Hiene° nói: -Thế giới đã nát tan,và để lại vết nứt trên mình thi sĩ” LỊCH TRÌNH TÌNH CẢM là phần đầu của NHỮNG ĐIỀU GỢI Ý CỦA MỘT NGƯỜI DUY VẬT, ghi lại những vết nứt mà khi tan nát đã để lại trong lòng nhà thơ.Cuốn này bao gồm một truyện ngắn,một truyện vừa,một truyện dài°. Tách riêng ra,mỗi truyện có thể độc lập,hợp lại có thể thấy cả ba miêu tả một quá trình,qua đó thấy được đường nét và chiều hướng của vết nứt. Phần thứ hai của NHỮNG ĐIỀU GỢI Ý CỦA MỘT NGƯỜI DUY VẬT là LỊCH TRÌNH NHẬN BIẾT và phần thứ ba là SÁNG THẾ KÝ sẽ đều do < nhà xuất bản Tác giả > xuất bản. TRƯƠNG HIỀN LƯỢNG. °Heinrich Heine (1797-1856) nhà thơ lớn của Đức. °Trong nguyên tác tiếng Trung truyện ngắn NỤ HÔN ĐẦU và truyện vừa CÂY LỤC HÓA cùng vớI tiểu thuyết MỘT NỬA ĐÀN ÔNG LÀ ĐÀN BÀ được hợp thành một cuốn sách tiêu đề LỊCH TRÌNH TÌNH CẢM đề từ của tác giả viết cho cuốn sách đó (ND) LỜI NHÀ XUẤT BẢN. Bạn đọc có trong tay cuốn tiểu thuyết MỘT NỬA ĐÀN ÔNG LÀ ĐÀN BÀ của nhà văn đương đại Trung Quốc nổi tiếng Trương Hiền Lượng. Ông thuộc lớp nhà văn trung niên đang độ chín,là lực lượng nòng cốt sáng tác Văn học hiện nay mà phần lớn đã từng là nạn nhân của đường lối tả khuynh từ cuối thập kỷ 50 cho đến 10 năm Cách mạng văn hoá khủng khiếp. Trương Hiền Lượng quê ở Giang Tô,sinh năm 1936 tại Nam Kinh.Tồt nghiệp trung học năm 1954 ông đến Ngân Xuyên(Ninh Hạ) làm giáo viên trường văn hoá cán bộ.Bắt đầu làm thơ khi còn là học sinh trung học, đến năm 1957 ông đã có hơn 60 bài thơ đăng trên các báo và tạp chí. Năm đó trường ca Khúc Hát Đại Phong của ông bị phê phán bản thân ông bị quy chụp là hữu phái và bị đưa đi cải tạo lao động. Đến năm 1979 ông mới được minh oan và được trả lại tự do. Ông trở lại sáng tác hơn 20 năm treo bút. Hai truyện ngắn Hồn và Xác và Xéc-Pu-Lăc của ông lần lượt giành được giải thưởng truyện ngắn ưu tú toàn quốc năm 1980 và1983.Cây Lục Hoá đoạt giải truyện vừa ưu tú toàn quốc lần thứ ba. ThờI thanh niên ông yêu văn học Nga và Pháp. Nhờ ảnh hưởng gia đình, ông bồi đắp cho mình nền tảng vững chắc về văn hoá cổ điển Trung Quốc.Trong 20 năm chịu án oan, ông suy ngẫm về số phận của riêng mình và của đất nước,chuyên tâm nghiên cứu triết học và chính trị kinh tế học Mác-Xít. Ông có lần tự nói về mình: Bản thân tôi có cảm nghĩ rằng mình có thể là một con người sôi nổi và kiên định.Bất cứ lúc nào tôi cũng có một niềm tin vững như bàn thạch đối với Tổ Quốc tôi, đối với dân tộc vĩ đại của chúng tôi. Niềm tin ấy có được không hoàn toàn nhờ sách vở mà phần lớn nhờ thể hội trong cuộc sống gian nan khốn khổ của mình. Truyện viết về số phận của Chương Vĩnh Lân một thanh niên trí thức bị quy chụp hữu phái đi từ trại cải tạo này đến trại cải tạo khác trong không khí đàn áp ngột ngạt và khủng bố ghê rợn của đấu tố và cách mạng văn hóa.Con người bị đày đọa tước đoạt hết mọi nhân quyền, kể cả cái quyền làm một sinh vật giống đực,bị tha hóa đến mức khi được làm một công nhân nông trường, được phép lấy vợ cũng không cỏn đủ năng lực của người đàn ông bình thường trong sinh hoạt vợ chồng Hơn 20 năm trăn trở,suy tư,vật vã và bị cuộc đời, giằn vặt, xô đẩy, nhào nặn. Một xã hội tràn ngập không khí khủng bố, đảo điên, lừa dối, ngột ngạt hiện lên qua những người tù đàn ông và tù đàn bà. Những người tù và những kẻ coi tù,những người