Buông ra, không được tranh đồ chơi của bạn! - Đó là lời cô bảo mẫu nói với một bé trai cứ nhất định giằng bằng được con gấu bông từ tay một bé gái có đôi má phính ửng hồng, giọt nước trong veo đang thập thò nơi khoé mắt đen láy đang hốt hoảng vì lo mất đồ chơi.
Đồ con gái khóc nhè! Đó là lời một trò trai lớp hai đang chê bai một trò gái cùng lớp đang khóc tấm tức vì vừa bị ngã ở sân trường, áo quần lấm lem.
Yếu trâu còn hơn khoẻ bò! - Là câu dân gian vẫn dùng để đánh giá sự khác nhau về sức vóc và cái nết xốc vác giữa người đàn ông và đàn bà. Trong thể thao, chẳng thấy bao giờ nam thi cùng với nữ cả.
Ấy là nói về mặt sức mạnh thuần cơ. Còn về trí tuệ, từ lâu thiên hạ vẫn truyền tụng câu ca: Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. Kể, cũng có phần cay nghiệt. Nhưng dù sao, ít nhiều, cũng còn nhỏ nhẹ, không giống khối kẻ, chẳng hiểu dựa vào đâu, cứ xưng xưng, trịch thượng đến vô lối: Cái giống cạn nghĩ! Hoặc diễu cợt một cách nhố nhăng, thô lậu: ý nghĩ của họ chẳng thể dài hơn cái dải yếm!
Shakespear đã dùng chữ "kiều nhược" để nói về người đàn bà. Người Tàu đã dùng cánh sen hồng để ví với gót chân người phụ nữ. Kiều nhược thì rõ rồi. Còn cánh sen thì thật là tuyệt, chúng ta sẽ còn phải tốn nhiều giấy mực về nó, nhưng vốn cũng mong manh lắm. Cái đẹp và cái yếu đã cấu kết với nhau mà làm nên người đàn bà. Vậy nên, ngày nay, giản dị hơn và văn hoá hơn, hễ trong thông tin giao tiếp xuất hiện các chữ Phái đẹp hoặc Phái yếu, thì ai cũng hiểu đó là để ám chỉ già nửa số dân của cái hành tinh đang có nguy cơ bị thủng tầng ôzôn này.
Nhìn Thuý Kiều, Nguyễn Du bảo đó chính là một toà thiên nhiên. Mà trước cụ, từ lâu lắm, khởi xướng là Lão Tử, rồi cho đến tận gần đây, chúng ta lại bảo nhau, kêu gọi nhau: Hãy trở về với thiên nhiên! Chỉ có điều, thiên nhiên vốn lộng lẫy, dịu dàng, bao dung, nhưng lắm lúc cũng... không phải là dễ chịu.
°
Hiền sinh ra đã là một đứa con gái. Hồi còn học lớp hai, Hiền chẳng nghĩ gì cả. Nhưng đến năm lên mười, Hiền bắt đầu thầm trách bố mẹ mình tại sao lại sinh ra mình là con gái. Sau này, khi đã lớn khôn và mặc dù vẫn ước ao giá mình là con trai, Hiền thôi không trách ông bà nữa vì hiểu rằng quyết định giới tính cho từng người là việc của Trời. Mà ông Trời - Hiền nghĩ - tuy chưa ai được tận mắt trông thấy nhưng, na ná như một thứ tín ngưỡng mặc định, không ai không biết và luôn giữ một tình cảm tôn kính, sợ hãi, kiêng dè và thỉnh thoảng, trong những thời khắc bí bách, cũng hồn nhiên đặt trọn niềm tin của mình vào đấy. Tuy vậy, niềm tin và thứ tình cảm tôn kính là hai thứ không được ổn định lắm vì, quả thực, chúng sinh cũng không ưa gì ba cái thứ lụt lội, nắng hạn, sóng thần, giông tố... họ chỉ khoái mùa xuân thôi, mặc dù, trong cái mùa đó, sâu bọ cũng sinh sôi nhiều đáo để! Cũng may cho ông Trời kia, bởi tuy là quyền năng vô biên đấy nhưng lại chẳng bao giờ hứa hẹn điều gì cả. Việc nắng mưa, tai hoạ, chúng sinh muốn biết thì tự tìm cách mà hiểu, dự báo và ứng xử cho phải nhẽ.
