Chương 1
Làm một quà mọn, kính tặng ông Lê Văn H.

 
DongHa
Ngọn nến cuối cùng thổi mãi không tắt. Ngọn nến thứ mười tám, lì lợm và kiêu hãnh, chỉ hơi lao chao ánh lửa rồi vẫn sáng. Trong những tiếng cười reo của lũ bạn-“Thổi mạnh lên, Đông Hà!”, Đông Hà nghe như có tiếng thở dài của tuổi thơ. Nhắm mắt lại, Đông Hà quyết lần nầy phải phùng má thổi thật mạnh mới được. Rồi!!! Có một bóng tối nào chụp đến, làm Đông Hà mở vội mắt ra. Mình vừa thổi đó ư? Ngọn nến đã tắt. Đầu tim đèn tỏa ra một thứ khói trắng. Làn khói như nhắm đúng vào mắt Đông Hà mà lao thẳng tới. Và mùi cay hắt của nó cũng theo đó mà vào. Hơn ai hết, Đông Hà biết trên mi của mình có vương một giọt lệ.
 
Tiếng vỗ tay của Diễm Phúc ngưng ngang, khi Diễm Phúc nhận thấy nét mặt khác thường của bạn.
Đông Hà, mi sao vậy?
Đông Hà đáp như người ngủ mơ:
Sao? Ơ…có sao đâu!
Có tiếng của Mùi Hương nghe trong vắt:
Mi mệt hở? Hay mi trúng gió? Nguy quá, tao phải cạo gió cho mi mới được.
Rồi Xuân Lý:
Phải đấy! Mặt cô nàng tái nhợt hà. Tao đi lấy dầu nghen!
Diễm Phúc ngăn lại:
Không phải đâu. Chắc có chuyện chi đây? Đông Hà, tao thấy mi buồn…
Giọt nước mắt của Đông Hà, sau chữ “buồn” đó, rơi xuống. Ba đứa bạn trố mắt ngạc nhiên, rồi nhìn nhau dò hỏi. Biết chắc là không phải Đông Hà bị trúng gió rồi. Nhưng tại sao nhỏ lại đột nhiên thay đổi nét mặt như vậy?
Mùi Hương bỗng nói, giọng đầy vẻ nghịch ngợm:
Xuân Lý, Diễm Phúc! Ra đây tao nói cái nầy cho nghe.
Như cũng cảm thấy có một điều gì khá thú vị, Xuân Lý và Diễm Phúc theo Mùi Hương ra sân. Mùi Hương thì thầm:
Tao biết rồi. Tụi mi biết tại sao Đông Hà nó buồn không?
Tại sao? Tại sao?
Mùi Hương đưa tay sửa cái nơ trên đầu, nói giọng hóm hỉnh:
Tụi mi chậm hiểu quá! Thì…cái “tên” Đơn…
Mùi Hương chưa nói hết câu. Diễm Phúc giật mình:
Á à... cái “tên” Đơn! Vậy mà nghĩ không ra. Ủa, mà sao anh chàng không có mặt hôm nay nhỉ? Chẳng lẽ Đông Hà không cho anh ta biết ngày sinh nhật của nó?
Xuân Lý nhăn mặt:
Sức mấy” mà không biết. Chắc là có cho biết nhưng anh chàng không tới. Vì vậy mà Đông Hà nó buồn.
Diễm Phúc thở ra:
Nếu đúng vậy thì tội cho Đông Hà quá! Hay là Đơn bận việc?
Mắc việc gì ngày chủ nhật? Tao nghĩ chắc Đơn chê Đông Hà nghèo.
Diễm Phúc hốt hoảng:
Suỵt! Nói khẽ chứ, Mùi Hương! Mi có cái miệng nói không chịu uốn lưỡi.
Tiếng Đông Hà cất lên ở trong nhà:
Cái gì mà bàn tán kỹ thế tụi mi? Cấm nói xấu đó nhé! Có vào đây không? Tui sắp mở quà đây nè!
Ba đứa bạn kéo vào ngay lúc Đông Hà mở dây buộc của gói quà thứ nhất. Mùi Hương nói:
Của tao đó! Đoán đi!
Đông Hà mỉm cười:
Cái gì nặng dữ vậy? Đôi hia bảy dặm hở?
Sai.
Cái búa của ông Thiên Lôi hở?
Mùi Hương bụm miệng cười. Đông Hà giở mép giấy hoa… Diễm Phúc reo lên:
Sách Toán Lý Hóa luyện thi. Gớm, dầy cộp. Nặng còn hơn búa của ông Thiên Lôi. Nó cưng mi quá Đông Hà ơi! Năm ni mi phải thi đậu đó nghen!
 Đông Hà như quên mất nỗi buồn, nói với Mùi Hương:
- Tao sẽ thi đậu. Cám ơn mi lắm, Mùi Hương.
Xuân Lý nhanh nhẩu:
Rồi, mở quà của ta ra đi. Quà của ta đối chọi với quà của Mùi Hương, “nhỏ híu” hà. Đoán ra không, nhỏ?
Đông Hà mơ màng:
Tơ trời, phải không?
Xuân Lý trề môi :
Khiếp!
Lông ngỗng của áo nàng Mỵ Châu?
Lạy ‘bác”, mơ mộng vừa vừa thôi. Quà của “em” giúp “bác” đem vô phòng thi mà múa may tư tưởng.
Đông Hà cầm cây bút lên, trầm trồ:
Đẹp quá! Lại một kẻ mong ta thi đậu.
Đông Hà nâng niu gói quà còn lại: chiếc hộp vuông nhỏ nhắn.
Chẳng cần bói, cũng biết là của “con nhà” Diễm Phúc. Cái gì đây?
Diễm Phúc đặt tay lên chiếc hộp, nói với Đông Hà giọng nhẹ như mây, nhưng trịnh trọng hơn lúc nào hết:
Đông Hà! Gần bảy năm trung học, năm nay tụi tao mới được hân hạnh ăn sinh nhật của mi, cũng như được biết ngày sinh tháng đẻ của mi. Tụi tao cũng biết là chỉ mới năm nay mi mới làm chiếc bánh sinh nhật lần đầu. Đừng nghĩ gì hết nghen Đông Hà. Tụi tao cũng là bạn nghèo như mi. Nếu mi vì nghĩ vẩn vơ mà buồn thì tụi tao cũng mất vui đi.
Mùi Hương thở dài:
Nói đi, Đông Hà, phải mi buồn vì vậy không? Nếu đúng vậy, thì không có gì phải buồn cả. Giàu nghèo gì cũng vậy, miễn có đầy đủ….
Xuân Lý kêu lên một tiếng nhỏ, rồi ngắt lời Mùi Hương:
…có đủ cậu mợ như Đông Hà là tốt rồi.
Rồi cả hai cô nhỏ ngớ mặt ra, cảm thấy là mình càng nói càng sa lầy. Biết không cứu vãn gì được nữa, cả hai im lặng. Diễm Phúc lại nói:
Thôi, mở quà của tao ra đi. Cam đoan mi sẽ thích.
Đông Hà cầm lên một quả tim bằng sáp trắng, giống hệt như một miếng thạch, trên mặt có rắc kim tuyến thành hai chữ “Đông Hà” và ngày sinh của cô nhỏ.
Diễm Phúc chớp mắt, nói:
Đó là tình bạn của tao cho mi đấy nhỏ!
Mùi Hương trêu:
Nè Diễm Phúc ơi! Có ngày trái tim của mi sẽ vỡ nát. Tao cam đoan như vậy. Có ngày mi sẽ không còn độc diễn ngang nhiên trong trái tim bằng… sáp của Đông Hà nữa đâu đó!
Đông Hà cười:
Đừng ba hoa, cô nương! Nè … Diễm Phúc ơi, phải mi thức cả đêm đổ sáp làm cho tao trái tim nầy phải không?
Sao mi biết?
Mắt mi có quầng. Mà mi thì chẳng bao giờ thức khuya để học bài như tao.
Đúng rồi. Tao phải lén mẹ tao, thức đến mười hai giờ để nấu sáp. Thích lắm Đông Hà ạ!
Đông Hà bâng khuâng, rồi bỗng nghe như hai mắt lại cay xè. Đông Hà nói rất nhẹ vào tai Diễm Phúc:
Có ngày tao sẽ xin lỗi mi, cả Xuân Lý và Mùi Hương nữa.
Diễm Phúc thì thầm:
Chuyện gì vậy?
Chuyện hôm nay. Bây giờ thì chưa nói được. Thôi, Diễm Phúc cắt dùm tao cái bánh, cho các em tao ăn. Sinh nhật của tao như thế, đủ lắm rồi.
Đông Hà nắm chặt tà áo, mím môi như đang chịu đựng một điều khổ sở.
