Bản Cón Nhợi có một cái nhà xim. Tối tối, trai gái mới mười lăm, mười sáu tuổi đã bị bố mẹ đuổi đến đó để nói chuyện tình và ngủ. Nhưng chập tối, trai gái bản Cón Nhợi chưa đến nhà xim ngay mà cầm đuốc gọi nhau đi xim. Đuốc đốt bằng thân lồ ô lửa cháy đỏ rừng. Đi xim từa tựa như dưới xuôi đi chơi, để tán nhau. Đi xim có từ thuở nào không ai biết, ngay già làng Sanh cũng bảo, lớn lên đã thấy đi xim có lâu rồi. Các bà mẹ dấm dúi ấn vào tay con gái một nắm lá rừng không có tên. Vậy là cái bụng nó yên rồi, con gái bản Cón Nhợi sẽ chẳng bao giờ làm mất mặt bố mẹ phải để già làng dùng luật tục xử. Cái lá không tên ấy người dưới xuôi chẳng biết, hỏi người bên kia biên giới lá gì cũng mù tịt. Bà ngoại truyền cho mẹ, mẹ truyền cho con gái... thì đến đàn ông trong bản cũng chịu chứ nói gì đến người bản khác. Kèn lá thổi lí lơi, tiếng hát bay chấp chới trời đêm. Con trai, con gái đi xim đến lúc thấy hơi thở là của nhau, vị ngon ngọt đầu lưỡi là của nhau, trời lộn xuống đất, đất ngồi lên trời thì tách đàn, dụi tắt đuốc, rủ nhau vào lùm cây. Tay chân quấn quýt xoắn vào nhau, mùi thịt da quện vào hơi thở nồng nàn át cả mùi cỏ ngai ngái tỏa ra tức tưởi vì bị giẫm đạp, chà xát. Khi trên đầu, ông trăng lặn, ông sao mờ; khi dưới đất, sương đêm tưới đẫm cỏ cây, tóc tai ướt nhèm mới buông nhau ra, đi về nhà xim ngủ tập trung. Sáng sớm, ông Mặt Trời chưa mọc, chim chảnh chọe cãi nhau bên hồi nhà; họ đã thức dậy đi về nhà mình. Con trai mặt mày hớn hở vác rìu, vác nỏ vào rừng. Con gái ửng hồng hai má, mồ hôi lấm tấm trên sống mũi, thỉnh thoảng nhoẻn miệng cười thầm; xay ngô, giã gạo, đi nương để rồi đến tối lại í ới gọi bạn tình.
Sáng thích Plăng, Pui cũng thích Plăng, nhưng Plăng chỉ cầm nắm lá không tên theo Sáng vào rừng thôi. Sáng đi xim nửa năm thì cán bộ về bản, cả bản chỉ mình Sáng được chọn đi học trường nội trú ở tỉnh. Lần đầu, Sáng xuống núi. Đi một tháng không về, đi ba tháng cũng không về, một năm sau Sáng về thì Plăng đã là vợ của Pui rồi. Sáng ghen, Sáng nuốt cái tức giận vào lòng. Thì ra cái lá rừng không tên mất thiêng. Có lẽ bà mẹ lẫn cẫn hay cố tình đưa nhầm lá nên cái bụng Plăng cứ mỗi ngày một to thêm. Già làng xử phạt rồi cho Pui và Plăng cưới nhau. Có phải: Pui sang bản Tý, bản Miệt, bản Roong... Pui vượt núi sang cả bên kia biên giới. Pui làm nghề thiến lợn, thiến gà, thiến trâu bò rong. Pui có nhiều bạc trắng mà Plăng yêu Pui không? Đã thế Sáng bỏ học ở tỉnh về nhà lấy Siu con gái ông Roi trưởng công an xã. Siu thích Sáng lắm! Chỉ tội chưa bao giờ Sáng đi xim với Siu. Lấy Siu cho đỡ ngứa cái mắt khi nhìn Plăng giặt quần áo cho Pui ở suối Lồ Lô, cho đỡ nghẹn cái họng khi nghe Plăng nói lời âu yếm với Pui. Nhưng phận Sáng hẩm quá. Lấy Siu mới đủ tháng, chưa kịp có con thì Siu đã bị con ma bắt. Sáng như người mất hồn. Làm ma cho con gái xong, ông Roi bảo Sáng: "Khổ thân mày! Cái số mồ côi vợ tao biết. Chờ con Sa đến tuổi đi xim, tao gả cho, thay con Siu chị nó. Không phải bắt chồng, ở rể đâu". Sáng buồn như con chim rơi mất tổ, như con nai đực lớn đến mùa cỏ non mà chưa có đôi.
Chuyện ấy qua lâu rồi.
Hôm nay, Sáng đi với trưởng bản Mun đến nhà Pui đâu phải chuyện ấy mà là chuyện nhà nước. Pui nằm cuộn như con sâu bên bộ bàn đèn đã ngả mầu nâu bóng. Pui mở tráp tra một bi nữa, mảy may như không có công an Sáng và trưởng bản Mun, như hút thuốc phiện là việc riêng của Pui vậy:
- A! Sáng. Mày ám tao hả? Không sợ dân bản bảo mày ghen ăn tức ở à?
- Mày hút như con trăn nuốt khói, nuốt hết cơm gạo của vợ con rồi.
- Sáng. Chuyện riêng của nhà tao. Plăng có ca thán gì đâu. Mày biết tao đã ghen là như con lợn lòi phá rừng đấy.
- Chuyện riêng nhưng cũng là chuyện của làng của nước. Pui à.
- Nhà nước có bỏ tù người hút thuốc phiện đâu. Già làng cũng chưa bảo tao bỏ bàn đèn - Pui vỗ vỗ vào cái tù và sừng trâu đen bóng đeo toòng teng ở ngực trưởng bản Mun - Đeo tù và không thổi, dân bản có ghét anh Mun đâu. Mày cứ như con nghé vừa lớn ngứa sừng. Mày đừng đâm bị thóc chọc bị gạo. Tao cũng không muốn mày gặp Plăng nữa, Sáng à.
