Xe taxi dừng lại trước cửa Ga Hàng Cỏ, một toán vài gã đàn ông vội xúm đến xe tôi tự mở cửa rồi mời chào rối rít, hỏi tụi tôi đi đâu, có vé chưa? Khi biết tụi tôi đã có vé, họ lảng đi hết. Tôi đứng tần ngần quan sát ga Hàng Cỏ, dẫu có hơn mười lăm năm rồi tôi mới có dịp trở lại nơi đây. Ga nay đổi mới trông khang trang và sạch sẽ hơn trước nhiều.Đưa trình vé ở ngay cổng kiểm soát, tụi tôi đi thẳng vào tìm tới toa tầu ghi trên vé, sắp xếp hành lý và ngồi xuống chờ tàu chạy. Không bao lâu sau đó, tàu bắt đầu chuyển bánh, còi hú vang lanh lảnh, ống khói từ đầu tàu phun lên trời một làn hơi mầu đen kịt, thoang thoảng theo gió mùi khó chịu của dầu chạy máy. Tôi nhìn ra bên ngoài qua khung cửa sổ ngay bên cạnh, cửa sổ xe lửa ở Việt Nam được làm đặc biệt để chống trẻ con ném đá, tôi đã từng nghe có người bị ném trúng lỗ đầu đổ máu phải đi cấp cứu chỉ vì trò nghịch ngợm tinh quái của lũ con nít vô giáo dục dọc theo đường tầu Bắc Nam. Bên ngoài lớp cửa kiếng, họ làm một dàn cửa lưới sắt để bảo vệ kiếng bên trong không bị bể, thế nhưng tôi vẫn nhìn thấy vết dạn của miếng kiếng bên trong khi bị ném quá mạnh. Chị nhân viên tàu kể với chúng tôi rằng chuyện ném đá vẫn xảy ra thường ngày, chẳng cách nào ngăn chặn được.Từ Hà Nội đi Thanh Hóa mất đúng 4 giờ đồng hồ, có nghĩa là 7 giờ tối chúng tôi sẽ có mặt ở đó. Tàu hôm nay vắng khách, mấy hàng ghế bên cạnh tôi chẳng có lấy một mống. Chị Hạ liền di chuyển sang đó cho rộng rãi và nằm xuống nghỉ ngơi. Tôi chưa buồn ngủ nên vẫn cứ ngồi nguyên chỗ cũ. Vì đi đoạn đường ngắn nên anh tôi mua vé "ngồi cứng" tức là ghế ngồi không có nệm làm bằng cây cứng ngắc. Chỉ khoảng độ nửa tiếng sau tôi bắt đầu thấy khó chịu, mông đau tê dại, nghiêng bên trái không được, nghiêng bên phải cũng không xong. Tôi liền kê cái giỏ xách lên đầu ghế và nằm xuống, thế nhưng chỉ được một lúc cả thân mình lại đau tê ẩm không thể chịu nổi. Vậy mà bố tôi lần nào về Bắc thăm bà con cũng đề nghị tụi tôi mua vé "ngồi cứng" cho ông. Tôi khuyên ông nên mua vé nằm cho khoẻ nhưng ông nhất định không chịu, còn luôn mồn khen nức nở: "vừa rẻ, vừa thoải mái, sướng cả cuộc đời!". Sướng đâu con gái ông không thấy chỉ thấy rõ là cực hình, ngồi không được, nằm cũng không xong mà đứng thì mỏi chân quá. Tôi cầu mong cho thời gian qua mau lẹ để xuống ga Thanh Hóa cho rồi.Mấy tiếng đồng hồ cực hình cũng đã qua đi. Tầu đang giảm tốc độ để vào ga Thanh Hóa. Khi tầu dừng bánh tụi tôi nhanh chóng mang hành lý đi về phía cửa ga. Ra tới bên ngoài, tôi kêu em tôi và chị Hạ đi sát vào nhau đề phòng tụi lưu manh giật đồ, đứng nơi cột đèn gần sân ga tôi móc điện thoại gọi cho ông anh họ nhà ở gần ngay ga ra đón. Nhà của anh tôi đã đến vài lần cách đây mười mấy năm, bây giờ mọi thứ đều thay đổi, tôi không nhận được phương hướng. Điện thoại reo, chị dâu tôi bắt máy, chị dặn tụi tôi đứng yên một chỗ chị sẽ ra đón. Chỉ vài phút sau, tôi nghe tiếng chị léo nhéo gọi phía xa: "Hân ơi…! Chị em bây đứng mô?". Vì trời đã tối, tôi không nhìn rõ chị chỉ đi theo quán tính hướng về phía tiếng gọi, được khoảng vài bước tôi thấy chị đang nhìn dáo dác xung quanh, cách chỗ chúng tôi độ hơn hai chục thước. Tụi tôi đưa tay vẫy gọi rối rít.Tụi tôi theo chị về căn nhà ở gần đó. Căn nhà lụp xụp trông thấy mà tội nghiệp được che chắn bằng đủ thứ ván, liếp. Căn nhà này ngày xưa là khu tập thể đường sắt phân cho nhân viên tá túc, mỗi người được một phòng bé tí teo, nhưng các đồng nghiệp lần lượt có gia đình dọn đi nơi khác sinh sống, chị Dâu tôi lấn chiếm từ từ nên mới có được một căn hộ rộng rãi như ngày nay. Nơi đây chị dùng làm cửa hàng bán đồ tạp hóa, từ bánh kẹo, thức ăn khô, kem đánh răng, xà bông…đủ thứ hằm bà lằn cái gì cũng bán. Tôi nhìn căn nhà một lượt bỗng phì cười với ý nghĩ vớ vẩn:"Nhà vách nát thế này, kẻ trộm đạp cho một cái thì có mà chúng vào vơ vét hết ". Anh họ tôi không có nhà, theo lời chị dâu tôi nói thì anh đi ăn cơm với khách, chút nữa mới về.Anh chị tôi sinh được hai đứa con, một trai, một gái. Thằng con trai đầu đang theo du học tại Ấn Độ, còn đứa gái út thì học Kiến Trúc ngoài Hà Nội. Thằng con trai đầu lúc nó còn nhỏ tôi có tôi có gặp mấy lần khi theo bố về quê, thằng bé hồi đó đen nhẻm, thân thể mặt mày nổi đầy mụn nhọt, tanh ngòm tôi sợ không dám ẵm. Thế mà nhìn trong tấm hình chụp từ Ấn Độ gửi về trông bô trai ra phết. Đứa con gái thì tôi không biết mặt ngang mũi dọc ra làm sao.Đang đứng coi mấy tấm hình được treo trên vách nhà thì anh họ tôi chạy xe về. Anh tôi mặc áo ngắn tay mầu trắng, quần tây đen sậm, tóc cắt ngắn để lộ ra gương mặt đen thui đầy trứng cá. Vừa nhìn thấy tụi tôi là miệng cười rộng ngoác, nói năng liến thoắng bằng cái giọng Thanh Hóa chính tông:- Bây tới lúc mấy giờ? Cơm nước chi chưa? Ra khách sạn ngủ nhá, nhà cửa đang sửa chữa, không có chỗ mô.- Ngủ đâu mà không được. Em dặn anh lấy phòng ở khách sạn cho em rồi mà.- Ừ. ở chơi tí đã rồi anh đưa qua đó nghỉ ngơi. Ở gần ngay đây chứ có xa mô.Anh thò tay vào trong túi quần móc cái điện thoại di động hiệu Nokia nhỏ xíu vứt lên trên bàn ý như muốn khoe khoang. Tôi đưa tay cầm lấy nó giơ lên xem rồi nói với anh:- Cha! Dạo này chơi đồ xịn héng!- Nhiêu đó mà ăn thua cái chi với chị.Rồi anh chỉ vào tấm hình thằng con trai lớn trên vách nhà nói với tôi:- Thằng Hùng đó! Mi thấy cháu ra sao?- Nó lớn lên cũng đẹp trai ra phết anh nhỉ? Hồi nhỏ nó xấu thấy mồ.