Diễm Phúc cắt chiếc bánh sinh nhật để bên mấy gói quà. Đông Hà nhìn chăm chăm vào đó. Sinh nhật của tôi đấy sao? Chiếc bánh làm vội vàng và ba món quà của ba đứa bạn thân… Phúc, Lý, Hương! Đông Hà có lỗi với tụi mi nhiều quá! Lỗi đã bịa ra một ngày sinh nhật, báo hại Xuân Lý, Mùi Hương nhịn quà vặt để mua bút máy, mua sách; báo hại Diễm Phúc thức khuya nấu sáp đến nỗi mắt thâm quầng. Tụi mi phải biết là Đông Hà của tụi mi không đến nỗi thèm ăn một chiếc bánh sinh nhật rởm đời như vậy. Nhưng, tụi mi sẽ mở to ba đôi mắt dễ thương mà hỏi tại sao tao lại phịa ra một ngày sinh nhật sớm trước một tháng? Không ai biết được đâu, ngoài Đông Hà. Không ai biết rằng Đông Hà đang muốn khóc thật to cho đỡ tủi, đỡ buồn.  
Đằng kia chiếc bánh đã được cắt ra làm tám. Đông Hà nói:
Mời tụi mi, mỗi đứa một miếng. Hai em tao hai miếng. Để hai miếng lớn nầy cho cậu mợ tao. Còn tao xin miếng nhỏ nhất.
Đông Hà cứ mải lóng ngóng nhìn ra cửa. Trời sắp tối rồi. Cậu mợ Phong vẫn chưa thấy về. Cậu mợ đi từ sáng. Không khí sinh nhật cũng theo bánh và kem mà sắp tàn rồi! Cậu mợ không biết rằng con để bánh chờ cậu mợ. Hôm nay là sinh nhật của con- Vâng, đúng như thế.
 
Khi đồng hồ điểm đúng bảy giờ, ba đứa Diễm Phúc, Xuân Lý, Mùi Hương kéo nhau ra về thì nghe tiếng xe của cậu Phong. Ba cô nhỏ lao xao:
Chào cậu mợ ạ. Tụi con xin phép về.
Đông Hà đứng yên ở ngưỡng cửa. Cậu mợ Phong vào nhà. Cả hai người đều có vẻ mệt mỏi. Ngày chủ nhật đối với người công chức như cậu không phải là ngày dành cho việc đi chơi. Cậu và mợ phải lo cho xong việc sang một sạp hàng để cho mợ buôn bán. Thời buổi khó khăn, một mình cậu lo không xuể gia đình.
Đông Hà chào:
Thưa cậu mợ mới về.
Mợ Phong để ý ngay đến những gói quà còn để mở trên bàn, lên tiếng hỏi:
Quà cáp gì đây Hà?
Dạ… quà sinh nhật của con.
Nói xong câu đó, Đông Hà cúi đầu ngượng nghịu. Cậu Phong hỏi lại:
Sinh nhật của con?
Dạ.
Cậu mợ Phong đưa mắt nhìn nhau. Chừng như hai người ngạc nhiên lắm. Có lẽ công việc sinh kế làm mù mờ trí nhớ? Đông Hà thấy vầng trán của cậu Phong hằn những vết nhăn. Còn mợ thì ngơ ngác như chưa tin. Mợ hỏi nhỏ với cậu:
Hôm nay à?
Cậu đáp rất khẽ:
Tôi không nhớ rõ…
Đông Hà nói cứng ngắc như một người đang đọc diễn văn:
Thưa cậu mợ, hôm nay là ngày sinh nhật thứ mười tám của con.
Rồi Đông Hà không còn can đảm để đứng ở đó nữa.
 

*

 
Đông Hà! Đông Hà!
Ai thế nhỉ? Đông Hà nhướng mắt nhìn ra. Đường xóm tối đen. Dường như có một bóng con trai đứng trước rào. Giọng nói quen quen. Ai? Chẳng lẽ là Đơn? Bước chân Đông Hà líu ríu đi ra.
Đông Hà còn thức?
Mới chín giờ, còn sớm mà. Đơn đi đâu vậy?
Hỏi thế rồi Đông Hà không biết phải nên mở cổng hay thôi, đứng im như đứa học trò không thuộc bài. Rồi Đông Hà hỏi:
Đơn vào nhà chơi nhé?
Thấy Đơn không đáp mà nhìn mình một cách là lạ, Đông Hà hơi run:
Có… cậu mợ Hà ở trong. Đơn vào không?
Thôi, Đông Hà. Đơn tính hỏi Đông Hà một chuyện.
Đông Hà mở lớn mắt. Chuyện gì đến nỗi Đơn phải đến nhà mình vào buổi tối thế nầy? Chắc không phải là chuyện thông thường như đưa một quyển sách, tặng một bản nhạc hay trao một cánh hoa ép như Đơn vẫn làm thường ngày.
Căn nhà nầy, chưa một lần Đơn dám đến kể cả lúc ban ngày, huống hồ…
Trường nam và trường nữ cách nhau bằng một đường cây còng, nếu có cánh hoa nào xinh, bản nhạc nào hay, Đơn vẫn đứng chờ Đông Hà “dưới cây còng bé nhất” mà!
