Mai Khâu Tự Cũng là một thắng cảnh nổi tiếng của Gia Định, mà ngày nay nhiều người thường lầm với Mai Sơn 1/ Đôi nét lịch sử: Hiện nay ở Mai Khâu, vẫn còn một ngôi chùa cổ tục gọi là chùa Gò (Phụng Sơn Tự), tọa lạc số 1408 đường 3 tháng 2, quận 11, thành phố HCM. Chùa được Thiền sư Liễu Thông tạo lập vào đầu thế kỷ XIX. Đến năm 1904, Thiền sư Tuệ Minh cho xây cất lại. Nhiều tượng thờ ở chùa do nhóm thợ Sa Đéc tạo tác vào những năm đầu thế kỷ XX. Chùa được đại trùng tu vào năm 1960 và sửa chữa nhỏ những năm gần đây. Chánh điện được bài trí tôn nghiêm. Chùa có khoảng 40 pho tượng thờ. Có nhiều pho tượng quí như bộ Di-đà Tam Tôn, bộ Ngũ Hiền thượng kỳ thú, pho tượng Phật bằng đá, tượng Tiêu Diện... Khu đất của chùa là một di tích khảo cổ học. Tài liệu của Bảo tàng thành phố cho biết vào các năm 1988 và 1991, các nhà khảo cổ học đã tìm được những mặt người bằng đất nung, đồ gốm... thuộc văn hóa Ôc Eo. Ở đây cũng đã tìm thấy một tượng Phật bằng đồng theo phong cách Thái Lan. Chùa đã được Bộ Văn hoá công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Người ta kể rằng dưới thời Gia Long, sư tổ Liễu Thông (1753 - 1840) người Thanh Hoá, trên đường tầm đạo đi qua gò đất ở phía nam trấn Phiên An này, thấy cảnh trí thích hợp nên dừng chân rồi dựng chùa và đặt tên một cách nôm na là chùa Gò. Một hôm có một con chim phụng đến đậu trên cây ngô đồng ở đầu gò, kêu liên tiếp ba ngày rồi bay mất. Sư tổ cho là điềm lành, đổi tên chùa thành tên chữ Phụng Sơn Tự. Từ giai thoại này, một nghi vấn được nêu lên là nếu cái tên Phụng Sơn Tự đã có thời Gia Long, thì tại sao Trịnh Hoài Đức là người thời Gia Long, lại không biết mà gọi là chùa Ân Tông? Đến năm 1960, trên gò còn bốn cây Bạch Mai. Nay trên gò, bên cạnh Chùa, chỉ còn một cây Bạch Mai già cỗi có mang tấm biển đề là trồng năm 1909, hơn tám mươi năm! Trong Cấm Trại Thi Tập, Trịnh Hoài Đức đã chọn Mai Khâu đưa vào số ba mươi cảnh tiêu biểu của Gia Định gọi là “Gia Định tam thập cảnh” để làm đề tài ngâm vịnh: Mai Khâu Túc Hạc Cửu cao thanh sạ bá vu thiên, Chuyển hướng Mai Khâu hảo khế miên. Tuyết cách bất lao hành tị giặc, Sương linh mạn liễm học tham Thiền. Tự khoa nhã tháo đồng thanh bạch, Thả hứa phương danh cộng bảo tuyền. Mộng lý ký bằng lâm sử sĩ, Mạc lai u hác nhiễu khiêm triền. (Cấn Trai thi tập) Dịch thơ Hạc Ngủ Đêm Ở Gò Cây Mai Chín đầm tiếng hạc vẳng lưng trời Đổi hướng gò Mai đến ngủ ngơi, Tránh đạn nhọc gì lông tuyết sẵn Tham Thiền xếp lại cánh sương thôi Tự khoe tiết sạch lo gìn giữ Lại hẹn danh thơm lại đổi dời Hồn mộng gửi nương lâm xử sĩ Nơi này u nhã chớ đùa chơi. (Nguyễn Khuê dịch ) Trong Cấn Trai Thi Tập, còn có hai bài nữa liên quan đến Mai Khâu. Chứng tỏ Trịnh Hoài Đức nhiều lần lui tới thắng cảnh này. Xin dẫn thêm một bài: Mai Khâu Vãn Thiêu Mai khâu vãn thướng lược đông phong, Nhất vọng tiêu nhiên nhã bất cùng. Thôn xá chẩm khê yên thụ ngoại Mục đồng hoành địch thảo nguyên trung. Ngưu tương giải ngột quy cao lũng, Nha dĩ từ giao tập mậu tùng. Trù trướng minh vân thiên miễu miễu, Trù trì vô ngữ ỷ ngô đồng. (Cấn Trai Thi Tập) Dịch thơ Gò Cây Mai Chiều Hôm Nhìn Ra Xa Chiều đến gò Mai hứng gió đông, Xa trông cảnh vắng mắt không cùng. Xóm nhà gối suối nơi cây nơi cây khói, Nội cỏ vang âm sáo mục đồng. Quạ họp về cây, rời bãi trống, Trâu chờ cởi ách, lại vùng giồng. Trời cao mây tối giăng buồn bã, Đứng tựa ngô đồng lặng ngó mông. (Nguyên Khuê dịch) Trịnh Hoài Đức sáng tác bài này năm 1782. Ngày nay, hơn 200 năm sau, cảnh vật được mô tả trong bài thơ đã hoàn toàn đổi