Pui rung đùi, Pui tra tiếp một bi nữa. Cái lý của Pui sai quá mà sao Sáng không bắt bẻ được. Sáng cấu vào hông trưởng bản Mun như ngầm bảo: Cái thằng Pui hỏng quá, đi khỏi nhà nó cho khuất mắt, để nỗi giận khỏi bùng lên. Nhưng mái nhà sàn của Pui dột lỗ chỗ rơi cả nắng xuống sàn rồi, đêm chắc sẽ nhìn thấy cả ông trăng sáng, ông sao mờ nữa. Cái bếp giữa nhà lạnh tanh nguội ngắt, mấy cái nồi đất nằm ngồi lỏng chỏng, lười nhác quá. Thóc gạo, khoai ngô, đỗ tương có còn đâu mà nổi lửa, chúng theo nhau vào quán mụ Dơi đổi lấy bạc trắng, đổi lấy tiền mua thuốc phiện, thuốc phiện thành khói trong bụng Pui rồi. Còn Plăng nữa kìa! Đứa bé còn đỏ hỏn ngặt nghẽo địu trên lưng, cái bụng Plăng đã to lùm lùm. Plăng cúi gằm mặt không ngước lên nhìn Sáng. Khuôn ngực căng mẩy dập dềnh và đôi má ngày trước lúc nào cũng ửng hồng có lúm đồng tiền như xoáy nước cuốn bao nhiêu trai bản vào đó đâu rồi. Plăng tong teo như cây lau mùa đông. Thương Plăng quá! Vợ con mày sẽ còn khổ, Pui ơi.
Ra khỏi cổng nhà Pui, trưởng bản Mun rút tẩu thuốc rê to như con ốc nhồi ra khỏi miệng, nóp bụng thở dài:
- Ây dà. Trời sinh voi trời sinh cỏ. Đến quán mụ Dơi làm tợp rượu thôi, Sáng à.
- Tôi đang muốn dẹp cái quán đó. Anh có còn là trưởng bản không? Anh Mun.
- Tao có bỏ tù và đâu. Tao vẫn đeo đây này.
- Cái mụ ấy, tôi không để yên đâu. Bảo không được là tôi đập cái mặt ti-vi nhà nó, ném ắc-quy xuống suối cho mụ Dơi biết mặt tôi.
- Ây dà! Mặc nó, trời sinh voi thì trời sinh cỏ, Sáng à. Ô kìa! - Trưởng bản Mun nheo mắt nhìn sang vạt nương có vệt nắng kéo dài. Một người đàn ông đội mũ nồi đang ngồi ngất ngưởng trên lưng trâu - Tôi có nhìn gà ra con cuốc không? Có phải trưởng công an xã Roi đi họp huyện về?
- Không nhầm đâu Mun ơi. Tôi, Roi đây.
- Chắc là mới ở quán mụ Dơi ra. Mặt mũi đỏ tía như gà chọi kia. Ông Roi. Bản làng có việc gì xảy ra không để tôi còn rúc tù và nào?
- Cũng thường. Như ngày hôm qua, Mun à.
- Có vấn đề đấy. Bố vợ không biết đâu.
- A! Sáng. Mày cũng ở đây. Sao mày không chào bố vợ. Con Sa đến tuổi đi xim rồi mày biết chưa.
- Tôi đang bực cái mình. Có vấn đề đấy.
- A! Sáng. Mày đừng cậy được học ở công an huyện về bản nhìn con mèo ra con hổ. Ây dà. Mày như con chim mới ra ràng. Bao giờ mới có sỏi trong đầu hở Sáng. Chả lẽ tao ươm hạt chưa nảy mầm đã thối à?
- Cái bản vỡ như động rừng rồi, bố vợ không biết đâu.
Bản Cón Nhợi vỡ rồi. Vỡ từ hôm mụ Dơi ở phố huyện dọn về. Sao lại nảy nòi ra cái quán hàng tạp hóa, bia rượu, karaoke ấy nhỉ. ở đây có phải phố huyện đâu. Chỉ tại mụ Dơi thôi. Già làng bảo: "Mụ Dơi hơn Sáng độ năm, sáu tuổi, có đôi tay thêu thùa may vá giỏi lắm. Dạo còn ở bản gặp anh cán bộ thương nghiệp trẻ lên mua đỗ tương cầm kèn ácmônica đi xim. Mê quá, Dơi bỏ người tình thổi kèn lá theo anh thổi kèn tây. Xuống phố ăn nằm với nhau một thời gian thì vợ anh ta ở dưới xuôi lên đánh ghen. Hết tình hết nghĩa, mụ quay về bản đem theo cả cái thói buôn gian bán lận ở phố huyện về". Mụ Dơi về, cái xấu cũng về theo. Con trai con gái bỏ đi xim vào quán của mụ Dơi uống rượu, bia, hát hò. Hết tiền thì chúng nó xúc cả lúa, ngô, đỗ tương mang theo. Nhạc nhẽo ở quán mụ Dơi cứ cà giựt cà giựt chối tai lắm. Cắm mặt vào màn hình nhìn mấy đứa con gái ăn mặc như cởi truồng uốn éo, rồi hát theo, ngượng quá.
Sáng về nhà mình - nhà già làng. Lũ trẻ con đứa cởi trần, rốn lồi như quả nhót, đứa mặc quần thủng đít, thò lò mũi đang vây quanh già làng dưới gốc cây cổ thụ. Già làng vo thuốc rê nhỏ như quả gắm nhét vào miệng con rắn, con rắn say khật khừ nghểnh cổ vươn cao, vươn cao như dây thừng, thao láo mắt nhìn trong tiếng cười, tiếng kêu xô đẩy thích thú của bọn trẻ.
Già làng kéo Sáng vào gầm cầu thang đưa thuốc rê cho Sáng. Sáng cầm tẩu thuốc tra cán vào miệng, rít, phà khói xong, Sáng nói:
- Thuốc của già làng cho con rắn ngậm con rắn say, người ăn thịt rắn lại say đứ đự ba ngày ba đêm cho mà xem. Làng bản có luật tục, nhà nước có phép nước, sao già làng không đưa mấy thằng hút thuốc phiện ra xử cho bản làng yên.
- Mày có lớn mà chưa có khôn cháu ạ. Làng ta không có luật tục xử người hút thuốc phiện. Việc ấy là của nhà nước, của bố vợ mày.
Sáng thở dài nóp cả bụng:
- Lành như con trăn đất, bố vợ tôi biết gì đâu.
- Trăn đất mà nuốt được cả lợn độc đấy. Mày đừng tưởng lão Roi khù khờ.
- Tôi thấy bây giờ trời đất cứ lộn tùng phèo.
- Tao còn thấy trước cả mày. Mày có nghe trẻ chăn trâu, chăn ngựa hát nghêu ngao:
Thuở khai thiên lập địa
Thời đo đất đo nước
Nước đã lành như đất
Đất đã hiền như người
Thời người phố về làng
Còn đâu thuở hồng hoang?...
