Viết tặng hiền huynh John Nguyễn Rặng phi lao xào xạc…người đàn bà giật mình run rẩy, hơi lạnh từ biển bốc lên, toàn thân nàng co rúm lại với khí trời giá buốt đêm naỵ Nàng nhìn đồng hồ, còn 20 phút nữa là đến giờ hẹn của Kiệt, chàng đã hứa là bỏ vợ con ở lại Việt Nam để vượt biên với nàng và hai con riêng của nàng.Người đàn bà đó không ai xa lạ… cách đây gần mười năm, Viên Chi tên của nàng! Viên Chi là một cô gái đẹp, dịu dàng, hiền hậu. Nàng làm việc cho một văn phòng hành chánh tại thị trấn…Rồi một dịp tình cờ Chi quen Hữu, một thanh niên độc thân, hiện là trưởng ban thâu nhận nhân viên của văn phòng người Mỹ tại đâỵ Hai người sau thời gian tìm hiểu đã yêu nhau chân thành và một đám cưới linh đình đã diễn ra sáu tháng sau đó.Hữu đưa Chi vào làm việc chung sở với chàng, nhờ vào trí thông minh nên chỉ một thời gian học hỏi Chi đã nói tiếng Anh lưu loát và làm việc rất tích cực. Hữu một mực yêu thương vợ, chiều chuộng nàng bởi chàng là hiện thân của giai cấp văn minh mới – Chàng rất ga lăng và lịch sự với mọi người, nhất là đàn bà, con gái…Vì vậy bạn bè đã tặng cho chàng một biệt danh là H lập phương tức là Hữu hào hoa. Chàng quý trọng và hiếu thảo với mẹ cha hai bên, xem cha mẹ vợ như cha mẹ mình…bởi vậy chàng được cảm tình nồng hậu phía bên vợ thật nhiều.Ngày nhập ngũ đã đến, Hữu cũng như bao thanh niên thời loạn, chàng phải lên đường tòng quân. Mẹ chàng, một người đàn bà phúc hậu tiễn chân chàng với những gói hành trang và thực phẩm thu xếp sẵn trước cả tuần cho con…nước mắt bà chan hòa trên đôi gò má nhăn nheo. Hữu hôn mẹ và vợ từ giã với hai giọt lệ vừa âm thầm rơi xuống! Trời mỗi lúc mỗi tối… xung quanh chàng không còn một người thân yêu nào nữa…những anh em ngồi trên chuyến xe cũng một tâm trạng như chàng, họ lặng im và buồn bã. Chàng nghĩ tới Chi, chàng phải đi xa trong lúc Viên Chi vừa mang thai đứa con đầu lòng, một cấu tạo của tình yêu, một sợi giây thiêng liêng của tình nghĩa vợ chồng. Hữu thở dài ngao ngán…ngày mai sẽ ra sao? đất nước chiến tranh người thanh niên không có quyền nghĩ đến hạnh phúc riêng tư nhưng ai cấm được nỗi đau đang trào dâng như sóng vỗ trong lòng! chàng nhắm mắt lại để tự kềm chế cơn xúc động khi đoàn xe mỗi lúc một rời xa mái ấm thân yêu của chàng…Ròng rã hai ngày đêm, đoàn xe chở quân nhân nhập ngũ đã đến điểm cuối để vào quân trường nhập khóa học. Những ngày đầu ai cũng ngại ngùng bỡ ngỡ với những kỷ luật khắc khe, quân phong, quân kỷ…Rồi thời gian cũng quen dần đi, Hữu bây giờ dạn dày sương nắng, da chàng đen sạm và vóc dáng trông rắn chắc khỏe mạnh hơn xưa nhiều. Cuộc sống quân ngũ bận rộn bù đầu không cho chàng có thời gian suy nghĩ nhiều về gia đình, có chăng là sau những giờ tập luyện về đêm, chàng thường ngồi thừ người hàng giờ mà không sao giỗ được giấc ngủ muộn màng!Buổi sáng hôm nay, tất cả sinh viên sĩ quan mặt mày rạng rỡ, tóc tai cắt ngắn gọn gàng, nghiêm chỉnh trong bộ quân phục thẳng nếp…ai cũng quên hết những nhọc nhằn cơ cực của đời lính, bởi hôm nay có lệnh lần