Hai chị em Ngọc Thanh và Ngọc Trinh là con gái của ông bà Lê Hoàn, người ở xã Lũng Ngòi. Ông bốc thuốc, bà làm ruộng. Ông Lê Hoàn là người có đạo đức, lấy nhân làm nền, lấy nghĩa làm gốc, giúp đỡ chạy chữa cho những người nghèo không cần hỏi tiền nong, coi mạng người là quý mà không ham lợi. Vì ông đã hay thuốc lại nhân đức nên mọi người đều kính trọng, không ai gọi tên cái mà chỉ gọi là ông lang Lũng Ngòi. Hai ông bà một hôm ngồi nghỉ chân bên đầm sen ở Đàm Luân, một thôn của Lũng Ngòi. Lúc đó trời đã quá chiều, cánh đồng bát ngát không một bóng người, đầm ruộng gió đưa hương sen thoang thoảng. Những bông sen thắm xoè cánh phô đĩa nhị vàng khẽ lay động trên gương nước biếc. Mấy chú chim sâu nhỏ tí, đỏ xẫm, nhảy nhót xập xoè bắt nhện trên những bông sen. Những cây liễu bên đầm nghiêng mình soi gương, bóng chiều tha thướt vàng cành. Lê Hoàn và vợ say mê với cảnh không nở rời chân. Ông buột miệng than thở: " Giang san Âu Lạc ta thật là gấm vóc của trời, tiếc rằng bao lâu nay bị giặc ngoài giày xéo, đau khổ biết chừng nào ". Bà vẫn biết ông có tâm sự nên chỉ nói: " Ông ạ, tối mãi cũng có lúc sáng, mưa mãi cũng có lúc nắng. Biết đâu đến đời con chúng ta lại chẳng được thấy những sự đổi thay to lớn! ". Bà nói xong lại chợt buồn vì nghĩ đến chuyện con cái. Vợ chồng làm bạn với nhau kể cũng đã lâu thế mà... Bỗng trời nổi gió, một đôi chim phượng từ đâu bay tới lượn cánh trên đầm, sắc lông như ngọc rực rỡ toả sáng. Đôi phượng múa lượn mấy vòng rồi lại sải cánh bay đi, chốc lát đã không thấy đâu nữa. Ông vui mừng nói: " Ai ngờ hôm nay lại được nhìn thấy chim phượng. Đây là loài chim quý, mấy ai đã được nhìn thấy. Hẳn chúng ta có điềm vui mừng đây! ". Bà cười, nói khẽ với ông: " Điềm vui gì cũng chẳng bằng có một đứa con ông ạ ". Sau hôm ấy, bà có thai, sinh đôi được hai con gái, đặt tên cho cô chị là Ngọc Thanh, cô em là Ngọc Trinh, tục thường gọi là Ả Chàng và Ả Chạ. Ả Chàng và Ả Cha đều xinh tươi như đôi bông sen thắm, nhưng từ nhỏ hai chị em đã thấy nhiều phần khác nhau về tính nết -, mà vẻ đẹp của hai người cũng không giống nhau.Lê Ngọc Thanh là chị, dung nhan đằm thắm, tính nết hiền lành, chăm chỉ việc đồng ruộng vá may, thật là một cô gái nết na thùy mị. Cô em Lê Ngọc Trinh trái lại dung mạo sắc sảo, đôi mắt lóng lánh, môi như hoa lựu đỏ tươi, không bao giờ yên chân yên tay, cười nói hớn hở, ưa chạy nhảy thích đánh gậy ném đá. Khi chăn trâu, Ngọc Trinh thường bày trò đánh quân chia các trẻ chăn trâu làm hai phe, gậy đá đánh nhau, có khi sứt đầu mẻ tai. Nhiều người thường phàn nàn với ông bà Lê Hoàn về cái nết nghịch ngợm của Ngọc Trinh. Năm Lê Ngọc Thanh mười chín tuổi, một viên quan đô hộ cho người đến dạm hỏi. Ông bà Lê Hoàn không thuận. Viên quan đô hộ ức hiếp, bắt Lê Ngọc Thanh về làm tiểu thiếp. Vài tháng sau, Lê Ngọc Thanh đau buồn quá qua đời. Hai ông bà Lê Hoàn căm giận kẻ ngoại tộc thống trị, xót thương con gái, uất ức sinh bệnh, lần lượt qua đời. Khi sắp mất, ông cầm tay Ả Chạ, ứa nước mắt nói: " Con có khí phách của người anh hùng, không như hạng