Dịch giả: Trần Phong Giao
MÀN NĂM

Màn năm 
Trong một căn nhà khác, nhưng cùng một kiểu kiến trúc.
Một tuần lễ sau. Ban đêm.
 
Im lặng. Dora đi đi lại lại.
ANNENKOV: - Cô đi ngủ đi, Dora.
DORA: - Tôi lạnh.
ANNENKOV: - Cô lại nằm xuống đây. Lấy chăn mà đắp.
DORA: vẫn đi – Đêm thì dài. Tôi thấy lạnh quá, anh Boria.
Có tiếng gõ cửa. Một tiếng, rồi hai tiếng.
Annenkov bước ra mở cửa. Stepan và Voinov cùng vào, Voinov bước lại gần Dora và ôm hôn nàng. Dora ghì chặt Voinov vào sát người nàng.
DORA: - Alexis!
STEPAN: - Orlov bảo có thể là đêm nay đấy. Tất cả các hạ sĩ quan không bị trực cũng được triệu tập. Vì vậy mà Orlov cũng sẽ có mặt.
ANNENKOV: - Anh gặp Orlov ở đâu?
STEPAN: - Anh ta sẽ đợi chúng tôi, Voinov và tôi, tại tiệm ăn đường Sophiaskaia.
DORA: đã ngồi xuống, dáng mệt mỏi – Đêm nay đấy, Boris ạ.
ANNENKOV: - Chưa có gì là tuyệt vọng, còn tuỳ quyết định của Nga hoàng.
STEPAN: - Quyết định tuỳ thuộc ở Nga hoàng nếu như Yanek đã cầu xin ân xá.
DORA: - Yanek đã không xin ân xá.
STEPAN: - Thế tại sao anh ấy lại gặp bà công tước nếu không phải là để xin được ân xá? Bà ấy đã cho nói cùng khắp mọi nơi là anh ấy đã hối lỗi. Làm thế nào mà biết được sự thật?
DORA: - Chúng ta biết anh ấy đã nói gì trước Toà và những gì anh ấy đã viết cho chúng ta. Yanek há chẳng đã nói là anh hối tiếc vì chỉ có mỗi một mạng sống để ném lên cái chính quyền độc tài chuyên chế như một lời thách đố? Người ta nói ra điều đó có thể nào van xin ân xá, có thể nào hối lỗi được không? Không, người đó đã muốn, người đó đang muốn được chết. Cái gì người đó đã làm sẽ không bị chối bỏ đâu.
STEPAN: - Anh ấy đã lầm khi tiếp bà công tước.
DORA: - Chỉ có anh ấy có quyền phán xét hành động đó thôi.
STEPAN: - Theo kỷ luật của chúng ta, anh ấy không được gặp bà ấy.
DORA: - Kỷ luật của chúng ta là giết, không là gì hơn nữa. Giờ đây anh ấy tự do, bây giờ mới được tự do.
STEPAN: - Chưa đâu.
DORA: - Anh ấy được tự do. Anh ấy có quyền làm những gì mà anh ấy muốn, vào lúc gần chết. Bởi vì anh ấy sắp chết, các bạn hãy lấy thế làm vừa lòng.
ANNENKOV: - Dora!
DORA: - Thật đấy. Nếu anh ấy được ân xá, còn thắng lợi nào hơn. Phải chăng việc đó sẽ là bằng cớ chứng tỏ rằng bà công tước đã nói thật, rằng anh ấy đã ăn năn và rằng anh ấy đã phản bội! Trái lại, nếu anh ấy chết, các anh sẽ tin anh ấy và các anh sẽ còn có thể quý yêu anh ấy. (Ngước nhìn mọi người.) Tình yêu của các anh khó thật.
VOINOV: bước lại gần Dora – Không, Dora. Không bao giờ chúng tôi ngờ vực anh ấy cả.
DORA: đi đi lại lại - Phải… Có lẽ… Các anh hãy tha lỗi cho tôi… nhưng nghĩ cho cùng, cần quái gì! Chúng ta sẽ được biết, đêm nay… A! Tội nghiệp cho Alexis, anh còn trở lại đây làm gì?
