Có lẽ vì thông lệ và vì không muốn đạp đất, dù là không phải là người đạp đất đầu tiên, bà mẹ đã dẫn hai đứa nhỏ đi về phía sân gạch để vào ngôi nhà lớn bằng cái cửa sau. Đi ngang qua phòng tiếp khách riêng của bà nội và căn phòng ngủ của khách, ba mẹ con bước vào phòng ăn của gia đình ông bác Cả. Lóa mắt vì cảnh bài trí sang trọng và đẹp mắt của căn phòng này, cả ba đứng lại một lúc để nhìn xung quanh. Căn phòng ăn nhỏ gọn vừa đủ cho bộ bàn ăn dành cho bốn người, một cái tủ lạnh và một tủ đựng chén bát kiểu. Bàn ăn chỉ được trải khăn ca rô trước giờ ăn nay được phủ khăn thêu trắng với những đường ren viền trang nhã. Chính giữa bàn ăn là một bình hoa tươi thắm mà xung quanh nó là hộp mứt dẹp hình bát giác, đĩa trái cây đủ loại và cái thố thủy tinh nho nhỏ đựng hạt dưa. Trên tủ lạnh, hai trái dưa hấu được đặt cạnh dĩa hoa vải với hai đóa hoa hồng thanh mảnh và những ngọn lá xanh non mềm mại. Trong tủ kính búp-phê, ở ngăn bên trên có vài chai rượu được chưng cạnh các thẩu đựng đủ các loại mứt; còn ở các ngăn bên dưới là hàng lố ly thủy tinh trong suốt và hàng chồng chén dĩa sứ kiểu được sắp xếp một cách thứ tự, gọn gàng. Hai đứa nhỏ đi chầm chậm và chăm chú nhìn những thẩu mứt đặt trong tủ. Chúng như đang muốn phô diễn màu sắc, dáng vẻ và thậm chí cả hương vị khác nhau của các loại mứt qua hai cánh cửa kính trong suốt như pha lê. Thầm nói nho nhỏ bên tai chị: “mứt khoai lang, mứt gừng, mứt dừa, mứt tắc, mứt thơm, mứt sen, chà là, chuối khô, táo khô...”, con em vừa nuốt nước miếng vừa đưa tay chỉ trỏ. Con chị nhìn nó thương hại rồi cúi thấp đầu. Nó hiểu mọi thứ trong phòng ăn này chỉ dành để sẵn sàng chào đón con cháu của ông bà bác Cả hay những người khách giàu sang và quí phái chứ không phải là cho chị em chúng. Có chăng, chúng chỉ được những phần thừa thãi sau những ngày không còn Tết. Lắc đầu buồn bã nó kéo tay con nhỏ em bước nhanh theo bà mẹ. Dọc theo hành lang giữa các bức tường được quét vôi mới trắng toát, ba mẹ con đi qua các phòng đóng cửa kín mít. Đó là phòng ngủ của bác Cả, bà nội và cô Út. Hai đứa nhỏ muốn nhón người nhìn vào bên trong những màn ren thêu che lấp nửa khung cửa kính ở các phòng nhưng sợ mẹ la đành nhìn thẳng đi theo mẹ. Đến trước căn phòng có ánh điện sáng trưng bà mẹ kêu chúng ngừng lại. Căn phòng này là phòng thờ cúng ông bà. Với cái nhìn thoáng ngang, hai đứa nhỏ lóe mắt bởi hoa quả, thức ăn và hương khói bên trong. Đến gần bên mẹ hơn, chúng trông chờ mẹ dạy bảo. Thật lâu, khuôn mặt đăm chiêu của bà mẹ không thay đổi và hai đứa nhỏ vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Chúng biết mẹ chúng đang lưỡng lự bởi vì bên cạnh phòng thờ trang nghiêm là phòng khách lớn, ở đó cũng trang nghiêm không kém, cũng rực rỡ đèn hoa, cũng bày biện sang trọng tươm tất, tự nhiên buộc mọi người đứng ngồi khép nép, và nói năng từ tốn nhỏ nhẹ. Chúng hiểu mẹ chúng lưỡng lự vì bà không thể quyết định được là nên cho chúng lạy ông bà trước rồi chúc Tết gia đình hay ngược