Tôi chạy đến thì anh tôi đã bỏ đi. Một đám đông bu trước tiệm nước. Chiếc khăn bàn anh tôi ngồi rũ xuống một góc được giữ lại bằng một lưỡi dao ngập trên bàn. Người đàn bà chủ tiệm mặt tái xám, đứng chôn chân trước quầy hàng, tay nắm chặt mấy tờ giấy trăm thật mới. Mấy người nữ chiêu đãi đang cúi xuống chân bàn lượm các mảnh vỡ, hót đống bún bò lẫn mùi la-de, lựa những chiếc nem nhớp nháp như bị mửa lên. Tôi quay trở ra, không có ý đi tìm gặp anh tôi, nhưng tôi cũng không về nhà. Thầy mẹ tôi chắc sốt ruột lắm. Tôi ghé lại nhà cô Út tôi. Cô hỏi: "Anh cháu về chưa?" Tôi đáp: "Anh ấy đang ở trên đường về nhà". Cô tôi lạ lùng: "Cháu nói gì kỳ thôi, cô không hiểu". Tôi lại bên chiếc đôn sứ góc nhà vặn nhạc. "Thấy thầy mẹ cháu, các cô chờ anh ấy hoài, có vẻ quan trọng, cháu cũng nói vậy cho có vẻ quan trọng". Cô tôi bật cười bổ cho tôi một trái táo. Chú tôi chưa về. Nhà đã bật điện. Một đứa tớ gái lên hỏi: "Mợ dùng cơm bây giờ hay chờ cậu cháu?" Tôi bảo cô tôi: "Cô cho cháu ăn cơm tối nay". "Cháu không gấp chứ?" "Không". Cô tôi bảo đứa tớ gái: "Thôi, chờ cậu mày về cùng ăn". Hai cô cháu tôi ngồi đối diện nhau. Tôi nói: "Cho phép cháu doãi chân cho đỡ mỏi". Tôi dựa lưng vào băng ghế, hai chân doãi dài trên mặt đất. Cô tôi ngồi lọt trong ghế, nom cô mập và lòng ghế hẹp hẳn đi. "Đám giỗ hoãn lại một ngày là phải. Anh cháu về kịp". Cô tôi nói như thầy mẹ tôi. Nhưng tôi không dám cãi. Tôi bảo mẹ tôi anh tôi sẽ không vui khi biết đám giỗ hoãn lại chờ anh. Mẹ tôi giận: "Anh con nếu có lởn vởn trong đầu một đám giỗ, là đám giỗ anh ấy". Cô tôi đoán được tâm trạng tôi, phân giải: "Anh cháu về đúng ngày giỗ đủ mặt họ hàng, tết đến nếu làm biếng, không đi thăm bà con cũng được". "Cô nói có lý". Tôi nói nhưng thấy cô tôi không đúng. Anh tôi đâu có sợ làm phiền họ hàng bao giờ. Nguyên đời sống của anh khiến anh ít liên lạc với bà con, huống hồ anh lại tự biệt lập với tất cả. Một lần đã lâu anh bảo tôi: "Thà vơ vất trong thực tại này còn hơn dựa vào những ung thối đã qua mà sống với một tình yêu giả tạo". Tôi không ưa những bất mãn, nổi nóng nhằm làm nổi mình hơn nhằm một biểu lộ cần thiết, nên tôi rất chịu anh tôi. Nghe anh nói, tôi giữ sự lễ phép của người em thụ huấn huynh trưởng. Tối, chú tôi về. Hai chú cháu vừa ăn vừa nói chuyện – đúng hơn, tôi nghe – Tự tình khúc của Cao Bá Nhạ, mặc cảm dốt của một ông tướng đã thất thế, và Cô gái Đồ Long. Chú tôi Kim Dung là một thiên tài. Tôi thêm: "Một thiên tài viết kiếm hiệp". Chú tôi nhỏ hơn, thấp hơn cô tôi. Có lẽ vì vậy chú hay tỏ ra uy quyền với vợ và bọn học trò mà chú tự hào sống gần được tâm trạng chúng. "Bọn chúng sinh nhằm cái xã hội này như những con ngựa bứt cương. Phải có đời sống bứt cương mới trị được". Thì ra chú tôi là người "bứt cương". Nói chuyện với chú tôi vẫn có ngạc nhiên những đột ngột vì biết thêm một sự lạ ở chú như thế. Có lần chú nói đến những kẻ xoay như con thò lò sáu mặt, tôi hết hiểu nổi chú. "Cháu có thấy