VOINOV: - Để thay thế anh ấy. Tôi đã khóc, tôi đã hãnh diện khi đọc lời biện thuyết của anh ấy trước toà. Khi tôi đọc: “Cái chết là sự phản kháng tối thượng của tôi chống đối một thế giới bằng máu và nước mắt…” tôi thấy người tôi run lên.
DORA: - Một thế giới bằng máu và nước mắt… anh ấy đã nói như vậy, là đúng đấy.
VOINOV: - Anh ấy đã nói vậy… Chà, thật cam đảm biết bao, Dora nhỉ! Rồi tới đoạn cuối, trong tiếng kêu lớn của anh: “ Nếu tôi xứng đáng với sự phản kháng của con người chống đối bạo lực, thì cái chết hãy hoàn tất cho công nghiệp của tôi bằng sự thanh khiết của tư tưởng.” Tôi quyết định đến đây ngay lúc đó.
DORA: dấu mặt trong hai bàn tay - Thật vậy, anh ấy đã ước muốn sự thanh khiết. Nhưng sự hoàn tất mà anh ấy nói đó mới cay đắng làm sao!
VOINOV: - Chị đừng khóc, Dora. Yanek đã yêu cầu đừng ai khóc than cái chết của anh. Ồ, giờ đây tôi thật hiểu rõ anh ấy. Tôi không thể nào ngờ vực anh ấy. Tôi đau khổ vì tôi đã đớn hèn. Vả lại, tôi đã ném trái bom ở Tìlis. Giờ đây tôi đâu có khác gì Yanek. Khi tôi hay tin anh ấy bị kết án, tôi chỉ có một ý muốn: thay chỗ Yanek bởi vì tôi đã không thể sát cánh bên anh.
DORA: - Có ai thay thế được anh ấy chiều nay! Anh ấy sẽ trơ trọi một mình, Alexis ạ.
VOINOV: - Chúng ta phải nâng đỡ anh ấy bằng lòng kiêu hãnh của chúng ta, cũng như anh ấy nâng đỡ chúng ta bằng gương sáng của anh. Chị đừng khóc.
DORA: - Nhìn đây. Mắt tôi khô mà. Nhưng kiêu hãnh, ồ, không, sẽ chẳng bao giờ tôi còn có thể kiêu hãnh được nữa!
STEPAN: - Dora, chị đừng coi tôi là người xấu. Tôi mong ước Yanek được sống. Chúng ta cần tới những người như anh ấy.
DORA: - Anh ấy thì lại không mong được sống. Và chúng ta phải mong ước cho anh ấy chết đi.
ANNENKOV: - Cô điên rồi.
DORA: - Chúng ta phải mong ước như vậy. Tôi hiểu lòng anh ấy. Có như vậy anh ấy mới được yên ổn. Ồ phải, anh ấy phải chết! (Giọng thấp hơn.) Nhưng hãy chết cho mau.
STEPAN: - Tôi đi đây, Boria. Đi nào, Alexis, Orlov đang đợi chúng ta.
ANNENKOV: - Đồng ý, và hãy mau mau mà trở về.
Stepan và Voinov bước ra cửa. Stepan liếc nhìn về phía Dora.
STEPAN: - Rồi chúng mình sẽ biết. Anh hãy săn sóc cô ấy.
Dora đứng bên cửa sổ. Annenkov nhìn nàng.
DORA: - Chết! Trụ thắt cổ! Lại chết nữa! A! Boria!
ANNENKOV: - Đúng thế, cô em nhỏ bé của tôi. Nhưng không có giải pháp nào khác cả.
DORA: - Anh đừng nói thế. Nếu giải pháp duy nhất là cái chết thì chúng mình không đúng đường rồi. Con đường đúng là con đường dẫn tới sự sống, tới ánh mặt trời. Người ta không thể cứ bị lạnh hoài…
ANNENKOV: - Con đường đó cũng đưa tới sự sống. Tới sự sống cho những người khác. Nước Nga sẽ trường tồn, con cháu chúng ta sẽ được sống. Cô hãy nhớ lại lời Yanek từng nói: “Nước Nga sẽ huy hoàng.”
