DiLi.jpg
Di Li (Nguyễn Diệu Linh, 1978) tốt nghiệp khoa tiếng Đức và khoa tiếng Anh trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (hiện nay là ĐH Hà Nội). Thạc sĩ Quản lý Giáo dục, hiện là giáo viên tiếng Anh thương mại tại trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội.
Tác phẩm: Tập truyện ngắn Tầng thứ nhất, Đông A và NXB Hội Nhà Văn. Sắp xuất bản: tập truyện ngắn Điệu valse địa ngục. Giải thưởng: Giải ba cuộc thi Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2006.
Nếu cái hay của các tác giả mới xuất hiện, đặc biệt là các tác giả nữ Việt Nam gần đây, thường nằm ở sự ngổn ngang và nồng nhiệt, thì cái hay của văn Di Li lại là một lối văn thông minh, sắp xếp ý tưởng chặt chẽ và tiết chế cảm xúc tốt. Ba truyện ngắn dưới đây, đều lấy đề tài là cuộc sống của những con người trẻ tuổi ở các thành phố lớn và đều sử dụng một cái nhìn như thể từ bên trong, được trích từ tập truyện ngắnTầng thứ nhất và tập truyện sắp xuất bản, Điệu valse địa ngục.
talawas chủ nhật
Một cái đầu hạt dẻ hiện ra sau cánh cửa gỗ sơn màu cánh gián vẻ hơi ngạc nhiên, theo sau là bộ ngực trần rám nắng với hình xăm mỏ neo màu đỏ và đen bên ngực trái.
“Xin lỗi, làm ơn vặn nhỏ nhạc chút vì khuya quá rồi.”
Hàm răng sáng bóng kéo ra một độ dài vừa đủ lịch sự:
“Xin lỗi chị, phiền hàng xóm quá.”
Chỉ với năm bước chân, người hàng xóm đã quay trở về cánh cửa cũng sơn màu cánh gián của mình và năm phút sau, chìm vào giấc ngủ thản nhiên, không còn nghe thấy chuông đồng hồ điểm tiếng thứ mười hai.
Miên gặp Mỏ Neo lần đầu tiên trong một vụ khiếu nại nho nhỏ như thế. Cô xoay lại màn hình như thể khuôn mặt rám nắng kia sẽ gần với cô hơn. Miên vô thức click chuột vào cuốn album trong blog của Mỏ Neo, những tấm ảnh vô thức trôi, và sống động đến đáng sợ.
Miên sải những bước rất dài, chui tọt vào cầu thang máy và nhanh chóng nhấn số 10. Không may, một bàn tay đã chẹn lấy cửa và nhanh nhẹn bước vào trong, nụ cười sáng bóng làm thân “Chị chờ chút, mình ở cùng tầng mà”. Miên vô cùng dị ứng khi đứng trong cầu thang máy với người khác. Trong một mét vuông với những người xa lạ, cô thấy nghẹt thở lắm. Những tấm vật liệu được vần vào trong, cùng vài anh công nhân mồ hôi mồ kê nhễ nhại một cách đáng ghét, quần áo bốc mùi đa dạng. Mỏ Neo cười cầu tài “Sửa sai việc hôm qua đấy mà”. Miên không hiểu. “Hôm qua chị phê bình nên em thuê thợ làm bộ phận cách âm”. Miên càng ngơ ngác. Cô mới chuyển tới khu này được hơn nửa năm, còn Mỏ Neo, mới nửa tháng, một tháng, hoặc có thể hơn. Chính xác là từ khi bị tiếng nhạc đêm hành hạ, cô mới bắt đầu nhận thức được căn hộ kế duy nhất có người ở. Trong số những khu chung cư kế cận, khu nhà Miên ở có giá thuê rẻ nhất và chủ hộ già nhất có lẽ cũng chỉ bốn mươi tuổi, Miên đoán vậy. Những cầu thang toả lên các tầng với từng cặp hai hộ khép kín, âm u và bí bách. Những cánh cửa gỗ màu cánh gián giống hệt nhau, đóng im ỉm, đơn điệu đến phát điên. Đấy là lý do khiến khách đến mua nhà đều thối lui ngay khi bước vào khoảng hành lang chật hẹp như chiếu nghỉ nhà tù. Khu nhà được xây kiên cố và vững chãi như một pháo đài Roman, với những nguyên vật liệu thượng hảo hạng nhưng vẫn không thuyết phục được các vị khách già có thói quen đi làm về lại tống thực phẩm vào tủ lạnh rồi chạy sang hàng xóm báo cáo tình hình trong ngày. Từ hồi đến đây, Miên không quen ai trong số vài trăm nhân khẩu cùng khối nhà. Thảng hoặc cô đứng chung cầu thang máy với các cư dân của tầng trên hoặc tầng dưới. Họ đều trẻ, trẻ để cảm thấy hứng thú với những cánh cửa màu cánh gián khoanh vùng một thế giới riêng, trẻ để không thích chung đụng và chia sẻ. Ở tầng trên, không rõ là 17 hay 18, có một nhóm các cô gái trẻ trung với những mái tóc đủ màu sắc. Họ là những thành viên trong một ban nhạc tuổi teen chưa nổi tiếng lắm mà vài lần Miên nhìn thấy trên ti vi. Miên đoán họ thuê nhà để tập nhạc, ăn sô cô la xong vứt giấy kẹo bừa bãi, nấu cháo điện thoại cả tiếng đồng hồ và thi thoảng ngủ lại sau những show diễn hai giờ sáng. Cũng trên đó có vài doanh nhân người Hàn Quốc ở chung với mấy cô bồ nhí Việt Nam trẻ măng, một anh họa sĩ nửa mùa mồm ngậm hột thị ra dáng nghệ sĩ và tầng dưới là những cặp vợ chồng trẻ thi thoảng Miên bắt gặp đẩy xe nôi dung dẻ ngoài đường cái. Miên chịu không hình dung được đằng sau hàng trăm ô cửa màu cánh gián bí ẩn kia chứa đựng những thứ gì, cũng như họ chưa bao giờ được chiêm ngưỡng lãnh địa của Miên: giấy bồi tường màu be, đồ gỗ xanh ghi, giá sách đựng các loại ấn phẩm chuyên ngành và đĩa CD nhạc cổ điển, tủ quần áo có đúng mười lăm bộ. Váy sẫm màu dài hơn đầu gối năm phân, áo sơ mi tay lỡ màu trung tính giống hệt nhau, chỉ thay đổi kiểu cổ cho phù hợp với các sự kiện. Trong tủ lạnh luôn có sữa tươi không đường, bơ thực vật, cà chua bi và một ít bánh mì gối. Ga giường không viền rủ, một chiếc gối vuông và một gối ôm đồng bộ, cũng màu trung tính, hoa văn nhàn nhạt. Táp đờ luy đầu giường không lọ hoa, không khung ảnh, chỉ có một chiếc đồng hồ báo thức hình tròn, vật duy nhất có màu sắc sặc sỡ. Từ ngày bị tiếng nhạc của Mỏ Neo hành hạ, thời gian biểu của Miên đảo lộn. Cô không thể nhắm mắt vào lúc mười giờ như thường lệ để sáng hôm sau thức dậy lúc sáu giờ, tập thể dục, ăn hai lát bánh mì phết bơ rồi mới đi làm. Mỏ Neo nghe thứ nhạc remix của các DJ vũ trường. Tiếng bass nện thình thịch vào hai tấm cửa dày màu cánh gián rồi xoáy vào màng nhĩ đã quen với Mozart và Bethoven.
Sau lần đối mặt thứ hai ở cầu thang máy, thứ nhạc cấp ba kia đã chấm dứt. Lần giáp mặt kế tiếp, Mỏ Neo sang gõ cửa phòng Miên hỏi xem bên này có bị mất điện không. Không. Rõ ràng là đường điện bên kia có vấn đề. Thời tiết bên ngoài ba mươi chín độ. Em có thể vào một lúc cho mát được không. Không sao. Em có thể uống nước lạnh và xem ti vi thoải mái. Em không quan tâm đến mấy thứ ấy. Chỉ nhạc không lời thôi à. Miên giễu cợt. Một số thứ khác nữa, chị sống một mình à. Tuyệt vời đấy. Sống tự do là một trong những sản phẩm văn minh nhất của thế giới văn minh.
Miên trân trối nhìn phần Interest trên blog của Mỏ Neo. Chỉ một từ duy nhất Mỏ Neo viết một cách hài hước Mien.com. Miên kết bạn với Mỏ Neo một cách tự nhiên theo lẽ trái tự nhiên nhất. Hôm đó Mỏ Neo lại gõ cửa. “Bên này có mất điện không chị?”. Mỏ Neo hỏi rồi cười xoà, vì khuôn mặt Miên lấp loá trong ánh nến đầy bực bội. “Hôm nay đúng sinh nhật em, đang định ra quán, chị đi cùng nhé? Mất điện lâu đấy”. Lũ bạn của Mỏ Neo vừa lịch sự vừa nhố nhăng. Có khoảng hơn chục đứa, cả nam lẫn nữ, chui vào một quán bar có tên là Funky Girl. Mấy đứa choẽ hai ngón tay làm điệu bộ của các rapper đường phố, đọc một đoạn rap dài trong đó có từ Funky Girl đọc chệch đi thành một chữ bậy bạ rồi cười rú lên. Miên giữ vẻ thản nhiên, cho dù Mỏ Neo có ý gàn tụi kia sợ làm Miên phật lòng. Chả sao. Đề tài liên quan đến sex bao gồm những từ ám chỉ, vật tượng trưng và các câu chuyện hài hước là thứ dễ khiến người ta hứng khởi nhất. Ở cơ quan cũ của Miên, nơi mà ngay sau khi về nước Miên đã nộp đơn với mơ ước được cống hiến chất xám cho Tổ quốc, người ta nói chuyện sex từ sáng chí tối. Càng nhiều thời gian, các câu chuyện càng được sáng tạo, thêm thắt, những từ ngữ úp mở chỉ có Miên là không hiểu. Một cây bút, chiếc xe máy hay cái bánh bao đều có thể khiến đồng nghiệp của Miên cười rũ rượi vì nó đầy hình ảnh liên tưởng. Miên thấy lạ khi từ bà lao công cho đến sếp lớn và sếp bé đều thích lối bông đùa này. Lũ bạn Mỏ Neo mời nước Miên rất lịch sự song không hề có vẻ tò mò. Chúng đung đưa theo tiếng nhạc quen thuộc thường vọng ra từ nhà Mỏ Neo và không nói với nhau câu nào nữa, vẻ như mỗi đứa là một thế giới riêng trên chiếc ghế cao ngất ngưởng của mình. Mỏ Neo là người hào phóng. Nó mặc tụi bạn rót cognac lên người nhau để chúc mừng sinh nhật. Miên nhìn đồng hồ, áng chừng giờ này trạm điện đã thông trở lại. Cô cảm thấy tiếc vì đi chung xe với Mỏ Neo. “Chị muốn về à. Không sao, em đưa chị về rồi sẽ quay lại.”
Trên đường về. Chị hỏi điều này buồn cười lắm, chị chưa biết tên của em. Ừ nhỉ, em là Gia Lương, một cái tên chưởng bộ, còn nếu để tên không thì nghe rất ngố. Chị cứ gọi em là Ricky, hồi còn đi học tụi bạn em vẫn gọi vậy. Trước em học bang nào? Trường Bowdoin, Massachusette, tốt nghiệp được ba năm rồi. Nghĩa là năm nay 25. Đúng. Em đoán em kém chị 5 tuổi. Chị làm thạc sỹ xong sao không ở lại? Thế sao em không ở lại? Mỏ Neo ngúc ngoắc đầu. Em khác. Sao chị chưa lấy chồng?
Album trên blog mang tên Ricky vẫn vô thức trôi. Những hình ảnh hiện ra rồi biến mất. Tấm ảnh chụp hôm sinh nhật Mỏ Neo có cả Miên, vài cậu bạn tóc vàng và một cô gái giơ ba ngón tay làm thành chữ Vi. Có tiếng chuông điện thoại, song Miên không nghe, điện thoại ngừng một lúc rồi đổ hồi thứ hai, lần này Miên rút hết dây cắm và lục tìm một túi cà phê tan. Miên có gặp Lam Vi vài lần. Lam Vi bấm chuông cửa nhà Miên, không chào, xấc xược “Ricky bảo chị mở cửa cho em. Anh ấy có việc ở công ty không về được”. Có vài lần Mỏ Neo mời Miên sang chơi. Nhà Mỏ Neo đủ màu sắc như một phòng học mẫu giáo. Salon và gối dựa đủ màu lam, đỏ, cam, vàng, nõn chuối. Hai chiếc loa khổng lồ cao bằng đứa trẻ tiểu học cũng được dán giấy hình thù xanh đỏ. Bức tường ốp cách âm như phòng karaoke kẻ ô vuông sặc sỡ và những chiếc đèn xoay trên trần nhà thì lấp lánh chả khác gì vũ trường. Có ba bức tranh lập thể khổ lớn, cố công vẽ theo trường phái hội họa châu Âu đầu thế kỷ hai mươi song được thay bằng những tông màu nguyên bản của chiếc ghế salon, ngộ nghĩnh đến mức người xem phải tức cười. Tạp chí, băng đĩa, quần áo, đầu mẩu thuốc lá, vỏ kẹo và chai lọ vắt vẻo mọi nơi tô điểm vào không khí kỳ cục của căn phòng. Mỏ Neo chả có vẻ gì là ngượng nghịu, trái lại còn vứt toẹt vỏ bao thuốc xuống đất ngang nhiên như chỗ công cộng. Miên đi đi lại lại và chân tay ngọ nguậy một cách đầy bản năng. Em có muốn chị dọn dẹp giúp em đống này không? Chị dọn suốt đời được à. Dọn xong ngày mai lại thế. Tuy nhiên Mỏ Neo cũng đưa chìa khoá phòng cho Miên. Chị có thể vào nhà bất kỳ lúc nào, và làm bất kỳ điều gì chị muốn. Nó ngoắc chiếc chìa khoá vào tay, lúc lắc người tiến lại phía Miên. Mỏ Neo ép sát Miên vào tường, và nắm chặt hai tay ra ý cảm ơn. Miên luống cuống khẽ ẩy nó ra xa rồi vội vã tiến về đống báo cũ. Mỏ Neo khẽ huýt sáo vui vẻ, người vẫn lúc lắc một cách kỳ lạ với vẻ hưng phấn rõ rệt. Chị yên tâm, em coi chị như chị gái của em. Vẫn dáng đi lúc lắc ngớ ngẩn, Mỏ Neo tiến về chiếc salon, đổ người xuống và hát ông ổng một bài tiếng Anh mà Miên chưa nghe thấy bao giờ. Miên thấy vui vì có một người tin tưởng, giao cho cô cả chìa khoá nhà. Và thường thì cuối tuần, là những ngày Mỏ Neo đi vắng suốt, Miên mở cửa căn hộ của người bạn hàng xóm để dọn dẹp, dẫu biết rằng chỉ đến sáng hôm sau, những thứ hổ lốn kia sẽ lại xuất hiện như cũ.
