- Viết báo cáo thì có vấn đề gì mà mặt mày phải ủ rũ thế?
- Nếu có sao viết vậy thì không có vấn đề gì. Nhưng.... thằng đ... nào cũng thích đập trống, gõ phèng phèng. Cứ nói dối nói dá mãi thế, liệu tao có còn là cái thằng người được nữa không?! Mà không tuân thượng lệnh thì mất mẹ nó chỗ làm!
- Thế thì viết làm gì! Kệ u nó, chán quá thì bỏ việc, đời còn dài, kiếm chỗ tử tế mà làm! Hôm nay chủ nhật, quên ngay ba cái thứ xú uế đó đi mà nghỉ ngơi. Đi uống cà phê với tao, OK?
Đấy là những gì tôi tình cờ nghe được sáng nay, khi mở cửa bước ra khỏi nhà, định bụng đi kiếm tách cà phê. Đó là tâm sự phát ra tự đáy lòng của hai gã trai "tuổi đời mênh mông", khôi ngô tuấn tú, nhựa sống căng tràn, đang ngồi nguyên trên hai chiếc xe máy đỗ bên vệ đường, trao cho nhau.
 
°
 
Nghĩ cũng thấy buồn cười. Con người ta, suốt từ khi mới bập bẹ học nói cho đến lúc lâm vào trạng thái chỉ muốn nói lời chân thật, có ai chưa hề nói tục một lần không? Sẽ không có ai trả lời câu hỏi này! Cũng phải thôi, bởi chúng ta vốn khôn ngoan và thận trọng lắm. Nhưng có một điều chắc chắn là tất cả những người được hỏi đều nở một nụ cười nhạt nhẽo đến tội nghiệp và tìm cách lảng đi. Sau đó, lẳng lặng nhìn trước ngó sau, rồi kín đáo tủm tỉm: Làm đếch gì có!...
Đấy, lại nói tục rồi!
Những cụm chữ tục được thiên hạ dùng đi dùng lại, nếu được phép mượn chữ "Mô đun" bên ngành khoa học kỹ thuật để gọi, thì cũng có những loại mô đun chỉ có trẻ con mới dùng, có những loại chỉ thấy ở người lớn, có những loại chỉ thấy ở hạng có văn hoá, có những loại chỉ gặp ở hạng bình dân. Nhưng lại cũng có những loại mô đun đậm đà bản sắc mặt trận; Nghĩa là già, trẻ, lớn, bé, nam, nữ, có học, chưa học, sang, hèn... tuốt tuột đều khoái dùng.
Nhớ lại, khi còn bé dại, ngày ngày cắp sách đến trường, chúng tôi đã thấm đến phát thuộc cái điều răn dạy, mà chắc chắn là cao quý, rằng: Không ăn quả xanh, uống nước lã! Hoặc: Không nói tục, chửi bậy!... Quá đúng! Chớ có dại mà cãi lại! Và căn cứ vào cái logíc tư duy đó, chẳng thấy anh đếch nào dại cả. Thế nhưng, những lúc vắng mặt thầy cô, những lúc vắng mặt người lớn (mà chỉ là người lớn có quen biết thôi), lũ học trò, không hiểu sao, cứ là hồn nhiên mà phát tác. Các thầy cô tôi, chưa thấy ai chê tôi là trò hư. Các bác, các chú các cô là bạn, là những người quen biết của bố mẹ tôi, ai cũng khen tôi là đứa ngoan. Bố mẹ tôi lấy thế làm hài lòng lắm, còn tôi cũng chẳng khiêm nhường đến mức cứ nhất định phải khiếu nại bằng được rằng: cháu chẳng phải thế! Thế nhưng, cứ xểnh một cái, khi mà biết chắc là đã xa hẳn những "đối tượng nguy hiểm", chẳng hiểu thế nào tôi cùng với lũ bạn chơi, chạy rông ngoài phố, lại đâu vào đấy, nói tục như ranh. Nhưng cấp độ và tầng suất thì mỗi đứa một khác, tuỳ theo tâm tính và sự sáng dạ mà thể hiện; Không thấy đứa nào chê đứa nào là nói tục ít hay nói tục nhiều; Cũng chẳng thấy đứa nào khen đứa nào là nói tục hay hoặc có óc sáng chế trong lĩnh vực này. Những lúc được thoải mái phát tác đó, tâm trạng mới thật sảng khoái, mới phóng túng, mới "đậm đà bản sắc" tang bồng hồ thỉ làm sao! Tất nhiên, vẫn có những đứa trẻ, chân tay lúc nào cũng trắng hồng sạch sẽ, không bao giờ dám đi chân đất chạy nhồng nhỗng, bạt mạng khắp nơi. Những đứa như vậy, hình như chỉ dám nói tục thầm thôi. Thường chỉ thấy chúng chơi lủi thủi một mình trong cái khuôn nhà có nền sạch như li như lai, đồ đạc sắp xếp ngăn nắp và cửa ra vào lúc nào cũng đóng im ỉm. Dạng trẻ con này, không bao giờ được cái đám cùng lứa, ít nhiều mang trong người cái nết của Hấc Phin [1], đánh giá cao và để tâm.
