Đến tận bây giờ, năm hai ngàn lẻ năm, loài người đã bước sang thế kỷ thứ hai mươi mốt rồi với biết bao tiến bộ khoa học vượt bực của thế giới văn minh, người ta đã dẫm nát cả mặt trăng để truy tầm chú Cuội ngồi gốc cây đa và lên cả Sao Hỏa để tìm nguồn sống cho nhân loại. Bao nhiêu là phát minh, bao nhiêu là khám phá để giải thích các hiện tượng Đất Trời, và vén dần bức màn bí mật của Thiên Nhiên đầy huyền bí. Vậy mà tôi vẫn không sao đem những hiểu biết ấy giải thích nổi chuyện bùa ngải của người Hời cách đây hơn nửa thế kỷ. Bao nhiêu chuyện kỳ bí lạ lùng đã xảy ra cho làng tôi, một làng chuyên nghề chài lưới, đều do tay mấy Thầy Hời từ đất Chàm Phan Rang làm ra cả.Nếu bảo rằng sự mê tín dị đoan chỉ có thể xuất hiện và tồn tại ở những nơi bùn lầy nước đọng, xa xôi hẻo lánh và người dân ở đó thất học, mù chữ, sự hiểu biết thấp kém, mọi sự lạ xảy ra đều đổ cho thần linh ma quỷ thì cũng không đúng hẳn.Làng Xóm Cồn tôi là một trong những cái nôi của khoa học mà! Bác Sĩ Yersin đã xây một trung tâm nghiên cứu khoa học bao gồm cả thiên văn và y học ngay trên đầu Xóm. Cái trung tâm nghiên cứu ấy dân làng tôi đã đặt cho một cái tên rất bình dân và nôm na là Lầu Ông Tư.Và làng tôi chỉ cách Tòa Hành Chánh Tỉnh một với tay, đâu có xa xôi gì!Đành rằng trong làng tôi cũng có khá đông người mê tín dị đoan như ông Sáu Chúc cuối cùng chết đuối vì cái mê tín của mình. Và anh bạn Bảy Phát của tôi, dầu gì cũng đã qua bậc Tiểu Học, vậy mà thời gian sau này lại đi dùng bùa ngải chữa bệnh cho bà con hàng xóm để làm phước.Bên cạnh đó lại cũng có nhiều người chống đối quyết liệt cái sự mê tín dị đoan. Điển hình trong số người ấy là cha tôi. Ông không bao giờ tin tưởng ở những ông Thần, bà Thánh cả, kể từ lúc Ông Nội Bác tôi là Ông Xuân cứu sống tôi khỏi tay Thầy bói Hột ở Xóm Mò O.Cả cái sự lên Chùa thắp nhang ngày rằm hay những ngày lễ lớn như ngày Phật Đản, thiên hạ rần rần sắm sửa nhang đèn, lễ vật đầy mâm đem lên Chùa dâng Phật, ông cũng không đi mà còn ngăn luôn cả Má tôi nữa.Ông nói:- Phật trong nhà không lo, đi lo Thích Ca ngoài đường!hay:Tu đâu cho bằng tu nhà! Thờ cha kính mẹ mới là đạo tu!Đọc xong câu thơ trên, rồi thong thả, ông giảng giải:- Nhiều người bỏ cha mẹ xơ bơ xấc bất, hàng ngày không ngó ngàng gì tới, mà hễ ngày rằm, mùng một, là đem xôi chuối lên Chùa cho mấy ông Thầy, mấy bà Ni cô ăn, rồi nói là dâng lên Phật. Họ ăn chớ Phật nào ă? Tại sao mình không kính hiếu với cha mẹ trước đã? Cha mẹ có no đủ, khoẻ mạnh rồi mới lo tới Thánh Thần, Tiên Phật! Vậy mới phải đạo làm người.Những câu truyện sau đây được kể lại, ngược dòng thời gian, để hầu quí bạn, trước là mua vui, sau có thể giúp tôi lý giải được phần nào những huyền bí mà tôi cứ thắc mắc gần hết một đời người vẫn chưa hiểu được! Ông Thầy bói Hột ở Xóm Mò O!Cứ mỗi cuối năm, ngày ba mươi giáp Tết, Cha tôi luôn gói vài mươi đòn bánh tét để cúng Ông Bà và cho cả nhà ăn Tết. Ông làm công việc này rất chăm chú, tỉ mỉ và cả phần trịnh trọng nữa. Trong lúc Má tôi phụ lau từng mảnh lá chuối, chuẩn bị dây lạt để cột, chúng tôi cũng lăng xăng, lít xít xúm xung quanh để coi và cũng để rình rình Cha tôi quay chỗ khác để lấy cái gì đó thì chúng tôi mỗi đứa nhón một nhúm đậu xanh hầm, bỏ ngay trong miệng ăn vụng. Ăn thế mới ngon. Chứ xin đàng hoàng để ăn đàng hoàng thì lại không ngon.Thời gian gói bánh kéo dài cả buổi, nên một lúc sau thì chúng tôi chán. Chúng tôi lại đòi Má tôi kể chuyện đời xưa. Không biết Má tôi đọc ở đâu hay nghe kể lại hồi nào mà Bà có vô số chuyện để kể. Chuyện nào cũng "hay vô cùng trời đất". Nhưng cái chuyện Bà hay kể để bắt đầu những chuyện khác là chuyện của tôi với ông Thầy bói Hột. Mà mỗi lần kể là mấy đứa em tôi cứ cười ngặt nghẽo. Còn tôi thì không biết phải xấu hổ hay vui mừng nữa. Xấu hổ vì cái tính tham ăn, "tinh anh phát tiết ra ngoài" đã phát triển sớm từ lúc mới có hai tuổi.Và vui mừng là ngày nay tôi vẫn còn sống nhăn. Nếu không tôi đã chết về tay Thầy bói Hột ở Xóm Mò O từ cái đời ông Cố Lỷ nào rồi! - "Cái năm đó, anh Hai mầy mới có hai tuổi..." - Má tôi bắt đầu kể chuyện cho bầy con đang xúm xung quanh ngóng cổ lên nghe... Năm đó tôi mới lên hai, thằng bé con tròn trịa, hồng hào như cục bột, như hột mít, ai nấy đến nhà tôi đều thích ẵm bồng và hôn hít. Cha tôi thường mớm cơm cho tôi bằng miệng. Ông để tôi nằm ngửa, dọc theo hai đùi ông. Hai chân hay cựa quậy, quẫy đạp của tôi ông nhét vào hai ống quần dài lật ngược lai lên. Cơm nấu dẻo, nhai nhuyễn với cá thu kho khô mặn, từng miếng, từng miếng ông mớm vào miệng tôi. Miếng nào vừa đút vô là tôi đã há cái miệng to như miệng con chim chích choè con trong ổ trên cây sầu đâu trước nhà, đớp ngay. Ông phải để cái chén nước bên cạnh. Mỗi lần tôi chép chép cái miệng để nuốt miếng cơm thì ông múc một muỗng cà phê nước nhỏ tiếp vào cho trơn dễ nuốt. Cha tôi nhai cơm rất thiện nghệ. Cơm ông nhai nhuyễn và dẻo khô chứ không ướt nhão đầy nước miếng như tôi sau này bắt chước ông, cho con tôi ăn. (Những chi tiết tôi tả đây là lấy từ hình ảnh y chang của mấy đứa em tôi sau này)Ông vừa mớm cho tôi, cứ mỗi miếng là ông nựng tôi một câu:- Cha mày! Thằng hột mít ham ăn!