Dù sống dù chết, chung quanh mình có được lân bang láng giềng tử tế là điều đại phúc. Do vậy tôi vẫn mừng thầm. Số mình không may mắn lúc sống, ắt khi chết phải khác. Từ ngày ra nhập tịch nghĩa địa xóm Chùa tôi được sống trong cảnh chan hòa tình người, tối lửa tắt trăng có nhau vui vẻ. Tôi nằm ở mẩu đất đầu cùng nghĩa địa. Hàng xóm phía tay phải tôi là lão Hớn, ông lão về đây đúng hôm rằm trung thu, sau tôi hai tháng. Phía trái, cụ Bạch mù. Phía trên đầu tôi anh trung sĩ Tạo, thuộc diện dân cư lớp trước, sắp được kỳ giỗ thứ hai. Ba chúng tôi sống rất hòa thuận, phải đạo. Tôi vẫn có ý chờ xem người hàng xóm thứ tư, người nằm hàng dưới chân tôi sẽ ra sao. Hãi nhất lọt vào khu vực này một ông thích triết lý vặt. Loại ấy đáng sợ hơn loại sinh thời nghiện món Karaôkê. Thì hôm qua đám phu đào huyệt xóm Chùa đã hì hục đào một cái huyệt vượt hẳn quy cách thông thường, ngay dưới chân mộ tôi, cho vị hàng xóm thứ tư đấy. Tôi giỏng tai nghe lỏm tin tức sốt dẻo về hắn. Nhưng bực quá, những người phu đào huyệt cũng không biết mấy tí. - Lão này nghe đâu họ hàng mụ hai Đá. Mụ ấy đứng ra thu xếp xin cho lão được chôn ở đây. - Đã nộp các khoản cho Hội bảo thọ và Ban quản lý nghĩa trang chưa? - Không rõ. - Các ông làm ăn như… Phải bảo gia đình họ dành khoản tiền thuốc nước đưa riêng tổ đào huyệt chứ. Mẹ khỉ, thôi, sâu đủ rồi. - Ông ơi, hôm qua anh con giai nhà này đã có lời với tôi, nhờ đào sâu rộng hơn bình thường một chút, vì quan tài bằng kính. Anh ta hứa ngày mai đưa đám về sẽ có khoản thù lao riêng. - Sao bây giờ ông mới nói? Làm ăn kiểu gì vậy? Cứ thế họ cãi nhau tới tận lúc đào xong huyệt, ra về. Từng ấy cứ liệu chỉ đủ cho tôi hình dung nét cơ bản vị hàng xóm mới: Ông này do có họ với bà hai Đá xóm Chùa nên được về nằm đây, thuộc diện dân ngụ cư giống tôi, không phải dân bản địa. Điểm đặc biệt, quan trọng: Chắc ông ta chức tước to lắm mới được nằm quan tài kính. Thứ ấy đâu phải dành cho các phó thường dân. Chuyện cái quan tài kính chẳng mấy chốc loang ra khắp khu nghĩa địa, thành một tin thời sự giật gân. Chức tước đến mức được dùng quan tài kính sẽ có tiêu chuẩn nằm Mai Dịch, sao lại về đây? Nếu do nguyện vọng gửi gắm nắm xương tàn nơi quê cha đất tổ, chính quyền địa phương tất phải đón rước linh đình, tổ đào huyệt phải được huấn thị chu đáo, có đâu chờ khoản thuốc nước đến nỗi cãi nhau? Vậy ông ta là ai? Tất thảy họ hàng quen biết mụ hai Đá dưới này đều được dò hỏi, nhưng ai cũng mù tịt. Bởi thế người ta càng háo hức. Người đoán già, kẻ đoán non, rồi đi đến nhất trí: Ông ma mới thuộc diện không bình thường. Gần tầm trưa nay dân cư khu nghĩa địa chúng tôi xôn xao choáng váng khi nhà đám về. Cứ ngỡ to lắm, rầm rĩ lắm, ai dè chúng tôi chưng hửng thấy chỉ có một ô tô đưa linh cữu, chỉ một người con trai duy nhất thỉnh