nhi nữ thường tình. Vì nước mất nên nhà mang nhục, con hãy ghi nhớ lấy! ", lại ngoảnh nhìn ông em vợ, chỉ vào con gái, lại chỉ vào bụng mình, kêu to lên một tiếng rồi mất. Lê Ngọc Trinh ghi nhớ lời cha, nung nấu thù nhà nợ nước, mới bàn việc với ông cậu, cùng mưu việc báo quốc. Có lần Lê Ngọc Trinh hỏi ông cậu: " Kết bạn với người tuấn kiệt, tìm gặp những kẻ anh tài, việc đó là quan trọng nhất lúc này, có phải thế không cậu? ". Ông cậu đáp: " Phải! ". Trinh hỏi tiếp: " Khi có vây cánh rồi thì phải xây dựng lực lượng, ngày đêm luyện tập, có phải thế không cậu? ". Ông cậu đáp: " Phải! ". Nàng lại hỏi: " Có nghĩa binh rồi, lúc ấy sẽ dựng cờ đại nghĩa, chống phu chống thuế, giặc đến thì đánh có phải thế không cậu? ". Cậu đáp: " Phải! ", và nói: " Này cháu, cháu hỏi ta ba câu, ta đều cho là phải. Sự việc phải như thế. Đó chính là những bước đi của chúng ta đấy. Nhưng cậu muốn nhắc cháu một điều: bước vội thì dễ vấp, cháo nóng muốn ăn ngay sẽ bị bỏng. Vả lại quân cần có lương, có lương mới đánh được lâu dài. Cho nên cần tích thóc trữ ngô phòng khi đói kém hay bị giặc vây hãm. Có lương chưa đủ, lại nên chia quân thành đội ngũ, hiệu lệnh nghiêm minh, kỷ cương chặt chẽ, có thế mới tránh khỏi là quân ô hợp. Vậy chúng ta không nên ham luyện tập mà lơi lỏng việc cày cấy, lại nên cử các đầu lĩnh, đội ngũ rõ ràng, cháu nghĩ thế nào? ". Lê Ngọc Trinh vui mừng mà rằng: " Lời cậu dạy bảo làm cháu sáng ý ra nhiều. Lúc này sức chúng ta còn mỏng, ta nên giữ kín hình tích, khỏi bị giặc kia dẹp non ". Một ngày cuối thu, trời đã chớm lạnh, Ngọc Trinh đi viếng phần mộ cha mẹ và chị, nghĩ cảm động trong lòng, thầm khấn rằng: " Cha mẹ hãy về giúp sức cho con sớm diệt kẻ thù, cho thỏa chí nguyện của cha mẹ và rửa hờn cho chị ". Khấn xong, nước mắt ướt đầm đôi gò má. Chợt Ngọc Trinh nghe có tiếng chân bước mé sau, nàng ngoảnh lại, thấy ông cậu rảo bước tới, theo sau có hai người lạ mặt. Ngọc Trinh vội gạt nước mắt. Một người lạ sỗ sàng nói: " Thù nhà nợ nước, khóc có ích gì. Nước mắt đuổi sao được giặc? ". Ngọc Trinh nhìn ngắm người vừa nói, thấy người ấy đã đứng tuổi, mặc áo vải thô rách vai, người thấp và đậm, trán dô, miệng rộng, mắt sáng lóng lánh. Cùng đi với người đó là một người còn trẻ, gương mặt gầy và xanh, vai đeo một bọc nhỏ, lưng thắt dây thừng có gài con dao ngắn. Ngọc Trinh cúi đầu chào hai người rồi nói: " Tráng sĩ nói rất phải. Chẳng qua là lòng con nhớ cha mẹ nên mới có những giọt nước mắt thường tình. Các tráng sĩ tới đây, vôäi vã ra nơi tha ma mộ địa này gặp tôi, chắc có điều gì khẩn cấp? ". Người lớn tuổi thấy mình cố tình nói sỗ mà Ngọc Trinh không hề giận, cử chỉ lại khiêm nhượng, nên lấy làm khâm phục, nói rằng: " Người ta vẫn nói Ngọc Trinh quý người, nhún nhường, lễ độ, quả cũng không sai. Chúng tôi ghé thuyền cặp bến dúng là có việc cần gặp nàng ". Bấy giờ ông cậu mời mọi người về nhà, cùng bàn việc. Họ là những người chở đò dọc sông Hồng, đều là người có tài chí. Họ biết có một đoàn thuyền lương của giặc sẽ đi từ sông Đáy ra sông Hồng, một tên tướng