- Mẹ mày! Thằng cục bột háu ăn quá!- Ờ! Ờ! Thằng chó con ăn giỏi, cho mau lớn! Mau chạy chơi cho cha mẹ mừng!Một hôm, sau khi ăn xong một chén cơm như thường lệ, thằng hột mít còn đòi ăn thêm nữa. Theo lời Má tôi kể lại là không như thường lệ, hễ ăn no xong là tôi cười toe toét, mà lần này thì tôi cứ khóc ngằn ngặt. Đút thêm miếng cơm thì tôi nín khóc. Ngưng lại là tôi khóc thét lên. Như vậy là thằng háu ăn còn đòi ăn nữa. Cha tôi thương con, cứ thế cho ăn thêm nửa chén nữa. Ai dè đến giữa trưa, tôi phát sốt, thở khò khè, mình mẩy nóng như lửa, cái bụng chướng lên như cái trống, cứng ngắt. Hàng xóm xúm lại coi, mỗi người giúp một câu:- Thằng nhỏ dễ thương quá! Tội nghiệp! Nó bị Ông Bà quở rồi! Chú Hai đem nó lên xóm Mò O nhờ Thầy bói Hột xở (gỡ) dùm là thằng nhỏ ăn chơi lại liền hà!- Nghe nói Thầy bói Hột tài lắm. Tuy ông bị đui mà bói hay lắm. Chuyện nào cũng trúng. Ông lại có bùa linh trừ tà nữa.Đau chân hả miệng, cha tôi nghe mọi người mách nước, trong lúc bối rối nhìn thằng con cưng mỗi lúc hơi thở càng đứt quãng pheo pheo, Má tôi chỉ biết đứng khóc và kêu lên:- Con ơi! Con ơi! Cha tôi lật đật bồng tôi lên xóm Mò O để nhờ Thầy bói Hột xở tà.Từ xóm Cồn tôi, chạy bộ lên nhà ông Thầy bói Hột ở xóm Mò O chừng non cây số. Xóm Mò O ở dọc theo ven bờ sông Cái, chạy vào đầm nước ở giữa phố. Ở đó có cái chợ vuông (thật ra là hình chữ nhật) rất lớn, tên là chợ Đầm°.Khi đến nơi, Thầy bói Hột đặt tôi nằm ngửa trước bàn thờ Tổ, đốt nhang khấn vái, đọc thần chú lâm râm trong miệng một hồi rồi lấy cây kéo treo tòng teng trên đầu tôi. Một tay ông rờ mu rùa, một tay ông gieo quẻ. Ông sờ soạn mấy đồng tiền điếu một lúc rồi lấy con dao nhỏ gõ vào cái kéo đánh keng một tiếng. Ông cứ lặp đi lặp lại như thế nhiều lần. Cha tôi đứng bên chắp tay hầu, thấy thằng con càng lúc càng trở nặng, sắc mặt cứ đỏ rần lên dần, mà không biết phải làm sao.Cuối cùng, chừng độ cháy nửa cây nhang, Thầy Hột mới phán:- Thằng "nam" này không xong rồi! Nó bị Bà phạt nặng quá, không xin được! E không qua khỏi giờ Tý đêm nay! Bồng nó về lo hậu sự đi!Cha tôi khóc rống lên, bồng tôi, ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Má tôi nghe cha tôi thuật lại câu chuyện, càng ôm tôi khóc thảm thiết. Hàng xóm bu lại, ai cũng lắc đầu thương cảm cho thằng nhỏ bụ bẫm dễ thương vậy mà vắn số.May thay, Ông Xuân từ bên am chèo thúng chai qua cồn mua thức ăn, nghe nhà tôi kẻ ra người vào bàn tán xôn xao, ông ghé vào coi thử chuyện gì.Khi vào nhà, ông rờ tôi một hồi từ đầu tới chân, gõ năm ngón tay lên bụng tôi mấy cái nghe bịch bịch rồi nói:- Thằng thầy nào nói cháu tao sắp chết? Tao lên đạp đổ bàn thờ Tổ nó bây giờ! Cháu tao ăn no quá, phát ách (bội thực) chớ Ông Bà nào quở? Ông Bà nào lại ác tâm đi quở trách thằng bé hai tuổi? Thiệt là tầm bậy, tầm bạ hết chỗ nói!Nói xong, ông hối cha mẹ tôi đi quạt một lò lửa đỏ, tìm cho ông một củ gừng và một ít rượu trắng. Khi lò than đã đỏ rực, ông úp lên đó một miếng ngói. Trên miếng ngói ông trải lớp gừng đã giã nát hòa chung với rượu. Khi gừng bắt đầu bốc khói, ông đặt bàn chân lên đó độ vài giây rồi áp bàn chân nóng lên bụng tôi. Chừng được vài lần thì thình lình trong bụng tôi kêu rột một tiếng rõ to và... ở dưới thì bắn đại liên xối xả, văng đầy cả chiếc chiếu con đang nằm. Cái bụng chướng cứng như mặt trống lúc nãy bây giờ xẹp lép.Hơi thở của tôi điều hòa trở lại, và sắc mặt trở nên hồng hào như trước. Cha mẹ tôi và những người hàng xóm đang đứng theo dõi đều thở phào một tiếng nhẹ nhõm. Tôi đã thoát nạn.Đây là lần thứ hai, cha tôi giận ông Thầy bói Hột, giận cành hông. Ông chửi đổng:- Mẹ cha mấy thằng thầy bói bá láp! Chút xíu nữa là tui mất thằng con rồi!Lần đầu cách đó hai năm, khi vừa cưới Má tôi xong, hai ông bà đem lễ lên nhờ Thầy bói một quẻ xem gia đạo về sau có khá không. Ông Thầy gieo quẻ, rờ mu rùa rồi phán:- Hai cái tuổi này không hạp. Tuổi Thìn của chú mày và tuổi Tuất của thím nó xung khắc, sẽ không có con nối dõi!Má tôi nghe Thầy phán, tái mét mặt mày. Bà buồn rầu khóc liền mấy ngày, bỏ cơm bỏ nước. Không ngờ năm sau bà có mang và sinh ra tôi. Tiếp năm sau, sinh thêm một thằng em nữa. Cha tôi vui mừng vô hạn. Liên tiếp nhiều năm sau, Má tôi sinh năm một. Bà đẻ một hơi mười hai anh em chúng tôi, bốn trai, tám gái. Mỗi lần Má tôi "nằm nơi", Cha tôi lụi hụi che buồng nằm riêng cho vợ, gánh cát mới ngoài biển về đổ rải dưới giường, quạt