Ở gần ngã ba từ quốc lộ rẽ vào con đường đi về các trường trung học, trường tiểu học, toà hành chánh quận, phi trường, có một chiếc cầu nhỏ bắc trên một giòng sông con từ phía quận lỵ chảy tới. Con sông xuôi về phía biển Đông.
Ở khúc này quốc lộ rất hẹp, chiếc cầu cũng rất ngắn như những cầu nhỏ bắc trên hồ nước, trong các vườn ngự uyển. Vào mùa mưa lớn, giòng nước đục ngầu từ phía nguồn chảy xuống, cuốn theo nhiều cành lá, cuồn cuộn trôi dưới gầm cầu. Chiếc Mưn thường tò mò đứng lại hồi lâu nhìn những người, trên mình khoác áo tơi đan bằng cỏ tranh, đem vó xuống chân cầu hớt cá.
Những lúc nước cạn, con sông như một ngòi nước nhỏ uốn quanh. Bên kia cầu hai bên ngòi nước là nhà cửa vườn tược, cây lá xum xuê rợp bóng cả một khúc sông, lau lách bên bờ vờn trên mặt nước. Hàng ngày bé đi học chỉ tới đầu cầu thì rẽ phải đến trường. Đến mùa hè, Chiếc Mưn mới đi tiếp qua cầu tới lớp hè ở nhà cô Hoa trong ngõ nhỏ gần nhà thờ. Tuy vậy cũng có lần và lần đầu tiên bé được qua cầu tới rạp hát gần Chợ Cũ là hôm đi xem đêm văn nghệ tài tử, có vở kịch thơ Trọng Thủy Mỵ Châu mà ba của bé đóng vai An Dương Vương. Đọan đường trước rạp hát tươi sáng hẳn lên nhờ những ánh đèn mầu toả sáng trong đêm thị xã tỉnh lẻ, khi mà các tư gia còn chưa có đèn điện. Trên sân khấu ba gắn lông mày và chòm râu dài trắng phau. Kịch thơ nên Chiếc Mưn không hiểu không nhớ những câu đối thoại. Bé thích nhất là màn múa. Đèn sân khấu đổi màu, bầy cung nữ xiêm y tha thướt bay lượn trong ánh đèn mờ ảo quả là một khung cảnh thần tiên ảo mộng dưới mắt trẻ thơ. Điệu múa đó hơi giống điệu múa bông sen " Bài Bông trong Nội "(Đại Nội) mà bé đã đựơc xem trong lễ Phật đản bên chùa.
Mùa hè có nhiều phim cho trẻ em, Chiếc Mưn thường được ba dẫn đi xem xi nê ở rạp chiếu bóng, cũng ở trong một cái ngõ lớn gần cầu. Khác với rạp hát ở ngay bên đường quốc lộ, rạp chiếu bóng ở trên một khoảng đất trống gần như là giữa ruộng. Rạp thắp đèn vàng chỉ vừa đủ sáng, hình như không nhiều mầu rực rỡ như đèn màu trước rạp hát. Khi khách ra về rạp chiếu bóng còn tắt bớt đèn điện. Trong bóng đêm khách ra tới đầu đường, dưới vòm trời sao cũng là một cái thú. Bầu trời đêm trên khoảng đất trống trải thật là cao rộng, có muôn ngàn vì sao sáng lấp lánh đẹp vô vàn.
Khi đi ngang qua cầu, ô kìa, trong những lùm cây xà xuống như vờn trên mặt nước có ánh lân tinh lập loè. Những con đom đóm với đốm sáng xanh biếc như sao trời vừa rụng xuống vương đây đó trên ngọn lá hay lọt vào giữa bụi cây. Khi đom đóm bay lên, những vệt sáng như ánh sao băng bay lơ lửng giữa khoảng không hay là là trên mặt nước, đôi lúc vẽ thành những nét bút nghuệch ngoạc của một em bé mới tập viết hay tập vẽ. Đường đi của sao băng đom đóm đứt nối chập chờn cũng mơ ảo như ánh sáng từ chiếc đèn nhẹ lướt trên tay các cung nữ múa hát trong kịch thơ của ba. Chiếc Mưn ngắm hồi lâu như chìm vào một giấc mộng giữa những ánh đèn hư ảo.
