Những câu hỏi cứ dồn dập bắn vào tai nó: “Làm sao tóc mày quăn?”, “Làm sao da mày đen?”, “Làm sao mắt mày trắng dã?”, “Việt Nam không có giống người như mày!”. Và cả những câu tục tĩu. Tôi không hiểu mọi sự sẽ ra sao nếu phút ấy ông thầy Lư không xuất hiện ở cổng Đền. Ấy là một ngày đầu xuân năm 1951, tôi đang học lớp nhì (tương đương với lớp ba tiểu học bây giờ) trong thị xã Hải Dương bị chiếm đóng. Ngay dưới gốc cây đa cổ thụ bên cổng trường có một ngôi nhà lợp lá, đúng hơn là một túp lều, nhìn bề ngoài mỗi chiều chừng bốn, năm mét vuông mà chủ nhân của nó là một người đàn bà buôn thúng bán mẹt có đứa con da đen kin kít. Thằng bé tỏ ra rất muốn đến bên chúng tôi mỗi khi trống nghỉ giữa giờ nhưng lại hãi. Bởi mắt nó rất trắng, đặc biệt tóc xoăn tít thành hình vỏ ốc trên đỉnh đầu. Mỗi lần thấy bọn học trò chúng tôi vây quanh thằng bé, mẹ nó lại từ trong căn lều nhỏ xíu và tồi tàn kia thò đầu ra gọi lớn:- Oăn!Thì ra Oăn là tên của nó.Thằng bé nhìn chúng tôi ngơ ngác rồi chạy vụt về với mẹ, thoát khỏi vòng quấy phá. Cũng có khi bọn học trò nhất quỉ, nhì ma đang xoa tóc, bẹo tai, lè lưỡi, trêu trọc Oăn đến phát khóc thì bố nó về. Đó là một người lính da đen trong đội quân liên hiệp Pháp đội mũ chào mào màu vàng, quần áo kaki màu vàng, đi đôi giày xăng đá cổ cao. Người lính ấy làm chúng tôi hoảng hốt bỏ chạy, núp vào những khe cánh cổng, góc tường, gốc cây. Và tất cả đều cực kỳ ngạc nhiên vì thái độ cam chịu của ông, vì nét mặt không hề giận dữ và có thể nói là hiền từ, vì cử chỉ âu yếm với thằng con lai Việt. Bởi Oăn thế nào cũng bứt khỏi vòng vây nhảy vội ra chỗ cha để được ông bế bổng lên, để hai bố con líu ríu nói với nhau những gì mà chúng tôi chỉ nhìn mồm đoán ra chứ nào có nghe được, và cũng không hiểu hai cha con nhà ấy nói với nhau bằng tiếng Tây hay tiếng ta. Rồi đến lượt người mẹ trong lều chạy ra đón hoặc có lúc thì gấp gáp với đôi quang thúng từ phía chợ Lớn tong tả bước về.Một lần vào giờ chơi, người mẹ ấy không có nhà, ông bố đi càn đâu đó, chúng tôi vây quanh và mấy đứa học trò nghịch ngợm mặc sức hoạnh họe thằng Oăn. Nó gào khóc liền bị một thằng học trò táo tợn bịt mồm lại. Nó đưa mắt nhìn quanh cầu cứu mà chẳng thấy ai. Những câu hỏi cứ dồn dập bắn vào tai nó: “Làm sao tóc mày quăn?”, “Làm sao da mày đen?”, “Làm sao mắt mày trắng dã?”, “Việt Nam không có giống người như mày!”. Và cả những câu tục tĩu. Tôi không hiểu mọi sự sẽ ra sao nếu phút ấy ông thầy Lư không xuất hiện ở cổng Đền. Giọng ông nhẹ và ấm:- Oăn! Lại đây con.Oăn đi tới, nước mắt ngắn nước mắt dài.- Con đừng khóc nữa. Hôm nào bố về con bảo sang gặp thầy – Nói rồi thầy Lư xoa đầu thằng bé, cho nó một hào. Đoạn thầy quay sang phía chúng tôi:- Các con! Oăn cũng là một đứa trẻ như các con. Thân phận của nó có khi còn bất hạnh hơn gia đình các con nhiều. ấy thế nhưng mà bố, mẹ, con cái yêu thương quý mến nhau. Chúng ta phải biết tôn trọng họ!Từ bữa ấy đám học trò chúng tôi không bao giờ còn trêu chọc Oăn nữa. Nó đến chơi với chúng tôi tự nhiên hơn. Bữa nó đưa bố sang gặp thầy Lư tôi mới được nhìn kỹ khuôn mặt người lính viễn chinh này. Môi ông dày và đặc biệt hai bên má đều có vết gạch sâu vào. Ở quê tôi người ta gọi là Tây gạch mặt! Không hiểu những phút đi càn bắn giết ông hung hăng thế nào chứ giờ đây ông hiền lắm. Hiền khô! Ông đứng nghiêm, đầu hơi cúi xuống, và lễ phép chào bằng tiếng Pháp. Thầy Lư tiến lại bắt tay ông. Thầy cho lớp nghỉ giữa giờ sớm hơn mọi khi rồi sóng đôi người lính