã đưa hai em lên Công an xã An Hiệp. Theo lời Trâm kể với mẹ, trên đường đi thầy Xem dừng xe mấy lần dọa hai em nếu không nhận thì lên công an xã sẽ bị tra tấn. Cả hai vẫn nói không lấy số tiền này.
Đến nơi, Trâm bị tách ra đưa vào một phòng riêng. “Trong phòng có hai chú công an (theo một nguồn tin là ông Lê Văn Thanh - anh ruột thầy Lê Văn Xem, và ông Võ Thanh Phương là trưởng và phó Công an xã An Hiệp - PV). Một chú cầm cây giống như cảnh sát đập đập lên bàn, một chú hỏi có lấy tiền không và đưa ra một tờ giấy bảo ghi lời khai”. Bé Trâm vẫn bảo không lấy.
Một chú công an khẳng định: “Nhìn nét chữ này là biết ngay nét chữ lấy tiền rồi”. Trâm vẫn không nhận, lại bị dọa tiếp: “Không nhận thì kêu người nhà đem cơm đi. Mày không nhận tao nhốt trong đó luôn, không cho cha mẹ mày lãnh”. Sau đó, thầy Xem bước vào phòng dọa tiếp: “Không nhận thì ban đêm bị nhốt trong tù, ban ngày đem ra phơi nắng”. Quá sợ hãi, Trâm đã nhận. “ (Vietnamnet.VN – Trách Nhiệm và Lương tâm –ngày 11-04-2007)
Sau khi nhận “ tội” xong, bé Trâm được tha về.
“Rồi Trâm nức nở với mẹ: “Con không có lấy. Con nói với mẹ rồi, con không lấy. Tiền đó có phần con đóng góp nữa mà. Con sợ lắm. Con nhận để được về với ba mẹ...”.
Đêm ấy, bé Trâm đã liên tục lảm nhảm kêu: “Con không lấy mà, mấy chú công an đừng có bắt con...”. Sáng ra, cứ nghe tiếng xe là Trâm lại hoảng sợ, chui vào góc nhà... Tình trạng kéo dài cho đến bốn ngày sau chị Nga mới đưa con đi khám bệnh. Dù đã hai lần lên Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP.HCM khám bệnh, uống thuốc nhưng bé Trâm vẫn không khá hơn. Mẹ bé Trâm chỉ còn biết nuốt nước mắt: “Cha nó không biết chữ, chỉ biết ký mỗi cái tên. Thấy con học giỏi, ổng cưng lắm, hi vọng vào nó nhiều lắm...”. (Vietnamnet.VN – Trách Nhiệm và Lương tâm –ngày 11-04-2007)
Khi phóng viên của báo chí đến thăm hỏi, để làm phóng sự:
“ Vừa thấy người lạ (là tôi-PV), Trâm đã co rúm người lại, giật lùi nép người vào cuối giường, chụp con búp bê che mặt. Tôi nhẹ nhàng dỗ dành, Trâm càng sợ hãi, hết chúi nhủi vào góc giường lại vơ bất cứ thứ gì để che mặt lại, từ giỏ xách đến chăn, mền... Chị Nguyễn Thị Nga - mẹ bé Trâm - thì thào dỗ dành con thì bỗng “bốp”, con bé điên loạn giáng vào mặt mẹ rồi hét toáng lên nhói óc, mắt nhìn trừng trừng rồi kêu ư ử...
Các y, bác sĩ đến chăm sóc, khám bệnh cho em, Trâm cũng vùng vẫy, trốn chui nhủi hoặc xông vào đánh, tát. Rồi em chui xuống gầm giường. Một tay cho lên miệng cắn, tay còn lại chống đất bò loanh quanh. Những lúc không kích động, Trâm ngồi thu mình, đưa hết tay phải rồi tay trái lên miệng cắn. Hai tay em đầy những vết răng cắn sâu. Tôi nhìn cảnh đó mà không cầm lòng nổi... Trâm cũng bằng tuổi con gái tôi.” (Lê Thanh Hà - Tuổi trẻ - ngày 11-04-2007)
Câu chuyện làm dư luận trong nước sôi sục. Các trang Blog (nhật ký cá nhân)(1), trong nhiều ngày, chỉ nhắc đến chuyện bé Trâm. Nhạc sĩ Tuấn Khanh (2) trên trang Blog của minh, đã không cầm được sự giận dữ:
“Ông Nguyễn Thiện Nhân (bộ trưởng giáo dục và đào tạo – ghi chú của T.vấn), xin hãy từ chức đi. Tôi không thể là một người giỏi về đơn từ để gửi cho ông, tôi chỉ có thể nối dài tiếng khóc của cô bé 10 tuổi đó bằng lời hát của mình, trước khi nó bị vùi lấp trong ánh sáng đô thị và đèn flash trong những lễ hội biểu diễn thành đạt giáo dục ngày mai, ngày sau. Số phận của một con người dù chỉ mới có 10 năm sống, cũng phải được tính bằng hành trình thực thi tinh khiết nhất của đạo đức giáo dục, lương tâm và trách nhiệm.