bị tố giác và những kẻ đi tố giác, qua lý tưởng cao đẹp của những trí thức giác ngộ chân chính và sự xa đọa của những kẻ khoác áo cách mạng đi thực hiện cái gọi là chuyên chính đối với những tù nhân bị gán tội kẻ thù giai cấp. Nhưng tác phẩm không dừng lại ở việc tố cáo cách mạng văn hóa mà đã đặt ra nhiều vấn đề nhân văn rộng lớn, có ý nghĩa nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, nhận thức lại chủ nghĩa Mác như chúng ta thường nói. Bản dịch của chúng tôi cố gắng cung cấp một lượng thông tin khiêm tốn đến bạn đọc, có gì sai sót mong bạn đọc vui lòng chỉ bảo. Tháng 01-1989 NXB LAO ĐỘNG Đã bao lần tôi muốn ghi chép lại quãng đời ấy nhưng không viết ra được, chẳng phải ân hận hổ thẹn vì nó, mà chính vì thấy cần dấu đi những sự việc nhục nhã trong đó. Tự mình thường đối lập ngay với chính mình, ánh mặt trờI chiếu qua ô cửa sổ, nắng chiều phủ một mầu vàng kim rực rỡ trên tường đông. Con thiêu thân đậu trên bức tranh sơn thủy bỗng bay lên, lặng lẽ đảo quanh trong phòng. Mặt trời đã sắp đi hết chặng đường của nó, nhưng ngày mai nó sẽ mọc lên, lại theo con đường vĩnh hằng bất biến ấy mà vòng lại từ đầu; nhưng con thiêu thân có lẽ không chờ được đến ngày mai thì đã chết và hóa thành tro bụi.Trên cõi đời này hàng triệu sinh vật sống rồi chết, loài tự giác loài không tự giác, nhưng tất cả đều truy cầu sự trường sinh hoặc lẽ vĩnh hằng đến nực cười.Thực ra sinh vật nào cũng đều đạt tới vĩnh hằng, dẫu rằng cái vĩnh hằng ấy chỉ kéo dài một tích tắc đồng hồ mà thôi, trong một tích tắc ấy đạt tới cái vĩnh hằng! Tôi đâu có muốn truy cầu cái vĩnh hằng hư vô viển vông ấy, cái vĩnh hằng đã tồn tại ngay trong cuộc đời tôi. Vĩnh hằng là gì? Thật ra đấy chỉ là cảm giác là sự bập bềnh bất định của cuộc đời. Cảm giác đâu có nắm bắt được, nhãng đi một tí là biến mất, cảm giác đâu có tên gọi hình thể, và cũng chẳng biểu đạt được bằng bất cứ khái niệm nào. Thời gian cứ trôi đi mãi, cuối cùng cảm giác sẽ lắng lại, đọng thành một hạt nhân không tan đi được nữa và vùi sâu chôn chặt trong trái tim con người. Còn con người lại chẳng thể nào giải thích nổi cảm giác, vì con người đâu thể nhận thức được chính mình. Những gì không nhận thức được là có ý nghĩa vĩnh hằng, vĩnh hằng tồn tại trong phút chốc. Tôi biết, trong cảm giác thoáng qua phút chốc ấy của tôi đã dồn nén kinh nghiệm của loài người tự cổ chí kim. Mặt trời sắp lặn màn đêm sắp buông, có một thứ nữa sắp đến là giấc mơ. Giấc mơ ấy có lẽ là hình dáng bề ngoài của hạt nhân bên trong. ….Lau lách xào xạc bên đường. Rìa đường là con mương thoát nước, nước chảy róc rách trong xanh thấu đáy, rất giống suối khe vùng rừng núi. Từng bầy cá giếc nhỏ, dài hơn đốt ngón tay quẩn quanh dưới đám cỏ nước xanh rờn bên rìa mương, chốc chốc chúng lại nhô lên đám lườn nhỏ đen đen, hoặc phô ra phần bụng trắng bạc lấp loáng như những đốm sáng. Nắng vàng tỏa khắp bốn bề, không gian mênh mông lặng lẽ, trên con đường đất thoai thoải hằn rõ vệt bánh xe in sâu chẳng khác gì hai dải đường ray lõm xuống. Tôi đi trên đường, bước chân nặng trĩu mà nhẹ tênh. Lát sau bụi đất dưới chân tôi bốc lên mù mịt như sương mai, khiến mọi vật trở nên mờ ảo mềm mại. Tôi cứ theo vệt bánh xe bước tiếp, tôi cảm thấy mình có thị lực kỳ lạ qua lớp bụi vàng dầy dặc nhìn rõ những cái mình ý thức