vườn chanh

Hồi đó, tôi có một ông chú già làm quan đã về hưu thường một năm thì sáu tháng ở quê, trong cái trại rộng của ông mà ông gọi là Vườn Chanh.
Tôi vẫn có ý muốn nói với ông cho mượn chốn đó làm nơi đọc sách mấy tháng nực. Bởi biết rằng những bạn quen không ai ưa cái lối "ẩn" mà họ cho là chưa hợp tuổi này, tôi mặc họ đi chơi núi, đi ra bể, tôi không rủ một ai đi cả.
Khi tôi từ giã ông chú ra đi, ông vỗ vai tôi bảo: "Chắc cháu không ở được lâu đâu. Khi cháu bằng tuổi chú, cháu sẽ biết rằng giá trị người đời thực không đáng bao nhiêu. Chỉ có thứ đáng kể: cỏ hoa và sách vở".
Lời nói của ông già kiêu bạc lúc đó càng làm cho tôi mến yêu nơi mình sắp sống một mình. Người ít tuổi cũng thường có chỗ này giống người già, tuy chưa trải nhiều vị đắng cay đã có tật làm ra chua chát.
Vườn Chanh đúng như tên gọi là một cái trại chỉ trồng nhiều chanh hơn là các giống cây cối khác. Lúc tôi đến đang mùa hoa nở. Buổi chiều khi trời gần chập choạng, màu hoa trắng hiện ra trên đám lá xanh đã trở thành màu tối. Có lúc làm cho người ta tưởng cả vườn sẽ thành ra trắng cả. Chỉ có một người đầy tớ cũ của chú tôi ở trong khu đất mênh mông. Người kẻ quê ấy không hay nói. Có lẽ sống một mình từ lâu trong một chốn yên lặng quá, nên cũng sinh ra trầm tĩnh như tạo vật. Dẫu sao, ngay buổi đầu tôi đã bằng lòng nơi tôi chọn để cho qua mấy tháng hè. Khi cửa trong nhà đã mở ra, tôi như có cảm tưởng ngôi nhà từ đây sẽ tỉnh giấc triền miên của nó. Tôi nghĩ rằng một ngôi nhà đã thay đổi chủ, lẽ tự nhiên cũng thay đổi cả linh hồn.
Nhưng sự thực, chỉ có tôi là thay đổi, sau khi tôi rời bỏ chốn này.
Những cuộc dạo chơi trong cảnh hoàng hôn thê lương của Vườn Chanh đã ghi lại dấu vết đậm đặc trong tôi hồi đó, các anh đã nhận thấy rằng tôi thường hay xa lánh các anh từ đây, như một kẻ "mệt đời" lúc nào cũng tưởng nhớ đến tự do và quãng rộng.
Một hôm tôi đi chơi rất xa về phía núi gần làng. Lúc trở về trăng đã lên cao quá ngọn tre. Tôi vừa qua khỏi khúc sông ở gần làng thì trên con đường đi vào trại bỗng thấy xuất hiện bóng một người đàn bà mặc áo trắng dài. ở xứ quê đó là một điều lạ mắt. Ta chỉ quen nhìn màu nâu của những người làm việc đồng áng lẫn cùng màu đất. Một cái chấm sáng hơn tức thì khiến ta chú ý ngay.
Cái bóng trắng kia đi vào bên ngõ cạnh Vườn Chanh. Người đầy tớ của chú tôi bảo đó có lẽ là người bên hàng xóm, vì thỉnh thoảng bên hàng xóm vẫn có người ở trên tỉnh về, nhất là người con gái lớn của chủ nhà. Tôi để tâm về việc ấy suốt cả đêm. Tôi đã nói là hồi bấy giờ tôi mơ mộng lắm. Chưa chi tôi đã nghĩ đến một cuộc làm quen đầy thi vị với người áo trắng cạnh vườn nhà. Tôi tự nhủ: ở đời không chỉ có Hoa và Sách là đáng kể. Ngoài hai thứ ấy còn nhiều cái đáng bận lòng hơn.