Bản Cón Nhợi không còn thuở hồng hoang. Bản Cón Nhợi đang vỡ rồi. Mụ Dơi, thằng Pui hay còn ai nữa làm động rừng động núi. Mụ Dơi thì đã rõ, mụ bảo Pui: "Mày đừng đi thiến lợn, thiến bò rong liên miên hàng tháng nữa. Nay thằng Sáng nhiều tiền hơn mày rồi. Con Plăng vẫn nhớ ngày đi xim với nó đấy. ở nhà mà coi vợ. Pui à". Pui bảo: "Tao mà bắt được là tao chém". "Mày đi thồ hàng cho tao, tao trả tiền. Có tiền là có thuốc phiện hút lại giữ được vợ". "Còn những đêm tao thồ hàng vắng nhà?". "Tao bẻ lá gài ở cổng, tao khóa cửa ngoài, tao coi cho. Mày tin đi". Thế là Pui đi thồ hàng lên xuống núi, thồ cả hàng từ bên kia biên giới về cho mụ Dơi. Một thời gian lại thấy Pui lấy hàng ở quán mụ Dơi đi đổi bạc trắng, đi bán rong ở các bản. Cũng có lần ông Roi đi họp huyện tiện đường mụ Dơi gửi thồ giúp vài thứ lặt vặt, hoặc cần lấy hàng mụ đi cùng ông cho vui đường dài. Từ bản về huyện đi hết ngày đẫy nên mụ Dơi thường nắm cơm dọc đường. Nắm cơm tẻ dành cho bữa trưa mời ông Roi ăn cùng, nắm cơm nếp nương mụ góp vào ăn bữa tối nhà chủ hàng Vạn ở chợ huyện. Ăn xong, bàn chuyện mờ ám chỉ có trời mới biết. Nhưng cái kim bọc trong vải mãi cũng lòi ra, mụ Dơi cứ lộ dần cái mặt gian ác như con cú.
Ngày trước, bản Cón Nhợi chưa nhìn thấy đèn pin, rượu bia, vải xoa, mì chính, karaoke chạy ắc-quy ở quán mụ Dơi..., chưa bị cái gọi là cơn lốc hàng hóa ở bên kia biên giới và dưới xuôi tràn tới làm nghiêng ngả đất trời. Ngày trước, rừng xanh núi đỏ nhuốm mầu thuở hồng hoang. Con trăn, con gấu, con diều hâu còn dại khờ, hiền lành như thời khai thiên lập địa. Các nhà sàn nằm e ấp dưới những cây cổ thụ, gió thổi mạnh là tung cả tổ và chim non xuống mái. Con gái lội suối, nước ngập tới đâu vén sân (váy) tới đó, nước ngập tới đến cổ là túm luôn váy đội lên đầu; lúc lên bờ, da hở đến đâu thả váy che đến đó. Đàn bà địu con đi rẫy để ngực trần đón Mặt Trời cho da rám nắng. Con gái tắm suối í ới rủ nhau túm tụm một chỗ, vờn nước cho sóng mơn man nơi ngực trần lồ lộ cặp vú tròn, căng mẩy như trái dưa lê và đôi nhũ hoa đỏ phớt.
Ngày xưa, người bản Cón Nhợi và người bên kia biên giới vẫn sang đất nhau làm nương, phát rẫy, đi rừng, bắt chồng, ở rể. Bản Cón Nhợi không biết thằng ăn trộm, con ăn cắp, không biết đứa cờ bạc mồm ngang mũi dọc thế nào. Cây thuốc phiện triệt bỏ lâu rồi đến nỗi trẻ con chẳng biết thân nó cứng hay mềm, cao hay thấp, hoa nó trắng hay đỏ. Trưởng công an Roi chưa một lần phải bắt kẻ trộm cắp, hút sách, đánh lộn, chưa một lần phải xử chuyện cãi nhau. Việc gì phạm luật tục đã có già làng Sanh phân xử. Lâu không dùng đến nghiệp vụ (mà nghiệp vụ cũng như con chữ trong đầu có được là bao) nhiều lúc ông Roi quên mình là trưởng công an xã, quên cả việc cưỡi trâu xuống huyện báo cáo.
Bản Cói Nhợi yên ả, thanh bình lắm. Cây bạc hà vẫn xanh rợp mọc trên nương trên rẫy, mọc lấp lối đi, mọc cả ở hồi nhà. Trâu dưới gầm sàn động đực dứt dây thừng khỏi mũi rượt bạn tình giẫm nát lá bạc hà, tinh dầu bốc lên thơm điếc mũi. Hoa dủ dẻ nở trắng bờ suối, nở miên man triền đồi, hoa rắc đầy mặt nước, hoa gọi ong rừng bay u u đi hút mật. Bản Cón Nhợi chôn người chết một lần ở khu rừng ma, đã chôn là không bốc mả, đã chôn là làm nhà mồ che sương che nắng cho người chết. Mùa đông, bản làng chìm ngập trong sương trắng bồng bềnh trôi. Mùa hè, mây trắng nhởn nhơ bay trên thảm thực vật nhiều tầng của rừng xanh, mây sà xuống vấn vít lập lềnh sườn núi đỏ. Khỉ cái buộc dây rừng vào bụng, nháo nhác từng bầy xuống nương bẻ trộm ngô dắt quanh hông. Khỉ đực thấy đàn bà, con gái lấp ló ở chòi coi nương là dạng háng ra gãi sồn sột rồi nhe răng trắng ởn cười khành khạch. Trăn đất chậm chạp bò đến chân cầu thang sưởi nắng, cuộn tròn bện thành khoanh như khoanh chão. Gà rừng xông vào sân mổ tranh ngô với gà nhà. Chó không biết coi nhà vì quanh năm không có khách lạ. Chó chỉ cắn một lần duy nhất khi anh bộ đội biên phòng đến lần đầu tiên mở lớp xóa mù chữ. Anh vỗ vỗ vào đầu con chó nghiệp vụ dắt theo: "Giôn, mày bảo với chúng nó đi. Tao về đây mở lớp đấy. Định bắt trẻ con bản Cón Nhợi tối tăm mãi như chúng nó hay sao mà cứ sủa ông ổng thế". Giôn sủa gâu gâu một hồi. Mấy con chó nhà hiểu ra, đuôi vểnh cao lên ngoáy tít, chạy nhông nhông lại thè lưỡi liếm liếm vào tay anh biên phòng, ý chừng muốn bảo: "Giôn có phên giậu của Giôn. Chó nhà có phên giậu của chó nhà. Không sủa mà được à".