đầu cho thân nhân thăm viếng. Hữu cuống cả người lên khi nhìn thấy mẹ và vợ lên thăm chàng với những xách tay nặng trĩu thức ăn và quà bánh…Ðời lính còn gì sung sướng hơn? Hữu mĩm cười đắc ý hân hoan ôm mẹ và vợ hôn lấy hôn đề.Ngày mãn khóa học đã đến, buổi lễ long trọng trang nghiêm. Hữu cũng như tất cả anh em cùng khóa được cấp chỉ huy gắn chiếc lon Chuẩn Úy lên cầu vai áo, đồng thanh tuyên thệ sống chết bảo vệ quê hương, hy sinh đến giọt máu cuối cùng cho tiền đồ tổ quốc. Hữu chọn đơn vị pháo binh nên được thuyên chuyển về sư đoàn 18 đơn vị 181 Pháo Binh đóng tại Long Khánh. Thỉnh thoảng Viên Chi ẵm con lên thăm chàng tại đơn vị mới. Ðời sống chàng cảm thấy thú vị quá rồi còn dám mơ ước gì hơn?Thời gian trôi đi, tuổi lính cũng lên cao theo ngày tháng, Hữu bây giờ là Trung Úy Trung Ðội Trưởng Pháo Binh, dưới tay chàng có 30 người Hạ Sĩ Quan và binh sĩ cùng 2 cây Ðại Bác 105 vá 155 ly làm việc không ngưng nghỉ. Pháo đội của chàng đóng tại Gia Ray vùng đồng bằng tỉnh Long Khánh.Một đêm kia được tin Viên Chi đang chuyển bụng sanh đứa con thứ hai, Hữu tức tốc một mình lái chiếc xe Jeep về quê thăm vợ. Ðường thì xa, đèo gốc gồ ghề, không gian âm u tĩnh mịch không có một âm thanh nào ngoài tiếng xe đang chạy của chàng. Hữu thoáng rùng mình lo ngại, dường như tâm linh báo cho chàng biết sẽ có việc chẳng lành… Chàng hồi hộp lạ thường, ngồi trên xe mà cứ muốn như bay bỗng cho mau đến nhà, chàng lo cho vợ gặp chuyện không may, ruột gan chàng nóng như lửa đốt!Gần đến chân cầu đột nhiên có tiếng súng nổ rồi tiếp theo tiếng pháo kích ầm vang một góc rừng đêm tĩnh mịch, Hữu thắng gấp chiếc xe… Ầm! trúng đạn pháo kích chiếc xe Jeep phát hỏa bốc cháy, Hữu vội vàng nhảy khỏi xe nhưng không còn kịp nữa! bộ quân phục đang bị thần hỏa tấn công mảnh liệt, toàn thân chàng như ai xé, ai cắt từng mảnh thịt da, chàng cố chồm đến chiếc máy truyền tin khẩn cấp trên xe, nhưng nó đã bị cháy toàn bộ thống điện…Trong giờ phút tử sinh con người thường có nhân sinh quan bén nhạy, can đảm tột cùng bất chấp đớn đau, chàng lăn tròn trên cỏ bao nhiêu vòng đến khi ngọn lửa trên người tắt lịm và chàng cũng…lịm người đi!Ðoàn xe cứu thương đến…Hữu đã bất tỉnh không còn biết gì nữa…Hữu định thần nhớ lại những gì xãy ra trong đêm qua, chàng cựa mình, toàn thân nhức buốt đớn đau, mở mắt ra chỉ thấy một màn đêm dày đặc… loáng thoáng bên tai chàng có những tiếng thầm thì rồi tiếng khóc! Chàng đang ở đâu? Chàng còn sống hay đã về thế giới bên kia, một thế giới lặng im miên viễn! Còn tiếng khóc kia của loài người hay của những hồn hoang bất hạnh chốn a tỳ? Hữu mở miệng nhưng không nói được… miệng chàng bị băng kín, trực giác bén nhạy cho chàng biết chàng còn sống và bị băng bó từ đầu đến chân… Rồi những tiếng lao xao ồn ào tiếp theo và Hữu thấy người bị nhấc bỗng lên và đặt xuống một vị trí khác, người ta đẩy chàng đi rất nhanh… Con ơi là con… con của tôi! Trời ơi … anh ơi! Tiếng của mẹ chàng, tiếng của vợ chàng! Hữu bàng hoàng… làm sao cho người thân yêu