bây giờ người ta đọc nhiều kiếm hiệp là để quên đi những cái đùi giò bò…" Tôi đáp: "Người ta đọc kiếm hiệp còn nói viết và suy nghĩ về kiếm hiệp". Tôi cười: "Vừa rồi, chú có viết một bài về Trương Vô Kỵ? Những anh hùng dự tưởng hay nỗi khát vọng trăng sao?". Chú tôi lắc đầu. Lắc đầu vì tôi cười, không vì từ chối. "Bây giờ không ai có quyền sống xa đời sống đông đảo quanh mình". Tôi xin cô một ly nước lọc uống rồi chào cô chú tôi về. Cô tôi đưa tôi ra cửa, bảo tôi: "Sáng sớm mai cô sẽ lên. Tết nhất đến nơi, nghỉ buổi nào thiệt buổi đó nhưng ngày giỗ ông cha ai mà dám quên, không tư tưởng tới?" Tôi kêu xe xuống Phú Lâm. Người bạn tôi – tên Thưởng – đang ngồi đờn ở vườn hoa sau nhà. Tôi bước dọc theo hiên sau xuống con đường nhỏ đá sỏi. Mùi dạ lý hương sực nức. Thưởng ngồi trong tấm ghế nhựa đặt vào một lối rẽ nhỏ. Thưởng nắm tay tôi: "Lâu lắm mới thấy bồ". "Lâu lắm mới gặp lại anh". Tôi đỡ cây guitare hawaiienne cho Thưởng vào nhà lấy thêm ghế. Mặt trăng còn một vành nhọn nhưng đủ sáng những nõn mây trôi ngang trên vườn. Hàng dừa cuối vườn loà xoà, lấp lánh ánh sáng tinh tú. Thưởng trở ra đặt hai chiếc ghế sát nhau: "Cùng nhìn vành trăng muộn chịu chứ?" "Chịu". Thưởng đưa cho tôi một gói thuốc Mỹ: "Hút thuốc xem?" Tôi từ chối: "Hút thuốc tôi ít hút từng điếu. Mà hút liền một lúc bao thuốc của anh, đêm ngủ nhức đầu, mơ gớm lắm". Thưởng cười: "Mơ gớm cũng bừng mắt dậy một cái là hết. Sự thực còn nhiều cái gớm hơn nhiều. Nếu không hút thuốc, hết còn gặp những cái gớm ghiếc, cả Việt Nam sẽ từ thuốc hết. Kể cả những đứa nhỏ đi đêm, đốm than đầu thuốc là là trên mặt đất". Chúng tôi ngồi hút thuốc. Con đường nhỏ lộ hẳn giữa những thân cây thấp. Tôi bảo Thưởng cho nghe bản "Đêm tàn bến Ngự". Thưởng vuốt trên phím đàn, hai gò vai rung và nhấp nhỏm. Tôi nhìn bầu trời cuối năm, thấy bầu trời cao nhưng vẫn quen thuộc. Trước kia tôi vẫn nghĩ hết tuổi lãng mạn, hết còn ưa trông trời. Nhưng tôi chỉ có cảm tưởng mình không yên tâm mơ mộng, còn bầu trời mây và trăng sao tôi vẫn ham. Có lẽ nào tôi như chú tôi, không còn biết nói về điều gì gần gũi để đến độ phải lục chồng kiếm hiệp của con cái truy nguyên ra ông Kim Dung thiên tài: "Bây giờ không ai có quyền sống xa đời sống đông đảo quanh mình". Chú tôi đã quá khôn khéo và thích ứng tự nhiên như thuyết của Darwin. Thực ra chú tôi không hề "bứt cương". Tôi nghĩ. Chú tôi vẫn là người tha thiết và nhiệt thành. Ở Hà Nội, tránh đám người làng quấy quả vì chuyện tị nạn, chú lên làng Bưởi mắc võng đọc Marx, vào Sài Gòn chú tin ông Diệm như người tạo cơ hội cho những nhân tài tham gia việc nước, những thí dụ trong khi giảng bài, một nửa số thí dụ về đời ông Ngô. Từ ngày ông Ngô đổ, chú sinh ra nghi ngờ tất cả chuyện xưa lẫn chuyện nay. Chú bảo chú đã bị anh em nhà Ngô lường gạt. Chú thôi không tham gia mấy đoàn thể của Bộ Giáo dục. Chú viết báo văn hoá trình bày nỗi nghi ngờ của mọi tầng lớp, viết về Trương Vô Kỵ với những danh từ triết