(Tặng cháu LTTT - kỷ niệm ngày cháu còn mẹ…)

 
Chị Hai ở đây chính là con gái lớn của bác Tư tôi. Nếu tôi nhớ không lầm, thì hình như chị Hai tuổi dần, cái tuổi mà người ta thường nói là… “không tốt” đối với phụ nữ. Tôi đoán, không biết có phải ý của người ta muốn ám chỉ… phụ nữ mà “tuổi con cọp” thì sẽ… “dữ” hay chăng? Còn “dữ” về mặt gì, thì tôi thật tình cũng chịu thua, chứ không làm sao mà đoán được. Riêng đối với chị Hai, thì tôi thấy chị không… dữ lắm đâu, tuy nhiên cuộc đời của chị thì phải nói là không may, nhất là về đường tình duyên, thì gặp nhiều điều trắc trở. Trong gia đình, chị còn có thêm bốn người em nữa, bao gồm hai trai và hai gái. Ba của chị ngày xưa làm cai tổng và mặc dù chưa qua Pháp lần nào, thế mà tiếng Tây của ông thì rất ư là lưu loát. Ông nói tiếng Tây còn hay hơn cả Bác Bảy của tôi là người đã từng du học bên Tây, và sau này về Việt Nam dạy Pháp văn ở trường College (Mỹ Tho).
Chị Hai lập gia đình rất trễ, nghe nói lúc đó chị sắp bước vào tuổi 40. Lúc chị còn trẻ thì tôi chưa ra đời, nên tôi không biết nhiều về những ngày chị còn là thiếu nữ. Theo anh tôi kể lại, thì những ngày còn trẻ chị được gia đình của một ông quan tòa để ý đến, và muốn làm thông gia với bác Tư tôi. Có thể nói nếu chuyện hôn nhân này thành tựu, thì hai gia đình thật xứng đôi, nhất là về vấn đề “môn đăng hộ đối”. Nhưng có lẽ do thời cuộc lúc bấy giờ lộn xộn, nên chuyện hôn nhân này của chị Hai cũng không thành. Sau này chị lập gia đình với một người thầu khoán, lúc đó thì bác Tư tôi đã không còn nữa. Hôn nhân kéo dài không được bao lâu thì chồng của chị qua đời. Thời gian này bé Thu Tâm (con gái của chị) vừa mới chào đời, được chừng 3 tháng tuổi. Thế là từ đó chị Hai trở thành góa phụ, hai mẹ con dắt díu nhau về quê bám vào mấy công ruộng của ông bà, để làm kế sinh nhai lo cho cuộc sống. Ðời sống cơ cực của chị bắt đầu bằng những tháng ngày vất vả long đong, phải chịu cảnh một thân một mình cùng đứa con đầu còn nhỏ dại.
 
°°°
 
Những ngày còn nhỏ, tôi thường thấy chị Hai ghé vào nhà tôi, nhất là vào những buổi trưa hè. Chị thường ngồi nói chuyện với má tôi, rồi sau đó thì ra vườn tìm hái rau “càng cua”, loại rau này mọc ở xung quanh nhà tôi rất nhiều và tươi tốt. Hình ảnh của chị lúc đó, rất giống với những “ni cô” mà mỗi khi đến chùa tôi thường hay nhìn thấy. Thời gian này chị hay mặc áo màu lam và chị có “xuống tóc” một vài lần, chắc có lẽ là để thực hiện những lời cầu xin, mà trước đây chị đã từng khấn nguyện. Xa hơn nữa, chị còn có ý định xuất gia, nhưng có lẽ chuyện rũ bỏ đời thường ở lại sau lưng, cũng như bỏ bé Thu Tâm để vào chùa chắc đã làm cho chị Hai chùn bước!? Tuy nhiên, ở nhà chị vẫn sớm hôm chuyên lo tụng niệm. Có lẽ, chị đã tìm được đôi chút an bình bên những lời cầu kinh và tiếng mõ?!
 