được. Tôi tựa hồ nhìn thấy một chú mèo: lông xám có viền trắng, nó đứng gồng cong lưng lên vẻ cảnh giác trước mặt tôi. Cả thân mình chắn ngang đường, hai chân trước sau đặt đúng trên hai vệt bánh xe, ánh mắt sáng quắc chằm chằm nhìn tôi,dường như sẵn sàng bỏ chạy. Đây là con mèo chúng tôi đánh mất - tôi biết. Bỗng không thấy con mèo đâu nữa, nó đã biến đi như một cái bóng Giấc mơ là một thế giớI vô thanh… Nhưng tôi lại nhìn thấy bốn con vịt đang bơi trong dòng mương. Nhìn cổ và phần đuôi cong lên của chúng, tôi đoán trong đó có hai con vịt cái. Cũng như chú mèo, lũ vịt màu xám cánh có lông trắng lốm đốm. Chúng lặng lẽ bơi ngược dòng mương, dường như cố ý dẫn tôi vào cõi sâu lắng của ký ức cảm giác.Tôi bất giác đi theo phía sau chúng, nhưng tới vũng nước sâu lau lách rậm rạp thì chúng ngoe ngoảy đuôi, lượn một vòng, rồI xuôi theo dòng nước quay trở lại chui vào lùm cỏ. Tôi vẫn bước tiếp trong lớp bụi vàng như sương mù. Tôi vất vả nhấc đôi chân nặng trĩu, nhưng lại bước đi rất là nhẹ nhàng, như một cánh chim bay ngược gió. Qua khỏI vũng nước sâu, lũ vịt lại chui ra khỏI đám lau lách. Nhưng không phải bốn con vịt to kia, mà là bốn chú vịt con. Toàn thân chúng một màu lông tơ vàng óng, dường như chúng sẽ hòa tan dần vào đám bụI vàng, sẽ tan biến dần trong không khí. Thế nhưng rõ ràng chúng đang bơi lộI rất thỏa thich, vừa bơi vừa ngoẹo những cái đầu tí hon ngây ngô nhìn tôi. Những cái mỏ cong tớn lên kia dường như đang cườI cợt chế giễu. Tôi chợt ý thức được, bốn con vịt to vứa nhín thấy kia, chính là lũ vịt mà chúng tôi đã đánh mất. Bốn chú vịt con này là hình bóng thờI non tơ của chúng. Thời khắc đang trôi ngược trở lại. Vậy liệu tôi có thể trở lại thời kỳ ấy chăng dẫu chỉ là trong mộng? Thế là tôi bèn sải tay bơi ngược dòng thời gian, tìm lại bóng dáng đã mất. Nhưng giấc mơ của tôi lần nào cũng tớI đây là bị ngắt quãng, tiếp theo sau đó là một mớ cảm giác mơ hồ, mờ ảo, mù mịt, là giấc mơ trong giấc mơ. Nhưng tôi lại tỉnh táo ý thức được rằng cảm giác mơ hồ mờ ảo, mù mịt ấy mới là cái chìm nổi bập bềnh của cuộc đời đích thực. Ý nghĩa và lẽ vĩnh hằng của cuộc đời đều nằm trong đám mơ hồ, mờ ảo ấy. Mặt trời lại đã mọc lên và con thiêu thân không biết đã bay đi đằng nào, không biết có còn sống không. Lúc ấy, tôi nghĩ tại sao tôi không dùng ngòi bút để bổ sung và nối tiếp giấc mơ kia? Ghi chép lại một cách chân thực, thẳng thắn, mạch lạc, rõ ràng cái quá khứ đã mất đi? Chẳng có gì đáng phải cảm thấy hổ thẹn ân hận, chẳng có gì cảm thấy nhục nhã, làm sao lại có thể đem đạo đức trong quan niệm mà phán đoán và đánh giá cảm giác của cuộc đời.Còn như lý trí ư? Aristote đã từng nói <<phàm những gì chưa từng có trong cảm giác, tức là không tồn tại trong lý trí>>. Con thiêu thân chết đi, sẽ chẳng ai chịu trách nhiệm về cuộc đời quá ngắn ngủI của nó, vậy thì ai còn có quyền chê trách độ cong và đường bay của nó. Mặt trời rọI thẳng vào tôi, tia nắng dường như xuyên thấu qua lồng ngực tôi, và tôi dường như bồng bềnh trong ánh sáng vàng kim, rời khỏi cõi trần thế ồn ào này rồi. Tôi lợi dụng ngay tâm trạng vừa có, một tâm trạng xuất thế lâng lâng thanh thản, vội vã tung người vùng dậy, hăng hái cầm bút hối hả viết thật nhanh.Tôi biết, nếu không thế thì chỉ một lát sau thôi, chưa chừng tôi thay đổi ý định này mất.