Thế là ông đã nằm xuống. Nằm xuống vĩnh viễn.
Khi còn sống, cứ mỗi tối, sau chương trình thời sự của đài truyền hình, là ông đứng ra khỏi bàn, chậm rãi đi vào buồng ngủ. Trong đó, có một chiếc cassette kiểu cũ. Cũ những còn tốt chán, được đặt ở cái kệ nhỏ ngay đầu giường, để ông nằm nghe thông tin. Ông rất thích chương trình "Cây cao bóng cả" của đài. Khi nghe những người làm chương trình "Cây cao bóng cả" nói năng thưa gửi các cụ lễ phép, kể những câu chuyện ân tình có trên có dưới, ông cứ nở từng khúc ruột. Cứ như họ đang nói về gia đình ông vậy. Nhiều khi vừa nghe, ông vừa suy nghĩ miên man, hết về thằng cả lại đến thằng hai rồi đến đứa gái út; hết về con trai, con gái lại đến con rể, con dâu... Rồi ông mỉm cười... mãn nguyện.
Các con ông giờ đã nên người tử tế, ngoan ngoãn cả. Gớm, ai mà biết trước được, cái thằng con đầu của ông, giờ làm đến chức vụ trưởng tổ chức của một bộ quan trọng, theo đúng nghề của ông. Thằng thứ gánh chức hiệu trưởng một trường trung học phổ thông tăm tiếng. Còn đứa gái út, xưa hiền hiền là vậy, nay lại mang trên vai trọng trách của một chánh thanh tra ngành. Đấy là chưa nói đến dâu rể của ông, đều ở cái chân, ít nhất cỡ trưởng phó phòng của một cơ quan. Không có tư cách đạo đức, không giỏi chuyên môn, đố có đảm đương được những trách nhiệm đó. Đất nước rồi đây nhờ cả vào thế hệ chúng nó đấy. Thật là phúc đức quá. Cũng bõ cả đời ông lăn lộn, phấn đấu. Cũng thoả tâm nguyện ông từ thuở mười lăm, khi ông trốn nhà theo kháng chiến. Ngẫm về chúng nó, ông yên lòng lắm.
Trong lúc ông trở bệnh, bà đã gọi điện cho con cháu về. Chỉ tiếc, ông chẳng kịp gặp mặt đầy đủ các con. Không biết thằng cả với vợ chồng đứa gái út vướng gì mà chưa về để ông gặp mặt lần cuối. Còn vợ nó, ông cũng chỉ kịp đưa mắt nhìn, rồi thở hắt ra. Nhưng, ông không giận chúng. Các con ông đều hiếu đễ. Khi sống, ông ghi nhận điều đó. Chắc chắn, chúng gặp chuyện bất khả kháng. Chứ không thể có chuyện gì quan trọng hơn là chuyện ông đang sắp sửa từ giã vĩnh viễn cõi đời này. Nên, ông tha thứ cho chúng. Nên, ông yên lòng ra đi. Thanh thản!
Gã nhấp nhổm ngó nghiêng ra cửa quán. Hẹn hò cái kiểu quái gì mà giờ chưa thèm vác mặt đến. Quá nửa giờ đồng hồ rồi. Trời đổ tối cũng đã lâu. Ly cà phê gã gọi vẫn nguyên, và không còn nóng. Đã ngồi vào quán mà chẳng lẽ lại không gọi cái gì, chứ lòng dạ nào để tống vào họng cơ chứ. Nhận được điện thoại ở quê, báo bố ốm nặng, gã đã cho vợ con về từ chiều. Phần gã, còn vướng chút việc làm ăn tối nay. Gọi là việc làm ăn, nhưng mà còn hơn cả làm ăn ấy chứ. Từ ngày mới mon men có tí chức tí quyền, gã càng thấy cổ nhân nói chẳng sai bao giờ. Buôn gì cho bằng buôn... vua. Tức là buôn chức ấy mà.