Pháp đi về phía góc sân đền. Sau đó người lính dắt đứa con ra khỏi cổng đền. Tôi nhìn theo mất hút. Cái bóng hai cha con, một to lớn kềnh càng, một tiu tiu bé xíu, đều đen kin kít, cứ như đọng lại mãi trên bãi đất trống ngoài kia. Giờ hát. Mỗi trò phải đứng trước lớp hát một bài do mình tự chọn. Tôi nhớ có trò con nhà giàu, rất giàu, bố làm gì ghê gớm lắm của chính quyền chiếm đóng hát bài “Tiến quân ca” nhưng chỉ sang câu thứ hai thì bị thầy Lư ngăn lại. Thầy nói: - Đây là một thứ nhạc phẩm nổi tiếng của ông Văn Cao. Chính phủ phía bên kia dùng làm quốc ca và nhạc sĩ cũng đi về phía họ. Chúng ta hát bài này chẳng làm ngài tỉnh trưởng cùng các cộng sự của ông vui lòng. Chúng ta có nhiều bài hát yêu nước khác kia mà! (Sau này tôi mới biết, thằng bé hát “Tiến quân ca” là theo ý cha nó để thử lòng thầy. Cha nó là mật thám. Nhưng thầy đã cảnh giác).Tôi hát một bài thôn ca và được thầy khen. Bất ngờ tôi liếc ra ngoài thấy Oăn nép vào bên cột giữa đền nghe lỏm. Trời ơi! Chưa bao giờ tôi thấy đôi mắt đắm hoài như vậy. Lòng bỗng thương thương. Rồi thầy nói với tôi, như chỉ cần đủ để hai người nghe được, rằng anh có hay về quê không, rằng bốt Đò Thưa tự phá và rút rồi, rằng vùng ấy bây giờ đánh nhau dữ lắm… Tôi ngạc nhiên: “Thưa thầy!”… Thầy Lư xòe một bàn tay ra ngăn lại: “Anh không cần phải hỏi, gia đình anh tôi đã biết từ lâu, thân phụ anh là bạn tôi từ khi ông còn làm hương sư Tổng Phương Duy. Ông hay về phố Cuối và chúng tôi gặp nhau ở đó. Buổi học đầu tiên tôi đã nhận ra anh. Thoạt đầu là ở cái họ ít ỏi ở vùng này. Rồi tờ khai sinh. Chính tôi đã nhận anh mà không cần bài sơ tuyển”. Im lặng một lát thầy căn dặn: “Thân phụ anh tham gia kháng chiến. Tôi với ông ở hai phía khác nhau. Nhưng tôi quý mến phẩm hạnh và lòng quả cảm của ông. Tôi rất nhớ ông. Khi nào về nhà gặp cha anh hãy nói với người như thế”.Ngờ đâu những câu trên là lời nhắn gửi xa vời. Nghỉ hè năm ấy tôi về quê. Một đêm nọ, tôi theo các anh lớn tuổi hơn vượt đường mười bảy chỗ gần Trắm sang Tứ Kỳ. Chờ giặc hết càn chúng tôi lại trở về trường ở làng Gừa. Lúc này tôi đang theo học lớp bốn. Làng xóm sau trận càn tan hoang. Người ta nói rằng trận đánh ở đây lớn lắm. Cứ nhìn vết xích xe tăng quần trên cánh đồng quanh làng cũng đủ hiểu. Nào là ta có hai chiến sĩ hy sinh. Nào là phía gốc đa làng đêm đêm những bóng ma Tây đen, Tây trắng hiện ra. Chúng tôi chưa vào học ngay được mà phải giúp dân dựng lại những túp lều, sửa hầm hố, dọn lối đi lại. Rồi lại có tin ở cuối làng hôm qua người ta vớt từ dưới ao lên một xác Tây đen gạch mặt… Ngồi trong căn lều của gia đình ở trọ tôi bỗng nhớ tới bố con Oăn giữa thị xã chiếm đóng. Thằng bé chắc chắn chẳng bao giờ nghĩ rằng tôi đang ở chốn này, đang hoảng sợ chạy càn bố nó cùng đồng đội bố nó. Tôi không hiểu bố nó có ở trong cánh quân từ bốt Triệu ra xả đạn trung liên đuổi theo tốp bạn học mới của tôi khi bơi qua sông Tràng Thưa hay không?Nghĩ đến bố con Oăn tôi lại nghĩ tới thầy Lư. Thầy với tôi dịu dàng và xa nhớ. Cuối năm 1954, thị xã giải phóng, tôi theo cha tìm thầy nhưng không gặp. Tôi tìm đến cửa đền Ông vẫn còn căn lều mái lá nhưng không có Oăn. Thầy Lư xuống Hải Phòng để đi tàu vào Nam và mang theo vợ con…Thời gian như sợi dây rừng dai ngoách cứ loằng ngoằng cuộn trôi, lại có lúc vun vút như hòn sỏi ném xuống mặt nước. Mới đó mà đã gần bốn mươi năm...Bận rộn với công việc làm ăn, một hôm tôi nhận được điện thoại hẹn gặp và đến giờ gặp, xuất hiện trước mặt tôi là người đàn ông da đen. Tóc xoăn tít. Môi hơi dày. Đôi mắt sáng. Cử chỉ khá tự nhiên và nói tiếng Việt.Tôi bắt tay, mời ngồi và vào đề luôn:- Xin nghe ông nói đây!Người đàn ông tên là Misen vừa từ Pháp sang nghe tin Việt Nam đổi mới mở cửa muốn tìm cơ hội làm ăn.