1) Băng Hồ tướng công

 
 
Năm Canh Thân (1380) niên hiệu Xương Phù thứ 4 đời vua Đế Nghiễn triều nhà Trần. Một hôm trong dinh quan Tư đồ Trần Nguyên Đán ở kinh đô Thăng Long, có tiếng trẻ khóc oe oe. Đó là tiếng chào đời đầu tiên của đứa tiểu nhi cháu ngoại Trần tướng công, mà sau đây, đứa tiểu nhi ấy trở nên một nhân vật quan hệ lớn lao cho lịch sử của nước Nam Việt.
Trần Nguyên Đán hiệu là Băng Hồ, một vị tôn thất nhà Trần, cháu bốn đời của Chiêu minh vương Trần Quang Khải (người con thứ ba của vua Trần Thái Tông, chức đến thượng tướng, có công đánh phá giặc Nguyên ở đời vua Nhân Tông). Thời vua Duệ Tông và vua Đế Nghiễn, Nguyên Đán làm Quốc thượng hầu, tức là ở vào ngôi Tể tướng. Song triều Trần lúc ấy đã đương đi dần vào thời kỳ suy bĩ. Láng giềng phía nam là nước Chiêm Thành, đương do một vị hùng chúa là Chế Bồng Nga trị vì, làm cho nước ấy cường thịnh lên, rồi vì mối thế thù, luôn năm kéo quân ra cướp phá nước Việt, khiến binh tài của ta ngày dần hư hao. Ngoài biên cương như thế; trong triều thì từ khi Thượng hoàng Nghệ Tông, tin dùng Hồ Quý Ly, Quý Ly nắm hết chính quyền, chuyên đoán mọi việc. Không những thế, y còn có chí tự lập vây cánh để mưu đồ kia khác… Vậy mà Nghệ Tông vẫn một mực tin dùng, không ai can nổi, có người vì can mà lại phải tội nữa. Băng Hồ tướng công biết cơ nghiệp Trần tất sẽ có ngày rất gần phải đến nghiêng đổ, nhưng không có kế gì cứu vãn, nên vẫn muốn cáo quan lui về.
Trần công đã làm một cái biệt thự gọi là Thanh hư động ở Côn Sơn, thuộc làng Chi Ngại huyện Phượng Sơn, định lui về đấy dưỡng nhàn. Song mấy lần dâng sớ xin cho giải chức mà vua Nghệ Tông không chuẩn tấu, thành ra cái chí quy hưu vẫn chưa đạt được.
Không kể con trai, Trần công có sinh được bốn người con gái. Trưởng và thứ đã xuất giá, bấy giờ còn hai cô thứ ba, thứ tư là Thái và Thai, vì nhỏ tuổi nên còn ở nhà. Thái, Thai hai tiểu thư đều có tư chất thông minh; công muốn cho cùng được chịu một nền học vấn như những con trai, bèn đón hai thầy kiểm về nhà dạy kèm. Thầy kiểm Nguyễn Ứng Long dạy cô Thái; còn cô Thai, thuộc quyền dạy bảo của thầy kiểm Nguyễn Hán Anh.
Ban đầu, khi hai tiểu thư bắt đầu thụ giáo với hai vị gia sư, tuổi mới chừng 11, 12, trên đầu còn phơ phất trái đào. Nhưng ngày tháng trôi đi, sau 4, 5 năm, cả hai đều lớn lên với những nét mặt kiều si, với những vẻ đẹp thanh quý của những cô con gái gác tía lầu hồng, dễ khiến cho lòng kẻ thanh niên ước muốn. Có điều là trong số những người ước muốn, không ai ngờ lại có cả hai thầy kiểm Nguyễn. Thực ra thì sự đó vốn không có gì lạ lắm. Hai sinh bấy giờ tuổi đều đã từ khoảng trên 20 đến 30, vì nhà nghèo và cái chí khoa danh chưa đạt, nên chưa ai có vợ con gì. Vậy mà hàng ngày gần bên cái nhan sắc đắm nguyệt ngây hương, thầy trò lại suồng sã thân nhau như anh em bạn bè, tài nào ngọn lửa ái tình không có lúc ngấm ngầm bốc cháy trong lòng hai sinh mà tự hai sinh không dập nổi. Vẫn biết lễ phép trong nhà một vị đại thần là nghiêm lắm, vả bấy giờ con gái tôn thất ít gả cho ngoài, chẳng những vì soi gương triều Là, muốn tránh cái vạ ngoại thích, còn vì cớ không muốn đem dòng dõi "lá ngọc cành vàng" hạ giá xuống với người bách tính. Nay nếu hai sinh vương víu tơ tình với hai người con gái hoàng tộc, một khi lộ chuyện, sẽ được mang ngay những tội vạ vào thân. Dù vậy, nhưng những người khi đã bị một mối tình yêu cai trị, còn đâu tâm tư để suy nghĩ kỹ càng. Bởi thế mà hai sinh không ai hẹn ai, đều cùng đi đến một con đường phi lễ.
Trước hết do Nguyễn Ứng Long vì yêu cô Thái, thường làm những bài thơ quốc âm ngầm đưa cho cô để khêu tình gợi à. Cô Thái cảm động, cũng làm thơ đáp lại Ứng Long. Việc đó lọt đến con mắt Nguyễn Hán Anh, Hán Anh liền sao chép bài thơ tình để ngầm đưa cô Thai, học trò của mình. Kết quả thì Hán Anh cũng được cô học trò nhỏ đáp lại đúng với lòng ước muốn. Từ đó, bốn người ấy, bề ngoài tuy là thầy kiểm với học trò, nhưng bề trong họ đã thành hai cập tình nhân rất yêu thương nhau.
Không bao lâu rồi Thái có mang. Ứng Long sợ hãi, biết là tai vạ đến nơi rồi, lập tức bỏ dinh Trần tướng công, tìm đường chạy trốn.
Thấy Nguyễn Ứng Long thốt nhiên trốn đi, Trần công sinh nghi mới để ý tra xét. Khi đã biết rõ tất cả mọi sự thực, công thở dài mà rằng:
- Đó đều là cái lỗi tự ta trị nhà thiếu sự nghiêm cẩn, ta còn đáng trách phạt gì một lũ đầu xanh dại dột kia!
Nghĩ ngẫm một lúc, công lại nói:
- Cơ nghiệp Hoàng Trần sớm chầy tất sổ, vậy việc đó biết đâu chẳng phải trời xui khiến vậy, và biết đâu chẳng là cái phúc sau này.
Bèn sai người đi tìm cả hai sinh đến, dụ bảo rằng:
- Việc các anh làm, đời xưa cũng đã từng có, tức như là Tư mã Tương Như với Trác Văn Quân. Nay nếu các anh chịu lập chí như là Tương Như, làm nên danh tiếng để đời sau thì ta cũng sờn lòng gả con mà không bắt lỗi gì cả.
Hai sinh dập đầu cảm tạ. Từ đấy ở luôn nhà Trần công làm rể và dốc chí học hành. Đến sau đi thi, cả hai người đều đổ cao khoa. Song thượng hoàng Nghệ Tông truất bỏ không dùng vì cớ con nhà thường dân mà dám kết duyên với con nhà hoàng phá, họ đã "phạm thượng".
Nguyễn Ứng Long cùng Thái tiểu thư khi đã thành hôn, sau vài lần sinh không nuôi được, đến lần thứ ba sinh ra một hài nhi như mở đầu chương này đã nói, đó chính là đứa trẻ sẽ mang cái tên Nguyễn Trãi (1380-1442) và là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử Việt Nam sau này.
Nguyễn Trãi mới sinh ra, mặt mũi phương phi, thân thể tròn trĩnh, đôi mắt tinh tú đặt ở dưới vầng trán vuông tượng tuy rằng hơi hẹp, nhiều người đã khen là một tướng mạo khác phàm. Băng hồ tướng công yêu quý không biết ngần nào, thường bế ẵm nâng niu và nói:
- Nghiệp Trần nghiêng xiêu, khó lòng chống vững, cái vận mệnh tương lai của người hoàng phái chưa dễ liệu trước được. Nhưng ta có thằng cháu ngoại này, cũng được hả lòng đôi chút. Vì xem khí vũ nó, chắc không phải người hèn hạ. Nó sẽ có thể trở nên một nhân vậy kỳ kiệt, may ra cũng để thơm lây đến ngoại gia được một đôi phần.
Năm Xương Phù thứ 9 (1387) Băng Hồ tướng công được phép trí sĩ, lui về hưu dưỡng ở động Thanh Hư tại Côn Sơn. Bấy giờ Nguyễn Trãi lên sáu tuổi, tướng công vì yêu thương cháu, cũng đem theo về. Nhưng ở Côn Sơn được một độ, Trãi vì nhớ cha mẹ và các em nhỏ bấy giờ hiện về ở Nhị Khê, ngày đêm buồn bã chẳng tưởng gì học hành. Tướng công không làm sao được, lại phải sai người đưa Trãi về ở Nhị Khê với cha mẹ.
Sau đó 5 năm, tức đến năm canh ngọ niên hiệu Quang Thái thứ 3 (1390) đời vua Thuận Tông, mùa đông tháng 11, Băng Hồ tướng công tạ thế, thọ 65 tuổi. Trong khi công ốm, thượng hoàng Nghệ Tông thường thân đến Côn Sơn viếng thăm và hỏi về việc nước. Đáp lời vua hỏi, công làm và dâng vua bài thơ "Thập cầm" trong đó có hai câu:
Nhân ngôn kà tử dữ lão nha
Bất thức lão nha liên ái phủ?
Nghĩa là:
Đem con gởi với quạ già,
Chắc đâu quạ để con ta được toàn!
Bởi bấy giờ, công thấy Nghệ Tông càng tin dùng Hồ Quý Ly hơn và có ý định đem vua nhỏ Thuận Tông uỷ thác cho Quý Ly phò tá, nên hai câu thơ này có ý bảo nhỏ Nghệ Tông đem ấu chúa uỷ cậy Quý Ly, chẳng khác gì đem con gởi quạ già vậy.
Công mất rồi, Nghệ Tông sai cử hành tang lễ rất trọng hậu, ngài thân làm bài thơ để ở mộ, tỏ tấm lòng thương tiếc một vị nguyên thần.