mỗi ngày ba chậu than đỏ rực cho bà Mụ hơ Má tôi và em bé. Ông vừa làm vừa chửi ông Thầy bói Hột té tát:- Cái lão thầy bói đui, rờ mu rùa nói xàm ăn tiền! Mẹ cha nó! Mới đi ngang đụng cái chưn giường là đã có chửa mà dám nói ẩu là không con nối dõi! Bây giờ nối đuôi nhau ra cả bầy, chạy gạo muốn hụt hơi!Sau hai lần đó, Cha tôi suốt đời nhất định không tin vào ông Thần, bà Thánh nào cả.Vợ chồng anh LùngAnh Lùng bà con sao đó với bác Ba Mậu, ba má thằng Thất Ễnh. Nó kêu anh Lùng bằng chú. Nhưng không phải là chú ruột. Tụi tôi thì kêu bằng "ông Lùng". Không anh mà cũng không chú. Bởi anh Lùng ở cái tuổi lỡ cỡ hai mươi, hai lăm.Anh Lùng người roi roi, dong dỏng, da ngăm đen, có tật cà lăm. Mỗi lần đến quán Má tôi mua vật dụng, tôi ngóng cổ lên chờ anh rặn hết câu mỏi cả cần cổ.Ba má thằng Thất cho anh Lùng che một cái chòi nhỏ ở đằng sau hè nhà để ở.Ban đầu, anh đi qua lồ cho các mành. Dần về sau anh trở thành bạn nghề. Vì anh nghèo rớt mồng tơi và thêm tật cà lăm, nói năng khó khăn nên đã hơn hai mươi lăm rồi mà không cô gái nào trong làng để mắt đến anh.Đùng một cái, anh dẫn về một cô vợ. Cả xóm ai cũng ngạc nhiên, bất ngờ. Chuyện anh Lùng có vợ là đề tài bàn tán trong xóm cho mấy bà, mấy cô và cả mấy ông nữa, lâu và dai dẳng nhứt. Họ xầm xì bàn tán cũng có mà công khai chê bai cũng có. Mấy bà thì:- Lấy ai không lấy! Nhè lấy Mọi!- Nè! Mấy bà coi chừng tụi Mọi nó có thờ Ma Xó đó! Ma Xó ban đêm chuyên đi ăn c... để rút ruột người ta đó! Khi đi "ngoài" nhớ mang theo miếng lá đắp lại làm phép!Mấy ông thì:- Cái thằng Lùng cà tàng, cà lăm mà cũng lấy được con vợ ngon lành chớ phải chơi đâu!- Đừng có thấy nó lù khù mà khi dễ nghen! Lù khù vác cái lu mà chạy có ngời đó!Lũ trẻ con chúng tôi thì cho đó là một chuyện lạ lùng khó tin được. Một người như anh Lùng, một ngày không mở miệng được hai câu nói. Anh sống âm thầm lặng lẽ trong cái chòi nhỏ, không bạn bè. Anh lặng lẽ đi, lặng lẽ về như một bóng ma. Vậy mà anh có vợ ngon lành. Như một phép lạ Bà Tiên nào đó đã gõ đũa Thần vào anh. Chị vợ anh mang về là một người đàn bà Thượng. Nghe nói ở đâu tận Đồng Trăng, Đồng Cọ... chốn núi sâu, rừng thẳm xa cách thành phố mấy chục cây số.Mãi về sau, chuyện anh có được vợ cũng dần dà phơi ra ánh sáng dưới sự tò mò xoi mói có tính cách đặc thù của các bà xóm tôi.... Một ngày mùa hè năm đó, anh cùng mấy người bạn nghề được phái lên nhà quê mua dây mây về làm "chà" thả cá. Dịp đó anh làm quen với một cô gái Thượng. Cả hai đều múa tay, múa chân ra dấu cho nhau. Vậy mà tình yêu nẩy sinh. Và cô gái Thượng ấy bằng lòng theo anh xuôi về kinh, bỏ lại núi rừng.Từ cái sự khó tin mà có thật đó hay là vì những nguyên do khác trong cuộc đời anh Lùng, từ danh từ riêng tên Lùng của anh bỗng dưng biến thành tĩnh từ chung "lùng" hồi nào không hay. Chúng tôi xử dụng tiếng "lùng" như một tiếng lóng riêng cho cả bọn, khi ám chỉ sự việc gì có tính cách không thật hay láo xạo, hoặc phô trương quá đáng.Ví dụ để chứng minh chuyện hai vợ chồng ông Quản Hân đấu võ với nhau hồi hôm cho cả bọn nghe xong, kết luận:- Chuyện thiệt đó! Tao không có "lùng" đâu!hoặc nghi ngờ điều gì chúng tôi nói:- Cha đó "lùng" quá!Có lần thằng Cò Ù nổi dóa với chúng tôi vì nói anh nó "lùng" quá khi chú Chín Ú giải thích nước mũi ông Năm Chi là óc trong đầu chảy ra. Ban đầu chị vợ anh Lùng không biết nói tiếng Kinh. Đến quán Má tôi mua trầu cau, chị chỉ ra dấu. Tôi nhìn cái miệng chị cười thì thấy cũng dễ thương. Nhưng đôi mắt chị to quá, to như hai con ốc nhồi, lồi ra, khiến tôi có cảm giác sờ sợ. Khi chị nhìn tôi hay bất cứ ai thì hai con mắt chị như sững lại và càng lồi ra ngoài. Hai con mắt cứ thao láo không hề chớp. Cái cách nhìn của chị toát ra vẻ ma quái. Cả xóm không ai dám làm quen hay đánh bạn với chị. Họ đều sợ chị ếm bùa Ma Xó. Họ thầm thì với nhau bao nhiêu là chuyện kinh dị, lạnh xương sống. Ma Xó thư trong bụng thành trứng gà rồi nở thành gà con bay ra từ miệng. Có lúc thành trùn hay dòi bò ra mũi ra mắt lúc nhúc. Nhà sàn người Mọi không có cửa nẻo, nhưng không ai có thể vào trong lấy cắp hoặc mượn vật gì mà không có chủ nhà ưng thuận. Hễ động tay vào vật gì thì có tiếng Ma Xó ở đâu đó trong nhà vang lên: - Không được lấy! Không được lấy!Tôi nghe mấy bà loáng thoáng kể khúc được, khúc mất cũng đâm ra sợ lây chị Lùng. Chị nhai trầu suốt ngày. Ngày nào chị cũng ra quán Má tôi chỉ để ra dấu mua trầu cau. Cái miệng chị đỏ quạch, thêm hai con mắt ốc nhồi thồ lộ trên khuôn mặt tròn vo như cái dĩa với cái dáng thấp lùn đi lạch bạch của chị càng làm tăng thêm trí tưởng tượng của tôi. Bao nhiêu là chuyện rùng rợn ở chốn ma thiêng tha hồ phát triển thành rễ, thành dây trong óc non nớt của tôi.Không ai biết tên chị là gì. Mà cũng chẳng có ai hỏi tên chị làm gì. Dây vào chị