Hồi còn học phổ thông, nhìn lũ bạn trai mà Hiền phát thèm, phát ghen tỵ. Chúng có thể nhanh nhẹn, khéo léo, dễ dàng trèo lên những cành cây cao chót vót, chọn lấy những quả ổi vàng ươm, thơm lựng; kháo những miếng thoải mái, nhai nhồm nhoàm mà chẳng bị ai bắt bẻ; Rồi sau đó, thả xuống, ban phát cho bọn con gái đang háo hức đợi chờ ở dưới những những chùm quả đẹp như tranh vẽ. Những hôm đi học muộn giờ, trong khi bọn chúng, mắt trước mắt sau, thoắt cái đã vượt qua bức tường bao quanh trường, đàng hoàng vào lớp thì Hiền phải chịu ngồi chờ ở phòng bảo vệ cho đến hết tiết đầu mới được vào mà vẫn bị ghi tên và đánh giá hạnh kiểm. Những việc của lớp, dù là nặng nhọc, chúng làm thoắng cái là xong. Có lần, được nghỉ ba tiết cuối, Hiền theo lũ bạn trai đi chơi, đang lúng túng vì chưa biết phải làm thế nào để vượt qua một cái rãnh nước rộng thì thằng Vĩ "tiền vệ" đã xoay lưng, khom người xuống, vòng hai tay ra sau khoeo chân Hiền, cõng phắt cả người lẫn cặp sách đưa cô qua. Xấu hổ chết đi được, nhưng Hiền hài lòng và càng thấy giận mình là giống yếu, không có cách gì "đổi phận làm trai được..."
Đến khi vào bậc đại học, Hiền vẫn chưa hết giận là tại sao mình lại là giống yếu. Để bù lại, cô ao ước và ngấm ngầm hạ quyết tâm phải lấy bằng được một tấm chồng đặc biệt mạnh mẽ trong cái giới mạnh mẽ và đàng hoàng ấy. Và, đôi khi, trong những phút hồng mơ mộng, như bất cứ cô gái lành mạnh nào, cô lim dim mường tượng ra những đứa con trai khôi ngô của mình cũng mạnh mẽ, cũng hào sảng và tươi rói như bố của chúng.
Tốt nghiệp đại học. Cô được nhận vào làm việc ở một công ty lớn. Sau chưa đầy một năm, tại cái công ty ấy, cô đã gặp được ý trung nhân của mình. Hiền tràn trề hạnh phúc và khiêm tốn cho rằng mình là kẻ may mắn. Đó là Mạnh Đức, một cái tên  đàn ông vừa khoẻ vừa đàng hoàng, một chàng trai khôi ngô sáng sủa, bất cứ cô gái nào nhìn thấy cũng sinh lòng ước ao: Người tầm thước, vạm vỡ với những bắp thịt rắn chắc nổi cuồn cuộn như một pho tượng mẫu trong xưởng Trường cao đẳng mỹ thuật; là Phó tiến sỹ tốt nghiệp ở Cộng hoà dân chủ Đức về, biết cách nói chuyện và rất được cảm tình của mọi người trong cơ quan. Ví dụ, với những người mới sinh con: Thằng bé bụ quá nhỉ, sau này vượt xa bố là cái chắc! Độ này nó biết làm gì rồi?... Rồi anh nheo mắt, lắng nghe những câu chuyện dài dòng, không đâu, nhưng đáng yêu của những ông bố bà mẹ đang say sưa ngây ngất trong tình mẫu tử mới mẻ và cất tiếng cười ròn tan, điểm thêm những câu bình luận vô hại nhưng lại làm cho họ hài lòng. Đối với đồng nghiệp vừa được cất nhắc: Chúc mừng anh! Thời buổi bây giờ là công minh lắm, đã bổ nhiệm ai là đích đáng người ấy! Rồi bắt tay, rồi xiết chặt, rồi lắc mạnh và cất tiếng cười vang vang sảng khoái. Trong cơ quan, anh là có cách nói năng hùng hồn, là người năng nổ, tích cực tham gia vào các hoạt động đoàn thể. Không có phong trào đoàn thể nào thấy anh vắng mặt. Chiếc huy chương bạc Giải bóng bàn toàn ngành của anh đã đem lại vinh dự cho công ty và sự ngưỡng mộ kín đáo của những cô gái hiền thục, có đầu óc hướng mỹ đến cực đoan.
