Chương 12

23 giờ 20. Khí thế cách mạng tăng cường độ. Nhân dân chuẩn bị mít tinh, biểu tình sáng mai từ đêm nay. Đường phố đã nghẹt người, tiếng loa vẫn réo gọi nhân dân đừng quên bổn phận chào mừng cách mạng thành công. Chai rượu thứ hai của chúng tôi còn quá nửa. Tôi khó hiểu tại sao đêm nay tôi không say, dù mệt mỏi, dù ăn ít và uống quá nhiều. Bây giờ, tôi quyết định ra phố xem diễn tiến cách mạng 30-4-75 có giống cách mạng 19-8-45.
 
Phải thành thật nói rằng, hai mươi năm sống ở Sài gòn, tôi chưa hề thấy đêm nào Sài gòn cuồng nhiệt như đêm nay. Y hệt đêm 19-8-45 ở thị xã Thái Bình của tôi, năm tôi mười tuổi. Dân tộc Việt Nam luôn luôn khao khát cách mạng vì luôn luôn thèm khát hạnh phúc. Chúng ta đã lạm phát cách mạng, lạm phát chủ nghĩa. Mà chúng ta vẫn thiếu hạnh phúc, thứ hạnh phúc đơn sơ đủ làm con người gần gũi con người, đủ để tình tự kết đan tình tự. Khi con người bước gần biên giới của tuyệt vọng, nó sẽ thấy áng lên từ bên kia ánh sáng hy vọng. Bởi thế, cách mạng này hư đốn, chúng ta hy vọng cách mạng khác. Cách mạng khác hư đốn, chúng ta lại hy vọng cách mạng sắp xẩy ra. Nhân dân Sài gòn đang cuồng nhiệt đón chào cách mạng vô sản, sẽ nguội lạnh vài tháng sau. Có thể vài tuần sau. Tôi đoan quyết. Vì tôi đã kinh qua một lần cách mạng tháng 8. Cách mạng tháng 8 ở đêm 30-4 này còn khoác hào quang mười năm kháng chiến chống Pháp giành độc lập, được khoác thêm hào quang 20 năm chống Mỹ cứu nước.
 
Người ta không nhìn thấy thiên đường, dĩ nhiên. Người ta chỉ nhìn rõ trần gian, nơi người ta đang sống đọa đầy và, dù không biết địa ngục ra sao, người ta vẫn ví trần gian của người ta như địa ngục. Và người ta mơ ước thiên đường. Nếu thiên đường cộng sản, thiên đường xã hội chủ nghĩa miền Bắc Việt Nam được mặc khải như một thiên đường hoang lạnh, ở đó, con người bị tước đoạt quyền làm người, con người biến thành nô lệ thảm hại của thứ chủ nhân ông mới, điêu ngoa và bóc lột tận tình là Đảng, con người sống vô vọng trong đói khổ, ngu dốt, héo hắt, tàn tạ thì chẳng ai mơ ước thiên đường cả. Mặc khải một thiên đường bánh vẽ, đồng thời, phải hiện thực cái trần gian cho nó rực rỡ ý nghĩa làm người và no đầy hạnh phúc con người khao khát. Tiếc thay, cả hai điều đều không có. Và đó là tội ác của Mỹ và đám tướng lãnh thống trị cầy cáo. Kết quả là đêm nay, 30-4-75, dân Sài gòn như những con phù du dưới ánh đèn cực mạnh của chủ nghĩa cộng sản lạc hậu. Thiên đường cộng sản sẽ được người Sài gòn khám phá vào ngày mai. Nó sẽ rỗng tuếch, mốc meo, trơ trẽn, bịp bợm. Người ta sẽ ủ ê, cay đắng, não nề. Và người ta lại lặng thinh ôm ấp niềm hy vọng cách mạng mới. Rồi vẫn thế. Và nghìn năm dân tộc này sẽ tăm tối, sẽ chẳng biết hạnh phúc là cái gì! Thống trách gì đây? Chúng ta khan hiếm lãnh tụ lương thiện? Hay đất nước chúng ta chỉ có lãnh tụ bù nhìn, chỉ có lãnh tụ thích làm tôi mọi cho ngoại bang, chỉ có những thằng hề rẻ tiền múa may trò yêu nước bệ rạc?
 
