Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng Hòa phải trình diện lên đường nhập ngũ theo lệnh tổng động viên Khóa 24 sĩ quan trừ bị Thủ đức, khóa tập trung đa số thanh niên còn sót lại từ nhiều đợt trước với những lý do khác nhau. Ngày ra trường, các tân chuẩn úy trúng tuyển được gọi tên chọn đơn vị. Trên nguyên tắc, những ai trúng tuyển với số điểm cao sẽ được chọn theo các ngành không tác chiến như quân nhu, quân cụ, truyền tin. Nhưng thực tế tổng số chọn không đáng bao nhiêu hơn nữa, những chỗ tốt nầy đã dành riêng cho những gia đình tân sĩ quan đặt cọc từ trước.
Ngày chọn đơn vị, Hòa không buồn đi xem, đậu được chuẩn úy đã là may mắn lắm. Hòa xuống khu gia binh nhậu với các hạ sĩ quan huấn luyện viên cho đến chiều mới quay lên hội trường.
Bài vở thi ra trường Hoà đạt được điểm rất cao, từ lý thuyết đến thực hành, kể cả môn bắn súng. Nhưng chắc chắn Hòa sẽ đội sổ trong kỳ thi mãn khóa với mười sáu ngày phạt trọng cấm đối với một sinh viên sĩ quan. Đây là một trường hợp động trời, chưa bao giờ xảy ra tại trường Thủ Đức. Đúng như dự đoán, tên của Hòa bị xếp vào cuối danh sách không có gì lạ. Khi lên chọn đơn vị, nhìn từ trên xuống chỉ thấy các sư đoàn bộ binh đang sẵn sàng chào đón. Nghĩ đi đâu cũng vậy, chức vụ trung đội trưởng tác chiến đã dành sẵn cho các tân sĩ quan mới ra trường, Hòa không ngần ngại điền tên mình vào sư đoàn 23 bộ binh đóng tại Buôn mê thuột, dù sao từ đây về Nha Trang cũng gần hơn so với nơi đồn trú của các sư đoàn khác.
Tám ngày trọng cấm đầu tiên bị phạt vì tội trễ phép một tuần. Thực ra không phải trễ, chính Hoà muốn ở lại Sàigòn chơi với bạn bè. Trong thời gian vắng mặt bất hợp pháp, Hoà điện thoại về Liên đoàn sinh viên thông báo rằng, Hòa ở lại Sàigòn cho đến chiều Chủ nhật sau sẽ về trình diện. Lần thứ hai, trong dịp thực tập hành quân chung quanh vùng Thủ Đức, khi đoàn quân vừa xuất phát, Hòa đã tách khỏi đại đội, mang theo súng và balô rẽ vào nhà người quen chè cháo, uống rượu say rồi ngủ quên. Kiểm điểm quân số trước khi lên xe sĩ quan trung đội trưởng mới khám phá sự vắng mặt của Hòa, cả đại đội náo động lên chia nhau đi tìm kiếm lục soát đến khuya. Lúc khám phá ra, Hòa chưa tỉnh rượu.
Cầm sự vụ lệnh lên trình diện trung đoàn 45 đóng tại cây số 5 gần thị xã Buôn mê thuột, vùng cao nguyên đất đỏ, tuy còn xa lạ nhưng trong lòng Hòa vẫn thấy bình thản. Vừa xuống xe đò Hòa vào ngay ban 1. Làm xong thủ tục, đại úy trưởng ban nhân viên dẫn Hòa lên trình điện trung tá Cẩn trung đoàn trưởng.
Trung tá Cẩn nhìn từ đầu xuống chân:
- Xem lý lịch, khả năng trình độ học vấn của anh khá lắm nhưng tại sao các ngành nghề chuyên môn không dùng anh mà đẩy lên đây?
- Thưa trung tá, dạ con bà phước!