Các cô gái nhìn ngắm anh từ xa mà ao ước thì nhiều, nhưng được làm vợ anh thì chỉ có một. Người siêu may mắn, có được cái diễm phúc ấy chính là Hiền. Được tất cả mọi người quý mến vì cái nết vui vẻ hoà nhã, Đức tiến bộ khá nhanh. Chưa đầy một năm sau khi cưới, anh được bổ nhiệm làm phó giám đốc; Sáu tháng sau đó lại nhận một quyết định khác: Giám đốc một công ty khác trực thuộc Bộ. Rồi thấm thoắt thoi đưa, hoạn lộ quan cứ thế rộng mở, giờ đây anh đã là Tổng giám đốc của một công ty quốc doanh có hạng, đang được nhà nước tập trung đầu tư. Cuộc sống thật dễ chịu. Hiền chưa bao giờ phải thiếu tiền tiêu. Tình cảm ân cần của người chồng mạnh mẽ, giỏi giang cùng cậu con trai bé bỏng, bụ bẫm, giống bố như tạc đã đưa Hiền đến đỉnh cao ngây ngất trong nền hạnh phúc chúng sinh. Cô luôn thầm tạ ơn trời vì người đã cho cô nhiều quá.
Anh quan hệ khá rộng, toàn những người tử tế, sang trọng và có vị trí xã hội. Trong số đó, ấn tượng nhất, có một bà phốp pháp, thơm tho và xởi lởi, tên là Kiều Oanh; Nhìn gương mặt mà đoán thì chắc chắn trước đây bà cũng thuộc vào loại có nhan sắc đến độ "xiêu bút, nghiêng ghế". Bà quý thằng bé nhà Hiền lắm; riêng mọi thứ đồ chơi, quần áo của nó đều do bà sắm sửa cho cả. Hiền cũng rất có cảm tình với bà, bởi ở vào một địa vị cao sang như thế mà bà không hề kênh kiệu, làm bộ làm tịch, oai phong nặng ký với cô như những kẻ thường tình. Nghe đâu, về đường hôn nhân, bà cũng không được suôn sẻ như mọi người. Nghĩ cũng thấy tội. Chẳng hiểu tại sao ông Trời lại cứ hay làm khó cho những người đàng hoàng tử tế.
Vì chẳng phải lo lắng gì về sự tiền nong, ở công ty Hiền dồn hết tâm trí vào công việc. Là một cô gái luôn mặc cảm về giới nhưng lại thông minh, hướng thượng và lắm sáng kiến nên, khi không còn chồng bên cạnh nữa, cô cũng phải nhiều phen khổ sở điêu đứng bởi những sáng kiến của mình. Quả thực, sau này nghĩ lại, cô thấy trong số những sáng kiến ấy, có khối thứ dở hơi, người ta chê bai diễu cợt cũng không oan; nhưng cũng không phải là không có cái dùng được.
Thế rồi, một hôm, trời đang quang, mây đang tạnh, bỗng dưng mây đen ùn ùn kéo tới: Công ty không đáp ứng được thời hạn giao hàng cho một hãng buôn nước ngoài, nguy cơ bị cắt hợp đồng đã thấy rõ, uy tín làm ăn của công ty đang mấp mé bờ vực thẳm, cuộc sống của mấy ngàn con người đang bị đe doạ. Và một quan chức cấp bộ, bỗng xuất hiện trước những người chịu trách nhiệm về cái sự này. "Thì ra là chị ấy!" - Hiền vừa lo lắng, vừa thấy thú vị.