Lam Vi khiến bất kỳ người nào khó chịu ngay từ lần gặp đầu tiên. Trượt đại học, mồm nói không ngơi nghỉ trừ lúc nhai kẹo cao su và hút thuốc, toàn lời lẽ bậy bạ và ngớ ngẩn, quần cạp trễ, áo quai treo kiểu Marilyn Monroe, tóc tỉa hai tầng sợi ghi sợi vàng, móng tay đính cườm lóng lánh, nước hoa Elizabeth Arden, túi xách hiệu Louis Vuitton mà bên trong có lẽ chỉ đựng chiếc điện thoại và tuýp son bóng. Miên ngạc nhiên vì Mỏ Neo đánh bạn với Lam Vi, nhưng không tỏ vẻ gì khó chịu “Sao Lương không gọi điện trước nhỉ?” Lam Vi rút điện thoại bấm bấm theo thói quen, cho dù chẳng gọi cho ai cả “Ricky bảo em cứ gọi cửa chị. Nếu chị không có nhà thì em ngồi ngoài chờ anh ấy. Ricky bảo không muốn nhắn tin làm phiền chị vì có thể buổi chiều chị họp, và chị thường quên để rung. Cái máy sẽ rú lên”. Lam Vi tròn môi, giả giọng ồm ồm đúng tiếng chuông điện thoại của Miên “Hế lồ mồ tố” rồi hồn nhiên cười phá lên. Miên bật cười, mở khoá cửa cho Vi. Cô bé ào vào nhà, rút lon bia trong tủ lạnh bật nắp và gác cả đôi giày chín phân lên mặt bàn. Lam Vi cư xử hoàn toàn hoang dã, nhưng qua vài phút Miên cho rằng cô bé rất ngây thơ song có lẽ không được giáo dục tốt lắm. Không khí trong phòng ngột ngạt. Mỏ Neo luôn đóng tịt các cửa sổ khiến căn phòng như một thứ hầm trú ẩn của các giáo phái tà đạo. “Sao Ricky lại thích chơi với chị nhỉ?”. Lam Vi bắt đầu phả thuốc mù mịt khắp phòng, thản nhiên nhìn Miên. Cô không khó chịu vì câu hỏi thiếu tế nhị đó. Chẳng phải cô cũng có chung câu hỏi như thế với Lam Vi hay sao. Có lần Mỏ Neo bảo Miên “Chị nhạt nhẽo thật đấy.” Mỏ Neo cũng giống Lam Vi, luôn nói thẳng những câu rất thô lỗ. Nhiều người bảo Miên đẹp, nước da trắng mịn không tỳ vết, khuôn mặt trái xoan hệt trong bức tranh lụa thời nhà Đường, sống mũi dài và thẳng kiểu phụ nữ Hàn Quốc, đôi môi hình trái tim nhỏ xíu như cô tiên trên ấm tích. Nhưng Mỏ Neo đã chứng minh ngược lại khi kéo Miên ra trước gương “Chị xem này, mọi đường nét của chị đều đẹp không chê vào đâu được, nhưng khi ghép chúng vào với nhau thì cứ nhạt nhẽo thế nào ấy.” Ba mươi tuổi, Miên gần như chưa có bạn trai. Vài lần, Miên loáng thoáng thấy một anh chàng nào đó thất bại sau vài chầu cà phê bình luận “Đẹp nhưng nhạt nhẽo thế nào ấy”. Và bây giờ là Mỏ Neo, ngang nhiên lôi cô đến trước gương nói rằng cô nhạt nhẽo. Lần gần đây nhất, Miên đã lại từ chối một anh chàng mà Miên cho rằng nhạt hơn nước ốc. Anh này làm cùng toà nhà với cô, gặp cô hai lần cũng trong cầu thang máy. Lần thứ ba sang thẳng công ty bên này mời cô đi uống cà phê. Anh ta luôn mặc áo sơ mi xanh da trời, quần kaki màu be, tóc chải vắt sang một bên, không đeo kính trắng, dáng người cân đối, nhưng Miên đã phải kiên nhẫn đi chơi với anh ta lần thứ hai. Anh ta luôn làm ra vẻ ga lăng một cách thái quá như liên tục hỏi Miên có muốn ăn thêm gì không, có lạnh quá không, có phải về nhà sớm không cho dù biết thừa Miên sống một mình. Quán cà phê rất sang trọng với khăn trải bàn kẻ ca rô xanh, cửa sổ màu trắng và ánh đèn vàng ấm áp nhưng đã bị bản nhạc jazz cũ kỹ và điệp khúc lải nhải của anh ta làm cho vô vị. “Chị sống nhạt lắm.” Mỏ Neo lặp lại và bất thần ôm chặt lấy Miên xoay một vòng, miệng cười khanh khách.
Lần thứ ba Miên gặp Lam Vi khi cô bé đang cưỡi lên người Mỏ Neo. Đã một giờ sáng, và Miên ngủ được một giấc rồi. Cô chợt nhớ ra chiếc điện thoại để quên bên nhà Mỏ Neo lúc sang đó dọn dẹp. Nghĩ rằng người hàng xóm giờ này đã ngủ say, Miên lấy chìa khoá nhẹ nhàng mở cánh cửa màu cánh gián. Ngay khi cánh cửa vừa hé, những âm thanh chát chúa dội vào đầu óc đang mơ màng của Miên. Những tấm cách âm dày đã khiến tiếng nhạc bị nhốt an toàn cùng với ánh đèn xanh đỏ đang nhấp nháy. Miên hoa mắt. Cô lờ mờ thấy những hình thù kỳ dị lổm ngổm trên sàn nhà, bám vào tường, lê lết khắp mọi nơi. Miên nhận ra mái tóc hai lớp của Lam Vi biến đổi đủ màu sắc theo vòng quay của chiếc đèn trần. Cả Lam Vi và Mỏ Neo gần như vẫn còn nguyên quần áo, đang rên rỉ những âm thanh man dại. Những khối đen khác quằn quại trên salon, dưới sàn nhà trong vũ điệu quái đản và gấp gáp đầy kích động của những con mèo hoang đêm trăng tròn, đều mang dáng vẻ quen thuộc mà Miên đã gặp một lần. Một cô bé trạc tuổi Lam Vi, với bộ ngực để trần, trên người lủng lẳng mỗi chiếc váy cộc gần như sắp rơi xuống đất đang mải miết tìm gì đó dưới sàn. Như bị thôi miên, cô tiến lại gần cô bé. Miên ngạt thở. Cô gái hôm nọ cô gặp ngoài bar Funky Girl. Khuôn mặt nũng nịu như trẻ con, luôn chúm môi tập huýt sáo và hỏi Miên mua chiếc vòng pha lê ở đâu giờ đang thè lưỡi liếm những chiếc chân bàn một cách say mê. Đôi mắt ngây dại nhưng long lanh thích thú, cô bé bò lổm ngổm lại gần gian bếp và bắt đầu liếm láp chân tường. Trên bàn ăn, một cô bé khác đang ngồi chồm hỗm, tay bám chặt thành bàn, thỉnh thoảng lại gào rú một cách thảm thiết “Giữ chặt lấy em, em sắp lăn xuống bây giờ đấy”. Căn phòng của Mỏ Neo ban ngày dễ thương như phòng học mẫu giáo giờ biến thành một hang động thuở hồng hoang, ẩm ướt thứ bản năng cuồng dại và ma quái. Miên tỉnh táo dần dần. Đôi mắt dừng lại ở chiếc đĩa nhỏ xinh trên bàn (Mỏ Neo đã dùng luôn chiếc đĩa trong bộ ấm chén kẻ ca rô Miên tặng hôm sinh nhật), trên đựng đầy những viên xanh đỏ như một thứ kẹo vitamin tổng hợp cho trẻ con. Miên như người bị bóng đè, nhận thức rõ những chuyển động xung quanh mình, thậm chí muốn đôi tay biến dài thêm vài mét để kéo cô bé kia đứng thẳng trên hai chân, muốn lay động ảo giác trên những khuôn mặt người mang hình hài lũ đầu sói có bốn móng vuốt dài bẩn thỉu và bệnh hoạn, mà bất lực, hơi thở của Miên cũng nặng nề như đôi chân đang đeo chì lửng lơ trên mặt đất. Cô bắt đầu điều khiển giấc mơ của mình, thu hết ý chí để nhấc toàn bộ cơ thể trở lại chiếc giường với bộ gối ôm màu trung tính có hoa nhàn nhạt.
Bố mẹ em có hạnh phúc không? Rất hạnh phúc. Thậm chí sếp bố tặng sếp mẹ một chiếc lược thép cách đây ba mươi năm mà giờ sếp mẹ vẫn còn giữ. Em có thấy mình được chiều quá đáng hay bị ngược đãi không? Hô hô. Nếu quá đáng thì đã không tiêu hoá nổi mười sáu năm học đâu. Cũng không đủ gọi là ngược đãi vì những lần bị đánh vào mông đít chưa hết số ngón trên một bàn tay. Em quen những người bạn kia bao giờ? Cách đây một năm, người nọ tập hợp được người kia. Một hôm Ricky lên tiếng. Sống chán phát mứa ra rồi. Anh em thử bàn xem có trò gì mới không. Vậy là go go go, toàn đứa thông minh mà. Em đã bao giờ bị bỏ rơi chưa? Mỏ Neo tiến lại phía Miên, làm động tác muốn ôm cô vào ngực, dáng người vẫn lúc lắc một cách vui vẻ. “Chị thử nhìn xem. Em có đẹp trai không. Gái bu xung quanh đấy”. Mỏ Neo ngả người trên ghế sô pha, giả đò làm điệu bộ khêu gợi. Khuôn mặt đàn ông với sống mũi cao, cặp môi ướt và đôi mắt trẻ thơ mơ màng như chứng minh cho những gì chủ nhân của chúng vừa khoe khoang. Rồi nó gí sát mặt đối diện với Miên, chừng không thể gần hơn được nữa. Em chán chị lắm. Chị hỏi những câu nhạt nhẽo ấy làm gì? Chị muốn thay đổi gì ở em. Tốt nhất là hãy thay đổi cái thứ giấy bồi tường gớm ghiếc kia đi và làm cho tấm ga giường nhàu nhĩ thêm một tí. Bố mẹ em có địa vị và giàu có, em được giáo dục ở một trường đại học danh tiếng, về nước có công ty riêng, thỉnh thoảng hẹn hò các nàng đi xem hoà nhạc thính phòng và triển lãm sắp đặt. Nhạt nhẽo y như chị ấy. Và rồi em thấy cần phải thay đổi. Vì vậy hãy đốt lửa lên nào, nàng công chúa ngủ trong rừng. Mỏ Neo lắc lư người và mồm tự làm nhạc, nhảy một điệu kỳ dị. Thôi đã Ricky. Vậy là em dùng ectasy một năm rồi? Sao chị nói văn hoa thế, gọi là lắc, là bay, là cắn, như thế ấn tượng hơn. Không nghiện đâu, đừng sợ em. Thuốc lá không hút còn thèm chứ thứ kẹo này chỉ để vui thôi. Nhưng chị vẫn giúp em dọn dẹp nhà cửa chứ? Khuôn mặt Mỏ Neo thoắt biến đổi, đôi mắt trẻ thơ đầy biểu cảm và giọng nói có vẻ hơi lo lắng.
Miên vẫn sang dọn dẹp giúp Mỏ Neo. Cô như một bệnh nhân kinh niên nằm giữa bốn bức tường trắng toát, bỗng một ngày nọ phát hiện lối cửa sau có một khu vườn lạ, chứa đầy hoa dại và cả những bụi gai. Những hộp quà Giáng sinh lấp lánh giấy trang kim xếp dưới gốc cây cám dỗ và bí ẩn. Trong đó có những thỏi sô cô la ngọt lịm, những viên thuỷ tinh màu lấp lánh nhưng cũng có thể là một túm rắn độc nằm cuộn tròn trong góc. Cũng có lần Miên thuyết phục được người hàng xóm thân thiết từ bỏ đám bạn. Đó là hai ngày nghỉ cuối tuần. Mỏ Neo khoá trái cửa, tắt điện thoại và sang nhà Miên. Ban đêm, Mỏ Neo ngủ trên chiếc salon màu ghi. Nhưng đôi mắt nó đã vô cảm, những mẩu chuyện của Miên như dội vào một bức tường đá. Không còn những câu pha trò vui nhộn và dáng đi lúc lắc kỳ dị. Đôi lần, Mỏ Neo giật phắt thân hình uể oải khỏi chiếc ghế, hoảng hốt mở tung các cánh cửa tủ và rối rít tìm thứ gì đó trong buồng tắm “Em nghi rằng có ai đang nấp trong này. Có thể là thằng cha nào đó thích chị rồi muốn tìm cách thủ tiêu em”. Những lời trấn an của Miên dường như vô ích. Trong giấc ngủ thảng thốt, Mỏ Neo luôn giật mình và gào rú thảm thiết “Miên, có người muốn giết em”. Nhưng Miên vẫn kiên trì ngay cả khi nhìn thấy ánh mắt nghi ngờ của Mỏ Neo lúc nhận cốc sữa từ tay Miên “Biết đâu đã có đứa nào lén bỏ thứ gì vào đây thì sao”. Những cơn trầm cảm và ảo giác đầy hoang tưởng của Mỏ Neo đã khiến cuối tuần của Miên không chỉ có màu ghi như mọi ngày. Sự bất an lây lan sang cả Miên. Thế rồi, Mỏ Neo quay trở lại với cái hang động hoang dã sau cánh cửa màu cánh gián. Nó hưng phấn trở lại. Ánh mắt lúc nào cũng lấp lánh một cách kỳ dị. Miên này, em mới tìm được một đối tác cực sộp. Sẽ mời công ty em phân phối độc quyền phần mềm ở miền Bắc. Vẻ phấn chấn của Mỏ Neo bao trùm lên Miên. Nhưng có vấn đề thế này, công ty em bỏ bê lâu rồi, mà hôm này phải thuyết trình cho người ta xem. Chị đến giúp em nhé. Mỏ Neo nắm chặt hai tay Miên đầy hy vọng. Cái bờ vai rắn chắc hôm đầu ra mở cửa cho Miên giờ gầy rộc đi thảm hại. Miên xin nghỉ phép một tuần để xoay trở với đống giấy tờ tài chính lộn xộn của Mỏ Neo. Nó nhuộm lại tóc đen, sắm bộ complet đầu tiên trong đời, dọn dẹp công ty, in các vi dít mới cho tất cả nhân viên đều với chức danh trưởng phòng, riêng Miên được phong làm trợ lý giám đốc. Buổi thuyết trình diễn ra tốt đẹp. Việc đàm phán bằng tiếng Anh với ông đại diện nhỏ thó người Singapore quá dễ dàng đối với Miên và Mỏ Neo. Ông ta hài lòng với cái tiểu sử công ty được Miên bịa ra trong ba ngày rồi in vào một cuốn catalogue đóng gáy xoắn rất đẹp, bìa chữ mạ vàng. Những số liệu doanh thu, thông tin khách hàng, thành tựu của công ty lấp lánh trên màn hình như đôi mắt Mỏ Neo luôn ngập chìm trong ảo giác của tiếng nhạc vọng xa xa, những màu sắc sống động trong hoa thơm cỏ lạ và giấc mơ thiên đàng giữa ban ngày.
Chiếc xe mui trần màu vàng chanh hiện ra choán hết màn hình. Màu sắc vui vẻ như nụ cười của Miên quyện mái tóc bay trong gió. Chiếc áo đỏ rực mà Mỏ Neo ép Miên phải thay thế cho màu be và ghi xám nổi bật trên nền vàng rực rỡ. Miên click chuột cho hình ảnh đứng lại. Hôm đó là một chiều cuối thu, không nắng, không mưa, chỉ có gió và đám mây hanh hao chậm rãi. A lô. Chị xuống đây đi. Em đang ở dưới sân. Miên vẫn giữ điện thoại và thò đầu qua ô cửa sổ. Mỏ Neo đứng bên chiếc xe màu vàng, vẫy tay hớn hở. Ricky, em lấy đâu ra tiền mà mua xe? Khoản trợ cấp cuối cùng để làm ăn đây, nhưng bây giờ không cần dùng tới nữa vì sắp ký được một món khá rồi. Chị là người đầu tiên đấy. Mỏ Neo chìa tay về phía cửa xe như một quý ông. À quên, chị lên nhà thử cái này đi, thay cho mấy thứ nhạt nhẽo của chị. Nó siết chặt hai tay Miên. Em cảm ơn chị vì thời gian vừa qua. Mỏ Neo đưa cho Miên một hộp quà bọc giấy màu đỏ boóc đô. Màu đỏ tươi của chiếc váy lụa mỏng manh như kết theo nụ cười bừng sáng của Mỏ Neo. Nước da Mỏ Neo không còn màu rám nắng hấp dẫn, nó tái lại và bắt đầu lộ đường gân xanh trên cánh tay gầy gò. Mỏ Neo huýt sáo vui vẻ ngồi sau vô lăng, lòng mắt in hình bầu trời xanh thẳm. Em sẽ chở chị đi bất cứ nơi nào chị muốn. Bánh xe rời khỏi chân cầu vượt và tăng dần vận tốc. Mỏ Neo với tay kéo tuột chiếc dây chun buộc tóc màu đen của Miên. Những sợi tóc vẫn nằm ngay ngắn theo trật tự giờ nhảy nhót vui vẻ trong gió và đượm dần mùi nếp đòng đòng tỏa dọc con đường ngoại ô. Chị cho tóc nó phá lệ một hôm xem nào. Lúc nào cũng thắt nút thế nhạt nhẽo lắm. Gió thu chiều, mùi ngoại ô, tiếng nhạc phấn chấn từ bài “Funky Town” trên đĩa CD, các câu chuyện hài hước lụn vụn của Mỏ Neo làm tiếng cười giòn tan như thuỷ tinh trong cái ngày vui vẻ cuối cùng của những người hàng xóm.