Tôi không tin rằng xã hội Việt Nam chỉ còn lại sự buồn bã nhu nhược của đám đông hay vô tình tới mức chỉ thảng thốt kêu lên một tiếng oán thán rồi thôi. Xã hội này đã được hành động để xây dựng để tốt đẹp hơn và tôi nghĩ mình phải lên tiếng cho truyền thống đẹp đẽ đó với tất cả nghĩ suy của một công dân có trách nhiệm xã hội mình đang sống.” (Tuan Khanh’s Blog – ngày 15-04-2007)
Bài hát nói về câu chuyện bé Trâm của nhạc sĩ Tuấn Khanh, mang tên 47.8 (tức 47 ngàn 8 trăm – ghi chú của T.vấn), mau chóng được mọi người chuyền tay nhau. Trong đó có những câu:
Em, cho tôi hôn em trong nước mắt
Đưa em ra khỏi rừng hoang
Quên đi chua cay đang đợi chờ
Ai, đã mang đi ngây thơ tuổi em
Chôn sâu trong những đắng cay
Nỗi đau một đời mang lấy
Có bao nhiêu (x2) tháng ngày tuổi thơ em đã đổi lấy ánh mắt hận thù
Có bao nhiêu (x2) bài học tình yêu em đã đổi lấy năm tháng hận thù
Em đã ôm lấy - em đã mang lấy
(Tuấn Khanh – 47.8)
Trên một trang Blog khác, tôi còn đọc được bài thơ:
Hãy cho tôi
một lần
được khóc
khóc như một con
người
biết xót
và biết đau
Chới với đôi tay em
cào xé xác thân trong cơn mê hoảng loạn
Chới với đôi tay tôi
không che chở được thơ ngây
Ai đã nói với em
về tuổi thần tiên
những giấc mơ có thỏ bông, kẹo và ông mặt trời toả nắng?
Giấc mơ em
có cực hình
tra khảo
dùi cui
vì những tờ giấy bạc màu trắng, màu xanh
Bốn mươi bảy ngàn tám trăm
3 tô phở
một chầu cà phê
một sinh linh nhỏ bé
Bốn mươi bảy ngàn tám trăm
Thảng thốt
một ngày mai
(Le Hoang’s Blog- ngày 16-04-2007)
Đọc bài thơ của một người trẻ trong số hàng triệu triệu người trẻ sống ở trong nước, tôi bỗng thấy chữ nghĩa của mình vô dụng quá, tầm thường quá. Bốn mươi bảy ngàn tám trăm.3 tô phở.một chầu cà phê.một sinh linh nhỏ bé. Đứa con gái nhỏ của tôi cũng vừa 10 tuổi, cũng đang học lớp 5. Một bữa ăn trưa của con tôi trị gía hơn 47 ngàn 8 trăm đồng. Tôi chưa bao giờ nỡ một lần nặng lời với con tôi, kể cả khi nó có lỗi. Bé Trâm tội nghiệp và đứa con gái của tôi, chúng nó có khác gì nhau? Bé Trâm và đứa con gái của tôi, cùng với hàng tỉ bé gái 10 tuổi học sinh lớp 5 trên cả hành tinh này có gì khác nhau? Cái khác biệt, nếu có, chỉ là vì bé Trâm sống ở Việt Nam. Còn con tôi, “ may mắn không phải sống ở Việt Nam “. Cha của bé Trâm “...không biết chữ, chỉ biết ký mỗi cái tên. Thấy con học giỏi, ổng cưng lắm, hi vọng vào nó nhiều lắm.”. Tôi cũng đâu có khác gì cha của bé Trâm. Dù tôi biết hơn cái việc “ ký chữ ký tên của mình “ cũng không ngăn cản tôi đặt bao kỳ vọng vào con tôi, cũng không cho tôi cái quyền gì cao hơn quyền một người cha như cha bé Trâm. Biết bao nhiêu người cha có con gái 10 tuổi, học lớp 5 khi đọc câu chuyện này không nghĩ tới con gái của mình? tưởng tượng con gái mình ở trong hòan cảnh của bé Trâm mà rùng mình. Và rồi, cùng với nhạc sĩ Tuấn Khanh, nói với bé Trâm: Em, cho tôi hôn em trong nước mắt.