Trên đường về, Ba kể ngày xưa học trò nghèo về mùa hè phải đựng đom đóm trong vỏ trứng thay cho đèn nến, mùa dông phải nhờ tuyết sáng, mà đọc sách. Ba dặn dò trẻ con phải noi gương ấy mà chăm học, nhất là những trẻ đựơc đặt tên lấy từ tích " lưu huỳnh, ánh tuyết" này.
*
Fussa, một thị xã nhỏ ở ngoại ô Tokyo hàng năm thường mở hội Hotaru Matsuri ( Lễ hội đom đóm ) vào đầu tháng 6, đó là lúc có nhiều đom đóm bay dọc theo bờ con sông đào Tamajosui và trong công viên Hotaru Kouen ( Vườn đom đóm ) gần đó. Từ ga Ushi hama, một nhà ga xép mộc mạc đơn sơ như ở miền quê, hai bên đường đi về phía công viên có cắm nhiều chiếc phướn bằng vải, ghi hàng chữ Hotaru Matsuri, chỉ lối cho khách đến xem. Chiều tối, đường phố vắng vẻ,hầu như chẳng có hàng quán nào còn mở cửa. Trước ga không có bến taxi hay xe buýt. Lác đác một vài ông bà già dẫn cháu trở ra, có vẻ như vừa đi hội về. Đi đựơc chừng 100 mét, có một cửa hàng bán lẻ hơi đông khách. Đó là các trẻ em lứa tuổi học sinh tiểu học, trung học chạy lăng xăng chọn mua nước uống, bánh kẹo. Ồ, trẻ con Nhật ngày nay thường vùi đầu vào các trò chơi điện tử và sách truyện hoạt hoạ mang đầy tính bạo lực mà cũng thích đi xem hội đom đóm ư.
Con đường nhỏ trước hiệu là lối đi dẫn tới công viên. Đường đi qua những vườn trồng rau, nhà cửa thưa thớt. Nhưng gần tới đầu con đường mang tên Hotaru Michi ( Đường đom đóm ) có cắm bảng lưu ý xe hơi chạy chậm lại. Ở góc đường có người đứng chỉ đường và ánh sáng bừng lên chan hoà toả ra từ dẫy lều quán bán đồ ăn thức uống, nào ngô nướng thơm lựng, nào mì sôba xào rau rắc gừng đỏ ngâm dấm thái sợi, bánh trôi ôđăngô trét đầy chè đậu đỏ đặc quánh, thịt gà xiên nướng yakitôri óng mỡ, bánh xèo ôkônômiyaki rắc những vỏ bào cá ngừ khô đang cuộn lại vì hơi nóng, món nấu ôđen bốc mùi chả cá tuyệt vời. Con đường nhỏ hẹp, hai giòng người xuôi ngược có lúc bị nghẽn lại.
Vài cô gái trẻ mặc áo yukata. Những em bé đi theo cha mẹ ông bà, một tay ôm chặt món đồ chơi có lẽ mới mua ở một lều sạp bên đường. Con đường dài mấy trăm thước rộn rịp tấp nập trong tiếng sáo rộn ràng cùng tiếng trống gõ dồn dập của các nhạc công trên sân khấu nhỏ như một gác canh bằng gỗ cao ngất, và tiếng hô hoán của hiệp sĩ Shimizu, trong áo tơi vànón lá của khách lữ hành, đang ra tay diệt gian trừ bạo, trên sân khấu nhỏ dựng bên đường của một gánh hát rong.