Người đàn bà đẹp? Phải, trong tưởng tượng người tôi mới gặp thoáng qua kia phải là một người rất đẹp. (Ta có thấy một người đàn bà nào tả trong tiểu thuyết mà lại xấu bao giờ? Người đàn bà ở cạnh Vườn Chanh đối với tôi hồi ấy có khác gì một nhân vật trong tiểu thuyết?).
Từ đó tôi ngày ngày đọc sách không chăm như trước nữa. Tôi dậy sớm và thức khuya hơn trước, để lắng nghe một tiếng nói, một tiếng động ở bên hàng xóm.
Một tuần sau, tôi mới lại được trông thấy người đó ở trong vườn, nhưng hôm đó trời đã tối. Nhìn qua lớp hàng rào bằng cây tôi chỉ nhận được hình dáng của nàng thôi. Nàng vẫn mặc áo trắng và người gầy đến nỗi tôi thương hại. Tôi cố ý gọi tên người đầy tớ trong nhà rất to, để cho nàng biết rằng bên Vườn Chanh cũng có người đang ở. Không hiểu sao tôi lại cho rằng nàng cũng là một người ưa tĩnh, thường rời bỏ tỉnh thành tức là để đi nghỉ như tôi. Nghe thấy động, người đàn bà vội lách vào nhà. Và từ buổi ấy, nàng có ý giữ gìn hơn trước. Bên hàng xóm hình như không còn người sống, sự đó càng làm cho tính hiếu kỳ và lòng say mê của tôi tăng.
Tôi cố rình mò lắm mới lại trông thấy nàng một lần nữa, nhưng người đàn bà thầm lặng chỉ bước ra khỏi nhà vào quãng đêm đã xuống rồi.
Tôi chỉ có thể biết được rằng nàng có một thân hình mảnh dẻ, dáng đi cao quý, thế thôi! Còn mặt mũi ra sao tôi không bao giờ được rõ.
Tháng thứ hai của tôi ở Vườn Chanh đã khiến tôi thấy lối sống cô độc như mình trở nên rất nặng nề. Tôi ngồi câu cá hàng ngày trên bờ ao để có cớ nhìn sang nhà hàng xóm. Tôi bồn chồn khi nghe thấy tiếng cười hay tiếng nói vang lên ở vườn bên.
Cuối cùng tôi nghĩ ra rằng tôi chỉ có thể làm quen với nàng bằng cách viết thư. Tôi sẽ viết cho nàng một bức thư. Vì viết những lời nói của mình ra trên mặt giấy bao giờ cũng dễ dàng hơn là giáp mặt một người mình chưa quen biết. Khi bắt đầu yêu người trai trẻ nào chẳng rụt rè như vậy?
Bao nhiêu đêm tôi nằm tưởng tượng những câu hoa mỹ, để viết cho nàng. Tôi sẽ viết những gì đây? Tôi sẽ nói là: "tôi cũng giống nàng, một người ưa hiu quạnh, tôi yêu hoa cỏ và thơ văn, tôi chắc sẽ gặp một người bạn hợp với mình... những ngày hè của tôi ở đây đã trở nên dài quá...". Tôi nghĩ vậy, và tôi viết thực.
Bức thư đã xong, tôi chờ suốt hai ngày mới nhờ đứa ở nhỏ - mà tôi biết là đầy tớ gái vẫn gần nàng nhất - đưa đến tay nàng.