Hôm sau thì mẹ Mỏ Neo tìm đến, trách mắng nó đã xài tiền vào cái việc mua sắm vô lý. Tất nhiên bà mẹ đáng kính đã phải ngồi rất lâu bên nhà Miên để chờ con trai về. Không muốn cho bà biết một điều tế nhị là mình đang giữ chìa khoá nhà của Mỏ Neo, Miên cứ để bà ngồi đợi và khuây khoả bằng cách tiếp tục những câu chuyện mà chủ đề chính vẫn là Mỏ Neo. Bà là một phụ nữ sang trọng, dịu dàng nhưng nghiêm khắc. Nước da trắng mỏng, sống mũi thanh tú và chiếc cổ cao kiêu kỳ đủ nói lên tướng mạo của một đại phu nhân. Bà có vẻ hài lòng khi biết Miên cũng từng đi du học ở Mỹ về và bố mẹ cô đang định cư ở nước ngoài. Thằng Lương nhà bác ngoan lắm, từ nhỏ đến lớn chỉ biết học. Ngay cả hồi nó học bên kia, bác trai sang đó công tác nửa năm, bố con ở cùng nhà mà nó cũng chỉ từ nhà tới trường rồi lại từ trường về nhà. Sau này về nước nó mới nói rằng muốn mở công ty riêng và sống riêng tự lập như hồi còn đi du học. Hiềm một nỗi nó không có khiếu kinh doanh lắm nên tiêu tiền khiếp quá, chắc là thua lỗ. Bà thở dài, tự an ủi mình bằng cách giở những tấm ảnh của con trai trong ví ra ngắm. Mỏ Neo hồi bé, mặt mũi ngơ ngác với chiếc cặp to đùng đứng ở cổng trường ngày đầu tiên đi học. Rồi ảnh sinh nhật tròn mười tuổi, liên hoan tại nhà, bạn bè vẫn còn mặc đồng phục đeo phù hiệu trường. Ảnh nhận bằng cử nhân, ông hiệu trưởng cao lớn, mắt xanh, mũi diều hâu đích thân trao chứng nhận cho những sinh viên xuất sắc nhất. Còn có cả một bài thơ Mỏ Neo sáng tác tặng mẹ năm lên mười tuổi, bà cũng bỏ cả vào trong ví. Bà ngồi một lúc như cố nhớ lại bằng hết những thứ của nả của con trai yêu dấu. Thằng Lương hồi trước cũng hay vẽ tranh lắm. Lên đến đại học vẫn còn vẽ và thỉnh thoảng gửi về nhà. Nó vẽ đến mấy chục bức nhưng chả hiểu sao cái nào cũng vẽ cửa sổ, các kiểu cửa sổ. Miên cũng được nhìn thấy một bức tranh. Bức tranh xám xịt duy nhất trong nhà Mỏ Neo và được treo ở phòng ngủ. Cũng là một chiếc cửa sổ màu cánh gián, xung quanh là bức tường màu xám khiến người xem bức bối, ngay cả với những người quen với tông ghi xám như Miên. Điểm nhấn duy nhất của bức tranh là những màu sắc sặc sỡ ma quái của khu vườn sau ô cửa sổ. Mỏ Neo cũng như Miên, là những con chuột bạch đã quen với phòng thí nghiệm đầy mùi cồn và iốt, là anh thợ lập trình máy tính được đào tạo ra để chúi mũi vào những phần mềm đơn giản nhưng thành thạo, là bác công nhân già lão đứng máy sản xuất ra hàng vạn, hàng ức triệu những chiếc đinh ốc giống hệt nhau. Cái khu vườn lấp lánh kỳ dị có cả hoa hồng và rắn độc ấy, Miên biết lắm. Cô muốn thám hiểm, nhưng ngần ngại, vì ai biết được điều gì trong mấy hộp quà bọc giấy trang kim ấy. Nhưng Mỏ Neo, Lam Vi, cô bé muốn mua chiếc vòng pha lê giống của Miên và cả lũ bạn đọc rap rất tài của Mỏ Neo đều đã không cưỡng lại được. Từ bốn bức tường trắng toát được khử trùng và miễn dịch, chúng lao vào khu vườn để thoả chí tò mò như con cá mắc cạn gặp nước, nước trong nước đục đều là may mắn. Chúng thấy rắn và hoa hồng đẹp như nhau. Những con rắn chưa nhìn thấy bao giờ hiền như chú lươn bơi trong chậu cảnh. Hôm ấy Mỏ Neo về sớm hơn thường lệ. Miên cảm thấy một cuộc tranh cãi căng thẳng giữa bà quý phái và người hàng xóm bướng bỉnh sau cánh cửa gỗ dày. Khi bà rời khỏi khu chung cư, bực đến nỗi quên cả chào Miên, thì cũng là lúc Mỏ Neo ập sang, rơi xuống chiếc salon màu ghi như quả táo nẫu chỉ chờ tiếng quạt gió từ cánh con muỗi bay qua là tự rụng xuống. Em thất bại rồi. Phía bên kia không ký nữa vì em thiếu một số giấy tờ pháp lý. Tưởng là chạy được nhưng… Mỏ Neo phẩy tay, nhìn Miên như muốn khóc, như muốn tròng mắt bỗng dưng mù loà để khỏi phải nhìn thấy vạn vật xung quanh. Miên nói một câu nhạt nhẽo và hết sức vô nghĩa trong trường hợp này. Thôi, thua keo này ta bày keo khác. Không còn keo khác nữa. Để lấy uy tín với nhà cung cấp, em đã đầu tư quá nhiều cho các đại lý rồi. Đây là nước cờ sai lầm và thiếu thực tế. Em ngu lắm. Không sao Ricky, kinh doanh là thế. Miên ạ, em thất bại hết lần này đến lần khác, và bây giờ phá sản rồi. Cái xe kia cũng sắp phải cho đi ở đợ rồi. Mỏ Neo bấm điện thoại. Lam Vi, em ở đâu đấy, anh cần em. Miên biết rằng giờ phút này, Mỏ Neo cần Lam Vi hơn cả Miên. Lam Vi là thứ thuốc quên thực tại và dìu con người ta vào bầu chân không trong vũ trụ. Nơi đó có cái hốc đen ngòm tham lam sẵn sàng nuốt chửng cả ảo giác và tri giác, cả sự sống lẫn cái chết. Lũ bạn của Mỏ Neo ngay lập tức được triệu tập. Chúng xách theo những túi đựng thức ăn căng phồng đủ cho một đội quân duy trì sự sống trong vòng vài ngày. Trong đó có thực phẩm khô, bia, thuốc lá, một chồng đĩa nhạc vừa update trong ngày và Lam Vi, có trong chiếc túi xách một bao thuốc lá đặc biệt, vì ruột đã được lôi ra thay bằng thứ khác. Mỏ Neo ở lì trong nhà một tuần lễ, và Miên như một con chuột mẹ loay hoay nhìn chú chuột con đang ngắc đầu trong bẫy. Đầu tuần sau, Mỏ Neo gõ cửa nhà Miên vào lúc chiều muộn. Lũ bạn đã ra về, có vẻ quần áo cũng nát tươm như Mỏ Neo. Sáng mai em phải đến công ty giải quyết những thủ tục cuối cùng để đóng cửa. Chị đi cùng em chứ. Miên lắc đầu lạnh lùng, lòng giận dỗi và bất lực. Mai bên chị làm kiểm toán, không nghỉ được. Khuôn mặt Mỏ Neo trống rỗng, có vẻ cũng không mấy quan tâm đến lời từ chối của Miên. Em vừa ngủ dậy, chưa ăn gì. Chị có thứ gì xài được không? Miên vẫn lạnh lùng, chỉ dẫn cho Mỏ Neo lấy những món thường niên trong tủ lạnh, bánh mì gối, bơ thực vật và cà chua bi. Nó nhìn Miên nghi ngờ, nói bằng cái hốc ảo giác quen thuộc. Liệu có phải chị ghét em rồi lén bỏ thứ gì vào đây không? Miên đã thích nghi với những cơn hoang tưởng của ông bạn hàng xóm, thản nhiên. Nghĩ là có thì đừng ăn nữa. Mỏ Neo cười xoà, bỏ miếng bánh mì nắm chặt tay Miên. Chị là người tốt với em nhất mà. Em quên mất. Biết là Miên giận, Mỏ Neo không sang quấy quả nữa, chỉ thỉnh thoảng nhắn tin chúc ngủ ngon. Cũng đôi lần Miên lo lắng Mỏ Neo sẽ làm điều gì đó dại dột sau cú sốc thất bại kia. Nhưng một hai lần gặp nhau tình cờ trong cầu thang máy, Miên thấy Mỏ Neo ngày càng hưng phấn, những niềm vui ảo khiến khuôn mặt rạng rỡ của Mỏ Neo rộc đi như đám rạ sau mưa.
Chiếc xe màu vàng vẫn đứng đó, vui vẻ trên màn hình. Nó không còn nữa, không phải bị thanh lý để Mỏ Neo trả nợ mà vĩnh viễn nằm dưới vực sâu, nát vụn, cô độc, dưới một chỗ ngoặt hiểm gần ải Chi Lăng. Miên biết tin này từ Lam Vi, khoảng một ngày sau đó, khi gặp cô bé gầy gò, hốc hác và sũng nước trên bục cửa nhà Mỏ Neo. Tất cả đều không biết Mỏ Neo có việc gì phải đi qua vách núi đó vào đêm hôm khuya khoắt như vậy. Lúc ấy là hai giờ sáng, theo phỏng đoán thì có thể là do lái xe buồn ngủ, gặp một cơn choáng hay một chướng ngại vật ảo giác. Và cái vực sâu hun hút, tối tăm, lạnh lẽo, ranh ma chỉ chờ có vậy, hứng trọn vẹn những gì thuộc về nó như ánh đèn hứng cánh thiêu thân. Miên vẫn đi làm, đều đặn, vẫn chiều chiều nhai bánh mì gối và cà chua bi, tối đóng chặt cửa và mở máy vi tính. Những lúc này, màu sắc sặc sỡ trên blog của Mỏ Neo như đưa cô vào một thế giới khác, đầy ảo ảnh buồn thương và điên khùng. Trên Friendlist của Mỏ Neo lấp lánh hàng trăm gương mặt trẻ tuổi, xinh đẹp, mẫn cảm, tự tin, tràn đầy sức sống. Họ đều lấy tấm chân dung đẹp nhất để đưa vào làm ảnh tượng cho blog của mình. Trong đó có Lam Vi, có cô bé muốn mua chiếc vòng pha lê giống của Miên, cậu trai đọc rap rất tài và cả Miên nữa, đôi mắt tròn không bối rối trên chiếc ảnh. Miên click chuột vào chính ảnh mình. Trái với Friendlist đông đúc của Mỏ Neo, blog của Miên chỉ có một người bạn duy nhất. Cô mở to mắt khi nhìn thấy tin nhắn, bên cạnh là khuôn mặt rám nắng “Chào công chúa ngủ trong rừng. Giờ này chắc chị ngủ say rồi. Có người bạn thân của em ở trên Lạng Sơn mời lên chơi. Anh này lập một công ty lớn trên đó, có ý muốn rủ em làm ăn chung. Em vẫn nuôi ý định làm lại từ đầu chứ không muốn đi làm thuê. Em biết chị giận em, nhưng lần này em sẽ từ bỏ “nó”. Em hứa đấy. Bây giờ là 12h đêm, em sẽ đi luôn bây giờ mà không cần chờ trời sáng. Đừng lo cho em, lúc về em sẽ mua tặng chị một món quà đặc biệt ở chợ biên giới. Chị cứ ngủ đi nhé. Hẹn gặp lại chị ngày mai.” Tin nhắn được gửi cách đây một tuần, đúng vào ngày chiếc xe màu vàng vĩnh viễn ngủ yên dưới vực thẳm.
Những người trẻ tuổi trong thành phố
Bước chân đầu tiên,
giẫm vào nước thì ướt,
giẫm vào cát thì khô,
giẫm vào bùn thì lấm láp
Quán cà phê Alcazar, anh bồi bàn đeo cà vạt đỏ đặt menu xuống mặt bàn: “Các chị dùng gì ạ?”. Quyên hách dịch: “Cứ để đấy rồi lát nữa các chị sẽ gọi. Các chị đang chờ một người nữa”. Cả lũ cười phá lên khiến anh ta ngượng đỏ mặt bỏ đi mất. Quyên lo lắng ngó ra xung quanh: “Sao nó hẹn đến quán xịn thế này”. Chúng tôi cũng ngắm nghía thực đơn, ra cái điều đang nghiên cứu để chọn đồ uống. Đứa nào đứa nấy bảnh bao nhưng ví lúc nào cũng lép kẹp như lão ăn mày da bụng dính vào xương sườn. Giang trấn an: “Cái Vi nó bảo sẽ khao mà, cứ yên tâm”. Lam giục giã “Mày gọi lần nữa xem nào”. Chưa nói hết câu, đã thấy Vi loay hoay dựng xe ngoài hè, túi xách màu vàng choé. Chúng tôi không biết nó triệu tập cả hội vì lẽ gì. Cả nhóm có cả thảy năm đứa, đeo dính lấy nhau như keo bẫy chuột từ hồi cấp hai. Bố Vi là giáo sư ngôn ngữ. Sau khi tụi tôi học hết phổ thông cơ sở, ông được mời sang Nhật dạy tiếng Việt, mang cả gia đình đi theo. Vi được học tiếp trung học bên đó. Nó mới về nước được vài tháng vì hợp đồng dạy học của ông giáo sư đã hết. Khi đó chúng tôi đã đến trường đại học hết cả rồi. Ngày Vi về, chúng tôi tụ tập ở phòng riêng của nó, hoa cả mắt vì những gì nó mang ra khoe. Vi như mang cả một góc nước Nhật về nhà. Nó cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp cùng tụi Harajuku [1] ở nhà ga. Nó đánh mắt đen sì, quẹt má trắng bệch, bôi son tím ngắt, lại mặc cả quần cả váy. Cạnh nó là một thằng Harajuku mắt một mí, môi dày, tóc xanh lam dựng đứng, có vài vệt máu giả chảy từ mắt xuống tận cằm. Tôi ngắm thằng Nhật Bản xấu xí, cho rằng nó hoá trang thành kinh dị như thế có lẽ còn đẹp hơn mặt thật. Chúng tôi tò mò hỏi: “Boyfriend của mày đấy à?” – “Không, đây cơ”. Nó đưa cho chúng tôi xem bốn cái ảnh với bốn chân dung khác nhau, trong đó có một anh chàng da trắng. Chúng tôi nhìn nó kính nể. Sau khi nhận mỗi đứa một gói quà con con, chúng tôi được thoải mái dùng thử kho mỹ phẩm khổng lồ của nó. Chúng tôi thèm muốn nhìn những hộp luminous tròn như quả bóng, những lọ mascara một đầu xanh lá cây, một đầu đỏ sẫm, những thỏi nhũ kim đủ màu sắc. Chúng tôi lôi nhau ra tô vẽ, mặc thử những kiểu quần áo kỳ cục rồi bật các đĩa nhạc hiphop chỉ có những tràng tiếng Nhật từ đầu đến cuối.