Chuyện gì thế hở Đơn?
Hồi chiều nay Đơn gặp ba cô bạn của Hà ở bến xe buýt.
Phúc, Lý với Hương?
Phải, ba cô đều ăn mặc đẹp.
Đông Hà run run:
Có gì lạ? Chủ nhật mà!…
Họ bảo rằng họ vừa mới đến mừng sinh nhật của Đông Hà.
Chết rồi! Vậy là Đơn đã biết. Đông Hà lặng thinh.
Rồi chợt nhìn thấy đôi mắt của Đơn như có một chút giận hờn. Nhưng  Đông Hà không nghĩ ra được cách nào để giải thích cùng Đơn. Chính Đông Hà còn chưa biết phải đối phó thế nào với mình, với cậu mợ. Đơn ơi! Đơn không hiểu được rằng có một điều bí mật đang bủa vây đời sống của Đông Hà. Đông Hà đang hồi hộp đây. Và … muốn khóc lắm.
Mùi Hương hỏi sao Đơn không đến, làm Đông Hà buồn. Đơn muốn đính chính, nhưng Đơn “quê” quá. Đơn có cảm tưởng là Đông Hà vui với bạn, bỏ rơi Đơn.
Đông Hà cuống quít:
Không, đâu có! Hà đâu có bỏ rơi Đơn.
Đơn tỏ vẻ giận thật sự:
Đông Hà cho Đơn biết sinh nhật của Đông Hà là ngày một tháng sáu.
Đúng rồi, đúng rồi!
Thế ngày hôm nay?
Thì, thì… hôm nay…
Ánh đèn trong nhà bỗng vụt tắt. Đông Hà nhìn vào rồi nói vội:
Chắc cậu mợ Hà sắp ngủ. Hà phải đi vào đóng cửa. Đơn! Đừng thắc mắc gì cả nghen!
Đơn nghiêm nét mặt lại:
Sao lại đừng thắc mắc hở Đông Hà? Hà không biết rằng Đơn đã mua quà để sẵn cả tuần nay rồi, chờ ngày Đông Hà mười tám tuổi, vậy mà hôm nay Đơn lỡ dịp rồi. Đông Hà không xem Đơn là bạn. Đông Hà trêu Đơn, làm Đơn xấu hổ quá!
Hà xin lỗi Đơn. Mai mốt Hà sẽ nói rõ Đơn nghe. Bây giờ… Đơn về đi nhé! Cậu mợ Hà sắp ngủ rồi.
Đơn đưa tay xem đồng hồ, hỏi:
Đông Hà cũng sắp ngủ?
Không, Hà thức khuya lắm. Nhưng cậu mợ Hà…
Đơn thở dài:
Hôm nay Đông Hà có vẻ gì khó hiểu làm sao! Đơn không được biết thì thôi. Đơn về nhé!
Vâng, Đơn về.
Khi Đơn dợm bước đi Đông Hà mới nhớ một điều: Đơn bảo nhà Đơn ở ngoại ô, khá xa, phải đi ngang một con đường hai bên là đồng trống. Tự nhiên Đông Hà cảm thấy lo và hỏi:
Tối quá rồi, mà Đơn đi bằng gì?
Đông Hà đừng lo, Đơn có xe.
Xe gắn máy của Đơn đâu? Mà không có xe nào chịu rước Đơn về ngoại ô đâu nhé!
Đơn đi bằng xe nhà.
Đơn bước đi mấy bước rồi quay lại. Đông Hà vẫn đứng tì tay trên cánh rào. Đơn mỉm cười, nói khẽ:
Đông Hà! Nhớ ngủ sớm.
Đông Hà gật đầu. Đơn lại bảo:
Ngày mai nhớ đứng dưới cây còng bé nhất nghen Đông Hà!
Vâng. Mà… Đơn không giận Hà chứ?
Đơn chỉ thắc mắc.
Thôi. Đơn về kẻo khuya.
Đơn đã quay lưng. Đông Hà vẫn như còn thấy cặp kính cận của Đơn sáng loáng trước mặt. Đông Hà đưa tay vuốt mái tóc mình. Gió đêm len qua tóc, qua cổ áo, nghe mát lạnh. Tâm hồn Đông Hà không còn thơ thới nữa.
Mơ hồ, Đông Hà tưởng như mình đang theo Đơn ra đường cái. Cánh cửa xe hơi của nhà Đơn đang mở ra. Trên xe có ba má Đơn, có một đám em gái. Cô nào cũng đẹp, cũng nhí nhảnh và sang trọng. Lúc nầy xe đang rồ máy. Đơn sẽ về nhà Đơn ở cách thành phố khá xa, và phải đi ngang qua khúc đồng trống. Nhưng Đơn không sợ kẻ cướp, không sợ trộm đạo. Đơn không sợ gió lạnh, không sợ sương đêm. Đông Hà rùng mình. Chỉ có Đông Hà ở đây, thân ái quá, nhưng sao thấy đời thênh thang quá.