*

Bức thư không có hồi âm.
Đứa đầy tớ nhỏ cũng không được đi đâu từ đấy.
Tôi đâm ra lo ngại. Tôi trở nên chua chát như một người không được ai hiểu cả.
Hai tuần sau, tôi thu xếp hành trang để về Hà Nội cũng không quên viết cho người đàn bà mà tôi gọi là Kiêu Kỳ vài hàng từ biệt trong đó để lộ cả sự buồn nản của người con trai bị "vết thương lòng" đầu tiên...
Bức thư này không ngờ lại đem đến cho tôi tới một tin mừng. Buổi chiều tôi sắp ra đi bỗng đứa đầy tớ nhỏ của nhà bên cạnh chạy sang và đưa cho tôi một cái khăn tay. Tôi mở ra thấy một tờ giấy nhỏ. Nét chữ trong thư cũng gầy nhỏ như người tôi vẫn yêu thầm. Nàng hẹn sẽ đợi tôi khi trăng lên ở bờ sông, nơi tôi gặp nàng lần thứ nhất, nàng cũng không quên xin lỗi vì đã làm cho tôi thành kẻ bi quan.
Tôi không nghĩ gì đến cái va ly đã xếp đầy quần áo và sách vở. Những giờ còn lại của ngày hôm đó trước khi trời tối, tôi chỉ sống để chờ mong cái phút được gần nàng.
Nhưng, đến lúc này tôi mới chợt thấy sự táo bạo của tôi không còn nữa. Tôi lo sợ, vì cái việc viết thư với việc giáp mặt một người xa lạ là hai điều khác hẳn. Trong lúc viết mình là tạo hóa, là một người si tình, rất bẻm mép. Nhưng lúc đứng trước một người đàn bà chưa quen thuộc nết, chưa hiểu tính tình, nó sẽ ra sao? Đó là điều tôi chưa từng rõ. Biết đâu người kia không già dặn hơn mình, nhỡ mình vụng về lúng túng thì nguy quá! Tôi băn khoăn cho đến lúc trăng lên.
Nhưng khi trăng đã lên rồi, tôi lại thấy mình có thể đi trong cái ánh sáng không rõ rệt ấy mà không ngượng lắm.
Ban đêm mùi lá cây, mùi đất, mùi ao bèo ở thôn quê làm tôi ngây ngất như một hơi rượu mạnh. Ban đêm, hình như hoa cỏ mới thật là đua sống. Ta thấy chúng nở nang ra, tỉnh táo ra hơn cả ban ngày. Hình như chúng sợ phí mất một giây khắc sống của cái đời hoa cỏ ngắn ngủi.
Cuộc gặp gỡ của chúng tôi cũng thật là ngắn ngủi. Tôi đi với nàng vài bước trên bờ sông. Tôi không còn nhớ tôi đã nói những câu gì. Đêm đó trời có nhiều mây tôi chỉ chờ lúc mặt trăng hiện ra chỗ quang đãng để nhìn cho rõ mặt người thiếu nữ. Tôi lấy làm sửng sốt mà thấy nàng đẹp hơn người tôi hằng tưởng tượng. Thân hình nàng cũng đẫy hơn. Người tôi gặp trên bờ sông đêm đó là một thiếu nữ khỏe mạnh, dáng đi khác hẳn người mà tôi vẫn nhìn trộm qua hàng rào cây ở vườn tôi. Nàng cho tôi biết tên nàng là Thủy, và vì nhà đã hứa hôn với một chỗ rồi, nên cuộc gặp gỡ nhau đêm đó là đêm đầu mà cũng là đêm cuối của nàng. Vì không muốn tôi trở về Hà Nội với một kỷ niệm không vui, nên buộc lòng phải đến.