lại. Thái độ phân vân và bất an của bà mẹ khi đứng giữa lối vào phòng thờ và phòng khách đã cho hai con nhỏ hiểu lờ mờ rằng mẹ chúng không thể xác định được cái bà nên làm hay không. Cho dù bà đã theo khuôn phép của đại gia đình từ lúc bước chân về nhà chồng, nhưng đến lúc ấy, bà không có tự tin để tự ý quyết định việc gì. Bất cứ việc lớn hay nhỏ, bà đều phải hỏi trước hoặc xin phép trước những người trong gia đình chồng, nếu không, bà sẽ lâm vào cảnh bị chê trách là tự ý tự thị không phải lối hay làm không đúng phép. Lúng túng giữa hai lối vào hai căn phòng, ba mẹ con giương mắt nhìn vào phòng khách và chờ đợi một người nào đó cho bà biết nên làm gì trước sau.Từ trong phòng khách, tiếng nói cười đột nhiên trầm xuống. Mọi người xúm xít đứng lại gần nhau để lắng nghe một giọng kể nhỏ nhẻ rồi phá lên cười ngặt nghẽo. Một người đàn bà trong chiếc áo dài bông tím quay mặt về phía lối ra phía sau vừa lau nước mắt, vừa ôm bụng cười. Người ấy là cô Sáu. Nhìn thấy ba mẹ con, cô đưa tay ra hiệu cho cả ba bước vào. Xen vào giữa vòng người xúm xít, ba mẹ con bối rối đứng nhìn mọi người xung quanh. Tất cả đều mặc áo quần mới với các màu sắc khác nhau khiến cho họ không thể nhận ai là ai một cách dễ dàng. Những đứa nhỏ, trong quần áo mới trông lớn hẳn lên, và những người lớn trong áo mới, trông lạ hơn ngày thường rất nhiều. Mùi nước hoa ngào ngạt của những người bên cạnh khiến cho ba mẹ con càng lúc càng đứng tụ sát vào nhau, khép nép giữ khoảng cách để không phải chạm vào họ. Hướng theo ánh nhìn của mọi người, ba người đồng hướng mắt nhìn con bé gái đứng trước bà nội. Bà nội trong chiếc áo dài gấm nâu nhạt, tay nắm một xấp bao bì đỏ, ngồi ngay ngắn trên chiếc ghế sô pha, miệng mỉm cười nhìn chăm chăm vào khuôn mặt con bé đang đứng trước mặt. Con bé mặc áo đầm ren vàng nhạt ngắn đến đầu gối để lộ đôi chân trắng hồng trong đôi giày bít trắng. Nó vừa nói vừa dí mũi giày trên các hình vân của nền gạch hoa dưới đất:- Thưa ngoại, đầu năm, con chúc bà ngoại sống lâu trăm tuổi.Bà nội gật đầu, đưa tay ngoắc nó:- Giỏi lắm, tới đây gần ngoại! Mắc cở, con nhỏ ngập ngừng bước tới trước. Bà nội xoa đầu nó:- Bà ngoại chúc con năm nay học giỏi hơn năm trước. Con mấy tuổi?- Dạ con sáu tuổi- Sáu tuổi là tuổi con gì?- Dạ tuổi con heo.- Tuổi con heo năm nay đã bảy tuổi rồi! Sáu tuổi là tuổi tây còn tuổi ta con đã bảy tuổi. Con bảy tuổi thì ngoại cho con bảy đồng.Tất cả mọi người cười ồ bán tán:- Mạ cho tiền như rứa răng mờ chịu cho thấu!Bà nội cười dịu dàng:- Chỉ cho vài đứa nhỏ thôi.Con nhỏ em khèo chị, thì thầm nói:- Con Hạnh đó chị!Con chị gật đầu. Con em thì thầm tiếp:- Em sẽ được tám đồng.Con chị không trả lời. Nó nhìn bà nội đang móc tiền trong cái túi áo bên trong và đếm tiền cho con bé Hạnh thay vì cho nó cái phong bì đỏ đang cầm. Con bé sung sướng nhận tiền và đi hướng về mẹ đang đứng trong vòng tròn kín người gần cửa ra vào hướng về phía cổng trước. Mẹ nó, cô Bảy Mỹ, hôm nay mặc áo lụa hồng đậm có những