Cuối triều Hùng Vương thứ 18, có hai chị em nòng nọc sống quấn quýt bên nhau giữa một cái đầm lầy. Nào ngờ trong một cơn giông tố, hai chị em nòng nọc bị cuốn bay ra hai nơi, cô chị bị văng tuốt ra sông Mékong, cô em rớt xuống một miệng giếng bỏ hoang cách đầm không xa. Hai chị em lạc mất nhau từ đó. Không lâu sau, nòng nọc chị hoá thân thành ếch, sống đời sống lưỡng hệ / lưỡng cư tự nhiên bình thường; nhớ em nhớ chốn cũ thì chỉ việc tót lên bờ, thả mắt trông trời nhìn đất bao la, ngày đêm mặc lòng một mình buông tiếng hoài thương, thỉnh thoảng hợp xướng với các đồng loại chung quanh. Dưới giếng, nòng nọc em cũng đứt đuôi thành ếch, nhớ chị nhớ cảnh xưa thì trồi lên mặt nước đọng, nghếch nhìn ô trời vành vạnh, ngáp ngáp mươi cái lại ngậm mồm úm xuống ngay. Chẳng là hồi mới rụng đuôi, theo bản năng ếch em đã nhiều lần thử nhảy bám vào gạch quanh bờ giếng, phơi cho biết cảm giác đệ nhị hệ ra sao, song không thể vì gạch đã đóng rêu trơn tuột không sao bấu được, nói chi chuyện leo thoát khỏi giếng, do đó lâu ngày ếch em đinh ninh kiếp ếch uyên nhiên vốn chỉ cần có tí lăng quăng, chút muỗi mòng dằn bụng để sinh tồn..., vậy là quá đủ; hoàn toàn không biết cõi khô, cái nắng là gì. Sự tích ếch sông, ếch giếng khác biệt nhau duyên do khởi từ đó. ° Hai chị em chúng tôi có mấy năm học chung lớp trong trường Sơ. Phần tôi may mắn được sự quan hoài của một sơ tên Marie-Paule, đến từ Quảng Bình. Sự quan hoài này chẳng mảy may tại tôi không học giỏi như cô em và đa số các bạn cùng lớp, mà nay nghiệm lại, hoàn toàn nhờ cái tánh lơ đãng xuất hồn của tôi khi thường xuyên dỏi mắt ra cửa sổ trong giờ đứng lớp của sơ. Nhiều lần sơ hỏi nhỏ tôi "em mê mẩn nhìn ra cửa sổ để tìm cái chi?". Lúc đầu tôi giữ ý, e lệ trả lời qua quýt, sau thấy sơ cũng hơi khá đặc biệt, tôi bèn thố lộ rằng "em ngó ra cửa sổ để nương theo đôi cánh Lamartine, Musset… đẩy hồn em vút lên, vút lên cao hoà vào khung mây, hoá thân thành cọp, thành rồng trong văn giới mai này". Nghe cái mộng một tấc thấu trời, sơ trố mắt nhìn con nòng nọc dễ thương hồi lâu, nhưng rồi tủm tỉm nhìn ra mông lung, nói «cái mộng của em tương tự cái mộng của sơ lúc đã nhập thân Kinh Thánh, quyết định hiến tấm băng tâm cho Chúa Cứu Thế năm sơ 21 tuổi. Bấy giờ sơ cũng chắc mình 'sẽ' hoá thân thành một Mẹ Teresa da vàng. Kể ra…cũng đẹp». Mấy hôm sau, sơ đem bài ngụ ngôn La grenouille qui veut se faire aussi grosse que le bœuf (Con ếch muốn làm to bằng con bò) của Jean de Lafontaine ra dạy và dặn cả lớp học thuộc lòng và trả bài trong tuần tới. Người đầu tiên bị sơ gọi lên khảo bài lại chính là con nòng nọc đang kể lại câu chuyện! Trả bài xong, tôi hào hứng phát biểu cảm tưởng «Con Ếch muốn thành con Bò trong chốc lát, thưa sơ, hào khí đó đáng noi theo lắm chứ. Dẫu kết cuộc phải trả một giá rất đắt». Sơ cười nụ cho tôi 8 điểm/10, lập lại câu nói «kể ra…cũng đẹp»! Xong trung học, em tôi quyết định ở lại lập gia đình. Tôi đến chào giã biệt sơ Marie-Paule để sang Pháp