biết rằng tôi còn sống? Họ đã buộc chặt mắt miệng tôi, thân thể tôi. Hữu cố vẫy vùng nhưng chỉ làm chàng đau đớn hơn, chàng hiểu vết thương trên mình rất nặng…Hữu khe khẻ cầu nguyện ơn trên cho chàng được sống để báo đáp nghĩa sanh thành và tròn trách nhiệm với vợ dại con thơ.Hai tháng nằm viện Hữu đã phục hồi sức khỏe, tuy gương mặt và thân thể vẫn loang lỗ những vết phỏng còn đỏ ửng. Ngày trở về đơn vị, ông Chỉ huy Trưởng và tất cả anh em Tiểu Ðoàn 181 Pháo Binh tổ chức tiệc ăn mừng và tung hô Hữu là “ Người về từ cõi chết “.Rồi chiến trận bùng nổ khắp nơi trên đất nước đau thương của chàng, Hữu cùng pháo đội di tản ra vùng biên giới để bảo vệ các tiền đồn. Chàng chỉ còn biết tin gia đình qua những bức thư do Viên Chi gửi đến không thường xuyên qua những người lính về phép thăm gia đình. Hàng ngày chàng chỉ nhìn thấy khói súng và xác người ngã gục… Một đêm kia, Hữu không sao ngủ được nằm xuống nhắm mắt lại là thấy hình ảnh Bích Phượng, đứa con gái đầu lòng xinh đẹp vừa lên 3 tuổi của chàng oằn oại trên vũng máu, chàng giật mình kinh hải…nhớ lại lời tiên đoán của một ông thầy người Miên! Khi Viên Chi sinh ra Bích Phượng, cha chàng một mực yêu quý cháu nội và bắt ở với ông để ông chăm sóc, ông thương yêu cháu hơn tất cả mọi thứ trên đờị Một hôm ông thầy Người Miên tình cờ ghé vào nhà và đã nói: “ Ông cụ nên trả nó về cho cha mẹ nó nuôi, nếu không ông cụ sẽ là người giết chết nó và sau nầy khi tuổi già ông cụ không sống với con cái mà chỉ sống với người dưng “. Chỉ mấy lời rồi ông thầy lầm lủi bỏ đi, cả nhà đều cho rằng ông ta nói xàm nên không ai lưu ý, bây giờ…bỗng dưng Hữu bật dậy, một cảm giác sợ hãi khiến chàng nổi da gà…chàng vội vàng quay số điện thoại tổng đài để gọi về nhà. Ðầu giây bên kia tiếng Viên Chi nức nở: “ Anh về được không? Bích Phượng bị xe cán chết rồi! chết chiều hôm qua”!Hữu bàng hoàng đau đớn gục xuống nền nhà, đầu óc chàng quay cuồng hỗn loạn, thế là hết! đứa con đầu lòng yêu quý của chàng đã không còn nữa!…Ngoài trời mưa càng lúc càng lớn…những giọt rơi rơi như những mũi kim đâm xé tâm hồn người sĩ quan gan dạ. Trước kẻ thù chàng chưa hề nao núng, trước cái chết chàng không hề run sợ, mà bây giờ trước nỗi đau mất mát này, chàng đã khóc…chàng khóc thật nhiều thương tiếc đứa con yêu dấu ra đi không bao giờ trở lại nữa rồi! Hữu nhắm nghiền đôi mắt lại để hình dung lần cuối cùng hình ảnh đứa con gái thân yêu, những dòng lệ cứ thi nhau tuôn tràn không dứt…Ngày tháng trôi đi theo nỗi đau nhức buốt, cuộc chiến tranh Nam Bắc thì mỗi ngày một lan rộng trên khắp miền đất nước thân yêu…biết bao người con của Mẹ Việt Nam đã anh dũng hy sinh, biết bao kẻ đã vùi thây oan uổng vì trận chiến nồi da xáo thịt này? Hữu may mắn vẫn bình yên sau những cuộc hành quân ác liệt với quân thù, pháo đội chàng đã di chuyển để yểm trợ khắp bốn vùng chiến thuật…Sau những chiến công dài chàng được tưởng thưởng và chỉ huy một pháo đội vùng ven đô. Một đêm kia, một đêm bão tố kinh hoàng…tất cả mơ ước của chàng đều sụp đổ! Chàng lặng lẽ sếp hàng ra trình diện đi học tập cải tạo và chàng được đưa đến vùng Suối Máu thuộc tỉnh Biên Hòạ Nơi đây chàng gặp rất đông chiến hữu…tất cả nhìn nhau trong tâm trạng nghẹn ngào câm lặng!Hạ về thiêu đốt đời nam tửMột nửa sơn hà xóa chí traiGiấc mộng vá trời ôm bốn bểBiển dâu hóa kiếp bậc anh tài…Một thoáng tìm về giấc mộng xưaVườn thưa trong nắng, áo ai baySao ta một cõi nhìn sông núiThương tiếc đời trai kiếp đọa đày!