Mười mấy năm Đông Hà sống trong căn nhà ngập đầy yêu thương nầy, gọi “cậu mợ” như gọi mẹ cha, và tưởng sẽ quên mất tấm thân phận côi cút. Nhưng có một thân tình nào đã trổi dậy. Có ngọn lửa nào đã lịm tắt bỗng được khơi bùng lên. Con còn có cha. Con còn có mẹ. Đông Hà muốn hét to lên như thế để mọi người nghe thấy. Cha ở đâu? Mẹ ở đâu? Sao mông lung quá! Sao mịt mờ quá!
Trí nhớ bây giờ đặc dầy như sương. Không còn nhớ một chút nào nét mặt cha, nét mặt mẹ. Mẹ cha là hai món quà thông thường nhất của một con người. Ai có phước sẽ giữ món quà đó trong tay cho đến lớn. Ai bất hạnh sẽ đánh mất đi và mang hai chữ “mồ côi”. Tại sao ta không là một trong hai trường hợp đó? Ta tưởng ta mồ côi nhưng thật ra ta vẫn còn cha mẹ. Ta lại không có phước để giữ món quà của Thượng Đế đã cho ta đến ngày nay. Đến một cái tuổi mà mọi đứa con gái bắt đầu băn khoăn về tình yêu thì ta đâm đầu về cội nguồn của mình, về cha, về mẹ, về hai món quà thiêng liêng mà ta tưởng đã làm mất đi rồi.
 
Đông Hà đi vào, khóa cửa lại, rồi ngồi một mình ở sa-lông. Bóng tối thì thầm chung quanh. Căn nhà nầy, không phải là nhà của mình. Đông Hà đã biết vậy từ khi về đây. Nhưng lúc nầy, hơn bao giờ hết, Đông Hà cảm thấy thật rõ ràng sự hiện diện vô lý của mình ở đây. Tại sao tôi lại phải sống ở đây, trong khi cha mẹ tôi vẫn còn? Cậu mợ Phong như muốn tránh mặt Đông Hà chăng, nên đã vào phòng sau khi ăn cơm tối. Cậu mợ không nhìn thấy hôm nay là sinh nhật của con hay sao? Một lễ sinh nhật gượng gạo và bất ngờ, nhưng chắc phải đủ để nhắc với cậu mợ một chuyện quan trọng.
 
Đông Hà mở to mắt trong bóng tối. Có tiếng nói chuyện của cậu mợ trong phòng, sau bức vách nầy. Cậu mợ còn thức. Nhưng Đông Hà không có can đảm vào xin gặp hai người. Đông Hà đến mở tủ sách, lấy quyển vở Toán của mình ra.
Sau lớp giấy bao màu xanh, lá thư vẫn còn. Đông Hà nhẹ tay bật ngọn đèn bóng nhỏ để trên đầu tủ. Ánh sáng không đủ soi tỏ nét chữ trên lá thư. Nhưng Đông Hà đã đọc gần như thuộc lòng cả rồi. Một tuồng chữ cứng rắn nhưng hoa mỹ vô cùng. Chữ của người cha. Cha của ta đang ở một nơi nào mà ta không biết được, nhưng đang hướng về ta bằng tất cả tình thâm. Lá thư không ghi địa điểm, không có ngày tháng, nhưng màu giấy ngà ngà cũ cho Đông Hà biết là người cha viết gửi đã lâu rồi. Và hôm dẹp bỏ cái tủ áo bị mối gặm gần phân nửa, mợ Phong đã vô ý đánh rơi bức thư, và Đông Hà nhặt được.
 
“Anh chị Phong thân mến,
Mãi lâu không thấy anh ghé chơi, tôi nóng ruột lắm, nhưng luôn luôn tin rằng anh quá bận rộn vì ngày hai buổi với chức nghiệp, còn chị thì khỏi phải nói, chị trông coi nhà cửa con cái. Nghĩ như thế tôi mới yên lòng một chút. Không biết lần nầy là lần thứ mấy, tôi muốn nói một lời cám ơn anh chị. Mà nghĩ cho cùng, tôi phải nói gì cho xứng với sự cao cả của anh chị đây? Tôi chắc phải mang nợ anh chị suốt kiếp, vì nếu không có anh chị, hay nếu có anh chị đi nữa mà không có hai tấm lòng nhân ái đó, thì không biết con gái tôi sẽ ra sao bây giờ.