Ánh sáng của đèn Mỹ trên những trụ đèn bằng cây Mỹ đem từ Mỹ sang đã soi rõ mầu cờ vô sản đêm Sài gòn đau thương. Tư bản và vô sản cần liên kết. Như môi và răng. Thiếu tư bản, vô sản mất đối tượng đấu tranh. Thiếu vô sản, tư bản hết chính nghĩa khai phóng tự do, dân chủ. Cho nên, tư bản không bao giờ muốn diệt vô sản và ngược lại. Hoa kỳ không thích hại Liên xô. Liên xô không thích hại Hoa kỳ. Cả hai kết hợp để hại các nước nhỏ chậm tiến. Nỗi thê lương nhất của thời đại, khốn nạn nhất của thời đại chúng ta là các nước nhỏ chậm tiến đã xâu xé nội bộ, nhân danh cả tư bản lẫn vô sản. Việt Nam là biểu tượng thê lương và khốn nạn. Hai mươi năm huynh đệ tương tàn để nghìn năm khó ngóc đầu dậy. Bao giờ mới lấp hết hố bom Mỹ? Bao giờ rừng mới hồi sinh tan thuốc khai quang Mỹ? Bao giờ mới trả nợ hết hỏa tiễn Liên xô? Bao giờ mới hết xuất khẩu nô lệ sang Sibérie, sang Đông âu? Không bao giờ cả. Những nước chậm tiến trên thế giới mãi mãi phải nghèo khổ. Để sáng danh chủ nghĩa vô sản. Và để sáng danh cả chủ nghĩa tư bản. Những nước chậm tiến trên thế giới lại mãi mãi cần phải có chiến tranh. Để Hoa kỳ và Liên xô đọ vũ khí mới. Thế thì ánh đèn tư bản soi rõ mầu cờ vô sản là chuyện đương nhiên. Liệu nó có soi sáng lương tri nhân loại? Liệu nó có soi sáng lương tri dân tộc Hoa kỳ?
 
  Tiếng loa phóng thanh "giải phóng" ý nghĩ của tôi, bắt tôi trở về thực tại. Ngày mai, 1-5, còn là ngày Lao Động quốc tế nữa. Người Mỹ đã chọn ngày lành tháng tốt để tặng cộng sản Việt Nam. Và bài hát rất xưa lại vang vọng đêm nay:
 
Ngoài kia lời non nước
đang nhắc ta
mau nhắc cao giống nòi
yêu mến muôn giống người
Ngoài kia công nhân ơi
quốc tế đang giơ tay đón chào bầy con đoàn kết
từng nhớ những phút chiến thắng
tiền phong đua tranh bao năm
lầm than đau thương trong khốn cùng
Giải phóng thống nhất đất nước
Việt Nam ra công chen vai
cùng thế giới mới sống chung
tranh đấu cuối cùng là đời sống
với giang sơn
công nhân Việt Nam chiến đấu
cùng sống tập đoàn toàn thế giới công khai
và kiến thiết xã hội ngày mai
Lúc đế quốc đang sắp tan rã dần
Ta tiền phong tiến tới
Sức chiến đấu đi xuống miền Đông Nam
Lúc đế quốc đã tàn...
 
