Saigon Trường Ca

Sàigòn trường ca
1.-
  Em thuở ấy còn hoa phong nhụy
Trên bản đồ địa lý giáo khoa thư
Rất thật thà và cũng rất ngu ngơ
Anh mực tím vẽ giấc mơ viễn xứ
Giấy trắng học trò viết tên em đầy vở
Viết đầy hồn tuổi nhỏ của anh xưa
Chuyến tầu vô Nam còi thét trong mơ
Nên ga bến chỉ đợi chờ tưởng tượng
Thế đã đủ làm anh sung sướng
Đủ làm anh chiêm ngưỡng em rồi
Hỡi Sài gòn xa lạ của anh ơi
Anh thầm gọi khi đất trời hiu quạnh
Nuốt miếng nắng vàng lòng thôi mưa lạnh
Và thèm bay như đôi cánh hạc hồng
Đêm sách đèn chữ nghĩa chạy lung tung
Ngày trường lớp cũng uổng công thầy dậy
Cái bảng đen mịt mù sao anh thấy
Xa nơi anh lộng lẫy một Sài gòn
Một Sài gòn tươi mát ngọt ngon
Đang vẫy gọi lời mật ong say đắm
Bước chân đời hiền ngoan nhưng chậm lắm
Anh theo nhanh mà vẫn cứ dại khờ
Sài gòn ơi, biết đến bao giờ
Anh khôn lớn để ước mơ đầy tuổi
 
 
2.-
 
 
Năm anh mười chín
Đường hoa xưa lầy lội
Quê nhà anh cằn cỗi thê lương
Như chim hạc hồng anh vội trốn mùa đông
Đôi cánh mỏng trĩu cong tâm sự
Tổ quốc mình còn ho lao quá khứ
Đã ung thư một hiện tại qua phân
Anh đến cùng em, anh đến thật gần
Với lòng anh bản đời ngµy xưa vẽ dở
Em nắng vàng xoài, mưa xanh vú sữa
Nỗi sầu riêng hồn anh lịm cơn mê
Sông miền Nam chẳng ai thích ngăn đê
Nên tình cảm mênh mông biển nước
Sài gòn em là mộng ước
Em áo bà ba đơn sơ và em giọng nói thiệt mùi
Em chân tình và em tha thiết quá em ơi
Xao xuyến ù ơ, bồi hồi vọng cổ
Em cho anh hơi thở
Cho anh niềm tin xây dựng tương lai
Em cho anh cả đất lẫn trời
Cả nắng thi ca, cả mưa tiểu thuyết
Em cho anh đếm làm sao hết
Đời yên vui nhờ liếp ấm em che
Đời yên vui nhờ một chốn lui về
Anh thấy rõ ngọn đèn soi cuộc sống
Phóng tầm mắt anh nhìn xa trông rộng
Thế giới ơi, tôi kiêu hãnh có Sài gòn.
Nếu phải lìa em, anh sẽ mỏi mòn
Anh sẽ giối giăng đọc tên em từng hàng cây, con phố
Theo bước chân người anh rày đây mai đó
Mỗi chia ly mỗi gần gũi em hơn
Mỗi chia ly mỗi thơm ngát nỗi buồn
Anh mới hiểu
Sài gòn trái tim anh, tim đất nước
Anh mới hiểu
Tại sao mình yêu tổ quốc
Và tại sao mình yêu dấu Sài gòn
Em cho anh nhiều, em nhớ nổi không
Tiếng hát thê lương, điệu ru kỷ niệm
Em cho anh no tròn sự nghiệp
Để anh đi làm đẹp cuộc đời
Sài gòn
Tên em trên những vệt son môi
trong ánh mắt và trong hơi thở
trong hạnh phúc và trong đau khổ
ở tuổi non và ở tuổi già
ở xuân hồng sắp sang và thu biếc đã qua
ở hôm nay anh sống và ngày mai anh chết
ở ngàn dặm kẻ chân mây mù mịt
ở tấc gang người cuối phố đầu phường
ở sớm công viên ngọn cỏ ngậm sương
ở chiều bùng binh đèn mầu phô sắc
ở bình minh nụ cười
ở hoàng hôn nước mắt
ở chốn ngoài ta
ở cõi vô thường
ở nghẹn ngào vết chém thê lương
của lịch sử trăm năm phản bội
của lịch sử làm nên bởi những tên gian dối
những tên bù nhìn yêu nước độc quyền
những tên tay sai tráo trở đảo điên
Em ngự đền đài, em là đà huyệt mộ
ở mọi nơi vì em là thành phố
Là chứng nhân và là cả nạn nhân
Anh yêu em muốn cắn nát vai trần
 