Anh chị Phong thân mến,
Anh chị cho phép tôi vẫn gọi hai người một cách thân mật như thế nhé! Đến nay tôi vẫn không thấy anh chị khác gì với anh và chị thuở còn học một lớp với tôi. Thuở ấy, khi chúng ta chia vui xẻ buồn với nhau, tôi không hề ngờ được rằng anh chị lại tiếp tục chia xẻ với tôi luôn cả nỗi bất hạnh của cả đời tôi, và gánh luôn cho tôi một gánh nặng.”
 
Đông Hà ngưng đọc thư. Nước mắt đang tuôn chảy rào rạt, rơi xuống những dòng chữ trên giấy. Đã đến ngày Đông Hà mở mắt nhìn thấy đời mình rồi….
 
“Anh chị Phong, hai người bạn quý của tôi,
Nếu con gái tôi là một mối âu lo cho anh chị, mà anh chị phải cưu mang, chăm sóc, dạy dỗ, thì xin anh chị hãy coi đó như một việc thiện phải làm. Tôi không biết nói gì hơn như thế. Vì tôi không tròn bổn phận đối với nó, tôi đã phải nhờ đến anh chị. Anh chị thương nó như thương con của anh chị. Anh chị đã cho nó gọi anh chị bằng “cậu mợ” như hai con của anh chị gọi, anh chị cho nó học đến nơi đến chốn – tôi biết như vậy. Tôi xin đội ơn anh chị bằng cả tấm thân của tôi, bằng cả linh hồn của tôi.
 
Anh chị Phong, tôi vẫn tha thiết xin anh chị giữ kín dùm chuyện nầy, như đã giữ kín bao nhiêu năm nay. Mặc dầu tôi rất nóng lòng muốn gặp con gái của tôi, nhưng nó hãy còn nhỏ quá. Tôi muốn nó thảnh thơi để học hành. Đến một lúc nó phải nhìn thấy tôi, và cuộc đời của tôi, nhưng phải là khi nó đã đủ lớn. Tôi mong đến ngày sinh nhật thứ mười tám của nó, anh chị sẽ kể cho nó nghe. Lạy Trời đến ngày đó con gái tôi có đủ can đảm và nghị lực để nhìn vào thực tế. Còn bây giờ, xin anh chị hãy giúp nó tin rằng cha mẹ nó đã chết trong ly loạn như nó vẫn hằng tin.
 
Cầu chúc anh chị được nhiều sức khỏe và gặp vạn điều may mắn.
 
Thân,
Lê Văn Thư”
 
Đông Hà gấp mảnh giấy lại, thẫn thờ.  Trong thâm tâm như có tiếng thúc giục: “Mau lên, Đông Hà! Còn chần chờ gì nữa? Cậu mợ sắp đi ngủ rồi”. Đông Hà đứng phắt dậy, quay người vào đúng lúc cậu mợ Phong xuất hiện. Mợ hỏi:
Con chưa đi ngủ sao, Đông Hà?
Giọng của mợ êm ái như chưa bao giờ. Rồi cậu Phong đằng hắng:
Học bài mà sao để đèn lù mù vậy Hà?
Đông Hà cúi đầu đáp nhỏ:
Thưa… con định đi ngủ. Cậu mợ chưa ngủ sao ạ?
Cậu đưa mắt nhìn mợ rồi nói:
Cậu đang tìm… à, tìm giấy tờ, mà không thấy. Đông Hà, con còn giữ bản khai sinh nào của con không?
Dạ… con đã nộp lần hồi cho nhà trường.
Cậu chắc lưỡi rồi ngồi xuống ghế. Mợ cũng lẳng lặng ngồi xuống. Không ai nói với ai điều gì. Đông Hà nghe tim mình đập nhanh trong lồng ngực. “Nói đi, Đông Hà! Nói hôm nay là ngày con mười tám tuổi, đủ lớn và đủ can đảm để nhìn vào thực tế. Cậu mợ không cần tìm giấy khai sinh của con”. Tiếng nói nào đó vẫn thúc giục. Nhưng câu chuyện không được bắt đầu dễ dàng như người ta bắt đầu hát một khúc ca quen thuộc.
Đông Hà đặt quyển vở Toán lên bàn, và bức thư. Cậu và mợ không hẹn mà cùng giật mình, nhìn Đông Hà rồi nhìn nhau. Cậu hỏi:
Đông Hà, con lấy bức thư nầy ở đâu?
Đông Hà cố gắng nói thật bình tĩnh:
Thưa cậu, con nhặt được hôm dẹp tủ áo.
Là bữa nào?
Mợ đáp thay:
Hôm kia.
Cậu thật bối rối. Cậu chẳng ngờ được rằng trí óc của cậu và mợ đã lu mờ đến nỗi không còn nhớ đến cái việc quan trọng là ngày Đông Hà mười tám tuổi. Cậu hỏi:
Con… đã đọc bức thư?