đóa hoa đỏ điểm chấm trên các lá xanh rải rác. Cô uốn tóc đến vai, mặt đánh phấn hồng, cười tươi tắn. Đứng cạnh cô là bác Cả gái, cô Út và chị Trịnh, con gái độc nhất của ông bà bác Cả. Họ mặc những chiếc áo dài màu vàng chanh, hồng cánh sen, xanh lá cây trơn, tha thướt với các đồ trang sức đắt tiền trên tai, trên cổ, trên tay và những ngón tay. Mặc cho mọi người cười ồ và bàn tán những câu chúc ngộ nghĩnh như: “Con chúc bà làm ăn phát đạt” hay “Con chúc bà ngoại đầu năm sinh con trai cuối năm sinh con gái”, con chị ngước lên nhìn mẹ của nó. Trong chiếc áo bà ba đơn giản, và mái tóc bới cao, cái cằm nhọn của khuôn mặt trái xoan và cái mũi thanh tú đã làm cho mẹ nó trông xinh đẹp hơn mọi ngày. Trong tim nó, một nộiềm thương yêu mẹ dâng lên dạt dào và vô bờ bến. Nó ao ước một ngày nào đó trời cho nó có tiền thật nhiều tiền để nó mua cho mẹ những tấm áo đẹp và những món trang sức quí như của các cô nó. Và nếu mẹ nó có những thứ ấy, nó sẽ khuyên mẹ đứng thẳng người lên, ngẩng chiếc đầu cao hơn để xóa bỏ tất cả những cái gọi là tự ti, mặc cảm, và an phận.Con em đập vào tay nó:- Em chúc bà nội rồi, đến phiên chị kìa!Giật mình, con chị vội vã chen ra khỏi cái vòng tròn đầy người, bước đến trước mặt bà nội, đứng nghiêm trang:- Dạ thưa bà nội, đầu năm con xin chúc bà nội mạnh khỏe...Vài ánh mắt cười xuất hiện đâu đó và nó lúng túng ngó xuống dưới chân. Nó quên bẵng câu chúc Tết dài thật dài mà mẹ đã dạy cho.Cái váy đầm của nó lụng thụng quét tận gót chân và cái đường eo rơi xuống gần đầu gối chắc hẳn là trò cười. Nó cố gắng tiếp tục những phần còn lại của câu chúc:-... bình an vô sự, buôn may bán đắt và kiếm nhiều tiền lời.Tất cả mọi người phá lên cười ồ. Tiếng cười dòn tan như pháo đang nổ trong phòng khách. Ngượng ngập, con chị cũng cười theo. Lúc này nó mớí nhớ ra là nó đã lấy câu cầu nguyện của mẹ nó khi thắp hương cho Phật bà để chúc Tết cho bà nội. Bà nội cười thông cảm. Bà chúc nó học giỏi hơn, và ngoan ngoãn hơn, rồi trao cho nó phong bì đỏ. Lần lượt theo những đứa nhỏ bà con, nó chúc Tết ông bà bác Cả, chú Mỹ, cô Mỹ, cô Sáu, cô Út, anh Ký và chị Trịnh rồi góp các phong bì đỏ thành một xấp dày.Chúc Tết và lãnh tiền lì xì xong, mọi người tản mác khắp nơi trong phòng khách. Người lớn tụ thành nhóm nhỏ hỏi han nhau. Trẻ con lăng quăng một lúc bên ba mẹ rồi chạy ra hiên trước chơi đùa. Hai chị em con nhỏ muốn ra hiên nhập bọn với anh chị em chú bác lắm, nhưng chúng còn chờ quyết định của bà mẹ. Sau khi bà mẹ hỏi nhỏ cô Sáu vài điều, chúng được bà dắt vào phòng thờ để lạy tổ tiên. Phòng thờ nghi ngút khói của hương nhang và trầm. Mùi thơm của chúng hoà lẫn mùi nước vôi mới từ các bức tường của căn phòng. Ánh sáng dịu dàng từ cái bóng đèn điện tròn trên trần nhà giữa phòng thờ kết hợp với ánh sáng cháy bùng từ những ngọn nến, và ánh sáng khiêm nhường của những chiếc đèn dầu trên những bàn thờ đã làm tăng thêm nước ánh bóng loáng và sáng trưng của những cặp chân đèn và lư hương bằng đồng. Khi ba