Trước mắt anh là chị Nhụ, một chị Nhụ đã hoàn toàn khác với những gì anh dự đoán. Ðành rằng hơn 30 năm cách xa, con người hẳn phải có sự thay đổi, nhưng có thế nào chị Nhụ gần như mất hết những nét của ngày xưa, đến nỗi tàn tạ như thế.Nhụ ngồi trên chiếc chõng tre, hai chân buông thõng trên đôi guốc mộc. Ðôi bàn chân ngày xưa anh đã có lần ước ao được nhìn mãị Giờ đây cũng đôi chân đó, nhưng đã trở thành đen đủi, da sần sùi, các móng dầy vều lên, nứt nẻ đáng sợ. Nhụ đang cúi gằm mặt xuống, chăm chú và nhẫn nhục nhìn vào chiếc quai guốc cao su thô rám đang cấn hằn các ngón chân chị. Thỉnh thoảng chị lại hơi nhúc nhích những đầu ngón chân như để máu bị đọng ở đó tan loãng ra, hay có thể là để tránh sự cấn đau của đôi quai đè chặt.Hai người vẫn chẳng nói một lời. Những tình cảm tha thướt bềnh bồng như đang lảng vảng tận nơi đâu, mỏng như một áng mây la đà hay một chiều sương lãng đãng. Anh chốc lát ngước nhìn lên, lén nhìn chị và vội sụp ngay mắt xuống. Lòng anh quặn đau vì một nỗi vuột mất anh đã đánh rơi đến nỗi cả hai phải chịu ngày naỵ Bàn tay anh di di trên đùi vải quần, thờ ơ vẽ những đường chẳng ra hình thù nào hết.Mấy lần anh định mở lời trước, nhưng vừa lấy hơi lên lại cộn cạo khó khăn. Những tiếng nói lao chao giành nhau đua đòi bật ra trước, chẳng nhường nhau mảy may, khiến anh đầy một miệng và ngộp không cất lên được. Anh thở dài để nén chúng xuống và thực khó vô cùng, chứ không thì anh đã òa lên khóc. Anh vân vê tà áo, vuốt nó không biết đến mấy lượt, vẫn giữ im.Ðột ngột, chị Nhụ bẻ gẫy sự nặng nề đang gặm nhấm giữa hai người: dạo ấy, vui, Thanh nhỉ. Chủ nhật nào Thanh cũng về làng Hoa, hai đứa rủ nhau trèo lên cây khế, kể đủ mọi chuyện. Thanh là người Hà Nội, làm gì chẳng có điều hay sự lạ để nói cho Nhụ nghe, còn Nhụ thì cứ lắng trái tim, như đứa bé ngồi yên được bà kể chuyện cổ tích. Vậy mà… chị Nhụ thở dài, anh nghe chợt thấy như chị đang sụt sịt. Những vòng tròn dĩ vãng bị khuấy động bung ra ào ạt. Tựa như có miễng sành vừa bị lia xuống mặt ao hồ làm cho nước chòng chành vỡ tóe ra. Anh nhớ lại cây khế, nhớ lại những buổi trưa, nhớ lại rành rọt từng thứ một, từ cái cành giang lòe xòe trên mặt hồ, đến những miếng khế chín bị chim ăn, hai người tiếc, lược bỏ những chỗ nát quăng xuống nước. Chính những vụn khế đó làm cho bóng hồ bị đập vỡ và các vòng âm ba của nước đã loang loang như lúc này.Chị Nhụ nhắc chừng anh: Thanh nói gì đi chứ, chả lẽ gặp lại nhau để im lặng mãi sao. Anh xòe lòng bàn tay thật rộng che kín khuôn mặt, ngập ngừng một lúc, xong bắt đầu vuốt dài xuống mũi, xoa quanh cằm, vuốt vùng cổ và thở dài, cái thở dài bát ngát không thôi. Nhụ lại giục lần nữa: Anh nói đi chứ. Bấy giờ Thanh chỉ hắt ra được một lời: tại sao dạo ấy Nhụ không đị Anh định nói thêm nhiều lời, nhiều câu hỏi khác nữa, song những nôn nao lúc đầu đã lả tả rơi rụng hết, chữ nào, lời nào còn sót thì đã đặc quánh lại như nhựa đường đông nguội lấp kín hết cổ họng anh. Ðến lượt Nhụ lại thở dài. Bàn tay khô rang sờ lên mái tóc cứng. Nhụ vuốt liên tục, chừng muốn xua đuổi chất bẩn dơ, dính dớp gì trên đó. Hai vai chị bắt đầu rung