 
19 giờ 30. Thành phố lên đèn. Đèn phố giúp tôi nhìn rõ một thay đổi mới của Sài gòn, 9 tiếng đồng hồ sau lệnh đầu hàng. Sự sang trọng của Sài gòn đã vội vàng dấu biến. Dân chúng ra đường ăn mặc tiều tụy. Đàn bà, con gái không áo dài, không son phấn, không sơn móng tay hoặc là đã rửa móng tay sơn. Nhiều bà, nhiều cô sợ hãi móng tay dài nhọn hoắt là lười biếng lao động, sẽ bị dùng kìm rút đi, đã nhanh nhẹn cắt móng tay. Đàn ông con trai, áo bỏ ngoài quần, lê giép Nhật made in Chợ Lớn. Xe Honda hết lạng bay bướm. Xe đạp chạy êm đềm. Khu Tân Định nhẫy nhụa những bài ca cách mạng tiết ra từ những cái loa gắn chung quanh chợ. Nhưng mà những kẻ gây khí thế cách mạng ồn ào, những kẻ cách mạng hơn cách mạng, vẫn chỉ là cỏ đuôi chó và sư đoàn 304. Rất lẹ, cỏ đuôi chó đã kết hợp thành những đội ngũ vác cờ, mang khẩu hiệu diễn hành.
- Long, Long....
Tôi ngó vào tiệm mì cạnh rạp Kinh Thành. Người vừa gọi tên cúng cơm của tôi là Thế Phong, tác giả Nửa đường đi xuống, một trong những phản đồ của Văn Nghệ chủ quan viễn kiến môn phái Nguyễn Đức Quỳnh. Thế Phong vẫy tay ra dáng bí mật. Tôi bước vô tiệm.
- May còn tiệm chú Ba mở cửa. Thế Phong nói.
Tôi ngồi xuống ghê. Thế Phong mời mọc:
- Ăn một tô nhé?
Tôi gật đầu. Cần thiết ăn một tô mì vịt trước khi bị ném vào biển máu. Tôi cũng thấm đói rồi.
- Mày không lọt lưới à? Mỹ bỏ rơi à?
- Ừ. Còn mày?
- Xêm xêm. Tao "đào ngữ' từ đêm qua. Tụi nó pháo kích khiếp quá, không vào "sở" được.
Trung sĩ văn nghệ không quân Thế Phong vẫn thích khôi hài. Tác giả Tôi đi dân vệ Mỹ nhấp ngụm bia:
- Mày đi đâu qua đây?.
- Xem Sài gòn đổi cờ và định ghé mua rượu về uống đợi chết.
- Không chết đâu.
-Tại sao?
- Không có biển máu nhưng chúng ta sẽ chết dần chết mòn, chết như cây cỏ, chết chẳng ai thèm biết.
- Nửa đường đi xuống!
- Đi xuống địa ngục.
- Vậy đó. Bố Quỳnh đã không sai.
- Nhưng mày thì là phản đồ Văn Nghệ chủ quan viễn kiến.
- Đồng ý. Bố Quỳnh đã tiên đoán Sài gòn sẽ bị đổi thành Hochiminhgrad.
-Tao cũng tiên đoán, sau ông Quỳnh.
-Trong Sa mạc tuổi trẻ?
- Đúng. Tao đã viết, rồi sẽ có ngày, bừng mắt dậy, chúng ta thấy cờ đỏ sao vàng treo trên nóc Việt Nam quốc tự, trên nóc chùa ấn Quang, trên nóc Hạ Viện, trên nóc nhà thờ Đức Bà...
-Tiếc rằng ông Quỳnh không còn sống.
 