DORA: - Những người khác, con cháu chúng ta… Vâng. Nhưng Yanek thì ở trong tù và sợi thừng treo cổ thì buốt lạnh. Anh ấy sắp chết. Có thể anh ấy đã chết rồi để cho người khác được sống. A! Boria, và nếu người khác lại không sống thì sao? Và nếu như anh ấy chết uổng?
ANNENKOV: - Cô im đi.
Im lặng
DORA: - Sao mà lạnh quá. Ấy là đang mùa Xuân đấy. Có nhiều cây trong sân nhà tù, tôi biết thế. Anh ấy chắc phải trông thấy những hàng cây?
ANNENKOV: - Hãy chờ xem sao. Cô đừng run lên như thế.
DORA: - Tôi lạnh tới mức có cảm tưởng là đã chết rồi. (Một lát.) Những cái đó làm mình già đi mau quá. Boria ạ, chẳng bao giờ mình có thể là những trẻ thơ được nữa. Với vụ giết người thứ nhất, tuổi thơ vội bay đi. Tôi ném trái bom và trong một giây đồng hồ, anh thấy chứ, trọn vẹn một cuộc đời sụp đổ. Phải, kể từ nay mình có thể chết được rồi. Chúng ta đã thành nhân.
ANNENKOV: - Nếu vậy chúng ta sẽ chết trong khi tranh đấu, cũng như mọi người.
DORA: - Các anh đã đi nhanh quá. Các anh chẳng còn là người nữa.
ANNENKOV: - Sự cùng khổ và cơ cực cũng đi nhanh như thế. Chẳng thể nào có chỗ lòng kiên nhẫn và sự trưởng thành trong cõi đời này. Nước Nga đang hối hả.
DORA: - Tôi biết. Chúng ta rước vào mình nỗi khổ cực, nỗi khốn cùng của đời này. Cả anh ấy nữa, anh ấy cũng đã rước nó vào mình. Can đảm biết chừng nào! Nhưng đôi lúc tôi tự nhủ đó là một niềm kiêu hãnh sẽ bị trừng phạt.
ANNENKOV: - Đó là một niềm kiêu hãnh mà chúng ta phải trả bằng mạng sống. Không ai có thể đi xa hơn được. Đó là một niềm kiêu hãnh mà chúng ta có quyền được có.
DORA: - Có chắc là sẽ không có ai đi xa được hơn không? Đôi lúc, nghe Stepan nói mà tôi bắt sợ. Có thể sẽ có những kẻ khác sẽ đến, những kẻ sẽ nhân danh chúng ta mà tự cho phép họ được nhúng tay vào máu và những kẻ đó sẽ không phải trả bằng mạng sống của họ.
ANNENKOV: - Như vậy là hèn nhát đó, Dora.
DORA: - Biết đâu? Đó có thể là công lý. Và như vậy sẽ chẳng còn ai dám nhìn vào mặt nó.
ANNENKOV: - Dora!
Dora nín thinh.
ANNENKOV: - Thế cô nghi ngờ sao? Tôi không nhận ra cô nữa đấy.
DORA: - Tôi lạnh. Tôi nghĩ đến anh ấy lúc này đang phải ráng kìm giữ cho đừng run lên để khỏi tỏ ra là mình sợ hãi.
ANNENKOV: - Cô không đồng lòng  với chúng tôi nữa sao?
DORA: gục vào người Annenkov - Ồ, Boria, tôi đồng lòng với các anh. Tôi sẽ đi đến tận cùng. Tôi thù hận độc tài và tôi biết là chúng ta có thể làm được khác hơn. Nhưng tôi đã lựa chọn con đường tranh đấu với tấm lòng hân hoan và tôi theo đuổi nó với một tấm lòng buồn bã. Sự khác biệt là ở đó. Chúng ta là những tù nhân.
ANNENKOV: - Cả nước Nga này bị nhốt trong tù. Chúng ta sẽ phá tan các bức tường của nhà tù đó ra từng mảnh vụn.
DORA: - Hãy giao cho tôi trái bom để liệng và rồi anh sẽ biết. Tôi sẽ bước đi giữa lò lửa đỏ mà chân vẫn đi những bước nhịp đều. Thật là dễ, chết vì các mâu thuẫn thật trăm ngàn lần dễ hơn là sống với các mâu thuẫn đó. Anh có yêu, anh có từng yêu lần nào chưa, Boria?