thoảng thảm thiết khóc rống lên: “Bố ơi, ới bố ơi…”, cùng vài tiếng chân bà con họ hàng đưa đám. Một kiểu đám ma lặng lẽ của dân nghèo thành thị, không kèn, không trống, không điếu văn. Ngược lại có rất nhiều tiếng xì xào xuýt xoa của đám trẻ chăn trâu kéo nhau xem đám tang. - úi giời, quan tài bằng kính thật chúng bay ạ. Nhìn rõ cả xác nữa kìa. - Thiếu tướng đấy. Gớm, lắm huân chương nhỉ? - Ông này diện oách ghê, có cả gậy chống bịt bạc. Chừng non một giờ sau đám tang kết thúc. Tôi theo dõi tiếng chân họ ra ô tô. Cái ô tô chuyển bánh về hướng thành phố. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Giờ chỉ còn việc đợi đêm xuống sẽ rõ. Thời gian hôm nay bỗng trở nên dài dặc không sao chịu nổi. Chúng tôi đếm từng giây, lắng nghe hơi nóng ban ngày xem lúc nào hạ xuống. Ai cũng mường tượng mặt trời đỏ ối đang rơi gượng nhẹ vào đồi cây phía trước. Rì rầm mơ hồ dưới lòng đất là tiếng kháo chuyện của mấy mụ đàn bà. Dù là người hay ma họ cũng không bớt được tính hóng hớt. Sự việc đêm nay với họ chắc vui hơn hội. Khi tiếng cú rúc lướt êm trên mặt cỏ nhuốm sương chiều, trời chưa kịp tối hẳn, cả khu nghĩa địa đã rình rịch. Không ai còn nhịn được. Tiếng gõ vách áo quan gọi nhau nổi lên ào ào. Con ma ngỗ nghịch nào đằng cuối nghĩa địa hứng chí cất tiếng hú “ư…u…” kéo dài bất tận trong lòng đất. Nửa giờ nữa mới được phép lên khỏi mồ, sao đã cuồng cả vậy? Cũng không nên trách chúng tôi. Nếu không có những sự cố như đêm nay cuộc sống ngoài nghĩa địa sẽ buồn tẻ lắm. Quanh đi quẩn lại chỉ mấy vụ kiện tụng truyền kiếp, mấy con ma hiếu sự khư khư ôm mối hận cũ rích thở than, vài cặp vợ chồng kiên quyết ly hôn, bới móc nhau những chuyện từ đời tám hoánh. May sao thi thoảng lại có một đầu ma mới về đây để cuộc sống thêm rôm rả. Thường thường ma mới sẽ bị làm tình làm tội vài đêm đầu. Người ta lục vấn lý lịch nếu hắn thuộc diện ngụ cư, người ta hỏi thăm tin tức con cháu chòm xóm nếu là dân bản địa. Ai cúng muốn biết tình hình thời sự quốc tế, anh chàng ét en giê(SNG), đến tình hình bệnh dịch si đa… Ma mới còn phải ra mắt thổ thần, thổ địa. Họ đã cách mạng hóa dưới cái tên: Ông quản trị hành chính khu nghĩa địa, ông cán bộ tổ chức, ông cán bộ hộ khẩu. Số của nả mang theo ma mới phải biếu xén các chức sắc, khao đãi lân bang hàng xóm… Sau vài đêm ma mới trắng tay, được xét chính thức diện dân cư nghĩa địa. Ma cũ bắt nạt ma mới có nghĩa là thế. Khi cú rúc lần thứ hai, không người nào nằm rốn được nữa. Tiếng lao xao nổi dần lên mặt đất. Bên nhà lão Hớn, lão Bạch mù, anh chàng Tạo đều đã có tiếng mở cửa cành cạch. - Dậy thôi ông giáo ơi. Đến giờ rồi đới. Lão Hớn gọi tôi ngay bên trên nóc, có ý cho cả lão ma mới nghe tiếng. - Vâng, tôi lên ngay đây. Tuy vậy tôi vẫn nán chờ thêm ít phút. Nếu người ta thuộc hàng quan chức cao