Lớp học chỉ học ban đêm vì ngày phải đi rừng lên nương. Trẻ con học lẫn lộn với người lớn. Trẻ con vừa học vừa ngủ gật, người lớn vừa học vừa tước lanh, ngậm tẩu hút thuốc rê khét mù. Dạo ấy, Sáng cũng dẫn Siu đi học. Siu học sáng dạ nhưng bàn tay quen chọc lỗ tra ngô, tra đỗ tương, quen giần sàng cám gạo rồi, cầm bút cứng quèo, ngượng ngập, vụng về, chữ viết như giá đỗ, như mộng ngô nếp. Một lần, thầy giáo cầm tay Siu uốn nét cho tròn cái chữ. Sáng ngồi ở bàn sau giận quá, máu chạy giần giật thái dương, mặt nóng bừng. Túm áo thầy giáo quân hàm xanh giật mạnh, Sáng giơ nắm đấm, bảo:
- Thầy giáo biên phòng không được nắm tay vợ tao.
ấy là lúc Sáng vừa lớn phổng lộc ngộc như con nghé mới mọc sừng, thấy gốc lim già là đánh sừng cho hết ngứa, thấy ổ mối bỏ lâu đất khô cứng cũng húc, Sáng có chí mà chưa có khôn. Giờ Sáng đã thành người lớn rồi. Sáng xuống núi lần thứ hai. Sáng mới dự lớp tập huấn nghiệp vụ công an dưới phố huyện. Phó công an huyện Của đặt tay lên vai Sáng thân mật nói:
- Chịu khó học về làm cho tốt, Sáng à. Cái ông Roi trưởng công an xã mày hỏng rồi.
- Không được nói xấu bố vợ tôi - Sáng hất tay Của ra, mặt xịu xuống.
- Tao nói không thật sao. Ông Roi mệt mỏi rồi, nhìn rừng chỉ thấy cây lim cây sến mà không ra nấm độc mọc. Không hỏng mà thế à?
Sáng nghe, biết vậy trong lòng đầy tức tối. Chỉ mong học cho ngày chóng tối, tháng chóng hết để về hỏi bố vợ xem Phó công an Của nói có đúng không? Lại nghe người ta nói, Sáng không muốn tin là ông Roi thồ hàng giúp hoặc thuê gì đó cho người buôn. Đi họp huyện tiện đường là ông Roi lại thồ hàng lên, xuống núi. Khổ nỗi đường đi cứ phải qua Trạm kiểm soát liên ngành, qua trước cửa công an huyện mới đến chỗ giao và lấy hàng ở chợ. Có hôm thấy ông Roi ngất ngưởng trên mình trâu với cái sọt thồ nấm hương, sa nhân và cả con nhím con, Phó công an Của nói: "Đất ngồi lên trời rồi. Trưởng công an xã hết việc đi buôn kìa. Sắp đến giờ họp đấy ông Roi ơi". Ông Roi bảo: "Mày nhìn gà hóa cuốc rồi Của ơi. Tao thồ giúp, người ta trả công ít tiền uống rượu thôi, Của à". Một lúc sau, đã thấy ông Roi hùng hục đánh con trâu quay trở lại, trên lưng nó thồ mì chính, đèn pin, vải vóc... Ông cột trâu ở sân bóng chuyền mặc cho nó quật đuôi đuổi ruồi xua muỗi rồi hối hả vào họp. Ông Roi thồ hàng cho mụ Dơi một chuyến, hai chuyến, ba chuyến còn có người thì thào soi mói; đến chuyến thứ sáu, bảy, tám thì chả ai để ý nữa, coi như chuyện bình thường. Nhưng Phó công an Của bảo: "Cứ để thế này hỏng mất. Phải cho người lên bản kèm cho đầu óc ông Roi sáng ra thôi".
Sáng đến nhà bố vợ. Ông Roi đi vắng chỉ có Sa đang lúi húi cho con dê mới đẻ ăn. Sa bảo Sáng lên cầu thang trước rồi Sa lên. Ngày Sáng lấy Siu, Sa còn bé chưa biết đi xim, ngực lép kẹp như con cá măng phơi khô. Giờ Sa lớn quá, gót chân trần trắng lấp ló ở cầu thang. Váy lanh mới nhuộm lá sồi đen bóng, áo vải xoa mầu hồng nhạt in hoa dủ dẻ trắng. Vải này chắc Sa mua ở quán mụ Dơi. Cổ áo khoét rộng để lộ một mảng ngực trần trắng nõn. Đứng trên sàn nhìn xuống, lòng dạ Sáng nôn nao quá.
- Pui lại về đấy. Nó mời bố Roi uống rượu ở quán mụ Dơi. Anh Sáng à.
- Anh biết rồi.
- Anh Sáng đừng sang nhà chị Plăng nữa nhá - Sa nói trong tiếng thở gấp hổn hển, ngực căng cứng cứ dềnh lên, dềnh lên.
- Sang thì đã làm sao? Cứ để mặc... anh.
Chẳng hiểu sao lúc ấy Sáng lại nói thế. Sa làm mặt giận, bỏ ra đứng bên cánh liếp, tóc sổ tung đen mướt như tóc chị Siu ngày trước. Gió thổi, váy bay tấp tới mắc vào cánh liếp. Sa lúng túng gỡ mãi không ra, lộ cả bắp chân trắng nhấp nhóa làm mắt Sáng tối tăm.
- Sa đừng giận anh. Mới một mùa rẫy mà Sa lớn bổng lên...
- Anh Sáng có để ý đến ai đâu. Chỉ ra suối nhìn người ta lấy nước thôi...
Váy lanh nhuộm lá sồi phai cả ra tay Sáng. Hơi thở của Sa nóng quá lại thơm thơm mùi sữa dê nữa.
Từ bản Cón Nhợi đến biên giới chỉ nấu xong nồi cơm đã tới nơi. Còn xuống huyện phải cưỡi ngựa, cưỡi trâu hoặc đi bộ một ngày mới ra đường cái. Đường xuống núi độc đạo gập ghềnh lên xuống dốc, có chỗ cỏ mọc mất lối đi, có nơi cành cây lòa xòa quất vào mặt. Hàng của mụ Dơi thường đưa lên bản, xuống huyện bằng con đường này. Lúc xuống núi thì thồ nấm hương, mộc nhĩ, sa nhân, thú rừng còn sống; lúc lên rừng thì mang vải vóc, hàng tạp hóa. Cũng có lúc hàng tạp hóa của mụ Dơi được đem bán sang cả bản Tý, bản Miệt, bản Roong, lại có khi người các bản quanh vùng đến quán của mụ đổi hoặc mua đèn pin, dầu hỏa, vải vóc, kim chỉ.