Ngồi cái ghế quản lý, ở cấp nào, dù to hay bé, cũng là làm chính trị hết. Đều phải lãnh đạo cấp dưới bằng chủ trương đường lối hết. Cứ chủ trương đường lối mà nện xuống cấp dưới. Chớ có dại mà sáng tạo tối tạo cái gì. Sai đâu, cấp trên chịu. Cấp trên sát mình không chịu, thì cấp trên nữa chịu.
Nói vậy thôi, chứ chẳng có cấp nào chịu hết. Cùng lắm, tất cả ngồi lại với nhau kiểm điểm, rút kinh nghiệm, sửa sai, là xong. Chứ bao nhiêu vụ xảy hậu quả tày trời, có thằng mẹ nào bị đi tù, bị chém đầu đâu mà lo. Ngồi vào ghế quản lý, vốn đã chẳng mất, còn lãi thì cứ ào ạt tự chảy vào túi mình. Mà càng ngồi vào cái ghế cao, lãi chảy vào túi càng nhiều, càng chẳng phải động chân động tay trực tiếp vào cái khỉ mốc gì cả. Tất tần tật đã có một đội ngũ thư ký.
Cần xây dựng kế hoạch hoạt động của đơn vị ư? Có cả một đội ngũ chuyên viên cấp dưới bàn thảo, tư vấn, lên văn bản. Cần diễn văn chủ trì hội nghị ư? Có thư ký chấp bút! Cần kết luận một cuộc họp bàn thống nhất chủ trương hoạt động ư? Có thư ký chấp bút! Cần phát động phong trào thi đua nhân một dịp kỷ niệm nào đó ư? Có thư ký chấp bút!... Nghĩa là, gã chỉ cần có mặt tại cuộc họp, rút trong túi ra một tờ giấy nhỏ, và... đọc. Ngay cả đến giờ giấc, cách đi đứng, khi đến nơi này, lúc tới chỗ nọ của gã, cũng được thư ký nhắc nhở, lên thời gian biểu. Đấy là gã mới ngự toòng teng ở cái ghế cấp vụ thôi đấy nhé.
Tất nhiên, cái vụ này cũng khá nặng ký. Bởi, là vụ tổ chức. Là cái vụ có tiếng nói trọng lượng trong những dịp sắp xếp nhân sự của bộ. Rồi, người chuyển đi, kẻ ở lại bộ, đều phải qua cầu gã hết. Gã thường tâm niệm, chẳng dại gì mà sống như cha mình hồi trước. Liêm khiết ư? Chính trực ư? Thật thà ư? Thời buổi bây giờ không thể thế được. Để lúc hạ cánh về hưu, uống nước lã à? Mà có muốn sống như vậy, thiên hạ cũng chẳng để yên, chúng nó sẽ tìm cách nhuốm bùn mình là cái chắc!
Vì thế trước nay, ai đến cửa gã xin xỏ chẳng thể bằng nước bọt. Chỗ ngồi thấp thì mang theo gói nhẹ. Chỗ ngồi cao thì cắp đến gói nặng. Mà nặng nhẹ bây giờ ai người ta tính bằng trọng lượng. Có khi, chỉ cái phong bì nhẹ tênh, mà nó nặng tương đương con ôtô nửa tỉ đấy. Thế mà lại hay. Vừa gọn nhẹ, vừa kín đáo. Cũng có khi... phong bì là... cái "vốn tự có". Khi đó thì, hấp dẫn lắm.