cấp nhà nước, hãy để các ông chức sắc đón tiếp, gặp gỡ. Anh tiếp xúc trước họ, họ lại cho anh muốn vượt mặt, sinh lôi thôi. - Ra đi chứ anh giáo! Giọng trung sĩ Tạo bừng bực rồi. Tôi đành mở cửa nắp áo quan bước lên. Anh Tạo ít tuổi hơn tôi nhưng thuộc hàng “cũ” hơn, tôi buộc phải nể mặt. Trăng mới nhú. Khung cảnh nhuốm màu bàng bạc. Nhấp nhô trên mỗi ngôi mả từng đầu ma ngồi giãi thẻ, vươn vai vặn mình cho đỡ mỏi. Mươi cái bóng khoác lân tinh chạy tới chạy lui chập chờn. Ai chưa quen mắt nhìn chúng tôi dễ phát khiếp. Nhưng cư dân nghĩa địa nhìn nhau không chỉ thấy có khung xương trắng hếu, họ thấy cả hình hài nhau thuở sinh thời, mắt người trần chẳng bao giờ nhận ra. Lão Hớn vỗ vai tôi, nhe răng cười. Tóc lão hôm nay đã bợt ra từng mảng lớn. - ấm bụi rồi nhỉ? Đủ cỗ bốn anh. Này, có cả huân chương kháng chiến hạng nhất nữa nhé. Ái dà, tay này lạ lắm. Đêm nay khối chuyện hấp dẫn. Chúng tôi chưa kịp hàn huyên đã thấy đám chức sắc từ xa kéo tới. Vẫn ba ông thổ thần thổ địa cải tiến mọi hôm. Không biết họ thuộc chính thể nào, do dẫn cử hay ai cử, nhưng họ vẫn tồn tại lâu lắm và không một ai dám chất vấn họ. Ba vị ma oai quyền ấy đêm nay lên sống áo trịnh trọng. Ông quản trị hành chính khu dẫn đầu, khua những đốt xương lốc cốc hơi ồn ào để tăng vẻ quan cách. Theo sau ba ông cả đàn cả đống ma lặng lẽ bám sát thành một khối đông nghịt, óng ánh phát sáng. Anh trung sĩ Tạo thu vội những vạt quần áo rách tươm, dẹp lối cho họ, rồi đứng thẳng đuỗn theo tư thế quân sự. - Báo cáo, em chào các thủ trưởng. Tôi, lão Hớn, lão Bạch ngồi nép vào nhau. Trong lúc vội vã tôi đã đụng rơi mất cái răng cửa của lão Bạch mù. Lão càu nhàu: “Lát nữa ông phải tìm giả lão đấy”. Tôi bấm vội cho lão im đi. - Chúng tôi mời… e hèm… xin kính mời đồng chí lên chơi thăm anh em. Ông quản lý lý lịch dè dặt ngọt ngào nói vọng xuống ngôi mộ phủ đầy hoa. Im lặng.Tôi rợn sọ não. Cư dân khu nghĩa địa chưa từng được nghe giọng mời ngọt ngào lịch sự như thế bao giờ. Ông lý lịch xưa rày chỉ gõ gõ đốt xương bàn chân lên trốc mộ mà hạch con ma mới, bắt lên trình diện. Thường thì những con ma mới không đợi mời mọc. Ngay đêm đầu tiên họ sẽ náo nức nhảy bổ ra khỏi quan tài sớm nhất, tay bắt mặt mừng với bà con họ tộc đã lâu nay âm dương xa cách. Trông họ hớn hở cười nói chẳng khác những kẻ bị lưu đày xa xôi nay mới trở về quê mẹ. Sau đó họ tự đến trình diện đám chức sắc, mang theo quà cáp biếu xén, không đợi phải gọi. - Xin đồng chí chiếu cố lên gặp gỡ anh em vài phút. Kể ra… nếu đồng chí còn mệt cũng xin cho chúng tôi biết để khỏi quấy quả. Đồng chí tha lỗi cho chúng tôi vì chưa biết được quý danh. Chút nữa tôi phì cười. Ông quản lý hộ khẩu tính tình hách dịch nhất đám chức sắc, bữa nay giở giọng uốn éo khúm núm nghe thật khó vào. Chẳng thà lão cứ quát