Nước ở các khe phải đổ về con suối. Nước ở con suối lại đổ ra sông. Thằng Pui hay đứa nào mang hàng quốc cấm cũng phải có một nơi đổ. Nơi đổ ấy là quán mụ Dơi. Nhưng cứ chọc vào quán mụ Dơi là y như rằng chạm phải ông Roi. Một lần, Sáng xồng xộc đi thẳng vào trong:
- Mụ Dơi đâu. Cái quán này làm điên đảo bản Cón Nhợi rồi.
Thằng thọt chân coi nhà cho mụ Dơi thò tay tắt toạch cái ti-vi chạy ắc quy đang ỉ eo. Mụ Dơi bước ra ngoài, tóc rối tung, khuy áo cổ quên cài, ngực trễ nải dập dềnh.
- Kìa Sáng. Tôi có làm gì nên tội. Sáng ngồi xuống uống bia với tôi nhá.
- Không được mua chuộc người nhà nước. Tôi sẽ kiểm tra xem mụ có chứa đồ quốc cấm trong buồng không.
Giữa lúc mụ Dơi đang rối rít van xin thì ông Roi từ ngăn trong bước ra. Một thoáng đỏ mặt, ông Roi xoay xoay cái mũ nồi đen, chau mày:
- Sáng. Người ta làm ăn bình thường sao mày lại ngăn sông cấm chợ.
- Bình thường. Chuyện động rừng thế mà lúc nào bố vợ cũng bình thường.
- Trẻ ranh. Biết cái gì. Khám xét phải có lệnh của tao. Mày vuốt mặt có nể mũi không?
Anh Nam y tế huyện mang thuốc cai nghiện về giúp bản Cón Nhợi. Anh Nam da ngăm đen, người cao to, mắt sáng, hơn Sáng năm tuổi mà trông dãi dầu từng trải quá. Anh Nam ở nhà già làng, lên danh sách người nghiện rồi đi từng nhà phát thuốc. Sáng dẫn anh Nam đến nhà Pui, Pui đi vắng, đến nhà Hủn, nhà Roong thì thấy cành lá xanh dấp ở cổng. Thì ra chúng nó không muốn tiếp người của y tế huyện. Anh Nam bảo: "Ông Roi vụng quá. Lẽ ra đừng để chuyện này xảy ra. Thôi xúm vào giải quyết, muộn còn hơn không". Sáng nghe biết vậy.
Suối Lồ Lô mùa cạn chảy lóc tóc, có nơi vén váy bước trên các hòn đá nhô lên khỏi nước là sang được bờ bên kia, có chỗ vũng sâu lội đến ngang ngực. Đã ba ngày, Sáng cầm súng CKC phục ở ngay chỗ con đường độc nhất qua suối về đầu bản. Sáng chui ở lùm cây từ lúc sương sớm còn vấn vít bước chân, đến lúc ông Mặt Trời đứng bóng rồi đi sang chiều, Sáng ngồi lì đến sẩm tối cũng không thấy bóng dáng Pui đâu. Giờ thì đã cuối chiều, Mặt Trời mầu vỏ bí ngô chín đỏ đang gác núi. Chán quá! Sáng về thôi. Để thằng Pui mang hàng về quán mụ Dơi rồi ập vào kiểm tra là không được với ông Roi. Vậy tóm thằng Pui ở đâu, nó thoắt về thoắt đi chả biết mang gì trong người. Chờ lâu quá. Chả lẽ cứ ngồi như con cú rình suốt đêm à. Về. Về thôi. Bất chợt, chỗ vũng sâu ở đoạn suối trước mặt Sáng có sóng loang. Sáng vạch lá nhìn ra thì trời ơi không phải Pui mà là Sa. Sa mặc nguyên cả áo váy đang nhẩn nha lội ra chỗ sâu nhất, rồi Sa ngụp xuống. Sa đứng lên. Vải áo mỏng dính bết vào da làm nổi lên các đường cong mềm mại. Mặt suối như bắt đầu có sương bay. Sương trắng mỏng tang lãng đãng trên mặt nước, sương quấn quýt quanh thân thể người thiếu nữ đang lồ lộ lớn. Sáng đành ngồi lặng im không nhúc nhích, kìm nén cho hơi thở nhỏ lại, cho lồng ngực khỏi vỡ tung. Sáng vẫn ngồi chết trân bởi Sa đã lên bờ rồi, Sa tìm chỗ thay váy. Sáng nghẹt thở quá. Một làn gió mát thoảng nhẹ qua, Sáng cảm nhận mùi thơm hoa dủ dẻ quện lẫn mùi da thịt con gái phảng phất. Cũng đúng lúc ấy, Sa đang lúi húi thay váy trước mặt Sáng thì có tiếng móng trâu lộc cộc, lộc cộc. Thằng Pui về. Con trâu bạc nhà mụ Dơi thồ hàng nhẹ tênh, bước uồm uồm qua đoạn suối phía trên, chỗ Sa vừa tắm. Pui không qua đoạn suối cạn rồi. Sáng muốn lao ra khỏi lùm cây quá. Nhưng thấy động, thấy có người, Sa cũng đang ôm váy ướt vào ngực ngồi dúm dó ở gốc cây kìa. Sáng thở dài. Thở dài cho Pui đánh trâu qua suối. Thở dài chờ cho Sa rũ, vắt khô váy đi về rồi Sáng mới chạy lao theo. Sa cầm váy ướt trên tay, nhẩn nha bước, Sáng chạy vượt lên trước Sa. "Anh Sáng. Pui thồ hàng về đấy". "Biết rồi". "Em bảo đã"...
Sáng không kịp nhận ra nét mặt giận hờn của Sa nữa. Sáng đang nung nấu ý định quyết bắt bằng được Pui mang hàng cấm ở giữa đường. Sáng đuổi kịp Pui rồi chạy vòng lên đứng chặn trước đầu con trâu.
- Pui. Mày có gan mang hàng quốc cấm thì có gan giơ tay chịu trói không?
Pui vẫn ngồi ngông nghênh, người hơi ngửa về đằng sau. Tay cầm dây thừng, tay rút khỏi túi quần vươn về sau vỗ vỗ vào đuôi trâu.
- Không có gì đâu. Mày nhầm rồi. Sáng ơi.
Pui nói gằn từng câu. Sau mỗi lần nói gằn là cái đít con trâu lại lồng nảy lên, chân sau nó đập cộc cộc, cái đuôi quật đen đét.
- Tao không nhầm đâu.
- Thì đây. Mày xem đi.
- Toàn măng tươi. Chả lẽ mày đi biên giới thồ hàng măng tươi, hả Pui? Đồ khốn - Sáng rủa thầm trong bụng.