ANNENKOV: - Tôi đã yêu, nhưng quá lâu rồi nên tôi không còn nhớ nữa.
DORA: - Đã bao lâu rồi?
ANNENKOV: - Bốn năm.
DORA: - Anh điều khiển Tổ chức đã mấy năm rồi?
ANNENKOV: - Bốn năm. (Một lát.) Giờ đây, thì tôi yêu Tổ chức.
DORA: bước lại gần cửa sổ - Yêu, phải, nhưng được yêu!... Không, phải bước tới. Ta muốn dừng lại, Bước tới! Bước tới! Ta muốn dang hai tay ra và buông thả thân mình. Nhưng nỗi bất công bẩn thỉu dính chặt vào mình như là thứ nhựa bẫy chim. Bước tới! Thế là chúng ta bị buộc phải cao thượng hơn bản chất của chính chúng ta. Những con người, những khuôn mặt, đó là những cái mà ta ao ước được yêu. Tình yêu thay vì công lý! Không, phải bước tới. Bước tới, Dora! Bước tới, Yanek! (Khóc.) Nhưng với Yanek, cái đích đã gần kề.
ANNENKOV: ôm lấy Dora trong vòng tay – Anh ấy sẽ được ân xá.
DORA: ngước nhìn Annenkov – Anh dư biết là không. Anh dư biết là không nên như vậy.
Annenkov quay nhìn chỗ khác.
DORA: - Có lẽ giờ đây anh ấy đã ra ngoài sân. Tất cả đất trời bỗng nhiên im lặng. Boria, anh có biết họ treo cổ người ta ghê gớm như thế nào không?
ANNENKOV: - Ở đầu một sợi dây thừng. Thôi đi, Dora!
DORA: như không nghe lời Annenkov – Tên đao phủ nhẩy chồm lên vai. Cái cổ gãy gục. Có ghê gớm không?
ANNENKOV: - Có. Theo một phương diện. Hiểu theo phương diện khác, đó là hạnh phúc.
DORA: - Hạnh phúc?
ANNENKOV: - Cảm thấy bàn tay một người trước khi chết
Dora buông mình rơi xuống một cái ghế bành. Im lặng.
ANNENKOV: - Dora, rồi đây mình sẽ phải đi. Chúng ta cần nghỉ ngơi đôi chút.
DORA: ngỡ ngàng- Đi? Với ai?
ANNENKOV: - Với tôi, Dora.
DORA: nhìn Annenkov – Đi! (Nàng quay nhìn ra cửa sổ.) Bình minh rồi đó. Yanek giờ đã chểt rồi, tôi dám chắc như vậy.
ANNENKOV: - Tôi là anh của Dora.
DORA: - Phải, anh là anh của tôi, và tất cả các anh đều là những người anh mà tôi quý mến. (Người ta nghe thấy tiếng mưa rơi. Trời rạng sang. Dora thấp giọng nói.) Ngay cái tình huynh đệ đôi lúc mới cay đắng làm sao!
Có tiếng gõ cửa. Voinov và Stepan vào. Tất cả đều đứng im. Dora lảo đảo nhưng cố trấn tĩnh với một vẻ gắng gượng rõ rệt.
STEPAN: thấp giọng – Yanek đã không phản bội.
ANNENKOV: - Orlov được thấy chứ?
STEPAN: - Phải.
DORA: vững vàng bước tới – Anh ngồi xuống. Kể đi.
STEPAN: - Để làm gì?
DORA: - Hãy kể lại tường tận. Tôi có quyền được biết. Tôi đòi hỏi anh phải kể lại. Rõ từng chi tiết.
STEPAN: - Tôi cũng không rõ nữa. Vả lại, bây giờ, mình phải đi thôi.
DORA: - Không, anh phải kể lại. Người ta báo cho anh ấy biết trước hồi nào?
STEPAN: - Lúc mười giờ tối.
DORA: - Người ta treo cổ anh ấy hồi mấy giờ?
STEPAN: - Lúc hai giờ sáng.