tháo như mọi bận. Cả nghĩa địa im phắc nín thở trừ đám dế vô tư. Sau vài giây mới nghe từ dưới tầng hoa vọng lên tiếng rên rỉ yếu ớt. - Ừ hưm… A hưm… Mọi người xì xào. Ông quản lý hộ khẩu lừ hai hốc mắt tứ phía. Tức thì im bặt. Một lần nữa ông ta lại cất giọng nài nỉ. - Kính mời đồng chí… mời thủ trưởng lên gặp gỡ bà con. Xin thông cảm vì… Những cánh hoa trên mộ bỗng rung động, rồi xuất hiện một thể xác lừng lững, cao đến mét bẩy, đóng khung trong bộ quân phục cấp tướng, huân chương đầy ngực, chống cái gậy có cán bịt bạc, thật oai phong lẫm lẫm quá chừng. Cư dân nghĩa địa một phen lác mắt. Chỉ thiếu nước nhảy cẫng tung hô. Thách nghĩa địa hàng xã có ông tướng oách như vậy đấy. Lại còn “xịn” nguyên xi nhé. Tuy nhiên tôi ở quá gần nên không chỉ bị choáng bởi vẻ bề ngoài của vị tướng. Tôi buộc phải chú ý đến bộ mặt ngài ngơ ngác, vẻ lúng túng sợ hãi, sự loay hoay không biết ngồi đâu đứng đâu lẫn ánh mắt lấm lét nhìn ngó mọi người. Quái thật, các ông tướng lúc sống ông nào cũng hét ra lửa, động nói đã trợn mắt, chả lẽ lúc chết lại kém thế? - Báo cáo thiếu tướng, tôi trung sĩ Đàm Xuân Tạo, thuộc binh chủng phòng không không quân, hiện có mặt tại đây, xin ra mắt thiếu tướng! Tiếng hô dõng dạc của Tạo đã khiến ngài thiếu tướng hoảng hồn, ngã bệt xuống vòng hoa trốc mộ cả người run bắn. Ơ hay nhỉ, trông ngài ngồi ngay cán tàn giữa vòng hoa đang héo rũ mới ngộ chứ. Ngài nhìn sững anh trung sĩ Tạo, miệng há hốc. Quả tình thấy một bộ xương lêu đêu rập gót chào, ai chẳng hãi đến bạt vía. Ông quản trị hành chính liền ném khúc xương tay đánh bốp vào sọ trung sĩ Tạo, nghiêm giọng: - Dẹp đã. Ai cho phép ra mắt vô tổ chức? Thủ trưởng chưa tiếp khách cá nhân lúc này. Để yên người ta làm việc. - Báo cáo rõ! Tạo lướt biến vào giữa lão Hớn với tôi. Tấm khung xương sườn của anh chạm phải tôi phập phồng run run. Tôi bỗng thương hại tạo. Đã bảo thấy những người sang trọng cố gắng tránh cho thật xa. - Kính thưa thủ trưởng, dân cư nghĩa địa Xóm Chùa xin nhiệt liệt chào mừng thủ trưởng! Ông quản lý hành chính hô to. Mọi người đồng thanh hô theo. Hai mắt vị tướng giương lên kinh hãi hơn. Khi đám đông chập chờn nhảy múa vờn vã tiến đến gần, ngài bỗng đưa hai tay ôm lấy mặt. - Im lặng! Im lặng! Ông quản lý hộ khẩu bay lên khỏi mặt đất nửa mét, huơ mảnh áo liệm trắng tinh, phất phất ra hiệu. Khối quần chúng lập tức im phắc. Chúng tôi xưa nay sống rất kỷ luật. Ông quản lý hộ khẩu quay lại cười hị hị. - Thưa thủ trưởng, xin đồng chí bình tĩnh. Nói chung dẫn cư chúng tôi ở đây đều rất tốt, nhiệt tình nhưng chưa được tâm lý, có thể đồng chí chưa quen lắm… Xin hân hạnh được tự giới thiệu: ba chúng tôi đây đại diện chính quyền, chúng tôi đến để xin đồng chí cho phép làm thủ tục nhập cảnh. - Thưa vâng… thật là hân hạnh… Bấy giờ ngài thiếu tướng