Con chị không hề thích ăn cục đường vàng hay bánh tráng phồng nào mà má nó và mấy người đàn bà buôn bán cúng ông địa nhưng nó rất thích thú với cảnh họ tất bật sửa soạn hoa quả, bánh phồng và đường tán cúng ông. Mỗi lần mấy người đàn bà cúng ông địa và đề cập đến chữ lời, nó mơ hồ nghĩ rằng vốn của mẹ nó đã tăng lên nhiều hơn trước và định bụng một ngày nào sẽ xin mẹ tiền mua cho một con búp bê. Nó mừng thầm khi nghĩ đến một con búp bê biết nhắm mắt, mở mắt. Nếu bà mẹ chỉ cho hai chị em chúng một con búp bê thôi cũng đủ cho hai đứa vui vẻ chia phiên hay chơi chung với con búp bê ấy. Hai đứa sẽ chơi trò chơi gia đình, trò chơi nấu đồ ăn, trò chơi đi chợ, trò chơi dạy học, trò chơi may đồ, và thay đồ cho em bé. Nó ấp ủ mãi ước mơ thầm kín cho đến ngày mẹ nó hái hết các vườn cây thầu bán trước Tết âm lịch. Hôm ấy, đường đi đến vườn cây dường như xa lắm nên những người đàn bà buôn bán ngồi tựa vào nhau, nhắm mắt, ngủ gà ngủ gật trên hai hàng ghế sau của chiếc xe lam. Được đi thăm vườn, hai con nhỏ quên cả nỗi mệt nhọc khi phải ngồi chen chúc trong xe trên đường xa. Chúng say mê nhìn cảnh vật thanh bình của đồng quê qua vai những người đàn bà ngồi đối diện. Nhìn chán, con chị tưởng tượng trong tay có một con búp bê cùng những trò chơi với con em. Mộng mơ với những ảo giác trong yên lặng một lúc, nó kê miệng, nói thì thầm bên tai em:- Nếu chị em mình có một con búp bê, Vy đặt tên nó là gì?Con em hỏi lớn:- Búp bê đâu hả chị? Có búp bê đâu?Mấy người đàn bà đang thiu thiu ngủ, nghe tiếng hỏi, giật mình mở mắt dáo dác nhìn quanh trên ghế dưới sàn:- Búp bế nào? Có con búp bế nào đâu? Búp bế của ai vậy?Con chị xụ mặt, quay đầu nhìn ra phía sau. Sau lưng nó là ô khung cửa xe lam với những cây vườn, cánh đồng, đường đất, và bờ cỏ. Tất cả lần lượt hiện ra rồi thay đổi, vụt trôi mất ra sau như phim hình trong cái ti vi tại phòng khách bác Cả mà thỉnh thoảng buổi tối hai chị em chúng ngồi với bà mẹ ở góc cửa ra vào, trên hiên hành lang của ngôi nhà lớn nhìn vào coi ké. Không nghe chị trả lời, con em biết chị giận, không dám hỏi thêm cũng không dám nói năng gì.Mấy người đàn bà trở nên tỉnh táo; họ không gạn hỏi hai đứa nhỏ về chuyện con búp bê nào đó nữa mà giục tài xế chạy nhanh hơn. Chiếc xe lam chạy bon bon trên đường quốc lộ thêm một quãng rồi rẽ nhanh vào con đường đất hẹp. Xuyên qua các khu vườn rộng, nó ì à ì ạch dằn xóc trên đoạn đường đá sỏi và nhiều ổ gà rồi dừng lại trước một cánh cổng khép hờ, hai bên trồng bông giấy hai sắc tim tím và hồng nhạt. Mọi người chưa kịp xuống xe, người chủ vườn tất tả từ trong nhà chạy ra thất thanh kêu:- Thôi chết rồi mấy chị ơi! Cam quít bưởi bồng trái nào trái nấy rụng sạch trơn hết rồi! Dì Tư ngồi ghế trước cạnh tài xế nhảy vội khỏi xe, cũng hỏi, la bai bải:- Sao vậy chị Năm? Tui mới lên thăm vườn cách đây mấy bữa mà!Mấy người đàn bà lần lượt bước xuống xe, vây quanh bà chủ vườn:- Cam quít bị sao? Bị rầy ăn hả?