Tham vọng của cộng sản Việt Nam là nuốt gọn các nước Đông Nam Á. Họ không ngần ngại bộc lộ tham vọng này. Sớm hay muộn thôi, cộng sản sẽ thôn tính Thái Lan, Mã Lai... "Tiền đồn chống cộng của Đông Nam á" đã bị san bằng. Cộng sản đã nuốt miền Nam, họ sẽ nuốt Đông Nam á. Có khi lại là điều hay. Bởi vì, lúc ấy, sự phản công của các nước Đông Nam á sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho người Việt Nam giải thoát quê hương mình khỏi ách cộng sản. Nhân loại rất nên nếm mùi cộng sản. Chưa nếm mùi cộng sản, nhân loại vẫn ham... làm dáng cộng sản và tưởng rằng cộng sản là đồ trang trí cho vui mắt đời sống. Bài hát Công nhân Việt Nam dạo đầu cho cuộc mít-tinh, biểu tình ngày mai, 1-5, vừa chào mừng cách mạng thành công vừa chào mừng Lao Động quốc tế thành công thật hợp tình, hợp cảnh. Đảng cộng sản Việt Nam vẫn núp trong áo Đảng Lao Động Việt Nam. Tôi muốn bài hát bay vút sang Thái Lan, Mã Lai, Tân Gia Ba... Nhưng nó tắt ngủm, nhường cho bài Đảng Lao Động Việt Nam.
 
Đảng Lao Động Việt Nam
Đảng của chúng ta
vì giai cấp cần lao
Đảng mưu giải phóng nước nhà
Đảng chúng ta là mặt trời
Hồ Chí Minh là mặt trời
dìu dắt cho muôn lớp người vùng lên...
 
Hai đứa tôi đến một góc phố. ở đây, một chị cán bộ giép râu được bảo vệ bởi thanh niên Cờ Đỏ đang "phổ biến" những bài ca ngợi Bác cho các em nhi đồng. Các em yêu cầu chị hát bài ca cách mạng. Chị cao giọng:
 
Như bao cô gái ở trên non
Cô gái sông Ba đầu búi tóc thon
Tay vót chông miệng hát không nghỉ
Như bao cô gái ở trên non
Như bao cô gái ở Tây Nguyên
Ai nhanh tay vót bằng tay em
Chim hót không hay bằng tiếng hát em
Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù
Xuyên thây quân cướp nào vô đây
xuyên thây quân cướp nào vô đây
Còn giặc Mỹ cọp beo
Khi còn giặc Mỹ cọp beo
Em chưa ngừng tay vót chông rào làng
Nhưng nay mai giặc chạy rồi
Tre rừng ta làm nhà làm chòi cao
Ê, chân ta đi chưa mỏi
Trời trong xanh
Em còn vót chông rào làng nữa
Ê quân xâm lăng nào vô đây
Chờ bọn bay
Diệt bọn bay...
 
Các em nhi đồng vỗ tay hoan hô. Chị cán bộ tuyên văn giáo dục tiếp các em nhi đồng Sài gòn những bài ngắn thù hận giặc Mỹ, thù hận đế quốc. Không có gì lạ cả. Tháng 7-1954, tôi đã thấy ở những góc phố thị xã quê hương tôi, các chị cán bộ tuyên văn giáo dục các em nhi đồng thù hận giặc Pháp, thù hận đế quốc, thù hận địa chủ, ca ngợi Bác Hồ, Bác Mao, ca ngợi Liên xô, Trung quốc Thù hận "trồng" từ 1954, tiếp tục "trồng" đến 1975, và vô tận, theo chủ trương "trồng người" của ông Hồ Chí Minh. Tôi biết, từ chập tối ở các góc phố, ở các khu phố, cán bộ tuyên truyền văn hóa của cộng sản đã tụ tập thiếu niên, nhi đồng để dạy những bài ca cách mạng cho rộn ràng cách mạng sáng mai. Về điểm này, cộng sản rất "nghề". Trẻ con mau thuộc bài và hăng say hát. Tôi chợt nghĩ thân phận tôi. Tôi quả là không khá. Riêng bài thơ Em bé của tôi đăng trên tạp chí Chỉ Đạo năm 1960 đã đủ gây hệ lụy cho tôi rồi.
 