mới lí nhí đáp lời ông quản lý hộ khẩu. Đêm trở nên đen loãng, tĩnh mịch lạ thường, do một đám mây lướt qua mặt trăng. Ai cũng cố giữ cho các khớp khỏi kêu lục cục, sợ thất thố. - Xin thủ trưởng cho biết quý danh. - Tôi ạ? Thưa tôi là Dương Đức Lâm. Giọng ngài thiếu tướng khúm núm sợ sệt. Lão Hớn ghé tai tôi thì thào: “ Ra tướng soái về đến nghĩa địa cũng tan cả khí phách nhỉ?” - Báo cáo thiếu tướng Dương Đức Lâm… - ấy chết, ông đừng lầm. Tôi là Dương Đức Lâm thợ điện bậc ba về hưu. Ngài hốt hoảng cắt lời ông hộ khẩu, cải chính. Tất cả chúng tôi đều như bị điện giật. - Thưa… Sao lại… sao lại thợ điện bậc ba ạ? - Chả là quần áo, mũ mãng người ta mặc nhầm cho tôi. Tôi tên thực là Dương Đức Lâm, thợ điện bậc ba về hưu. Những thứ này… chẳng qua do sự nhầm lẫn trong lúc mai táng. - Thưa thủ… Chắc đồng chí muốn đùa chúng tôi đấy chứ? Ông quản lý hành chính rụt rè hỏi lại. Ngài ma mới còn rụt rè hơn. - Chết nỗi, tôi đâu dám đùa. Rõ khổ quá, xin các ông tin tôi. Đâu phải tôi định tâm loè bịp đùa cợt ai. Duyên do khâu nhà xác lộn xộn quá. Trong khối ma phía sau bỗng rộ lên tiếng cười sằng sặc. - Vậy còn quan tài kính thì sao? - Thưa cũng thế. Tất cả đều của ông thiếu tướng Quách văn Thanh. Đây, các ông nhìn xem, cây gậy khắc tên ông ta, trong túi áo quân phục còn sót cái giấy mời họp của Bộ tư lệnh. Ông quản lý hộ khẩu thận trong xem xét tờ giấy mời họp đã nhầu nát. Hai vị chức sắc kia chuyền tay cây gậy bịt bạc để đọc dòng chữ khắc trên cán. Sau đó họ chụm vào nhau hội ý rất lâu. Rồi ông hộ khẩu lại hỏi. - Vậy có gì chứng minh ông là Dương Đức Lâm, thợ điện bậc ba? Ông hộ khẩu đã đổi sang giọng hạch hỏi. Trước mắt chúng tôi cũng không còn vị thiếu tướng lung linh hào quang nữa, chỉ còn một lão ma mới, lý lịch mờ ám. Làm sao lão chứng minh được mình đích thực Dương Đức Lâm, thợ điện bậc ba về hưu? Chợt ông quản trị hành chính nảy ra sáng kiến. Ông quay về phía đám đông dõng dạc hỏi: - Ai nội ngoại thân thích của bà hai Đá xóm Chùa, hãy ra cả đây. Chừng dăm sáu con ma tách khỏi đám đông lập loè lân tinh lướt tới gần ba vị chức sắc. - Thưa chúng tôi đây ạ. - Ai quen biết ông Dương Đức Lâm này không? Một chú ma khoảng mười chín đôi mươi khép nép thưa. - Thưa bác, cháu thường được mợ hai Đá đưa ra ăn cỗ nhà ông Dương Đức Lâm ngoài tỉnh. Mợ Đá với ông Lâm con dì con già nên đi lại cũng gần. - Mày nhìn kỹ xem có phải ông Lâm đây không? Chú ma trẻ lượn quanh lão ma mới hai vòng. Chúng tôi thấy thần kinh căng như dây đàn. Im lặng đến mức nghe rõ mấy hạt sương rơi lộp bộp trên nhành tầm xuân. - Ôi cậu Tuyên… Nếu phải cậu Tuyên xin hãy nhận thực giúp tôi. Lão ma mới lắp bắp, giơ cả hai tay về phía chú ma trẻ van vỉ. Nhưng dường như chú sợ sệt điều gì, lượn ra xa, né tránh lời cầu cạnh ấy. - Thế nào? Ông lý lịch sốt ruột