là Lưu Ứng Khâm áp tải, nên đến bàn với Ngọc Trinh việc cướp lương. Ông cậu nói: " Bác Nguyễn Hiển đây muốn lấy đoàn thuyền lương ấy để ra mắt chúng ta đấy! ". Mọi người đều cười. Nguyễn Hiển và Nguyễn Thái Nhạc cho biết nếu Ngọc Trinh vui lòng nhận " món quà ra mắt " ấy, hai người sẽ tụ hợp các bạn chài đón đánh đoàn thuyền và Ngọc Trinh sẽ cho quân phối hợp. Hai ông cho biết đoàn thuyền lương sẽ nghỉ ở bến làng Cao, chỉ cách Đàm Luân năm dặm và cách đại đồn quân Hán ở Ngã ba Hạc ba dặm. Ngọc Trinh nói: " Ta đánh bất ngờ, chắc là được. Nhưng đánh xong thì giặc sẽ đánh phá từ làng Cao tới Đàm Luân, các xã bên sông sẽ bị lùng sục, bắt bớ. Vậy phải tính thế nào? ". Nguyễn Hiển hăng hái nói: " Dân chài bị giặc ức hiếp quá quắt, chỉ muốn vùng dậy. Còn nói giặc đánh vào Đàm Luân và bắt bớ các xã ven sông ư? Thì chúng chẳng vẫn bắt vẫn đánh và giết dân ta đó sao? nào phu, nào thuế, nào cống phẩm, nào nô tì...dân bị vắt kiệt cùng, còn sợ gì nữa! Ta sẽ thừa thắng dựng cờ khởi nghĩa, rào làng đắp lũy, ra mặt chống giặc. Tình thế sôi sục lắm rồi. Đặng tướng công chủ trưởng châu Bạch Hạc bị giặc sát hại vì đồng mưu với Thi Sách lật đổ nền đô hộ. Phủ Thái thú đưa quân Hán về cai trị châu Bạch Hạc khi khắp nơi hào kiệt đều dướn mình đứng dậy. Người bị bắt cũng nhiều, người bị giết cũng có, nhưng nào có ai nhụt chí! ". Ông cậu nói: " Từ chuyện cướp lương thực ra chuyện khởi nghĩa, đó là việc lớn không dễ coi thường, chúng ta phải bàn cho kỹ mới được ". Mọi người bàn bạc hồi lâu, quyết định thừa dịp này khởi nghĩa trong vùng, cướp lương giặc để gây thanh thế, bắt tướng giặc lấy máu tế cờ. Lập tức Ngọc Trinh cho mời 18 trang chủ kết nghĩa đến cùng họp bàn cắt đặt công việc. Hai ngày sau, đoàn thuyền lương của giặc đến đỗ ở bến làng Cao. Vào hồi canh ba, khi giặc đang say giấc ngủ, nghĩa quân nổi lửa, trên bộ dưới nước nguời mang đao, người cầm gậy, ào ào xông tới vây kín đoàn thuyền. Nguyễn Hiển hai tay hai đao nhảy lên thuyền tướng đánh bắt Lưu Ứng Khâm. Tướng giặc trong lúc bất ngờ trở tay không kịp bị Nguyễn Hiển bắt sống trói lại. Ngọc Trinh cho dân binh lên thuyền chuyển lương, còn các bạn chèo giáp chiến với lính Hán. Những người dân chèo đoàn thuyền lương lúc này cũng vui mừng hợp sức với nghĩa quân đánh giết giặc Hán, chuyển vận lương lên bờ. Ông cậu chặn đường từ Bạch Hạc, đề phòng đồn Hán có quân cứu viện, nhưng đến khi lương đã chuyển xong, thuyền giặc đã bị đánh chìm hết mà vẫn không thấy bóng quân Hán cứu viện, ông cậu cũng rút quân về. Ngay sáng hôm sau, Ngọc Trinh tế cờ khởi nghĩa chém đầu Lưu Ứng Khâm lấy máu bôi cờ và bôi mặt trống. Mọi người tôn Lê Ngọc Trinh làm nữ chủ soái, tôn ông cậu là phó soái trưởng lĩnh quân cơ, đặt soái sở ở Đàm Luân, tự lập một giang san riêng, không tuân theo chính lệnh của Phủ thái thú. Quân ta tế cờ hôm trước thì hôm sau giặc đến đánh, nhưng nhờ đã đoán trước tình thế, phục binh đánh một trận, giặc thua phải rút chạy. Sau trận thắng ấy, nhân dân càng thêm tin tưởng và hăng hái. Một hôm ông cậu hỏi Lê Ngọc Trinh: " Nếu giặc