Mà cũng thật lạ: Lúc bực bội, bức xúc, lúc cáu tiết, căm ghét đã đành: cứ văng đại ra cho nó hả, cho nó giảm áp, cho nó hạ hoả, cho nó giải toả! Nhưng những lúc thật vui vẻ, thật cởi mở người ta cũng nói tục là làm sao? Liệu niềm vui và sự cởi mở có được nhân đôi không? Chẳng biết, nhưng chắc chắn là hơn. Mà cái hơn quan trọng nhất là nó truyền cái vui vẻ, cái sinh khí, cái sự phấn khích tích cực sang cho người khác: nỗi buồn thì vơi đi mà niềm vui lại tăng lên bội phần. Về điểm này, nói tục có vẻ như là một đồng bào đích thực của rượu, luôn khuynh hướng xả láng cuộc đời. Rượu, được đánh giá là một trong những phát minh vĩ đại nhất của con người. Dân tộc nào cũng uống rượu, ở địa phương nào cũng thấy người ta uống rượu. Trong văn chương, rượu đem đến cho người Trung Hoa một Lý Bạch lúc nào cũng ngất ngưởng cùng chị Hằng tươi dịu, đem đến cho người Việt những Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Tuân... khinh bạc mà nồng ấm, bỡn cợt mà trác việt, vọng trọng mà phong lưu. Vậy thì thân phận của nói tục là thế nào đây?
Khi còn bé, tôi nghĩ rằng người lớn không bao giờ nói tục, trí thức lại càng như vậy. Sau này mới biết đấy là một nhận định vô cùng lệch lạc, vô cùng thiếu hiểu biết. Cũng như trẻ con, khi chỉ có những người bằng vai phải lứa hoặc gần như là thế, họ cũng hồn nhiên lắm đấy! Có điều, cách biểu hiện thì khéo hơn thuở họ còn niên thiếu. Những người lớn hay hồn nhiên theo kiểu đó, thường mắt họ không bị đục, mặt họ ít nếp nhăn và tóc họ đen lâu.
Giờ đây, khi đã có tuổi, tôi mới chợt nghĩ: Tại sao người ta lại gọi dạng thức phát ngôn ấy là nói tục? Kể từ gã thiếu niên, ai cũng biết: nói đến những bộ phận sinh dục nam và nữ, nói đến hành vi tính giao, những cái bẩn, hoặc cứ là văng ra chỉ để cho nó khoái, hoặc cốt để trút sự khinh bỉ hay căm tức của mình vào ai đó... thì đều gọi là nói tục. Những câu chuyện dân gian hoặc những câu chuyện thường ngày, nếu có đề cập đến những thứ vừa nói trên, cũng bị gọi là truyện tục! Những bậc cha mẹ thường cấm không cho trẻ con đọc truyện tiếu lâm. Người ta tránh không nói tục ở chỗ đông người hoặc có người lạ mặc dù đều biết nhau đến tỏng tòng tong rằng, tất cả, nếu không phải là sung thì cũng là vả thôi! Và trong văn viết, dù là viết cho chính mình, viết cho nhau hay viết cho công cộng, người ta cũng đều tránh dùng những chữ tục. Trường hợp bí quá, không tránh được, thì chỉ viết chữ cái đầu tiên của cái từ đấy rồi kèm theo một dấu chấm lửng. Té ra, trong cái thứ văn viết này, dấu chấm lửng lại chính là kẻ đồng loã đắc lực cho cái sự nói tục giấu chữ!