DORA: - Và trong suốt bốn tiếng đồng hồ, anh ấy đã chờ đợi sao?
STEPAN: - Phải, không nói một lời nào. Thế rồi mọi việc xẩy ra rất nhanh. Bây giờ thì xong cả rồi.
DORA: - Bốn giờ liền không nói lấy một tiếng? Khoan đã. Anh ấy ăn mặc ra sao? Anh ấy có mặc áo choàng không?
STEPAN: - Không. Anh ấy mặc toàn đồ đen, không khoác áo choàng ngoài. Và anh ấy đội một chiếc mũ nỉ đen.
DORA: - Thời tiết lúc đó ra sao?
STEPAN: - Đêm tối đen. Nền tuyết thì bẩn. Vả lại, mưa đã biến nền tuyết thành bùn lầy dẻo quánh.
DORA: - Anh ấy có run không?
STEPAN: - Không.
DORA: - Orlov có bắt gặp tia nhìn của anh ấy không?
STEPAN: - Không.
DORA: - Vậy mắt anh ấy nhìn cái gì?
STEPAN: - Orlov bảo là anh ấy nhìn tất cả mọi người mà như không trông thấy gì cả.
DORA: - Thế rồi, thế rồi?
STEPAN: - Thôi mà, Dora.
DORA: - Không, tôi muốn biết. Ít ra cái chết của anh ấy cũng thuộc về tôi.
STEPAN: - Người ta đọc cho anh ấy nghe bản án.
DORA: - Trong lúc đó, anh ấy làm gì?
STEPAN: - Chẳng làm gì cả. Chỉ có một lần, anh ấy đã lắc lắc cái chân để vẩy một chút bùn dính vào giầy. 
DORA: úp mặt vào hai bàn tay - Một chút bùn nhơ! 
ANNENKOV: đột ngột – Sao anh biết rõ điều đó?
Stepan nín thinh.
ANNENKOV: - Anh đã dò hỏi Orlov tất cả phải không? Tại sao?
STEPAN: quay mắt nhìn sang nơi khác - Giữa Yanek và tôi có một cái gì.
ANNENKOV: - Cái gi?
STEPAN: - Tôi thèm khát đựoc như anh ấy.
DORA: - Rồi sao, Stepan, rồi sao nữa?
STEPAN: - Linh mục Florenski bước tới đưa cây Thánh giá ra trước mặt anh ấy. Anh ấy đã từ chối không hôn Thánh giá. Và anh ấy đã tuyên bố: “Tôi đã từng nói với cha rằng tôi đã hết mắc míu với cái sống và tôi sòng phẳng với cái chết.”
DORA: - Giọng anh ấy ra sao?
STEPAN: - Y hệt giọng nói thường ngày. Bớt đi cái vẻ say sưa và nôn nóng mà chị đã biết.
DORA: - Anh ấy có lộ vẻ sung sướng không?
ANNENKOV: - Cô điên à?
DORA: - Có, có, tôi chắc thế, anh ấy đã lộ vẻ sung sướng. Bởi vì thật quá bất công khi đã từ chối sự sung sướng trong cuộc sống để dễ sửa soạn hi sinh đời minh, mà anh ấy lại không được hưởng sự sung sướng cùng lúc với cái chết. Anh ấy đã sung sướng và anh ấy đã bình thản bước tới trụ thắt cổ, có phải vậy không?
STEPAN: - Anh ấy bước tới. Phía dưới, có tiếng hát trên sông, cùng tiếng đàn phong cầm. Lúc đó có tiếng chó sủa.
DORA: - Đúng lúc đó anh ấy đã bước lên…
STEPAN: - Anh ấy bước lên. Anh ấy đã đi sâu vào đêm tối. Người ta chỉ mơ hồ trông thấy tấm vải liệm mà tên đao phủ đã bọc kín lấy người anh.
DORA: - Thế rồi, thế rồi…
STEPAN: - Những tiếng động lịch kịch.
DORA: - Những tiếng động lịch kịch. Yanek ơi! Rồi sao nữa…
Stepan nín thinh.
DORA:  giận dữ - Tôi hỏi anh, sao nữa. (Stepan vẫn lặng thinh.) Nói đi, Alexis. Rồi sao nữa?