Vi ngồi xuống ghế, mùi nước hoa Sun Flower như kéo cả một cánh đồng tươi mát đi theo Vi. Nó có vẻ hồi hộp, chân tay nhúc nhắc không yên. Chúng tôi không nén nổi tò mò: “Có chuyện gì?” Mặt nó hồng lên, mắt sáng long lanh: “Hôm qua tao vào phòng riêng của Mickey”. Chúng tôi ồ lên, cũng hồi hộp không kém: “Rồi sao nữa”. Nó ngượng nghịu, ngậm lấy ống hút của ly nước cà rốt: “Hai tiếng… Mới đầu nghe nhạc, nhảy… sau đó hôn nhau… trong tiếng nhạc, rất ngọt ngào.” Chúng tôi im lặng. Nó cũng im lặng. Cái Quyên gắt lên: “Rồi sao nữa? Kể tiếp đi chứ.” – “Rồi sau đó… Mickey bế tao lên giường… rồi… lại hôn tiếp”. – “Rồi sao nữa?”, chúng tôi há hốc mồm. “Rồi Mickey cởi áo khoác ngoài của tao”. – “Xong thế nào?” – “Thế thôi, chả thế nào”. Chúng tôi ồ lên một tiếng thất vọng, có cảm giác bị lừa. Lũ chúng tôi bị Vi gạ gẫm bỏ học tiết cuối để tụ tập ngoài quán. Nhưng xem ra chả có điều gì thú vị. Từ ngày Vi về nước, tụi tôi luôn nhìn nó bằng ánh mắt khâm phục. Nó có vẻ từng trải. Trong khi chúng tôi chỉ mới hết nhắng nhít, bắt đầu len lén ra hiệu sách mua cuốn Khám phá nguồn cảm xúc bản thân, lần lượt chuyền tay nhau đọc, rồi ngồi phân tích, bình luận, đứa nào hiểu nhanh hơn giải thích lại cho đứa chậm hiểu, thì cái Vi đã có tận bốn anh bồ. Nó nhiều kinh nghiệm. Có lần nó kể cho tôi về một tên hơn nó hai tuổi, học cùng trường trung học bên ấy. Nhà anh ta có sáu phòng riêng khép kín, mỗi người một phòng, có một lần nó ở lại đó qua đêm mà bố mẹ anh ta chả biết gì. Đúng cái lần ở lại đó, nó thuật lại cho tôi tỉ mỉ như câu chuyện với Mickey: “Hôm đó trời có tuyết. Cả hai đứa chui vào trong chăn, không mặc gì cả”. – “Rồi sao?” – “Bọn tao nói chuyện, rồi… đi ngủ”. Tôi ngơ ngác: “Làm sao mà lại đi ngủ được?”. Nó nói giọng hiểu biết: “Người ta sẽ không làm gì được nếu mình không muốn”. Tôi đem chuyện này kể lại với mấy đứa kia, không quên thắc mắc: “Làm sao chui vào chăn rồi mà lại đi ngủ được?” Tụi nó cũng như tôi, có vẻ khó tin. Quyên lắc lắc cái đầu: “Nó giả lươn đấy”. Nhưng về sau, chúng tôi phát hiện ra cái Vi không giả lươn. Nó nói thật. Và còn phát hiện ra nhiều điều nó mù tịt. Thậm chí có nhiều thứ còn không hiểu biết bằng chúng tôi, những đứa đã được đọc cuốn cẩm nang bí mật kia. Chúng tôi thấy nó hết oai.
Không lâu sau đó, Vi quen Mickey. Anh ta học năm thứ ba, cùng trường với Lam và Giang, là tay guitar của ban nhạc Rock Những chú chuột nhắt. Mickey đẹp trai, tất cả áo pull và áo sơ mi đều có hình chú chuột Mickey nho nhỏ. Mickey làm nên thương hiệu của anh ta. Ban nhạc của Mickey nổi đình nổi đám ở các trường đại học và dĩ nhiên, Lam và Giang, cũng giống như hầu hết các cô gái khác trong trường trường đều chết mê chết mệt anh chàng. Đến nỗi cứ nhìn thấy hình chuột hay cái gì liên quan đến chuột đều thấy thẫn thờ. Nhưng chỉ mới lần đầu tiên gặp Vi, cả hai đã như cá gặp nước. Sau hôm hẹn nhau ở quán Alcazar, Vi lại gọi cho tôi. Tôi ngồi đằng sau xe nó, đi nhong nhong khắp đường phố. Giọng nó đầy xúc động, vẻ như không nhịn được nữa: “Bọn tao làm việc đó rồi”. – Tôi nín thở “Như thế nào?” Nó run run: “Mới đầu tao không đồng ý. Nhưng Mickey năn nỉ, mắt đỏ lên, thế là… chắc trước sau gì cũng thế, không từ chối được mãi”. Rồi nó cười mủm mỉm: “Mà lạ lắm mày ạ… Như đá ấy”. Trước khi đưa tôi về cổng nhà, Vi nói khẽ: “Mày đừng kể với bọn kia nhé”. Tôi hứa hẹn như đinh đóng cột. Nhưng chỉ được hai ngày. Tôi nhấp nhổm không yên. Nếu có cái gốc cây nào quanh đây thì tôi đã khoét một cái lỗ để hét vào đó rồi. Tôi lại nhắn tin cho từng đứa, và chúng tôi tụ tập ở nhà Quyên. Chúng tôi lên phòng nó rồi đóng chặt cửa lại. Thỉnh thoảng, để yên tâm, nó bất ngờ mở cửa ngó ra ngoài coi mẹ nó có đứng đó không. Mẹ cái Quyên là trưởng phòng tổ chức trên Uỷ ban Quận. Ở cơ quan thét ra lửa, ở nhà cũng chẳng kém. Nếu chúng tôi muốn rủ nó đi ra ngoài thì phải bàn bạc từ trước để tìm cách đối phó. Chúng tôi trèo lên giường, đĩa xoài xanh để ở giữa, ba đứa ngồi vòng tròn quanh tôi. Tôi bắt đầu thuật lại không sót một từ, một lát sau thì quên mất đấy là chuyện của cái Vi, lại cứ đinh ninh như đang kể chuyện của mình. Đĩa xoài xanh còn nguyên vẹn, không đứa nào đụng đến. Tôi kết luận, dùng nguyên từ của cái Vi: “Như đá ấy”. Ba đứa kia tròn xoe mắt: “Đá nào? Đá tủ lạnh hay đá xây nhà?”. Tôi ngơ ngác, chưng hửng: “Tao đâu có biết. Mày hỏi cái Vi ấy”. Chúng tôi im lặng mất một lúc. Chắc tụi kia, cũng như tôi, đang cố hình dung ra khuôn mặt của Mickey và gắn với những hình ảnh mà tôi vừa kể lại. Dù sao, trí tưởng tượng của chúng tôi cũng chỉ đến thế. Giang bĩu môi vẻ ghê tởm: “Không ngờ thằng ấy mặt mũi đứng đắn mà lại thế”. Cái Lam phụ họa theo: “Mà lỗi là tại con Vi ấy chứ. Lần trước nó chả bảo nếu mình không muốn…”. Tôi lên tiếng bảo vệ: “Nó bảo ở bên Nhật, tụi bạn nó đã trải qua chuyện đó từ hồi học trung học”. Cái Quyên bình luận: “Ừ, tụi mày còn nhớ hồi mình học lớp chín, cả lớp chả bắt gặp thằng Hùng và cái Mai Hoa ngoài hồ. Sau hai đứa bị gọi lên Ban giám hiệu viết bản kiểm điểm”. Tuy nói ra thành lời là vậy nhưng trong bụng chúng tôi lại nghĩ khác. Chúng tôi vừa nể cái Vi, lại dường như có vẻ ghen tị với nó, không hẳn là vì nó sở hữu được anh chàng thần tượng, mà còn vì một lẽ khác. Chúng tôi cảm thấy nó đã bước vào một thế giới đặc biệt. Nó người lớn hơn tụi tôi, còn tụi tôi vẫn còn trẻ nít, cho dù có đọc bao nhiêu sách đi chăng nữa. Ngoài cái Vi ra, chúng tôi chưa đứa nào có bạn trai, còn chưa hiểu nắm tay nhau trong một buổi tối mùa đông khác nắm tay nhau chơi ùn đẩy như thế nào. Cái Vi liên tục thông báo những tin mới cho chúng tôi. “Hôm qua lúc Mickey đưa tao về, mười hai giờ đêm, không còn ai, và bọn tao đứng ngoài hành lang”. Chúng tôi kinh ngạc: “Làm sao mà làm được thế?” – “Tối qua tao mặc váy ngắn”. Dù tiết trời đã sang đông, Vi vẫn không mặc áo kín cổ hay quàng khăn lạnh, nó cứ để nguyên chiếc cổ trần kiêu kỳ để khoe những vết tím nhỏ xinh trên làn da trắng mịn như một minh chứng của tình yêu. Sau lần miêu tả cuối cùng, là vì mặc dù rất thích nghe những câu chuyện hấp dẫn của nó, chúng tôi vẫn phải phản đối vì chúng tác động ghê gớm đến cái Lam, nó đã thôi không kể nữa. Hôm đó, nó lại phấn chấn vào đề: “Lúc chiều nay, bọn tao ở dưới bể bơi Quảng Bá. Nước mát lạnh. Bọn tao bơi đến gần đảo bên kia thì dừng lại. Mặt trời sắp lặn đỏ rực sau lưng Mickey, cực kỳ lãng mạn.” Chúng tôi ngẩn ra một lúc để hình dung ra cái hồ bơi chiều chiều vẫn đi qua. Giang thốt lên: “Chỗ gần đảo nhiều rác bẩn chết”. Tôi là đứa con gái duy nhất trong hội không biết bơi, liền hỏi một câu tối nghĩa, không ăn nhập gì vào chuyện vừa kể: “Làm thế nào mà không bị chìm khi chân tay không bơi?”. Cái Lam thở dài não nề. Sau bữa đó, chúng tôi thấy nó đổi khác. Rồi suốt tháng trời, nó có vẻ bứt rứt không yên. Chúng tôi gạn hỏi nó, và nó đành tiết lộ rằng nó mới có người yêu. Nó cũng kể tỉ mỉ như Vi, nhưng không hào hứng, và tuyệt nhiên giấu tiệt anh chàng này không công khai cho chúng tôi biết. Lam tính tình nhu nhược, đôi lúc đần độn như một chú gà công nghiệp. Chúng tôi đoán ra nó bị ám ảnh bởi những câu chuyện của Vi, những câu chuyện lãng mạn như phim Hàn Quốc, nên mới kiếm đại một anh chàng. Nhưng có lẽ anh chàng đó chẳng được vênh vang gì cho lắm để mà khoe với các bạn. Tôi thấy nó tội nghiệp. Sau sự kiện của Lam, như một phản ứng dây chuyền, chúng tôi lần lượt có bạn trai. Bắt đầu từ Quyên với một anh công tử con chủ hàng điện tử rất nổi tiếng trong khu phố chính, rồi đến tôi. Giang từ chối chuyện này. Nó rất khoái nghe chuyện của chúng tôi nhưng sau đó lại có vẻ không ủng hộ. Nó có biệt danh là Giang bà già, vì lối sống củ rủ cù rù y như các cụ. Nó nghe nhạc Văn Cao, đọc truyện của Nguyễn Huy Thiệp, tóc không nhuộm, không tỉa, không uốn, buộc một túm to sau gáy. Trong khi chúng tôi mặc quần cạp trễ, váy búp bê thì Giang mang quần ống đứng và áo sơ mi cắm thùng như đồng phục học sinh. Tuy nhiên, sau đó có một việc xảy đến với Giang khiến chúng tôi không nén nổi sung sướng. Hôm đó, bố nó đi làm về sớm, và… bắt gặp nó với thằng bạn cùng lớp. Tin này do bạn bè của thằng kia nói ra chứ chúng tôi không hề biết Giang có người yêu từ bao giờ. Nhưng hôm sau bắt gặp đôi mắt sưng húp của nó, chúng tôi thấy thái độ hoan hỉ hôm trước thật vô cùng độc ác.
Bạn trai của tôi đã đi làm. Anh người lớn, điềm đạm và hiểu biết. Tôi cũng phải trải qua màn kể chuyện như tụi nó. Nhưng suốt một tháng trời, tôi không có chuyện gì để kể. Anh không hề đụng vào người tôi. Tôi đành tả lại cho lũ bạn theo trí tưởng tượng: “Mới chỉ là bước khởi đầu thôi. Chiều hôm qua tụi tao có một nụ hôn tuyệt vời. Trên quán cà phê tầng 18. Lúc đó trời đổ mưa rào. Anh ấy nắm chặt tay bước ra ngoài sân thượng. Lúc đó mưa ướt hết tóc, mặt, cổ, nhưng cả hai chẳng biết gì nữa hết, bồng bềnh như cưỡi trên thảm bay. Dưới kia đèn lấp lánh như sao sa, và trên đầu là sấm, chớp, mây, mưa”. Giọng nói của tôi không được tự tin cho lắm song có hiệu ứng thực sự. Tụi nó ngẩn người ra nghe. Nhưng sau đó tôi đâm ra bực dọc. Những ngày đầu tôi còn tự hào vì thái độ của anh hàm nghĩa là sự tôn trọng đối với tôi, song giờ sự tôn trọng đó khiến tôi cáu kỉnh. Tôi là bạn gái thứ ba của anh, anh cũng đâu còn trẻ con nữa. Một lần tiễn tôi về nhà, anh dặn dò tôi cẩn thận như mọi bữa. Tôi giận dỗi: “Anh chưa chào em đâu đấy nhé”. – “Chào đây. Chào em. Chúc em ngủ ngon.” Tôi suýt khóc: “Không phải chào như thế”. Anh chợt hiểu ra, nhẹ nhàng kéo tôi vào lòng. Lúc đó không hề có mưa rào, tôi đứng trên mặt đất, nhưng trong lòng cuộn sóng, bồng bềnh như cưỡi trên thảm bay. Tuy nhiên, những gì sau này không giống như tụi bạn đã miêu tả, không còn thảm bay nữa. Tôi có cảm giác những cuốn sách lừa tôi, lũ bạn lừa tôi, và cả anh nữa, cũng đánh lừa tôi. Nhưng ngày hôm sau, lúc gặp lũ bạn ở quán cà phê, tôi lại bắt đầu bằng một giọng hào hứng hiếm thấy: “Anh ấy cực kỳ tuyệt vời, cực kỳ lãng mạn” và tiếp tục kể bằng trí tưởng tượng. Tôi hả hê thấy chúng nó sửng sốt pha đôi chút ghen tị.
Chúng tôi đã sang năm thứ hai. Tuy nhiên, những câu chuyện tình yêu không còn lãng mạn và kỳ diệu như trước nữa. Chúng tôi dần dần phải đối mặt với nhiều thực tế. Mickey từng rời bỏ cái Vi nhiều lần, sau đó chủ động quay lại, rồi lại bỏ đi. Mỗi lần như thế, Vi như hoá dại. Nó mất hết lý trí, gọi điện, nhắn tin cho Mickey để xin xỏ chán chê rồi đi gạ gẫm những người khác để thay thế ngay lúc ấy. Thậm chí, có lần nó còn tìm đến anh để năn nỉ rồi lại gặp tôi kể tất cả. Tôi ôm chặt nó vào lòng. Lúc này Vi ngốc nghếch, khờ dại như một đứa trẻ. Nó đã bị Mickey rút mất hết hồn vía. Vi bắt đầu học năm thứ nhất ở một trường đại học quốc tế nhưng nó bỏ học suốt để chầu chực ở trường Mickey. Tuy nhiên, có lúc tưởng như nó đã quên đi rồi thì Mickey lại quay trở lại. Chúng tôi không nhịn được nữa: “Mickey chỉ cần ở mày có một thứ thôi”. – “Cũng được, tao yêu Mickey”.