túm lấy cổ chú ma trẻ quát hỏi. Chú ta lúng túng trả lời. - Thưa đồng chí thủ trưởng, em nhìn mặt ông ấy có nhiều nét giống ông Lâm. Nhưng em… - Cậu có dám cam đoan là ông Lâm đấy không? - Nhưng em không dám cam đoan… lão ma mới bật đứng dậy, cuống quýt nói liền một hơi: - Này cậu Tuyên, đừng có lối giết người không dao thế. Không phải tôi thì ai biết cậu mò vào buồng con Hằng nhà tôi lúc nó ngủ trưa, bị tôi tạt tai cho một cái hở? Chú ma trẻ như bị chạm tự ái cũng nổi đoá quát lại. - Ông đểu vừa vừa chứ. Chính ông cũng biết lần ấy Hằng hẹn hò tôi. Chẳng qua ông chê tôi nghèo, ông ngăn cấm chia rẽ chúng tôi, ép con gái ông lấy chồng Việt Kiều, đến nỗi tôi uất ức chết oan chết uổng. Hu…hu… chính lão Lâm đó. Tôi đã thề không đội trời chung với lão… Không còn gì nghi ngờ nữa nhé. Rành rành lão ma mới đã cho mọi người “ăn” quả lừa. Cái tội lão để chúng tôi hồi hộp bàn tán suốt hai ngày không thể tha thứ. Nỗi tẽn chuyển thành căm phẫn. Chúng tôi giậm chân, la hét, chửi rủa. - Ê, lão không biết ngượng sao, thiếu tướng rởm? - Đồ lừa bịp! - Giời ôi, còn quan tài kính nữa chứ. - Tống cổ lão khỏi đây đi. Ông hộ khẩu phải quát lên. - Im đi. Ai khiến các người tham gia xử lý? Để chúng tôi làm việc. Ba ông chức sắc chụm đầu hội ý lần thứ hai. Một lát ông lý lịch cao giọng tuyên bố: - Này ông Lâm, hiện thời chúng tôi chưa quyết định điều gì cả. Ông hãy nhờ ông giáo kia - ông ta chỉ vào tôi - làm ngay hộ một bản tường trình sự việc nhầm lẫn để chúng tôi xét. Hiểu chưa? - Thưa vâng. Ông hộ khẩu trót thưa gửi lúc đầu, chưa tìm được cớ gì để cáu, nên trước lúc quay đi ông chỉ mặt lão ma mới đe dọa. - Khai cho đúng sự thật. Phát hiện chỗ nào cố tình giấu giếm đừng trách chúng tôi ác. Ba ông chức sắc kéo nhau về. Lão ma mới chưa kịp hoàn hồn đã bị vây kín xung quanh. Người ta lêu đêu, giễu cợt. Kẻ giựt áo, người giằng gậy… Lão ma mới chúi đầu vào giữa hai gối né tránh. Trung sĩ Tạo còn định đá cho lão vài đá nếu tôi không kịp giữ tay anh. Duyên do ai đã từng là ma sẽ hiểu tội loè bịp dối trá bị coi khinh nhất, bị lên án nhất. Suốt một đời trên trần dối trá bịp bợm chán chê mọi kiểu, cái chết được coi như lời ăn năn sám hối đầu tiên, thánh thiện nhất. Kẻ nào đến cái chết còn bợn mùi dối trá đê tiện, kẻ đó không được mẩu đất nghĩa địa dung thân. Làn sóng tấn công lão ma mới mỗi lúc một ào ạt. Bỗng nhiên lão ôm mặt khóc rống. Nghe tiếng khóc thảm thiết của lão tôi động lòng trắc ẩn, vội đứng ra dẹp mọi người lùi lại. - Thôi nào các vị. Làm tình làm tội lão phỏng có ích gì? Ác với nhau lúc sống chưa chán sao?