Tháng 12-1994, khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân sang Việt Nam tới thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã xúc động lưu trong sổ vàng lưu niệm: “Cách mạng đích nhân sinh, Lâm khiết đích khải mô”-Một đời vì sự nghiệp cách mạng, tấm gương sáng về sự liêm khiết. Nơi ở bình dân Bác Hồ trong chiến dịch Biên giới (ảnh tư liệu) Ông Vũ Kỳ-thư ký và các cán bộ giúp việc của Bác Hồ xúc động kể lại những mẩu chuyện đời thường của Bác: Sau kháng chiến thành công, đến cuối năm 1954 Bác mới chuyển về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch hiện nay. Nhưng Bác không ở trong Phủ mà chọn căn buồng của người thợ điện ngày trước, chỉ rộng chừng 12m2. Trong buồng chỉ kê chiếc giường một, một bàn và một ghế để làm việc, một tủ nhỏ đựng mấy bộ quần áo. Cái buồng ấy bất tiện cho Bác nhiều bề vì mùa đông gió lùa thẳng vào rất lạnh, mùa hè thì nóng hầm hập. Anh em nhiều lần xin Bác chuyển đến ở chỗ khác tốt hơn nhưng Bác không chịu. Bác nói: “... Bây giờ Bác ở trong buồng người thợ điện ấy cũng phong lưu nhiều rồi đấy. So với ngày trước ở trên rừng, trong hang... là sướng hơn rồi, so với đồng bào cũng sướng hơn rồi...”. Bác cũng không cho lắp đặt lò sưởi hay dùng quạt điện, vì Bác bảo đồng bào ta còn nghèo lắm. Đến năm 1957, anh em đề nghị Bác cho lắp chiếc máy điều hòa không khí. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch trông nom sức khỏe của Bác đề nghị mấy lần, Bác đều không bằng lòng. Một lần Bác bảo: - Các chú đã gợi ý Bác đến mấy lần, chắc các chú đã chuẩn bị sẵn một cái máy rồi chứ gì? Nhưng hiện Bác chưa có nhu cầu, hơn nữa các đồng chí Trung ương khác đều chưa có, tại sao Bác lại có. Bác không dùng cái máy ấy đâu. Có cái máy ấy rồi thì ý của Bác thế này: Các chú đem về bệnh viện lắp vào buồng những người bệnh đau nặng. Hôm trước Bác tới thăm thấy ở bệnh viện rất nóng bức... Chiếc máy điều hòa ấy cuối cùng được mang tặng thương binh nặng, theo ý kiến của Bác. Còn Bác vẫn ở trong căn phòng ấy từ cuối 1954 đến mùa thu 1958 mới chuyển sang ở cái nhà sàn bằng gỗ mới được dựng lên... Vài bộ quần áo đơn sơ Là vị Chủ tịch nước, nhưng Bác cũng chỉ có vài bộ quần áo đơn sơ, giản dị. Một lần Bác đi thăm, làm việc ở nước bạn. Khi nhân dân bạn ra đón, với lòng hiếu khách đã tung hoa chào đón, làm cho bộ quần áo Bác đang mặc bị ướt, mà lúc đó không có điều kiện giặt là lại cho khô. Bác chỉ có hai bộ quần áo ka-ki, dùng để mặc khi tiếp khách, còn thường ngày Người mặc áo lụa màu nâu may kiểu bà ba... Lần ấy nhờ dự liệu trước, nên các cán bộ giúp việc đã lặng lẽ mang theo thêm một bộ quần áo “dự bị” đã được xử lý “kỹ thuật” để bộ quần áo mới may không khác mấy với bộ quần áo cũ Bác đang sử dụng. Tuy nhiên, lần ấy Bác cũng phát hiện ra, Bác phê bình: - Ai bảo các chú may quần áo mới cho Bác? Bác có hai bộ là đủ dùng rồi. Hiện nay đồng bào ta còn thiếu quần áo mặc. Bác có như vậy là đủ và tốt lắm rồi! Khi nghe báo cáo rõ “sự cố kỹ thuật” và để ứng phó với “tình huống ngoài dự kiến”, Bác ôn tồn bảo: - Trước khi làm các chú cũng cần nói rõ lý do, không nên tiến hành một cách vụng trộm như vậy nữa! Bữa ăn tập thể Khi đã về ở, làm việc trong Bắc Bộ phủ, anh em cấp dưỡng vẫn nấu một nồi to, đến giờ thì Bác cùng xuống ăn với anh em những bữa cơm đạm bạc, như những ngày trong kháng chiến. Anh em giúp việc định nấu riêng cho Bác nhưng Bác nhất định không chịu. Khi đi công tác, kể cả những khi đi thăm ngày Tết... bao giờ Bác cũng bảo chuẩn bị sẵn bữa ăn mang theo. Sau gần 50 năm mới có dịp về thăm quê lần đầu tiên, tháng 6-1957. Trong bữa cơm tỉnh Nghệ An mời Bác, có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng dự. Mâm cơm chỉ có mấy món ăn đơn giản, nhưng mỗi món đều được dọn làm 2 bát. Bác thấy vậy, Bác liền cất bớt, chỉ để mỗi món một bát. Bác bảo: “Ăn hết thì lấy thêm, không ăn hết để người khác ăn, chớ để người ta ăn thừa của mình!”