rung, co quắp như người ốm dậy, mặt cúi gằm xuống, lều phều những tiếng lơ đãng lướt bay ra: Thanh cứ xỉ vả Nhụ nữa đi, cho hả giận. Nhưng mà…làm sao được, dường như đó là số mệnh đã định vậỵ Chỉ có thế, thôi không nói nữa, cái im ắng bung rộng ra, ôm tròn cả hai người, khiến người ta có thể nghe rõ tiếng con mọt đang nghiến rạo rạo nơi nan chõng.Thanh đứng lên bước tới bước lui, ý muốn bứt tung những vướng víu tình cảm đang bóp cổ anh ứ nghẹn. Anh muốn hùng hổ hài tội Nhụ. Anh thực sự đau lòng vì sự chăm chú lo lắng của anh đã bị khước từ uổng phí đị Anh cáu tiết nói với cô: Nhụ biết chứ, đang lúc Hà Nội ồn ào lên vì chuyện đi ở thì anh đã về tận làng rủ Nhụ đi, Nhụ hứa, Nhụ hẹn sẽ sắp xếp rồi đị Thế mà ngày chia tay, Nhụ hoàn toàn biệt tích.Anh còn định nói mắc mỏ nhiều hơn nữa, nhưng thấy Nhụ đã cong người xuống như muốn gục. Hai vai rung mạnh như lên cơn sốt, anh thấy không nỡ. Lòng anh ấm ức dập dồn, mắt anh lóe sáng lên, anh quay cuồng như con thú bị vây hãm. Chị Nhụ nức lên từng hồi, tiếng thút thít như cố kềm giữ trong miệng, không cho nổ bung ra. Chị co rúm như con sâu lông bị người đặt chân lên đạp giữ. Anh bỗng thấy bối rối, nhào vào ôm lấy Nhụ, miệng rối rít van lơn: tôi xin lỗi, Nhụ đừng tủi nữa. Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi.Chị Nhụ nép vào anh, vẫn còn run. Chị có vẻ sợ ánh sáng chói lòa quây bủa chị. Người chị vô cùng thiểu não, chị lí nhí nói: Thanh cứ trách Nhụ đi, Nhụ đáng tội lắm. Xen kẽ là những tiếng thở dài. Trời ngưng bặt gió, oi bức lạ thường, những hơi nóng lung linh bốc rần rần như tấm màn nước. Trước mắt Thanh, nhánh khế gie ra hồ, hai chị em đang ngồi buổi trưa trên đó. Chị Nhụ vói hái quả khế chín đỏ, đã bị chim ăn một nửa, vạt chỗ nẫu rồi trao cho Thanh: ăn đi, Thanh. Khế ngọt lắm, quả nào chim chọn ăn thường chín nẫu. Thanh nhón lấy quả khế, chị Nhụ chao người phủi lia lịa. Chị la lên nhoi nhói: kiến, kiến bò vào người Nhụ. Chị rối rít lấy hai tay giũ vạt áo, luồn vào trong đập loạn xạ lên. Thanh vứt miếng khế xuống hồ, giúp Nhụ tìm con kiến quái ác. Chị Nhụ tốc cả áo lên, chiếc yếm vải ôm tròn khuôn ngực. Chị lấy tay gãi chỗ thịt phồng lên dưới chiếc yếm. Thanh lính quính muốn giúp mà ngại, chị Nhụ hối anh: Thanh xem giúp con kiến có ở đó không, sao nó cắn nhói quá. Bàn tay anh run lên. Nhụ lại giục thêm. Ðó là lần đầu Thanh chạm vào chỗ tế nhị của Nhụ, cái cảm giác bâng khuâng đó ám ảnh anh mãi mãi. Anh cứ nhớ chiếc khuy trai nho nhỏ cột giữ bầu ngực Nhụ mà lần đó Thanh đã phải nâng lên để bắt con kiến ác ôn. Sự đụng chạm khiến cả hai tẽn tò nhè nhẹ, sau này Thanh dù có thừa nhận tình yêu Nhụ vẫn gạt phăng đi. Lại một lần về tắm hồ, mải lo vẫy vùng giữa trưa nắng, Thanh bị cảm, xổ mũi, Nhụ đã quính quáng lo cạo gió và nấu nước xông cho anh. Bệnh không nặng, nhưng được Nhụ lo toan, anh đã làm cho nó nặng lên. Anh ước ao nếu có thể nằm liệt giường càng tốt. Chị Nhụ chạy ra chạy vào giục thuốc thang, hỏi han. Thanh rên lên như bị sốt rét, đắp mấy tấm chăn vẫn than lạnh. Chị Nhụ phải ôm giữ lấy anh cho đỡ run. Hơi thở Nhụ phả vào mặt anh ngây ngất. Anh nhắm