VOINOV:- Một tiếng động kinh hoàng.
DORA: -  A… a… (Nàng lao mình vào bức tường.)
Stepan quay đầu sang phía khác. Annenkov, vẻ mặt không một biểu hiện tình cảm, khóc.
Dora quay lại, nhìn mọi người, lưng dựa vào tường.
DORA: giọng nói khác hẳn, lạc lõng – Các anh đừng khóc. Không, không, các anh đừng khóc! Các anh thấy rõ đây là ngày vinh hiển. Một cái gì đang dâng lên trong giờ phút này, cái gì đó là chứng tích của chúng ta, những người đã vùng lên phản kháng: Yanek không còn là một kẻ sát nhân. Một tiếng động kinh hoàng. Chỉ cần một tiếng động kinh hoàng và thế là anh ấy đã được trở về với niềm vui tuổi thơ. Các anh có còn nhớ tiếng cười của anh ấy hay không? Đôi lúc anh ấy cười lên vô cớ. Anh ấy trẻ trung biết bao! Giờ đây hẳn anh ấy đang cười. Anh ấy hẳn đang cười, mặt gục xuống nền đất.
Nàng đi lại gần Annenkov.
DORA: - Boria, anh là anh của tôi phải không? Anh đã bảo là anh sẽ giúp tôi phải không?
ANNENKOV: - Phải.
DORA: - Vậy thì anh hãy giúp tôi điều này. Hãy giao cho tôi trái bom.
Annenkov nhìn nàng.
DORA: - Phải, lần tới đây. Tôi muốn được ném bom. Tôi muốn là người đầu tiên được ném bom.
ANNENKOV: - Cô cũng rõ là chúng tôi không muốn có mặt đàn bà trên hàng tiền đạo.
DORA: hét lên - Giờ đây, tôi có còn là đàn bà nữa không?
Mọi người đều nhìn nàng. Im lặng
VOINOV: giọng dịu dàng - Nhận đi, Boria.
STEPAN: - Phải đấy, nhận đi.
ANNENKOV: - Đến lượt anh mà, Stepan.
STEPAN: nhìn Dora – Anh chấp thuận đi. Giờ đây, chị ấy cũng như tôi.
DORA: - Anh sẽ giao bom cho tôi, đồng ý chứ? Tôi sẽ ném bom. Và sau đó, một đêm lạnh lẽo…
ANNENKOV: - Đồng ý, Dora.
DORA: khóc – Yanek ơi! Một đêm lạnh lẽo, và cũng sợi dây thừng treo cổ đó! Bây giờ, tất cả đều sẽ dễ dàng hơn.
Lời người dịch
Trước hết, tôi xin được nói đôi lời về chữ not trong câu thơ của thi hào Shakespeare mà Albert Camus đã trích dẫn làm tiêu đề cho vở kịch. Không hiểu vô tình hay cố ý mà Camus đã chép chữ hoa chữ NOT. Tìm trong bản tiếng Anh (Romeo và Juliet) tôi thấy chữ not này không có viết hoa. Câu thơ vốn đã khó dịch, nay Camus lại làm cho thêm rắc rối. Khó dịch vì tác giả câu thơ, thi hào Shakespeare, vừa chơi chữ (play of words) vừa sử dụng phép điện vận (alliteration). Vì không đủ hiểu biết để dịch câu thơ này, tôi đã cậy nhờ anh bạn Trần Thiện Đạo, giáo sư Anh văn, dịch giùm. Anh Đạo đã giúp tôi, dịch thoát lấy ý. Tôi xin độc giả cho phép tôi ngỏ lời cảm ơn anh.
Một lời cảm ơn khác, xin được gửi tới anh bạn Nguyễn Minh Hoàng, người đã tìm giúp tôi một số chữ hoặc uyển từ để chuyển dịch những chữ khó trong nguyên tác.