- Thì lớn lên hắn phải khác chứ. Thế mi tưởng hồi nhỏ mi đẹp lắm hả?- Không đẹp thì cũng hơn ông. Từ ngày tui biết ông đến bây giờ có lúc nào tui thấy ông đẹp trai đâu à.Anh tôi nhe răng cười khềnh khệch. Tôi chọc anh thêm:- Người ta cho con đi du học bên Anh, bên Mỹ. Ông chơi nổi cho con du học tuốt bên Ấn Độ. Thế nó sang đó nó học cái gì? Học nấu cà ri dê hả?- Chu choa cái con ni ăn nói kỳ cục. Tau nghèo tau cho con đi học Ấn Độ đó, mi nói móc nói nghéo chi tau. Đi qua đó cũng đóng tiền muốn lòi con mắt ra đây nè. Ở đó mà xiên mới xỏ.- Ai mà thèm xiên với xỏ anh chứ. Anh cho nó qua đó học nghề gì.- Thì học về Computer đó.Tôi gật gật cái đầu. Dân Ấn Độ giỏi về Computer. Chỗ tôi ở xung quanh rất nhiều người Ấn Độ được các công ty Nhật mướn sang làm việc. Nhưng tôi chẳng biết cháu tôi qua đó thì sẽ học thêm được gì ở đất nước Ấn Độ vốn cũng thuộc diện nghèo trên thế giới.Anh họ tôi cầm tách nước trà nóng nhấm nháp rồi lại đặt nó xuống bàn hỏi tôi:- Bay tính lúc mô đi thăm con Năm?- Sáng sớm ngày mai rồi chiều tối tụi em vào Sài Gòn luôn.- Đi chi gấp thế, ở chơi vài bữa đã!- Gớm! Cái đất Thanh Hóa "ăn rau má phá đường tầu" nhà ông thì có gì để cho tụi tui chơi. Với lại còn bao nhiêu việc phải giải quyết nữa, con em đang la làng ở trong đó kìa.- Hứ…! Chớ bay ở cái lỗ mô chui ra mà bày đặt chê dân Thanh Hóa?- Tui ở Sơn La chứ tui dân Thanh Hóa hồi nào.- Thôi.. tau cãi không lại mi. Thế mi tính mai mấy giờ đi?- Từ đây lên chỗ chị Năm xa không anh?- Khoảng 60 cây số.- Có xe honda ôm quen không? Có 60 cây thì đi xe honda cho khoẻ.- Mi giầu sao mi kẹo rứa? Đi cái chi không đi lại đi bằng xe ôm? Ba đứa bay đi xe ôm cũng gần bằng tiền mướn chiếc xe du lịch rồi.- Không phải là tiếc tiền mà vì cái con bé kia kìa, nó say xe lắmTôi đưa tay chỉ sang cô em gái đang ngồi củ rủ ở góc bên kia nhà. Chị Dâu tôi vội góp tiếng:- Say xe thì có thuốc chống say, thiếu chi mà sợ.- Vậy anh chị kêu giùm em một chiếc xe hén. Đi sớm để gặp xuất sớm đặng chiều tối còn kịp lên tàu. Nhân tiện, mai chị mua cho em ba vé giường nằm đi Đà Nẵng nghen chị.- Ừ, để mai chị chạy ra ga mua cho.Và rồi anh chị tôi thi nhau kể công đi thăm nuôi chị Năm tôi ra sao, cực nhọc như thế nào… Tôi vẫn ngồi lặng im lắng nghe từng câu, từng chữ. Bản tánh vốn đa nghi Tào Tháo, tôi chẳng tin một ai cả, trừ khi tai nghe, mắt thấy. Gì chứ mấy vụ thăm nuôi tù này tôi đã có nhiều kinh nghiệm, để đến được tay chị Năm tôi thì ít nhất cũng bị cấu véo hết hơn phân nửa. Vì xa xôi quá, thường thì gia đình tôi hay gửi tiền mặt ra nhờ bà con hoặc bạn bè đi tiếp tế cho chị, không quên trả thêm chút ít tiền công. Thế nhưng mỗi lần nhận được thư chị Năm, chị cứ ca thán là nhận được ít quá không đủ chi tiêu, nếu đúng như những gì chị viết thì quả thật tiền gia đình tôi tiếp tế bị ăn chặn quá nhiều. Trong tù, tù nhân không được nhận tiền mặt trực tiếp của gia đình gửi mà sẽ nhận bằng tiền phiếu, còn tiền mặt thì trại tù giữ giùm, muốn mua gì mang phiếu đó ra căng tin trong trại tù có sẵn, rồi họ mang phiếu đó đổi lấy tiền mặt. Nhưng ở trong tù thứ gì cũng bán mắc gấp hai lần bên ngoài. Tù nhân bị cấm tuyệt đối không được giữ tiền mặt. Thỉnh thoảng có đợt kiểm tra nếu phát hiện tù nhân nào đó giữ tiền mặt thì người tù đó bị phạt rất nặng. Họ sợ nếu tù nhân có tiền mặt sẽ hối lộ cho quản giáo, công an gác cửa làm tha hóa cán bộ nhà nước nên cấm tiệt. Đây cũng chỉ là hình thức do Bộ Công An đưa ra, chỉ khi nào có đoàn thanh tra đến thì họ mới thi hành nghiêm ngặt, bình thường cán bộ gác cửa, quản giáo vẫn làm ngơ. Vì nếu không làm ngơ thì tù nhân lấy gì mà hối lộ. Đồng lương ba cọc ba đồng không nhờ tiền hối lộ của tù nhân họ sẽ đói dài dài. Chẳng thế mà công an ở các trại giam ăn hối lộ vào bậc nhất. Thứ gì cũng vẽ ra để ăn tiền được. Bởi vậy càng nghiêm cấm bao nhiêu thì tù nhân càng tìm đủ mọi cách mang vào bấy nhiêu, thôi thì trăm phương ngàn kế để qua mặt công an.Gia đình tôi cũng đã tìm được cách gửi trực tiếp tiền vào cho chị mà không cần phải nhờ vả đến ai và chẳng tốn một xu teng nào cho ai cả. Riêng chuyện này không thể tiết lộ được vì thuộc vào diện "bí mật quốc gia". Biết không còn "chấm mút" được gì từ việc thăm nuôi cô em họ, anh chị tôi chẳng còn vồn vã tiếp đón người nhà tôi như lúc ban đầu nữa. Hồi năm ngoái xe anh rể tôi gây tai nạn tại Thanh Hóa, gửi chị Hai tôi đang bệnh ở lại đó vài bữa để chờ công an giải quyết rồi sẽ trở lại đón đi sau, thế là anh họ tôi tỏ vẻ bực bội, mắng chó chửi mèo, làm chị Hai tôi chịu không nổi đang bệnh mà đùng đùng xách hành lý lên tàu về Hà Nội. Sau khi nghe tiếng anh tôi than vãn:- Cái con chị bây, hắn "quấy" lắm. Gọi điện thoại cho tau liên tục, đòi cái này, đòi cái nọ" (quấy ở đây tức là nhiễu sự, hay làm phiền phức )Tôi nghe thấy vô lý liền hỏi vặn lại:- Ở trong tù, điện thoại đâu mà bà gọi cho anh?