- Ê Mai! Xuống tắm đi! Chị tôi kêu lên đầy hứng thú. Tôi uể oải đứng dậy. Biển xanh ngăn ngắt, những con sóng nhỏ vỗ lao xao trên ghềnh đá tạo nên những âm thanh rì rào thật êm tai. - Còn anh Hùng? - Kệ, để cho nó ngủ. Hai chị em phóng ào xuống nước. Bọt nước tóe lên trắng xóa, mát kinh khủng. Tôi sải tay bơi ra xa. Sóng cũng ào theo, vờn trên mái tóc. Biển hôm nay có vẻ hơi quạnh vắng. Xa xa, thấp thoáng những cánh buồm và những chiếc phao bơi sặc sỡ. Bơi ngược trở vô, vẫn thấy chị tôi đeo cứng chiếc phao gần bờ, tôi giơ tay kéo: - Bỏ ra đi, ôm hoài làm sao bơi được. Chị tôi la oai oái: - Kệ ta. Ta không phải dân chài. Rồi bỏ lên bờ, ngồi ôm gối, mặc cho những giọt nước chảy dài trên tóc. Đây là lần thứ hai tôi trở lại nơi này – bãi biển đầy kỷ niệm… - E nhóc! Làm gì suy tư vậy? Nhớ chàng hả? - Xì, còn khuya! Miệng nói, nhưng mắt tôi lại ngập tràn hình ảnh ngày trước, tôi và Hoàng cùng lang thang ở nơi này. Hai đứa mải mê đi dọc bãi biển tìm bắt những con dã tràng. Đuổi theo chúng đến mệt nhoài. Hoàng rủ: - Hai đứa mình xuống thuê một chiếc phao tắm đi? Tôi đỏ mặt lắc đầu. - Thôi dẹp đi. Mai không thích tắm. Vậy là hai đứa lại tiếp tục lang thang với những bước chân không biết mỏi. Trưa nắng gắt. Thủy triều dâng lên, sóng vỗ ì ầm vào bờ đá, tung bọt trắng xóa. - Cô chú chụp một tấm hình đi. Cảnh ở đây đẹp nè. Người thợ chụp ảnh bỗng xuất hiện với nụ cười tươi rói. Hoàng nhìn tôi: - Tụi mình chụp một tấm hình nha Mai? - Thôi. Tôi lắc đầu và nhìn Hoàng thật nhanh, mặt Hoàng xịu xuống. - Hoàng giận hả? - Không. Nhưng tại sao Mai không thể làm Hoàng vui được vậy? Mắt Hoàng nhìn tôi không chớp. Tôi bối rối khi thấy dường như có một ánh nước long lanh. - Chụp một tấm làm kỷ niệm cô chú. Cảnh này đẹp dễ sợ hông! Ông thợ chụp hình lại tán vô. Hoàng hỏi như một lời yêu cầu: - Chịu nhe Mai? Tôi gật đầu, nóng bừng đôi má. Hình như má tôi còn hồng cho đến khi hai đứa chụm đầu vô coi hình. Bãi biển trải dài xa ngút ngàn. Hoàng cười tươi bên cạnh một con nhỏ e thẹn níu vai Hoàng, tóc đuôi gà bay trong gió lộng… - Chuyện mi và Hoàng đến đâu rồi nhỉ? Chị tôi phá tan im lặng. Tôi ngẩng lên: - Tụi em hết còn con nít rồi chị. - Ta biết mà. - Chị biết gì? - Thế nào cũng nghỉ chơi thôi. Tính thằng đó sáng nắng chiều mưa thấy mồ. Tôi bật cười. Nghe nỗi xót xa dâng đầy trong làn gió bỗng dưng ào đến. - Chị nghĩ vậy hả? - Ừ. Với lại ta thấy thằng Hoàng có vẻ… đểu đểu làm sao đâu! Tôi nhăn mặt: - Ý ẹ quá! Vậy sao chị không can? - Can làm gì? Mi lớn rồi. Mà mi đã thực sự quên chưa? Tôi gật đầu buông gọn lỏn một tiếng: Quên! Chị tôi đồng tình. Mọi chuyện rồi sẽ qua hết. - Nghĩ làm chi thêm mệt óc. Ê! Dắt ta bơi ra xa đi. - Thôi, em mệt rồi, chị bơi một mình đi! Tôi bỏ lại ghế nằm, mở to mắt nhìn biển. Biển vẫn xanh, sóng vẫn trắng và cát vẫn vàng. Hình như trong gió có cát làm mắt tôi cay cay… Có phải mọi chuyện rồi sẽ qua hết không? Tôi tỉnh dậy khi trời đã về chiều. Sóng vẫn không ngừng rì rào. Tôi nghe như một điệu nhạc, êm ái len nhẹ vào tiềm thức tối tăm. Tiếng anh chị tôi nói chuyện bên cạnh khiến tôi nằm im. - Chị nhắc tới thằng mắc dịch đó chi vậy? - Ta chỉ chọc con nhỏ chơi vậy mà. - Làm nó mất vui. - Nó không chơi với thằng nhóc đó nữa đâu. - Sao chị biết? - Vì nó cao ngạo và đầy tự ái. Rồi có tiếng chân đi xa. Tôi thở dài, để yên cho giọt nước mắt rơi nhanh trên má. Phải! cho dù có lơ ngơ suốt cõi đời này, tôi cũng không bao giờ chấp nhận trở về dạo bước trên những lối quen xưa. Tôi không ưa những sự vô tình-có-ẩn-ý cho nên, tôi khó có thể tha thứ cho những lầm lỗi cố tình của Hoàng. Bởi lẽ, Hoàng ngày nay đã khác xa với Hoàng của ngày xưa. Cuộc sống hỗn loạn và những toan tính đời thường đã làm Hoàng thay đổi quá nhiều so với tưởng tượng của tôi. Nhưng, tôi vẫn không trách Hoàng một tiếng nào, chỉ lẳng lặng chia xa mà thôi. Như một ông bố kỹ tính không muốn con gái mình biết điệu Tango quá sớm, tôi cũng không muốn trái tim mình đi sai nhịp khi chập chững bước vào con đường… âm nhạc mà khúc dạo đầu là những lời tạ từ… Thời gian trôi qua có thể sẽ làm đổi thay tất cả mọi vạn vật trong vũ trụ, có thể sẽ làm “biển hóa nương dâu”. Nhưng trong tôi, muôn đời hình ảnh của đại dương vẫn không bao giờ thay đổi. Đó vẫn là bãi biển một buổi trưa mùa hạ nắng gắt, in đầy những dấu chân vụng dại, là cơn gió mát lạnh thổi tung mái tóc, ươm đầy vị mặt của muối, tanh nồng hương biển, và là giọng hát Hoàng êm êm lẫn trong những âm điệu rì rầm của trùng dương ngày nào xa lắc “Tiếng sóng xô bãi cát. Tiếng biển mênh mông hát. Sóng hát ru con, lời hát dịu hiền…” (THẠCH TÂM – ĐHTH, 07/1992)