- Sao mày cứ ám tao mãi thế. Mày không sợ dân bản bảo mày không lấy được Plăng, mày ghen à. Tao đi được chưa?
Pui cười. Chuỗi cười dài, sảng khoái đập vào núi đá vọng lại như trêu tức Sáng, như bảo Sáng: Đừng hòng làm gì được tao.
Sáng đập mạnh tay vào hông con trâu, gầm lên như con hổ bị mất mồi:
- Mày đừng có giễu tao. Thắng thiến lợn, bò rong. Chờ đấy Pui ạ.
Con trâu thồ măng bị đánh đau tức hông lồng lên khua móng cộc cộc. Đi mấy bước nó vội vã đứng lại dạng chân ra... tỗng tỗng. Chất thải một mầu đen kịt rơi xuống mà sao lại nhấp nhóa trắng như có ánh Mặt Trời cuối chiều chiếu vào. Sáng tức điên người, hay mắt Sáng mờ nhòa rồi. Mờ nhòa thật. Bố khỉ, tí nữa thì giẫm phải đống phân trâu còn đang bốc khói.
Sáng tức quá, về nhà không ăn được cơm cứ ấm ức vào ra. Anh Nam y tế huyện hỏi nguồn cơn. Nghe xong anh Nam bảo:
- Ngu rồi Sáng ơi. Cái mắt mày không mờ nhòa đâu. Chỉ có cái đầu mày tối thôi. Đi ngay với tao.
Cái đầu Sáng tối thật. Anh Nam y tế và Sáng thở hồng hộc chạy đến chỗ con trâu đứng dạng háng lúc cuối chiều thì thấy đống phân trâu đã bị nát ra. Tìm quanh thấy có bốn nửa vỏ bóng bàn trắng lấm lem... vứt ở lùm cây.
- Thằng Pui quay lại lấy rồi. Mỗi lần con trâu nhảy lồng lên là một lần nó nhét quả bóng bàn đựng hàng cấm vào đít trâu đấy. Sáng à.
Trời đất như sụp xuống chân Sáng, mắt sáng nở hoa cà hoa cải. Chịu thua thằng Pui rồi. Sáng đi tập huấn ở huyện, cán bộ bảo bọn buôn lậu tinh vi lắm, chúng dám bỏ cả thuốc phiện vào bụng đứa trẻ con bị chết để qua mắt công an. Nhưng chưa thấy cán bộ nói đến cái trò ma mãnh này. Sáng lại thở dài:
- Ai mà biết được. Chúng có từ thủ đoạn nào đâu.
Anh Nam đến quán nhà mụ Dơi chỉ có ông Roi đang uống rượu. Sáng đến nhà Plăng, chẳng thấy Pui đâu.
- Pui nó không về nhà đâu, Sáng à.
- Plăng ơi! Con trâu bạc nhà mụ Dơi đang ở gầm sàn nó bảo tôi biết Plăng nói dối rồi. Plăng giấu Pui ở đâu?
- Sáng ơi. Sáng đừng bỏ tù Pui. Tôi khổ quá rồi.
Plăng sụt sùi. Đứa bé địu sau lưng giật mình cũng khóc. Gió thổi lật vạt áo hở cả cái rốn lồi và bụng Plăng to lùm lùm. Sáng bối rối quá. Lần đầu Sáng thấy Plăng khóc. Tiếng khóc trẻ con lẫn tiếng khóc đàn bà, mủi lòng quá.
Dân bản đồn: Ông Roi vợ chết đã lâu, đêm nằm không, vắng hơi người đàn bà. Ông Roi đến bổ củi cho mụ Dơi, nấu rượu cho mụ Dơi, đi họp huyện lần nào là ghé qua nhà mụ Dơi lần đó. Ông Roi quên cả ngày giỗ vợ rồi. Mụ Dơi bỏ chồng dáng phốp pháp ngồn ngộn thế, ông Roi si mê là đúng rồi. Cái ông Roi, cho cút rượu là chả biết trời đất gì nữa. Già làng Sanh thì bảo: "Chả lẽ Roi hỏng thế. Có dễ con trăn đất đang thu mình, nào biết chuyện gì sẽ đến". Dân bản Cón Nhợi cũng đồn ầm lên: Sáng cứ thì thụt đến gặp Plăng khi Pui vắng nhà. Người độc miệng còn bảo: Thằng Pui xa nhà liên miên nên Sáng thành tu hú muốn sang đẻ nhờ rồi. Sáng nghe được nhưng bỏ ngoài tai, chỉ thương Plăng đi đâu cũng cúi gằm nhìn xuống.
Mấy hôm sau, trẻ chăn trâu, chăn ngựa ở bản hát khúc đồng dao:
Cón Nhợi có suối
Suối ngay đầu nhà
Cón Nhợi có núi
Núi ngay đầu bản
Bản sinh kẻ ác
Người hiền ở đâu?...
Lửa cháy. Cháy lúc trời chưa sáng, lửa dữ dội sáng một góc rừng hoang. Nhà nọ cách xa nhà kia nên đàn bà, trẻ con bản Cón Nhợi chỉ đứng ở cầu thang nhà sàn nhìn. Đàn ông thì vừa chạy hùng hục vừa kêu. Thằng thọt chân coi quán mụ Dơi đứng hong hóng ở đường bảo: "Thằng Pui tự đốt nhà mình đấy". "Có mà điên mới vậy". "Thằng Pui nó đi thồ hàng về nửa đêm thấy cổng dấp cành lá, cửa nhà khóa trái. Gọi mãi vợ không lên tiếng". "Không lên tiếng vì sao?". "Vì thằng Sáng ngủ với con Plăng ở trong nhà chớ sao"... Cứ vậy vừa chạy vừa hỏi, vừa nói, tin đồn loang khắp bản. Đến nơi rồi chỉ thấy con trâu bạc buộc ở cổng mắt bắt ánh lửa nhấp nhóa. Đến nơi rồi họ vẫn còn hỏi có phải thằng Sáng ở trong đống lửa. Suối nước Lồ Lô ở xa quá và họ cũng chỉ có tay không nên đứng nhìn. Cửa nhà sàn khóa cứng. Lửa liếm đều bốn phía, chứng tỏ kẻ đốt nhà có tính toán. ống bương nổ toang toác, mái tranh cháy rèo rèo. Mọi người hò hét như điên bảo nhau nhảy vào cứu mẹ con Plăng nhưng vô ích. Một lúc sau, căn nhà sàn ọp ẹp của Pui cháy rụi. Than hồng rực sau mỗi lần gió thổi tới rồi tàn dần. Trưởng công an Roi đến lúc mọi người đang gạt tro than tìm xác vợ con Pui và Sáng... Trong ánh đuốc lồ ô bập bùng, ông Roi khoát tay gọi dân quân: "Tôi phát lệnh truy lùng thằng Pui"...