Hoa là thứ chúng ta luôn nâng niu, trân trọng và yêu quý. Không thế sao được?! Bởi nó là tinh tuý của thiên nhiên, là biểu tượng của cái đẹp, của sự trong trắng, của sự sáng tạo! Những người có tâm hồn trong sáng, lãng mạn thường hay có hoa trong nhà. Những người ít lãng mạn và không trong sáng mấy cũng làm theo như thế, cho nó nhã. Xét theo khía cạnh Thực vật học, hoa cho quả cho hạt, duy trì và phát triển nòi giống cho cây; Vì lẽ đó, nó là bộ phận sinh dục của cây. Vậy tại sao những bộ phận cũng có chức năng ấy ở người lại không phải là Hoa của người mà lại bị liệt vào dạng tục tĩu, thô bỉ?! Xin lỗi, các cụ xưa vẫn bảo "Có phúc mới được đông con" đấy! Và cái sự đông con luôn được coi là thành quả hành thiện bền bỉ của các lớp cụ kỵ tiền bối, của chính đương sự; do đó vô cùng cao quý. Cao quý đến mức chẳng ai dám nhận đó là thành quả của mình mà chỉ nhỏ nhẹ trả lời khi có người hỏi thăm: "Cảm ơn bác, Giời cho chúng tôi được chín cháu!". Những chuyện cười dân gian, từ Tây sang đến Đông, từ cổ cho chí chính kim, đều có nội dung chiếm tỷ lệ khá cao về mảng đề tài này. Chúng sinh trong thiên hạ, từ nông thôn cho đến thành thị, từ người mù chữ cho đến bậc học giả, từ kẻ vô chính phủ cho đến hạng chính khách, từ gã lưu manh cho đến anh hâm hấp... đều là đệ tử ruột của nó; Không có ai mà trong bụng không có đến vài ba chục câu chuyện cười về mảng đề tài này. Nếu có ai đó định viết sử về vấn đề này thì, chắc chắn, cụ Hồ Xuân Hương sẽ được ghi nhận như một ngôi sao, mãi toả sáng chói chang trên bầu trời tràn đầy tiếng cười của dân gian phàm tục!
Cách đây khoảng hơn hai chục năm, tôi có được nghe một câu chuyện tiếu lâm như thế này: "Vào một buổi chiều mùa hè, trên một chiếc cầu bắc qua một con sông sâu, nước chảy cuồn cuộn, bọt tung trắng xoá, có rất nhiều người ra đứng tựa lan can bên cầu cầu hóng mát. Một cô gái trẻ, tươi tắn đang đứng bên người yêu. Chả ai biết họ đang nói gì với nhau. Chỉ thấy ánh mắt si mê của người con trai khoẻ mạnh, ngực căng phồng trong làn gió nồm nam mát rượi. Chỉ thấy thỉnh thoảng khuôn mặt thiếu nữ chợt ửng hồng và hơi cúi xuống, bẽn lẽn tránh cái nhìn nồng nàn của chàng trai trẻ kia. Một con bướm trắng vụt bay qua. Cô gái vươn tay ra bắt... nhưng bị hẫng đà, người lạng đi và rơi xuống cái dòng nước khủng khiếp ấy. Người ta hốt hoảng, chạy đi chạy lại, bối rối, loay hoay... Trên cầu không hề có lấy một cái phao cứu hộ! Chàng trai, mặt tái nhợt, run rẩy, vô vọng nhìn người yêu của mình đang đuối dần, đuối dần... Đúng lúc ấy, mọi người nhận ra có một ông lão gầy gò bay vèo qua thành cầu, lao mình xuống dòng nước kinh hãi, vô vọng kia. Chẳng phải lâu la gì, chỉ lúc sau, ông đã tha cô gái kia vào đến bờ. Một phóng viên tình cờ đi qua đấy, may mắn được nghe mọi người kể lại. Thời sự thật cảm động! Máu nghề nghiệp nổi lên, anh ta bèn tiến tới bên cụ già, vẫn còn đang hổn