Nhớ lần đầu tiên gã nhận "cái phong bì" đó, cũng run. Nhưng, nàng quyến rũ quá, nên gã không cưỡng lại nổi. Gái một con cũng có khác, thật đằm. Không nhơn nhơn, không trơ trẽn như mấy đứa con gái mới lớn. Nàng mất chồng đã mấy năm, rơi cảnh khó khăn, muốn được chỗ ngồi có chút thu nhập ổn định để nuôi con, thế là mang "phong bì" đến cửa gã. Thoạt đầu, gã nghĩ lợi dụng nàng đôi lần, để giải toả cơn buồn chán bà vợ sồ sề, không để tâm chuyện làm duyên. Nhưng bập vào nàng rồi, gã chẳng dứt ra được. Thế là dăm bữa nửa tháng, gã phải gặp nàng. Nhiều dịp, kiếm cớ đi công tác xa, đón nàng cùng đi. Trời, đàn bà một con không chồng, đã lắm. Lâu dần, gã đâm nghiện cái món "phở" này.
Sắp tới, trên bộ khuyết cái chân thứ trưởng. Nhiều kẻ đang mon men để tiếm chỗ, trong đó có gã. Không chạy đua nhanh thì... hỏng. Bố đang ốm nặng. Đấy là mẹ gã báo thế. Gã chắc mẩm, cụ bà chúa lo xa, nên nói quá lên. Chứ mới đầu tháng gã về, cụ ông còn chắc chắn lắm. Cho vợ con về trước là gã yên tâm rồi. Gã phải gặp bằng được tay thư ký của thủ trưởng đã. Biết đâu lại chẳng có tin vui, mai mang về quê báo cho ông cụ mừng. Ông cụ thấy con cái tấn tới, sẽ mĩ mãn lắm.
Gã không dám đến nhà hắn ta. Đến đó, lại đụng phải những kẻ cũng đang tấp tểnh như gã thì sao. Mà cũng không dám mời hắn ta đến nhà mình. Cái nhà hắn to lù lù giữa phố, ai đến ai đi, tai vách mạch rừng khó tránh. Đành phải cố nì nèo hắn ta đến cái quán này vậy. Gã đã chuẩn bị phong bì. Không phải một mà là hai. Một nặng hơn, cho thủ trưởng. Một nhẹ hơn, cho hắn. Làm cái thằng thư ký loong toong thôi, nhưng những lúc nước sôi lửa bỏng như thế này, cũng có giá ra phết. Thôi đành. Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn. Rồi, nếu gã ngồi được lên ghế cao hơn, tự khắc sẽ có những kẻ khác nộp mạng.
"Anh đợi lâu chưa". Câu hỏi làm gã giật mình, ngẩng phắt lên. Tay thư ký nhe răng cười nhìn gã. Cười cái con khỉ, nóng ruột chết cha đây! Trong đầu bức bối với câu chửi thề, nhưng gã lại toét miệng, nịnh bợ: "Cũng mới mấy phút thôi".
Vừa lộn ngược chiếc váy ngủ qua đầu, thị vừa với tay lấy con Nokia tắt máy. Thế là chắc ăn. Thế là những cơn hứng tình của thị không còn bị chuông réo cắt ngang, không làm thị xẹp lép. Thị sẽ tha hồ lặn ngụp vào những đợt khoái cảm triền miên, vô tận cùng người tình. Thị nằm sóng soài xuống giường, trong tư thế của kẻ bị hành hình bằng bốn con ngựa kéo thân xác ra bốn phía thời trung cổ. Thị lim dim đôi mắt, tận hưởng luồng khí mát lạnh từ chiếc điều hoà nhiệt độ phả ra. Ngay lúc đó, một gã đàn ông lực lưỡng từ buồng tắm bước ra, đưa mắt hau háu nhìn người đàn bà. Đột ngột, gã đổ ập cả thân mình lên thị.
Thị dính với gã gần một năm trở lại đây. Gã là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn, chuyên kinh doanh thuốc tây. Công ty của gã gần đây làm ăn khấm khá. Từ một địa điểm trên con phố trung tâm, nay gã phát triển lên ngót chục cửa hiệu, rải rác nhiều nơi. Thời buổi này, dân tình ốm đau nhiều lắm. Mà ốm nhiều là phải. Khói bụi, hoá chất, nguồn nước thải, rác thải... ô nhiễm khắp nơi. Đồ ăn thức uống trên thị trường liên tục bị phát giác kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm khiến cho bệnh viện nào cũng chật cứng người đến khám chữa bệnh.