Ông Roi đánh trâu xuống núi ngay lúc rời đám cháy nhà Pui. Trong đầu ông đang nghĩ đến bao nhiêu chuyện xảy ra ở bản Cón Nhợi. Sương sa trùm mặt đất, sương lập lềnh ngang gối chân, sương dềnh lên trùm cả đầu trâu.
Ông Roi đi ngang quán mụ Dơi. Mụ vừa tắt đèn, lúi húi khóa cửa rồi cun cút từ trong quán chạy ra, đụng phải ông Roi. Dơi sững người lại. Ông Roi bảo:
- Kìa! Dơi đi đâu sớm thế?
Mụ đã trấn tĩnh lại:
- Dơi đi lấy hàng. Tiếng trâu bước bảo Dơi có người thân. Ra đón thôi mà.
Ông Roi vẫn ngồi ngất ngưởng trên mình trâu:
- Nhà đỏ đèn mấy đêm rồi, có phải Dơi không ngủ được, Dơi chờ ai?
- Chờ ai chỉ anh Roi biết thôi. Hay vào trong nhà đã anh Roi.
- Không vào đâu. Tôi xuống núi, ta đi cùng thôi.
Dơi lưỡng lự rồi bảo:
- A! Có đấy. Chờ Dơi xuống chợ cùng, anh Roi à.
Mụ Dơi săm sắm đưa túi thổ cẩm đựng hai nắm cơm gói sẵn bằng lá chuối khô cho ông Roi khoác. Mụ chất nốt hai lưng sọt nấm hương lên mình trâu rồi bẻ cành lá xanh cài vào cánh cổng. Ông Roi dong con trâu thồ đi trước, mụ Dơi theo sau. Trời rạng dần. Họ nhấp nhô trong sương trôi bồng bềnh.
Trưa. Hai người cột trâu dưới gốc cây sồi nghỉ ăn cơm. Dơi lấy dao con xắt vắt cơm tẻ ra thành từng miếng. Ông Roi ngồi xếp bằng lấy cút rượu nhỏ mang theo bên người ra nhấm nháp với thịt nai khô. Dơi vén tóc lòa xòa vấn thành lọn ở gáy. Cái cổ Dơi trắng quá làm ông Roi thỉnh thoảng liếc mắt nhìn trộm...
Lần trước, xuống núi cũng nghỉ trưa ở gốc cây sồi này. Hôm ấy, ăn cơm xong, ông Roi nằm gối đầu lên túi thổ cẩm có gói cơm nếp của Dơi, nhìn lơ đãng lên ngọn cây. Dơi kéo cao vạt váy bước xuống suối Lồ Lô. Mùa cạn nước suối trong vắt nhìn thấy cả đá cuội ở đáy. Len lỏi chảy nhanh qua bao đồi núi đến đoạn này suối Lồ Lô mở to ra và chảy chậm. Một lát sau, có tiếng khỏa nước. Ông Roi xoay nghiêng người, ông không tin ở mắt mình. Dơi đang lội ra giữa dòng, nước ngập đến đâu vén váy đến đó, nước ngập đến cổ đã vén xong váy đội lên đầu. Thân hình Dơi trắng mềm mại rõ mồn một. Mắt ông Roi nhấp nha nhấp nháy. Cái thân hình đàn bà khêu gợi ấy mờ ảo dưới sóng nước loang loang rồi chập chờn trong đầu người đàn ông góa vợ đã lâu. Ông Roi nhắm mắt lại, hít thật sâu cho lồng ngực nở to ra, cho cổ họng khỏi nghẹt thở. Trong lòng ông như có lửa cháy...
Dơi lên bờ quay trở lại gốc cây sồi. Cổ áo váy quên cài cúc hở lồ lộ cả chỗ giữa hai chân vú làm giọt nắng rơi vào. Ông Roi đang ngây ngất một mùi thơm khó tả thì gió núi thổi ào tới. Lá rừng xào xạc, xào xạc. Rồi lắc rắc, lắc rắc mưa rào rơi, như vẩy nước trên lá. Hóa ra gió đập vỡ tổ, kiến càng đang rơi lả tả, lả tả. Vội vã kéo nhau chạy khỏi gốc sồi, hai người luống cuống ngã dúi dụi vào nhau. Bỗng Dơi giật thột: "Ki..ến rơi vào gáy em". Ông Roi vạch cổ áo Dơi bắt con kiến mình đỏ cánh trắng đang cong mình, cắn. "Nó rơi cả vào ngực nữa. Anh Roi" - Dơi nắm hai mép cổ áo váy kéo rộng ra, hở hông hốc. Ông Roi nín thở nhón con kiến rất khẽ nhưng ngón tay vẫn chạm vào chân vú nóng hổi của người đàn bà. Ông nuốt nước bọt đánh ực rồi bỗng dưng đổ khuỵu xuống nền cỏ...
Không dám nghĩ tiếp đến cái buổi trưa ma ám hôm ấy, ông Roi vội vã ăn cơm. Ăn xong, Dơi cũng giục đi ngay không nghỉ lại và tắm suối Lồ Lô như lần trước nữa. Dơi tắm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Không khéo, hỏng việc.
Phố huyện mỗi lúc một gần hơn. Đến Trạm kiểm soát liên ngành, anh Trạm trưởng tuổi còn trẻ đon đả: "Hôm nay cưỡi trâu xuống huyện sớm hơn lần trước, bố Roi nhỉ. Không cho cô Sa đi theo à?". "Nó phải chăn dê. Cái trạm chúng mày vắng vẻ quá". "Chúng con đang thất nghiệp đây. Lần sau, cho cô Sa đi cùng bố nhá". "ờ. Mày làm con rể tao không?". "Ôi! Thế là nhất bố rồi". Ông Roi hồn nhiên hiền lành đến mức khù khờ mà cũng biết đùa. Còn Dơi thì trống ngực to hơn trống làng, đi qua trạm một lúc mới thở phào. Đến đoạn đường dễ đi hơn, Dơi có vẻ vui, nói luôn miệng. Rồi kêu mỏi chân quá, ông Roi phải nâng đít cho Dơi leo lên ngồi trên mình trâu. Ông lại mải miết dong trâu và nghĩ ngợi không biết bao nhiêu chuyện: Chuyện Sáng đi học về, chuyện mụ Dơi và thằng Pui, chuyện dân bản dị nghị. Lại chuyện thằng Nam y tế, lúc lửa cháy nó cáu: "Không khéo hỏng việc rồi. Bây giờ ông phải nghe tôi". Thì nghe cả tháng rồi còn gì, cái nào có lý thì nghe chứ... Tức cái bụng lắm, nhưng không tức bằng nghe Của nói: "Ông Roi nhìn rừng chỉ thấy lim với táu không nhìn ra nấm độc... Phải cho người lên kèm cho đầu óc ông Roi sáng ra thôi".