Nguyễn Đức Quỳnh, nhà văn, nhà lập thuyết, kiện tướng của nhóm Hàn Thuyên, đồng chí đệ tứ quốc tế của Trương Tửu. Cuộc đời bôn ba hải ngoại của ông không thua gì Hồ Chí Minh. Kiến thức của ông thì Hồ Chí Minh khó mà sánh nổi. Nhưng ông là con người thiếu may mắn với lịch sử. Rốt cuộc, tác giả những Thằng Kình, Thằng cu So, Con Phượng cam đành sống những ngày còn lại ở miền Nam với bút hiệu Hoài Đồng Vọng và lập Đàm trường chủ trương nền văn nghệ chủ quan viễn kiến. Những khuôn mặt văn nghệ lớn của hai mươi năm văn nghệ Sài gòn đều đã ghé Đàm trường. ông có thiện ý giúp những người văn nghệ trẻ tiến xa. Và ông đã cho họ mang hia bẩy dặm. Thế Phong là người được ông ví như Marxime Gorki. Đáng lẽ, Thế Phong phải kiên nhẫn học hỏi và cố gắng sáng tạo cho bằng Gorki. Thì anh ta lại đem cái kỳ vọng của Nguyễn Đức Quỳnh nơi anh ta làm một sự tự mãn. Anh ta công kích vung vít. Cuối cùng, anh ta công kích luôn cả ông Nguyễn Đức Quỳnh.
- Bây giờ mày mới thương ông Quỳnh?
Thế Phong gật đầu, đôi mắt chớp nhanh:
- Tài của tao bất cập ý ông ấy. Ông Quỳnh là phù thủy cự phách mà tạo chỉ là âm binh hạng tồi. Tất cả bị tẩu hỏa nhập ma.
-Trừ một tên.
- Đứa nào.
- Lý Đại Nguyên.
- A, đúng đấy. Nó khá đủ mọi nghĩa, mọi mặt.
Thế Phong nằng nặc đòi trả tiền mì, tiền bia. Lúc chia tay tôi, anh ta nói một câu buồn bã:
- Tao và mày không biết thằng nào về đất trước. Vậy vĩnh biệt mày, Duyên Anh?
Dứt câu, Thế Phong bước nhanh. Anh ta khuất vào đám đông hoan hô giải phóng. Tưởng chừng người bạn văn nghệ của tôi đi vào cõi chết, tôi nghe lòng tôi những tiếng rạn nứt hãi hùng. Đứng ngẩn ngơ cả mấy phút tôi mới lết đi. Tôi đi đâu trong nỗi khôn cùng tịch mịch của đất nước tôi? Thế mà tôi vẫn cứ đi, tôi cứ đi. Đường phố đã đông nghẹt người. Xe cộ không chạy nổi. Người và cờ. Tự nhiên, trời lất phất mưa. Tôi chợt nhớ mấy câu thơ của Trần Dần:
 
Tôi đi không thấy phố, thấy nhà
chỉ thấy mưa sa
trên nền cờ đỏ
 
Mấy câu thơ này rất hợp với tâm trạng của tôi chiều 30 tháng 4. Tôi đi, không thấy gì cả, ngoài cờ đỏ sao vàng, cờ trên đỏ dưới xanh giữa sao vàng dưới ánh đèn hiu hắt và trong bụi mưa ảm đạm. Tôi đi, không nghe thấy gì cả, ngoài tiếng hoan hô cách mạng điên cuồng. Tôi đi giữa cảnh đổi đời oan nghiệt. Ai đã đi như tôi? Ai đã thấy như tôi? Ai đã nghe như tôi? N style='height:10px;'>
Em gọi ta về xao xuyến dạt dào
Em có hiểu vì sao ta ở lại
Em có hiểu vì sao ta đóng đinh chịu tội
Sài gòn ơi, nay mới thật yêu em
Xưa đã yêu rất mướt rất mềm
Đã tha thiết chỉ gọi là tha thiết
Chưa cuồng điên, dại rồ, mãnh liệt
Vẫn ngỡ tình yêu khói nắng mơ hồ
Vẫn tưởng tình yêu bọt nước hư vô
Nên mới có bây giờ ta sám hối
 
Ta tình nguyện lưu đầy chuộc lỗi
Bởi mãi rong chơi nên đánh mất Sài gòn
Bởi trót lơ là làm héo đóa môi son
Làm suối lệ thành đại dương nước mắt
Hạnh phúc trong tay ta vừa vuột mất
Em gọi ta về hiu hắt dặm đường xa
Ta những chàng trai của Sài gòn mở hội hôm qua
Của hôm nay đề lao, tập trung lao cải
Của Sơn La, Lai Châu, Lào Kay, Yên Bái
Của Ninh Bình, Vĩnh Phú, Gia Trung
Của Kàtum, Thanh Nghệ, Phước Long
Của Trảng Lớn, Vườn Đào, Đồng Tháp
Của Chí Hòa, Hàm Tân, Sa ác
Của Gia Rai, Xuyên Mộc, vân vân
Hỡi Sài gòn, người tình chói lọi chân dung
Em gắng đợi ta về trong nỗi nhớ
 
 
6.-
 
 
Anh hỏi trời cao
Trời cao hớn hở
Anh chỉ đất thấp
Đất thấp mặn nồng
Có tình yêu, hạnh phúc nào già không
Trời đất nói hạnh phúc, tình yêu nghìn năm son trẻ
Và thành phố anh yêu cũng nghìn năm như thế
Sài gòn ơi, em trẻ mãi chẳng già
Anh sẽ về thắp sáng ngọn đèn xưa
Vẽ lại chân dung em
bản đồ giáo khoa thư địa lý
Viết tên em Sài gòn hoa phong nhụy
Sài gòn tình thơ anh
Sài gòn ấu thơ anh
Sài gòn mưa tâm tư
Sài gòn nắng tâm tình
Sài gòn mênh mông
Sài gòn vời vợi
Sài gòn rất tươi
Sài gòn thật mới
Thế giới ơi, tôi không mất Sài gòn
 
  (Sa Ác, 30-4-1979)