Ðớn đau cho giống nòi Hồng LạcMột cuộc trầm luân, cuộc bể dâuBao kẻ vùi thây trên đất mẹRồng tiên một thuở ngậm thương sầu…Chiến quốc ngàn năm soi dấu sửAnh hùng máu đỏ ngập trường saCanh gà giục giã hồn trai ViệtMơ bóng cờ vàng…dậy tiếng caThân ta, cá chậu chim lồngChờ trông cánh nhạn phương đông mịt mùNghìn gian khó, kẻ tội tùThì thôi phó mặc phù du kiếp tằmViên Chi nàng chẳng đến thămPhải chăng tình nghĩa bao năm chẳng còn?Sóng lòng vỡ, ngọn sầu tuônÐất bằng biển động…điên cuồng thế nhân!Nhân tình thế thái… Sau ngày Hữu vào trại tù đến nay, Viên chi chỉ đi cùng mẹ chàng và đứa em gái chàng đến thăm chàng được 3 lần rồi biền biệt trên một năm nay. Kinh nghiệm cuộc đời đã cho Hữu đoán được những gì xãy ra trong tình cảm Viên Chi? Sợi giây oan trái cột chặt bước chân! Hữu là kẻ tội tù không biết được ngày mai? Hữu không dám hỏi han hay tìm hiểu mỗi khi mẹ và em gái lên thăm, vì sự thật sẽ làm Hữu đau lòng thêm mà thôi…Bảy năm dài đằng đẳng trôi qua trong ngục tù kẻ chiến bại, những nỗi uất hờn cơ cực không bút mực nào tả xiết…thôi thì trời cao còn phải chịu những cơn giông bão, sấm sét xé không gian thì nhân thế, ôi làm sao tránh khỏi hình phạt của kiếp người! Hữu thầm tưởng tượng nỗi đau này có lẽ là nỗi đau chung cả một dân tộc bị lưu đày từ tiền kiếp xa xưa mà ngày nay hậu quả phải gánh chịu…Lê Nguyên Hữu.Ðang cuốc đất Hữu giật mình đánh thót, người cán bộ Cộng Sản cầm trên tay một tờ giấy và tiếp tục đọc tên…anh em nhìn nhau tái mặt không hiểu việc gì? Sau khi đọc tên 11 người xong họ cho biết đã học tập cải tạo tốt và được trở về với gia đình. Hữu mừng chảy nước mắt, liệng vội cái cuốc vào bụi bước tới cảm ơn người cán bộ, lăng xăng chạy về trại thu dọn áo quần cho chuyến hồi quê sáng ngày mai.Trên chuyến xe trở về quê cũ, chàng suy nghĩ miên man đến Viên Chi và thở dài áo não, nếu thật tình nàng đã phụ chàng thì còn gì chua chát hơn! Những năm chung sống mặn nồng, trọn vẹn cho nhau, chàng chưa làm điều gì cho Viên Chi phật ý bởi chàng cưng quý vợ khó ai sánh kịp. Chưa bao giờ Hữu to tiếng với Viên Chi chớ đừng nói chi chuyện gây gỗ, đánh mắng…thì tại sao? Viên Chi nỡ phản bội chàng! Chàng cưng vợ đến nỗi lên xuống xe Jeep hoặc xe đò chàng luôn ẵm xuống không để nàng tự bước vào những khi thai nghén, bây giờ có lẽ nàng đang hạnh phúc bên người đàn ông khác, Hữu thấy xót xa trong lòng, chàng thương các con chàng không hiểu hiện giờ chúng sống ra sao?Về đến quê nhà chàng mới am tường cớ sự, vợ chàng đã bỏ nước ra đi từ năm 1977 mang theo đứa con gái thứ 2 và thằng út của chàng, bỏ lại