Hôm nay em đi học
Mắt ngời ánh hào quang
Những vì sao mới mọc
Thắp lửa rực huy hoàng
Trang vỡ lòng thầy dậy
Đánh vẫn chữ Việt Nam
Con đi nước con đấy
Đẹp tự bốn nghìn năm
Tay mềm tô nét viết
Xanh mướt nghĩa yêu thương
Chao ơi là tha thiết
Mộng ước gửi ngàn phương
Tiếng em mùa xuân ấm
Bài quê hương loài người
Không biên thùy ngăn cấm
Không ai khóc cuộc đời
Và mãi hồn thơ ấy
Cây hạnh phúc muôn thu
Xin đừng ai nỡ dạy
Em tôi nói căm thù
Tôi đã chống chủ trương "trồng người" của ông Hồ Chí Minh, của cộng sản. Họ dạy tuổi thơ thù hận, tôi dạy tuổi thơ thương yêu. Cả đời tôi, tôi loay hoay giáo dục tuổi thơ không thù hận. Rốt cuộc, thù hận hai phía trút xuống đầu tôi. Cộng sản không tha, quốc gia không dung là vậy
Tôi muốn đi xa thêm. Nhưng chỗ nào cũng thế, Sài gòn đêm nay. Với cộng sản là rập khuôn. Một cảnh tượng là triệu cảnh tượng. Giống nhau như khuôn đúc. Một khẩu hiệu là triệu khẩu hiệu. Không được thiếu. Không được thừa. Những kẻ thiếu sáng tạo mà cứ đòi "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc" nghĩ thật buồn cười.
- Về chứ Long?
- Về thì về.
- Chẳng có gì khác hơn 19-8-1945.
- Giống hệt 1954.
- Thế mà nó thắng?
  Đặng Xuân Côn thở dài. "Thế mà nó thắng", bốn tiếng nghe sao não nùng, ai oán? Hai đứa tôi trở về nhà, tiếp tục cuộc rượu. "Cõi đời ngoảnh mặt quên xa tiếc", tôi không nghĩ gì chuyện ngoài phố, chuyện ngày mai nữa. "Ngày mai ra sao rồi hãy hay". Chúa Jésus đã dạy: "Ngày mai để cho ngày mai lo".
- Long ạ. Tao cho rằng nó đã thắng, nó không cần hủy diệt bọn nhà văn đâu.
- Ông không hiểu cộng sản. Và ông càng không hiểu hệ lụy văn chương. Văn chương nó gắn liền với tư tưởng. Con người làm văn chương tư tưởng sẽ chết nhưng văn chương tư tưởng của nó tồn tại và ảnh hưởng mãi mãi. Cộng sản không tha bất cứ nhà văn nào chống đối tư tưởng của họ, trừ bọn nhà văn huê tình, rỗng tuếch... Uống đi và đừng lo cho tôi. Tôi được sống với ông trọn hôm nay là đáng sống rồi. Nếu tôi phải ân hận là tôi chưa hề làm cho ông vui lần nào. ông hy sinh cho tôi đủ thứ mà tôi không biết nhường cho ông đứa con gái, hồi chúng ta ba đào ở Nhà Hát Tây.
- Quên chuyện ấy đi!
- Làm sao mà quên? Ông thất tình ngã xước máu chân! Tôi nên thanh thỏa chuyện này trước khi tôi chết hay là tôi quằn quại trong ngục tù.
- Mày sẽ gặp hư vô?
- Mong lắm.
 
Hai đứa tôi cụng ly. Tưởng chừng, ngày xưa còn bé, Vũ và Côn uống những ly xi-rô Grenadine thơm phức ở đầu cầu Bo. Chúng tôi chơi với nhau từ tiểu học trường Monguillot. Nhật đảo chính Pháp, có chúng tôi chứng kiến. Chúng tôi chứng kiến Nhật chặt đứt tay người Việt Nam đói khổ ăn cắp thóc nuôi ngựa Nhật. Chúng tôi chứng kiến Nhật treo dộng đầu người xuống, trên cây cao. Rồi chúng tôi đi đếm xác người chết đói, đi ăn mày cơm gạo cứu đói. Chúng tôi chứng kiến cách mạng 19-8. Ký ức của chúng tôi còn nguyên vẹn Tầu phù tước khí giới Nhật, tiêu thổ kháng chiến, chiến tranh, di cư... Và hôm nay, giải phóng Chúng tôi đã trải dài đời mình theo những biến cố chập chùng của đất nước. Đã hết chưa? Côn chưa muốn hết. Nó đã dựa lưng vào ghế, mắt lim dim ngủ, tay còn cầm ly rượu.
 