làm chi cho bị ếm bùa, bị thư ngải! Từ ngày lấy vợ, anh Lùng không đi bạn nghề nữa. Anh sắm một ghe câu nhỏ, sẩm tối đi theo bác Chín Bốc giăng câu trên sông. Sáng hôm sau, anh tự tay mang cá ra chợ bán. Chị Lùng sống cũng âm thầm như anh. Trước kia, khi còn độc thân anh đã sống âm thầm. Nay thêm người vợ Thượng, cuộc sống của vợ chồng anh càng lặng lẽ, khép kín và gần như tách biệt với xóm làng.Mấy năm sau chị sanh được hai thằng con trai giống chị như đúc. Cũng có khuôn mặt tròn, nước da xam xám và cặp mắt to như hai con ốc nhồi.Vợ chồng con cái anh sống quây quần hạnh phúc. Ban đêm anh đi câu giăng. Ban ngày anh ngủ. Thức dậy anh chơi đùa với hai đứa con. Chị Lùng lúc thúc trong chòi nấu cơm nước cho chồng con. Nhiều lần, khi chạy qua nhà thằng Thất chơi, tôi ra cửa sau lén dòm qua chòi anh Lùng, tôi thấy chị Lùng ngồi trong bóng nắng trước nhà, miệng nhai trầu, tay kim chỉ vá áo cho anh Lùng hay cho con. Bỗng dưng tôi bắt gặp một hình ảnh thật đẹp. Chị Lùng thật đẹp và thật đáng yêu biết bao. Những chuyện ma quái bậy bạ người trong xóm đồn về chị trong tôi bỗng tan biến theo cái ánh nắng rực rỡ sáng lòa đang nhảy múa trên đầu chị, trên thân hình chị và xung quanh chị. Chị đang hiện thân là một người đàn bà như trăm ngàn người đàn bà khác, như Má tôi, chỉ biết âm thầm, nhẫn nhục lo cho chồng, cho con. Chị vô tình đã là nạn nhân của sự kỳ thị và dư luận khắc nghiệt của người trong xóm tôi vây chặt, cô lập.Năm thằng con đầu của chị được mười tuổi, chị đã nói sõi được tiếng Kinh.Một hôm, như thường lệ, chị đến quán mua trầu cau xong, chị vụt nói:- Chú Hai! Bữa nay tui chào chú để ngày mai tui về trển!- Chị về thăm gia đình hả? - Tôi hỏi.- Không! Tui về bản làng ở luôn! Ở đây buồn quá!- Còn anh Lùng và hai đứa con của chị?- Tui để lại hết cho ảnh và cho người trong xóm! Tui về với núi, với rừng của tui vui hơn! Chú ở lại mạnh khoẻ và học hành cho giỏi nghen!Sáng hôm sau, cha con anh Lùng, tay bao, tay bị, nước mắt nước mũi quều quào, khóc rấm rức, tiễn chị ra bến xe.Nhìn theo dáng chị đi, nhớ lại lời giã từ của chị hôm qua, bỗng dưng lòng tôi cũng thổn thức lây, nước mắt tôi cũng chảy dài hai bên má.Bà Năm ThẹoNhà bà Năm Thẹo ở mé biển, phía sau nhà bác Năm tôi và xế cửa nhà ông Sáu Chúc. Cũng giống như mọi nhà khác, nhà bà cũng chỉ là một cái chòi, ra vào chỉ có tấm liếp, không có cái cửa sổ nào. Nhìn vào bên trong tối mờ mờ.Bà Năm góa chồng từ lâu. Bà ở với đứa con trai tên Thẹo. Anh Thẹo hơn tôi năm tuổi. Không biết hồi nhỏ anh bị bệnh tật gì mà hai mắt anh bị kéo xếch lên trông bộ dị dạng. Mặt anh có một vết sẹo dài chạy từ mang tai tới dưới cằm. Tôi đồ chừng anh bị phỏng nước sôi. Nhưng cũng không chắc lắm vì có người bà con mắc bệnh quai bị, đi mổ vẫn có vết sẹo giống như thế. Có lẽ tên Thẹo là do cái thẹo dưới cằm anh chăng? Người trong xóm không ai biết tên bà là gì.Chỉ biết gọi bà là bà Năm kèm theo tên con cho có âm điệu: bà Năm Thẹo. Hai mẹ con bà Năm sống côi cút bên nhau. Năm ấy bà chừng bốn mươi tuổi, không đẹp, dáng quê mùa, nhưng hãy còn có nét gái một con, có da, có thịt hồng hào.Anh Thẹo không được đi học như chúng tôi, anh phải theo mẹ hàng ngày ra chợ để phụ bán rau, hành, chanh, ớt với mẹ, chiều tối mịt mới về nhà nên anh không có bạn bè. Chúng tôi chỉ gật đầu chào anh mỗi khi chạm mặt thôi. Chẳng có mấy khi chuyện trò. Do vậy, chúng tôi gần như không biết một chút gì về đời riêng tư của hai mẹ con bà Năm.Trong cái danh sách dài tiểu sử dân làng của xóm: nhà ông A, nhà bà B... chúng tôi đều thuộc lòng từng chi tiết. Nhưng đến nhà bà Năm thì chỉ vỏn vẹn có một dòng: - Bà Năm giá chồng, sống với đứa con trai tên Thẹo! Chấm hết. Bà Năm là người gốc tỉnh nào, chồng bà trước kia là ai, làm cái gì thì không ai biết. Suốt thời gian bà ở xóm tôi cho đến lúc chết, bà sống rất đều đặn như cái đồng hồ. Sáng sớm hai mẹ con đi ra chợ, chiều đỏ đèn mới về nhà, lụi hụi cơm nước, rồi sụp cửa liếp, tắt đèn đi ngủ. Bà không giao tiếp với ai nên chẳng có gì rầy rà với xóm, làng. Mấy bà rỗi việc hay tò mò, tọc mạch chuyện người khác cũng chịu thua, không kiếm được câu chuyện làm quà nào về bà Năm để đàm tiếu trong chuyện "thời sự" hằng ngày, trong lúc chờ chồng đi mành về.Bỗng một hôm, nhà bà Năm có thêm một người đàn ông về sống chung. Người đàn ông này lại là người Hời. Thật là một biến cố lớn trong xóm tôi. Tiếng sấm sét ngày mưa dông tháng năm chưa chắc đã nổ to và vang rền trong xóm tôi bằng cái tin: Bà Năm Thẹo lấy Hời!Mấy bà nhọn mỏ mừng rơn như mành trúng "khẳm". Bây giờ thì tha hồ mà thêu dệt hàng trăm câu chuyện bí ẩn, ly kỳ, rùng rợn về bà Năm.Thuở ấy, người Chàm từ Phan Rí, Phan Rang thường hay mang đồ gốm ra Nha Trang bán. Hàng của họ gồm những cái vò, cái nồi, cái trách, ông lò, ông Táo... bằng