Dạ.
Mợ nhích người qua một bên, nói:
Đông Hà, con ngồi xuống đây.
Đông Hà làm theo, giữ nét mặt thật bình tĩnh. Cậu nói:
Cậu với mợ thật có lỗi với…- Cậu đập đập nhẹ vào trán- Thật… cậu quên mất ngày sinh của con.
Mợ tiếp lời:
Nếu mà con không rủ bạn bè về chơi hôm nay thì cậu mợ cũng quên luôn. Mợ cứ nhớ mài mại là còn lâu nữa chứ! Thật, công việc làm cho con người mờ cả mắt.
Cậu đốt một điếu thuốc. Gương mặt của cậu mờ đi sau làn khói. Đông Hà len lén nhìn, cố tìm một nét nào thân quen của cha, của hình ảnh nào đã phai nhạt trong trí nhớ mù sương. Cậu nói:
Đông Hà không trách cậu mợ chứ?
Dạ không.
Con có đang bình tĩnh không?
Thưa cậu, có.
Cậu thở ra:
Mợ nói đi!
Đông Hà ngước nhìn mợ. Dưới ánh đèn yếu ớt, vẫn thấy mợ sáng rực tia mắt. Mợ hiền lành quá! Mẹ con có giống mợ không? Mợ đã cùng cậu chia xẻ nỗi bất hạnh nào đó của đời cha, còn mẹ con ở đâu sao không làm như vậy? Mợ cầm bức thư lên, hỏi:
Con đã đọc kỹ thư chưa?
Dạ rồi.
Con đã hiểu một phần đời sống của ba con?
Dạ..., con muốn hiểu hết.
Mợ sẽ nói hết. Nhưng có hai điều mà mợ muốn con xác nhận. Thứ nhất, là con có cảm thấy rằng con đủ lớn và đủ nghị lực để nghe chuyện của con, của ba mẹ con không?
Đông Hà nắm chặt bàn tay lại, nói giọng rắn rỏi:
Thưa mợ, con đã lớn. Con sẽ nhận hết, dù có xấu xa hay khổ sở đến mấy.
Mợ mỉm cười:
Điều thứ hai, là mợ mong con hiểu rằng, cậu mợ kể cho con nghe về cuộc đời của con để con biết, chứ riêng cậu mợ, không bao giờ muốn dứt con ra khỏi gia đình nầy…
Mợ ngừng lại, lau giọt nước mắt vừa ứa ra vì cảm động, và nói tiếp:
Con hãy hứa con vẫn là con của cậu mợ cho đến ngày con thật sự thành tài.
Đông Hà nắm tay mợ Phong bóp chặt và gật đầu. Mợ nói, bằng giọng êm đềm, như sợ một chút sơ hở sẽ làm tan biến nét bình tĩnh trên mặt đứa con gái:
Ba con là ông Lê Văn Thư, con đã biết rồi. Không có một sai lầm nào trên lý lịch của con. Nhưng con không phải là cháu của cậu mợ. Ba con thuở xưa học cùng một lớp với cậu và mợ ở tỉnh nhà, thân nhau lắm. Cả lớp ai cũng biết tiếng “bộ tứ” là cậu, mợ, ba con và một cô bạn nữa, rất quý nhau và thương nhau như anh chị em một nhà. Học hết trung học, cậu và mợ vì có duyên số với nhau nên thành hôn và thuyên chuyển về đây. Cậu theo nghiệp công chức. Còn ba con vì thích sống dọc ngang nên vào quân đội. Thế thôi. Bẵng một thời gian cậu mợ không gặp ba con. Tình cờ gặp lại ba con, mới biết là ông đã lập gia đình và có một đứa con gái.
Đông Hà hỏi khẽ:
Mẹ con có phải là người bạn gái của ba con và cậu mợ thuở đó không mợ?
Không. Hai người xa nhau từ hồi còn ở quê nhà lận, mợ không hiểu vì sao. Còn mẹ con thì ba con gặp lúc đã ra trường. Cậu mợ không có dịp để tìm hiểu nhiều.
Thưa mợ, con chưa hiểu.
Là vì cậu mợ không thường gặp hai người. Ba con nay đi trận nầy, mai đánh trận khác. Cho đến một ngày, ba con ngã xuống trên chiến trường.
Đông Hà cắn chặt môi. Ba ơi! Con đã nhìn thấy đời ba. Mợ Phong để lắng cảm xúc xuống sau phút giây yên lặng. Cậu lại châm một điếu thuốc mới.