hển tưởng như đứt hơi, người ngợm ướt dượt, nước vẫn lõng tõng theo cằm chảy xuống đất, mà phỏng vấn: Thưa cụ, sông thì sâu, nước thì xiết, không ai, kể cả đám thanh niên khoẻ mạnh, dám nhảy xuống cứu người con gái kia; Vậy xuất phát từ điều gì cụ lại hành động được như vậy? Cụ già nhìn người phóng viên chằm chặp, không trả lời, rồi đưa mắt nhìn một lượt những kẻ hiếu kỳ đang đứng xem xung quanh, dường như muốn tìm kiếm ai đó. Lúc sau, từ cặp môi nhợt, vẫn chưa hết run vì mệt, bật nẩy ra một câu: Địt mẹ... thằng nào... xô bố xuống... sông?!". Thử tưởng tượng xem: Nếu người kể lại thay chữ đầu tiên của cái câu bật ra từ miệng cụ già bằng "Đ... " thì thử hỏi, còn đâu là cái nhị của câu chuyện nữa?! Còn đâu là cái thú vị, cái khẩu khí tươi rói của đời sống nữa? Cái thần thái của câu chuyện, cái hay của câu chuyện chính là ở cái chữ "thổ tả" đó, khi nó được thể hiện nguyên vẹn! Bởi đây là một câu chửi rất phổ cập; vùng nào cũng có, lứa tuổi nào cũng dùng; thường dùng đến mức làm cho cả người phát tác lẫn người nghe đều cùng không thấy xượng một chút nào! Nếu tước bỏ hai chữ đó khỏi câu chuyện, chắc chắn, chẳng còn ai buồn nghe nữa. Mà nếu có trót nghe thì sau đó cũng chẳng thể nhớ được gì.
Một lần, tôi tham gia vào một đoàn khảo nghiệm dây chuyền máy lâm nghiệp tại một cánh rừng già thuộc huyện K'bang, tỉnh Gia Lai. Khi di chuyển địa điểm lán trại, chúng tôi phải đưa một cái tời lên sàn chiếc xe tải cao khoảng hơn một mét. Với hơn một chục thanh niên, chúng tôi nhấc lên được nhưng lại không thể nâng bổng cái khối sắt thép thô mịch lì lợm kia lên tới độ cao sàn xe. Làm thế nào đây? Thuê cẩu? Dĩ nhiên rồi, nhưng phải đi cách đấy hơn 30 km đường rừng, mà đoạn đường phía ngoài có chiếc cầu đang sửa chữa, khó đi lắm. Vả lại, đang mùa kế hoạch nước rút, không biết họ có chịu đi cho không, lôi thôi lắm! Giữa lúc đang lúng túng, mọi người đang ngồi bần thần, chưa nghĩ ra cách giải quyết, thì cậu An, một thanh niên vẫn được anh em mệnh danh là "Nghệ nhân cưa xăng", đứng phắt dậy, đôi mắt loé lên những tia vui vẻ, hệt như ácsimét vừa phát hiện ra thêm một chân lý: "Tất cả đứng vào đi. Tôi đếm hai... ba thì nâng lên và khi tôi hô tiếp một câu nữa thì cùng cử thốc lên xe!". "Câu tiếp là gì?" - Một cậu kỹ sư trong nhóm phì cười hỏi  - "Thần chú chắc?". "Đúng! - An thì thầm - cứ làm theo lời tôi thì khắc biết". Thế rồi tiếng hô vang lên: Hai... ba! - Chiếc tời được đưa lên độ cao bảy mươi phân. Rồi, đúng vào thời khắc thích hợp nhất, câu "thần chú" bí mật đó bỗng bật ra, hào hứng: "Đạp mái nào!"... Và, vật nặng đó, tựa như được lắp thêm động cơ phản lực, chao nhẹ và đáp gọn non nửa chân đế lên sàn xe. Đến đây, mọi người, tay vẫn đỡ cái tời, cười phá lên sảng khoái. Công việc tiếp theo nhẹ tênh, chúng tôi chỉ phải đẩy ngang cho nó trượt hoàn toàn vào lòng sàn ôtô. Thật tào lao, thật vui vẻ, mà được việc.