- Nói cho tôi biết: ách tắc thực sự là ở khâu nào? - Bà nghiêm khắc cật vấn.
- Thưa chị... - Ông giám đốc lập cập, ngập ngừng, run bắn cả người.
- Nói đi!... - Bà dõng dạc hối thúc.
- Khâu... thứ ... ba ạ! - Cái vẻ đường bệ, cái nết hoành tráng thường ngày của ông bỗng dưng lẩn đi đâu mất.
- Ai phụ trách khâu này? - Bà đưa mắt, lia qua một lượt các cử toạ chủ chốt.
Chính là khâu Hiền đang chịu trách nhiệm. Mặt tái mét, đôi tay cô cũng đang run rẩy ở trị số tần số xấp xỉ với ông giám đốc. Tại sao ông giám đốc run thì cô không để ý nhưng vì sao cô run thì cô biết. Cô lo lắng, cô thiếu tự tin: không biết trong công việc mình đã có gì không đúng và rồi rất có thể tình cảm của chị ấy với mình sẽ vì những thứ này mà sứt mẻ chăng? Cô cố trấn tĩnh, tự nhủ: Sao lại phải run thế, bình tĩnh nào, bình tĩnh nào... Nhưng rồi thân xác chẳng chịu tuân lệnh não bộ. Cô cau mặt: Đúng là cái giống yếu! Và gượng đứng lên.
- Thưa, là tôi đây ạ!
- Tại sao vậy?! - Bà quay sang nhìn cô, giọng nói phần nào đã dịu đi.
- Tôi đã chấp hành và làm theo ý kiến thống nhất của tập thể phòng kỹ thuật!
- Cứ có lỗi là lại tìm cách đổ cho tập thể, các vị láu cá thật!... mà nói như thế có nghĩa là đồng chí đã có cách riêng của mình?
-...
- Có hay không? Nói thẳng xem nào! - Bà nhìn cô, khuyến khích.
- Vâng!
Hiền miễn cưỡng trình bày phương án công nghệ của mình. Bà im lặng, tập trung nghe; ngón tay trỏ và ngón tay giữa trắng muốt khẽ nhịp lên mặt bàn làm cho những viên đá quý trên hai chiếc nhẫn trở nên lóng lánh, sinh động hẳn lên. Hiền đã nói xong. Mọi người cùng nín thở, nét căng thẳng hiện rõ trên từng khuôn mặt hạ cấp, chờ đợi lời phán quyết từ miệng một người phụ nữ đẹp nền nã, rất cao, rất sang, xa cách biết bao với họ mà gần gũi biết bao với Hiền.
- Theo tôi, đấy là một giải pháp hợp lý, chắc chắn sẽ giảm được thời gian để hoàn thành các nguyên công trong khâu thứ ba. Muộn còn hơn không. Sáng kiến tốt tại sao không dùng! Tôi quyết định: Từ tuần sau, đồng chí Hiền sẽ đảm nhận vị trí phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. Còn đồng chí phó giám đốc phụ trách kỹ thuật sẽ đảm nhiệm của vị trí hiện tại của đồng chí Hiền. Chiều mai cho văn thư đến chỗ tôi lấy Quyết định!
- Thưa, tôi không thể đảm nhiệm được vị trí đó - Hiền cuống lên, hốt hoảng - Đề nghị đồng chí xem lại!
Bây giờ thì Hiền run thực sự. Cô hoảng sợ, mếu máo trước cái quyết định tày trời kia; nghe cứ như đùa, nhưng nhìn mặt các đồng nghiệp thì lại thấy cái sự ấy không phải là đùa.
- Đồng chí Hiền! Tôi không có nhiều thì giờ - Bà nhìn cô, nghiêm khắc và chí công - Đồng chí nên tôn trọng, nên chấp hành sự phân công của lãnh đạo và có thái độ hợp tác. Tôi là người chịu trách nhiệm trước Bộ về vấn đề này.