- Vậy mà hắn giỏi lắm, kiếm được điện thoại gọi ra mãi đó thôi.Tôi không nói gì thêm, để chờ mai vào gặp chị Năm sẽ hỏi cho rõ ràng vì tôi đã dặn chị nhiều lần, muốn gì cứ viết thư về nhà tụi tôi sẽ thu xếp gửi vào cho, cấm tuyệt đối xin xỏ người khác. Lúc này cũng đã mệt mỏi, tôi đề nghị anh tôi đưa tụi tôi ra khách sạn nghỉ ngơi.Khách sạn nơi chúng tôi ngụ qua đêm mang cái tên Tây rất là thơ mộng "Rose Hotel" bên dưới dịch tên tiếng Việt là "Khách Sạn Hoa Hồng". Mang tiếng là khách sạn chứ thực chất ra chỉ đáng gọi là cái phòng trọ rẻ tiền. Anh tôi chạy vào phòng lễ tân ngay đầu cổng lấy chìa khóa rồi ngoắc tụi tôi đi theo mấy dẫy nhà đến trước cửa một căn phòng nom tồi tàn. Anh tôi tra chìa khóa vào ổ rồi mở rộng cánh cửa ra cho chúng tôi đi vào. Anh dặn thêm:- Mấy đứa nghỉ cho sớm sáng mai 5 giờ tài xế lại rước đấy.Rồi anh quay bước trở ra ngoài cổng. Căn phòng có kê một cái giường đôi và một cái giường cá nhân nằm song song với nhau. Tôi đặt giỏ hành lý đựng quần áo và mấy thứ lặt vặt xuống góc sàn nhà và ném cái bóp xách tay lên đầu giường, rồi thả mình nằm lên trên giường duỗi thẳng chân cho thoảimái. Mấy tiếng đồng hồ trên tầu hỏa và cộng thêm vài tiếng ngồi tán dóc bên nhà ông anh họ làm tôi mệt đứ đừ. Cái nệm mút rẻ tiền nằm tới đâu xẹp lép tới đó làm tôi buồn cười nghĩ: "Thế mà cũng mang tên Tây tên Tầu…râu với chả ria". Vừa lúc ấy em gái tôi la toáng lên:- Trời đất ơi..! Nhân viên ở đây không chịu dọn phòng, lông, tóc còn vướng trên nệm này.Tôi ngồi bật dậy nhướng cổ sang bên nhìn cho rõ chứng tích, quả đúng là lông, tóc còn vướng trên tấm khăn trải giường màu trắng đã ngả sang mầu cháo lòng còn loang lổ vết ố vàng. Tôi bật cười ha hả… Đứng dậy mở giỏ lấy quần áo, khăn tắm, bàn chải đánh răng và nói với mọi người:- Tôi đi tắm trước đây, tắm rồi đi ngủ cho sớm.Tôi mở cửa phòng tắm bước vào, đối diện với cánh cửa là bồn rửa mặt có treo tấm gương đã cũ. Góc trong cùng là bồn cầu mầu xanh nhạt. Chính giữa là vòi nước có kê bên dưới một cái xô nhựa màu đỏ, phía bên trên đầu là cái máy nước nóng không phải loại đun nóng trực tiếp. Muốn có nước nóng tắm phải bật công tắc và chờ đợi ít nhất năm phút đồng hồ. Tôi bật công tắc lên và ra bồn rửa mặt đánh răng trước, tôi làm mọi việc từ từ, miệng lẩm nhẩm hát theo một khúc nhạc vui. Thời gian đã đủ cho nước nóng, tôi cởi bỏ quần áo và mở vòi nước xịt lên mình, mặc dù tôi đã điều chỉnh độ nóng cao nhất nhưng nước chỉ vừa đủ ấm, mới chỉ có vài phút khi người tôi còn đang đầy bọt xà bông thì bình nước nóng dở chứng, phun vào người tôi một dòng nước lạnh buốt làm tôi giật nẩy cả mình. Tôi tắt vòi nước đứng chờ một lúc nhưng không ăn thua gì, nước chẳng nóng lên được. Tôi bực mình lầu bầu mấy tiếng và xối đại nước lạnh cho sạch xà bông rồi vội vàng lau khô, mặc quần áo ấm chạy ra ngoài leo lên giường đắp mền, hai hàm răng tôi va vào nhau nghe lập cập. Tôi bảo chị Hạ và em gái tôi hôm nay chịu khó ở dơ một bữa, nước lạnh lắm coi chừng tắm vào bị cảm lạnh.Tối hôm ấy, giấc ngủ đến với tôi thật dễ dàng vì có lẽ mấy ngày qua cứ phải thức sớm, dong duổi trên quãng đường dài nên thân thể mệt rã rời, ngủ như chết với một giấc mộng êm dịu…Tôi thấy mình đang nằm trong bồn tắm ở nhà, nước bốc hơi nghi ngút, làn khói nhẹ lan tỏa trong không khí một mùi thơm quyến rũ của loại bột tắm được bào chế từ các loại cây cỏ bỏ trong bồn tắm giúp cho tinh thần con người được sảng khoái sau một ngày làm việc cực nhọc. Đang sảng khoái vẫy vùng trong bồn tắm thì bỗng giật mình vì tiếng đập cửa liên hồi phía bên ngoài:- Các chị ơi..! Dậy đi. Dậy đi. Xe đang chờ kìa.Tôi ể oải hất tung tấm mền đang đắp trên mình, ngồi bật dậy, mắt nhắm mắt mở mò ra gần ngoài cửa tìm công tắc đèn bật cho sáng. Ánh sáng của ngọn đèn làm mắt tôi bị chói phải đưa tay lên che mặt một lúc mới nhìn quen được. Tôi bước nhanh vào trong phòng toilet làm vệ sinh buổi sáng, và ra ngoài lôi cái hộp nhỏ đựng mỹ phẩm ra bắt đầu vẽ cặp chân mày, tô son lên đôi môi vốn có mầu tai tái. Tôi thay đồ, mặc thêm cái áo khoác lạnh và xếp mọi thứ bỏ gọn trong giỏ hành lý, ngồi chờ mọi người làm vệ sinh cá nhân xong là kéo nhau ra phía ngoài.Đến trước cửa phòng "lễ tân" của khách sạn, tôi mở cửa bước vô, căn phòng để đèn sáng mờ mờ, trong quầy tính tiền, một anh chàng trực phòng đang ngồi ngủ gật, tôi gọi anh ta dậy để tính tiền, anh ta bật thêm ngọn đèn ngay bàn để nhìn cho rõ, nhưng có lẽ vì còn ngái ngủ, mãi anh ta mới mò ra phòng của tụi tôi. Trả tiền xong xuôi, tụi tôi đi thẳng ra bên ngoài cổng nơi có chiếc xe hơi nhỏ loại bốn chỗ mầu nâu sậm đang đậu ở đó chờ.Lúc này trời vẫn còn mờ tối. Anh tài xế xe trông còn trẻ vui vẻ chào tụi tôi. Tất cả chui vào trong xe, tôi nói anh tài xế chở tụi tôi về nhà ông anh họ trước để lấy thêm hành lý mà tụi tôi đã mua cho chị Năm ngoài Hà Nội. Chỉ vài phút sau, xe đã tới trước cửa nhà. Anh họ tôi ở đó chờ sẵn, thấy tôi anh móc trong túi áo ngực hai tờ giấy xin thăm nuôi tù đưa cho tôi. Bà chị dâu khệ nệ bê ra xe một bao gạo chừng hai chục ký, thêm một bịch mủ đựng bột ngọt, dầu ăn, nước mắm và vài món lặt vặt. Tôi đi vào trong nhà vớ thêm mấy hộp bánh Chocopie, vài bịch kẹo, thuốc đánh răng và bảo với chị nhớ ghi vào sổ tí nữa về tôi sẽ thanh toán tiền rồi đi ra xe. Chị dâu tôi chạy ra theo đưa cho em tôi vỉ thuốc chống say và một chai nước suối nhỏ. Em tôi gỡ viên thuốc ra uống liền tại chỗ và cất vỉ thuốc vào bóp. Tất cả ngồi vào xe và bắt đầu khởi hành.Em gái tôi ngồi băng trước với tài xế. Tôi và chị Hạ ngồi phía sau. Tôi ngả người ra ghế, nhắm mắt ngủ tiếp. Chỉ độ mười lăm phút sau tôi nghe thấy tiếng em gái tôi hỏi xin anh tài xế cái bao mủ, tôi biết cô nàng sắp sửa ói mửa rồi đây. Thứ thuốc chống say xe ở Việt Nam bán chẳng ăn thua gì, uống vào cũng như không chỉ tổ buồn ngủ, khác hẳn thứ thuốc do Nhật sản xuất mà chồng tôi