Hồi năm 2001, tôi - một gã thường hay bị đỏ mặt tự ái mỗi khi đọc thấy hoặc nghe ai nói đến câu tục ngữ "ếch ngồi đáy giếng" - có dịp được sang Vương quốc Anh, một đất nước đã đọng lại trong đầu tôi khá nhiều nhận định từ nhiều góc nhìn khác nhau. Song, nói về người bình dân thì cũng giống bên ta. Nghĩa là họ cũng khoái tự do, yên ổn làm ăn, thích bông phèng phong lưu, trồng nhiều hoa và rất giỏi nấu rượu. Vào một chủ nhật, nghe theo lời khuyên của một giáo sư, tôi đến Trường đại học Cambridge để thăm thú. Thực ra, tôi chỉ đi để xem tận mắt những điều tôi đã được biết qua sách vở, qua Internet. Điều làm tôi thú vị ở đây là tình cờ được chứng kiến một nhóm cô cậu, chắc là học sinh phổ thông, cũng đi chơi như tôi, đang xúm xít dưới tán một cây sồi để chụp ảnh. Cô bé có đôi bím tóc đuôi sam vàng óng, được giao nhiệm vụ "phó nháy", một tay cầm máy ảnh, tay kia làm hiệu: Thật tươi nhé! Rồi cô đưa máy lên ngắm và miệng đếm: một, hai, ba! Tức thì cái đám đang nằm gọn trong ống kính kia cùng cất tiếng đồng thanh: Happy... và giữ nguyên những nụ cười rạng rỡ trên môi cho đến khi nghe một tiếng "xoạch" từ máy ảnh phát ra. Happy là hạnh phúc, là vui sướng, là mãn nguyện... chà, tài tình thật! Nguyên cái nghĩa của nó cũng làm người ta thấy vui vẻ trong lòng rồi. Cái vui vẻ đó được toả ra từ mỗi khuôn mặt, từ những cặp mắt thiếu niên trong trẻo. Và từng cặp môi, khoé miệng đều dừng lại ở âm tiết "Y" cuối từ, trông mới dễ mến, đáng yêu làm sao! Chuyện chỉ đơn giản thế thôi, vậy mà nó làm tôi thú vị và vui vẻ âm ỉ suốt cả mấy ngày liền. Rồi sau đó, trong buổi tổng kết, chúng tôi cùng chụp một bức ảnh lưu niệm. Cô gái thực hiện bức ảnh này là một thợ ảnh chuyên nghiệp - khoảng mười bảy mười tám gì đó, trong bộ trang phục vẫn thường thấy ngoài phố: quần vải thô, áo sơ mi ngắn hở rốn, mái tóc màu vàng sẫm để thẳng tự nhiên - mỉm cười giao hẹn với mọi người: Dứt lời đếm thì chúng ta cùng Happy nhé! Tôi nghĩ bụng: Chả cần, bởi được chiêm ngưỡng một cô gái như cô thì ai cũng đã thấy vui rồi. Sau đó, từ Happy được đồng thanh cất lên theo hiệu lệnh đã thoả thuận. Nhưng sao thế này?  Cô gái không bấm máy mà mỉm cười, ngúc ngoắc cái đầu: Chưa được! Lần này chúng ta sẽ nói Money! Rồi... vẫn chưa được. Chúng tôi lại chuyển sang Whisky: Vẫn hỏng! Cô gái trẻ măng vẫn chưa hài lòng. Ông giáo sư có tuổi người xứ Norwich, cặp mắt sáng hấp háy trên khuôn mặt hồng hào hồn hậu, ưỡn ngực, giang thẳng hai tay lên phía trước đề nghị: Sexy! Mọi người trong hàng, Ucraina có, Ai Cập có, Hy Lạp có, Pakistan có, Pháp có, Hà Lan có... tất nhiên cả Việt Nam - là tôi - cùng à lên. Hai quý cô Ucraina thì kín đáo tủm tỉm, còn các quý ông ănglê thì cười như kiểu đối với họ chẳng có gì mới, quý ông người Pháp thì mắt sáng lên, tay nắm lại và ngón cái chìa vểnh lên ra hiệu: Tuyệt! Thế là chúng tôi cùng "Sexy"... rõ đều và, cuối cùng, tôi nom thấy sự hài lòng vút lên từ khuôn mặt, nụ cười của nhà nhiếp ảnh xinh xắn kia. Tất cả những từ chúng tôi vừa phát ra có nghĩa là Tiền nong, là rượu Uýt ki, và... những gì, đại để, thuộc về quan hệ tính giao. Tất cả đều kết thúc bằng nguyên âm Y. Tóm lại nội dung khiến ai cũng vui thích và âm y thì làm cho cái miệng ai cũng trở nên tươi tắn. Điều này, đối với tôi thì hoàn toàn mới mẻ, nhưng đối với nước Anh "già cỗi", nơi vẫn được coi gần như là tổng hợp của nền văn minh Châu âu, tôi cũng không biết nó được phát minh ra từ bao giờ.
Nghĩ cho cùng, thực ra, chẳng có chữ nào là tục cả. Tục hay không là do ở thái độ của người nói. Cũng như đồng tiền, tuyệt đối chẳng hề bẩn thỉu (trong cả nghĩa đen lẫn nghĩa không đen), chẳng hề tự nó đâm toạc được tờ giấy nào, chẳng hề nhởn nhơ tự tại mà "lăn tròn trên lương tâm" của ai sất (Có mà rỗi việc! Tiền còn bận lưu thông!). Chính con người làm cho nó bẩn; Cũng chính con người làm cho nó, tứ tung ngũ hành, bạ đâu đâm đấy, bạ đâu lăn đấy; Đến độ, tự chính mình, con người cũng chưa bao giờ kiểm soát nổi; Đến độ, quyền pháp vô biên, hỷ xả vô lượng như Đức Thích Ca cũng lắm khi phải lắc đầu, thở dài thườn thượt!
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng nói lắm, nói dai, nói dài, nói đi nói lại mà chẳng có gì mới, nói không đúng lúc, nói không đúng chỗ, nói không đúng đối tượng thì quả là nhảm nhí, là tục tĩu thật, kể cả khi người nói không hề dùng một "mô đun" tục nào. Nhưng ngược lại, nó làm cho người ta thấy thú vị, thấy vui vẻ, thấy phấn chấn, thấy sảng khoái và được việc hẳn lên.
Tôi cứ ngẫm mãi về cái chữ "Tục" ấy. Có một số từ như Thông tục (phổ thông trong dân chúng), Thói tục (Thói và lệ trong dân chúng), Tục truyền (người đời truyền lại), Tục ngữ (Những tổng kết trong dân chúng về nhiều mặt có liên quan đến đời sống con người), Tục lệ (lề thói của một vùng, có từ trước)... Vậy Tục ở đây phải chăng là xã hội, là dân chúng, là người đời... chứ đâu có gì xấu, đáng khinh và cần tránh! Tục ngôn, nói tục chính là lối nói bình dân, lối nói nôm na của dân chúng chứ không phải là gì khác. Nó là một loại thông tin giao tiếp thường nhật của con người; nó là phương tiện châm biếm các thói đời hủ lậu, là vũ khí chống lại các thể chế đi ngược lại lòng dân; là nền móng của sự sáng tạo; là sự giải trí vui vẻ, sảng khoái, khoáng đạt của con người và cũng là "lời tỏ tình của mùa xuân"! Về chuyện này, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương, Nguyễn Khuyến, ... là những bậc kỳ sư cái thế! Thế thì nói tục, phải chăng, cũng là một loại văn hoá: Văn hoá nói tục?! Mà văn hoá thì, khốn nạn, lại có đẳng cấp. Đã có nói tục thì ắt phải có lối nói không tục. Lý do cũng dễ hiểu. Trong dân chúng, không thiếu những kẻ thô lậu, phát ngôn lung tung, cốt cho khoái cái mồm, không phân biệt được đâu là dung tục, đâu là mỹ tục, đâu là xây đắp, đâu là phá bĩnh... khiến cho phần đông còn lại, trong đó có người có học, có người ít học hoặc không có điều kiện để học nhưng vốn tâm thanh dạ nhã, thì nhăn mặt, bịt tai, không thể chịu được. Về sau, tầng lớp quan lại cứ nhất định cho rằng cái tầng lớp của họ là cao quý, là không tục, là nói năng phải khác dân chúng, phải văn vẻ, phải ý nhị, phải đủng đỉnh, phải thâm thuý, phải hùng hồn (chứ không phải là hùng hổ như mấy thằng cà trớn!)