... bốn mươi bảy ngàn tám trăm. Thảng thốt. Một ngày mai...
3.
Bạo lực ở nhà trường nước Mỹ không phải là một đề tài mới. Từ mấy năm nay, nhiều vụ thàm sát đã xảy ra trong khuôn viên các trường học. Hầu như tất cả những hung thủ trong cuộc, đều là những người không bình thường về tâm lý và đều đủ tỉnh táo để chọn cho mình cái chết trước khi lọt vào tay nhà chức trách. Vì họ biết chắc, không thể thóat khỏi sự trừng phạt của công lý. Xã hội Mỹ có thể còn có nhiều khuyết điểm, nhưng về mặt này, những người thù ghét nước Mỹ nhất cũng không thể phản bác được. Nói cách khác, trên phương diện cơ chế, nước Mỹ, cùng với công luận Mỹ, không bao giờ khoan nhượng những hành động bạo lực ở nhà trường bất kể nguyên nhân, nguồn gốc và do ai gây ra. Chẳng may, tôi không thể có cùng nhận xét khi nói về nhà trường Việt Nam. Cái gốc rễ của một nền giáo dục công an trị đến từ một sự bạo lực có tính cách hệ thống, đến từ phương pháp chung nhà cầm quyền cai trị đất nước. Tính cách công an trị hiện hữu trong mọi sinh họat của đời sống người dân, trong đó có giáo dục.
Seung-Hui Cho hành động dựa trên những mặc cảm cá nhân với ý chí (bệnh họan) muốn xác nhận với mọi người sự hiện hữu của mình bằng hành vi bạo lực của kẻ điên. Ông Tổng phụ trách đội (?) Lê văn Xem và hai ông Trưởng và Phó công an xã Lê văn Thanh và Võ thanh Phương hành động dựa trên chức năng guồng máy công an trị giao cho họ, với một ý chí (cũng không kém phần bệnh họan) muốn xác nhận sự cai trị tuyệt đối của guồng máy ấy, dù đối tượng chỉ là một em bé gái 10 tuổi. Hâu quả việc làm của Seung-Hui Cho có thể chỉ gói gọn trong cái chết của 32 nạn nhân và những hệ quả do những sự mất mát ấy gây ra. Nhưng hậu quả việc làm của 3 ông Xem, Thanh và Phương không chỉ gói gọn trong việc em bé Trâm đã trở nên điên lọan, và không biết em có trở lại một con người bình thường như trước không. Nó cho người ta cơ hội nhận ra và nhìn rõ hơn cái hố sâu thăm thẳm của vô đạo đức, tệ hơn nữa, của vô cảm mà thế hệ trẻ hiện nay ở Việt Nam đang lao đầu đi xuống với sự hướng dẫn của các thầy cô giáo có tâm hồn của những viên công an. Nói cách khác, hành động ấy cũng có thể xem như một hành động sát nhân, lại là sát nhân có hệ thống với sự hỗ trợ của nhà nước. Nếu không sửa chữa, những nạn nhân tương tự như bé Trâm trong tương lai có thể lên tới con số không ai ngờ được.
Và tôi càng thông cảm hơn với sự giận dữ của những người còn lương tri ở trong nước (như nhạc sĩ Tuấn Khanh) khi đọc tin bà thứ trưởng giáo dục và đào tạo Đặng hùynh Mai, sau khi vào khảo sát tại chỗ sự việc bé Trâm, đã nhận định rằng, những hành vi bạo lực của giáo viên và hiệu trưởng, của công an chỉ là những “ hành xử chưa chuẩn “.
Có gì cường điệu không, khi tôi tin rằng chúng ta đang sống trong thời đại của những kẻ sát nhân?
T. Vấn

Xem Tiếp: ----