đất nung. Họ làm rất khéo, rất mỏng mà bền hơn đồ gốm mang từ Sài Gòn ra, dầy hơn, nặng hơn mà lại dễ bị nứt. Đồ gốm của họ không biết nung như thế nào và phun chất gì mà trên mặt gốm có những chấm tròn to nhỏ lốm đốm màu nâu đen trông như mặt người tàn nhang. Đa số người xóm tôi thích dùng gốm Chàm hơn gốm Sài Gòn. Có điều lạ là họ không kêu những người này là Chàm mà là Hời. Cái tiếng Hời nghe đầy vẻ linh thiêng, thần bí. Liên tưởng tới chuyện mả Hời, tháp Hời có hồn người chết canh giữ của.Ngoài đồ gốm ra, người Hời còn bán thuốc Nam. Những rễ cây, cành lá bằm nhỏ phơi khô, xao vàng, họ chất đầy trong "cái nừng", đội trên đầu, đi khắp các làng, các xóm để bán. " Nừng" đan bằng cật tre, vuông vức, mỗi bề chừng hai gang tay, cao chừng ba gang tay, trên có nắp đậy cũng bằng tre đan. Dưới đáy nừng có hai thanh tre dầy, bắt chéo bốn góc để bảo vệ nừng khỏi bị mòn khi lôi tới, kéo lui hàng ngày. Nừng được sơn bóng bằng dầu rái chống ướt. Họ đi từng nhóm năm, bảy người. Họ ăn mặc giống nhau. Đàn ông cũng như đàn bà đều mặc áo váy chùng màu đen, dài tận mắc cá chân. Đầu vấn khăn để đội "nừng". Họ đi hàng một rất thong thả. Cái nừng lắc lư trên đầu theo nhịp bước mà rất vững vàng không nghiêng hoặc rớt.Chúng tôi rất sợ họ vì những câu truyện mả Hời chôn người sống theo để làm ma giữ của và nhất là chuyện ếm bùa ghe mành của họ đã ăn sâu vào trong trí từ thuở nhỏ. Chúng tôi được người lớn dặn dò là đừng cho họ nắm tay. Ai bị họ nắm tay là người đó đã bị thư bùa trong bụng rồi.Có một nhóm người Hời chuyên ngồi sắp hàng cạnh tiệm sách Vĩnh An Thành, gần cây trụ điện và hai xe bán chè và nước đá bào nhận ly ở góc chợ Đầm, nơi chúng tôi thường ghé vô mua ăn.Bất cứ ai đi ngang, đám người đó, tay ngoắc lia lịa, miệng kêu rối rít, mời mua thuốc, giọng họ lơ lớ, không có dấu:- Nay ông, nay ba, vao đây mua thuôc đi, tui ban re cho! ( Này ông, này bà, vào đây mua thuốc đi, tui bán rẻ cho!)- Cai mat ong vang nhu the la dang binh do! Toi day tui bat mach cho khong ton tien dau, chi mua thuoc thoi. (Cái mặt ông vàng như thế là đang bịnh đó! Tới đây tui bắt mạch cho không tốn tiền đâu, chỉ mua thuốc thôi.)Ai mà bị họ nắm tay rồi thì rứt không ra. Họ làm đủ thứ, họ nói líu lo liên miên, khiến người gan dạ mấy cũng e dè, sợ sệt. Chừng phải mua xí cô hồn cho họ một gói rễ cây mấy đồng họ mới chịu buông tay ra cho. Người ta gọi họ là những ông Thầy Hời, những bà Thầy Hời. Không biết họ là Thầy gì? Có chữa được bệnh như họ nói không? Bất cứ bệnh nào, bất cứ ai, họ cũng gói cho mấy cái thứ rễ, lá đó cả. Nhưng chắc chắn những người được rước về xóm tôi đều là những Thầy ếm bùa.Mỗi lần mua sách vở hay mua ly đá nhận, chúng tôi phải đi vòng xa xa để khỏi bị nắm tay ếm bùa, thư ngải. Những lần họ đi xuống xóm tôi bán thuốc, trẻ con đi theo hàng đàn để coi cách đi của họ với cái nừng trên đầu lắc lư nhịp nhàng theo hai cánh tay đánh đòn xa. Nhưng không một đứa nào dám đến gần cả. Phải cách xa xa chừng năm thước. Khác với khi bu quanh ông Đỗ Khánh Du hát xiệc bán dầu cù là. Tôi không biết trong xóm tôi có ai đã từng mua thuốc của mấy ông, bà Thầy Hời này chưa? Nhưng xem ra ai ai cũng e ngại, tránh tiếp xúc với đám Thầy Hời này.Vậy mà đùng cái, bà Năm Thẹo lại lấy một lão Thầy Hời làm chồng!Một người hiền lành, quê mùa, ít giao thiệp như bà Năm ngày tối bận bịu với mấy cái rổ rau hành chanh ớt và thằng con bên cạnh sao lại bỗng dưng rước một lão Thầy Hời về nhà ăn chung, ở lộn. Đúng là bà bị lão Thầy Hời này bỏ bùa rồi!Bà vẫn sáng sáng cùng người con trai ra chợ. Lão Thầy Hời đội nừng đi bán thuốc. Chiều tối họ lại tụ về nhà. Trong nhà vẫn im hơi lặng tiếng. Người ta rình nghe bà Năm cùng lão Thầy Hời trò chuyện hoặc nghe anh Thẹo nói chuyện với dượng ghẻ để có thêm tin tức mới lạ về những câu truyện thần bí hoang đường họ đang thêu dệt dở dang chưa có hồi kết. Nhưng vô ích. Trong nhà vẫn im lặng như tờ, từ lúc về cho đến lúc tắt đèn đi ngủ.Không xuyên thủng được bức màn bí mật để khám phá được điều gì họ quay ra dùng chiến thuật bao vây và " cách không điểm huyệt". Họ giả bộ ngồi hóng mát, tập trung xế cửa nhà bà Năm, nói chuyện bao đồng, nhưng chủ ý nói khoé, nói cạnh, nói xa, nói gần về cái chuyện người mình thiếu gì không lấy, lại đi lấy Mọi, lấy Hời. Dưng không rước ba cái thứ Ma Hời về xóm để " dưỡng". Đây rồi cả xóm cũng có người bị nó bùa, nó ếm chết sình, chết sộp cho mà coi.Chiến dịch bao vây và ngón võ " cách sơn đả ngưu" kéo dài ngày này qua ngày khác theo kiểu "trường kỳ kháng chiến" coi vậy mà có kết quả khả quan. Chừng giáp một năm ở chung với mẹ con bà Năm, một ngày kia lão Thầy Hời đi bán thuốc như hàng ngày rồi đi luôn không thấy trở lại nữa.Người ta chờ coi phản ứng của bà Năm. Suốt cả tuần nôn nóng lom lom dòm chừng, hỏi