- Cái gì xảy ra vậy chị Năm?- Chỉ nói cam quít rụng hết!- Rụng hết? Làm sao rụng hết được? Chị nói thật hay nói chơi vậy chị Năm?Bà chủ vườn nhăn nhó:- Trời đất ơi! Chuyện buôn bán mà tui nói chơi làm gì! Tui nôn nóng chờ mấy chị lên gần chết! Mấy chị theo tôi ra vườn mà coi! Không còn một trái nào trên cành nữa.Chưa kịp dặn dò tài xế điều gì, đám đàn bà hớt ha hớt hải đổ xô theo bà chủ. Không chờ ai ra lệnh hay sai bảo phải làm gì, cả hai chị em con nhỏ lật đật chạy theo họ. Giữa những hàng cây đầy lá vàng, lá đỏ lá cam xen lẫn, mọi người dẫn lên lá khô lào xào dưới chân tưởng chừng như tất cả đang đi trong rừng thu. Những người đàn bà bán trái cây ở chợ Đầm tản mác quanh vườn. Họ ngơ ngơ, ngác ngác nhìn hết cành cây này đến ngọn cây khác như bị mê hoặc. Hai con nhỏ kinh ngạc chẳng khác gì. Chúng há hốc miệng ra ngẩn ngơ nhìn vườn cây lác đác những lá vàng, lá đỏ xen lẫn những lá nâu xanh trên cành.Rải rác xung quanh vườn một lúc, những người đàn bà bán trái cây ở chợ Đầm nhóm nhau lại than van kêu trời, kêu đất. Dì Chín có tiếng là người điềm đạm nhất bấy giờ lại là người tỏ ra mất bình tĩnh nhất:- Chưa bao giờ tui thấy cái cảnh lá cây cháy úa như vầy! Nắng quá cây chết, lá vàng, trái rụng chứ gì đâu! Ba thứ chút chút toòng teng kia mà được gì nữa chớ!Dì Ba Rỗ đạp mạnh chân trên đám lá:- Kiểu này chết thật rồi!Bà mẹ hai đứa nhỏ vò đầu bứt tai:- Gần đến ngày tư, ngày tết rồi mà khiến cho tụi con gặp chuyện như vầy sao trời?Dì Tư rên rỉ, nói như khóc:- Trời ơi! Sao mà kỳ dữ vậy? Tui mới đi thăm vườn tuần trước, vườn cây đầy lá xanh và cành trái xum xuê mà! Chị có tưới nước gì bậy không?Bà chủ vườn nói với giọng giận dữ:- Chị nghĩ sao mà nói tui tưới hết cái khu vườn lớn như vầy? Cam quít mọc lớn chừng này rồi, mọc gì thì mọc chứ ai mà tưới nước làm gì chứ!Dứt lời, bà kéo tay dì Tư đi hướng về phía căn nhà có mái ngói đỏ bên hàng cây cau:- Đi! Chị đi vô nhà tui mà coi. Lũ khủ, chút chút cũng rụng đầy. Tự dưng mà nó rụng hết vườn cây như là bị ếm tà vậy đó!Mấy người đàn bà còn lại tất ta, tất tưởi đi theo bà chủ nhà và dì Tư hướng về căn nhà ba gian với mái ngói đỏ rồi khựng lại trước ngưỡng cửa, mặt nguệch ra trân trân nhìn một đống cam quít chất đầy trên nền xi măng. Cả hai đứa nhỏ kinh ngạc không kém khi chúng đứng chen vào giữa đám đàn bà. Một đống trái tròn nhỏ, tròn lớn, vàng vàng, đỏ đỏ như những trái banh nhựa nhiều màu nhiều kích cỡ.Dì Ba