học tiếp. Tiễn tôi ra tận cổng trường, sơ cầm tay tôi nói «thế nào con nòng nọc dễ thương của sơ cũng 'sẽ' đứt đuôi hoá thân thành ếch trong thi đàn nay mai». Đến năm 1981, ngay đêm <?xml:namespace prefix = st1 ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:smarttags" />ông François Mittérand thuộc đảng Xã Hội đắc cử tổng thống nước Pháp, như một số đồng hương khác, vợ chồng mới cưới chúng tôi hốt hoảng hoá thân ù qua Mỹ tị nạn lậu, ấy là do sự tự kỷ ám thị đánh đồng hai chữ Xã Hội với cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa, cũng như lâu nay người ta đã nhơn nhơn không biết ngượng, đồng hoá chống độc tài đảng trị là phản quốc, phản dân; yêu nước là phải gắn liền với yêu xã hội chủ nghĩa; đụng đến nội xâm, mó tới sự thật bầy nhầy của các đầy tớ nhân dân là bôi nhọ lãnh đạo, là tiết lộ bí mật quốc gia; hó hé đòi những thứ mà dưới sự lãnh đạo của đảng - bằng xương máu của nhân dân, đã đấu tranh đòi lại được từ thực dân đế quốc là bị vu, quy 'diễn biến hoà bình', là phá hoại sự 'ổn định' của đất nước…, là bóc lịch! Sau cuộc đổi đời ở Đông Dương non năm năm, bố bu chúng tôi lần lượt theo nhau hoá thân thành cát bụi, 'bay theo đường dân tộc đang bay' trong sự bình đẳng của hai chữ túng quẫn chung cả nước; em gái tôi được chọn đi học đại chương trình đại học của chế độ mới. Mười năm đầu cùng nhau sảng dưới ánh sáng chỉ đạo của các cụ râu, em tôi bóp bụng lên tiếng cầu cứu: Cứ ba tháng một lần vợ chồng tôi gửi chui số tiền chắt bóp về giúp gia đình cô em gái, vốn đã có chút danh làm tôi bộc nhân dân, cọng tí quyền là phó trưởng phòng gì đó. Ở Pháp rồi ở Mỹ, con nòng nọc dễ thương của sơ Marie-Paule không những không chịu đứt đuôi để thành ếch tây hay ếch mẽo mà, qua phép mầu boat people, lại hoá thân ra nòng nọc mít, có kỳ khôi không chứ. Nhà tôi an ủi: «Thôi, không thành được ếch đầm, ếch mẽo thì em cố luyện thành ếch mít đặc, rồi gồng thành bò ta coi mòi vừa dễ dàng hơn, vả cũng được lắm chứ». Con nòng nọc việt bắt đầu 'chuyên tu tại chức' từ đó, nhưng rắp ranh 'cú nhảy vọt' một phát một chuyển hoá thành…cọp, thành rồng, dứt khoát vất phăng giai đoạn quá độ thành ếch nghĩa là để khỏi vướng phải cái ngụ ngôn truyền kiếp của ông cụ Lafontaine; hơn nữa ai lại hoài công tu luyện mà chỉ để thành ếch rồi thành bò dù bự như bò bắc Mỹ, khi mà xưa nay lịch sử văn học thế giới làm gì có thứ ếch văn học, bò văn chương, nghe chẳng văn hoa tí tẹo nào. Hai chị em chúng tôi hẹn gặp nhau tại Bangkok vào đầu thế kỷ XXI, nhân chuyến em tôi tháp tùng phái đoàn qua Thái Lan thương thuyết về mậu dịch song phương. Hơn hai mươi năm xa cách, chị em không vì thế mà nhạt nghĩa tình cùng một lỗ chui ra, khi gặp lại. Duy điều làm tôi bứt rứt, canh cánh khó chịu là trong em gái tôi rõ ràng có hai con người tách biệt: Một, khi hai chị em nằm gác chân nhau thủ thỉ chuyện quá khứ, chuyện gia cảnh. Hai, khi lan man qua đề tài có mùi đất mùi nước, mùi tệ đoan xã hội từ sau cuộc đổi đời, đặc biệt khi