Mọi việc rồi cũng qua đi. Mọi người lặng lẽ làm việc, cùng chấp hành cái trật tự mới. Và may sao, cuối cùng, khách hàng của công ty đã được hài lòng. Hiền thở phào. Bà chị cũng thở phào, nhưng cường độ có dễ đến gấp đôi.
Chỉ vài tháng sau Hiền đã quen việc. Năng lực của cô đã được mọi người thừa nhận cả trong tâm lẫn ngoài miệng. "Thì ra ngồi vào cái ghế này cũng chẳng có gì ghê gớm, chẳng có gì khiến một người đàn bà yếu đuối, bình thường phải lo lắng, hốt hoảng - Hiền nghĩ - có điều, trong các cuộc họp, mình chả bao giờ đạt được cái phong thái và cách ăn nói cho được hùng tráng như cánh "phái mạnh". Có cố cũng chẳng được. Bởi thế, nghĩ cho cùng, dù sao, mình vẫn thuộc về giống yếu; mà đấy là lỗi tại ông Xanh".
Dân gian vẫn bảo: "Thế gian được vợ hỏng chồng, mả táng hàm rồng mới được cả đôi. Được cả đôi Thiên lôi bắt một!". Câu ca dao nghe cứ ghê ghê thế nào. Nhưng, hình như, nó chả có liên quan gì đến gia đình Hiền. Cuộc đời vẫn phơi phới, thật đáng yêu, đáng sống biết chừng nào!
°
Cuối năm, Hiền đi công tác mấy tỉnh Tây Bắc để giải quyết khâu kỹ thuật sơ chế tại địa phương. Gần nửa tháng trôi qua, nỗi nhớ con nhớ chồng cứ cồn lên, lắm lúc khiến cô cứ như người ngớ ngẩn. Chẳng phải khó khăn gì, anh trưởng phòng kỹ thuật, người Bình Phước, đi cùng cũng nhận ra.
- Chà, giá mà tất cả phụ nữ trên thế gian này đều có được tình cảm với chồng con như chị thì cuộc sống đã quá ta! Nhưng... - Anh ngập ngừng, rồi nói tiếp - cũng không nên...
- Sao lại thế?! - Hiền ngạc nhiên.
- Nếu quả có thể được như vậy... cũng không được đâu. Bởi, bọn đàn ông chúng tôi vốn cũng... thê thảm lắm, không xứng với những bà vợ như vậy!... Cứ để mọi thứ như hiện tại, sòng phẳng hơn, chẳng ai nợ ai, dễ sống với nhau hơn!
Hiền chẳng hiểu gì, nhưng cũng không hỏi thêm bởi trong đầu óc cô bấy giờ chỉ lương vương có một nỗi chồng con. Không hiểu những ngày vừa rồi bố con ăn uống kiểu gì? Không khéo lại ngày hai bữa cơm bụi thôi. Chỉ khổ thân thằng bé, lại chưa đi được xe đạp, không biết bố có nhớ đón con đúng giờ không? Chắc là muộn, cũng dễ thế lắm. Hạng đàn ông đàng hoàng, người ta chỉ để tâm đến sự nghiệp, đến những chuyện lớn của cơ quan. Cũng không nên trách cứ vì đó là một nhược điểm giới tính đáng kính. Bởi nếu không thế, liệu người đàn ông còn có gì hay ho để người đàn bà say mê nữa đây?
Chiếc xe chạy dọc theo hàng cây dẫn về phía hồ nước và đỗ ngay trước cửa nhà Hiền. Mới có ba giờ chiều. Đang là tiết Thanh minh. Bầu trời trong trẻo khác thường. Những tia nắng cuối ngày ấm áp phủ lên mọi vật một sắc vàng nhạt dìu dịu, khiến ngôi nhà năm tầng, được xây cất cầu kỳ bên hồ theo kiểu biệt thự của chị, như tự nó bừng sáng, ấm áp và viên mãn. Con chim cu gáy nhốt trong chiếc lồng treo bên hiên nhà dường như cũng đang cao hứng đáp lại tấm tình của thiên nhiên, cất tiếng cu cu... cu, mộc mạc mà thật ấm lòng.