Giang vẫn tiếp tục tình yêu bị cấm đoán với cậu bạn cùng lớp. Tình yêu của nó còn mù quáng hơn cả chúng tôi. Lam sau nhiều lần bỏ đi bỏ lại anh chàng đáng chán kia rồi cũng dứt ra được. Quyên thì đã thay tới anh chàng thứ hai rồi. Đến lần thứ bảy Mickey tránh mặt Vi, Vi thay đổi hẳn, lúc nào cũng tươi cười hơn hớn. Nó bảo: “Bây giờ tao có một anh cực hay. Ngày mai sẽ dẫn tao đi shopping. Tao sẽ mua một chiếc đồng hồ Swatch, một lọ nước hoa Gucci, hai chiếc quần CK, và tất cả những gì mà tao cần”, rồi lăn lộn trên giường cười như phát rồ. Chúng tôi mang cho nó một cốc nước đá và bắt đầu phân tích. Nhưng Quyên lạnh lẽo, giọng như một mụ già trải đời: “Kệ nó. Biết sống cho mình thế là tốt. Hãy tìm một người yêu mình hơn là người mình yêu”. Từ năm lớp sáu, chúng tôi đã thân nhau như môi với răng nhưng không vì thế mà không cãi nhau. Ngược lại, chúng tôi giận dỗi nhau liên miên. Mỗi lần như thế lại chia làm hai phe. Và tuỳ theo từng chủ đề của những cuộc xung đột miệng mà thay đổi thành viên các phe. Nhưng lần này, tôi hoang mang, không biết nên thế nào thì đúng. Sau bận đó, Vi và Quyên liên tục đi cùng nhau. Hai đứa ít liên lạc với chúng tôi. Nghe phong thanh Quyên không thay đến anh bồ thứ ba nữa mà suốt ngày cặp kè với cái Vi, lao vào những cái mà chúng nó gọi là “cuộc vui đặc biệt”. Bố mẹ chúng nhiều lần gọi điện hỏi tôi xem có biết chúng ở đâu không vì đã ba ngày hai đứa không về nhà, cũng không đến trường. Một ngày nọ, tôi cũng phát hiện ra Lam biến mất trong cái nhóm ít ỏi của tôi. Tôi phàn nàn với Giang khi hai đứa đang ngốn ngấu cốc chè ngô bên căng tin trường nó: “Đồ nhu nhược. Mà mày thử đoán xem tụi nó đi đâu, làm gì”. Như mọi bận, Giang suy nghĩ rất lung rồi vét thìa chè cuối cùng cho vào miệng: “Tao chịu”.
Hồi này tôi và anh hay cãi cọ. Chỉ là những chủ đề vớ vẩn nhưng nội dung tranh luận lại vô cùng gay cấn. Tôi thích Quang Dũng, nhưng anh chê Quang Dũng giọng ngắn lưỡi, rẻ tiền, Trọng Tấn mới là kinh điển, sang trọng. Chúng tôi cũng thường xung đột về những chủ đề ở thì tương lai xa. Anh muốn sau này sẽ sinh con trai, tôi lại thích con gái. Anh bảo con trai sau này sẽ ở với mình, chăm sóc mình, còn con gái lấy chồng rồi là hết, đã thế có người yêu rồi thì mê muội, bố mẹ bảo thế nào cũng không nghe. Tôi cho là anh ấu trĩ, cổ hủ. Tôi cũng là con gái, anh nói vậy là có ý gì. Tôi muốn sau này phòng ngủ của chúng tôi sẽ ở tầng trên cùng cho thoáng đãng, để trước khi chìm vào giấc ngủ sẽ được chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao và những cơn gió mang hơi nước mát lạnh. Anh bảo rằng nên đặt phòng ngủ ở tầng hai để lỡ đêm hôm bố mẹ anh có việc gì thì gọi cho tiện. Và đặc biệt anh không thích những người bạn của tôi tí nào. Anh cho rằng đối với người phụ nữ, gia đình mới là tất cả, bạn bè chỉ là để cho vui thời niên thiếu. Một người bạn chân chính phải giúp đỡ nhau cùng học tập, tiến bộ, không phải túm năm tụm ba để nói chuyện nhăng nhít. Tôi ức nghẹn cổ. Bảo rằng quan điểm của chúng tôi không hợp nhau, chia tay thì hơn. Anh bảo tôi cố chấp, bảo thủ, và tuỳ em quyết định, hãy suy nghĩ cho kỹ. Tôi đùng đùng bỏ về, ngay lập tức gọi điện cho cái Vi (mà tại sao tôi không gọi cho Giang nhỉ, người cuối cùng vẫn ở cùng phe với tôi). Vi đến ngay. Nó gầy đi nhiều, chiếc khuyên bạc lấp lánh ở rốn, môi phủ luminous bóng bẩy, ướt át, mớ tóc mới nối dài xuống tận eo lưng, dày và thẳng tắp như những nhân vật nữ trong truyện tranh Nhật Bản. Tôi khóc oà lên, nói rằng đang chán đời lắm. Nó bảo tôi ngồi lên xe, cuộc đời thiếu gì thứ hay mà phải chán. Nó vỗ về, an ủi tôi như khi tôi coi nó là đứa bé khờ dại lúc Mickey nhìn thấy số máy của nó mà không thèm nghe. Nó bấm điện thoại hẹn hò ai đó, nói rằng em đi cùng một cô bạn học cũ rất hay. Chúng tôi đỗ lại trước một quán bar trên phố cổ. Quán chỉ có một biển hiệu nhỏ xíu, một cánh cửa sắt nâu cũng nhỏ xíu đóng im ỉm, tuyệt nhiên không có thứ gì trang trí. Chúng tôi bước vào trong. Mắt tôi quen dần với bóng tối. Bức tường bên trong loang lổ những hình vẽ phun màu trường phái Graffiti. Tôi thấy Lam và Quyên đã ngồi sẵn ở đó rồi, bên cạnh là hai người đàn ông quãng ngoài ba mươi tuổi. Nhìn thấy tôi, tụi nó hoan hỉ, hỏi Giang đâu. Tôi nói tôi đi một mình. Tôi không hài lòng khi nhìn thấy những người lạ. Vì những tưởng nếu chỉ có mình tụi nó, tôi đã rấm rứt kể lể và sẽ được nghe những câu khiến tôi hài lòng: “Quên chuyện đó đi. Mày vốn kiêu ngạo lắm cơ mà, việc gì phải buồn vì dăm chuyện lẻ tẻ”, “Mày thông minh và xinh đẹp, đứa nào làm mày buồn thì đứa ấy là thằng ngu”. Vi quàng tay qua tôi, mùi Sun Flower quen thuộc phả qua khiến tôi dễ chịu, nhớ đến những ngày chúng tôi chễm chệ trên giường xem nó biểu diễn điệu múa bụng. “Đây là Mỹ Lan, cùng nhóm tụi em. Còn đây là anh Nam, giám đốc công ty truyền thông. Anh Terry Mạnh, Việt kiều Canada, trưởng đại diện chi nhánh ngân hàng ở bên ấy. Các anh đưa các cho bạn em đi”. Vi cười toét miệng “Đáng lẽ hai đứa này phải giới thiệu bạn trai của tụi nó, lại để mình phải giới thiệu.” Tôi trố mắt nhìn hai người đàn ông trông lịch lãm và tử tế. Hoá ra là bạn trai mới của Quyên và Lam. Hai người vui vẻ đưa các vi dít cho tôi. Người được giới thiệu là Việt kiều Canada mặc áo body màu đỏ, ngồi cạnh Quyên nên tôi đoán là bồ của nó, còn người kia mặc áo pull Lacoste màu xanh lam. Quyên mặc quai dây màu hồng, còn Lam nõn chuối, Vi vẫn là màu vàng quen thuộc. Trông họ như một dàn người mẫu quảng cáo cho các loại đồ uống có ga. Vi nắm lấy tay tôi: “Chờ tí. Có vài người nữa sắp đến”. Chưa nói hết câu thì có hai người đàn ông nữa đẩy cửa bước vào. Tôi suýt ồ lên ngạc nhiên vì thấy một người áo tím, một người da cam. Vi nhảy lên ôm cổ người áo tím: “Đây là anh Dũng. Mỹ Lan mà em vẫn kể với anh. Còn đây là…”. Nó ngơ ngác nhìn áo da cam. Dũng chìa tay: “Hùng địa ốc. Cậu ấy sẽ khao toàn bộ ngày hôm nay vì vừa trúng một gói thầu”. Lũ bạn tôi reo hò ầm ĩ chả ngượng ngùng gì trước người mới vào. Tôi đâm ra ngượng thay cho chúng nó. Khao vài ly nước có đáng gì mà phải lố bịch thế. áo da cam ngồi xuống cạnh tôi, giọng như đã quen nhau từ lâu lắm: “Mỹ Lan đang học trường nào?”. Vi quay sang tôi: “Làm quen tự nhiên đi. Bây giờ còn sớm, chờ lát nữa sẽ về nhà anh Dũng. ở đó có sẵn đồ ăn rồi”. Tôi ngần ngại: “Hay thôi, sáng mai tao phải thi học kỳ”. Cả ba đứa trợn mắt: “Ba tháng nay mới được gặp mày. Định bỏ về là sao. Hay định về với anh Gia đình là tất cả”. Câu nói khích đó khiến tôi lộn tiết. Tôi ngồi lại, trò chuyện linh tinh và khi bên trong đã bắt đầu đông đúc, chúng tôi rời khỏi quán.
Dũng sống một mình trong ngôi nhà bốn tầng ở một khu đô thị mới. Nhà trống trơn. Vi giải thích rằng đây là nhà phụ của bố mẹ anh ta, để không chẳng làm gì nên anh ta dùng chiêu đãi bạn bè cho tiện. Chúng tôi lên tầng ba. Dũng mở cửa một phòng. Phòng này rộng rãi, đầy đủ tiện nghi, có giường, ti vi màn hình phẳng, và một bộ giàn âm thanh khổng lồ. Chúng tôi ăn đồ nguội trong tủ lạnh. Sau đó, Vi bắt đầu cho đĩa vào đầu CD. Là thứ nhạc hiphop Nhật Bản quen thuộc của Vi. Dũng quay sang áo da cam giải thích “Các em ấy phải về nhà trước mười hai giờ nên hôm nay mình chơi sớm.” Tôi đưa mắt nghi ngờ nhìn những người này. Những hành động và lời nói của họ như đã được lắp ráp quen thuộc hàng ngày. Tôi cảm thấy bất an, nhưng rồi lại xua ngay cảm giác đó đi, ở đây có ba đứa bạn thân nhất đời của tôi, làm gì mà phải lo lắng thế. Áo da cam có vẻ xoắn xuýt lấy tôi. Giá sử cả lũ đi ăn chè ngô, hẳn tôi sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều. Nhưng trong một không khí xa lạ như thế này, nhất là có một người đàn ông xa lạ cứ hỏi han bên cạnh càng khiến tôi nhớ anh đến khổ sở. Chỉ mới một ngày không gặp anh mà tôi đã thấy bứt rứt không yên. Áo da cam đổ một túi con con những thứ gì đó ra đĩa. Chúng tròn như viên thuốc tây, nhưng màu sắc sặc sỡ giống hệt những chiếc áo của các bạn tôi. Mới đầu tôi tưởng đó là kẹo ngậm, nhưng một lát sau, tôi bắt đầu lờ mờ đoán ra. Tôi hơi ngạt thở. Tôi cho rằng những đứa bạn hoặc sẽ thuyết phục tôi, hoặc khích bác để tôi thử nó. Thậm chí những gã đàn ông xa lạ kia sẽ lén bỏ vào cốc nước của tôi, tệ hơn thì dùng vũ lực bắt ép tôi phải uống. Nhưng không ai có vẻ muốn mời tôi những viên xinh xinh như kẹo kia. Họ thản nhiên quên mất sự có mặt của tôi, coi tôi là con bù nhìn rơm ngoài cánh đồng. Vi nhặt một viên màu lam nhạt rồi chiêu bằng nước lọc. Quyên bới tung những viên tròn tròn, đặt lên hạ xuống và hét thất thanh: “Sao hôm nay toàn thứ lạ thế này?” Dũng an ủi: “Hùng mới nhập hội nên không biết” rồi lấy một viên màu be thả xuống ly, sau đó đổ ồng ộc chai Whisky vào lắc lắc. Họ bật nhạc to dần lên. Chừng hai mươi phút sau, Vi đứng dậy, nó uốn éo chiếc khuyên bạc trước mặt Dũng bằng điệu múa bụng quen thuộc. Tất cả bắt đầu lắc lư. Chiếc loa thùng đã được bật to hết cỡ. Tôi như mụ đi vì tiếng nhạc, vì khói thuốc, vì những chiếc áo đủ màu sắc lấp loá trong ánh đèn trước mặt. Áo da cam lúc trước liên tục mời tôi uống nước rồi nói giọng vẻ cùng hội cùng thuyền: “Ở đây anh và em mới tinh nên dễ bị tụi này bắt nạt”, giờ tựa hẳn một bên má vào chiếc loa khổng lồ, miệng cười toe toét với khoảng không trước mặt. Tôi cho rằng anh ta bị điếc mất rồi. Tôi lo lắng cảm thấy cái phản ứng dây chuyền ngày nào đã quay trở lại, nhưng không nén được, tôi rụt rè hỏi Vi: “Cái này nó thế nào?” Vi cười ngặt nghẽo: “Ồ, mọi người ơi, Mỹ Lan hỏi cái này nó thế nào”. Tất cả đều cười rú lên như hoá dại, không hẳn vì câu pha trò của Vi. Mỗi kẻ cười một kiểu, như có điều gì tức cười quái dị lắm. Vi hét vào tai tôi khiến màng nhĩ đau điếng: “Thử đi. Hôm nay bọn tao khai hoá văn minh cho mày. Một lần thôi, không sao cả. Nhiều lần cũng không sao cả. Mai vẫn đi thi bình thường”. Nó chìa chiếc đĩa gốm ra trước mũi tôi như mời trẻ con ăn kẹo. Tôi nhìn xuống đĩa, chúng đẹp, trông vô hại, và ma mị. Tôi nhặt một viên màu hồng đất, màu sắc ưa thích nhất của tôi, bề mặt có khắc chữ For you cầu kỳ như in trên tấm thiệp Valentine. Không để tôi kịp suy nghĩ, Vi nhét tọt vào miệng tôi rồi đưa cho tôi ly nước. Nó trôi xuống họng như mọi viên thuốc cảm khác. Tôi chẳng cảm thấy gì. Tôi chờ đợi, nhưng vẫn chỉ thấy mụ đi vì tiếng nhạc dội vào ngực thình thịch. Cái Lam đã thôi cười, nó ngồi khóc ti tỉ như bà điên mỗi lần lên cơn. Thốt nhiên tôi kinh hoàng khi Vi từ từ tuột chiếc áo cũn cỡn lên quá đầu. Chiếc váy lụa cũng được thả rơi xuống đất. Rồi những mảnh vải cũng lần lượt rời khỏi Quyên. Chân tay chúng dài và nhỏ xíu như những con búp bê Barbie. Bộ ngực tròn xoe mịn màng bôi nhũ kim lấp lánh. Cơ thể chúng như không có thực trong cái không gian ô tạp này. Quay sang bên cạnh, tôi thấy Dũng đã không còn màu tím trên người nữa. Anh ta trơ lại màu da bệch bạc, tai tái. Tôi khiếp hãi định đứng lên thì chợt thấy những tiếng động nhỏ dần như thể vừa được nhấc bổng ra khỏi phòng từ lúc nào. Nhưng rõ là tôi vẫn ở nguyên trong phòng. Tôi thấy người nóng ran lên như rơi vào lò lửa, và khát nước ghê gớm. Tôi uống nước lạnh ừng ực và cảm thấy dễ chịu. Tiếng nhạc như vẳng đến từ tận nơi nào xa lắm nhưng vô cùng quyến rũ. Tôi cảm thấy phấn chấn hơn bao giờ hết. Tôi thấy lũ bạn tôi rất đáng yêu, cuộc đời này thật đáng yêu, tất cả những người trong phòng này thật đáng yêu. Tôi mỉm cười, rồi cười thành tiếng, sự vui vẻ khiến tôi cười mãi không thôi. Chân tay tôi nhẹ bỗng, người cũng nhẹ bỗng như bông gòn bay trong gió. Tôi muốn nhảy múa, tôi yêu đời và sẽ nhảy múa cùng những người bạn dễ thương này. Tôi sung sướng không chịu đựng nổi. Tôi giống như một vị thần trong chiếc chai chật hẹp dưới đáy biển sâu, giờ được giải thoát đang bay lượn trong làn sương ngọt lịm. Tôi hát tướng lên. “I’m a genie in a bottle baby. Come, come, come on and let me out... My body is saying let’s go go. But my heart is saying no no” [2]. Tôi tưởng đâu như mình là Christina Aguilera. Tôi đứng hẳn lên bàn và hát, lũ bạn ở dưới vỗ tay ầm ĩ như những fan hâm mộ trên sân vận động. Tôi cứ vui sướng như thế mãi cho đến lúc đầu óc bắt đầu mụ mẫm đi. Người tôi đờ ra, không muốn nhúc nhắc chân tay. Tôi vẫn còn cố chống mi mắt lên nhìn đồng hồ trước khi gục xuống tấm thảm trải sàn đã ướt đẫm rượu Whisky và nước lạnh. Lúc đó là ba giờ sáng.