có mặt dăm thành viên trong phái đoàn, nhất là khi có sự hiện diện của người đàn ông mà em tôi khúm núm gọi là thủ trưởng. Nghĩ cũng tức cười, ai đời mọi 'thành tựu to lớn' họ chớm có hôm nay (sau 20 năm định hướng) đều đến từ tụi 'tư bản bóc lột, giãy chết', ấy thế mà em tôi nói riêng, mới ngoài 40, nhập đồng hoá thân thành con ểnh ương bị kích động, phùng mang lồi mắt sổ toẹt tất tật điều gì có liên quan tới hai chữ Tư Bản với một ngôn từ, một luận điệu hao hao na ná trong vô số sách, báo trên giấy hay trên mạng mà tôi thường xuyên theo dõi bao năm nay. Đến nỗi dù muốn dù không tôi cũng bị ghi vào đầu rằng dường như những điều họ nói ra đều được vuốt kèm tính từ xã hội chủ nghĩa. Hỏi tại sao cứ nhất định phải có cái đuôi đó, thay vì trả lời gọn thẳng, họ luân phiên xàng xê quan họ một hơi rồi có cùng một kết luận huề vốn: Phải hoá thân thành dân xã hội chủ nghĩa mới thấm nhuần được cái đuôi vạn năng kỳ bí đó! Nghe họ hoả mù, thiệt tình là vẹt ca nhưng riêng tôi phải công nhận: Ba láp, song 'kể ra…cũng đẹp' và càng quay quắt nhớ sơ Marie-Paule, chẳng biết nay trôi dạt về đâu, còn hay mất. ° Trong khoảng thời gian tương đối dài hợp tình hợp lý sau thế chiến thứ 2, đó đây lần lượt nảy sinh một hai con rồng, ba bốn con cọp, nghe nói đều tiệm tiến hoá thân từ giun đất, từ mèo rừng bình thường. Mười năm sau cuộc tương tàn Đông Dương 2, trong một cái hố bom B52 người ta thấy xuất hiện một con nòng nọc có cái đầu năm cánh. Theo chu kỳ phát triển tự nhiên, con nòng nọc lạ hoá thân thành ếch nhưng hậu-cần vẫn lủng lẳng cái đuôi sần sùi, dị hợm. Các nhà sinh vật học bèn hội ý tạm đặt con nòng nọc lạ vào họ Ếch Có Đuôi, Vixi-Urodela. Ếch Vixi-Urodela (VU) nhân danh đủ thứ để tiếp tục tự phong vương trong cái ao B52, hoá thân thành ếch vô số sản sau lớp da vô sản. Với cái đuôi quái đản cọng bí chiêu Hàm Mô Công, ếch VU triệt tiêu mọi ếch nhái chẫu chàng không chịu khuất phục. Đặc điểm khác của ếch VU là lối kiếm ăn khác đời, cứ nhảy hai cú tiến lại có một cú lùi (vì vướng cái đuôi dị dạng), nhưng cứ uệch uệch rằng chỉ một cú phình là nó 'sẽ' hoá thân to bằng bác bò xiêm! Có con ếch chúa qua nhiều năm nằm tịnh khẩu tu luyện chờ ngày hoá thân thành thánh, nghe VU một tấc thấu trời bèn nghĩ bụng «con bò chú mày vẽ quả là to bằng mười con bò do tớ dự phóng ngày xưa», rồi cảm khái khai khẩu thành bài vè như sau: Nghe vẻ nghe ve Nghe vè con ếch Ước mong giống hệt Cao lớn như bò Cái bụng phình to Chắc kêu lớn tiếng Ếch bèn gợi chuyện Cùng với con bò "Xin bác chỉ cho Nhờ đâu bụng lớn?" Bò nghe như giỡn Nhưng cứ trả lời: "Chú hãy hít hơi Thật nhiều vào phổi Sẽ to như thổi Chú ráng thử coi." Ếch khoái đua đòi Nên càng mê tít Lấy hơi ráng hít Cho bụng căng phình… Bỗng nghe cái "bình"! Ếch lăn ra chết. Thế nên mới biết Cứ sính tranh giành Đố kỵ ghét ganh Huênh hoang tinh tướng Vẽ vời ảo tưởng Chỉ tổ hại thôi Các đầy tớ ôi Đừng quên chuyện ếch! (Theo sưu tầm của Lê Thu Quỳnh) Hàn Lệ Nhân (Tản mạn qua đêm 25)