. Bữa cơm đó, một nửa số thức ăn vẫn còn nguyên. Riêng có món cà mắm chỉ có một bát nhưng mọi người ăn chưa hết, Bác gắp bỏ vào bát bảo mọi người phải ăn hết, để khỏi lãng phí. Lần thứ hai Bác về thăm quê năm 1961, bữa cơm chiều Bác dặn cả Chủ tịch và Bí thư của tỉnh là Võ Thúc Đồng và Nguyễn Sĩ Quế cùng đến ăn cơm với Bác cho vui, nhưng nhớ là phải mang phần cơm của mình đến. Khi vào bàn ăn, Bác lấy ra gói cơm của Bác có độn ngô và ít thịt rim mặn. Hai cán bộ tỉnh, phần cơm do nhà ăn của tỉnh chuẩn bị được nấu bằng gạo trắng, không độn; thức ăn có cá, thịt, miến... Thấy vậy, Bác hỏi: - Các chú ăn như thế này à? Ông Võ Thúc Đồng trả lời: - Dạ, thưa Bác. Hôm nay Bác về thăm, cơ quan mới chuẩn bị các món ăn như thế này, còn thường ngày thì không có đâu ạ. Bữa cơm hôm đó, mọi người cùng Bác ăn hết phần cơm độn ngô trước, khi dùng sang phần cơm cơ quan tỉnh mang đến thì Bác xin thôi không ăn nữa... Đôi “dép kháng chiến” Không chỉ trong kháng chiến, mà sau ngày trở về Thủ đô, Bác vẫn đi đôi dép cao su, anh em quen gọi là “dép kháng chiến”. Khi thấy đôi dép của Bác đã mòn vẹt, anh em giúp việc đề nghị với Bác mua một đôi dép mới để thay, giá chỉ 2-2,5 đồng, có gì là lãng phí! Nhưng Bác bảo: “Vấn đề không phải là ở chỗ chỉ 2 hay 2,5 đồng mà là xem đôi dép đã hỏng, không sử dụng được nữa mới cần phải thay. Hiện đôi dép của Bác, Bác vẫn còn sử dụng được. Lúc nào cần thay Bác sẽ đồng ý! Chiếc ô tô cũ “Thắng lợi” Là vị Chủ tịch nước, nhưng Bác Hồ vẫn chỉ sử dụng đến suốt đời chiếc xe cũ POBEDA (Thắng lợi), màu cà phê sữa, do Chính phủ Liên Xô (trước đây) tặng Bác. Hai đồng chí Ngọc và Nguyên thường lái, chăm chút bảo quản nên vẫn phục vụ Bác được. Xe sử dụng lâu năm cũng xuống cấp nhiều, nên cán bộ giúp việc có ý muốn thay chiếc xe mới. Bác biết tin, Bác hỏi đồng chí Ngọc lái xe: - Xe hiện nay đã hỏng chưa? - Thưa Bác, xe chưa hỏng nhưng đổi xe mới chạy êm hơn, nhanh hơn... Nghe vậy, Bác nói ngay: - Nếu thế thì chưa nên đổi. Ai muốn xe chạy nhanh hơn, ngồi êm hơn thì đổi. Bác vẫn dùng chiếc xe này được rồi, vì nó chưa hỏng. Bác còn nói thêm: xe tốt thì nên ưu tiên cho các đồng chí làm ngoại giao khi cần tiếp khách quốc tế trước... Cán bộ giúp việc chưa từ bỏ ý định, mới bàn riêng với lái xe, nhân một lần đi công tác, cố tạo ra sự cố hỏng xe để lấy cớ “xe quá cũ, máy nóng... không khởi động được”, nhưng Bác vẫn không đổi ý, còn dặn: - Lần sau, trước khi đi công tác, nên kiểm tra cẩn thận, chuẩn bị tốt thì sẽ không bị lỡ công việc. Cứ như vậy, Bác thủy chung với chiếc xe “Thắng lợi” cho tới ngày Bác đi xa. Chung quanh chuyện sinh hoạt đời thường của Bác rất nhiều chuyện xúc động, như chiếc xe “Thắng lợi” hiện vẫn ở Bảo tàng cách mạng là hiện vật lịch sử, nhưng điều ai cũng thấy, cũng nhận ra là bao giờ Bác Hồ cũng thể hiện rất tiết kiệm, đơn sơ mà gần gũi, bình dân... là bài học giáo dục lớn một cách sinh động nhất. Nguyễn Đình (ghi)