nhau thầm thì, nhưng vẫn không một tin tức gì. Bà Năm vẫn im lặng như mọi ngày. Sáng sáng bà vẫn cùng con ra chợ. Thiệt là bực mình bực mẩy. Người gì đâu mà lạ! Làm thinh làm thế dẫn một thằng cha Hời về nhà ăn chung, ngủ lộn cả năm. Rồi thằng cha Hời bỏ đi cũng làm thinh, làm thế! Con mẹ Năm này bị bỏ bùa điên, bùa khùng, rồi bây giờ bị bùa câm nữa!Mấy bà nhọn miệng, lưỡi dài chung quanh xóm, mỗi người một câu, chu mỏ ra mỉa mai, hành tỏi sau lưng bà Năm cho hả giận. Cái giận âm ỉ không tìm ra kẻ hở bí mật của bà Năm.Thời gian cũng làm cho mọi chuyện phôi pha. Chừng ba tháng sau, mấy bà trong xóm cũng mỏi mệt với việc ngóng cổ chờ tin tức về lão Thầy Hời có còn tiếp diễn với bà Năm không. Tất cả chìm vào quên lãng.... Suốt cả tuần bà Năm không ra chợ được. Anh Thẹo thi thoảng hé liếp ra ngoài, đến quán Má tôi mua bánh kẹo. Tôi hỏi thăm, anh nói má anh bị bệnh cảm phải nằm nhà để dưỡng bệnh. Bà Năm nằm liệt giường cả tháng.Một buổi sáng, anh Thẹo vừa khóc lóc vừa chạy kiếm người tới nhà giúp anh chữa bệnh cho mẹ. Chừng đó mấy bà mới có dịp xồ vô nhà để coi bà Năm cho mãn nhãn.Bà Năm nằm thiêm tiếp trên chõng tre, sắc mặc vàng như giấy vàng mã. Tay chân chỉ còn da bọc xương. Duy cái bụng thì trương to đội cả cái áo bà ba tròn lên căng cứng. Bà không nói được nữa. Ánh mắt lờ đờ. Bàn tay yếu ớt chỉ về phía anh Thẹo ra điều muốn gửi gắm. Lát sau bà nhắm nghiền hai mắt lại, hơi thở yếu dần. Mấy bà tản ra thầm thì:- Cái bụng đó bị lão Thầy Hời ếm trứng gà ở trỏng rồi. To như vậy chắc gà con đã nở. Ít bữa nữa nó sẽ bay ra miệng cả bầy cho mà coi!- Dễ sợ như "dị" sao? Mà nó có bay vô nhà mình không?- Ai biết!Mấy bà không đợi lâu. Gà con chưa kịp nở như dự đoán. Tối hôm đó bà Năm chết. Giữa đêm khuya người ta nghe tiếng anh Thẹo khóc mẹ rấm rức ở trong chòi. Thỉnh thoảng anh rền rỉ:- Mẹ ơi! Mẹ! Mẹ đi rồi bỏ con lại cho ai!Hương bộ Phẩm quyên góp dân làng kẻ ít, người nhiều, mua chiếc chiếu bó làm áo quan cho bà Năm và vài xấp giấy vàng bạc, nhang đèn đưa bà qua cồn giữa chôn cất. Trên chiếc xuồng câu mượn của anh Lùng chở bà Năm, ngoài hai người trong làng Hương bộ Phẩm nhờ giúp tay, chỉ có anh Năm Thẹo ngồi bên bó chiếu mẹ khóc rắm rức, tay cầm cây đuốc bó bằng tre bện và dầu rái, cháy nổ lốp bốp, khói lẫn bụi hắc ín bay mịt mù. Thỉnh thoảng anh lại rải xuống nước mấy tờ vàng mã. Mấy cây đèn sáp trắng cắm quanh be ghe bị gió thổi tắt từ lâu. Dòng sông lạnh lùng trôi vật vờ mấy tờ vàng mã. Bà Năm chết đi thình lình, mang theo cả điều bí mật xuống lòng đất.Mấy bà đứng bên bờ sông nhìn theo chiếc xuồng, chép miệng than vãn tội nghiệp cho bà Năm, anh Thẹo và hết lời nguyền rủa thằng cha Thầy Hời ăn ở ác nhơn, ác đức. - Thiệt là cái thứ Mọi, thứ Hời vô hậu mà! Lấy người ta cả năm, rồi thư bùa, ếm ngải vô bụng người ta cho chết! Cái quân đó rồi cũng bị trời đánh tan thây như mẹ con thằng Lý Thông trong truyện Thạch Sanh chém chằng cho mà coi!Riêng tôi vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải:- Có phải bà Năm bị người chồng Hời thư bùa, ếm ngải không?- Hay là bà bị bệnh " cổ trướng" mà không có tiền đi bác sĩ chữa trị?- Nếu quả thật có chuyện bùa chú thì ông Thầy Hời phải trù ếm mấy bà nhọn mỏ, lưỡi dài mới phải chứ. Ai lại giận cá chém thớt, đi thư ếm vợ mình?- Tại sao thình lình ông Thầy Hời lại lặng lẽ bỏ đi sau một năm chung sống, đầu ấp tay gối với người đàn bà hết lòng thương yêu mình?- Hay cuộc tình duyên này cũng bị những kỳ thị khắc nghiệt xóm tôi giết chết như anh chị Lùng, chỉ còn có nước phải bỏ đi, để trở về với thế giới yên ổn của mình?Sau đó, anh Thẹo cũng bỏ đi mất. Cái chòi không ai ở. Sợ có ma Hời ẩn núp, mấy nhà xung quanh xúm nhau dở xuống, quăng hết ra biển.... Mấy năm sau, tình cờ tôi thấy anh Thẹo ngồi vá xe đạp ở ngã tư Lý thường Kiệt và Phan đình Phùng, sau lưng toà án Nha Trang. Kế bên mấy người đánh máy thuê. Bây giờ khách hàng gọi anh là anh Theo, anh Năm Theo, không có dấu nặng. Anh khéo tay và tận tâm nên rất đắt khách. Có lần tôi mang xe lên cho anh lật sên và rút căm. Ngồi lâu, xem anh làm, tôi nhẩn nha hỏi anh về chuyện năm xưa. Anh không còn nhớ gì nhiều và cũng không biết chuyện tình giữa mẹ anh với ông Thầy Hời đó ra sao. Anh không biết thật hay anh không muốn nói về chuyện đau buồn của mẹ anh? Tôi cũng không tiện hỏi thêm. Nhưng tôi vẫn cứ thắc mắc hoài cái chuyện bùa chú ngải Hời!Quả thật người Hời có nhiều Thầy giỏi bùa chú như thế sao ngày xưa không dùng nó để thư ếm chết kẻ thù để giữ nước mà lại để cho mất nước.Ngày nay, cả một dân tộc Chiêm Thành hùng cường xưa, chỉ còn sót lại một nhúm người mà phải tan tác khắp nơi. Mỗi năm lại quần tụ về đôi lần dưới mấy ngọn tháp đổ nát, rêu phong ở Phan Rang, Phan Rí để tế lễ và hát lên những điệu bi ai, than khóc cho hận Đồ Bàn!Liệu những người Chàm hôm nay còn có mấy ai nhớ đến lịch sử oai hùng của họ có một vị vua là Chế Bồng Nga đã một thời oanh oanh, liệt liệt, buộc vua nước Nam phải cống dâng Công Chúa Huyền Trân cho y để cầu hòa?Ngải HờiHơn một tháng nay, mành Thường cứ đi không, về không. Lưới khô! Trong khi ấy thì các mành trong xóm ai nấy đều khẳm. Mành Si thì trúng cá cơm. "Nậu" đong cá mỏi tay. Phải kể hằng ngàn "kiệu"°. Bán ra chợ không hết phải kêu "nhà thùng" Xã Thanh, bán " trụm" để muối mắm. Mành Bông, mành Diệu thì cũng trúng cá nục. Rổi gánh cá chạy sạt đùi lên các chợ Đầm, Xóm Mới, Phường Củi, Mã Vồng... bán không kịp đếm tiền. Rồi nhà quê xuống chở cá về đầy ứ các xe, ngựa phải quất mấy roi, người xà ích phải nhẩy xuống đẩy phụ, xe mới lăn bánh được. Mành Giỏi trúng cá sơn lút be. Cá sơn đỏ, tươi roi rói, nấu canh chua bạc hà, lá me non, kho khô keo ăn cháo... ai cũng thèm. Rổi bán chạy còn hơn tôm tươi.Cả chợ đỏ au màu cá sơn. Ai ai cũng chen mua sớm một mớ, cho tươi. Thấy bắt ham. Chiều lại, lái phụ, bạn nghề, qua lồ tụ lại trước sân nhà "nậu" chờ chia tiền, cười nói ồn ào, vui vẻ.Đối diện với nhà Bác Hai Si, là nhà Sáu Thường. Mành Si náo nhiệt bấy nhiêu thì mành Thường tiêu điều, buồn bã bấy nhiêu. Cả tháng hơn chục con người đi mành Thường không có gạo nấu cho vợ con. Thậm chí, ra khơi kéo lưới cả buổi cũng không đủ cá cho một nồi canh để bạn ăn. Đành ăn dặm muối ớt. Chưa lần nào đi biển mà phải ăn cơm với muối thê thảm như vậy.Sáu Thường buồn lắm, hận lắm. Ngày nào cũng phải chứng kiến cảnh mấy mành kia về bến, ghe nào cũng khẳm mà mành mình thì nhẹ tênh. Tại làm sao vậy?Tại "lái phụ" mình dở không đón được con nước? Hay tại mấy thằng bạn nghề bơi đi coi cá không rành? Sáu Thường nghĩ lung lắm! Câu hỏi nào vừa đặt ra đều bị gạt đi hết. Bởi đổ thừa cho " lái phụ" hay bạn nghề thì oan cho họ. Vì mành Si, mành Diệu cũng giăng lưới cách đó chừng năm trăm thước, sao lại trúng? Mà ngày nào cũng trúng! Còn chà mình cũng thả gần chà mành Giỏi, sao chà mành Giỏi cá bu đen cả nước, mà chà mình thì trống trơn!Suy đi nghĩ lại, Sáu Thường loé lên trong đầu một nghi ngờ ghê gớm. Tối đó Sáu Thường thầm thì với vợ:- Mành mình bị người ta mướn Thầy Hời ếm ngải rồi! Chắc chắn không chạy đàng trời!- Sao ông dám chắc! Vợ Sáu Thường dớn dác hỏi lại.- Để tui thử thì biết liền hà!Tối hôm đó, Sáu Thường huy động người trong mành đi xuống ghe ngủ sớm để lấy sức. Mới ba giờ khuya, Sáu Thường đánh thức mọi người dậy, nhẹ nhàng chèo ghe ra cửa biển. Thường lệ thì sao mai sắp mọc, thuyền mới ra khơi.Thuyền ra đến cửa gặp gió đất liền thổi ra pheo pheo, lái phụ cho dong hết buồm chính, buồm phụ. Thuyền lướt vun vút trên mặt biển phẳng như tờ, không một gợn sóng. Chưa tới năm giờ, trời còn đầy sao, thuyền đã tới nơi thả chà. Hai bạn nghề ôm hai ống tre bới quanh chà coi cá. Chà im ru, không một tiếng cá reo. Ban đêm biển đen như mực. Chỉ thấy ánh lân tinh dưới nước lấp loáng to hay nhỏ, nghe tiếng cá reo lách tách, ồn ả bên dưới, có thể đoán được số lượng đàn cá nhiều ít bao nhiêu. Hai người bạn nghề bơi quanh một vòng chà rồi trở lại ghe. Cả hai còn nằm dưới nước, đều dơ cánh tay lên, năm ngón tay quay qua, quay lại ra dấu không có cá. Sáu Thường ra hiệu hai người lên ghe. Ghe trực chỉ tới chà mành Giỏi. Sáu Thường quyết định đánh trộm chà mành Giỏi.Làm nghề biển, đánh trộm chà của người khác là điều tối kỵ. Chà thả cá, mành nào cũng đều làm giống nhau. Cũng lá dừa nước, cũng dây rừng, thêm dây mây, đá dằn... Kích thước có thể to nhỏ nhích hơn nhau đôi chút. Nhưng khi thả giữa biển mênh mông thì làm sao có thể phân biệt được cái nào là của ai? Để tránh lầm lẫn, mỗi chà đều có dấu hiệu riêng của mình để nhận dạng. Mành Si thì có lá cờ đuôi nheo nhỏ màu trắng phất phơ ở trên. Mành Thường thì cờ màu đỏ. Mành Bông thì cờ màu vàng... Nhưng khi chà bị mành khác đánh trộm thì làm sao mà biết được? Dĩ nhiên mỗi chà đều có ám hiệu riêng của mình. Đó là điều bí mật chỉ có "lái phụ" biết mà thôi. Sáu Thường quyết định đánh trộm chà của mành Giỏi mục đích không phải để trộm cá mà là để thử bài toán cuối cùng cho sự nghi ngờ của mình có đúng một trăm phần trăm không! Ráng trời vừa ưng ửng thì ghe cách chà mành Giỏi chừng trăm thước. Sáu Thường cho ghe dừng lại, hạ lệnh hai người đi dò cá. Cá đứng hóng bóng chà đen đặc. Một mặt Sáu Thường ra lệnh "nhổ đỏi"° chà, một mặt hối bạn vừa chèo ghe, vừa giăng lưới bao chà. Tất cả mọi người đều ra tay nhanh nhẹn, gọn gàng. Mọi người trên ghe đều biết " đi ăn trộm phải đánh nhanh, rút lẹ" để phi tang. ... Chà vừa di chuyển ra khỏi vòng lưới bao là Sáu Thường hô to: " Nhổ "! Mười bạn nghề lực lưỡng ra sức tóm lưới, nhổ đảy°. Đảy được kéo lên ghe, nhẹ tênh. Đổ ra khoang, cá lớn, cá bé chưa đầy một kiệu. Ai nấy