- Nhưng sao ông lại chọn Việt Nam? Và tôi xin lỗi vì hay tò mò – Ông học tiếng Việt khi nào? Học ở đâu? Giọng nói của ông chuẩn lắm!Khách xòe hai bàn tay ra phân bua:- Cả ba câu hỏi xin phép được trả lời làm một. Tôi là người gốc Việt Nam và lẽ tất nhiên sinh ra ở Việt Nam.Tôi thoáng ngạc nhiên:- Tỉnh nào?- Hải Dương.- Có phải là...- Ồ kìa!... Trời ơi!... Có phải đúng là... – Misen đang luống cuống... Thế thì vinh hạnh quá, và vui quá, thưa ông, có phải ông là học trò của thầy Lư?- Oăn! – Tôi kêu lên - Chẳng lẽ là Oăn đây sao?Misen nhào vào ôm lấy tôi và đổi cách xưng hô:- Anh! Em rất nhớ thầy Lư và nhớ anh. Những mơ ước được gặp lại. Thì ra là anh đây rồi! Bữa ấy anh hát “Nương chiều”, em đứng ở chân cột đền nghe trộm mà lòng những khát khao. Chỉ mong được cắp sách đến trường. Chỉ mong sau được như anh!Thì ra cha Misen đã chết trong một trận càn lớn ở vùng Nam sông Thưa. Trước đây tôi đã đặt ra câu hỏi vu vơ có phải chính cha anh đã bắn đuổi theo chúng tôi khi vượt sông hay không? Có phải chính cha anh đã chết chìm ở dưới ao sau trận càn bà con vớt lên đem chôn hay không? Misen muốn tìm mộ cha. Việc ấy nhất định tôi sẽ giúp, nhưng trước tiên anh muốn tìm gặp thầy Lư. Thầy như người cha thân thiết đối với anh nhưng còn lý do chưa được giải đáp là chính thầy Lư bảo cho mẹ con Misen biết tin này sau cuộc hành quân kết thúc không lâu. Thầy giúp cho Misen theo học và sau đó anh đưa mẹ sang Pháp. Anh trở thành nhà kinh doanh bên Pháp.Đang loay hoay chưa biết bằng cách nào tìm ra địa chỉ của thầy thì một hôm Misen sầm sập gõ cửa. Trong tay anh là một tờ báo:- Anh! Đây rồi! Có tin mừng rồi! Địa chỉ của thầy đây. Thầy vẫn sống. Thầy còn là một chiến sĩ hoạt động bí mật cho mình. Bài báo nói rõ thầy tuyên truyền giác ngộ những người lính thuộc địa trong quân đội Liên hiệp Pháp. Chắc chắn cha em trong số những người này. Ta phải sớm bay vào Sài Gòn để phóng xuống Cần Thơ thôi anh!Khỏi nói cuộc gặp thầy Lư ở Cần Thơ xúc động như thế nào. Thầy cứ lặng đi nhìn chúng tôi. Và Misen cũng như tôi không sao kìm được những giọt nước mắt. Rồi thầy nói, chậm rãi, nhát gừng, rằng cha Misen bị chính thằng sĩ quan chỉ huy bắn chết ở làng Gừa khi người lính ấy nhân lúc thu quân cố thoát sang hàng ngũ Việt Minh. Thầy cũng cho biết gã học trò hát bài “Tiến quân ca” để giúp cha hắn làm ở phòng nhì theo dõi thầy giáo giờ đang sinh sống ở Mỹ và đã có lần về tận biên giới Campuchia - Việt Nam để hoạt động chia rẽ chống đối. Thầy nói thầy vừa được thưởng huân chương nhưng không gì cao quý hơn bằng sự thanh thản của con người đã hoàn thành nhiệm vụ bé nhỏ của mình với dân với nước. Misen vội vàng chắp hai tay lại như làm lễ và giọng run run:- Thưa thầy! Thầy là người cha thứ hai của con. Người cha cao quý của con. Thầy chẳng những truyền cho chúng con chữ nghĩa mà còn cả đạo làm người.Nhìn căn hộ thanh bạch của thầy, Misen thắc thỏm muốn ngỏ điều gì đó nhưng thầy đoán ý ngăn lại: “Tôi sống ung dung lắm. Lương hưu đủ chi dùng. Các anh tới đã là quý rồi và đừng có băn khoăn".Ngày hôm sau chúng tôi bay ra Bắc. Để về vùng nam sông Thưa, để tới làng Gừa, nơi người lính quân đội viễn chinh Pháp nằm xuống khi vừa bước tới vùng ánh sáng mặt trời