Hotaru Michi băng qua khúc sông đào Tamajosui. Đoạn đường gần sông ít hàng quán, để nhường bóng tối cho đàn đom đóm trong những bụi cây bên bờ sông. Khúc sông cũng lượn quanh như ngòi nước nhỏ ở quê nhà, ở chỗ khúc quanh của giòng sông, những cành anh đào vươn ra soi bóng đen thẫm như che khuất lối về một cõi Thiên Thai, với ánh đèn soi đường của bầy đom đóm. Người đi xem hội dừng lại ở khúc này khá lâu, rồi lại đi tiếp vào công viên. Đường vào công viên là lối đi với những bực thang dẫn xuống triền đồi phủ bóng anh đào. Dưới chân đồi là một giòng nước bên dưới những bụi hoa tú cầu. Trên những bụi hoa và trên khắp sườn đồi, những đốm sáng lấp lánh chợt tắt sáng trong bụi hoa, như nhịp đập của những trái tim thổn thức, những nỗi lòng khắc khoải chờ mong. Những vệt sáng lung linh mờ ảo như đang vẽ ra trên tấm vải nhung óng ả của màn đêm những nét chữ hiragana viết thảo thật bay bướm truyện tình Genji Monogatari. Một đêm mùa hạ, Genji đã cho thả đom đóm bay để ngắm dung nhan nàng Tamakazura trong bóng đêm.
Dưới chân đồi dọc theo giòng nước có lối đi lát sàn gỗ và có lan can cho khách đứng tựa vào. Một con đom đóm từ đâu bỗng bay lại gần, đậu lên bàn tay một chàng trai đứng xem với bạn gái. Người con trai giơ lên cho cô gái xem, chàng xoè tay ra có ý muốn thả cho đom đóm bay đi, nhưng đom đóm cứ bám vào tay chàng. Chàng ta tìm cách chuyền đom đóm sang tay bạn. Con đom đóm bò lên ngón tay của cô gái, chiếc đèn tí hon ở đuôi đom đóm toả sáng dịu dàng như một viên ngọc linh thiêng chìm sâu dưới làn nước biển toả làn ánh sáng huyền bí đang lên tiếng gọi thiết tha. Cô gái ngắm nghía ngón tay mình, chợt buột miệng reo lên "Yubiwa mitai " ( Giống như là chiếc nhẫn ) Nhưng áng chừng nghĩ mình vừa lỡ lời, cô vẫy vẫy nhẹ bàn tay cho đom đóm cất cánh bay đi. Một vệt sao băng nhẹnhàng rơi vào màn đêm dưới bóng anh đào, mang theo ước mơ thầm kín của của cô gái.
Một người đàn ông dẫn con đi xem đom đóm, quay bảo con khuya rồi về thôi. Hai cha con vừa đi vừa thì thầm một bài đồng dao:
Ho ho ho hotaru koi
Atchi no michi wa nigai zo
Kotchi no michi wa amai zo
Đom đóm ơi lại đây nào
Đường bên này ngọt, đừng vào bên kia
Đường bên kia đắng, đừng đi
Làm gì có hoa nào đắng nhỉ. Nhưng đường đời quả thật có những lối chông gai, ai lỡ bước vào sẽ phải nếm bao niềm cay đắng, mà lòng cha mẹ thương con chỉ mong ước cho đời con mai sau sẽ đầy hương thơm ngọt ngào, một cuộc sống êm đềm hạnh phúc như dệt gấm thêu hoa.
Bầy đom đóm chập chờn, khi đơn độc bay thành vệt dài như ánh sao băng chở theo ước mơ của cô gái, của người cha.. khi rủ nhau bay lên thành đàn như những ngọn đèn trên tay cung nữ theo điệu múa Bài Bông trong Nội. Lời dặn dò phải lo dùi mài kinh sử bên lưu huỳnh ánh tuyết của cha xưa như vẫn còn văng vẳng bên tai.
Quỳnh Chi ( 15/6/2004 )