học lẫn chịu chơi. Chú vẫn nhiệt thành và vẫn đơn giản dù có muôn ngàn rắc rối do mình tạo ra. Dù mọi nghi ngờ phong phú, mọi thắc mắc về nhân sinh của chú đã làm cho một học sinh muốn xin làm một tên đầy tớ để tỏ cái ân đã có người hiểu được lớp trẻ mình, chú vẫn bị cô tôi nhìn như một người dễ nổi nóng vì một đôi đũa lau không sạch. Gió càng về đêm càng mạnh. Trăng đã bị mây che kín. Bầu trời còn sao và hoả châu. Chúng tôi im lặng trong ánh sáng chao chát hồng rực trên các cành cây trong vườn. Thưởng đờn lại bản "Đàn chim Việt". Tôi đứng dậy vươn vai, hít mạnh mùi dạ lý hương. Thấy nhức đầu ngây ngất, tôi bảo Thưởng: "Mình đi ngủ là vừa". Thưởng chiều ý tôi mắc màn ra hiên ngủ. Tôi thiếp đi tai vẫn mơ màng tiếng Thưởng. Lúc tôi tỉnh dậy, đầu tôi vẫn nặng, Thưởng đã ngáy đều. Tôi lại ngửi hương thơm dạ lý. Chắc anh tôi đã về nhà. Ngày mai có thể lại lắm chuyện lộn xộn. Tôi hình dung đến bữa cỗ như hình dung đến một thế giới đàn bà. Thế giới ở bên tôi từ bao giờ. Tôi đã sống, đã vui và cũng đã có lần buồn vì một người đàn bà trong thế giới đó. Nếu gạt bỏ được ý nghĩ nhớ đến Hà Nội là một trạng thái tinh thần suy nhược trước hiện tại khô cằn, tôi có thể nói tôi nhớ đến thím Hương như một người đàn bà đưa tôi ra khỏi thành phố của thời thơ ấu. Dạo đó Điện Biên Phủ đã tới hồi ngã ngũ. Thầy tôi lúc đầu còn tin năm cửa ô Hà Nội vững hơn những dãy núi quanh lòng chảo Điện Biên, vẫn còn nuôi ý định mở lại, với bác sĩ Hoàng Cơ Bình. Về sau, lúc đã nao núng, thầy tôi thấy Hà Nội quá xa cửa biển quá xa những con tàu vào Nam, gia đình tôi lật đật xuống Hải Phòng. Đúng ra, gia đình tôi lúc đó đã chia hai. Chuyện di cư chưa nghe ai nói tới. Ông Ngô có được gia đình tôi nói tới cũng chỉ vì mấy câu khẩu hiệu viết ở Nhà Thuỷ tạ hồ Hoàn Kiếm: "Cụ Ngô thống nhất sơn hà. Già Hồ chia sẻ nước nhà làm đôi". Thầy tôi là tộc trưởng, gia đình tôi lại không được khá như mấy bà cô tôi, nên chuyện chia hai gia đình lúc đó có vẻ hợp lý. Tôi, đứa em trai út và thầy tôi là những người sẽ vào Nam. Anh tôi với mấy đứa em gái và mẹ tôi sẽ ở lại về làng phụng dưỡng bà nội tôi. Ba cha con tôi xuống Hải Phòng vào những ngày Hải Phòng nắng gay gắt nhất. Chúng tôi ở nhờ nhà một bà cô họ chờ nghe ngóng tình hình rồi mới đi. Suốt ngày thầy tôi đi gặp mấy người bạn nhờ họ giúp ý kiến. Tôi và đứa em hết ra tiệm sách kế bên rạp Kim Chung mướn truyện về đọc, lại ra sau bếp nhìn qua hàng kẽm gai đếm những con tàu vào ga. Người cô họ tôi tuy chiều chúng tôi, ít muốn chúng tôi ở bên mỗi khi cô mở đài Thái Nguyên nằm trên giường nệm nghe: Chồng cô kháng chiến, cô chờ đón người trong Nam gửi ra cho cô một giỏ trái cây, cô bổ cho anh em tôi ăn rồi bảo: "Tao vẫn mong chúng mày về để ăn măng cụt. Nhưng chú mày mà về tới đây, Nam Bắc thành xa lạ rồi còn gì. Chúng mày vào trong đó mặc sức mà ăn". "Thầy cháu định vào Nha Trang gặp mấy người bạn rồi mới thuê xe ngựa qua sa mạc vào Nam. Tôi nói, cô tôi nghe, có vẻ buồn. Cô hỏi: "Anh em mày có nhớ mẹ mày không?" Thằng em tôi khóc. Tôi nói: "Không nhớ". "Mày lớn rồi có khác. Ở làng, mày lấy vợ được rồi đó cháu ạ". Cô tôi tủm tỉm cười. Tôi ngượng đỏ mặt. Những lúc có cô ở nhà, chúng tôi có những phút khuây khoả như vậy. Cô tôi đi khỏi, cửa nhà ngoài đóng im ỉm, hai anh em tôi vừa lạc lõng vừa sợ hãi. Những lúc đó nếu ra sau nhà, nhìn những con tàu thì nhớ nhà thêm, nếu ngồi trong phòng thì bị con ở của cô tôi doạ nạt. Nó thường trợn mắt hỏi tôi: "Sao bố con mày dại thế? Hoà bình đến nơi còn kéo đi, Việt gian hả?" Tôi chửi nó, nó túm lấy gáy tôi tát như trời giáng. Thằng em tôi vừa khóc, vừa cào cấu nó trợ lực với tôi. Nó đá thằng bé sưng đùi, trầy ngực. Sau mỗi trận đánh, nó doạ: "Chúng mày mà mách bố cô chúng mày, tao nhổ đờm vào thức ăn cho chúng mày ăn". Lời đe doạ của nó làm chúng tôi sợ, tìm cách nói dối cô tôi, thầy tôi về những vết tích do con ở gây ra. Một hôm thầy tôi về báo tin sẽ trở về Hà Nội rồi cả gia đình sẽ có máy bay vào Nam. Tôi chạy xuống bếp bảo con ở: "Tao lại về Hà Nội đây. Mày có già đời cũng không bước chân được lên cầu sông Cái". Con bé hùng hổ toan túm lấy tôi, tôi chạy lùi vào nhà, trỏ mặt nó: "Hai năm nữa thống nhất, mày chết với tao". Chúng tôi đi một chiếc Traction về Hà Nội. Qua cây cầu treo, tôi ngoái đầu lại thấy thù Hải Phòng. Dãy Đông triều trùng điệp xa lạ và thần tiên. Qua Hải Dương, những làng hai bên đường phất phới những lá cờ đỏ sao vàng. Lúc đó tôi mừng vì được trở lại nhưng bắt đầu thấy mình đang quay về thành phố buồn, thiệt buồn. Tôi thoáng nghĩ đến chuyến xe ngựa cha con tôi định thuê băng qua sa mạc. Lúc đi, tôi không kịp thấy mình xa Hà Nội, lúc về, tôi thấy mình đang mỗi lúc một gần tháp nước khổng lồ nhiều bóng tối ở đầu Hàng Đậu, đang gần những gầm cầu, những vườn bông và ga Hàng Cỏ. Xe qua cầu. Tôi nghĩ giá được xuống xe chạy trên đường dốc dẫn xuống chỗ máy nghiền đá, chắc tôi sẽ có lại cảm tưởng khi về làng bước vào khu sân gạch Bát Tràng đen như da trâu. Về Hà Nội, thầy tôi nghĩ ngay đến chuyện nhắn người về làng mang bà tôi ra. Làng tôi đã bị chiếm. Có vài người trốn ra chờ di cư. Sau một đêm bàn tính với mẹ và anh tôi, mọi người chọn thím Hương là người sẽ đưa bà tôi ra. Bà tôi vốn thương thím sẽ khó mà từ chối khi thím ngỏ ý mời bà đi Hà Nội. Thím lại có mấy người anh bộ đội, chắc chuyện ra khỏi làng cũng đỡ gặp khó khăn. Nhắn người về rồi, cả gia đình tôi chờ đợi. Riêng tôi, tôi thấy mong gặp lại thím Hương một lần cuối trước khi vào Nam. Thím Hương có nước da thật trắng, thông minh và viết được đơn thuốc bằng chữ Hán cho chồng giắt vào túi dết khi chú tôi hết phép về cưới vợ. Tôi còn nhớ ngày cưới, chú nhất định mặc đồ quân đội đi rước dâu. Bà tôi đã giận dữ mắng chú: "Bao giờ hết đánh nhau, vợ chồng mày sống khuất mắt tao, muốn làm gì thì làm. Bây giờ mày làm thế, người ta chửi vào mặt tao. Người ta lại bảo thời thế đảo điên, luân thường lộn ngược vì bọn lính tráng