°°°
 
Bây giờ mặc dù thời gian qua đã lâu, nhưng mỗi lần nhắc đến chị Hai, làm tôi lại nhớ đến hai kỷ niệm thuở nào. Có lẽ hai kỷ niệm này vẫn còn in đậm trong ký ức của tôi, và tôi tin rằng, chúng sẽ khó lòng mà nhạt phai theo ngày tháng. Kỷ niệm đầu tiên là về cái “đèn soi nhái” của tôi. Ngày đó tôi còn nhỏ lắm, chắc khoảng chừng 9 tuổi là cùng, (hình như đây là thời gian trước lúc tôi bị gãy tay năm lớp 4). Cũng thời gian đó, ở quê tôi khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu thấm ướt những cánh đồng ruộng, thì cũng là lúc ban đêm bà con đổ xô nhau ra đồng để soi nhái. Có người đi soi bằng đèn “măng-xông” (manchon), có người chế tạo những ngọn đèn dầu leo lét vừa đủ để thấy ánh sáng ở chung quanh. Thời đó “đèn điện” chưa được thịnh hành như ngày nay, nên đèn dầu thì được xem là thông dụng nhất. Các anh tôi đêm nào cũng đi soi nhái đem về chứa trong mấy cái lu, mỗi lần giở nấp lu ra, là mấy con nhái nhảy lung tung, có nhiều con còn… “ấp cặp” với nhau, giống như là chúng đang… “ôm” “xà nẹo” nhau, nhảy từ bên này qua bên nọ. Ban đêm, từ trong nhà nhìn ra những cánh đồng ở chung quanh, chúng tôi thấy thấp thoáng từ xa, là nhiều ánh đèn lập lòe của những người đang soi nhái. Thỉnh thoảng, có vài người đi ngang phía ngoài hàng rào nhà chúng tôi (kế bên mấy cái ao), và nghe họ chuyện trò với nhau có phần hào hứng lắm. Thường thì tôi không được đi theo các anh tôi để soi nhái, vì tôi còn nhỏ. Tôi nhớ có một lần khi đi đến chỗ hào sâu, tôi bị nước ngập tới mình, làm tôi lội theo các anh không kịp. Những lúc này tôi sợ “tá hỏa tam tinh”, cũng như hoảng lên vì một phần sợ ma, và một phần là sợ bị bỏ rơi (một mình) giữa đêm tối…
Mặc dù sợ, nhưng cái cảm giác được đi ra ngoài soi nhái, cũng đã kích thích tôi rất nhiều. Nhớ lại lúc đó, tôi cũng bắt chước mọi người để chế tạo cho mình một cái đèn dầu soi nhái, nhưng nhỏ hơn. Tôi đợi đêm đến thì đốt lên rồi đi xung quanh vườn (chứ không dám đi xa), vậy mà tôi cũng bắt được nhái như ai. Nhiều khi gặp mấy con rắn bò ra trước mặt, làm tôi (đôi phen)… “hết hồn… hoảng vía”. Riêng mấy con cóc “chậm chạp” thì rất nhiều, chúng cũng nhảy tứ tung, nhất là mỗi khi tôi rọi đèn và giở mấy đóng cây khô, còn ẩm ướt… Lúc đầu vì không “thông minh” và để ý kỹ, nên tôi chế ra cái đèn dầu của tôi thật là… tệ hại. Tôi nhớ dụng cụ làm đèn là một chai xá xị cũ, cùng với một cái ống rỗng ruột (dài khoảng hơn một gang tay), cộng thêm là một mớ “nùi giẻ” cũ. Tôi cũng biết quấn một đầu ống bằng nùi giẻ để đốt lên, và bao bọc bằng những cọng kẽm bên ngoài, để khi dầu thấm vào và cháy lên thành ngọn đuốc. Còn đầu kia thì đút vào chai xá xị đựng dầu, và được “khằng” lại ở phía miệng chai. Như đã nói ở trên là do không để ý kỹ, nên tôi đã dùng cái ống bằng nhựa thay vì cái ống bằng sắt (hoặc bằng đồng) để chế ra cái đèn dầu soi nhái của tôi. Cái ống bằng đồng thì tôi phải chế biến từ “cái ruột” của ống bơm xe đạp cũ (loại bơm bằng tay), vì cái ống này nhỏ (thích hợp) cỡ bằng ngón tay cái. Cũng vì lúc đầu tôi dùng cái ống bằng nhựa, do đó cái “công trình chế tạo” đèn soi nhái chỉ trong phút giây đã trở thành… “vô tích sự”. Tôi nhớ lần đó, chính chị Hai là người đã “thí nghiệm” cái đèn dầu soi nhái do tôi chế tạo. Ðêm đó, chị ghé nhà tôi và thấy người ta ra đồng soi nhái rất đông, làm chị cũng nôn nao và rũ tôi đưa cái đèn, để cùng chị đi ra ngoài tìm bắt nhái. Dĩ nhiên là tôi hăng hái lắm, thế là hai chị em (một già, một trẻ) khởi sự đốt đèn lên, để đi ra ngoài tham gia cùng thiên hạ. Tưởng sao… mới đi ra vừa tới cổng, là cái đèn của tôi đã bắt đầu… “có chuyện”. Tôi nhìn kỹ, thì thấy cái ống làm bằng nhựa có triệu chứng cong queo, rồi nó từ từ ngã ngang… không còn đứng vững nữa. À thì ra, tại vì sức nóng đã làm cho nó “mềm” đi, không thể nào sử dụng được. Thế là hai chị em đành bỏ cuộc giữa chừng, và mau mau trở vào nhà, trước khi cái đèn tắt ngúm…
 