Hôm sau, tôi về nhà lúc gần giữa trưa. Mẹ tôi vẫn chưa đi làm. Mẹ ngồi ở phòng khách, mặt lo lắng. Tôi không dám nhìn vào mắt mẹ tôi, trả lời qua quít: “Một đứa bạn ở ký túc xá bị cấp cứu nên con thức đêm để trực”. Thấy bộ dạng khiếp đảm của tôi, mẹ không muốn hỏi gì thêm. Tôi lên phòng, người trống rỗng, không buồn, không vui, không sợ hãi, không đói, không ham muốn. Tôi vơ tạm nắm sách vở vào cặp, ăn vội nửa bát cơm rồi đi ra cửa. “Con có bài thi học kỳ”. Suốt một tuần sau, tôi không gặp đứa bạn nào. Anh đến trường tìm tôi, mặt mày thiểu não, ân hận, nói rằng lỗi là ở anh. Tôi trở lại cuộc sống bình thường. Cuộc vui kỳ quái hôm đó chỉ còn như một giấc mơ. Tôi vẫn đều đặn lên lớp, tối thứ Bảy đi chơi với anh, thỉnh thoảng lại trốn một tiết sang trường cái Giang ăn chè ngô. Áo da cam có gọi điện cho tôi hai lần, bảo là muốn gặp tôi nhưng tôi từ chối. Nhưng cũng chỉ được một tuần, những chủ đề cũ lại bị chúng tôi mang ra tranh luận. Tôi hét lên: “Anh là người khó cải tổ. Ai mà dám sống với anh cả đời chứ”. Lần này tôi không mất công khoá trái cửa phòng để nằm trên giường mà khóc rấm rứt nữa. Tôi gọi điện ngay cho cái Vi. Áo da cam vẫn mặc màu ấy, nhưng kiểu khác. Cả hội nhìn thấy tôi tỏ vẻ hết sức vui mừng. Chúng tôi lại đến nhà Dũng, lần này là sáng Chủ nhật. Tôi ở lại cả ngày, và về nhà vào lúc năm giờ chiều, vẫn ăn tối bình thường. Ngay tối hôm đó, tôi đã lại làm lành với anh. Nhưng lần này nhìn thấy anh, tôi không còn cảm giác vồ vập nữa, cũng không còn run lên đến cồn cào lúc anh ôm chặt tôi trong lồng ngực rộng và ấm nóng. Tôi trống rỗng, tôi vô cảm, tôi như ở lại dưới đáy vực sâu. Thấy thái độ rầu rĩ của tôi những ngày sau đó, anh cố gắng làm cho tôi vui, chuộc lỗi bằng cách dẫn đi xem phim và ăn các loại chè trên phố. Tôi cũng vui lên thật. Nhưng thời gian này tôi rất hay bị những thứ vụn vặt làm cho cáu kỉnh. Tôi có nhiều nỗi buồn. Tôi bị trượt môn Tâm lý. Tôi bị cuỗm mất chiếc điện thoại mới tinh. Tôi bị mẹ mắng là bạc bẽo giống bố tôi. Mỗi lần như vậy, tôi lại gọi điện cho Vi. Và một buổi chiều, khi tôi vừa đẩy cửa bước vào quán bar trên phố cổ, đã thấy Giang ngồi ở đó rồi. Mặt nó buồn bã, tôi biết ngay là có chuyện. Nhưng bên cạnh nó có một anh chàng mới, mặc áo xanh lá cây. Nghe nói anh ta là bạn của Mạnh, cũng mới từ Canada sang. Tôi không kịp hỏi xem nó có chuyện gì. Chúng tôi luôn có chuyện, và không thể giải quyết ổn thoả được. Chúng tôi không phải là những phụ nữ trưởng thành như mẹ tôi, mẹ chúng nó, để có thể tự quyết mọi việc, cũng không phải là trẻ con để từ chối trách nhiệm. Chúng tôi có trách nhiệm, nhưng không thể giải quyết. Giang giống như tôi, không ai mời nó những “viên kẹo” xanh đỏ kia. Nhưng nó không tò mò hỏi xem “nó thế nào” mà thận trọng nhón lấy viên CK màu xanh lá cây nghiên cứu như thể đoàn thanh tra đang làm kiểm định. Nó chậm rãi bỏ vào miệng, không chiêu nước mà như ngậm bạc hà.
Chúng tôi bắt đầu gặp nhau thường xuyên hơn. Vì không thể về nhà quá muộn, chúng tôi thường trốn tiết để tập trung ở nhà Dũng. Đặc biệt là mỗi lần có chuyện bực mình và ấm ức, chúng tôi lại gọi cho nhau. Những chuyện làm chúng tôi sầu não nhiều vô số kể, chẳng cần những chuyện lớn kiểu tình cảm trục trặc, đi làm part-time bị bắt nạt, tự tưởng tượng ra tương lai mông lung ở phía trước rồi chán nản, mà chỉ nội chuyện bị thầy giáo mắng, bố mẹ o ép, cãi nhau với bạn cùng lớp cũng khiến chúng tôi tìm đến nhau. Rồi sau này, thậm chí không mua được bộ quần áo ưng ý, mặt mũi nổi đầy mụn hay trời mưa cũng khiến chúng tôi buồn bực. Tôi bắt đầu vứt hết những bộ quần áo cũ. Tủ quần áo của tôi được thay mới hoàn toàn. Nó xanh đỏ tím vàng như một vườn hoa trên thiên đường. Tôi thấy thích màu sắc, thích âm thanh vui nhộn. Dần dần tôi gặp anh thưa hơn. Anh thấy sự thay đổi rõ rệt của tôi, liên tục gạn hỏi. Nhưng điều đó chỉ càng làm tôi khó chịu. Tôi không còn cảm giác đặc biệt nào khi ở bên anh nữa. Những nụ hôn thảm bay khi xưa giờ khiến tôi như bị tra tấn. Chúng tôi chia tay. Giờ giấc lên lớp của tôi thất thường. Tôi bị gọi lên văn phòng khoa. Tôi bị thi lại một lúc liền ba môn. Ngày sinh nhật tròn mười chín tuổi, tôi không được ra ngoài gặp các bạn. Tôi bị mẹ ép ngồi lại trong phòng để ôn thi lại. Tôi ép mình học thuộc lòng một lúc mười trang sách, nhưng cứ học được đoạn cuối thì quên đoạn đầu. Nhiều lúc mẹ hỏi xem trưa nay tôi đã ăn cơm chưa mà tôi nghĩ tới năm phút vẫn chưa trả lời được. Ngay cả số điện thoại của mẹ tôi cũng quên. Mẹ lo lắng, ra hiệu thuốc tìm mua thuốc bổ thần kinh để bổ trợ trí nhớ cho tôi. Nhưng đâu vẫn hoàn đấy. Tôi nhớ nhớ quên quên như một mụ già lú lẫn. Rồi tôi cũng ngắc ngoải qua được kỳ thi hết học phần, nhờ sự chăm sóc và canh chừng kiên trì của mẹ tôi. Nhưng ngay lập tức, tôi nhớ lũ bạn hơn lúc nào hết. Tôi nhớ cảm giác bồng bềnh trên chiếc bàn như đứng giữa sân vận động mênh mông, tôi nhớ áo da cam, nhớ thiên đường nho nhỏ trên tầng ba nhà Dũng với không khí đầy vui nhộn. Tôi nhớ quay nhớ quắt, đến độ chỉ cần hai hôm không gặp họ là tôi sa vào trạng thái trống rỗng đến thảm hại. Tôi nằm ườn trên giường không nhúc nhích. Mọi ham muốn của tuổi trẻ đã tắt ngúm. Tôi chỉ mở to mắt nhìn lên trần nhà. Mẹ có hỏi thăm cũng không buồn nói chuyện. Lúc cần lấy đồ ăn hay phải đi vào buồng tắm, tôi dờ dẫm trong nhà như một cái bóng. Tôi muốn chết. Tôi thấy cuộc đời này không còn gì có ý nghĩa. Chân tay này, đầu óc này, như không phải là của tôi, ngay cả cái lưỡi trong miệng tôi cũng thừa ra, nhạt nhẽo, vô vị như mượn của người khác. Dạo này tôi gầy đi. Không chỉ mình tôi mà tất cả những người trong nhóm đều gầy rộc đi, và xanh xao. Mới chưa đầy ba tháng mà tôi sút mất bốn cân. Lúc đó tôi cho rằng vì chúng tôi thức khuya và ăn ít. Tôi cố ăn nhiều, để phục hồi cái cơ thể tròn trịa lúc trước, nhưng không thể nuốt nổi món gì. Một lần, tôi đã quyết tâm không gặp lại các bạn tôi nữa, cho dù quanh tôi sẽ không còn người bạn thân thiết nào. Đấy là cái bận, Giang gọi cho tôi đến nhà Vi. Suốt một tuần nay, chúng tôi không gặp nhau vì có vài người hàng xóm quanh nhà Dũng kiến nghị việc chúng tôi sử dụng nhạc quá to. Dũng bị kiểm tra giấy tờ cá nhân và giấy tờ liên quan đến ngôi nhà. Anh ta bảo chúng tôi tạm nghỉ để thuê người về làm bộ phận cách âm. Chúng tôi lên phòng Vi, và tôi suýt kêu lên một tiếng thê thảm. Vi nằm như chiếc lá dán vào ga trải giường, mắt thâm quầng, mặt xanh như tàu lá, trên người nhiều vết bầm tím. Hai mắt nó nhìn lên trần nhà, không nhúc nhích, không muốn nói chuyện. Quyên kéo chúng tôi ra ngoài. Cái Vi mấy hôm nay không được lên nhà Dũng, nó buồn quá mới đi theo một hội mới quen. Bọn kia có những viên rất nặng, trộn thêm nhiều thứ lạ khác. Vi phê đến độ không biết gì. Có mình nó là con gái. Và bọn kia có những năm thằng. Chúng tôi im lặng. Thời gian này, chúng tôi không mấy khi có hứng thú nói chuyện với nhau. Chúng tôi chỉ vui vẻ khi gặp nhau ở nhà Dũng. Tôi hoảng sợ. Thế lỡ Dũng và các bạn anh ta bây giờ không còn muốn gặp chúng tôi nữa, thì chúng tôi phải làm sao? Hay lỡ bố mẹ anh ta đòi lại nhà, chúng tôi biết đi đâu? Ví thử chúng tôi không bao giờ còn được gặp nhau nữa, nếu chúng tôi vĩnh viễn đánh mất cái thiên đường vui nhộn kia thì tôi biết làm gì với những cơn trống rỗng thường trực này? Suốt một tuần vừa qua, tôi đã sa vào trạng thái trầm uất. Không thứ gì có thể làm tôi vui lên được, không thứ gì làm tôi buồn được, không thứ gì làm tôi ngạc nhiên. Tôi vô cảm, tôi mất trọng lượng như ở dưới đáy của vực sâu.
Nhưng chỉ hai ngày sau, Dũng đã sửa xong nhà. Anh ta phấn khởi gọi cho chúng tôi. Và những ngày vui nhộn trên thiên đường lơ lửng nơi gác ba lại bắt đầu. Một bữa nọ, mẹ cái Quyên gọi điện cho tôi, bảo có việc muốn gặp, giọng bà gấp gáp và nghiêm trọng, khác hẳn với thói quen điềm tĩnh hàng ngày. Khi tôi đến, đã thấy bố của Vi ngồi sẵn đấy rồi. Tôi sợ hãi. Ông giáo sư tóc bạc trắng, mặt mày thiểu não. Họ nói với tôi rằng gần đây Quyên và Vi có những biểu hiện sinh hoạt và triệu chứng tâm lý giống hệt nhau. Chúng không đến trường, gọi điện tắt máy, về đến nhà đóng kín cửa phòng không giao tiếp, người gầy rộc đi và hay tưởng tượng ra những chuyện kỳ quái. Chúng cứ đinh ninh là bố mẹ ghét mình nên tìm cách hại bằng việc đặt camera theo dõi trong phòng ngủ, trên xe máy hay thuê người theo dõi. Thậm chí có lần Quyên còn nghi thằng em trai nó thả bọ cạp vào bình lọc nước trong phòng. Mẹ Quyên chảy nước mắt, bà khóc tu tu như đứa trẻ, quên mất tác phong hà khắc thường ngày: “Lan, từ trước đến nay trong đám các cháu, cháu vốn là đứa giỏi giang và khôn ngoan nhất. Bác biết lâu nay cháu ít gặp chúng nó, nhưng cháu thử đoán xem cái Quyên nhà bác đã làm những gì, đi đâu, gặp ai?” Tôi biết bà đã gọi đủ đến nhà từng đứa bọn tôi, và khi gặp mẹ tôi, bằng cách bảo vệ con như thường lệ, mẹ tôi đã nói rằng lâu lắm rồi tôi chỉ tập trung vào học hành và không giao du với các bạn nữa. Tôi không biết nói sao. Tôi trống rỗng, tôi vô cảm, thái độ thê thảm của họ chỉ như nước mưa hắt vào tượng đá. Tôi không chảy được nước mắt, cũng không nói được một câu phụ hoạ cho phải lẽ. Tôi im lặng.
Cuối tuần, chúng tôi tiếp tục gặp nhau, để tối đến về nhà trong thể xác rã rượi như thiêu thân xã cánh dưới ánh đèn nóng bỏng, và sáng hôm sau đờ đẫn như người đến từ thế giới khác. Tôi muốn chấm dứt cảm giác này, nhưng không biết làm thế nào. Tôi không khóc vì không buồn được, không cười vì không vui được. Tôi không muốn kết bạn với ai khác ngoài những người bạn của tôi, không muốn say đắm với ai ngoài áo da cam trên thiên đường lơ lửng không cao không thấp. Một lần, vì vướng đám cưới trong họ, tôi đến chỗ hẹn muộn. Khi tôi đến, các bạn tôi đã vào cuộc rồi. Tiếng nhạc dội vào ngực tôi như những cơn sóng biển lúc triều lên. Dũng đã lắp thêm một dãy đèn màu trên trần. Chúng xoay tròn và hắt tia sặc sỡ thành những khoang màu nhỏ lấp lánh trên những tấm thân trần trụi. Cơ thể Quyên, Lam và Vi không còn hoàn hảo như lần đầu tiên tôi nhìn chúng khoả thân hoàn toàn, chúng gầy gò như bé gái bị suy dinh dưỡng. Tôi kinh ngạc thấy chúng không còn đôi nào vào đôi nấy nữa. Chúng bị lũ lẫn đến mức lẫn lộn tất cả. Tôi nhìn thấy Dũng lấp ló bên bộ âm li đồ sộ với Lam, còn áo da cam thì đang lổm ngổm trên sàn nhà với Vi. Tôi nghi ngờ nhìn xuống chân tay mình, kinh hãi. Terry đang ngẩn ngơ, áp tai vào chiếc loa to đùng một cách thích thú, chợt nhìn thấy tôi. Anh ta hớn hở sán lại gần, thô bạo vật ngửa tôi ra ghế salon. Anh ta cười rú lên như kẻ điên vừa xổng trại và thọc tay vào cổ áo tôi. Tôi cũng gào lên như hoá rồ, dùng hai chân đẩy bật anh ta xuống đất rồi chui vào buồng tắm khoá trái cửa lại. Tôi bật khóc nức nở, rồi vã nước lên mặt. Chiếc gương hình bầu dục trong suốt phản chiếu một khuôn mặt dúm dó dến thảm hại, mác tóc nhuộm nâu xơ xác buông trên bờ vai xương xẩu, hai mắt trũng sâu, và bờ môi khô nứt. Một khuôn mặt Harajuku không cần hoá trang. Tim tôi thắt lại. Tôi sợ hãi hắt nước lên kính cho nó mờ đi. Đã rất lâu rồi tôi mới lấy lại được những cảm giác pha trộn như thế này. Tôi mở cửa bước ra ngoài. Mọi thứ vẫn tiếp diễn như lúc tôi vừa mới đến, Terry đã quay trở lại với Lam, còn Dũng đổi chỗ ra cạnh chiếc loa để áp tai vào đó. Tất thảy dường như không hề để ý đến sự việc kinh khủng vừa xảy ra với tôi. Tôi chạy một mạch xuống dưới nhà, rồi ra đến đường cái. Hơi lạnh và mùi một loại hoa đêm nào đó trồng trong những khuôn viên biệt thự kia khiến tôi tỉnh táo. Tôi đứng im một lúc, tôi thấy mình trống rỗng, mệt mỏi như người leo núi đã gần lên đến đỉnh dốc lại bị một cơn gió mạnh thổi bạt xuống lưng chừng, ngó lên đỉnh cao vời mà chán nản. Tôi ngoái lại, nhìn lên cánh cửa sổ đóng im ỉm trên tầng ba đầy nuối tiếc. Tôi muốn quay trở lại, tôi muốn trèo lên tầng ba, tôi muốn chiêu nước lạnh với viên màu hồng đất quen thuộc, tôi muốn bảo Vi trả lại áo da cam cho tôi. Tôi xoay người định dợm bước trở lại thì đột nhiên thấy ánh đèn loang loáng xung quanh. Có một chiếc xe chở đầy những người mặc sắc phục. Họ tiến về phía ngôi nhà trước tôi. Mọi việc diễn ra quá nhanh. Nó cũng như thể những ảo giác triền miên đã bao phủ lấy tôi suốt những ngày và đêm dài dằng dặc.