mẹ con đứng trước dãy bàn thờ, bà mẹ lần lượt giới thiệu từng người đã mất qua các tấm ảnh của họ. Ngày đầu năm nào cũng vậy, mỗi lần cúng ông bà, bà mẹ thường nhắc đi nhắc lại đặc điểm của những người quá cố, những điều mà người chồng thân yêu từng kể cho bà biết khi về làm dâu nhà họ Hoàng. Nhờ thế, hai đứa nhỏ đã gọi đúng tên khi cúi bái và cầu nguyện. Đầu tiên là ông sơ, rồi đến bà sơ, ông cố, bà cố, ông nội, các bà dì chị em ruột của bà nội, và những người bà con chết trẻ.- Ông bà sơ là ba má của ông bà cố.Bà mẹ giải thích.- Vậy ba má của ông bà sơ mình gọi là gì hả má? Con em hỏi.- Gọi là ông bà sít.Con em tiếp tục tìm hiểu:- Vậy ba má của ông bà sít mình gọi là gì?Bà mẹ ngập ngừng:- Má không biết, để má hỏi lại bà nội và các bác, các cô.Con chị nhìn quanh các bàn thờ:- Sao không có bàn thờ cho ông bà sơ và ông bà sít vậy hả má? Và những ba mẹ của ông bà sít và những người trước đó nữa?- Những người chết lâu đời thờ chung trong bài vị có ghi chữ kia kìa.Con chị thỏa mãn câu trả lời của mẹ khi nó nhìn khung bảng đỏ được đặt trên cái kệ nâu bóng gắn sát vào tường sau lưng các hình ông cố và bà cố. Những chữ giống như chữ Tàu cho nó lờ mờ hiểu rằng họ Hoàng của đại gia đình nó là một trong các họ của người Hoa. Thắp hương và cúi bái xong, bà mẹ còn kể thêm nhiều mẫu chuyện về những người đã mất. Bà mẹ càng nói dông dài về tính cách, tính tình của những người đã mất, và về mối quan hệ giữa họ đối với chúng, hai đứa nhỏ càng tỏ ra im lặng và chú tâm lắng nghe, tình thực, chúng đang tập trung những đôi mắt hau háu trên những đĩa thức ăn và bánh mứt được sắp chật ních trên bàn thờ. Tất cả những thứ được dâng cúng trên những bàn thờ trong nhà từ đường đã làm hai đứa nhỏ ngỡ ngàng trước sự giàu có vượt bậc của gia đình nội của chúng và cảm thấy nhỏ bé tầm thường khi nhớ đến những món ăn xoàng mà mẹ chúng cúng trên bàn thờ và những vật dụng không đặc sắc mà mẹ chúng sắm trong căn nhà nhỏ. Len lén chỉ tấm ảnh của ba nó trên một bàn thờ cạnh bàn thờ lớn, chúng nhìn nhau mỉm cười. Chúng cảm thấy an ủi khi thấy ba chúng được “ăn” những món ngon vật lạ mà gia đình nội cúng trong nhà từ đường này chứ không phải chỉ những thức ăn tầm thường và đơn sơ như những món ăn mà mẹ chúng đang cúng trên bàn thờ của ba nó trong căn nhà nhỏ. Chòng chọc nhìn vào những đĩa thức ăn, chúng vừa lạy những người quá cố vừa nuốt nước bọt. Chúng hiểu là sau khi chúng lạy ông bà xong, chúng sẽ được quây quần với những người bà con trong đại gia đình ăn trưa. Những lần như thế, chúng thấy sung sướng lắm bởi vì chúng vừa có dịp thưởng thức nhiều món ăn cầu kỳ sang trọng như bánh chưng, bánh tét, giò thủ, nem chua, bào ngư, cước cá, chạo tôm, chả ram, chả giò, nem nướng, bánh phục linh, bánh măng, bánh đậu sen và vừa có dịp chuyện trò kết thân với anh chị em bà con cùng trang lứa.Cúng ông bà xong, hai chị em con nhỏ được đưa vào chỗ ăn dành cho trẻ con. Yên vị trên chiếc phản gỗ trong nhà cô Sáu chờ mọi người có mặt đầy