hai đứa con gái giữa ở lại Việt Nam cho dì Bông là chị hai của Viên Chi nuôi dưỡng… chàng còn được biết rằng vợ chàng đã đi với nhân tình, trong lúc ông ta bỏ vợ con ở lại để vượt biên với vợ của chàng!Số phận hẩm hiu, Hữu đem hai con về ở với chàng để bà nội và cô chăm sóc, chàng đã chịu vất vả trong đời sống mới tuy rằng gia đình chàng cũng khá giả. Hữu muốn sớm được trả quyền công dân nên chàng đã mua xe ba bánh đạp chở hàng cho con buôn, lúc không có hàng chở chàng đi theo các xe tải lớn khiêng những cây nước đá nặng nề. Nhờ lao động tốt và giao tế khéo chỉ 6 tháng sau chàng đã được trả quyền công dân. Từ đó ngày đêm Hữu âm thầm tìm cách quan hệ các ghe tàu và đã mua được một chiếc ghe Kubota xanh, chàng khôn ngoan tinh tế nên đã nghiễm nhiên đứng tên chủ tàu.Hữu cho hai cháu ruột của chàng vào danh sách thuyền viên tuy rằng chúng còn rất nhỏ, còn hai con chàng vì là gái nên đành chịu không thể cho đứng tên trên tàu. Ba cậu cháu và hai thuyền viên ngày đêm đi đánh cá, bắt tôm che mắt mọi người và chính quyền, chỉ mong một ngày đoạt thành ý nguyện.Vào một đêm không trăng, trời tối đen như mực, chàng tổ chức một cuộc vượt biển… trên ghe chỉ vỏn vẹn 5 người. Khi tấp vào bãi để đón hai con và vài người bạn chí thân thì mới hay tất cả đã bị bắt! Chàng chỉ biết kêu trời và chết điếng trong lòng… chàng biết không thể trở về nhà vì cớ sự đã đổ bể và chàng sẽ trở vào tù không có ngày ra. Hữu dặn dò hai thuyền viên và hai cháu cho ghe vào núp trong miệng hang hai đáy để chàng tìm cách vào bờ lo liệu mọi việc…Chiều hôm đó Hữu mượn xe Vespa của chị Bông phóng về nhà thăm dò tình hình, em gái Hữu đã chận chàng lại khi còn cách nhà 3 cây số và báo cho chàng biết những nguy hiểm sẽ xãy ra vì hiện giờ chính quyền đang theo dõi chàng chặt chẽ. Hữu ngỡ ngàng quay đầu xe mà lòng dâng lên một nỗi buồn vô hạn! từ bây giờ tôi sẽ sống ra sao nếu tôi không thực hiện được ước nguyện vượt biển của mình?Hữu không còn cách nào khác hơn, chàng phải vượt biển ngay đêm nay. Chàng mướn ghe nhỏ để ra sông tìm ghe của chàng, ba ngày ròng rã không tìm thấy chiếc ghe, Hữu lo lắng vô cùng! không biết điều gì đã xãy ra cho hai cháu và hai thuyền viên bởi vì chàng biết trên ghe không lương thực thuốc men hay nước uống gì cả, hoặc có thể ghe đã bị bắt?Khi thất vọng đè lên tột độ thì Nghĩa xuất hiện. Hữu mừng như vừa trúng số độc đắc, Nghĩa là thuyền viên trên ghe chàng, Nghĩa bất chấp hiểm nguy lội 5 cây số vào bờ tìm Hữu vì không có Hữu như rắn không đầu và bốn người trên ghe đã nhịn đói nhịn khát hai ngày qua. Khi Hữu hiểu vì sao tìm không gặp ghe mới rõ Nghĩa nghe lầm nên đợi chàng ở miệng hang ba đáy… anh em ôm nhau nghẹn ngào rơi lệ!Tốc hành cho một chuyến vượt biển ngay đêm nay, em gái Hữu đã giúp chàng không ít, nhờ thế chàng có được bãi bến, lương thưc và nhiên liệu ra đi… Ðêm 30 tháng 6 năm 1983 âm lịch, một đêm giông tố bão bùng, đất trời nổi cơn thịnh nộ giương oai, chàng và các bạn phải vất vả lắm mới tiếp cận được ghe và âm thấm vượt biển