Rỗ hớt hãi bước đến đống cam, cúi xuống nhặt vội một trái cam vàng úa bóp nắn rồi vừa chép miệng vừa than van liên hồi:- Cam gì mà vàng úa như cam ủng vậy trời! Cam bán tết mà không cuống không lá như vầy ai mua cúng dùm cho mình chứ?Dì Tư cũng ào vào đống cam, hết bốc trái này lên, bỏ trái khác xuống, miệng la bải hải:- Trời đất ơi là trời! Lạ gì mà lạ dữ vậy trời! Mới tuần trước cam còn cành còn cuống giờ trụi lụi như cam thúi, cam héo vầy thì bán cho ai đây trời!- Cả một vườn như vầy mới chết chứ! Dì Chín thở dài.Bà chủ vườn:- Tui đã nói là nó rụng một đêm thôi là hết nửa vườn rồi. Tui với mấy đứa con tui lượm cả mấy buổi trời mệt bở hơi tai! Lớp lá, lớp trái, dọn bắt chết vậy đó! Bà mẹ hai con nhỏ ngồi bệt bên đống cam, bóp bóp, nắn nắn vài ba trái vàng, trái cam, trái đỏ rồi than van: - Tết nhứt kiểu này thì khổ cả đám! Cam như vầy mà ai mua bày biện cúng kiến cho? Chợt nhớ ra điều gì, bà thảy mấy trái cam vào cái đống banh vàng khè và đỏ au, đứng phắt dậy hốt hoảng:- Thôi chết rồi chị Tư ơi! Mình phải qua vườn bà Mười Đại Điền xem sao.Dì Tư trấn an:- Vườn nào ra vườn đó chứ! Đâu có phải ở đâu cũng như vậy đâu. Tại làm sao chứ lý nào.Bà chủ nhà thả mình ngồi trên tấm phản, với cây quạt giấy quạt phành phạch, cất giọng bất bình:- Chị nói làm sao là làm sao? Bao nhiêu năm tui buôn bán với chị thể nào mà chị nói vậy?Dì Chín giảng hòa: - Thôi chuyện đâu còn có đó. Mình cứ qua nhà bà Mười Đại Điền xem sao đã! Mọi người hướng ra cửa. Bà chủ nhà quẳng cái quạt giấy trên chiếc phản, đứng lên:- Tui cũng đi theo mấy chị nữa. Mười kia Đại Điền thì Năm này cũng Năm Đại Điền chứ mấy thứ. Để tui đi theo mấy chị coi thử vườn người ta ra sao cho biết.Chiếc xe lam chở đám người đàn bà ồn ào đến vườn bà Mười Đại Điền. Họ không gọi chủ vườn mà hướng thẳng về phía căn nhà vách đất lợp tôn xiêu vẹo. Bà chủ vườn không có ở trước sân, cũng không ở trong nhà nhưng một đống cam bưởi màu cam, vàng, và đỏ ở một góc nhà như thay cho người vắng mặt trả lời phần nào thắc mắc của những người đàn bà thầu vườn của bà.Mặc cho mọi người đứng ngẩn ngơ, tiếc của và thất vọng, bà Năm Đại Điền đến cái bàn cạnh cửa sổ kéo ghế ngồi chồm hổm. Bà móc trầu cau trong túi áo ra vừa nhai vừa phân bua:- Tui đã nói là năm nay thời tiết thất thường không sao hiểu nổi mà các chị không tin tui!Dì Tư vò trán, lắc đầu ngầy nguậy không trả lời, bà ngồi xuống đối diện bà Năm, lấy ly rót trà. Dì Chín, dì Ba Rỗ, bà mẹ hai đứa nhỏ, và hai đứa nhỏ bu lại đống cam vàng xỉn rờ rẫm một lúc rồi nối đuôi đi thẳng ra ngoài cái cửa sau để ra vườn tìm bà Mười Đại Điền. Dì Ba Rỗ kêu ơi ới:- Chị Mười ơi! Chị Mười ơi!Không một tiếng đáp lại. Những con chó