vẫn thường mua cho tôi, nhưng vì giá cả mắc quá chồng tôi tiếc tiền chỉ mua có hai hộp, mấy chị em tôi xài về đến Hà Nội là hết sạch sành sanh. Đã có người đề nghị tôi mua loại thuốc này về Việt Nam kinh doanh nhưng tôi còn đang ngại vì giá cả ở Nhật quá mắc, mang về bán bao nhiêu cho vừa?Mùi ói mửa làm tôi lợm giọng, vội hạ cửa kiếng xuống cho thoáng, một luồng gió lạnh từ bên ngoài thổi vào làm tôi khẽ rùng mình. Trời vẫn còn mờ mờ tối, bên đường xe cộ đi lại khá nhộn nhịp, chủ yếu là những chiếc xe thồ chở hàng ra chợ bán. Thanh Hóa đối với tôi thật xa lạ, thậm chí tôi còn không biết cả tên trại tù nơi giam giữ chị Năm, Anh họ tôi mướn xe và chắc là anh tài xế phải biết đường đến đó. Tôi ngồi co ro trên ghế, mắt ríu lại vì buồn ngủ. Xe vẫn bon bon trên đường đưa tụi tôi xa dần thành phố.Tôi giật mình vì cú dằn khi xe chạy qua đoạn đường đầy ổ gà ổ vịt, tôi choàng mở mắt, lúc này trời đã sáng rõ, hai bên đường là những đồng ruộng mênh mông. Xa xa bên lũy tre làng thấp thoáng những ngôi nhà ngói mờ ảo. Xe đã đưa tụi tôi ra khỏi địa phận thành phố và rẽ vào con đường đất đỏ, bỏ lại sau lưng bụi bay mịt mù. Tôi vội kéo sập cửa kiếng lại, bụng thầm nghĩ nếu hôm nay thuê xe ôm chắc tha hồ mà hít bụi. Khi xe đi ngang qua một ngôi chợ mọc ngay bên đường, tôi kêu tài xế dừng lại để mua thêm ít thức ăn cho chị Năm tôi được một bữa tươi sống. Chợ quê lèo tèo vài cái sạp bầy bán rau quả, thịt cá… Tôi chọn được một tảng thịt heo mông trông ngon mắt, cân nặng khoảng 3 ký lô giá chỉ 17000 đồng ký lô, so với Sài Gòn rẻ hơn phân nửa, mua thêm bó hành lá tôi trở lại leo lên xe để tiếp tục cuộc hành trìnhXe dừng lại trước cổng trại giam vào độ khoảng hơn 7 giờ sáng. Vài anh công an nhân dân gọi nhau í ới đi ăn điểm tâm. Mấy chị em tôi xuống xe, tôi mang giấy tờ tùy thân vào trình ngay phòng trực đầu cổng. Người nhân viên ngó tờ giấy xin thăm nuôi mang tên tôi và đứa em gái cùng chứng minh nhân dân lăm lăm, rồi ghi nhận tên vào cuốn sổ trực kế bên. Chị Hạ bị gạt ra vì chị quên không mang theo giấy chứng minh thư, tụi tôi đứng năn nỉ một hồi không được bèn bỏ ra quán nước đối diện cổng trại ngồi chờ, vừa uống nước vừa bắt chuyện với chị chủ quán hầu thăm dò tù nhân ở đây sống ra sao. Chị chủ quán khoảng ngoài ba chục tuổi, trông khá xinh xắn với cặp mắt đen huyền và hàng lông mi cong vút, nói chuyện với chúng tôi rất vui vẻ, và rồi như sực nhớ ra điều gì chị hỏi tôi:- Thế các cô đã trình giấy thăm nuôi chưa?- Dạ rồi chị.- Sao không đi vào bên trong kia mà lại ngồi đây?Tôi ngơ ngác không hiểu chị nói vậy là ý gì, bèn hỏi lại:- Hồi nãy em trình giấy ở kia rồi, họ đã ghi vào sổ.- Không! Các cô phải mang giấy vào trong phòng thăm nuôi ở tuốt trong kia nữa kìa. Thôi đi nhanh lên kẻo trễ xuất đầu. Coi chừng đầu giờ chiều mới được gặp đấy.Nhìn đồng hồ lúc này đã gần 7:30 sáng, tụi tôi vội vã trả tiền nước rồi bước vội qua cổng chính đi thẳng vào phía bên trong. Cách cổng chính chừng hai trăm mét có hai khu nhà phía bên tay phải dùng làm nơi gặp mặt phạm nhân. Một bên dành cho phạm nhân nam và một bên dành cho phạm nhân nữ. Sau khi trình giấy bên ngoài cổng chính phải mang giấy thăm nuôi vào nộp trong này để quản giáo chiếu theo tên, tuổi phạm nhân thuộc tổ nào đội nào rồi đi vào tận trong trại thông báo cho phạm nhân được phép ra ngoài gặp gỡ thân nhân. Khi tụi tôi vào đến nơi thì thấy lố nhố vài người đang ngồi trước cửa phòng thăm nuôi dành cho nữ. Tôi đi thẳng vào trong nộp giấy lên bàn, trong phòng không có người nào cả. Tôi hỏi thăm thì được biết bà quản giáo đã nhận đơn đợt đầu và đi vào trong trại được ít phút. Tụi tôi chắc phải ngồi đây chờ đợt sau.Khoảng 8 giờ sáng, tôi nhìn thấy bà quản giáo mặc đồ đồng phục công an dẫn một nữ phạm nhân tuổi còn khá trẻ từ phía trong đi ra. Sau khi người nhà cô ta được phép nói chuyện với nhau. Bà mới bắt đầu xem đến tờ đơn của tôi, bà hỏi sao mang tới trễ thế, phải chờ đợt này xong bà mới đi gọi chị tôi đươc. Thường mỗi đợt thăm viếng kéo dài 45 phút. Tụi tôi bỏ ra ngoài ngồi chờ đợi, hy vọng không quá trễ để phải bị chờ tới đầu giờ chiều. Tuy không phải nhiều chuyện nhưng tôi vẫn nghe rõ những đối thoại giữa cô gái trẻ kia cùng gia đình, vì họ nói quá lớn. Tôi biết cô này cũng là án ma túy mới bị bắt chừng hai năm nay, chồng vừa bỏ đi lấy vợ khác, đứa con nhỏ đang được gia đình nuôi dưỡng. Cô gái khóc thút thít tỏ vẻ ta đây hối hận. Nhưng cho dù có hối hận thì cô ta cũng phải trả một cái giá quá đắt cho chính bản thân mình. Kiếm nhiều tiền để làm gì rồi khi bị bắt thì chồng bỏ đi lấy vợ khác, con cái bơ vơ. Bao nhiêu gương trước mắt vậy mà mỗi ngày có biết bao người vẫn lao vào con đường kiếm tiền bất hợp pháp bằng cách mua bán ma túy. Với tôi, dù nghèo đói cỡ nào tôi cũng sẽ chẳng bao giờ làm chuyện phi pháp, tôi rất sợ dính vào pháp luật, vào công an này nọ… Bản thân tôi đã bị một lần rồi, công an phường nhốt tôi mất một đêm vì cái tội vô cùng to lớn đó là đi…ngủ lang. Tôi nhớ đâu vào năm 1988, tôi đến nhà một người chị bạn chơi, vì ham vui nhiều chuyện nên tối đấy tôi ngủ lại nhà chị,thỉnh thoảng tôi vẫn ngủ lại nhà chị. Vậy mà khuya hôm đó, tôi bị dựng đầu dậy vào lúc 2 giờ sáng, công an khu vực xét hậu khẩu, tôi không mang theo giấy tờ tùy thân nên bị điệu về công an phường nhốt trong nhà kho cho muỗi tha hồ làm thịt, chờ sáng hôm sau người nhà