trong bầu trời không có một vì sao… Trời vẫn còn thương tưởng cho đoàn người tỵ nạn, không có người lái, không có hoa tiêu, Hữu đã làm tất cả công việc đó với hết sức cố gắng của mình trong hồi hộp tận cùng bởi chàng đâu phải lính Hải Quân, lính Thủy, chàng là lính Pháo Binh chỉ sống trên đất liền.Sau nửa tháng chống chọi với phong ba, bão táp hiểm nguy giữa đại dương bao la, mấy phen tưởng đã làm mồi cho biển cả, cho cá sấu, cá mập…gặp qua 8 chiến hạm nước ngoài kêu gào thảm thiết họ vẫn dửng dưng không cứu vớt nhưng vẫn còn hồng ân hộ độ, chiếc thứ chín đã dừng lại cứu nguy vớt đoàn người lên chiến hạm đem về đảo Singapore tỵ nạn.Ngày tháng trôi đi trong buồn bã chán chường, ba cậu cháu cũng quen dần với những gian lao thiếu thốn, với mì gói, đồ hộp qua ngày để mong được sớm vào Mỹ với diện quân nhân cải tạo. Nhờ vào tài tháo vát, trí thông minh Hữu đã nhận vai trò quan trọng tại đảo và giúp đỡ nhiều đồng hương tỵ nạn như chàng. Phần đông ai cũng thương mến Hữu nên cũng an ủi được phần nào tâm hồn kẻ lưu vong xa xứ…Hữu nhớ lại lá thư Viên Chi đã viết cho chàng cách nay sáu tháng “ Em vẫn chờ anh và hai con” cũng vì bức thư đó đã thúc đẩy chàng liều lĩnh ra đi coi thường sinh mạng, bất chấp tội tù. Khi ở đảo liên lạc với Viên Chi rất khó khăn, nàng chỉ một lần gửi chút tiền và nhắn trong thư là hãy nhận nhau là anh em… Ðiều đó đủ cho Hữu hiểu những gì xãy ra trong cuộc sống hiện tại của vợ chàng! Hữu đau đớn và chẳng màng cuộc tao phùng, chàng xin vào Mỹ cùng hai cháu và ngày ấy đã đến…Ngoài trời từng đợt mưa rả rich, trong lòng như sóng vỗ từng cơn… đến Mỹ đã hơn tháng trời chẳng gặp mặt các con, gặp vợ chỉ thỉnh thoảng thăm hỏi trên phone mà thôi, Hữu hiểu tất cả và chàng chấp nhận số phận đã an bài. Chàng chịu khó chịu cực làm đủ mọi công việc vất vả để kiếm tiền ba cậu cháu sống qua ngày, hai cháu chàng còn quá nhỏ nên chỉ đi học mà thôi. Hữu làm xe lunch, cắt cỏ, đi hái trái cây cho các farm và cuối cùng chàng cố tâm học hành lấy bằng cấp đi làm việc Bảo Hiểm – Thuế Vụ – Ðịa ốc và Du Lịch.Một chiều kia Viên Chi báo tin sẽ bay qua thăm chàng, nàng không đến một mình mà với cả hai đứa con riêng của nàng và ông chồng sau, người đã đưa nàng đi vượt biển năm xưa …Viên Chi hối hận mong được sống lại với Hữu nhưng Hữu quyết tâm từ chối, chàng không thể làm một việc trái lương tâm để phá hạnh phúc người khác dù rằng hiện tại là kẻ đã cướp đi lẽ sống của đời chàng. Hữu khuyên Viên Chi trở về với chồng và các con, cố gắng chăm sóc các con chàng và nếu được hãy giao chúng cho chàng nuôi.Tám năm dài lặng lẽ trôi qua, nơi đất khách quê người đã buồn Hữu lại càng buồn thêm. Chàng quyết định một chuyến về thăm quê hương, thăm cha mẹ. Chưa đi thì đã được tin mẹ mất! Hữu cầm tờ điện tín trong tay mà chết lặng hồi lâu, tám năm dài vết thương tình còn đang rỉ máu chưa lành, giờ nhận thêm một vết chém ngang đầu! Mẹ mất là chàng mất tất cả rồi, bầu trời hoa gấm thương yêu bao năm chàng ấp ủ ngày gặp lại, giờ chỉ còn trong ảo