- Đến rồi. Đưa túi thổ cẩm đựng gói cơm nếp cho Dơi nào. Anh Roi.
Nghe Dơi nói, ông Roi giật mình ngẩng lên thì đã qua cổng công an huyện mấy bước.
- ồ, cơm nếp của Dơi đây. Đến rồi thì vào thôi. Dơi ngồi yên nào.
Bỗng chốc, ông Roi dắt trâu quay ngược trở lại, ông vỗ mạnh tay vào hông cho nó lồng nhanh vào cổng công an huyện. Dơi hoảng quá, ú ớ:
- Kìa... anh... R...oi.
-...
Bất ngờ quá. Dơi không kịp phản ứng, mặt trắng bệnh, người mềm nhũn đổ kềnh trên mình trâu. Ông Roi chạy theo trâu, hai tay giữ chặt lấy người Dơi để không lăn xuống đất. Công an huyện vừa lúc hết giờ hành chính, Phó Công an Của kêu to:
- Lạ chưa kìa. Chắc hôm nay không bình thường rồi, ông Roi.
Mọi người xúm quanh giữ con trâu lại và đưa mụ Dơi xuống.
- Có vấn đề đấy. Tao đem người đàn bà với nắm cơm nếp nộp cho mày đây. Đừng nói tao không nhìn ra nấm độc nữa nhá. Của ơi.
- Chào ông Roi. Tôi cứ nghĩ ông và mụ Dơi sẽ thồ hàng về luôn cổng chợ. Ông làm hỏng việc giữa chừng rồi.
Ông Roi ngước nhìn. Một người da ngăm đen, mắt sáng, mặt quen quen.
- Ô! Hóa ra thằng Nam y tế huyện. Sao mày lại ở đây?
- Tôi đi theo luôn ông và mụ Dơi đấy.
- Vậy là... ừ. Cái đầu tao tối quá nghĩ không ra. Tao không hợp với việc này nữa rồi. Chúng mày cho tao nghỉ thôi.
- Chuyện còn dài. Còn để mụ Dơi đem hàng quốc cấm bỏ trong nắm cơm nếp đến nhà Vạn ở cổng chợ đã, ông Roi à. Anh Của để tôi xử vụ này cho...
Ông Roi xuống núi một lúc là sương tan và Mặt Trời trèo lên đỉnh đồi thì dân bản thấy Sáng gí khẩu súng trường sau lưng thằng Pui đi từ đầu bản về. Pui cúi gằm mặt, đầu tóc bơ phờ, râu ria tua tủa. Dân bản mới ngã ngửa người chả hiểu thế nào.
Già làng Sanh bảo: Thì ra cán bộ y tế Nam là công an huyện. Nó nằm phục bên nhà mụ Dơi một đêm không thấy gì, hai đêm không thấy gì. Đến đêm thứ ba thì thằng Pui mò về đưa hàng cấm cho mụ Dơi. Mụ Dơi ấn vào tay thằng Pui mấy chục đồng bạc trắng, bảo: "Ba đêm mày đi thồ hàng, thằng Sáng ngủ với con Plăng cả ba. Cửa nhà không khóa được, cổng không dấp cành lá xanh được. Tao có lỗi với mày". "Tôi sẽ chém chúng nó". "Không được đâu Pui à. Thằng Sáng có súng đấy. Cầm lấy cây đuốc lồ ô này, chờ gần sáng nổi lửa. Rồi hãy đi thật xa"... Cán bộ y tế... à công an Nam thế mà tốt. Nghe xong nó chạy đến nhà lão Roi bàn nhau gì đó rồi chạy về nhà tao. Tao với lão Roi đến nói Plăng nghe ra mới khóa cửa bế con đi lánh nạn.
- Thế mấy ngày nay thằng Pui ở đâu?
- Nó lánh ở rừng ma chớ còn ở đâu. Đói quá, không có gì để ăn, chỉ có các đồ dùng người sống chia cho người chết và những căn nhà mồ vắng vẻ. Mò về nhà mụ Dơi đưa hàng cấm lấy bạc rồi lại ra rừng ma. Chưa kịp quay về đốt nhà mình, lửa đã cháy. Pui lò dò chui ra thì Sáng gí súng vào gáy. Hóa ra không phải thằng Pui đốt nhà mà là thằng thọt chân coi quán mụ Dơi. Thằng Sáng cháu tôi thế mà mưu mẹo. Khá quá!
Mọi người ồn ào, rồi tản đi.
Sáng dẫn Pui đến ủy ban đã thấy thằng thọt chân đang bị giam. Sáng bảo Pui: "Tao biết mày muốn gặp Plăng". Sáng lại dẫn Pui đến nhà già làng. Pui bảo:
- Tao nhục lắm. Mày cho tao viên đạn đi, Sáng.
- Mày nói sai rồi, Pui à. Tao bắn mày để dân bản bảo tao là thằng ghen ăn tức ở à.
- Mày có bắt tao đi tù không?
- Chuyện ấy nói sau. Giờ tao không áp giải mày, tao cho mượn trâu, tự mày thồ vợ xuống núi. Vợ mày địu đứa bé hon hỏn, bụng to kềnh kệnh xin, chắc được giảm án đấy Pui à.
- Tao lại mắc nợ mày lần thứ hai.
- Thôi, nợ nần gì. Plăng ôm con ra kìa.
Sáng bước ra ngoài cổng. Lũ trẻ con đã thôi hóng chuyện người lớn quay sang đùa nghịch với con rắn của già làng. Con rắn ngậm viên thuốc rê nghếch cao đầu đu đưa như đoạn dây thừng. Sa ngồi ở dưới gốc cây cổ thụ chống tay lên má. Nắng mới đã tràn đầy sân nhà già làng. Giọt nắng lọt qua kẽ lá rơi xuống như hoa đậu vào tóc, vai của Sa. Sa khóc tức tưởi như chưa bao giờ được khóc. Sáng bối rối quá, chưa bao giờ Sáng dỗ con gái khóc. Già làng bảo: Khóc được như con Sa, tao cũng muốn khóc. Mặc nó. Lửa cháy trong rừng hoang tắt rồi.
S.N.M

Xem Tiếp: ----