Ở đây người ta rất nể tôi. Kể về giáo giới, tôi xuống đất mới nhất. Tôi dạy con cháu chắt chút họ trên trần nên được tính như một cái công lớn với họ. Họ liệt tôi vào dạng cố vấn có uy tín ở khu nghĩa địa. Thường những vụ kiện cáo bất đồng gì họ cũng tìm đến tôi. Tóm lại, nhờ tiếng nói tôi có một trọng lượng nào đấy nên đám đông đang sôi sục ồn ào đã dần dần lắng lại. Lão ma mới được thể khóc tức tưởi hơn. Tôi huých cho lão một cái, khẽ bảo: - Thôi đi, ông có nín ngay không? Lão sợ hãi nín bặt, hệt một đứa bé bị bắt nạt. Lúc ấy tôi quay ra nói với mọi người: - Theo tôi bà con hãy cân nhắc trường hợp này thận trọng. Tôi nghi là có nhầm lẫn thật. Nhắm mắt hai tay buông xuôi, lão phó mặc cho những người sống bày vẽ, lỗi đâu tại lão? Tôi được cử giúp lão viết bản tường trình, tôi sẽ hỏi han cặn kẽ, rồi thực hư ra sao, tôi xin trình lại bà con sau. Đám đông miễn cưỡng đồng ý. - Trước mắt lão cứ phải trút bỏ bộ thiếu tướng đi mượn ấy đã. Trông ngứa mắt lắm. Hoặc lão thích diện quá, xin mời lão về Mai Dịch. - Ông giáo giảng giải cặn kẽ luật lệ chúng tôi để lão biết. - Vâng. Tôi sẽ bảo lão. Thường mỗi ma mới về đây đều được giao cho một ma cũ hướng dẫn nếp sống. Như vậy họ có ý giao lão cho tôi. Bây giờ đám đông kéo nhau về khu trung tâm sinh hoạt theo thường lệ. Câu chuyện cái quan tài kính, lão thiếu tướng rởm vẫn được mọi người bàn tán mãi chưa thôi. Ba người hàng xóm của tôi cũng theo chân đám đông. Tôi do nhiệm vụ được giao, do tò mò lẫn thương hại, tôi ở lại cùng lão ma mới. Nhặt được tấm khăn liệm ai vứt vương vãi tôi ném cho lão. - Ông quẳng quách những thứ sang trọng kia đi. - Vâng. Lão líu ríu rũ bỏ bộ quân phục, khoác tấm chăn liệm, co ro ngồi xổm giữa những vòng hoa tơi tả. Lão sụt sịt nói với tôi: - Thưa ông giáo, tôi rất cảm tạ ông đã có lòng che chở. Thật tình tôi chẳng biết lấy gì đền đáp. Trăm sự trông cậy ông, nên làm gì ông bày vẽ giúp cho. Trút bỏ bộ quân phục rồi trông lão ma mới hiền lành thảm hại. Tôi ngồi xuống trước lão. Bây giờ lão nhìn tôi có phần bình tĩnh hơn. Lão ngắm những khúc xương trắng với vẻ tò mò. Lão ngạc nhiên quan sát gương mặt nửa thực nửa hư của tôi, cái mặt đặc biệt của những cư dân nghĩa địa. Nghĩa là ngoài đầu lâu xương sọ bên trong chúng tôi mang thêm lớp bọc lờ mờ xanh lợt, y hệt nét mặt sinh thời. Tấm màng bao phủ này nhìn rất rõ nhưng không sờ mó thấy. Có vậy chúng tôi mới phân biệt được nhau, chứ lủng củng rặt những xương ai chả giống ai. Mấy mụ ma đàn bà ưa làm đỏm còn thích giữ cả hình dáng thân thể trời đã phú cho khi sống. Với cánh đàn ông nó chỉ tổ vướng víu nóng nực. Riêng diện ma mới như lão Lâm phải sau tuần bốn chín, lão rũ bỏ được hết dư vị trần tục, khi ấy lão mới thoát xác giống dân cư ở đây. Tôi thong thả lôi cái bút máy cùng cuốn sổ tay ra. – Tôi làm tường trình cho ông đây. Nào, hãy kể từ đoạn ông chuẩn bị bước sang thế giới bên này nhé. Lão chợt nhớ công việc nặng nề liền thở dài đánh thượt. Mùi hoa giập nát nồng nặc trong đêm. Trăng lơ lửng giữa đỉnh đầu vằng vặc.