Trong số bạn đọc, chắc chắn thể nào cũng có bạn đặt ra câu hỏi: “Gớm, dịch được ít trang sách, chẳng khó khăn gì, sao lại tạ ơn lắm thế?” Vâng, thưa quý bạn, ngay từ cuốn sách dịch đầu tiên, tôi đã phải vội vã thưa ngay với quý bạn rằng tôi là người rất dốt Pháp ngữ; và, làm công việc dịch sách, tôi không có cao vọng nào lớn lao hơn cả là cố mở mang cái vốn hiểu biết rất nông cạn của mình. Và một người cầu học có công nhiên cảm ơn những người đã chỉ bảo cho mình, thiết tưởng cũng không là điều quá đáng.
Vở kịch Les Justes này tôi đã dịch một lần vào đầu năm 1959. Hồi đó, tôi đau nặng, mới rời nhà thương về nằm dưỡng bệnh tại Vũng Tàu. Một bữa có anh bạn hoạt động văn nghệ tại Sài Gòn ghé thăm tôi nhân dịp anh đưa gia đình đi nghỉ hè. Thấy tôi đang đọc nhiều Camus, anh bạn ngỏ ý nhờ tôi dịch vở kịch Les Justes để anh đem trình diễn. Tôi nhận lời, phần lớn vì muốn làm một việc gì để quên đi những cơn đau đang hành hạ thân xác tôi lúc đó.Nhưng khi tôi dịch xong thì anh bạn nọ lại thôi làm văn nghệ để trở thành một kỹ nghệ gia. Bản dịch bị bỏ quên lay lắt từ đó.
Nay nhân số kỷ niệm  đệ nhất chu niên, bộ biên tập Văn quyết định dành số báo này để tưởng niệm Albert Camus, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tuyển chọn bản dịch một tác phẩm của người được tưởng niệm để khởi đầu thể tài mới: một tác giả - một tác phẩm. Chung cuộc, toà soạn  phải lo việc đó.
Nghĩ mình có sẵn bản dich Les Justes, tôi nhận lời. Nhưng tới lúc đem bản thảo bản dịch cũ ra xem lại thì tôi thấy không thể nào cho đăng được. Một bản dịch để đem trình diễn thật khác hẳn với một bản dịch để đọc. Nhưng tôi không còn làm gì được khác hơn là cắm cúi dịch lại, dịch lại hoàn toàn, từ đầu tới cuối. Và tôi có đúng một tuần để làm công việc đó. Đúng hạn, tôi đã dịch xong, tant bien que mal.
Trong bản dịch lần thứ hai này, tôi đã cố gắng dịch thật sát nguyên tác, nhưng ở nhiều chỗ, tôi buộc phải dịch thoát lấy ý cốt cho câu văn dịch đõ trúc trắc, nặng nề. Tôi cũng chủ trương tận dụng chữ Nôm, hạn chế chữ Hán, nhưng việc đó quả là một thử thách khó khăn. Và tôi đã phải bỏ chủ trương này khi anh Nguyễn Mạnh Côn chứng minh cho tôi thấy là ngay đến chữ “Chúng ta” cũng đã là chữ Hán. Tôi cũng cố tôn trọng lối chấm câu của tác giả, nhưng ở nhiều chỗ, tôi đã phải thay đổi để cho câu văn dịch được gọn gàng, khúc triết.
Có điều này quan trọng: tôi sẽ mang tiếng là người bất lương nếu không thú nhận là trong bản dịch này có nhiều đoạn tôi đã dịch rất gượng. Một phần vì những đoạn đó khó dịch, phần khác vì sức tôi không thể dịch được hơn thế. Đó là những đoạn mà Camus muốn biện giải cho triết thuyết hiện sinh phi lý của ông.
Trong tinh thần cầu học, tôi sẽ rất sung sướng được tiếp nhận, từ phía bạn đọc, những lời chỉ giáo cao minh để giúp cho bản văn dịch này tránh được khuyết điểm đáng tiếc vừa kể.
Thêm một lời cảm ơn nữa, nếu bạn đọc cho phép, một lời cảm ơn trước và rất chân thành, gửi tới quý vị sẽ sẵn lòng chỉ giáo cho tôi, một người dốt nát và khiêm tốn, lúc nào cũng mong muốn được học, được hỏi, được mở mang tầm hiểu biết của mình. 
Sài Gòn, ngày 19-12-1964 
Trần Phong Giao

Xem Tiếp: ----