Các bác sĩ cũng tận dụng thời cơ để tăng thu nhập. Làm việc trong giờ thì hờ hững. Hết giờ hành chính, tham gia thăm khám tại các phòng bệnh tư nhân thì nhiệt tình hết công suất. Họ lại còn có cổ phần ở các công ty dược. Hoặc kiếm thu nhập khác bằng việc móc ngoặc với các hiệu thuốc bên ngoài bệnh viện, rồi kê đơn, giới thiệu người bệnh đến mua. Chung quy, thằng nào cũng tận dụng mọi thời cơ, mọi thủ đoạn để thu lợi cả. Vậy, hà cớ gì mà gã không tranh thủ kiếm chác.
Buôn kiểu này thật thảnh thơi, lại có môn bài mới hay! Môn bài của gã chính là thị. Giai đoạn nhá nhem này, chẳng đứa mẹ nào hoạt động đúng luật. Đúng luật thì chỉ có há mõm nhăn răng thôi. Phải lách. Lách bằng đủ mọi cách. Thị là chánh thanh tra ngành. Phải chuyển chánh thanh tra thành người nhà mình. Như thế, chỉ có sướng trở lên. Vậy nên, gã tìm cách thả con săn sắt. Và, gã đã bắt được... chánh thanh tra! Đúng là một con cá rô bự.
Sau vài lần đến thanh tra cơ sở gã, thị đã rụng hẳn vào đôi cánh tay vạm vỡ của gã, trở thành cái ô che chở tuyệt vời cho gã. Không những thế, thị còn giúp gã triệt phá nhiều đứa cùng ngành nghề. Còn gã. Gã được thị. Được cả những biên bản kết luận tuyệt vời bởi cung cách làm ăn đúng đắn, lành mạnh, tuân thủ pháp luật nghiêm chỉnh.
Gã và thị miên man tung hứng trong những cơn khoái tình. Sau mỗi đợt trào dâng, hai người tay trong tay lịm đi, khoan khoái. Chợt, tiếng chuông điện thoại réo liên hồi làm họ bừng tỉnh. Giọng cô gái ở bộ phận lễ tân nhẹ nhàng hỏi: "Thưa, đã chín giờ sáng. Ông bà có cần gì, xin được phục vụ". Ồ, đã qua một đêm rồi cơ à? Vậy mà anh tưởng mình mới chợp mắt. Tiếc thật, phải về rồi. "Hẹn em hôm khác nhé". - Vừa nói, gã vừa nháy mắt, không quên đặt vào tay thị chiếc phong bì cồm cộm cùng nụ cười đĩ điếm: "Em tiêu đỡ...". Thị giơ tay cầm chiếc phong bì, nguýt lại gã một cái dài, đồng loã.
Mở cửa bước vào nhà, thị thấy chồng đang ngồi ở salon, dáng bồn chồn. "Sao anh không đi làm?". "Em đi đâu đến tận giờ?". "Em đi thanh tra, đã chẳng nhắn anh là gì". "Nhưng lại còn đi qua đêm. Anh gọi di động cho em mãi. Không được".
"Chết thật! Có gì không anh? Để em xem nào. Thôi chết, máy em hết pin". "Mẹ báo, bố ốm nặng, về ngay". "Thế à? Sao anh không về trước?". "Về thế nào được. Không gọi được em, anh không dám về trước. Nhỡ em có việc gì...". "Ôi dào. Anh lo bò trắng răng. Cứ viết giấy để lại cho em".