đủ để cùng nâng đũa, hai đứa giữ thái độ đàng hoàng và lịch sự như mẹ chúng căn dặn; tuy nhiên, chúng không giấu được những cái nhìn thèm thuồng trên những thứ thức ăn khác nhau trước mặt. Mấy đứa nhỏ bà con bị cha mẹ hò hét mãi mới chịu tụ tập đầy đủ vào chỗ ăn. Thờ ơ gắp vài miếng thức ăn bỏ vào chén, đứa thì nhai uể oải, đứa thì nuốt vội vàng rồi thi nhau chạy túa ra vườn để lại chỉ còn mình hai chị em trên chiếc phản rộng. Cảm thấy lạc lõng và luyến tiếc với mâm thức ăn ngon lành hấp dẫn còn đầy ăm ắp nhưng hai đứa cũng đành buông đũa, bắt chước đi theo mấy đứa nhỏ bà con. Trong khoảnh khắc, bọn trẻ tụ tập trước ngôi nhà lớn nơi xác pháo hồng văng vãi khắp sân. Hàng năm, những đứa nhỏ bà con trong đại gia đình họ Hoàng chỉ có dịp họp mặt đông đủ nhất trong ngày mùng một cho nên đây là lúc chúng có điều kiện tâm tình và chơi đùa cùng nhau. Những đứa con gái móc những xấp tiền lì xì ra đếm và so bì xem ai nhiều ai ít. Bọn con trai khoe nhau những viên pháo đã nhặt, rồi chia nhau đi tìm cái lon sữa bò và nhang để đốt. Đặt úp cái lon lên viên pháo được kê trên một viên gạch nhỏ chỉ còn chừa cái ngòi bên ngoài, thằng Minh Trung, con trai thứ ba của anh Ký chị Trịnh và là cháu ngoại trai của ông bà bác Cả, dùng nhang châm vào ngòi. Ngòi pháo xì xì loé sáng, thằng bé xua tay ra hiệu cho cả bọn tránh xa cái chỗ xếp lon sữa bò và viên pháo đang cháy. Mấy đứa con gái chạy theo hướng chỉ của thằng bé, dồn vào nhau, bịt tai, thau láu nhìn cái lò nổ. - Đùng!Viên pháo nổ, bắn tung chiếc lon sữa bò lên không rồi rớt xuống lăn long lóc trên mặt sân. Cả bọn reo hò sung sướng. Từ trong phòng khách của ngôi nhà lớn, anh Ký và chú Bảy Mỹ vội vã bước ra:- Mấy đứa đang làm chi rứa?- Tụi mi đốt pháo tống hử? Thằng Minh Trung lắc đầu, mỉm cười hóm hỉnh:- Không! Con chỉ đốt pháo thường với cái lon sữa bò trống rỗng thôi mà nó nổ lớn như vậy.Hai người đàn ông đều nói:- Đốt ra răng, đốt lại cho tau coi thử nờ!- Để tau coi tụi mi chơi ra răng!Được người lớn quan sát trò chơi bình dân của chúng, mấy đứa con trai hí hửng thi nhau nhặt lon, xếp pháo, kê gạch và châm ngòi. Lần này, viên pháo cháy hết ngòi mà vẫn không nổ. Minh Thành, anh của thằng Minh Trung, chép miệng:- Viên pháo này bị xì rồi!Mấy đứa con trai lớn như anh Lễ con cô chú bảy Mỹ, Minh Toàn con đầu của anh Ký và chị Trịnh đang đứng quan sát cũng nhập với cả bọn thằng Minh Thành, Minh Trung bàn tán một hồi rồi giúp chúng xếp lại cái lò nổ mới. Xếp lò nổ xong, bọn con trai hò mấy đứa nhỏ hơn thụt lùi ra xa trước khi châm chiếc nhang cháy đỏ vào ngòi pháo.- Đùng! Lần này viên pháo nổ đùng một tiếng đinh tai nhức óc, đẩy văng chiếc lon cao hơn lần đầu rồi rơi lăn lóc trên sân đất. Bọn con nít buông tay ra khỏi tai, lại reo hò ầm ĩ. Ông chú Mỹ mỉm cười, rảo bước trở vào phòng khách của ngôi nhà lớn.Tiếng pháo nổ, tiếng lon sữa bò nổ bật văng lên, tiếng nói cười của những đứa bà con là những cái mà hai chị em con nhỏ cho rằng đó là Tết và thực sự là Tết.