chúng bay". Chú Hương vốn thương bà tôi, thấy mẹ vừa giận vừa chực khóc, đành ậm ừ gượng gạo xỏ hai ống tay áo màu phân ngựa vào tấm áo the cũn cỡn không che nổi hai ống quần ka-ki chật ống. Buổi chiều chú Hương đi, thím Hương không đưa tiễn, cặm cụi cầm cái chổi mo quét từng góc sân gạch. Tôi chưa ra Hà Nội, móc túi lấy từng cục pháo xiếc tung lên cao cho rớt xuống sân nổ lép bép. Thím Hương chốc chốc lại ngửng nhìn tôi cười gượng. Thím kêu điếc tai, kêu Hà Nội vui, kêu lá cây bưởi với cây táo ở ngoài bờ ao bay vào quét mỏi tay vẫn không sạch. Tôi bảo thím: "Tết này thể nào chú cháu cũng về". Thím lại cười. Nụ cười thím tĩnh như bóng thím lẩn khuất bên trăng tường hoa trước cổng, bên những trụ gạch gắn những hình rồng phượng bằng những mảnh bát vỡ. Tôi ra dưới gốc táo, cầm dao khua lắc cắc lên các cành cây, lấy ít quả đưa cho thím. Thím chùi từng trái táo vào ống tay áo, bảo tôi: "Lớn lên chắc cháu đỡ khổ hơn chú cháu". Tôi về Hà Nội ít lâu, thím Hương mang mo và lá dong ra cho gia đình tôi và mấy người cô gói giò gói bánh. Buổi chiều, thím dẫn tôi đi mua một tấm foulard, một cuốn truyện Kỳ Phát rồi dẫn tôi vào rạp Bắc Đô coi phim "Về miền Tây" có Roy Roger … Lúc về, qua gầm cầu hàng Giấy, thím mua mấy khoanh bánh chưng rán về cho mấy đứa em tôi. Sáng hôm sau thím về từ lúc ngoài phố vẫn còn chập chờn ánh đèn của người đổ thùng. Tôi chít khăn foulard đạp xe ra đầu phố kêu xích lô rồi tiễn thím ra bến Nứa. Hồi chú tôi chết mất xác ở Điện Biên Phủ, đường từ chỗ xe hàng đậu dưới cây gạo chân đê về làng tôi lúc nào cũng có một bọn com-măng-đô họp với phòng nhì đón người lột tiền, hãm hiếp, nên chỉ có thầy mẹ tôi và các cô tôi nhờ một người vợ lính đưa về. Tôi nhớ mẹ tôi đã thuật lại bà tôi chửi chú tôi bất hiếu đến hết cả nước mắt. Cũng từ đó, làng tôi thành xa xôi. Bà tôi và thím Hương thỉnh thoảng được một người buôn bán xuôi ngược, gặp thầy mẹ tôi nhắc tới. Thím Hương mang bà tôi ra vào buổi sáng chủ nhật. Căn nhà gia đình tôi ở tạm lộn xộn những đồ đạc. Bà tôi bảo thầy tôi nhiều bận: "Chúng mày cứ an tâm mà đi. Tao ở lại với con Hương. Mẹ con tao ra thăm chúng mày một lần cuối rồi chiều nay về làng". Thầy tôi gắt: "Bà muốn nó sống tới già với bà sao?" Bà tôi cương quyết: "Nó như con gái tao. Rồi ra tao gả chồng cho nó". Khi các cô tôi tới khuyên dỗ, bà tôi xoay chiều: "Tao vào Nam, con Hương cũng đi với tao". Thầy tôi giận mặc quần áo bỏ đi. Cô Út tôi nhỏ nhẹ: "Kể ra mẹ mang chị ấy đi cũng chẳng sao. Nhưng còn thầy mẹ, anh em chị ấy ở lại, mình cố tình mang chị ấy đi, chị ấy cũng khổ, họ hàng chị ấy cũng buồn mà mình lúc nào cũng phải nghĩ ngợi". Các cô tôi mỗi người một điều, bà tôi nghe họ, khóc ròng. Tôi bảo thím Hương: "Thím ra hồ Ha Le với cháu một lát, xem mẹ cháu có bán được nhiều chưa". Thím ngần ngại nhìn tôi: "Cháu không biết bao giờ mới gặp lại thím, thím cho đi chơi với thím chiều nay". Thím lấy nón, lại bảo bà tôi: "Con ra hồ xem chị Cả bán bàn ghế