thù đến vây bốn mặt, ta làm sao mà chống lại được? ". Lê Ngọc Trinh hỏi kế, ông cậu nói: " Giặc tất đến đánh ta để dẹp cái lo của chúng. Nếu ta tập trung cả quân tướng vào một nơi, lương thảo dồn một chỗ, có thể bị vây tuyệt đường bên ngoài, bị hãm vào thế cô lập. Nay ta nên tổ chức các trang trại xung quanh cùng đào hào đắp lũy. Đàm Luân như nhị sen, còn các làng xung quanh là cánh sen, một trang bị vây thì các trang khác cùng tiến đánh, như thế mới là kế lâu dài ". Ngọc Trinh khen phải, đi bàn với các trang chủ, các trang chủ đều nghe lời. Quả nhiên, quan quân đô hộ mấy lần đến đánh Đàm Luân đều bị trong đánh ra ngoài đánh vào, phải lui quân. Hồi đó, tráng sĩ khắp quận Giao Chỉ đều mài giáo rèn gươm, chỉ trông đợi có dịp quét sạch giặc Hán ra khỏi bờ cõi. Hào kiệt theo về với hai vị nữ anh hùng họ Trưng ở Mê Linh như nước chảy về chỗ trũng. Lê Ngọc Trinh đem nghĩa binh về với Hai Bà, trình bày mọi công việc của mình ; Hai Bà đẹp lòng, khen ngợi, giao ấn Tả tướng quân. Ngọc Trinh nương lĩnh quân theo Hai Bà về Hát Môn dự lễ cáo tế trời đất rồi tiến quân đánh Tô Định. Lê Ngọc Trinh gắng giỏi bày mưu định kế, dũng cảm hăng hái thống lĩnh tả quân lập nhiều công trạng. Sau trận đánh thắng Tô Định, Ngọc Trinh nương được Trưng nữ chủ thăng phong là Đại tướng quân. Đại tướng quân Lê Ngọc Trinh rong ruổi ở Tây Vu, lấy cờ thêu chim phượng làm cờ hiệu, vó ngựa tới đâu, giặc tan tới đấy. Một vùng lưu vực các sông Lô, Gầm, Chảy, chẳng bao lâu đều sạch bóng giặc, hàng chục thành lũy quy về với nghĩa quân. Trưng nữ chủ khen Lê Ngọc Trinh là " Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần ", ban cho nàng một chiếc trống đồng làm lệnh. Dẹp xong giặc nước, Bà Trưng chị lên ngôi vua, xưng là Trưng Vương, phong Lê Ngọc Trinh tước công chúa. Lê Ngọc Trinh nghĩ nhớ câu chuyện bố mẹ nhân chơi mát ở Đầm Sen, thấy chim phượng hiện mà sinh ra mình mới xin được đặt hiệu là Ngọc Phượng. Vua Trưng ưng chuẩn, lại cho về xây dựng cung sở ở Đàm Luân. Hán Quang Vũ lo sợ, cử thêm quân sang cho Mã Viện. Có lần Mã Viện hạ lệnh cho phó soái Lưu long thân đem quân tiến đánh đồn trại Đàm Luân, nói rằng: " Người phải gắng sức, vì thành Đàm Luân là cái lá chắn bên sông vùng đồng bằng phía Tây và Nam Mê Linh, che chở các đồn trại thành lũy trung tâm của Trưng tặc. Phá được thành Luân, ngươi tiến quân thật nhanh về Mê Linh, hợp với ta từ Lãng Bạc dồn về, ắt Trưng tặc phải nguy khốn! ". Lưu Long vâng lệnh điểm quân mã rầm rộ tiến đánh Đàm Luân. Giặc mở trận bất ngờ, đánh rất gấp vây chặt Đàm Luân. Quân của Ngọc Phượng công chúa Lê Ngọc Trinh cố sức phá vây. Hai quân giáp chiến từ lúc gà chưa gáy sáng cho tới khi tiếng gà đã báo ngọ mà vẫn chưa nghỉ. Trận đánh lớn diễn ra ở Gò May. Trống nổi vang trời, giáo đâm dao phạt. Ngọc Trinh quyết phá trận giặc, tả xung hữu đột. Đang lúc trận đánh diễn ra quyết liệt, nữ soái lỡ đánh rơi gươm, liền cởi ngay dải yếm bọc đá mà đánh. Nũ tướng càng đánh càng hăng hái, chiến mã hí vang, dựng bờm tung vó. Giặc khiếp hãi oai thần phải rạt cả ra không