*

Mấy năm sau, tôi đã là một sinh viên trường thuốc. Anh cũng hiểu rằng từ độ nhà tôi sa sút thì tôi không còn "lãng mạn" như xưa kia nữa. Tôi nhờ có ông chú giúp đỡ nên có thể theo học thuốc trong bảy tám năm trường. Tôi không có thì giờ nghĩ đến những chuyện viển vông như trước. Tôi không làm thơ nữa, nhưng một đôi khi vẫn nhớ đến cái Vườn cũ của mình.
Bao nhiêu năm tháng đã qua. Tôi không có dịp nào trở lại Vườn Chanh, và cũng không hề có tin tức gì của Thủy. Cho đến một hôm kia, đi thăm bệnh cho một ông cụ già ở phố B.N., tôi gặp một phụ nữ trạc ngoài ba mươi tuổi trông hãy còn xuân sắc. Khi tiễn tôi ra cửa, người đàn bà nói với tôi:
- Ông hẳn không còn nhớ tôi là ai... nhưng tôi thì bao giờ cũng nhận ra ông... Ông có còn nhớ vụ nực năm nào ở Trường Thôn?... Tôi là hàng xóm của ông ngày ấy.
Tôi giật mình nhìn lại người đã thốt ra câu ấy:
- Bà là cô Thủy phải không?
- Không, Thủy là chị tôi. Chị tôi mất đã lâu rồi... Một năm sau năm ông về quê nghỉ mát.
- Vậy... sao bà lại nhớ ra tôi?
- Bởi vì cái người đi đến chỗ hẹn bờ sông, trong cái đêm sáng trăng ấy... là tôi.
- Là bà? Tôi xin thú thực là không hiểu.
Người đàn bà, mặt có vẻ buồn, như cố nhớ lại việc xưa, thong thả nói:
- Nguyên chị tôi đau đã lâu năm nên ngày đó thường về quê dưỡng bệnh. Một hôm tôi đến với chị tôi, chị đã đưa cho xem bức thư của ông... rồi bảo tôi đi thay, đến nơi đã hẹn với ông. Ông không thể hiểu trong vụ nực ấy bệnh tình của chị tôi đã nặng thêm lên nhiều lắm. Biết mình chẳng còn sống được bao lâu, nhưng cũng không muốn bỏ phí một cuộc tình duyên đẹp đẽ, mà có lẽ suốt đời chị tôi không bao giờ được hưởng. Nên chị tôi mới nghĩ ra cách đó: mượn em thay mình một buổi để giữ cho cả ông và chị tôi một kỷ niệm không đến nỗi nhạt nhẽo, trong một vụ nghỉ hè. Đó là "trò chơi" của người tuyệt vọng, một người trọng bệnh. Bây giờ ông đã rõ, ông cũng nên tha thứ cho chúng tôi.
Tôi bàng hoàng như người tỉnh mộng. Tôi nhìn lại mặt người đàn bà đã cùng tôi một buổi sáng trăng đi lững thững trên bờ con sông nhỏ như... hai kẻ tình nhân.
Tôi nhớ lại lúc phân tay trong ánh trăng mờ, bàn tay của người con gái tôi vẫn đinh ninh là Thủy run lên trong bàn tay của tôi ngày đó.
Rồi tôi nhìn lại bàn tay của tôi, tôi nhìn lại mặt người đàn bà đang đứng gần tôi. Tôi sực nhớ rằng chúng tôi không còn niên thiếu nữa.
Và tôi hiểu rằng cô thiếu nữ tên là Thủy ngày nào đã có một ý muốn đáng thương: nhờ người khác đem lại cho người con trai đã yêu mình cái ảo tưởng rằng mình cũng là một người đàn bà đẹp, đủ tư cách để được yêu, và cũng đa tình như các cô gái đương xuân khác.
Tôi sắp lên xe còn quay lại hỏi người đàn bà đang tiễn tôi ra cửa:
- Thế sao từ ngày ấy... tôi không bao giờ được tin tức của bà?
Người phụ nữ cúi đầu, đôi má hơi ửng đỏ:
- Bởi vì, chị tôi đã xin tôi không hở ra điều gì hết, trong khi chị tôi còn sống, chị tôi cấm tôi tìm đến ông, hoặc viết cho ông.
Ngừng một chút, bà nói tiếp:
- Ông cũng hiểu, đó là một kẻ đáng thương, một người có bệnh.

*

Có một lần tôi đã trở lại Vườn Chanh, nhân một buổi đi bắn cùng vài người bạn thân thiết. Đó là một đêm trời tối. Tôi nhìn sang nhà bên cạnh không thấy có ánh đèn, và cũng không nghe một tiếng người. Tôi chợt có cảm giác thế giới đã hồi kiếp từ lâu lắm, và bây giờ là một hồn ma trở lộn về thăm một chốn mà xưa kia tôi đã yêu dấu nhất thời.
Trong Vườn Chanh, mùi hoa chanh thơm ngát lên lẫn cùng mùi đất cỏ và ao bèo... Ban đêm, đó mới là lúc các loài thảo mộc đua nhau sống. Một trận gió nhẹ thổi qua làm run rẩy và rời rụng những cánh hoa trên đám lá đen. Tôi chợt hiểu tại sao đến cây cỏ cũng sống vội vàng, mãnh liệt.
Tiểu thuyết thứ bảy (1942),
In lại trong tập truyện ngắn Tà áo lụa,
Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội, 1942.