từ các khu vườn bên thấy bóng dáng người lạ lồng lộn sủa ầm ĩ, làm lũ chim đang đậu trên các cành xơ xác lá hốt hoảng kêu lên, vươn cánh bay khỏi vườn.Dì Chín tiếp dì Ba Rỗ gọi bà Mười “Chị Mười ơi! Chị Mười ơi!” Như lần đầu, chỉ vọng đến tiếng sủa ăng ẳng của mấy con chó từ các khu vườn cạnh và tiếng kêu thảng thốt của những con chim.Mọi người chán nản quay vào nhà bà Mười. Hai con nhỏ lầm lũi, im lặng đi theo họ. Chúng không hó hé lấy một lời từ lúc bước ra khỏi xe lam đến nhà bà Năm và chứng kiến sự lạ dường như hết sức nghiêm trọng. Con em rất muốn hỏi chị nhiều điều nhưng sợ chị còn đang giận nó nên không dám. Con chị thì im lặng, không phải đã hết giận con em nhưng vì nỗi âu lo của mẹ nó và mấy người dì buôn bán chung với mẹ nó càng lúc càng lan dần, lan dần sang nó. Nét mặt, lời nói, và cử chỉ hốt hoảng khác thường của mọi người, nó hồ nghi chuyện không ổn này sẽ ảnh hưởng đến việc buôn bán của mẹ nó và những người hùn vốn với bà.Chăm chú nhìn từng người trong nhà, hai đứa lắng nghe lời đối thoại của họ.Bà Năm vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa nói:- Mấy chị lo lấy sọt hốt cái đống cam này đi rồi sang vườn tui dọn luôn thể cho tiện.Dì Chín thở dài:- Để tụi tui chờ chị Mười về nói chuyện sao đã chứ!Bà Năm nói:- Còn nói chuyện gì nữa? Mấy lần trước lên vườn, nếu không có ai thì chị cũng hái cam, chất cam rồi chở về tỉnh bơ vậy?- Sao chị so bì với mấy lần trước được? Dì Tư lên cao giọng- Mấy lần trước tụi tui phải cặm cụi hái từ trên cây, sắp xếp vào sọt, cam quít tươi nguyên có cành có lá đàng hoàng, chớ đâu tệ hại như bữa nay?Bà Năm chừng như muốn trở mặt, đổi giọng the thé:- Cái luật mua vườn là vậy chị biết mà! Đã giao kèo xong, có lỗ có lời gì cũng phải chịu. Năm trước chưa có chị Năm Nha Trang buôn chung, mấy chị buôn lời quá chừng ai nói?Dì Tư bực bội, nói to đến át giọng:- Ai không biết giao kèo là giao kèo nhưng mà chị nghĩ chị là tụi tui xem thử. Ai đời lãnh mấy đống cam héo, cam úa này. Tiền xe chuyên chở đã chớ, còn cái công bán mới chết đây nè! Ai mà mua thứ cam thiếu điều như đồ bỏ cúng kiến, ăn uống. Hổng chừng cho người ta cũng chẳng thèm nhận. Làm sao tụi tui đập vô cái tiền còn thiếu chị chớ?Bà Năm nói ngang:- Tui không biết à! Luật sao thì làm vậy!Dì Chín cất giọng van nài:- Chị Tư nói phải đó chị Năm. Chị nghĩ coi, ai mà mua mấy trái héo này chưng cúng ngày tư ngày tết? Tụi tui làm sao kiếm được tiền trả số còn lại cho chị đuợc. Bà Năm la ong óng: - Các chị đừng ỷ đông mà ăn nói ngược ngạo! Lúc lời sao không kẹp tui vô, đến lúc lỗ lại muốn tui cùng gánh chịu? Giao kèo như vậy giao kèo với chó chứ giao kèo với ai!Dì Tư thực sự nổi nóng: - Nè! Tui