khác. Nay đứng trên đỉnh gò nhìn ra bốn phía, tầm mắt khách tham quan bị giới hạn vì những khu phố lầu san sát vây quanh. Trong Gia Định Thành Thông Chí (Sơn Xuyên Chí), Trịnh Hoài Đức cũng có bài “Mai Khâu” tả rõ vị trí, cảnh vật và phong vị nên thơ của gò này: “Cách trấn mười ba dặm rưỡi về phía Nam, gò đất nổi cao, có nhiều nam mai, thân già cỗi, nhưng khi hoa nở không có tuyết, chỉ có lá che chở hương thơm mà thôi. Hoa bẩm linh khí sinh ra nên không đem trồng nơi khác được. Trên gò có chùa An Tông, đêm tụng kinh, tối đánh chuông lớn, thanh âm vang rền trong mây khói, giống như thế giới núi Thứu Lĩnh, suối trong chảy quanh chân gò, chiều mát các cô gái chống thuyền hái sen. Gặp lúc trời tốt tiết đẹp, văn nhân thi sĩ mang bầu rượu theo từng bực đi lên đầu gò ngâm vịnh dưới hoa, câu thơ phảng phất mùi hương, thật là một thắng cảnh cho khách du lãm”… Con suối quanh chân gò nay vẫn in dấu đó, nhưng trải qua nhiều biến đổi, những sông rạch chảy thông với nó đã bị san lấp để xây dựng nhà cửa, nên nước trong xưa nay thành nước ao tù hôi tanh. Thời Trịnh Hoài Đức, ở Mai Khâu có chùa Ân Tông. Xin dịch đoạn nói về Chùa này: “Trên gò có Chùa Ân Tông, đêm tụng Kinh Phật, tối đánh chuông lớn, thanh âm vang rền trong mây khói, giống như thế giới núi Thứu Lĩnh” (Gia Định Thành Thông Chí, Mai Khâu). Chúng ta thấy tác giả chỉ có ý so sánh Mai Khâu với Thứu Lĩnh, tức núi Linh Thứu hay Linh Sơn ở Ấn Độ, nơi Phật Như Lai từng giảng Kinh Pháp Hoa, chứ không hề nói đấy là tên chùa như có người ngộ nhận… Sách Đại Nam Thống Chí (tỉnh Gia Định), được biên sọan dưới đời Tự Đức, cũng nói xưa ở Mai Khâu có Chùa Ân Tông, nhưng đến thời bấy giờ thì không hiểu vì sao Chùa lại có tên là Mai Khâu Tự. Sách này cũng cho biết trên gò còn lại bảy cây mai. Chùa này là một thắng cảnh được nhiều khách du lãm đặt chân đến, và một thi sĩ khuyết danh nhân đi qua đấy, xúc cảnh sinh tình, đã để lại mấy vần thơ: Mai Khâu Tự Thiền môn hà xứ phỏng mai hoa Tạm hiết chinh tiên thuyết phạn gia. Hương nhập trà bình yên chính noãn, Nhất sinh trần lự bán tiêu ma. Dịch thơ Chùa Gò Cây Mai Tìm mai cửa Phật ở nơi đâu? Dừng bước đường xa, luận đạo mầu. Hương ngát bình trà đang quyện khói Lòng trần dứt hết nửa lo âu. (Nguyễn khuê dịch) Tóm lại, Mai Sơn và Mai Khâu là hai Gò khác nhau. Mai Sơn Tự và Mai Khâu Tự là hai chùa khác nhau.Cả hai đều thắng cảnh của vùng Gia Định xưa kia và nay cũng đều là di tích văn hoá đồng thời là di tích lịch sử nổi tiếng gắn liền với thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đáng được trân trọng bảo tồn để nêu cao truyền thống văn hoá và truyền thống chống giặc giữ nước của Thành phốHCM III.Theo bài Pháp văn “Souvernirs historiques” của Trương Vĩnh Ký thì “chùa Cây Mai ngày xưa là ngôi chùa Chân Lạp, có ao hồ bao bọc chung quanh và dùng làm nơi đua thuyền trải những khi lễ Phật”. Vịn theo tài liệu vắn tắt này, ta biết vùng Cây Mai quả là một yếu điểm của người Miên xưa. Muốn đua thuyền (ghe ngo) thì nước bọc chung quanh Đồn Cây Mai chưa đủ dùng. Khúc đua phải dài trên năm ba cây số ngàn ghe ngo mới đủ sức lấy trớn thi tài. Như vậy khúc đua phải dài ra tới vùng nước chùa Gò (Phụng Sơn Tự) hoặc xa hơn nữa, vả lại dọc theo đường Sài Gòn Mỹ Tho, tôi nhớ có một người Thổ nói với tôi đó là “Sre pren” (ruộng khô cạn nước). Theo tôi trước khi thành ruộng gò, có phải đây là di tích chỗ đua thuyền ghe ngo của người Chân Lạp xưa chăng? Khảo ra đường nước Chùa Cây Mai ăn thông với con rạch trước đây gọi rạch Lò Gốm, rạch này bị lấp đi một phần khi xây