tên nào dám lại gần. Tiếng trống đồng nổi lên oai hùng thúc giục, cờ phượng dương cao, quân Nam cùng hô một tiếng dậy đất tiến theo nữ tướng, nức lòng xông xáo. Lưu Long giáp đẫm mồ hôi, mặt như chàm đổ, vội hô quân tháo chạy, vượt sông rút về bên sông Đáy. Đại tướng quân Lê Ngọc Trinh cầm cự vói quân Mã Viện ròng rã một năm trời, giặc không sao đánh vào được nội địa. Mã Viện bị Hán Quang Vũ quở trách, thúc giục, liền họp với các tướng, bàn cách phá cửa ải Đàm Luân. Mã Viện cho rằng dùng đại quân không thể thắng Lê Ngọc Trinh được, mới tìm cách dùng kỳ binh, cho quân rút hết, trong ba tháng không quấy nhiễu Đàm Luân một trận nào. ...Một hôm Lê Ngọc Trinh đang tắm ở đầm sen, chợt có cấp báo quân giặc đã ập đến. Ngọc Trinh chỉ kịp mặc áo mỏng, lên ngựa ra giao chiến. Giặc dùng nỏ cứng bắn như mưa. Ngọc Trinh múa kiếm đón đỡ, mong chờ quân tới cứu, nhưng Mã Viện đích thân cầm quân vây kín các ngả, lại đánh làm nhiều mũi nhỏ, cắt xén quân Nam làm nhiều mảnh. Quân Nam bị chặn đánh khắp nơi không ứng cứu nhau được. Mã Viện xông thẳng vào nơi Lê Ngọc Trinh bị vây hãm, thấy nàng quả là tiên nữ giáng trần, hai tay múa kiếm, khí phách anh hùng. Mã Viện bất giác cũng sinh lòng kính phục liền thét quân phải tìm cách bắt sống. Ngọc Trinh biết đại sự đã hỏng, nói rằng: " Cha mẹ ta thấy chim phượng ở đầm sen mà sinh ra ta, nay ta lại gửi thân ở Đầm Sen này ", nói đoạn liền nhảy xuóng đầm sen tử tiết. Lê Ngọc Trinh hai mươi tuổi dựng cờ tụ nghĩa làm chủ một phương. Hai mươi mốt tuổi theo Trưng Vương cứu nước lĩnh ấn Tả tướng quân, phá tan các thành trì của giặc ở một dải đất trung du mênh mông, quét sạch giặc thù. Hai mươi hai tuổi được phong công chúa, dựng thành đắp lũy lo kế chống giặc lâu dài, một trận đánh ở Gò May làm giặc Hán kinh hồn vỡ mật, chống nhau với Mã Viện là danh tướng của nhà Hán trên một năm trời. Đại tướng quân Lê Ngọc Trinh thật xứng với lời ban khen của Trưng Vương: " Quần thoa hào kiệt, dũng lược tuyệt trần ", nêu cao tấm gương anh hùng cho muôn đời sau vậy (1). Chú thích:1. Trang Lũng Ngòi, Gò May và Đàm Luân nay là xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phú, có thể thời Lê Ngọc Trinh căn cứ Đàm Luân còn gồm cả xã Bồ Sao ngày nay. Khu căn cứ này nằm ở gần Cầu Việt Trì, ngã ba Bạch Hạc, mé Hà Nội về và đường quốc lộ 2 chạy qua ngày nay. Nhân dân địa phương thờ Lê Ngọc Trinh với lòng tưỏng nhớ anh hùng ở miếu Lũng Ngòi, đình Lũng Ngòi và đình Hòa Loan. Trong các ngày cầu tế có tục hú đáo, kéo co mang tính chất kỷ niệm dựa theo truyền thuyết. Hú đáo thôn Lũng Ngòi (hay Lũng Ngoại: (trai gái lấy đá ném vào một cái cọc chôn cách mười bước chân, cứ trúng cọc là được. Kéo co, trai gái chia làm hai phe thi nhau kéo co bằng một chiếc dây song. Các cụ nói rằng hú đáo và kéo co ở đây không phải là trò chơi hội làng mà là để nhắc lại kỳ tích anh hùng của Ngọc Trinh nương, khi nương bị giặc vây hãm lấy dải yếm bọc đá để đánh giặc. Sau hòn đá rơi về địa phận Lũng Ngòi nên Lũng Ngòi hú đáo còn dải yếm bay về địa phận Hòa Loan nên Hòa Loan kéo co.