 
Tôi không biết danh sĩ thời xưa đã mấy ai, chờ chết một ngày dài nhất đời mình, một ngày dài nhất của dân tộc mình, của thời đại mình. Hình như chẳng có ai. Thời của người xưa hiền như người xưa. Nên, "một ngày dài ghê" mới chỉ là "ba thu cộng lại". Thời của người xưa đơn giản như người xưa. Nên, người xưa thản nhiên chờ đợi cái chết cơ hồ đợi chờ cuộc phiêu du vào hư vô. Người xưa không bị tưởng tượng cách chết, kiểu chết tính bằng co rút của tế bào, tính bằng héo khô của mạch máu, tính bằng rời rạc của nhịp tim. Ngày dài nhất của thời đại chúng ta là hai mươi năm cộng lại. Ròng rã hai mươi năm phiền muộn, chiến tranh, tang tóc, sinh ly, tử biệt. Chúng ta có ngày dài nhất lấy máu mà đo, đem nước mắt mà lường vì chúng ta được Hoa kỳ khai phóng tự do, dân chủ. Ngày dài nhất của chúng ta nghẹn ngào hơn bất cứ ngày dài nhất nào của loài người, từ khai thiên lập địa. Bởi nó là ngày dài nhất báo hiệu những ngày dài nhất, những vô tận ngày dài nhất, nhục nhằn nhất, cay đắng nhất, oan khiên nhất trên quê hương chúng ta. Muốn đo lường chính xác, và muốn cực tả niềm đau, phải dùng giây kẽm gai viện trợ Mỹ mà kéo chiều dài của ngày dài nhất. Hiểu tại sao chứ? à, giây kẽm gai viện trợ Mỹ không kịp di tản sẽ rào quanh nhà tù, trại tập trung cộng sản. Danh sĩ thời xưa thiếu hẳn cảm giác hứng đòn ý thức hệ. Người thời xưa không thèm nhìn mỏ Con ó, không thèm ngắm móng Con Gấu. Người thời nay bất hạnh hơn, bị Con ó mổ mù mắt, bị Con Gấu cào bấy tim. Để chờ chết một ngày dài nhất.
 
Còn hệ lụy văn chương của danh sĩ thời xưa thế nào? Mới chỉ nghe kiêu sĩ Cao Bá Quát lên đoạn đầu đài. Nhưng kiêu sĩ Cao Bá Quát bay đầu đâu phải tại văn chương - tư tưởng? Cái kiêu bước thêm vài bước thành cái cuồng. Cái cuồng biến thể sang ngông. Và họ Cao làm loạn tiêu sầu. Rượu chưa đủ là thế. Văn học sử chép lời giăng giối của Cao Bá Quát:
 
Ba hồi chuông dục: Đù cha kiếp
Một nhát gươm vung: Đéo mẹ đời
 
Tôi không nghĩ rằng khẩu khí của Cao Bá Quát bình thường vậy. Kẻ nghịch thiên Cao Bá Quát đếm xỉa chi cái kiếp, cái đời. ông đã chửi cái thế, cái thời. Theo tôi, ngạo nghễ bước lên đoạn đầu đài, Cao Bá Quát đã sang sảng:
 
Ba hồi chuông dục: Đù cha thế
Một nhát gươm vung: Đéo mẹ thời
 
Đấy mới là Cao Bá Quát. Há Ngô Thời Nhiệm chẳng đem thời thế trả miếng Đặng Trần Thường đó sao? Dẫu gì chăng nữa, Cao Bá Quát không hề bị bức tử vì văn chương - tư tưởng mình. Danh sĩ thời xưa hạnh phúc gấp bội danh sĩ bây giờ. Lan Khai bị nhốt vào rọ ngâm nước. Khái Hưng bị dìm dưới sông. Phan Khôi bị cô lập chết mòn. Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Thụy An nằm tù, Nhân Văn Giai Phẩm đi cải tạo.... Tôi hiểu thân phận tôi sẽ ra sao, sắp ra sao.
 