°°°
 
Vâng, đó là kỷ niệm đầu tiên của tôi và chị Hai về cái đèn dầu soi nhái, riêng kỷ niệm thứ hai là về chuyện một… quyển sách, mà tôi vẫn còn nhớ mãi cho đến ngày nay. Phải nói rằng kỷ niệm này đã để lại trong lòng tôi một nỗi ngậm ngùi, cũng như sự xót xa từ một niềm thương cảm….
Tôi biết thời gian này nhà chị Hai nghèo lắm, vì đây là giai đoạn nghiệt ngã chung của rất nhiều bà con lúc đó. Nhất là đời sống cơ cực của những người phụ nữ đơn chiếc, có người còn phải lo cho chồng đang “cải tạo” ở xa. Từ thành thị đến thôn quê hình như gia đình nào cũng không tránh khỏi cảnh lầm than của thời kỳ gọi là… ăn độn. Mặc dù đang ở dưới quê làm ruộng, nhưng có lẽ gia đình chị Hai cũng không thoát khỏi cảnh lầm than cơ cực. Tôi nhớ một ngày nọ, chị kêu tôi đến nhà để xem dùm chị một… “cái máy”. Thật sự tôi không biết đó là máy gì, mà chị lại nhờ tôi xem hộ. Tôi đoán chắc là một cassette hay radio bị hư gì đây, nên chị mới nhờ tôi coi giúp. Khi đến nhà chị lấy ra cho tôi xem một cái thùng giấy được bao bọc rất kỹ ở chung quanh, và cho biết đó là của em trai chị Hai để lại. Chị nói với tôi rằng:
- Em xem dùm chị đi, cái này là kỷ vật của anh Tư trước đây đó!
Tôi biết ý của chị Hai là muốn nhắc đến người em trai thứ Tư của chị. Tôi nghe nói, anh Tư đã cùng gia đình di tản ra “nước ngoài” từ trước ngày 30 tháng 4 năm 1975. Lúc đó vì tôi còn nhỏ và ở dưới quê, nên không biết nhiều về anh Tư. Tôi hỏi lại chị Hai:
- Nhưng mà… là cái máy gì mới được chứ?
Lúc đó chị Hai cười và thật thà đáp lại với tôi, là chị cũng không biết đó là máy gì, vì từ hồi nào đến giờ chị cất nó… rất kỹ, và cũng chưa có dịp mở ra. Nghe chị nói thế, làm cho tôi càng tò mò nhiều hơn nữa. Trong lúc tôi bắt đầu mở cái thùng giấy ra, thì tôi nghe chị Hai ngập ngừng và giải thích:
- Chị hy vọng… nó còn tốt và bán được nhiều tiền, thì sẽ… “đỡ khổ” biết bao!? Kỷ niệm này là của anh Tư, chị gìn giữ bấy lâu nay, nhưng bây giờ chắc là… phải bán đi rồi… em ạ…
Tôi không nói gì thêm mà tiếp tục mở ra từng lớp giấy. Thời gian chậm chạp trôi qua, càng làm cho cả tôi và chị Hai đều thêm hồi hộp. Ðến khi tôi mở được cái nắp thùng giấy ra, thì thấy có một lớp giấy nữa ở bên trong. Tôi liền thò tay vào và nâng cái vật bên trong lên. Tôi có cảm giác đây là một… cuốn sách, chớ không phải là một cái máy như chị Hai lầm tưởng. Khi đem được nó ra ngoài, tôi vội mở thêm lớp giấy cuối cùng và quả thật không sai vì đây là một … quyển sách. Phải, đúng nó là một quyển sách màu đỏ, rất dầy giống như một quyển tự điển thì đúng hơn. Lúc này tôi nhìn sang, thì trông chị Hai có phần thất vọng lắm. Chị nói với tôi:
- Vậy mà tụi nó bảo với chị đây là cái máy, và kêu chị đem về quê cất kỹ dùm anh Tư!
Phần tôi, khi đọc những dòng chữ bên ngoài bìa sách, làm tôi biết được đó là quyển sách gì đây. Và trong đầu tôi cũng hiểu được rằng… tại sao các em của chị Hai (ở trên Saigon) muốn chị đem quyển sách này về quê để mà… giữ kỹ. Mặc dù lúc đó tôi còn nhỏ, nhưng tôi đã hiểu được “giá trị” của quyển sách ở trên tay. Tôi thích thú và tò mò lật từng trang để đọc (đọc tới đọc lui), nhất là ở những trang đầu tiên, mà trong lòng tôi thì có rất nhiều điều nghĩ ngợi… Phải nói là tôi cảm thấy rất thương, và tội nghiệp cho chị Hai, vì chị đã thật thà tin tưởng đây là… “cái máy”, đã vậy, mà chị còn hy vọng là sẽ bán được có tiền, hầu… “cứu nguy” cho gia đình trong cơn túng quẩn?! Tôi còn nghe nói, ngày anh Tư di tản ra nước ngoài, chị Hai có lẽ vì ở dưới quê “chậm chân”, nên khi đến nơi, thì căn nhà của anh Tư đã được “tiếp thu” rồi, và bây giờ đã thuộc về người… “chủ mới”…
Trở lại với quyển sách trên tay, mặc dù được gói ghém cẩn thận nhưng tôi thấy màu giấy bên trong, giờ đã trở nên vàng úa. Bên ngoài, phía bên trên của quyển sách có ghi là “Viện Ðại-Học Saigon”, và bên dưới là một dòng chữ lớn hơn: “Luật-Khoa Ðại-Học Ðường”. Rồi kế đến ở giữa trang sách, là ba hàng chữ viết to (bằng chữ in): “NỀN HÀNH CHÁNH ÐÔ-THÀNH SAIGON”, và một dòng chữ nhỏ hơn, phía dưới… là: “Luận-Án Tiến-Sĩ Luật-Khoa” rồi tiếp theo là tên của em trai chị Hai (tức người anh họ thứ Tư của tôi) và được đánh dấu năm 1973 ngay bên dưới. Ở trang trong, tôi còn nhìn thấy thêm một tờ “note” (có lẽ được cắt ra từ báo chí) ghi là “Luận-Án Tiến-Sĩ Luật-Khoa (Ban Công Pháp) đệ trình tại Luật Khoa Ðại Học Ðường Saigon ngày thứ Bảy 21.4.1973, từ 16 giờ đến 19 giờ, được xếp hạng Ưu (Mention Très Bien)”. Tiếp theo ở các trang trong là lời tri ân của người trình luận án dành cho những người thầy cũ, từ giáo sư khoa trưởng, đến quý vị giáo sư ở Ðại học Luật Khoa, Học Viện Quốc Gia Hành Chánh đến nhiều quý Thầy Cô khác từ trường tiểu học lên đến trung học rồi đại học trước đây. Tôi thấy ở một trang khác được ghi là: “Kính dâng hương hồn cố Giáo sư Nguyễn Văn Bông, giáo sư thực thụ Luật Khoa Ðại Học Ðường Saigon, Viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh với tất cả niềm tôn kính và nhớ ơn”. Rồi ở một trang kế là dòng chữ “Thành kính tri ân Giáo Sư Lê Ðình Chân, giáo sư thực thụ Luật Khoa Ðại học Ðường Saigon, người đã vui lòng bảo trợ luận án, đã tận tình hướng dẫn, thường xuyên theo dõi và hết lòng giúp đỡ tôi trong việc thực hiện công cuộc khảo cứu này”
 