Chia tay với trưởng phòng kỹ thuật và người lái xe, Hiền mở cổng và thong thả xách túi bước vào sân. Hai người thân yêu của cô giờ này vẫn chưa về. Cô bỏ dép, ngồi bệt xuống nền đá bóng lỳ ngoài hiên, hai chân duỗi thẳng, hai tay chống choãi ra, mặt hơi ngửa về phía sau. Những làn gió nhẹ mang hơi nước phả lên từ mặt hồ mát rượi, nhanh chóng làm tan đi cái mệt mỏi đường trường. Như sực nhớ ra điều gì hệ trọng, cô đứng dậy: Phải làm món gì đó, thật ngon để đón bố con... phải rồi... cá rán trộn khoai tây là món khoái khẩu của hai bố con.
Hiền nhanh nhẹn mở khoá cửa, bước vào phòng khách. Nhưng cô sững lại... cái gì thế này: Một cái túi xách phụ nữ để chểnh mảng trên mặt chiếc ghế đệm! Hiền chăm chú nhìn chiếc túi, bước lại gần và suýt nữa bị vấp ngã bởi một chiếc xăng đan cao gót lạ hoắc nằm lăn lóc ngay dưới chân đệm. Mùi nước hoa... quen quen, dường như vẫn bảng lảng đâu đây... Như một cái máy, cô đi lên gác và lại bắt gặp ở lưng chừng cầu thang một chiếc xăng đan nữa, chỏng chơ nằm nghiêng, tựa một dấu hỏi, lửng lơ, hớ hênh mà móc máy. Hiền dừng lại. Chuyện gì thế này?... Không nhẽ... Cô thấy chân tay bủn rủn như chỉ chực khuỵu xuống. Không, không thể có chuyện ấy! Hiền quay xuống, cố trấn tĩnh, đi vào bếp, lấy khoai tây ra gọt... và tự trách mình đã có những ý nghĩ không xứng đáng.
Hay là đi đón con? Hiền đã đi ra đến cổng, nhưng không hiểu tại sao lại quay vào, cầm lấy con dao, tiếp tục gọt khoai. ý nghĩ kia vẫn luẩn quẩn trong đầu, lớn dần, nhằng nhằng bám lấy cô. ái! Một dòng máu nhỏ ứa ra từ ngón đeo nhẫn. Rồi Hiền, tay phải không hiểu sao cẫn cầm con dao sáng loáng, tay trái vẫn cầm củ khoai đang gọt dở đỏ tươi bởi máu đang theo ngón tay loang ra, như một kẻ mộng du, bước lần theo cầu thang, lên gác. Rồi cô từ từ, vừa rụt rè vừa thận trọng, tiến tới cửa buồng của mình. Như một người thợ vận hành máy lành nghề, lần lượt thực hiện các động tác theo đúng quy trình kỹ thuật, cô xoay nắm đấm cửa, đẩy nhẹ và thầm khấn trời rằng mình chỉ là một kẻ xấu xa, tư duy tồi tệ, chỉ hay nghĩ xấu cho người khác. Nhưng không... Hiền khựng lại, mắt dướn lên, miệng há hốc, bàng hoàng... củ khoai tuột khỏi tay cô, rơi xuống và lăn đi, để lại một vệt máu tươi trên mặt sàn gỗ bóng loáng.
Nhận ra có người mở cửa, người đàn bà vội kéo tấm mền lên che ngực. Còn người đàn ông thì hốt hoảng nhảy vèo ra phía sau người đàn bà đó, co dúm người lại. Có lẽ những bắp thịt săn chắc, tràn trề sinh lực kia đang cần được che chở. Hiền vẫn đứng như trời trồng, như bị mọc rễ, mặt trắng bệch, ngây dại...
- Đừng! Chị xin em. Em cất con dao đi, chị sợ lắm! - Người đàn bà phốp pháp thơm tho, mặt tái nhợt, run rẩy đề nghị.