đều ngạc nhiên, ngơ ngác nhìn nhau. Rõ ràng hồi nãy, đang lúc kéo lưới, ai cũng trông rõ cá chạy đặc lềnh nước mà. Sao bây giờ lại lưới không! Vậy cá chạy đi đâu? Làm thế nào mà chúng có thể biến mất một cách lạ lùng như vậy? Đúng là mành bị bùa Hời ếm rồi!Sáu Thường đổ người thụp xuống sàn ghe, thở hắt ra. Bài toán thử đã chứng nghiệm sự hoài nghi cả tháng nay là đúng. Nhưng ai là kẻ mướn Hời ếm ghe mình? Hình ảnh những kẻ tình nghi chạy lướt qua đầu Sáu Thường. Ai cũng có thể là kẻ đáng ngờ cả. Nhưng phải tìm cho ra chính kẻ này mới là điều khó. Hồi lâu, Sáu Thường mới chán nản bảo người đem chà cột lại y như cũ. Rồi quay ghe về bến. Ghe chạy chừng nửa cây số thì gặp mành Giỏi đang phăng phăng chạy ngược ra.- "Thế nào cũng có phong ba bão táp nổi lên rồi đây!" Sáu Thường lẩm bẩm một mình.Ngày hôm sau mọi người trên bến cá chứng kiến cảnh nhà Sáu Thường và nhà Ba Giỏi, bốn người đàn bà, thi nhau chửi bới, nguyền rủa bâng quơ không chỉ đích danh ai nhưng ai cũng biết là họ đang nguyền rủa lẫn nhau. Chị Thường mẹ và con Thường con, mỗi người cầm một cái rổ cảo, trong đựng đầy mảnh chai bể, vừa xóc, vừa sàng, vừa kêu tên hết thảy các vị thần linh dưới nước từ Hà Bá, Long Vương, Ngũ Vị Chàng Năm cho chí cá xà, cá mập, cá Đao hầu Ông, cá ép hộ vệ Ông hiển hiện lên, mà bẻ họng, bóp hầu quân nào đã ác tâm mướn Thầy Hời ếm ghe mình. Phía bên kia, mẹ con bà Ba Giỏi, mỗi người cầm một con dao bầu chặt cá và một tấm thớt, tay bằm dao vào thớt, miệng cũng rủa nộp quân nào, thứ nào đã đánh chà trộm của tao sáng hôm qua, cho ghe nó chìm, cho cá xà, cá mập đản° nó làm ba, làm bảy khúc.Giữa tiếng ồn ào náo nhiệt bán mua trên bến cá, kẻ lên người xuống bến, kẻ gánh người bưng, hối hả vội vàng bương bương ra chợ, tiếng con nít ơi ới gọi nhau ăn hàng quà vặt trên mấy chục gánh hàng quà ngồi dàn hàng ngang dọc theo bến, vẫn không át nổi tiếng oang oang chửi bới nguyền rủa cuả hai nhà Sáu Thường và Ba Giỏi. Họ đứng đó cùng nhau hợp ca bài "tẩu mã" hằng giờ mà không thấy khản giọng, hụt hơi. Càng ca càng khoẻ người, tuy hai bè không ăn ý với nhau và không cùng chung một điệu. Cuộc chiến kéo dài suốt một tuần, bất phân thắng bại. Chỉ có người chung quanh là bị thiệt thòi. Họ bị nghe cả hai bên chửi. Ban đầu cũng thấy gây cấn vui vui. Cũng ngóng cổ lên nghe. Cũng chu mỏ ra phê phán, xì bên này, xịt bên kia. - "Không có lửa sao có khói", "Không bắt được tay, dây được cánh mà rủa nộp người ta thì cũng mang tội" v.v... Đến ngày thứ ba thì hầu hết mọi người không chú ý nữa. Họ lo chuyện mua bán cho xong rồi về nhà. Hai đạo quân chửi nhau đến khi nắng lên cao, mồ hôi, mồ kê đổ ra đầy mặt, nhìn quanh không thấy thính giả và cổ động viên hoan hô đả đảo theo mình như mọi bữa nữa cũng đâm ra chán cũng rút lui về nhà nghỉ ngơi, chờ hôm sau tái chiến.Trong khi ấy Sáu Thường lẳng lặng tuốt vô Phan Rí cửa, hỏi thăm kiếm cho được một Thầy Hời cao tay ấn, rước về bằng mọi giá để xở bùa cho ghe mình. Ba hôm sau, người ta thấy Sáu Thường về với một ông Thầy Hời. Ăn ở nhà Sáu Thường ba ngày, mỗi ngày ba lần, Thầy Hời xuống mành của Sáu Thường làm phép trấn bùa thiêng, đuổi con ma đã ám ghe đi chỗ khác.Trong lúc Thầy Hời "cúng giàn" trên ghe Sáu Thường thì các ghe khác dạt ra xa, không dám đậu gần và cắt người canh giữ. Kẻo không, Thầy Hời sẽ ném bùa hay đẩy con ma qua ghe mình để trả thù cho Sáu Thường thì cũng chết. Không biết Thầy cao đạo hay đến hồi vận may trở lại, mành Sáu Thường sau đó cũng trúng liên tiếp như các mành khác. Vợ con Sáu Thường hễ hả ra mặt. Bạn mành, qua lồ ghe Sáu Thường cũng vui mừng hớn hở đã có rủng rỉnh tiền cho vợ con gia đình tiêu xài như mọi nhà.Tiếng Thầy Hời ếm bùa rồi xở bùa linh nghiệm đồn râm ran khắp nơi. Từ đó, trong làng ai ai cũng e dè tiếp xúc với người Chàm, bất kể người đó đi bán đồ gốm hay bán thuốc Nam. Dưới mắt dân xóm tôi, người Hời ai cũng có thể là Thầy Mo có phép ếm chết người được. Những người Chàm khi đi xuống xóm tôi mua bán, mỗi khi đến ghe nào mua cá thì chưa kịp nói hết câu, "lái phụ" đã lật đật sai bạn mành đưa biếu họ vài con để lấy lòng và mong họ đi mau mau cho rồi, tránh khỏi vướng vào cái "đồ hung của dữ". Vô tình, người Chàm mang tiếng là ác nhơn thất đức. Oan thay cho họ.Ai sẽ là người giải oan cho họ đây?Và câu hỏi tôi cứ thắc mắc hơn nửa thế kỷ nay vẫn chưa có lời giải đáp:- Quả thật có chuyện bùa ngải ếm ghe, thư người không?Chỉ biết chắc một điều: tháng tư năm bảy lăm, một đạo bùa viết bằng chữ quốc ngữ trên giấy trắng, phía dưới có đóng con dấu đỏ lòm đã thổi bay cả người, lẫn ghe mành, ghe câu, thuyền chài. Và cả cái xóm nhỏ của tôi, đã tồn tại hơn trăm năm, nay cũng bị mất hút trong bản đồ thành phố.Chỉ còn vẳng lại tiếng khóc áo não, thê lương phảng phất đâu đây. Nguyễn Thanh Ty