ảnh mà thôi! Hữu tưởng như mình không còn khóc được nữa, nỗi đau đến tê liệt óc tim chàng. Ðôi mắt Hữu hoa lên và chàng cảm thấy tối đen cả mặt mày… chứng bệnh tim đã trở lại với Hữu sau quá nhiều giai đoạn thương tâm của cuộc đời chàng!Dù sao cũng phải về thăm mộ me, thăm cha già tuổi đã bát tuần, thăm hai đứa con gái thân yêu còn ở quê nhà tuy chàng đã làm giấy tờ bão lãnh từ lâu nhưng vẫn chưa được đoàn tụ. Hữu cũng làm giấy tờ bão lãnh cha sau khi mẹ mất, cha chàng học rộng biết nhiều hẵn ông rất vui lòng theo chàng đến Mỹ. Nhưng Hữu có ngờ đâu cha từ chối không đi, cha yêu thương mảnh đất quê hương, cha không muốn rời xa nơi chôn nhau cắt rốn…Từ phi trường San Francisco Hữu đã thấy nôn nao trong dạ, chỉ hai mươi giờ nữa thôi Hữu có mặt trong mái ấm thân yêu bao năm xa cách dù biết rằng lòng đau như cắt khi hình ảnh mẹ chỉ còn trên bia đá mà thôi!Sau một tháng về thăm quê Hữu quen với Loan, cô giáo dạy cắt may của hai đứa con gái chàng. Loan nhanh nhẹn bặt thiệp và đã đặt tình cảm tha thiết với Hữu, với hy vọng được đi Mỹ như bao người đàn bà khác… Hữu bây giờ còn có gì rung động được trái tim bởi không bao giờ chàng quên hình ảnh Viên Chi tuy nàng đã phản bội chàng! Thời gian trở về Mỹ Hữu đã quên Loan dễ dàng, lăn bổ vào cuộc sống như cái máy mà mọi người nơi đây ai cũng phải chấp nhận. Một hôm Hữu nhận được thư cha gửi qua, ông khen lấy khen để cô Loan và ngỏ ý muốn Hữu cưới cô làm vợ để có người chăm sóc cho ông khi đứa em gái của chàng cũng sắp đi Mỹ với diện con bão lãnh. Hữu lặng im không trả lời thư cha về việc đó mà chỉ thăm hỏi sức khỏe cha mà thôi…Ngày hai con đến Mỹ Hữu thấy cuộc sống có thêm sinh khí, chàng vui hơn xưa và đồng ý với hoàn cảnh gà trống nuôi con mặc dù cũng có nhiều cô, nhiều bà muốn xây dựng gia đình với Hữu. Một năm sau đó em gái chàng cũng đến Mỹ và theo lời năn nỉ, nhờ vả của Loan cũng như nhìn thấy Loan tử tế với cha, em gái chàng cũng vì muốn có người chăm sóc cho cha nên khuyên anh mình về Việt Nam cưới Loan… vì chữ hiếu Hữu đã bay ngay về sau đó một tuần tổ chức đám cưới với Thụy Loan. Hữu cũng bày tỏ cho Loan biết về ý định của chàng là Loan sẽ không đi Mỹ và mỗi năm Hữu về một lần, Loan đồng ý và sống riêng nơi tiệm may, hàng ngày về thăm cha chồng, cha chàng thì hiện sống với đứa cháu gái trong căn nhà của ông.Một ngày nọ Loan gọi phone qua Mỹ nửa đêm, bảo Hữu phải đuổi vợ chồng đứa cháu gái ra khỏi nhà vì bảo rằng thằng cháu rể hỗn với ông ngoạị Hữu không hiểu hư thực thế nào nên cho Loan tự giải quyết. Loan đã đuổi vợ chồng đứa cháu với lý do lệnh của cậu 5 ( Hữu). Một tháng sau đó, cha Hữu gọi qua than thở về sự cư xử tệ bạc của con dâu. Loan bỏ nhà đi ngày đêm không lo lắng cơm nước cho ông lại còn hỗn xược mắng nhiếc ông với những ngôn từ thậm tệ, ông buồn đâm ra bệnh nặng. Loan xúi ông đưa hết giấy tờ nhà sang tên qua cho cô ta và lấy tiền của ông xài phí… Thời gian sau em gái Hữu sốt ruột thương con không nhà cửa sống vất vả lang thang nên bay về Việt Nam cho rõ sự