  Nhưng tôi bằng lòng thân phận tôi, tự hào thân phận tôi. Tôi chống cộng sản tự nguyện. Mười lăm năm cầm bút của tôi, tôi không hề điếm nhục ngửa tay nhận tiền của Mỹ, của các chế độ Sài gòn để làm công việc đánh đĩ văn chương - tư tưởng. Tôi chống cộng sản và vì lý tưởng chống cộng sản, tôi chống luôn cả chính sách xấc xược của Mỹ áp đặt lên số phận dân tộc tôi, chống luôn cả tập đoàn thống trị bù nhìn và bè lũ điếu đóm, chống luôn bọn tham nhũng thối nát, bất tài, vô tướng, chống luôn đám hề chính trị rẻ tiền. Nói tóm lại, tôi chống tất cả những gì nuôi dưỡng cộng sản và làm sáng chính nghĩa cộng sản. Theo tôi, những bất công xã hội, những đàn áp phát-xít đã dồn dân chúng miền Nam vào con đường cùng. Dân chúng xa quốc gia, gần cộng sản là bởi lãnh đạo quốc gia ngu dốt. Tôi chống cả đảng phái hèn mạt lẫn những kẻ đội lốt tôn giáo lãnh đoạn chính trường. Người ta bảo tôi có lắm kẻ thù. Tôi không tin. Tôi đã viết 50 tác phẩm văn chương. Độc giả của tôi nuôi dưỡng tôi tận tình, cống hiến tôi đời sống vật chất dư dả. Tôi tự hào là một nhà văn chuyên nghiệp nhiều độc giả nhất nước, nhiều độc giả tuổi trẻ nhất nước. Những kẻ coi tôi là kẻ thù là những kẻ không được tôi xếp vào hạng kẻ thù của tôi Họ ở dưới kẻ thù của tôi vô số bậc. Còn những kẻ đố kỵ tài năng của tôi, cay cú với lòng yêu mến của độc giả của tôi dành cho tôi là những kẻ luôn luôn đứng sau tôi, xa tít tắp. Họ rất đáng tội nghiệp và cần được khích lệ như những người có triển vọng ở tương lai. Tôi cô đơn sáng tạo. cô đơn chiến đấu và cô đơn chết. Nhân danh điều thiện, người thiện chống việc ác, kẻ ác tôi chết. Tôi chưa biết cộng sản bức tử tôi kiểu nào.
 
Tôi bỗng có một nỗi sợ hãi mới, sợ hãi hơn cả sợ hãi chết trầm. Là cộng sản không quăng tôi vô biển máu hay bắt tôi chết mòn trong tù ngục. Nếu cộng sản không thèm trả thù tôi, không thèm đếm xỉa đến tôi, tôi sẽ bị sống nhục nhã. Vì văn chương, tư tưởng của tôi chẳng giá trị tí nào. Và con người tôi cũng vô giá trị. Tôi sẽ cúi gầm mặt ở bất cứ nơi đâu trên trái đất. Tôi hết dám chống cộng sản, trừ khi tôi là đứa vô liêm sỉ.
Nỗi sợ hãi mới đã giúp tôi thản nhiên chờ đợi đao phủ và hình cụ của nó.
 
 
24 giờ rồi. Tôi đã trải qua một ngày dài nhất trong đời tôi, một ngày mà nhiều đời người không có. Văn hào Walter Scott viết: "Không ai đủ giầu để mua lại dĩ vãng đích thực của mình". ở đâu đó, ngoài nước Việt Nam, sẽ có một người Việt Nam tiếc rẻ: "Tôi là tỷ phú, thừa mứa tất cả, chỉ thiếu một Sài gòn, ngày dài nhất". Và đó, bất hạnh trong hạnh phúc. Tôi đầy đủ ngày dài nhất ở Sài gòn. Và, cũng đó, hạnh phúc trong bất hạnh.
1988