mang giấy tờ lên bảo lãnh. Tôi thật xui xẻo vì ngày hôm ấy bố tôi lại đi công tác chưa về, tôi cứ phải ngồi tại phường công an cho đến tận 4 giờ chiều mới thấy bố tôi đạp xe đạp đến bảo lãnh. Vừa nhìn thấy bố tôi, mấy thằng công an phường đã vội xum xoe:" Ủa chú Bẩy đi đâu vậy chú Bẩy? " Bố tôi chỉ vào tôi rồi nói: " Thì đi lãnh con gái tao, vừa về đến nhà nghe nói tụi bay nhốt nó từ hôm qua chứ đi đâu!". " Cô này là con gái chú hả? Vậy chú ký vào đây rồi chở em về". Quay sang tôi nó nói: " Nhỏ này cũng cứng đầu lắm nghen chú, nó chửi hết thảy mấy người trong phường này luôn. Ngán nó quá!". Chắc có lẽ vì sự lì lợm của tôi mà tôi bị chúng nó ghét nhốt cho đến tận chiều. Bố tôi chở tôi bằng chiếc xe đạp cọc cạch về nhà, vừa đi ông vừa la: " Cho chừa cái tật thích ngủ lang, tao mà không về sớm, chúng nó nhốt mấy ngày cho biết mặt". Tôi im lặng không trả lời, nhưng trong lòng vẫn còn căm tức mấy thằng công an chó đẻ, bắt người vô tội vạ.Trại giam này là một vùng đất rộng lớn, ngay khu vực trước cổng đề tấm bảng "Khu vực cấm quay phim chụp hình". Cách khu gặp phạm nhân là căng tin của trại, nơi đây bầy bán đủ thứ hàng tạp hóa như nước mắm, nước tương, mì ăn liền các loại, gạo, dầu, bột ngọt, tiêu…nói chung có đủ thứ. Cạnh đó là một dãy phòng dành cho người nhà phạm nhân ở lại qua đêm. Có cả phạm nhân được ở lại ngay đó dọn dẹp, nấu nướng cho phục vụ cho người nhà phạm nhân lên thăm nuôi. Tôi đang ngồi trước cửa phòng thì một bác khá lớn tuổi đến gần bên hỏi:- Cháu thăm người nhà à?- Dạ- Cháu đi thăm ai vậy?- Chị cháu.- Thế cháu có muốn thịt gà nấu cháo cho chị cháu ăn không? Các cô nấu liền rồi bưng lên ngay để chị em ăn cho nóng.Tôi mừng quá gật đầu lia lịa. Cho chị tôi ăn một bữa cháo gà thì còn gì bằng mà không đồng ý. Bác phạm nhân đi về phía bếp, tôi lót tờ báo trên nền gạch rồi ngồi đại xuống cho đỡ mỏi chân. Em gái tôi chạy lăng xăng đi lo lót để cho chị Hạ cũng được vào, thấy chị cứ đứng lấp ló ngoài cổng thật tội nghiệp,đã vào đến tận đây mà không được gặp mặt bạn thì quả là mất công toi. Từ đằng xa, tôi thấy em tôi đưa tay ngoắc ngoắc, tôi đứng dậy đi ra phía cổng, nó thì thầm với tôi cho tiền công an để làm đơn xin cho chị Hạ được vào, tôi gật đầu đồng ý. Người công an còn trẻ hướng dẫn tôi viết đơn xin bảo lãnh chị Hạ để cậu ta mang vào tận bên trong trại xin chữ ký của thủ trưởng. Cậu ta đi rồi, tụi tôi mới kêu anh tài xế mở thùng xe phía sau, chất gạo, giỏ quần áo, thức ăn và thuốc men lên đầy một chiếc xe cút kít đẩy vào bên trong. Tôi không quen đẩy xe cút kít nên chiếc xe cứ chòng chành muốn đổ, em gái tôi giỏi hơn, nó đẩy xe chạy phăng phăng, nhìn trông thật tức cười.Vào đến bên trong phòng chờ thì thời gian thăm nuôi đợt đầu đã hết. Cô nữ phạm nhân bịn rịn chia tay người nhà trong nước mắt. Cô xách trên tay một túi quà nhỏ người nhà mang đến, cúi mặt bước theo bà quản giáo đi ngược vào phía bên trong. Tôi nhìn theo bóng dáng nhỏ bé của cô rồi nhìn xuống đống quà to tổ bố đặt ngay cạnh chiếc xe cút kít dành cho chị tôi, so sánh chị tôi vẫn còn sướng hơn nhiều! Cứ mỗi tháng tôi dành một khoản tiền 500 ngàn đồng để thăm nuôi chị, hai tháng gửi một lần không kể những lần đến tận trại thăm nuôi như thế này. Tính ra bằng lương công nhân thu nhập ở nhà máy. Vậy nhưng chị tôi vẫn cảm thấy ít ỏi, lần nào nhận được thư chị tôi cũng ngán ngẩm về danh sách những thứ chị cần đến giống như một cái sớ táo quân dài cả trang giấy, nào là đồ vét dành cho công sở, quần jean loại hở rún, giầy thì mua hai đôi, một đôi thấp để đi làm còn một đôi cao gót để đi chơi, phấn, son, chì vẽ chân mày, mầu mắt… và thức ăn thì đừng mua cá khô, nên mua thịt hộp các loại và nhớ xào mắm ruốc với thịt heo gửi ra cho chị. Ở tù mà chị tôi làm như đang đi công tác xa nhà, đòi hỏi đủ thứ giống như chuẩn bị cho một cuộc biểu diễn thời trang. Chị không biết rằng ở bên ngoài tụi tôi cũng đang mửa mặt chạy tiền cơm gạo từng bữa. Thế nhưng vì thương chị thân phận tù đầy, chị em tôi cố gắng đáp ứng mọi đòi hỏi của chị, cho chị trong tù bớt cảm thấy cô đơn, rằng mọi người trong gia đình vẫn còn nhớ tới chị.Tôi đang ngồi bần thần suy nghĩ thì em tôi đập nhẹ lên vai nói:- Chị Năm mình kìa!Tôi giật mình ngó ra ngoài thì quả là chị Năm mình thật. Chị mặc bộ đồ tù sọc xanh đen nền vải trắng đã cũ xì, đi đôi dép lạch bạch chạy theo xe đạp của bà quản giáo. Vào đến nơi, chị đứng ôm ngực thở không ra hơi và chắc vì phải chạy bộ mệt quá chị tôi không thể khóc được, bình thường thì chị tôi đã khóc toáng lên mỗi lần có người nhà đến thăm. Anh rể tôi kể lại hồi đầu năm anh chị đến đây thăm nuôi, vừa nhìn thấy anh rể tôi là chị đã gào lên:- Ối anh ơi! Sao anh già thế! Ối chị ơi! Sao chị già thế!Mấy ông anh họ tôi ghé thăm, chị cũng đều lặp lại điệp khúc cũ, và đó cũng là đề tài cho những câu chuyện hài hước về những lần đi thăm chị Năm tôi.Chị tôi trông trắng trẻo mập mạp hơn hẳn lần tôi ra thăm chị năm 2000 ở trại tạm giam ngoài Hà Nội, Hồi đó trông chị tiều tụy, mặt mày sám xịt, tóc tai bù xù. Nhưng lần này thì xinh xắn hơn, chị vẽ cặp chân mày cong tớn, tô đôi môi đỏ chót giống như chuẩn bị lên sân khấu hát cải lương. Bước vào phòng thăm nuôi, chị tôi ngoan ngoãn vòng tay thưa với bà quản giáo:- Thưa bà. Đây là các em con từ Sài gòn ra thăm.Bà quản giáo gật đầu mỉm cười rồi ngồi vào bàn kê ở phía trong cùng. Tôi quay qua nói với chị:- Chị Hạ cũng đến thăm chị nhưng quên không mang theo giấy chứng minh nên bị đứng ngoài cổng.Chị tôi ngước cặp mắt cầu khẩn nhìn bà quản giáo van nài:- Thưa bà. Bà giúp con với. Nó là đứa bạn thân học cùng lớp từ hồi còn nhỏ…Bà quản giáo lắc đầu bảo:- Ngoài cổng họ không cho vào thì bà chịu thôi. Bà quay qua phía tôi:- Sao hồi nãy cháu không làm tờ giấy bảo lãnh cho cô ấy?