mắt lại mà khư khư giữ lấy Nhụ bên mình. Khuôn ngực Nhụ ịn lên người anh, một sự mềm mại vô cùng thích thú. Thế mà anh hẹn hò về đón, Nhụ lại không đi. Cô còn dối anh về Hà Nội đi rồi cô sẽ theo anh. Anh chờ ngày một ngày hai, thời gian hết hạn đã gần dứt, bóng Nhụ vẫn bặt tăm. Hà Nội vắng dần, ai có tài sản đều đã bán đổ bán tháo và xuôi Phòng, người còn lại dáo dác như gà lạc mẹ. Những cửa hàng đóng kín, hoặc mua bán uể oải, đài Con Én phát đi chuệch choạc. Người ta bắt đầu nghe những bài hát than về Hà Nội “ Hà Nội ơi, nhớ ngày lưu luyến ra đi, thôi đành còn có mong chi…” vô cùng não nuột. Học sinh Chu Văn An, Nguyễn Trãi phá đập bàn ghế, cửa bảng và vứt tung sách vở bỏ về. Gái Trưng Vương có vẻ kín tiếng dịu dàng hơn, nhưng vẫn phân vân, mở mắt tròn xoe hỏi nhau: đi hay ở. Gánh phở Tư Lùn vẫn còm cõi bu quanh khuôn viên bên ngoài trường học, lắm cậu ăn văng mạng khiến chủ gánh phở lo toan. Ông Tư đã van xin các cậu cố thanh toán cho xong trước khi có định di cư không đã.Thanh lồng lộn vì bặt tin Nhụ, lúc nào cũng như có mớ lửa đốt hừng hực trong người. Anh đưa mắt dõi về khu làng Hoa, ước ao bất chợt bóng Nhụ hiện ra như đã hẹn. Tuần đầu, tuần sau, bóng hình Nhụ vẫn biền biệt. Có lúc Thanh rất giận Nhụ, ước lượng nếu gặp, anh có thể bợp cho cô một cái, để cô chừa thói đỏng đảnh bắt anh mong. Bây giờ, ngồi cạnh Nhụ, bao nhiêu giận hờn tan biến mất. Chẳng những thế, anh còn rất thương tội cô. Những ngày cách xa dài dằng dặc đã khiến anh tan loãng đi dỗi buồn. Nhụ bây giờ chẳng khác một mớ giẻ rách dập dềnh bên chiếc chõng. Ngôi nhà ở làng Hoa cũng đã phải giao cho người ta từ sau ngày Hà Nội đổi chủ. Người thành phố phần lớn bị giãn đi, thảy về mọi miền quê xa lơ xa lắc.Rồi Nhụ đã trải qua bao đoạn đời chìm nổi, tham gia mọi giai đoạn phiêu linh. Gia nhập đoàn quân tải thồ vào chiến trường Gio Linh, Cửa Viêt, vượt Trường Sơn xuôi B. Cùng đám thiếu nữ đồng tuổi, đói ăn, khát uống, bị đạn pháo dập vùi, bom bi chặn đánh, vực xe đổ, phục cầu sập, lúc nào cũng bâng khuâng nhớ nhà và lo không còn sống sót. Nhụ kể với anh những bữa cơm giữa rừng già chưa kịp ăn đã chạy máy bay hoảng hốt. Rồi ngỡ ngàng khi nhìn đồng đội chết vắt vẻo trên nhánh cây hay chúi đầu trong vũng nước. Nhụ còn nhắc những đêm sốt rét nằm lại bên đường, bị đoàn bỏ rơi để tiếp tục vào B cho kịp, nghe xa xa tiếng hổ gầm à uôm, hay lảng vảng gặp bóng ma chập chờn trong bóng tối. Nhụ cũng chẳng dấu đêm rừng già chợt thấy lại Hà Nội dáng cảo thơm, đèn lung linh dưới phố, bóng mẹ già còm cõi trông con, và cả Thanh lúc này trong Nam đang làm gì, ra sao? Bao lần mắt Thanh mờ bóng nước, lệ chảy dòng dòng khi nghe Nhụ nhẩn nha giọng kể. Anh muốn gục vào lòng cô để nói một lời tha thiết cám ơn. Ðời anh cũng nào kém phong ba bão táp. Nỗi nhớ nhung chất chứa ngất trời, hòa với lo toan người yêu lúc này ở đâu. Những ngày vào quân ngũ dẫn lính tráng hành quân, đôi khi anh chợt giật mình nếu bỗng gặp nhau giữa trận tiền bỡ ngỡ, anh sẽ làm gì khi nhận ra Nhụ của anh. Ôi, chiến tranh đã giam nhốt mọi người vào chém giết: cha chạm trán con, anh đụng trận em, người bên