Ba con trở về bằng một hình hài đã mất hết hai phần ba sức sống. Mẹ con gánh vác gia đình một thời gian rồi gửi con vào cô nhi viện. Ba con nằm một mình ở bệnh viện không thấy mặt vợ con. Chính cậu đem tin ấy đến cho ông. Ông đau khổ biết dường nào và nhờ cậu mợ nuôi dùm Đông Hà cho đến ngày con khôn lớn.
Đông Hà cúi đầu, nghe như tuổi nhỏ đang trỗi dậy. Đông Hà làm sao quên được viện cô nhi, ngày mà con bé năm tuổi nhớn nhác nhìn quanh, lũ bạn nhỏ nắm tay hát những bài hát lạ hoắc. A, gương mặt của mẹ từ đó cũng xa ta. Còn ba, ba thì đã vắng nhà từ lâu. Rồi cậu mợ đến dẫn ta về. Đông Hà tin đó là cậu mợ ruột. Và tin lời cậu mợ ”Ba mẹ của con đã chết trên đường về quê”. Từ đó chấp nhận một thân phận côi cút, can đảm sống một đời sống kham khổ với cậu mợ, và oán ghét một quê nhà nào loạn lạc quá, làm chết ba, chết mẹ, rồi … quên dần, không còn nhớ nét mặt của ba của mẹ ra sao. Khó mà vẽ được hai hình ảnh đó trong trí nhớ. Lâu quá rồi, mười ba năm, con không muốn nhưng đành phải bất hiếu.
Giọng Đông Hà sũng ướt:
Mợ, mẹ con đi đâu?
Mợ không biết rõ, hình như là đi xa lắm. Đông Hà, con vẫn đủ can đảm để biết là mẹ con đã có gia đình khác?
Trời ơi!... Dạ, con hiểu.
Cậu như không cầm lòng được trước cảnh một đứa con gái nhỏ gắng sức chứng minh mình là người lớn, lên tiếng:
Đông Hà, con cứ khóc. Bằng tuổi nầy, như cậu đây mà còn đau đớn thay. Ba con mong muốn con là một người can đảm, có nghị lực, nhưng không phải là người mất tình cảm.
Nhưng Đông Hà mắt ráo hoảnh, chờ đợi mợ nói tiếp. A, có thế chứ! Mẹ có gia đình khác thì mới bỏ con. Con là gánh nặng. Mẹ trút gánh nặng ấy cho hai người bạn nghèo. Con có thể không thắc mắc về mẹ nữa. Nhưng còn ba, ba đang sống như thế nào?
Ba con sống từ thuở đó tới nay, hơn một nhà tu, hơn một ẩn sĩ.
Đông Hà lay mạnh tay mợ Phong, hỏi dồn:
Ba con ở đâu hở mợ? Ba con về quê phải không?
Ở đây, ở tại thành phố nầy.
Đông Hà trố mắt ngạc nhiên quá đỗi. Ba ở tại thành phố nầy? Ở đâu? Sau vườn một ngôi chùa? Cạnh hang đá của một nhà thờ? Hay lây lất ở một xóm nhỏ nào?
Mợ nói cho con nghe mau đi mợ. Sao ba con không đến thăm con? Sao ba không cho con gặp mặt? Ba con ở đâu?
Cậu cất giọng trầm trầm:
Đông Hà, con mất bình tĩnh rồi đó. Con không nhớ ba con đã viết gì sao? Ông muốn con được thảnh thơi để học hành, vì con còn nhỏ quá. Những năm qua, cậu mợ đã làm được một phần lời ủy thác của ông. Đến ngày nay con đã đủ sức để gặp ba con, có muộn màng gì đâu? Cậu mợ đâu có lừa dối con. Con cũng đâu phải là người ích kỷ.
Đông Hà nói tha thiết:
Nhưng ba con đến nỗi nào cậu mợ ơi!
Mợ lắc đầu:
Có đến nỗi nào? Chỉ có lòng thương con của một người tuyệt vọng mới đến nỗi. Đông Hà, can đảm lên con nhé. Ba con ngã xuống trong một trận đánh lớn, không có một chiến hữu nào trở về. Ba con bị cưa mất hẳn một chân, chân còn lại cũng tê liệt luôn. Ba con chết nửa thân người…
Cùng một lúc với tiếng nấc của Đông Hà, mợ Phong không còn đủ sức để nói tiếp nữa. Mợ gục đầu trong bàn tay. Cậu Phong dụi mẩu thuốc lá cuối cùng vào chiếc gạt tàn. Không khí như đặc quánh lại quanh đây. Cậu thở dài. Anh bạn thân yêu của tôi! Đã đến ngày mà cậu cháu tôi, mợ cháu tôi kể lể với nhau như một tuồng tích về cuộc đời của anh đây rồi!