nói cho chị nghe nghe. Làm người lớn phải ăn nói đàng hoàng đâu ra đó, không được lôi chó lôi mèo ra đây mà đệm. Có hai đứa nhỏ xíu ngồi đây, chị chửi chó mắng mèo coi sao được, chị không sợ ê mặt hả? Bà Năm với lon đựng bã trầu dưới bàn, nhổ phẹt một bãi vào đó, rồi giận dữ nói:- Mấy chị kêu mấy đứa nhỏ ra ngoài đi. Tui không bắt tụi nó hóng chuyện người lớn. Các chị ăn nói tai ngược vậy mà bắt tui câm miệng hả?Hai đứa nhỏ bước vội ra sân trước khi thấy mẹ khoác tay ra hiệu. Tiếng năn nỉ của bà mẹ còn văng vẳng sau lưng:- Chị Năm làm ơn hiểu dùm cho tụi em. Năm nào lời em không thấy chứ năm nay em mới hùn vốn làm ăn đã thấy cảnh kỳ lạ này. Chị nghĩ xem! Tụi em làm sao mà bán hết đống cam héo này? Phải chi còn có lá cam xanh tươi thì tụi em còn bẻ nhánh gắn vào làm cảnh cho người ta mua. Đàng này...Vừa ra ngoài, con chị len lén bước đến bên cửa sổ, phía dưới có trồng mấy khóm hoa vạn thọ và hoa cánh bướm, lỏm nghe những lời đối thoại của người lớn bên trong. Còn con em không phải chứng kiến cảnh người lớn cãi nhau chừng như thích lắm. Nó vừa lăng quăng chạy theo đàn gà vừa giang hai tay bắt mấy con gà con. Gà mẹ xù lông kêu tục tục để gọi con về núp dưới cánh, rồi nghểnh đầu về phía nó thủ thế và bảo vệ đàn con. Con em không đếm xỉa gì đến gà mẹ; nó dợm bước tới gần đàn gà để cố chụp một chú gà con vô tư ham chơi chưa chịu theo mẹ. Con chị la lớn:- Vy không được bắt nó! Gà mẹ mổ đui mắt đó!Con em nghe chị gọi, vui mừng khôn cùng vì nó đoán rằng con chị đã hết giận. Nó chạy đến bên chị thỏ thẻ:- Em thấy mấy con gà con dễ thương ghê! Chị bắt dùm em một con nghe?Con chị nhăn mặt:- Bắt nó sao được? Gà mẹ mổ mình đau lắm!Con em nghiêng đầu, cất giọng nhõng nhẽo nài nỉ:- Em muốn nựng nịu rờ nó một chút thôi. Em chơi với nó một chút thôi rồi thả nó ra.Con chị hỏi:- Em muốn con nào? Màu nào?- Con màu vàng nâu.- Bốn con vàng nâu lận đó!- Con vàng nâu nào cũng được. Cho em chơi một con thôi!Con chị bày em:- Chị dí một đầu, em dí một đầu rồi sáp vào chụp. Nhớ chụp nhanh rồi chạy liền, coi chừng gà mẹ mổ đó nghe!Con em nghe lời chị và cả hai đứa khum người giang tay vây tròn đàn gà vào chính giữa. Mất phương hướng giữa hai cái bóng to lớn kỳ dị trước mặt, gà mẹ hốt hoảng xòe rộng cánh, và kêu tục tục liên hồi để gọi con vào ẩn núp. Mấy chú gà con sợ hãi, nháo nhác xung quanh chân mẹ, miệng kêu chiêm chiếp, không biết nên ẩn hay chạy. Con chị thò tay vào toan chụp một con. Gà mẹ xù mình, vươn đầu mổ nó và cả đám gà con nhảy loạn xạ, náo động. - Bắt nó đi! Bắt đi chị! Con em reo hò cổ vũ.Con chị lại khum người xuống, thò tay vào đàn gà cố gắng thêm một lần nữa nhưng vẫn không bắt được con gà con nào. Nó nhăn nhó:- Mấy con gà con này lanh quá chừng.