một lát". Tôi và thím đi về phía hồ. Bờ hồ ngổn ngang những bàn ghế, giường tủ… Người bán nhiều hơn người mua, nom vội vã, nhăn nhó. Người ta câu bừa cá ở hồ lên, mặc mấy người cởi trần từ trong nhà thuỷ tạ đi thuyền ra quát mắng. Đám người coi câu cá la ó trả lại đến lúc chiếc thuyền quay vào mới thôi. Họ dửng dưng nhìn những người đứng bán đồ đạc, bàn tán với nhau về cái chết của Đỗ Đình Đạo, về mấy chiếc G.M.C thi nhau đâm vào khu Khâm Thiên. Mẹ tôi đã bán gần hết các thứ mang ra, đang ngồi ngơ ngẩn trên mép cái bàn còn lại. Thím Hương nói với mẹ tôi ít câu rồi giục tôi về. "Về nhà bây giờ buồn chết, thím cho cháu đi coi chớp bóng một lần cuối". Thím Hương thở dài. Những con đường từ phía Hàng Cỏ ra bờ Hồ thật vắng. Những ngôi nhà tây cổng đóng im ỉm. Nom vào sân nhà Đấu Xảo thấy rộng mênh mông. Bờ hồ, rạp Moderne vắng người. Thím tôi mua vé, tôi ngắm hình Victor Mature mù hai chân bị xiềng đẩy cái cối xay. Lúc về, hai thím cháu tôi lên Khâm Thiên, dặn xe hàng sớm mai ghé qua nhà đón. Thím Hương bảo tôi: "Lớn lên chắc cháu đỡ khổ hơn chú cháu". °Anh tôi đã về nhà. Lúc tôi trở về, mấy người cô tôi đã tới đông đủ. Bàn thờ đầy hoa quả, bánh trái. Mẹ tôi đang tẩy mực, thấy tôi, mẹ tôi ngửng lên rồi lại cúi xuống. Tôi bỏ vào nhà, nghe có tiếng mẹ tôi vọng theo: "Con với cái, hư đốn hết cả". Tôi lên lầu. Anh tôi đang ngồi đánh bài với mấy đứa nhỏ. "Anh về hồi nào? Tôi hỏi và thay quần áo". "12 giờ đêm qua". Anh tôi ngồi chình ình giữa giường nệm, át hẳn mấy đứa nhỏ. Mắt anh mờ hơn trước, râu anh lởm chởm khắp má. Tôi rất khó hình dung lại hồi anh còn cắp nách những cuốn triết hoặc cần cù tô từng nét chữ Hán cho đậm nét. "Hôm qua chú đến tiệm nước kiếm ta?" "Không". Anh tôi đứng dậy, vươn vai, người anh nhún nhảy trên nệm. "Ta chờ chú về đi ăn sáng". Bọn trẻ reo lớn: "Phở Tàu Bay nghe anh?" Anh tôi quờ chân vào gầm giường kiếm đôi giày: "Ờ, ờ, phờ Tàu Bay". "Đi tắc xi cho lẹ nghe anh?" "Ờ thì đi tắc xi". Tôi hơi ngượng vì tiếng đáp của mình. Tôi bảo anh: "Phở Tàu Bay đông lắm, làm sao len nổi". "Đông thì gắng chờ chớ sao". Bọn trẻ lại reo. Chúng đun đẩy nhau theo sau anh tôi bước xuống cầu thang. Rửa mặt xong, anh bảo mẹ tôi: "Trưa nay con mắc kẹt xuống Thủ Đức thăm một người bạn. Mẹ nhớ để phần xôi chè cho con". Mấy người cô tôi cười ồn ào. Cô Út tôi nói: "Lính gì mà như con nít. Nếu sợ mất phần xôi chè, đi chơi làm gì nữa. Ngồi canh bên bàn thờ, chắc ăn". Mẹ tôi như biết chúng tôi ưa sinh chuyện, cãi lý, bao giờ cũng thong thả trả lời. Vẻ thong thả của bà vừa bắt chúng tôi phải kìm lại nỗi hối hả hoặc nóng nảy vừa khiến những lời bà nói thành rõ ràng bên tai chúng tôi. Bà cũng muốn tỏ ra không quá chú trọng đến những quyết định của con cái tuy lúc nào bà cũng ngầm đặt trong đầu chúng tôi bà là người có những quyết định sau cùng. Những phỏng đoán này không cần thiết cho tôi. Những việc làm theo ý bà hoặc trái lại, tôi đều làm trong im lặng, thản nhiên. Tôi vốn sợ những ồn ào co rút lại thành những tiếng động rời rạc thêm vào đời sống eo xèo của mình. Nhưng anh tôi thì không. Anh ưa gây gổ với bà như thể đó là một hình thức để biểu lộ mình còn có gia đình, còn sống giây phút với gia đình. Anh cãi cọ với bà cả những lúc anh muốn trêu chọc bà. Mẹ tôi, cả những lúc đó cũng dễ giận con. Bà khó lòng bỏ được ý nghĩ mọi người trong gia đình này đã sinh nhằm vào những ngày giờ xung khắc. Trước kia tính nghiêm khắc của bà nhằm bao bọc hạnh phúc cho con cái nên ở những roi đòn của bà chúng tôi cũng nhìn thấy con mắt dịu dàng. Bây giờ, hạnh phúc đó không thuộc về bà nữa. Cũng không thuộc về chúng tôi như một độc lập được giành giựt. Tính nghiêm khắc của bà trở thành một cái vỏ ốc rỗng ruột. Chúng tôi nhìn cái vỏ ốc đó, mường tượng có hồi mình được sung sướng. "Không đi đâu cả. Mày về ăn giỗ hay mày về để đi thăm bạn?" Mẹ tôi nói. Anh tôi cười lớn: "Mấy thứ vặt đó đâu có đáng công xin phép nghỉ". "Mày kiêu bạc vừa vừa chứ. Con trai mà cãi lại mẹ, mày chưa thành nhân đâu con ạ". Anh tôi có vẻ ngượng nhưng vẫn cười: "Giỗ chạp là phần của mấy bà, ăn nhằm gì tới tụi con trai". Dứt lời anh tôi quay trở vào. Cơn giận của mẹ tôi tới lúc hết kìm nổi, bà vứt mấy con mực xuống chậu nước bắn tung tóe, đứng dậy: "Mày định xấc với cả mẹ mày nữa đấy hả? Mày không sợ người ta chửi vào mặt mẹ mày sao?" Anh tôi yên lặng vào nhà châm thuốc hút, chờ mấy đứa nhỏ thay quần áo. Chúng tôi đi ăn phở rồi sang cà phê Nhân uống. Anh tôi nói: "Tao chán cái cảnh này lắm rối. Bao nhiêu năm nay vẫn những bộ mặt ấy, vẫn những câu chuyện ấy quanh đám giỗ ấy. Tao không muốn về nhà cũng vì vậy". "Đằng nào mọi việc cũng coi như đã xong. Anh nói, mẹ buồn". Tôi nói gắng gượng. Tôi vốn ít muốn thuyết phục người khác, và không ưa nghe người khác thuyết phục mình. "Không ai giận gì mấy người đàn bà…" Anh tôi lắc đầu với một thằng bé đánh giày. Tôi cười nhớ lại câu chuyện nói với chú tôi tối qua. "Nhưng đời sống của những người ghép vào với họ, thật hỏng". Tôi nóng mặt: "Anh nói ôm đồm quá". Anh tôi nhíu mắt. Mắt anh nhìn sấp nhưng tôi vẫn bắt kịp cái quắc sáng của anh chạm mạnh vào mắt tôi. "Tao không nói tuyệt đối. Tuyệt đối chỉ có ở giảng đường, ở những thằng cố chấp, không có trong sinh hoạt. Có lẽ nào chú lại không hiểu tao nói gì, nói đến những ai". Anh tôi nói như một người bị ám ảnh, không cần biết câu nói của tôi có ăn nhằm gì với nỗi thôi thúc ồn ào trong người anh. "Tao không chịu được những bộ mặt trí thức thất bại lộ ra cả trong việc theo vợ đi ăn giỗ, nói chuyện thời thế và Hà Nội. Họ khôn khéo ăn nói những thứ mọi người đang thích ăn thích nói để che lấp nỗi nhớ tiếc vốn là mầm sống của họ. Họ không nhớ một mình Hà Nội, cũng không nhớ Hà Nội như tình của của một chiến bại, hoặc cao hơn, một nỗi nhớ cần nhiều cố gắng thực tại để bù đắp sự thất bại còn dây dưa chưa biết đến bao giờ. Họ còn thương nhớ cả những nếp suy nghĩ của mình nữa. Trước tình thế này, họ nên