°°°
 
Giờ đây khi viết lại những dòng chữ này, lòng tôi còn… không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại ở một trang khác, em của chị Hai đã không quên, và trang trọng ghi khắc như vầy: “Kính dâng hương hồn Thân phụ, kính dâng Thân mẫu, kính dâng Nhạc phụ, Nhạc mẫu, kính tặng chị Hai, thương tặng KD và các con, thân tặng các em”… Ðối với tôi, ở giờ phút đó… có lẽ cái phần “kính tặng chị Hai” là có ý nghĩa nhất, vì dù sao những lời này cũng xuất hiện vào một thời điểm, mà mọi thứ đều đã đổi thay, cũng như, tất cả chỉ còn là… trong ký ức mà thôi. Trước mặt tôi lúc đó là hình ảnh của chị Hai thật là bình lặng (ở bên ngoài), nhưng tôi biết ở bên trong là cả một tấm lòng của người chị dành cho em, vì lúc nào chị cũng hãnh diện mỗi khi nhắc đến người em trai của mình. Rồi ngay như một vật vô tri, mà chị cũng luôn luôn nâng niu và gìn giữ… kỹ. Nhưng cuối cùng do hoàn cảnh túng quẩn đẩy đưa, nên chị mới đành lòng nghĩ đến chuyện bán đi cái kỷ niệm đó. Bởi vì chị hy vọng là nó sẽ “đỡ đần” cho chị ít nhiều trong cơn hoạn nạn khó khăn… Nhưng hỡi ơi, cuối cùng thì tia hy vọng mong manh đó của chị Hai cũng vội vàng tắt ngấm (không khác gì cái đèn dầu soi nhái của tôi)… Tôi biết lúc ấy chị buồn và thất vọng lắm, chị không nói lời nào, chị bỏ tôi ngồi đó bên cạnh quyển sách, và đi đến bàn thờ bác Tư tôi. Tôi thấy chị đốt lên một nén nhang và cấm vào lư hương trước mặt. Hình như lúc bấy giờ chị Hai có khấn nguyện đôi lời, tôi đoán, chắc là cũng… những ước mơ bình dị mà thôi. Vì có lẽ cuộc sống của chị giờ đây đã… an phận rồi, thì đâu cần phải cầu điều chi để gọi là cao xa nữa chứ!?…
 
Thiên Minh
 
Ngày 21 tháng 5 năm 2006
 

Xem Tiếp: ----