Hiền không nói gì, mắt nhoà đi trước cảnh tượng giường chiếu xộc xệch. Rồi, không hiểu sao, cô đưa con dao và bàn tay loang máu lên nhìn, nhếch miệng, cười không thành tiếng; Cô xoay lưng, đờ đẫn bước ra khỏi phòng. Xuống đến tầng dưới thì Mạnh Đức đuổi kịp.
- Anh xin em, đây là lần đầu tiên... anh đâu có muốn thế, em là người duy nhất anh yêu. Cực chẳng đã, anh phải làm thế chẳng qua cũng chỉ vì em, vì con chúng ta...
Hiền ngoái lại nhìn chồng, ngơ ngác. Có vẻ như cô chẳng hiểu gì. Rồi cô lại thập thõm bước tiếp, như một con rô bốt. Mạnh Đức vượt lên, đứng chắn ngang trước mặt cô, run run, đôi mắt cụp xuống, van vỉ.
- Tất cả sự nghiệp của anh là nằm trong tay chị ấy, xin em hãy thương lấy anh, lấy con... Nếu em làm điều gì dại dột, hậu quả sẽ không lường hết được, anh sẽ trở lại thành một người đàn ông tầm thường, không sự nghiệp, không địa vị, không có tiền... Rồi con chúng ta biết dựa vào đâu?
Rồi Mạnh Đức sụp xuống, cuống quýt ôm lấy chân vợ, nước mắt giàn giụa. Hiền cúi xuống nhìn cái thân thể cường tráng, cái khuôn mặt đàn ông cương nghị, cái khoé miệng đầy đặn, sắc nét đã có những lúc hùng hồn, cuốn hút trước đám đông và đã từng làm cho cô say mê, tự hào. Chao ôi, cái khối vật chất đàn ông ấy... Phía dưới chân cô lúc này chỉ là một hình hài mềm nhũn, ướt nhểu trong chiếc xà lỏn quàng vội vào người.
- Thôi nào! - Bà chị, trang phục đã nghiêm chỉnh, đứng trên cầu thang nói vọng xuống.
Mạnh Đức ngước lên, luống cuống đứng dậy, lủi thủi đi lên gác. Khi đi ngang qua bà chị, hai vai anh bất giác so lại, đầu cúi xuống như một cậu bé ngoan biết mình mắc lỗi. Bà chị xuống hết cầu thang, tiến đến bên Hiền và dịu dàng cầm lấy tay cô,.
- Đưa cho chị con dao nào! - Bà nói, giọng lại ngân nga và dịu dàng như cử chỉ cầm tay cô.
Hiền vẫn đứng yên, như người không hồn. Bà nhẹ nhàng, chậm rãi gỡ con dao hiền lành ra khỏi tay Hiền và đi vào bếp, trả nó về đúng vị trí và quay ra.
- Em ngồi xuống đây!
Khéo léo đưa Hiền lại ghế và nhẹ nhàng kéo Hiền ngồi xuống bên mình, bà nhìn cô, cái nhìn của một người mẹ biết mình mắc lỗi với con cái.
- Chị xin lỗi em! - Bà khẽ khàng, thăm dò. Thấy Hiền không nói gì, bà nói tiếp - Cuộc sống nó là thế đấy! Trước đây, chị cũng đã nghĩ như em, cũng trong trẻo lắm, cũng thơ lắm. Đó chính là những bông hoa mọc từ trái tim nhưng đồng thời cũng chính là chỗ yếu nhất của chị em mình. Về đàn ông, đừng hy vọng, đừng nghĩ về những điều tốt đẹp nào cả, càng như thế chỉ càng chuốc thêm cái khổ đau cho mình thôi!...
- Chị nói tiếp đi! - Hiền dường như đã hồi lại, đầu óc đã bớt mụ mị, vừa khinh bỉ, vừa tò mò nhìn người đàn bà mà trước đó cô đã ngưỡng mộ biết chừng nào.