"Nói thế mà nghe được à? Đi cứ biền biệt, không biết đường nào mà lần...". "Em đi công tác, chứ đi đâu". "Thôi, chuẩn bị nhanh về quê. Kẻo muộn...". "Ôi dào, mẹ cứ hay lo quá lên ấy mà. Để em tắm một cái. Gớm, bụi đường bẩn quá...".
Thị ngửa mặt lên vòi hoa sen. Dòng nước mát mơn man da thịt làm thị dễ chịu hẳn. Nhắm hờ đôi mắt, thị gai gai nhớ lại những đợt sóng tình dữ dội đêm qua. Bất giác, thị liên tưởng đến những cuộc chung đụng nhàn nhạt, chừng mực, theo kiểu cho nó xong đi của người chồng.
Cho dù con trai trưởng và vợ chồng đứa gái út có về muộn thì mọi sự lo lắng của tang gia cũng đã đâu vào đấy. Vì, ông bà còn cậu trai thứ công tác gần nhà, hắn đã về kịp để lo đỡ mẹ lúc cha lâm chung. Đúng là, quen lãnh đạo một trường học lớn có khác, hắn chỉ đạo, cắt đặt, phân công mọi người lo việc ma chay cứ phăm phăm.
Ngay sau khi nhận điện của mẹ, hắn lập tức tìm số điện thoại của những vị phụ huynh học sinh có máu mặt, cốt để nhờ họ giúp một tay. Nói là nhờ cho lịch sự vậy thôi. Chứ xưa nay, hắn chỉ húng hắng ho là lập tức có không ít người đặt thuốc uống vào tận tay hắn. Đừng nói đây là việc cha hắn chết. Nhất là, học sinh sắp thi cuối năm đến nơi rồi.
Cái việc nâng đỡ, vớt vát cho học sinh lên loại khá, loại giỏi để lưu học bạ, không xem nhẹ được. Kể cả việc tìm dây, tìm rợ, chuẩn bị chu đáo cho lứa các em thi tốt nghiệp tới đây nữa chứ. Nếu không có êkíp khép kín, tin cậy, chuẩn bị giải đề, tìm cách đưa bài giải vào phòng thi, làm sao mà các em tốt nghiệp trót lọt được. Tương lai của các em phụ thuộc vào những lần thi cử này. Quan trọng lắm.
Tất nhiên, các em vượt thử thách trơn tru, công của hắn to lắm chứ. Đầu tư cho con cái là những khoản không tính lãi, nhưng ai cũng mong muốn cả. Vậy nên, họ luôn tự răn rằng, không thầy đố mày làm nên. Con họ học đạt khá giỏi, thi cử trót lọt, họ sẽ chẳng tiếc hắn cái gì. Lẽ đời, hơn thua nhau là ở chuyện con cái, là tính sĩ diện của các bậc cha mẹ. Hắn hiểu điều này hơn ai hết.
Cho nên, với các vị phụ huynh học sinh, thì đây là dịp đương nhiên để được phục vụ thầy hiệu trưởng. Nghĩa tử là nghĩa tận mà! Các vị phụ huynh gánh vác hết. Bởi người chết là cha đẻ của thầy hiệu trưởng cơ mà! Còn hiệu trưởng, thầy chỉ có việc ghi tất tần tật theo thứ tự, một hai ba... vào cuốn sổ tay con, phân công các vị phụ huynh ai vào việc nấy. Cũng là một cách để thầy nhớ cái giá đền đáp thấp cao của từng vị phụ huynh học sinh, mong sau này trả nghĩa.
Sát giờ phát tang, anh con trai trưởng và vợ chồng đứa gái út của ông bà mới lần lượt về đến nhà. Ngay ở đầu ngõ, biết xảy sự trọng, đứa gái út đã khóc lăn lộn. Bởi trước đó, cụ bà chỉ thông tin cho các con là bố ốm nặng. Bà e, họ đi đường không bình tĩnh, lại xảy điều không may.