Đúng lúc ấy, một con chó mực nhảy xồm từ ngoài cổng vào sủa ong ỏng. Cả hai chị em con nhỏ, gà mẹ, và đàn gà con đều chạy tứ tán. Người đàn bà đi sau con chó mực vừa đe chó, vừa la to:- Đừng có chạy! Thấy chó sủa mà chạy nó chụp cắn cho bây giờ!Ông tài xế xe lam đi theo sau lưng bà, gợi chuyện:- Vậy là nãy giờ chị không có ở nhà hèn chi mấy chị ở chợ Đầm để tui ngoài đây chờ lâu quá mà không nói gì với tui cả. Chất cam ở đây xong tui còn phải quay vào phía vườn trong gần rẫy núi để chở cam cho mấy bả nữa đó!- Dạ, đi đâu thì thủng thẳng hãy đi bây giờ thì vào nhà dùng nước đã “anh Hai”! Ở ngoài đây chi cho nóng nực!Tiếng chó sủa, tiếng nói của bà chủ vườn và ông tài xế xe làm khiến những người đàn bà buôn bán đang tranh luận phải trái ngưng bặt. Tất cả đưa mắt về phía cửa sổ và cửa ra vào. Bà Năm Đại Điền mừng như bắt được vàng khi thấy người đàn bà bước vào nhà. Làm như chính mình là chủ nhà, bà ta đon đả đẩy cái ghế bên cạnh, mời mọc:- Chị là chị Mười Đại Điền phải không? Ngồi đây! Ngồi đây chị! Tui thứ Năm. Tui ở phía trong Đại Điền. Người ta quen miệng gọi tui là Năm Đại Điền.Người chủ vườn vừa lấy ghế mời ông tài xế xe lam ngồi vừa chép miệng:- Đại Điền trong, Đại Điền ngoài gì cũng bị thiệt hết cả chứ chẳng chừa cái Đại Điền nào!Bà Năm Đại Điền nhìn bà Mười Đại Điền trân trân:- Thời tiết mỗi năm mỗi khác, cây trái lúc thiệt, lúc nên, trời cho thì được, trời không cho thì mất chứ biết nói sao!Bà Mười Đại Điền vừa rót nước vừa nói:- Trời thương, trời ghét gì chị ơi! Tụi nó rải thuốc khai quang để khai nương mở rẫy gì không biết mà diệt sạch ráo cây cối. Từ đây thẳng ra ngoài lộ chính, vườn nào vườn nấy không còn trái trên cành. Lá thì vàng hết trơn hết trọi.Xoay qua người tài xế xe lam, bà nói bình thản:- Gì thì gì uống nước đã. Mời anh “Hai” dùng nước. Uống nước các chị ơi!Dì Chín trả lời:- Ăn uống gì chị ơi, cam quít như vầy rầu thúi ruột!Bà Năm Đại Điền hỏi dồn:- Ai nói chị với chị là cây cối bị rải thuốc?- Mấy ngày nay tui đi hỏi thăm tin tức. Nhiều người ở đây đã biết và đều nói vậy!Dì Tư nghe vậy, chụp ngay cơ hi để kèo nài:- Đó! chị Năm thấy không! Có phải thời tiết gì đâu? Bởi vì người bỏ thuốc khai quang gì đó cam quít mới chết cành rụng trái như vậy chớ! Sao bắt tụi em chịu?Bà Năm dường như không nghe bà Tư nói, tiếp tục hỏi bà Mười:- Chớ tụi nó là ai? - Là mấy người khai quang chứ biết ai mà nói bây giờ! Bà Năm nôn nóng:- Nó bỏ lúc nào? Làm sao mà bỏ hết cái vùng này được?- Nó bỏ bằng máy bay chị ơi. Tụi nó có tiền mua thuốc bỏ cho cây cối chết hết rồi khai khẩn đất mới đó mà! Đám đàn bà hùn chung vốn bàn tán xôn xao:- Đúng là phải có cái gì mới xảy nên chuyện như vậy chứ có phải là thời tiết đâu mà để cho tụi mình chịu thiệt?