- Chồng em, không làm điều này với chị thì cũng làm một điều gì đó, na ná như vậy, với một kẻ nào đó. Bản chất của anh ta là như vậy. Người mắc chứng chó dại thì ăn đậu xanh sống mà không thấy tanh. Chị chỉ là một hạt đậu, một liều thuốc thử giúp em thấy rõ được cái bản chất của anh ta thôi. Em cũng chẳng cần đau khổ làm gì cho nó già xấu đi, chỉ tổ thiệt thân. Đơn giản là bọn đàn ông đều thế hết; chồng chị, hay chồng em, hay bất cứ chồng ai đó cũng vậy cả. Họ đều giống nhau ở chỗ say mê nhiều thứ lắm. Mà để đạt được những thứ đó, thì bất chấp, chẳng xá gì, họ có thể làm tất cả, miễn là không lộ liễu quá. Chị cũng đã từng bị phản bội, đau khổ, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Sau đó, chị đã đứng dậy và đi lên trên chính những cái mà bọn họ không ngừng say mê. Sau đó chị mới hiểu ra một đạo lý: Thực ra, đàn ông sinh ra cũng chỉ để làm công cụ cho đàn bà chúng mình mà thôi. Hãy khôn ngoan sử dụng bọn họ đúng với chức năng trời phú cho họ! Đừng đau khổ nữa, như thế không xứng đáng tí nào! Chị có chút kinh nghiệm, nếu em muốn, chị sẵn sàng xẻ chia. Em còn trẻ, có nhan sắc, rồi em sẽ vượt xa chị.
Bà chị đứng dậy, đặt tay lên vai Hiền thay cho lời chào và rắn rỏi đi ra khỏi cửa. Hiền vẫn ngồi đó, cho đến khi những tia sáng của ngọn đèn đường chiếu xiên vào cái phòng khách im ắng, rộng mênh mông và tiếng cậu con trai bé bỏng mếu máo gọi mẹ ra mở cửa.
Sớm hôm sau, Hiền, một tay dắt con, một tay xách chiếc túi quần áo và chiếc cặp sách, nét mặt bình thản, thong thả bước ra khỏi ngôi biệt thự đó. Cũng buổi sáng đó, toà án quận nhận được một lá đơn xin đơn phương ly hôn và Công ty cũng nhận được một lá đơn xin thôi việc.
°
Nghe đâu, sau đó, bà chị phốp pháp thơm tho và Mạnh Đức vẫn giữ quan hệ thân ái như cũ. Hai người vẫn không ngừng tiến bộ. Có điều, anh chưa bao giờ vượt được bà chị. Còn bà, vẫn giữ được phong độ đàng hoàng, khả ái và sang trọng. Khối đàn ông phải khiếp sợ. Khối bậc tu mi nam tử phải kiêng nể. Và cũng có khối quý ông hiển hách cả một khoảnh cũng phải mỉm cười dịu dàng, rồi, hấp tấp lục lọi trong kho từ vựng đồ sộ của mình, tìm cho bằng ra những lời mà họ cho rằng đã được lắp cánh đúng kỹ thuật, và, ý nhị thả ra cho chúng nhẹ lướt về phía đôi vành tai nõn hồng của bà.
Khoảng tám năm sau, chẳng hiểu loanh quanh thế nào, Hiền và anh trưởng phòng kỹ thuật được uỷ ban nhân dân phường cấp cho một bản Đăng ký kết hôn. Anh này, thuộc hạng cũng chẳng có gì đáng cho người ta để tâm, ngoại hình loẻo khoẻo, mặt lúc nào cũng làm với đường thẳng đi qua tâm trái đất một góc 15 độ, không biết cách nói năng theo thể văn hoành tráng, bị vợ bỏ vì không có khả năng tiến bộ và không biết cách kiếm tiền. Còn hiện giờ, cặp vợ chồng "rổ rá cạp lại" đó đang là chủ của một công ty tư nhân, làm ăn cũng chỉ thuộc loại kha khá, được mỗi cái sổ sách kế toán rõ ràng và nộp thuế đầy đủ. Họ đã có thêm với nhau hai mặt con gái. Thiên hạ bây giờ chỉ thích đẻ nhiều con trai. Nghe người ta đồn ở các quán nước vỉa hè, chế độ mẫu quyền rất có thể sẽ được phục hồi nay mai!
Tháng 04 năm 2005

Xem Tiếp: ----