này giết giống dòng mình bên ấỵ Những đêm đồn bị vây, nghe tiếng pháo 122, 130 vù vù trên đầu, sặc mùi khét của cây cháy, thây người, anh thấy nhòe đi ngày sống sót.Chiến tranh lui, Nhụ chưa biết sao thì anh vội vào trại. Một năm, hai năm, ba năm giam cuộc đời trong vòng kẽm gai, bị chửi mắng, bụng thiếu ăn, sức lực tàn, trả món nợ hận thù nhau không dứt. Nhiều bạn tù đã ra đi, mộ chôn ngoài xẻo rừng cạnh trại. Vợ con lên thăm bùi ngùi khóc thảm, không được ra chỗ mộ chôn chồng, ngậm ngùi trở về với cõi lòng héo hắt. Ngày được về sum họp, anh thấy lạ hoắc với thành phố của anh, ai cũng ngơ ngác vì đổi thay lột xác. Có nhiều bà vợ bỏ chồng lấy người chiến thắng, có nhiều nhà bỏ nước ra đi chẳng có tin về. Các trại tị nạn ồn ào tin sắp đóng cửa, nhưng người đi vẫn cứ đi vì hi vọng lòng nhân đạo sẽ vươn lên cứu vớt những người khốn khổ. Và rồi, những chuyến cưỡng bách hồi hương, những hành động tự sát mổ ruột, đốt trại, bị cảnh sát Mã, Hồng Kông đánh đập, khiêng vứt lên máy bay như những con vật. Bao xác người vùi dưới đáy biển sâu, sự hãm hiếp dài trên nước làm vỡ tan bao cuộc đời phụ nữ. Nhân loại thống thiết gào lên lời oán than đối với kẻ vô lương, táng tận May mắn sao Thanh có đủ điều kiện xin đi tị nạn. Anh nghẹn ngào bỏ xứ sở ra đi. Ngồi trên máy bay mà lòng vụn nát ra vì chẳng mong một ngày quay lại. Bước chân đi mù mịt bóng quê nhà, nghe róc rách con tim bị mũi dao khứa vào đau điếng. Còn Nhụ thì sao, liệu có sống sót sau những ngày chinh chiến. Bao năm sống trên đất nước người, lòng ngong ngóng một chuyến thăm quê để tìm gặp Nhụ, một lần, chỉ một lần thôi để mà không còn ân hận nữa. Hôm nay gặp nhau, trước mặt là một Nhụ còm cõi của một thời điêu đứng. Ôi oan gia cay đắng vô cùng. Trách ai, biết trách ai, nên cả hai đều ngậm ngùi nức nở. Thanh ngập ngừng xun xoe vuốt hai bàn tay vào nhau, ấp úng trước Nhụ. Cô len lén ngước lên ngóng đợi anh. Mãi mãi, Thanh mới cố nuốt ngụm nước bọt nghẹn ngào mà nói như hơi thở thoảng qua: Nhụ biết không, dạo ấy Thanh rất yêu Nhụ và chỉ mong được lấy Nhụ đời đời. Ai dè, Nhụ không vào Hà Nội để rồi mọi sự vỡ tan. Thanh làm sao quên được những ngày ở làng Hoa và cảm giác của buổi trưa trên cây khế. Nhụ nấc lên. Ngã chúi xuống như vừa chịu một nhát búa bổ vào sau gáỵ Nhụ vội vàng đưa tay chùi những giọt lệ lã chã rơi. Chị rít lên: Thanh nín đi, Nhụ van Thanh đừng nhắc nữa. Nhụ chết rồi, hãy quên đi. Quá khứ đã khép lại rồi, còn gì đâu để mà mơ mộng. Chúng ta già cả rồi, tuổi tác không còn là môi trường để ta dệt những vần thơ ngày trước. Thanh cũng khựng lại, ngượng ngùng, tay vân vê tà áo. Rất lâu, hai người đồng loạt đưa tay lên chùi những giọt lệ cho nhau. Nhụ dựa vào Thanh, anh cầm lấy bàn tay chị, bàn tay nhỏ nhắn đen đủi, khô rang như mo cau và ngập ngừng anh đưa lên môi hôn. Nhụ để yên không cản, trong khi Thanh chậm rãi nói câu: giờ chúng ta đều cỗi cả rồi, nhưng dẫu sao sỏi đá cũng cần có nhaụ Nhụ giúi mắt vào vai áo Thanh dấu khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Ngoài kia, nắng nhấp nháy trên bụi mẫu đơn. Mấy con bướm vẫn vô tình nhởn nhơ trong nắng.