... và đến đây, họ gọi lối nói của dân là nói tục để phân biệt với lối nói thanh của họ. Họ gọi những người đồng bào của mình là bọn tục dân để phân biệt với đẳng cấp cai trị của họ mà quên phắt hoặc không muốn nhớ rằng mới trước đấy thôi, họ đã được cấp dưỡng bằng cơm của các ông bà Dậu, những nông dân chăm chỉ, hiền lành và vui tính, có cố tật tư hữu và dễ mủi lòng mỗi khi phải chứng kiến những cảnh thương tâm, đau lòng; Những người đã tạo ra các chữ Nỡm và Phải gió vĩ đại cho hậu thế chúng ta có cái mà dùng; Những người mà họ đã và, cũng có thể, đang phải gọi là Cha và Mẹ, dù chỉ là để tuân thủ Tục ước Lễ như một người đã được thứ ánh sáng của nền Tục Văn Minh chạm vào!
 
°
 
Thế là hết một ngày chủ nhật. Đêm đã về khuya. Trời lặng gió, làm cho cái rét ngọt dường như đậm thêm trong đêm mùa đông xứ Bắc. Đồng hồ nhà ai đã điểm mười hai tiếng. Hết thuốc hút, tôi đi ra phía đầu phố, nơi có một cái chõng nước chè thường hay bán khuya, cầu may. Quả là tôi đã gặp may. Từ xa, đã trông thấy mấy bóng người lố nhố ngồi xúm quanh một ngọn đèn dầu hãy còn leo lét. Tôi đến gần và bỗng nhiên, không biết họ đã nói những gì, mấy người đó cùng cười phá lên. Còn chị bán nước, gương mặt ửng hồng, đôi mắt mắt lá dăm lúng la lúng liếng, ra giọng đe nẹt:
- Chỉ được cái nỡm là giỏi! Thôi, biến cả đi, rét mướt thế này, về nhà mà ôm vợ cho nó sướng! 
Trong mấy người đó, tôi nhận ra có anh xích lô đầu phố và một nhiếp ảnh gia đã lừng danh từ lâu ở phố bên. Thấy tôi cũng đang mủm mỉm cười, chị bán nước - gương mặt vẫn chưa thôi ửng hồng, không rõ vì vui hay vì ngượng ngịu - đồ rằng tôi đã nghe hết được những gì trước đó, nên vừa đưa thuốc cho tôi vừa nói như thể xua tà:
- Còn nhà ông này nữa, châm xong thuốc rồi cũng phắn luôn cho tôi nhờ!
Tôi lại cười, không nói gì, ngoan ngoãn "phắn" ngay, và trong lòng cũng đang thấy niềm vui nảy nở. Đúng lúc ấy, trong cái đầu tối om của tôi, lần đầu tiên, một câu hỏi chợt loé lên: Giả thử, vì lý do nào đấy, bỗng dưng, thế gian này vắng đi những lời nói khiến khuôn mặt chị hàng nước có nước da bánh mật kia chợt ửng hồng trong ánh đèn dầu liu diu kia thì mọi sự sẽ ra sao nhỉ? Chắc là lạnh lắm! Sẽ không còn ai than rằng cuộc đời sao lại ngắn chẳng tày gang?! Bởi nó, chính cái cuộc đời này, sẽ trở nên lê thê bất tận, nhạt thếch, xám ngoét, vô hồn và buồn tênh dưới ánh mặt trời...! 
 

[1] Nhân vật thiếu niên trong truyện Tôm Soyơ của nhà văn mỹ Mác-tuên.

Xem Tiếp: ----