khuất mắt, đừng luẩn quẩn bên chân những người vừa mới lớn lên đã phải nhào vào chống đỡ những sụp đổ do họ gây ra". Tôi yên lặng nghe anh tôi nói. Những lời anh nghe thật quen thuộc. Chỉ còn vẻ nóng nảy dồn dập vẫn là của anh. Không bắt được khối nóng đó, không nhìn anh, tôi chẳng còn gì để phân biệt mình đang nghe anh hoặc một người bạn nào đó. Những lúc xa anh, nghĩ đến anh chốc lát, khối nóng đó cũng hiện ra kèm theo. Lúc thoạt bắt gặp, khói nóng nồng nàn lôi kéo cả những khó chịu đã qua của tôi. Nhưng trong một lát, khối nóng chỉ còn trong ý niệm, thoát hẳn những mường tượng của cảm giác, anh tôi cũng tan biến theo. Khối nóng, dù tôi có nghe ngóng, chờ đón cũng vẫn loãng đi, mặt mũi, hình dạng anh tôi, dù tôi cố tìm một điểm đặc biệt như cái nốt ruồi ở xế bên mũi, con mắt kéo dài, gãy góc ở gần đuôi để suy ra toàn thân anh, cũng không hề hiện rõ. Nhưng anh tôi lại là người luôn luôn muốn xây đắp cá tính. Anh biết chọn chi tiết để tự mô tả. Lưỡi dao ngập trên mặt bàn, "Mười hai giờ đêm qua"… "Nếu gạt bỏ phương tiện ưu thế, lúc này không ai có quyền buộc tội ai. Ai cũng muốn giành giựt tuổi trẻ cho mình, dù tuổi trẻ đó quá bận rộn về nhan sắc mình chăng nữa". Tôi nói. Anh tôi nhìn tôi chờ tôi tiếp hay đo lường nhiệt tình của tôi lộ trên mặt tôi. "Không phải vì vậy mà thái độ nghi ngờ có chỗ đứng tốt. Nên thành thực để thấy nhau dễ thương hơn trước phút có người gục ngã". Anh tôi uống, nhăn mặt. Tôi đẩy cho anh dĩa đường. Anh trút hết vào ly, khuấy mạnh. Anh uống một hơi, trả tiền rồi kéo chúng tôi ra khỏi tiệm. Trời gay gắt, không một dấu hiệu tết sắp tới. "Chú đưa tụi nó về". Anh tôi nói và ngoắc một chiếc tắc xi. "Anh không về?" "Chiều tao về. Tao không muốn nhìn những bộ đồ lớn ngồi chật nhà nói chuyện bằng cấp và Hà Nội". Tôi bực mình: "Anh cố chấp quá. Nói đến Hà Nội không là một cái tội". "Hà Nội có làm thầy mẹ quên được tao đi lính không?" Mấy đứa em tôi đã mở cửa, lên xe. Tôi bảo anh tôi: "Hà Nội có đấy rồi. Nhiều đêm thầy mẹ nhớ anh, nghe súng không ngủ được. Thầy mẹ dậy nói chuyện Hà Nội". Một quân nhân cưỡi chiếc Vespa chạy bên kia đường, thấy anh tôi chạy chậm lại. "Thằng hôm qua gây lộn với tao đó". Anh tôi nói, giơ tay vẫy, chạy xuống đường. Tôi bước lên xe, thấy anh tôi ngồi đằng sau người nọ chạy về phía Sài Gòn.Tôi nghĩ tối nay sẽ rủ anh tôi xuống ăn mì Chợ Lớn. Tôi nhớ tới thím Hương. Nỗi nhớ của tôi không vì một chiều mùa đông mua bánh chưng rán ở gầm cầu Hàng Giấy, không vì tháp nước sừng sững đầu Hàng đậu, không vì những chiếc lá táo, lá bưởi rơi đầy sân, rơi suốt buổi chiều chú Hương ra đi. Tôi nhớ tới thím vì không hiểu có lần nào thím nói với anh tôi: "Lớn lên chắc cháu đỡ khổ hơn chú cháu"? Những ảo tưởng về tương lai chua xót, nhưng bao giờ cũng đáng phấn khởi hơn những ảo tưởng về những chuyện đã qua, dù đẹp nhưng tĩnh và chết như bóng thím Hương trên bức tường hoa, bên những trụ gạch dát hình rồng phượng bằng các mảnh sành mảnh sứ.