tình. Em gái Hữu đau buồn trước cảnh không ngờ, Loan đã bỏ nhà đi hai tuần lễ bỏ mặc cha Hữu đói khát chẳng ai lo chỉ nhờ chút nào vào sự giúp đỡ của hàng xóm, ông chỉ còn xương bọc da nằm liệt trên giường! nếu em gái Hữu không về kịp chắc gì còn gặp được cha… đã thế trong nhà không còn một món gì? cô Loan dọn sạch sẽ đồ đạc quý giá cho đến những thứ thường dùng của cha Hữu… vợ chồng đứa cháu ở nhờ chỗ nầy, ở tạm chỗ kia, muỗi cắn nát tay chân, nửa đêm còn phải ẵm con ngồi ngoài cột đèn điện chờ quán caphê khách về hết mới vào ngủ nhờ ngoài hiên…có đêm ngủ nhờ nhà bạn nghèo không có giường, trải chiếu nằm dưới đất, nửa đêm mưa lớn hai vợ chồng và đứa con nhỏ nằm trên vũng nước. Ba tháng sau vì bị muỗi độc chích nhiều đứa bé bị nhiễm Siêu vi B tình trạng rất nguy hiểm!Em gái Hữu hận thù đi tìm Loan nhưng cô ta đã trốn biệt tăm, lo cho cha lành mạnh cô em trở về Mỹ cho Hữu biết nội tình. Hữu căm giận và ly hôn từ đó… Lại một vết thương lòng tuy muộn màng nhưng vẫn không thiếu xót xa, bởi Hữu nào có yêu Loan chẳng qua vì chữ hiếu chàng phải hy sinh cái công hàm độc thân mà bấy lâu nay chàng cố gìn giữ. Nhìn lại mình, tóc đã bạc, 50 tuổi chưa tìm được chốn an thân, tình đời nghĩ ra càng ngao ngán. Nơi chốn phồn hoa vật chất nầy chàng thấy cô độc và cô độc lạ lùng bởi biết còn tin ai nữa, sợ những người đàn bà trên đầt Mỹ để rồi gặp phải kẻ ác tâm nơi đất mẹ! Buồn như chưa bao giờ buồn, chán như chưa bao giờ chán, các con chàng lần lượt lập gia đình theo chồng đi xạ, Hữu trở về cuộc sống độc thân nơi xứ người với tâm hồn sỏi đá lạnh băng như tuyết mỗi chiều rơi rơi tản mạn trên những đồi núi xa xa…một màu trắng bạc như vôi chẳng khác chi lòng dạ con người?…Nắng đã tắt trên đồi cây ngọn cỏ, bóng hoàng hôn đang dần chiếm không gian…Hữu quên hết thời gian quanh mình chỉ còn một nhận thức duy nhất là chàng đang sống trên đất Mỹ, thế giới của xa hoa, giàu có và hiện đại… nhưng chẳng có được những tình cảm yêu thương, đùm bọc nhau như chốn quê nhà, nơi đó, mẹ hiền đang nằm lặng yên trong giấc ngủ nghìn thu…nơi đó có người cha thân yêu gầy còm, khập khểnh từng chiều ngồi trông ngóng tin con nơi vạn lý xa xôi!Hữu chợt rùng mình ứa nước mắt, phần vì khí trời buốt lạnh đêm nay, phần vì lo cho cha đang lâm trọng bệnh nơi quê nhà, không biết qua khỏi hay không? Nghĩ điều đó Hữu lo sợ vì tuổi cha đã cao, chàng đứng phắt dậy nhìn xuyên qua đại dương để mong hình dung ra dáng cha già và mái nhà thân yêu cũ… nhưng chàng có thấy gì đâu? bát ngát một màu mây trắng đục ẩn hiện trên những đồi núi ngút ngàn xa tắp chân trời! xa quá cha ơi… cả một nửa địa cầu con biết phải làm sao săn sóc cho cha, con chỉ còn biết cầu xin nơi đấng thiêng liêng ban phép nhiệm màu cho cha lành mạnh và con sẽ về thăm cha một ngày thật gần…Chàng lủi thủi bước lại chiếc xe, mở cửa bước lên rồ máy rồi lại bước xuống nhìn chiếc xe. Sang trọng quá, lịch sự quá! Có ai biết cho rằng người ngồi trong chiếc xe này đang chua chát từng cơn cho những bất hạnh của đời mình…