- Mấy chỉ phải tính sao cho mình chớ. Tụi mình mà chịu hết sao kham?Bà Năm không thèm đề cập đến những điều họ bàn tán, tiếp tục hỏi bà Mười:- Cái tụi nào mà làm ăn thất trách vậy? Sao không rải thuốc trong rừng, trong núi mà rải trong vườn người ta vậy chứ? - Tui đã nói với chị là tui không biết đích xác ai làm. Nghe đâu, tụi nó rải thuốc một nơi, rớt xuống một nẻo! Trái rụng, lá rụng chưa xong đâu nghe chị! Mấy bả còn nói là từ từ cây cối sẽ chết rụi hết cả đó. Vì thuốc khai quang không chừa sót cái cây ngọn cỏ nào cả!Bà Năm nhai trầu choèn choẹt một lúc rồi hậm hực nói:- Tui nghe chị cứ nhắc đi nhắc lại “tụi nó” mà tui tức mình không biết tụi nó là ai! Tui có nghe, có thấy máy bay gì mà nói là máy bay bỏ thuốc?Bà Mười nói giọng bực bội chẳng kém bà Năm:- Tui cũng nghe người ta kể chuyện bàn tán rồi tui nói lại thôi chứ tui có biết tụi nó là ai đâu! Nghe nói là mấy tụi khai hoang lập ấp mới gì đó mà!Người tài xế xe lam nhắc khéo những người đàn bà thầu vườn:- Mấy chị coi sao chứ lái xe đi hai chỗ xa như vầy tui nghĩ không kịp về trước bảy giờ tối đâu. Dì Chín nói: - Hai chị tính sao tính dùm tụi em đi! Chứ cam héo như vầy tụi em không bán được đâu. Làm sao tụi em kiếm đủ tiền đập vào cái phần thiếu còn lại đây?Bà Mười Đại Điền nói chậm rãi và từ tốn:- Thôi tui nói như vầy cho nhanh. Mấy chị chất hết mớ cam này về dưới bán đi. Tui thì tui chịu cho mấy chị nửa phần nợ còn lại. Bà Năm Đại Điền chép miệng:- Tui chịu một phần ba là quá cỡ rồi!Dì Tư không rời chiếc ghế, kèo nài hai bà chủ vườn:- Hai chị thương tình mà tính lại chứ làm sao tụi em bù cái phần lỗ này được? Hai ba đống cam như đống núi làm sao tụi em bán hết được đây?Mặc cho bà dì Tư năn nỉ hết lời, hai bà chủ vườn vẫn khăng khăng với quyết định cuối cùng của họ. Mặt người nào người nấy cũng dàu dàu ủ ê nhưng không dám phản kháng lời tuyên bố của người có quyền. Rồi mấy người đàn bà lục đục đi ra ngoài chiếc xe lam lấy sọt và lẳng lặng chất cam. Xong, họ chào hai bà chủ vườn ra về. Hai chị em con nhỏ đi theo họ ra sân. Những lời than van và những chữ “bù lỗ, phần thiếu còn lại, nợ, làm sao đập bù... ” cứ lập đi lập lại trong đầu con chị, tựa như tiếng côn trùng đang rên rỉ trong khu vườn lúc xế chiều.Trên xe lam đi trở lại nhà bà Năm Đại Điền, con em thì thầm trong tai con chị:- Chị Hạ có muốn em đặt tên cho búp bê không?- Không!Con em lại ghé tai chị:- Sao hồi nãy chị hỏi?Mân mê những trái cam nhiễm thuốc khai quang đỏ vàng trong cái sọt trước mặt, con chị thờ ơ nói:- Chị chỉ hỏi chơi thôi. Mặt con em bí xị. Nó đang thất vọng ghê gớm lắm.