- Dạ cháu có làm rồi nhưng cậu công an xin giùm nói trễ quá thủ trưởng đã đi vào trong trại, không xin được chữ ký của ông ta ạ.- Cô chỉ phụ trách trong này thôi. Cô không có quyền ngoài ấy.Bà quản giáo có gương mặt hiền lành, dễ dãi hơn những người khác mà tôi đã từng gặp. Bà ngồi im lặng để chị em tôi tự do nói chuyện. Tôi hỏi chị tôi về cuộc sống trong tù về những bạn bè cùng phòng, có "đại bàng" không? Có thường bị đánh đập không? Tiền bạc thăm nuôi có nhận đủ không? Nhân tiện gặp mặt lần này, tôi hỏi chị hết mọi chuyện, những ai đi thăm nuôi chị… Điều chủ yếu tôi muốn biết ông anh họ tôi đã vào thăm chị được bao nhiêu lần vì tôi nghe anh tôi kể công nhiều quá. Thế nhưng chị tôi trả lời từ khi chuyển về Thanh Hóa anh ta chỉ đi thăm có hai lần và một lần cho người làm lên gửi quà. Tôi nhíu mày suy nghĩ trong giây lát rồi tiếp tục hỏi tiếp:- Chị có hay gọi điện thoại về xin xỏ gì ông không?- Không làm gì có.- Sao ông bảo chị hay gọi điện về "quấy" lắm. Tại sao có điện thoại không gọi về nhà. Đã dặn bao lần rồi đừng làm phiền người khác.Chị tôi nổi quạu:- Trong tù điện thoại ở đâu mà gọi. Cha đó chỉ được cái nói láo. Bữa nọ thãy ông lên đây thăm, không cho lấy một xu mà còn bầy đặt kiếm chuyện nói láo.Tôi nghe chị nói cũng có lý nên im lặng. Tôi khuyên chị ở trong tù nên bình tĩnh, cố chấp hành tốt mọi nội qui trại đưa ra, đừng gây gổ đánh lộn mà mang thêm án, với nữa phải bỏ tính khùng đi, sao trong tù mà giám đánh cả quản giáo. Nghe tôi nói vậy, chị tôi nổi sùng lên:- Ai bảo với em chị đánh cả quản giáo?- Thì anh họ mình chứ ai? Ông gọi điện vào báo cho bố, bố lại gọi lên cho em.- Bố láo bố toét. Tao đánh quản giáo hồi nào. Đánh để bị cùm à. Ở trong này sợ gần chết dám hó hé (lộn xộn).Chị quay sang bà quản giáo nhờ thanh minh. Bà ta gật đầu đống tình:- Không có chuyện cô Năm này đánh quản giáo đâu. Anh cô nói bậy đấy.Được sự đồng ý của bà quản giáo chị em tôi chuyển qua phòng bên cạnh nói chuyện riêng, và bác phạm nhân lớn tuổi hồi nãy bê lên mâm đựng thố cháo gà bốc hơi nghi ngút cùng một dĩa to thịt gà luộc trên có rắc lá chanh sắt nhỏ. Tôi hối chị ăn cho nóng. Tôi hỏi chị có thể cầm tiền trực tiếp vào trong được không? Chị tôi lắc đầu nói gần đây kiểm tra gắt gao lắm, nếu phát hiện có tiền mặt sẽ bị phạt nặng, chị bảo để chị gửi mấy cô ngoài này giữ giùm. Nhìn chị tôi ngồi ăn cháo gà tôi bỗng thấy lòng mình chùng xuống, chẳng biết nghiệp chướng nào đã dẫn dắt chị tôi vào con đường tội lỗi, để đến nông nỗi này. Chị nay đã 39 tuổi, ra được tù cũng đã ngoài 50, coi như gần hết cuộc đời, chẳng làm ăn gì được. Mà có còn sống đến ngày ra hay lại chết rục trong tù. Nhiều đêm tôi nằm ngủ mơ thấy chị tôi về xin tiền, xin quần áo. Giật mình tỉnh giấc, tôi lo sợ chị tôi gặp điều không lành, vội vàng gọi điện thoại về nhà hỏi thăm tình hình mặc dù lúc đấy là 2 hoặc 3 giờ sáng. Tôi sống nặng về tình cảm, nặng về gia đình nên chẳng lúc nào được thanh thản. Có đôi khi tôi muốn buông xuôi tất cả nhưng rồi lương tâm lại không cho phép. Cho dù chị tôi có làm tội gì tày đình thì gia đình chúng tôi vẫn phải lo lắng thăm nuôi chị.Con gà luộc và nồi cháo đã được tụi tôi đánh chén sạch bách. Chị tôi cười hỉ hả, bắt đầu chuyển sang chuyện hài hước. Chị hỏi thăm chồng con tôi, và mọi người trong gia đình, chị khen khô mực mà em gái tôi gởi ra kỳ trước ăn ngon, ai cũng thích, và rằng trong tù chỉ toàn ước có những món đặc sản để rồi thèm ứa nước miếng. Chị còn kể hôm qua nằm ngủ thấy thạch sùng kêu tạch tạch mấy lần, chị nghĩ có điềm gì đây, thường khi thạch sùng kêu một lần thì sẽ có quà, đằng này nó kêu tới ba lần thì chắc sẽ trúng mánh lớn. Đến lúc bà quản giáo vào kêu tên, chị mừng muốn té xỉu. Chị nói chuyện mà mặt mày hớn hở. Tôi cũng vui lây. Chị còn nói cho tôi nghe trong tù sợ nhất là vấn đề vệ sinh. Cả trại chỉ có một giếng nước chung đụng tất cả, bẩn và khủng khiếp lắm. Tù nhân ghẻ lở, sida cũng sinh hoạt lẫn lộn và điều chị sợ nhất là bị lây bệnh, phải đi vớ và đi guốc thật cao để đừng chạm châm mình xuống đất sình. Bây giờ thì tôi mới hiểu tại sao chị dặn là phải gửi hai đôi giầy cho chị. Bệnh nhân sida ở trong tù không được thông báo cho các tù khác biết, sợ họ nổi loạn, nên vẫn cho sinh hoạt chung. Tôi rùng mình khi nghĩ đến điều đó.Thời gian thăm tù đã gần hết. Bác phạm nhân già trở lại cùng với một giỏ bự đựng dầu ăn, nước tương, trà và nhiều thứ chị tôi dặn bác hồi nãy. Bác chìa cho tôi tờ hóa đơn thanh toán tiền. Chị tôi nói nhỏ có cho chị tiền thì đưa bây giờ để chị nhờ bác này giữ hộ. Tôi nháy mắt ra hiệu cho em gái tôi đưa tiền cho bác, bác cầm tiền nhét vội vào trong bụng, kéo cái áo ngoài ra che, lấm lét như sợ bà quản giáo nhìn thấy, bác bê mâm cháo đi ra ngoài. Tôi căn dặn chị về một số thuốc bổ vitamin mà chồng tôi đích thân mua gửi cho chị, về cách sử dụng mỹ phẩm, kem dưỡng da mà in toàn bằng chữ Nhật.Bà quản giáo đã trở lại. Chị em tôi không ai bảo ai đều đứng lên, chất