Chiều hôm sau, mẹ lặng lẽ đưa cho tôi một tờ báo. Tôi không nhìn. Tôi không đọc. Tôi không buồn, không vui, nhưng tôi sợ hãi. Tôi chảy nước mắt. Mẹ ôm chặt tôi vào lòng “Đây là lần cuối cùng mẹ ôm con như thế này. Vì con đã bước sang tuổi hai mươi, không còn là trẻ con nữa. Con đã có thể tự quyết định mọi việc”.
Bài báo chiếm gần trọn trang nhất, mô tả tỉ mỉ mọi sự việc, khiến tất cả mọi người đều muốn sở hữu một tờ để xem cái chuyện giật gân xảy ra đêm hôm qua. Chỉ có điều họ không biết rằng trong lúc họ đang say ngủ, có một người trẻ tuổi lang thang trong thành phố. Và khi ánh bình minh cựa mình từ phía thượng nguồn con sông, người trẻ tuổi biết mình phải tự quyết định nhanh chóng trước khi bình minh thức giấc hẳn, bước tới, hay là, sẽ lùi lại?
Quà tặng cuối cùng
Tôi mở cánh cửa nặng chịch rồi lần mò trong bóng tối. Áng chừng đã hai giờ sáng, mọi ngày thì giờ này trời vẫn còn nhờ nhợ, nhưng hôm nay bão. Cơn bão hiếm hoi giữa tháng Bảy khiến thành Lyon thi thoảng loé lên những nóc nhà đỏ rực. Gió tạt nước mưa và lá cây đập xàn xạt vào các ô cửa đóng kín ngoài hành lang trộn lẫn với âm thanh của bản nhạc giao hưởng phát ra từ những chiếc loa nhỏ xíu gắn trên trần nhà khiến tôi sởn gai ốc. Tôi thầm nguyền rủa lão tác giả nào nghĩ ra những giai điệu quái dị, nguyền rủa gã quản lý khách sạn lú lẫn cho tắt hết đèn hành lang mà lại bật nhạc. Tôi đập cửa: “Chị Vân, cho em xin viên thuốc cảm”. Chị trưởng đoàn thò cái đầu bù xù: “Chờ tao tí. Chúng mày ốm cũng xứng đáng. Tham tiền cho lắm vào.” Tôi ngồi phệt xuống tấm thảm hành lang, đôi môi khô nứt thấm dần vị mặn và nóng. Chúng tôi có mười chín người, biểu diễn ngày này qua ngày khác các tiết mục dân tộc qua khắp các thành thị. Cả đoàn di chuyển trên một chiếc xe du lịch đường dài tính đến nay đã tròn một tháng chín ngày. Lẽ ra chúng tôi chỉ được mời tham dự lễ hội trong vài tuần nhưng chị Vân có sáng kiến kết hợp biểu diễn giao lưu trên khắp các tỉnh thành nước Pháp, ròng rã đến sáu tháng trời. Mấy tuần trước, tôi biểu diễn ở Reims, rồi theo đường biên giới ngược xuống miền Nam nước Pháp. Hôm qua về Lyon, những tưởng sẽ phải chui vào một ký túc xá mùa hè vắng hoe hoét nhưng nhờ tài ngoại giao của chị Vân, chúng tôi được ăn nhờ ở đậu trong một khách sạn bốn sao lơ lửng lưng chừng đồi. Lúc đó tôi sung sướng nghe chị Vân hét lên: “Được bốn phòng. Tám người thôi, ưu tiên nữ, còn lại ở ký túc xá”.
Tôi cầm vỉ thuốc và nghe tiếng sập cửa sau lưng. Người bắt đầu ớn lạnh, còn ớn hơn khi nghe những âm thanh kỳ quái của cái khách sạn ngoại ô này. Khách sạn chỉ có hai tầng, xây theo hình vòng cung nên đi dọc hành lang luôn phải đối diện với những chỗ ngoặt do đường lượn tạo thành. Điều này khiến tôi luôn rùng mình ngay cả vào ban ngày, khi chẳng thể biết được cái gì phía sau những đường lượn kia. Có vẻ như cái khách sạn này, sân golf này xây lên chỉ để làm cảnh vì hiếm người trú ngụ. Ngoài tám chúng tôi còn có một cặp vợ chồng người Hà Lan tôi gặp lúc ăn bữa chiều và một người đàn ông tóc bạch kim áng chừng người vùng Scandinavia.
Một âm thanh khó phân biệt lẫn vào cơn mưa rào nhưng tôi vẫn nhận ra tiếng một cánh cửa sổ hành lang đập vào bờ tường. Một dòng điện chạy dọc sống lưng rồi chui tọt vào tim khiến tôi khó thở. Tôi bắt đầu đi chậm lại và cảm thấy chân như gắn chặt vào tấm thảm khi phía đường lượn trước mặt có một cái bóng đu đưa trên ô cửa. Trong bóng tối, cái bóng sáng trắng lên và một tia chớp chói loà khiến tôi nhận ra mái tóc dài quay lưng về phía mình. Hình nhân bắt đầu vươn mình ra phía khoảng không và một tia chớp thứ hai loá vào cái cổ tay trắng nhợt thắt sợi dây tết màu đỏ thẫm khiến trong tích tắc, tôi cảm thấy chân mình lại nhẹ bỗng, cơn sốt bay đi đâu mất và chỉ hai bước đã kịp nhào đến chụp lấy người kia. Chúng tôi bắt đầu giằng co. Một người muốn kéo vào, người kia một mực thả mình xuống cái khoảng không chỉ cách mặt đất ba mét song tối âm u như địa ngục. Cực chẳng đã tôi gọi bừa một cái tên, tiếng hét của tôi bị vô hiệu hóa bởi cơn mưa và những cánh cửa dày đóng im ỉm song có vẻ rất thuyết phục. Tôi đã lôi được người mình muốn cứu xuống tấm thảm đẫm nước mưa. Tức thì bước chân người chạy sầm sập từ cuối hành lang, rõ ràng không phải vì nghe thấy tôi gọi. Chị Hoa, ca sĩ của đoàn mặc chiếc áo ngủ mỏng tang, theo sau là anh bồ người Pháp trẻ hơn đến mười tuổi hớt hải chạy đến: “Đây rồi, chị tìm nó khắp nơi”. Tôi lại cảm thấy cơn sốt lan toả khắp người “Chị mang nó về đi. Muốn tự tử”. Con người phút trước còn khăng khăng tìm cách chết bám rịt lấy tay tôi: “Cho tớ ngủ nhờ phòng cậu đêm nay”. Tôi nói cộc lốc: “Tôi đang ốm. Lây đấy”. rồi quay ngoắt về phòng. Tôi cài cửa rồi nằm xuống chiếc giường cạnh chị Tâm, người vẫn đang ngủ say sưa không hay biết chuyện gì vừa xảy ra bên ngoài. Viên thuốc làm tôi buồn ngủ, tôi nhắm tịt mắt lại trước khi kịp ghìm mối ác cảm với hai chị em nhà kia và phân tích câu chuyện kỳ dị vừa rồi. Chuyến đi dài và những người bạn đồng hành ám vào tôi đến mức đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy các sự việc diễn ra trong ngày. Trưa nay, xe vừa vào đến Lyon, chúng tôi đã vội vã chui vào một quán ăn nhanh hạng bét nằm trong con hẻm nhỏ. Như mọi bận, tôi chọn cho mình một bàn ở góc yên ổn, không chung đụng. Nhưng con bé diễn viên múa có cái tên mỹ miều Diễm Hạnh mà suốt từ ngày đặt chân lên đất Pháp gần như tôi chưa một lần nói chuyện lại bê chiếc đĩa đến ngồi cùng. Diễm Hạnh và tôi là hai thái cực mà nếu sông Seine có đột nhiên biến mất khỏi bản đồ nước Pháp cũng không thể khiến chúng tôi xích lại gần nhau được. Các thành viên trong đoàn được chọn từ nhiều nhà hát nên phần lớn chúng tôi không quen biết nhau. Tôi phụ trách tiết mục đàn bầu, đôi lúc thiếu người tôi kiêm luôn cả trống, đàn Krôngpút và múa sư tử. Tôi là con gái một nghệ sĩ đàn bầu mà giờ thất thế làm nghề bơm vá xe đạp. Từ lúc nhà hát tuồng giảm biên chế, cha tôi mất nghề, gia đình tôi vốn đã nghèo khổ lại càng thêm mang tiếng. Cha mẹ tôi ít gặp lại người quen cũ vì nghề nghiệp chẳng vinh quang gì, tôi lại càng hạn chế hơn do vốn dĩ đã hầu như không có bạn bè. Hồi còn đi học, tôi luôn thèm muốn mỗi khi liếc nhìn các bạn đồng môn ngồi tập đàn piano, violon trong phòng học và thầm đặt tên cho chúng là “bọn quý tộc”. Sau này tôi hay cằn nhằn cha tôi về chuyện đã ép con cái đi học đàn bầu, cái đàn đánh lên nghe đã rầu rĩ cả người. Cho đến tận khi nhận được suất lưu diễn nước ngoài, cha tôi mới hả hê đi khoe khắp họ tộc và khẳng định hướng đi của tôi là đúng đắn. Lần đầu tiên xuất ngoại, những cảnh đẹp nơi xứ người cũng chẳng làm tôi xúc động bằng khoản tiền thưởng ít ỏi sau mỗi suất diễn. Nỗi quý trọng đồng tiền đã song hành với tôi từ tấm bé, là niềm yêu thích duy nhất trong cuộc sống ít niềm vui của tôi. Sau này lớn lên, tôi còn nhận ra thêm rằng, nhan sắc của mình thậm chí còn khiến người cùng phái quay đi không muốn trò chuyện. Vì thế, mỗi lần nhìn thấy Diễm Hạnh với đôi chân thẳng tắp, làn da chưa từng biết phơi nắng và chuyến lưu diễn chỉ là một cuộc dạo chơi khi lúc nào cũng kè kè một anh bồ và bà chị gái óng ả, tôi cảm thấy sự xuất hiện của tôi trong đoàn là một mỉa mai ghê gớm. Những nụ cười thân thiện của cô ta được tôi đánh giá là sự trịch thượng và ban ơn. Lần này cũng vậy, cô ta cười cầu hoà: “Cậu ít nói chuyện với mọi người nhỉ”. Tôi vẫn cắm mặt vào chiếc bánh hamburger: “Tôi bận”. Diễm Hạnh dường như lúc nào cũng ăn rất ít, rót thêm coca vào cốc của tôi, sợi dây đỏ choét phất phơ điệu đàng: “Ai chả bận. Cậu sinh năm bao nhiêu?” – “82”. Gương mặt tươi tắn nhưng đôi mắt hơi ngây dại ồ lên: “Bằng người ta đấy. Người ta cũng đoán thế nhưng chị Hoa cứ bảo Minh phải hơn người ta ba tuổi”. Vừa lúc đó chị Vân tiến lại gần, bát đĩa trên bàn chị sạch bách mặc dù đồ ăn chẳng ngon lành gì: “Chúng mày nói ít thôi. Ăn nhanh lên còn nghỉ lấy sức. Tối nay đầu tư thêm tiết mục nên cái Hạnh chuẩn bị phục trang như hôm ở Reims nhé. Riêng cái Minh tối diễn thêm suất đúp. Thù lao thêm cho mày”. Tôi lấy cớ ra ngoài trao đổi thêm với chị Vân và cảm thấy nhẹ người khi thoát khỏi cuộc nói chuyện gượng gạo với Diễm Hạnh. Tôi là cánh tay phải của chị Vân, vì sự chăm chỉ khó tin, không õng ẹo kiểu nghệ sĩ và võ vẽ được ít tiếng Pháp. Chị tính bộc trực, hay gắt gỏng nhưng tháo vát. Mỗi chuyến lưu diễn của chị luôn đi kèm với những thùng hàng đầy lời lãi mà chị đóng sẵn từ Việt Nam rồi gửi gắm những lính mới như tôi mỗi người một ít khi qua cửa hải quan. Hàng của chị sang đây khui ra mới biết, từ mực khô, ếch đông lạnh cho đến dọc mùng và thịt chó. Ngay tối hôm đó chúng tôi đã biểu diễn trên thềm một ngôi nhà cổ ở trung tâm thành phố. Sau các buổi diễn, tôi và vài ba người nữa thường nán lại bán những chiếc nón và quạt lưu niệm cho khách đến xem. Tôi vốn khéo tay nên vẽ thêm lên đó sơ sài hình Tháp Rùa và Tháp Eiffel khiến khách xúm lại xem và mua tới tấp. Tối qua cũng vậy, trong lúc mọi người đã thu dọn để về thì tôi còn cố đứng bán thêm vài chiếc quạt nên mới đổ ốm vì hứng trọn những cơn gió đêm trong chiếc áo tứ thân mỏng mảnh.