Thôi thế là ổn rồi. Dù sao chúng nó cũng đã về với ông đấy. Các con ông là những đứa ngoan ngoãn, có hiếu phải không ông? Cũng là sinh con đẻ cái, mà phúc phận mỗi người một khác. Sao lắm người khổ vì con cái thế. Còn ông và tôi, thật là mát gan mát ruột.
Những thủ tục cho người đã khuất, thằng thứ lo chu đáo lắm. Ông nhắm mắt vĩnh viễn, nhưng chắc chắn ông vẫn cảm nhận được, phải không ông. Tội thân thằng cả với con gái út, chẳng gặp được cha trước khi ông nhắm mắt. Ông đừng giận các con, tội cho chúng, nghe ông. Việc nhà việc nước chúng phải gánh ghê quá.
Hồi xưa, ông cũng phụ trách công tác tổ chức, nhưng chỉ là tổ chức của một sở. Mà cái sở ấy bé tẹo. Khác với ông, nay thằng cả nhà mình phải lo tổ chức cho hẳn một bộ, nặng nề lắm ông ạ. Mấy lại, ông thấy không, thời buổi này, đất nước phát triển, việc chọn người đặt việc quan trọng lắm, ông ạ. Không có đủ đức, đủ tài, nó không đưa vào việc đâu. Nó bảo với tôi thế ông ạ. Hôm qua, tôi không dám báo nó cái sự ông ra đi, tôi thương con còn đang dở dang việc nước. Phải để nó tĩnh tâm, làm việc cho chính xác chứ. Không có nó lại đắc tội với dân với nước. Ông đừng giận nó nghe ông.
Cái chính là khi ông còn sống, nó luôn hỏi han, chăm sóc; khi không về được thì lại cho lái xe khuân về đủ thứ để cha mẹ bồi dưỡng. Nhiều khi tôi cứ sợ nó tốn kém. Xâm phạm vào tiền lương của nó, ảnh hưởng đến cuộc sống của các cháu mình.
À, cả con gái út của chúng mình nữa. Đứa con gái duy nhất ông cưng như vàng ấy. Gớm, con gái ông gánh việc của Bao Công, ghê thế đấy ông ạ. Ông có nhớ hồi xưa, hễ bị bố mẹ mắng nhẹ là nó lăn đùng ra khóc lóc, làm nũng. Thế mà giờ, nó ho một tiếng là nhiều người phải e sợ. Ấy nhưng mà, có bao giờ nó quên chúng mình đâu. Các loại thuốc bệnh, thuốc bổ nó kìn kìn đưa về cho ông với tôi dùng. Chẳng thiếu thứ gì. Chu đáo với cha mẹ thế đấy.
Vậy nên, khi chúng nó về chịu tang ông muộn, tôi cũng chẳng buồn phiền nhiều. Dù sao cũng đã có thằng hai lo hậu sự của ông rồi. Chu đáo quá phải không ông? Chắc chắn nó ăn ở tử tế, nên thiên hạ mới hết lòng với việc của cha nó chứ. Thật là, chúng mình có phúc lớn quá. Chẳng những mình được nhờ con, mà đất nước mình có được những công dân như chúng nó, chẳng mấy sẽ giàu mạnh, ông nhỉ?
Chúng mình sẽ chẳng bao giờ phải hổ thẹn vì đã sinh ra các con. Ông cứ yên lòng ra đi, phần tôi đã có các con ngoan ngoãn chăm sóc, lo lắng những ngày cuối đời. Ông xuống đó, đợi đón tôi nhé.
Cứ vậy, bà ngồi bên lĩnh cữu người đã khuất ngẫm nghĩ, có lúc thầm thì kể lể. Ngắm ông qua tấm kính che, bà cảm nhận khuôn mặt chồng toát lên nét thanh thản vô cùng. Như khi ông còn sống, luôn luôn tự hào về cuộc đời mình và tự hào về các con ông, tất cả đều là những đứa có đức có tài...

Xem Tiếp: ----