quà vào đầy chiếc xe cút kít. Ngoài đầu cổng chị Hạ gọi rối rít, chị tôi quay lại hướng nhìn ra phía cổng đưa tay vẫy vẫy. Chị Hạ nói gì đó với người công an gác cổng và chị chạy nhanh về phía chị em tôi. Đến nơi, chị ôm chầm lấy chị Năm tôi, hai người khóc nức nở. Bà quản giáo đứng im lặng chờ để cho hai người nói chuyện được thêm vài phút. Biết không nấn ná được lâu hơn, chị em tụi tôi bịn rịn chia tay nhau. Chị Năm đẩy chiếc xe cút kít đi theo bà quản giáo vào trong. Tụi tôi đứng đó nhìn theo khi bóng chị khuất. Ở trại giam này người ta bắt phạm nhân gọi cán bộ là ông, bà và xưng con chứ không còn một điều thưa cán bộ hai điều thưa cán bộ như ở nơi khác. Tôi cảm thấy nóng mặt khi nghe các bác phạm nhân già gọi mấy thằng oắt con công an mặt non choẹt đáng tuổi con cháu mình bằng ông ông, con con.Ra đến ngoài cổng, anh tài xế đã nổ máy xe chờ sẵn. Nhưng em gái tôi nhất định không chịu lên xe hơi đi về mà đòi kiếm xe ôm. Khuyên mãi không được tụi tôi bực mình leo lên xe đi về trước. Nó ở lại mặc cả giá xe rồi về sau. Vậy mà khi bước chân vào trong nhà tôi đã thấy nó ngồi lù lù một đống trong phòng, nó nhe răng ra cười với tôi với ra vẻ đắc ýNghỉ ngơi một lúc, tôi lại theo anh họ về quê thăm hai bác tôi. Ông bà nội tôi sinh được năm người con, bác đầu đang sống ở Long Khánh, hai bác gái khác mất vì bệnh, chỉ còn bác trai là sống ở quê nhà. Quê tôi cách thị xã chừng năm cây số, tôi nhớ mỗi lần về quê đều đi ngang một quả núi có hình con voi nằm phục. Đến nhà bác tôi phải đi qua một cái cầu chòng chành bắc qua con sông nhỏ nước đục ngầu. Vẫn ngôi nhà ngói cũ ba gian được cất lên đúng năm Ất Dậu, là năm dân mình chết đói nhiều nhất. Căn nhà làm bằng gỗ và lót gạch tầu đỏ au, sân trước được láng xi măng dùng để phơi thóc. Bên góc vườn là cái giếng nước ngọt mà hồi trước tôi vẫn thích được thả gàu xuống dưới kéo nước lên. Ngày trước tôi sợ nhất về quê là phải nấu cơm bằng rơm, bằng dạ, không biết nấu, cơm cứ cháy khét lẹt và bị bác dâu tôi chửi là thứ "con gái ăn hại đái nát". Nhà vắng hoe, chỉ còn lại hai ông bà già bệnh hoạn. Hai bác ngồi tiếp tôi bên cái bàn uống nước cổ lỗ sĩ, ruồi nhặng bay loạn sà ngầu đậu cả vào người tôi. Tôi quay qua nói với ông anh họ:- Sao anh không mua thuốc diệt ruồi, muỗi về đây xịt cho ông bà già. Để ruồi bay ghê quá!Anh họ tôi chậc lưỡi:- Kệ nó, để cho nó bay, giết làm chi.- Nói như anh mà cũng nói được, ruồi nó bu đầy vào đồ ăn thức uống, hai bác nuốt vô bụng, mắc bệnh, ai tốn tiền cho biết.Anh tôi cười hề hề, không trả lời. Tôi quay sang nói chuyện với bác trai, thế nhưng những câu trả lời của bác chẳng ăn nhập gì với câu hỏi của tôi, hình như bác đã bị lãng tai. Bác tôi và bố tôi giống nhau như hai giọt nước, từ mái tóc, dáng người cho đến khuôn mặt. Nhìn bác tôi lại nhớ đến chị Út, con gái bác. Chị được bố tôi đưa vào Nam cùng một ngày với tôi, thế nhưng tôi may mắn hơn được ở lại tại Sài Gòn phụ bán cà phê cho bà Dì, còn chị bị đẩy xuống tuốt miệt vườn Giồng Trôm Bến Tre học nghề may. Để học được nghề may, chị Út tôi đã phải làm việc không công cho gia đình chủ tiệm mất mấy năm mà khi tôi nhờ chị may cái áo, chị vẫn chưa biết cắt. Chị Út lại giống bố như lột nên mọi người cứ bảo chị là con ruột của bố tôi, còn tôi là cháu. Chị tôi xấu gái quá nên tụi tôi đặt cho chị biệt danh là "Hoa hậu Thanh Hóa".Cuộc đời của chị Út thật tang thương khi vớ phải ông chồng cô hồn các đảng. Hơn ba chục tuổi đầu chị mới kiếm được tấm chồng làm tụi tôi mừng như cha chết sống dậy. Lúc chị mang anh đến giới thiệu, thấy mặt mày cũng sáng sủa. Thế mà mới sau đám cưới ít tuần, anh ta đã lôi vợ ra đấm đá như cái mền rách chỉ vì tội dám mang mười mấy triệu tiền gia đình nhà gái mừng đám cưới đến gửi tôi mà không đưa cho anh đi nhậu.Dạo ấy anh chồng rất siêng năng lại nhà tôi chơi rồi ngồi kể xấu vợ. Lúc đầu tôi còn nhẫn nại lắng nghe, xong anh cứ nhai nhải nói mãi khiến tôi bực mình không chịu nổi, tìm đến chị Út hỏi cho ra lẽ, chị Út nước mắt ngăn nước mắt dài ngồi thút thít kể lại sự tình, còn dặn đi dặn lại giữ kỹ tiền cho chị. Mấy lần anh ta lên nhà đề nghị tôi đưa tiền cho anh nhưng tôi từ chối thẳng, chán nản anh bỏ nhà đi theo một cô gái khác sống chung. Chị Út lại đến gõ cửa nhà tôi nhờ các em can thiệp.Tụi tôi kéo hẳn một đội quân, cử chị Vân Giang làm trưởng đoàn cho có người lớn, lên tận phòng trọ nơi cô bồ ông anh rể trú ngụ, thế nhưng cô ta đi vắng đành kéo nhau tới thẳng nhà cha mẹ ruột anh ở quận Ba. Vừa bước vào trong nhà, tôi đã giật nẩy mình vì cái đầu trọc lốc cùng với bộ mặt cô hồn của anh ta. Sau một hồi gây qua gây lại ông anh rể cầm ngay cái gạt tàn thuốc lăm le đòi ném vào mặt chị Út tôi. Tôi hết hồn ngăn lại:"Thôi…thôi…Vợ chồng với nhau, không sống được thì đường ai nấy đi, khua chân múa tay chẳng được lợi lộc gì…".Ngay lúc ấy, mẹ ruột của anh ta ra phân bua:"Con tôi, tôi biết tánh khí của nó. Tôi đã nói trước với cô Út rồi, nhưng cô không nghe, hậu quả như ngày nay cô gắng cô chịu. Thằng này nó ba búa lắm!"Tôi biết gặp phải thứ dữ nên khuyên chị Út chia tay cho rồi. Tôi đề nghị ông anh rể ký tên vào tờ đơn ly dị đã được viết tốc ký. Sau khi anh đặt bút ký tên vào đó, tôi cầm tờ đơn đưa cho chị Út rồi ra hiệu mọi người rút về. Ra khỏi căn nhà mà vẫn còn mang cảm giác sờ sợ.Bẵng đi một thời gian tôi không có tin tức gì của chị. Rồi chẳng hiểu