Như mọi ngày, mới sáu giờ sáng chị Tâm đã gọi tôi dậy nhưng lần này có cả Hoa và Diễm Hạnh: “Hạnh nó muốn ở cùng phòng em nên chị đã dàn xếp để chị Tâm chuyển sang ở cùng chị Mai rồi”. Tôi chỉ muốn tống cổ cái đám đáng ghét ra khỏi cửa song chị Hoa nói nhỏ: “Chị muốn nói chuyện này với em.” Vừa dứt lời Diễm Hạnh đã gào lên thảm thiết: “Chị đừng làm thế. Chị có biết em đã mất bao nhiêu bạn vì chị không”. Tôi ngơ ngác: “Mình có bạn bè gì với nó” và thấy sự việc càng lúc càng không bình thường. Chị Hoa lập tức lừ mắt: “Em ra ngoài kia để chị nói chuyện với Minh”. Chị Tâm biết ý kéo Hạnh ra ngoài. Ngay lập tức chị Hoa nắm chặt tay tôi: “Em giúp chị. Cái Hạnh thần kinh nó không bình thường đâu”. Tôi trố mắt lên. Chị Hoa tiếp lời: “Chị cho nó đi chuyến này là muốn nó vui lên, không ngờ lại thế. Mẹ chị đang muốn nó sang Đức ở cùng để điều trị. Vậy em giúp chị nhé. Nhắc nhở nó uống thuốc. Nó cứ muốn ở cùng với em mà mình còn ở lại Lyon một tuần nữa cơ. Không biết có chuyện gì mà nó lại làm thế. Em cũng tìm hiểu giúp chị”. Chị Hoa căn dặn tôi như bảo mẫu rồi bỏ ra ngoài. Tôi những muốn hỏi có phải chị ta muốn rũ bỏ trách nhiệm ngắn hạn với Hạnh để tự do đú đởn cùng anh chàng tóc hoe kia không. Tôi chưa bao giờ ưa cái mắt toe toét cười kiểu ấy. Chị ta đã có một chồng và hai con ở nhà rồi nhưng mỗi đận lưu diễn lại có một anh bạn vớ được dọc đường. Diễm Hạnh tò tò vào phòng, lấm lét nhìn tôi và tự động soạn đồ đạc vào trong tủ. Mãi sau nó mới rụt rè: “Người ta… bác sĩ bảo người ta bị trầm cảm”. Tôi thản nhiên: “Tôi thấy cậu chả bị làm sao cả”. Nó ngạc nhiên nhìn tôi. “Có phải nhiều lúc cậu thấy không muốn ăn, không muốn chơi, không muốn gì cả?”, tôi cố nhớ lại cảm giác lúc bị mất chiếc hộp đựng tiền tiết kiệm. “Sao cậu biết?”. Lần đầu tiên tôi mỉm cười với nó: “Vì thỉnh thoảng tôi cũng cảm thấy thế. Nhưng với mỗi người chắc cảm giác đó dài ngắn khác nhau.” Diễm Hạnh nhìn tôi đầy vẻ biết ơn. Tuy nhiên tôi vẫn chưa hết ác cảm với nó ngay được, con người có tất cả mọi thứ lại không muốn sống.
Diễm Hạnh không đỏng đảnh như tôi tưởng, nhưng nó lại gây phiền toái cho tôi theo cách khác. Mỗi ngày nó uống hai vốc thuốc xanh đỏ và càng lúc càng trở nên hưng phấn khác thường, duy chỉ có đôi mắt là đờ đẫn không hồn. Ban đêm nó hầu như không bao giờ ngủ mà thường trằn trọc xoay bên nọ bên kia, có lúc nhổm dậy nhìn tôi chòng chọc hoặc ôm chặt lấy làm tôi sợ chết khiếp. Nhiều lần, nó vén tấm rèm cửa che ánh sáng ban đêm1. Ánh sáng nhàn nhạt của bầu trời đêm hè cùng làn hơi mát lạnh trong suốt ùa vào phòng. Nó cứ ngồi im bên cửa cho đến khi nền trời tím thẫm mới quay vào. Nhiều lúc thức dậy trong đêm tôi vẫn thấy nó thở dài.
Kể từ hôm đó, Hạnh thường giúp tôi trong việc “buôn bán”, những việc mà trước kia dân “nghệ sĩ quý tộc” không bao giờ làm. Nó xinh đẹp, lại thạo tiếng Pháp hơn tôi nên đồ lưu niệm bán chạy. Chỉ cần nhìn thấy bóng khách đi qua là Hạnh đã kịp cười rất tươi “Elle est belle”2 rồi cúi xuống đứa bé gái có chiếc cặp nơ tím “Quel âge as tu?”3. Nó phất phất chiếc quạt giấy, lấp loá ánh hoàng hôn quyện vào chiếc áo tứ thân màu hoa hiên. Động tác và nụ cười của Hạnh dễ thương đến nỗi hai mẹ con người phụ nữ Pháp mua liền một lúc năm chiếc quạt. Hạnh quay sang hích tôi khi người phụ nữ vừa đi khuất: “Thấy chưa, cứ bảo người ta chỉ biết ăn với ngủ”. Tôi lườm nó. Lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt Hạnh thôi đờ đẫn. Một lần nhờ Hạnh trông hàng giúp, tôi chạy vào phòng thay đồ để lấy bình nước. Thấp thoáng giữa đống quần áo ngổn ngang là mái tóc lốm đốm đỏ. Mái tóc mà đã có lần chị Vân bắt nhuộm lại vì vào những màn múa đội khăn xếp trông thật vô lý và kề sát đó là chiếc yếm thắm phục diễn chưa kịp thay của diễn viên múa Khánh Ly. Chen lẫn những tiếng thở dài là cái giọng khàn khàn rất đặc trưng: “Nhưng anh phải dứt khoát với cái Hạnh đi, không em ngại lắm”. Giọng đàn ông đều đều: “Được rồi, anh chẳng nói nó cũng tự biết. Em thấy cả mấy tuần nay anh có đụng vào nó đâu”. Tiếng Khánh Ly nũng nịu: “Em chẳng tin, nó đẹp thế thì…”. Tuấn cười khùng khục: “Bố nó còn đẹp hơn, đang hứa cho anh chuyển biên chế lên trên, anh còn chẳng thèm. Nó ốm đau bệnh tật thế, có mà phải vạ”. Tôi nhớ lại lần phân người về khách sạn. Duy nhất có Khánh Ly không chịu, lấy cớ rằng ở ký túc xá gần trung tâm, dễ đi mua sắm hơn. Trong khi đó anh chàng người Pháp lại muốn bám lấy chị Hoa nên hai người đổi cho nhau. Tôi cũng nhớ vụ tự tử của Hạnh và những tiếng thở dài giữa đêm.
Tuy nhiên, Hạnh dường như không bao giờ để ý đến những gì diễn ra trong một nhóm vỏn vẹn hơn chục người. Trên từng nẻo đường từ Lyon đi Avignon, Provence, Marseille, Toulon rồi lộn về bãi biển Nice và thẳng tới Bordeaux, Hạnh không bận tâm đến những bữa ăn lúc tồi tàn lúc sang trọng, chỗ ngủ không ổn định, những giờ giải lao trong các trung tâm thương mại khổng lồ, những sòng bạc mà các nghệ sĩ trong đoàn dốc hết số tiền kiếm được vào đó. Nó chỉ cum cúp lo giúp tôi từ việc mang đồ, bán hàng cho đến giặt quần áo như muốn tìm một chỗ nương tựa. Tôi biết không chỉ ở đây mà ngay cả khi về chính ngôi nhà mình, Hạnh cũng cô đơn không kém. Càng ngày nó càng hay than thở và tự buộc tội mình. “Minh biết không, mấy viên thuốc này làm người ta tăng cân khủng khiếp. Chắc vì thế nên Tuấn cũng buồn. Cứ đà này sang năm mình không múa được nữa mất. Như thế thì mẹ ở bên kia cũng buồn. Bố ở nhà thì cùng người khác rồi, còn mẹ có mỗi một mình. Chị Hoa cũng trách, mà làm thế là đúng, người ta ngần này tuổi rồi vẫn để mọi người phải lo”. Tôi hiểu căn bệnh của Hạnh đang ở mức nguy hiểm nhưng không biết phải làm gì. Buổi tối là lúc chúng tôi vui nhất khi hạch toán những khoản kiếm được trong ngày. Tôi vuốt ve phẳng phiu từng đồng franc rồi nhét vào con lợn đất màu hồng, một cách để kìm chế những cám dỗ phải tiêu pha hàng ngày. Trong khi đó, Hạnh mải mê ký tên lên từng tờ giấy bạc rồi mới cất vào ví. Tôi gắt gỏng: “Đừng có ngứa tay. Nhỡ không tiêu được thì sao”. Hạnh cười cầu hoà: “Để xem đồng tiền này có quay trở lại không. Là một cách đánh dấu ấy mà”. – “Vớ vẩn”. Tôi luôn thấy những hành động của Hạnh là kỳ cục, cả chữ ký nữa, cũng kỳ cục, những chữ ký bay bướm nhưng ngắn ngủn, kết thúc bằng một nét cắt đột ngột. Một lần tôi có nói chuyện với gã người Pháp của chị Hoa, hay đúng hơn là gã hỏi tôi xem Hạnh sao rồi. Tôi nhìn đôi mắt cành cạch của gã với cái cằm nhọn: “Cette histoire ne te concerne pas, occupe-toi donc de tes affaires”4. Gã nói với theo: “Je vais partir”5. Tôi nhún vai không quan tâm, cuối cùng thì gã cũng rời bỏ chị Hoa. Những ngày này tôi đang lo chuẩn bị cho đêm hội chính ở Toulouse nên không quan tâm đến mấy chuyện vụn vặt trong đoàn. Gần đây tôi kiếm được khá nhiều tiền thành thử dồn hết tình cảm cho chú lợn đất. Khách mời của lễ hội đến từ khắp nơi trên thế giới nên mọi người mải mê với việc buôn bán, giao lưu và dốc hết những đêm trắng trong quầy bar. Chẳng ai để ý đến Hạnh.
Đêm diễn cuối cùng ở Toulouse, sân khấu ngập chìm trong biển người. Tiết mục của tôi và Hạnh gần áp cuối. Tiếng vỗ tay, tiếng huýt sáo, tiếng la hét phấn khích trong không khí đại lễ cũng không làm Hạnh vui lên được. Nó ủ rũ ngồi vào bàn trang điểm như mọi bận. Lúc này Hạnh như vô hình trong con mắt mọi người vì thảy đều bận rộn cuống cuồng với màn diễn của mình. Tận đến lúc chị Vân quát lên, Hạnh mới lùi lũi thoát khỏi cánh gà. Nó khiến tôi thót tim khi chường khuôn mặt không chút biểu cảm ra giữa sân khấu. Nhưng khi tôi vừa mới đưa tay lên dây đàn, chiếc áo màu hoa hiên đã lấp loá trong vũ điệu ngày mùa. Những bước chân của Hạnh thoăn thoắt theo tiếng trống dập dồn. Hạnh thăng hoa, khuôn mặt dần hồng hào trở lại, màu hồng không phải của phấn son. Đôi mắt Hạnh sáng lên, sâu thẳm như bầu trời đêm Toulouse. Lúc này không phải Hạnh múa theo tiếng đàn của tôi nữa mà tôi dạo nhịp theo bước chân Hạnh. Những động tác múa của Tuấn và Khánh Ly mới đầu còn ngập ngừng, kinh ngạc sau cũng hoà theo những ngẫu hứng xuất thần. Dưới sân vỡ oà tiếng vỗ tay. Hạnh mỉm cười, nụ cười viên mãn của người nghệ sĩ. Nụ cười làm tôi liên tưởng tới bố tôi những lúc phân trần với khách vá xe đạp: “Ấy, ngày xưa tôi cũng là nghệ sĩ kỳ cựu của đoàn đấy. Mỗi lần diễn xong mệt đứt hơi, cháo cũng chẳng buồn nhai nhưng cứ như phản xạ có điều kiện, hễ nghe tiếng vỗ tay là khoẻ hẳn lên. Nó lại hay thế chứ”.
… Thấm thoắt chỉ còn gần tháng nữa là tôi được về nhà. Lần này chúng tôi biểu diễn khá lâu ở Nantes trước khi trở lại Paris. Bầu trời đông nhuốm màu xám xịt và chúng tôi ở tịt trong phòng. Đến tối cả đoàn rủ nhau xuống một quán bar nhỏ ngay góc phố. Lúc này Tuấn chẳng cần phải giấu giếm mối quan hệ với Khánh Ly mà công khai sang phòng tôi và Hạnh để cùng đi. Khánh Ly đứng trước chiếc tủ có gắn gương tự ngắm nghía, cô ta cuốn một chiếc khăn lông rõ to trong khi mặc váy ngắn ngang đùi và áo len hở nửa ngực: “Minh và Hạnh đi cùng tụi mình cho vui, kẻo mấy bữa nữa về nước lại tiếc”. Tôi chẳng hiểu ý cô ta nói tiếc cái gì nhưng cũng phá lệ vì sắp phát điên trong cảnh nhìn ra ngoài trông tuyết trắng, ngó vào thấy bộ mặt ủ rũ của Hạnh. Hạnh kêu mệt không đi và nhìn tôi cầu cứu. Tôi thấy nó có vẻ suy sụp nhưng hơn bốn tháng trời, tôi đã gắn liền cuộc sống với những lời than thở và tính khí thất thường của Hạnh. Tôi xỏ chân vào đôi giày cao cổ: “Hạnh cứ nghỉ đi. Mình tôi đi cũng được”. Ánh mắt Hạnh lúc này giống hệt lần nó bíu lấy tay tôi trong đêm mưa bão ở Lyon. Nhưng bàn tay lạnh ngắt của Khánh Ly đã lôi tuột tôi ra ngoài tuyết giá: “Chơi một đêm cho biết, bà già khắc khổ ạ. Công nhận bà giỏi thật đấy, ở được với cái Hạnh”. Những bông tuyết rơi lả tả xuống bộ ngực trần của Khánh Ly, đậu kín trên những lai tóc nhuộm đỏ của Tuấn và chui vào khe cổ áo tôi đẫm ướt. Nhưng lạ một điều, chúng tôi không ai thấy lạnh. Sự lãnh lẽo ngày này qua tháng khác đã bão hoà không chỉ trên da thịt mà ngấm dần vào từng tế bào, khiến những xúc cảm vô hình đóng băng lại, và trơ lì như những ô cửa kính dày cộp thản nhiên ốp vào bức tường ký túc xá.
Đã sắp đến Giáng sinh, và người ta như quên hết những ngày khó khăn vừa qua để lao vào cuộc vui chưa muốn tàn canh. Tuấn và Khánh Ly ngất ngưởng trên chiếc ghế cao chót vót bên quầy bar. Hoa cũng ôm rịt một anh người tình mới, chỉ vừa quen lúc dợm bước vào quán. Tất cả đều đã ngà ngà say. Nhạc, rượu và những cô vũ nữ người Đông Âu lấp loá trong tiếng vỗ tay. Tôi là một trong những người cuối cùng rời quầy bar và cũng là người cuối cùng trong đoàn chứng kiến chiếc xe cấp cứu chạy ra khỏi khu học xá. Những ngày cuối cùng trên đất Pháp thật kinh khủng khi không ai dám đối mặt với sự thật. Chị Hoa không ra khỏi phòng nên thiếu hẳn ca sĩ. Chúng tôi cố gắng biểu diễn cho hết những hợp đồng còn lại rồi về Paris trước thời hạn. Bất cứ khi nào thay đồ trước giờ diễn, tôi cũng chạm phải phục trang màu hoa hiên lạnh ngắt của Hạnh để lẫn trong túi. Mỗi lần như vậy, cái lọ thuốc ngủ rỗng không lại ám ảnh tôi đến nỗi tôi đàn sai nhịp liên tục. Lúc lên máy bay, tôi gửi hết đồ, chỉ mang theo chiếc áo màu hoa hiên và con lợn đất. Tôi ôm chặt nó vào bụng. Hơi lạnh từ con lợn toả ra khiến tôi rùng mình. Khoảng ba mươi phút sau, một giọng đều đều từ chiếc loa nhắc nhở hành khách thắt dây an toàn vì máy bay đang đi vào vùng thời tiết xấu. Một cú xóc kinh hồn khiến tôi để tuột con lợn. Những mảnh đất nung văng tung toé lẫn vào đám tiền màu xanh và xen lẫn những đồng bạc được gấp làm tư cẩn thận có tới phân nửa tờ franc nhàu nát với những chữ ký bay bướm nhưng ngắn ngủn, kết thúc bằng một nét cắt đột ngột. Mắt tôi mờ đi và một cú hẫng đột ngột nữa, không biết có phải, máy bay vừa vấp vào một đám mây dày.
Mùa hè ở châu Âu, trời vẫn sáng vào ban đêm, đến gần sáng mới tối hẳn.
Cô bé xinh quá
Cháu lên mấy tuổi
Không phải việc của anh. Đi mà lo chuyện của mình đi.
Tôi sắp phải đi.
Chú thích:
[1]Harajuku: Một kiểu thời trang và hoá trang của các thanh niên ở thành phố Harajuku, Nhật Bản
[2]Bài hát “Vị thần trong chai” của ca sĩ Christina Aguilera
 

Xem Tiếp: ----