được anh chồng dỗ ngọt thế nào mà chị lại dọn về sống chung với anh và mang bầu. Có lẽ do mẵc cỡ chuyện cũ, chị tránh mặt tụi tôi cho đến khi chị được bác sĩ thông báo có thể đứa bé sinh ra sẽ bị bệnh não úng thủy. Tôi nghe thấy chỉ biết buồn giùm chị. Thế nhưng may mắn thay, đứa bé đã gần bốn tuổi nhưng chưa thấy hiện tượng gì.Tôi còn nhớ ngày đầy tháng, chị làm tiệc không mời tụi tôi nhưng có bố tôi đến dự. Khi ông trở về tụi tôi hỏi ông con chị có đẹp không. Ông tủm tỉm cười rồi nói: "Ôi giời..! Một phần người mười phần khĩ…" làm tụi tôi bò lăn ra cười. Đứa con gái ra đời được vài tháng, anh và chị lại chia tay nhau đường ai nấy đi. Nhìn chị Út một vất vả nuôi con một mình, tôi điên tiết la cho một trận:" Sao mà lại nhiều ngu thế! Đã biết nó là thằng lưu manh còn cứ dính vào cho khổ đời". Chị im lặng không một lời than thở.Ngồi nói chuyện với Hai bác khá lâu, tôi móc túi lấy ít tiền ra biếu hai bác để từ giã ra về. Bác trai cầm mớ tiền la lên:- Răng bay cho bác nhiều rứa, bác có xài cái chi mô!- Có bao nhiêu đâu, bác giữ lấy ăn phở.- Thôi. Bay cầm lấy đi đường mà tiêu pha. Bác đây có anh bay lo rồi. Bay lấy chồng Nhật thì phải khéo léo đó nghe con, quân Nhật hắn dã man lắm đó.Tôi buồn cười khi nghe bác nói như vậy, chắc bác tôi vẫn nghĩ rằng tôi ở bên Nhật còn khổ hơn cả Việt Nam, và tưởng rằng Nhật vẫn còn trọng nam khinh nữ.Anh tôi đưa tôi đi thăm một số bà con họ hàng xung quanh đó cho đến lúc tôi rỉ tai anh bảo rút thôi anh ơi, dòng họ nhà mình thăm đến ngày mai cũng chưa hết. Tôi nhớ hồi nhỏ theo bố về làng, đi đến đâu cũng nghe tiếng: "Chào cậu, thưa cậu mới về". hỏi ra thì ở làng toàn là dòng họ bà con cả.Gần 5 giờ chiều anh em tôi mới về đến nhà. Mọi người đã nấu cơm chờ sẵn, lúc này tôi mới cảm thấy đói meo ruột vì trưa nay ăn có tí cháo gà cùng với chị Năm trên trại tù, vì đói quá nên tôi ăn gì cũng thấy ngon miệng. Từ lúc tụi tôi đi thăm chị Năm về đến giờ, anh chị tôi im re không hề nhắc tới những lần thăm nuôi giống như tối hôm qua nữa. Tôi cũng không hỏi han điều gì thêm, chỉ thanh toán tiền mua hàng hồi sáng và chuẩn bị cho cuộc hành trình vào Đã Nẵng bắt đầu bẩy giờ tối hôm nay.Đang đứng trong sân ga chờ tầu đến thì điện thoại của tôi rung mạnh, thì ra Hưng gọi vào, nó hỏi tôi đang ở đâu. Tức quá tôi hét vào trong máy: "Ở cái đầu mày! Tao đã dặn ngày 19 tao về Hà Nội và chỉ ở đó có hai ngày thôi. Sáng cũng gọi, trưa cũng gọi tối cũng gọi mà máy thì cứ ò í e. Mày sợ phải đến nhà cô à?". Hưng xin lỗi tôi rối rít và rồi thì thanh minh thanh nga đủ lời. Chỉ có khùng mới đi tin nó. Tôi còn dặn thêm đến nhà cô lấy tiền tôi gửi lại bữa hôm nó mua hộ lớp lẵng hoa tặng cho trường. Thằng ấy coi vậy mà bần tiện. Nó còn nói với tôi nhiều điều nhưng tôi cắt ngang lấy cớ tầu đã đến, tôi bảo sẽ gọi cho nó sau khi về đến Sài Gòn. Nhưng từ đó đến nay tôi không hề gọi lại vì tôi thật sự không muốn có một người bạn như nó.Đoàn tầu chầm chậm vào đến sân ga rồi dừng lại hẳn. Khách từ các toa tầu túa xuống vội vã. Tụi tôi kéo hành lý đến đúng toa, khệ nệ khênh lên trên tàu và kéo lê vào trong phòng. Các ga tầu ở Việt Nam vẫn còn lạc hậu quá, tại sao người ta không chịu sửa chữa thiết kế lại sân lại ga cho thuận tiện để dễ dàng mang được hành lý vào bên trong toa giống như ở nước ngoài. Chứng kiến những người cao tuổi tay bám vào cây cọc sắt bên cánh cửa, khó nhọc leo được lên bậc thang thứ nhất của tàu mà không khỏi chạnh lòng. Nói ra thì cứ biện luận nước còn nghèo không đủ kinh phí, thế nhưng nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm.Vào được đến trong phòng, tụi tôi xếp hành lý cho gọn gàng và ai nấy leo lên giường của mình nằm thẳng cẳng. Vì tầu có phòng lạnh nên các cửa đều gắn kiếng kín mít, giảm bớt được các tiếng động, chỉ thoảng nghe tiếng gió hú rít lên từng hồi ở phía bên ngoài. Trong phòng, chỉ nghe tiếng xình xịch, xình xịch êm ái đưa tôi vào giấc ngủ sau một ngày mệt nhọc.Tôi tỉnh giấc khi vì tiếng loa khẹt khẹt phát ra ngay trong phòng khoang tầu, một giọng nữ cất lên trong trẻo: "Chào mừng hành khách đến với thành phố Huế!". Tôi chồm dậy ngó ra ngoài cửa sổ, trời vẫn còn tối mờ, hành khách lên xuống nhộn nhịp và chẳng còn cảnh mua bán tấp nập như ngày xưa. Sau lời chào mừng quí khách và giới thiệu sơ lược về thành phố Huế, một giọng nữ Huế ngân lên với điệu nhạc quen thuộc: "Đã đôi lần đến với Huế mộng mơ.Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt.Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được.Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư…Tình yêu từ chiếc nón bài thơ.Từ giọng nói ấm trầm sâu lắng lạ…Ơi Huế của ta.Ta có Huế tự hào vượt qua phong ba.Huế đi lên kiên cường.Cả nước yêu thương ôm Huế vào lòng,Sẻ chia đắng cay gian khổ mặn nồng".Khúc nhạc này cứ được phát đi phát lại vào suốt chặng đường tàu chạy qua địa phận Huế. Tôi cố căng mắt nhìn coi tầu đã chạy đến sông Hương chưa. Những lần trước tầu đến Huế đều vào ban ngày nên tôi có thể nhìn thấy dòng sông Hương nước trong xanh lững lờ trôi uốn quanh thành phố Huế. Nhưng hôm nay tàu chạy qua đó vào lúc trời mờ sáng nên tôi không nhìn thấy gì ngoài một mầu đen kịt. Và như vậy có lẽ còn hay hơn khi nhìn thấy sông Hương một màu đỏ quạch như báo chí vẫn đưa tin. Con tầu vẫn phóng ào ào trong đêm mờ ảo. Tôi nằm xuống, kéo mền lên tận cổ, gần sáng trời lạnh tê cóng.