Nhìn lại Hòa một lần nữa, trung tá trung đoàn trưởng hỏi lại Hòa:
- Chắc trong quân trường anh ‘ba gai’ phải không?
Hòa líu ríu:
- Dạ, không có thưa trung tá.
Đại úy ban nhân viên đứng bên cạnh trình:
- Trình Trung tá, bị phạt mười sáu ngày trọng cấm.
Trung tá Cẩn ngồi ngửa ra sau, dựa lưng vào ghế gật gật đầu:
- Tôi cũng đoán như vậy!
Vừa nói vừa cúi xuống nhìn vào quân bạ. Hòa sợ trung tá đọc hết chi tiết nên vội thưa vắn tắt:
- Dạ trễ phép và ngủ…quên.
Trung tá Cẩn cho lệnh đại úy ban nhân viên lui ra xong nói với Hòa:
- Hiện giờ Trung đoàn đang thiếu một sĩ quan chính huấn, mặc dù anh chưa học qua khóa chiến tranh chính trị, nhưng tạm thời tôi bổ nhiệm anh vào chức vụ nầy. Trình diện đại úy Túy, trưởng ban 5, ông ta sẽ hướng dẫn công việc của một sĩ quan chính huấn.
Hòa đứng nghiêm chào trước khi lui ra:
- Dạ, cám ơn Trung tá.
Tưởng sẽ xách balô xuống tiểu đoàn, không ngờ may mắn được ở lại bộ chỉ huy trung đoàn. Hòa được cấp một phòng danh riêng cho sĩ quan độc thân trong phạm vi doanh trại, nằm sát mấy phòng của các em nữ quân nhân, như vậy cũng an ủi được phần nào!
Nghe đại úy Túy thuyết một hồi, Hòa hiểu đại khái nhiệm vụ của một sĩ quan chính huấn là huấn luyện chính trị cho binh sĩ và hạ sĩ quan của Trung đoàn. Thú thực chẳng biết gì để lên lớp, Hòa mượn mấy quyển sách của cục chính huấn về đọc qua loa vài chương.
Trung đoàn 45 tọa lạc tại một khu đất rộng cách trung tâm thành phố Buôn mê thuột 5 cây số trên quốc lộ 21 đường đi Ninh hòa. Sau lưng bộ chỉ huy còn có trung tâm huấn luyện bổ túc và trường huấn luyện võ thuật. Khu vực nầy thường hứng đạn súng cối do Việt cộng câu đến với tầm súng 81 ly. Sân bắn thường được dùng để tổ chức lớp học chung những lúc các tiểu đoàn về dưỡng quân. Khi nào tổ chức lớp học cho từng đơn vị một, Hòa xử dụng sân cờ của từng tiểu đoàn cơ hữu. Ngày đầu tiên Hòa lên lớp với quân số của ba tiểu đoàn gom lại, lớp học tổ chức ngay trên sân bắn trung tâm huấn luyện. Vào bài, Hòa cố ra vẻ trịnh trọng nghiêm trang của một huấn luyện viên chính trị, trước mặt, anh em hạ sĩ quan binh sĩ tuy đang nghiêm chỉnh nhưng ai nấy đều ngủ ngồi một cách ngon lành. Trên bục Hòa thao thao bất tuyệt, dưới đất tất cả đều nhắm mắt bất động. Bổn phận Hòa vẫn phải nói nhưng thông cảm cho những người lính trận, suốt tuần suốt tháng lặn lội trong rừng, về hậu cứ nghỉ được vài ngày thì phải học chính trị. Nếu không ngủ gật, đầu óc cũng đang hướng về vợ con, một bữa cơm nóng hay một vài ngày phép thường niên.
Để chấm dứt buổi học và đánh thức anh em dậy ra về, Hòa kết thúc bằng những chuyện tiếu lâm. Nghe đến chuyện tiếu lâm anh em tỉnh táo ngay và đứng dậy vỗ tay hoan hô nồng nhiệt dành cho một buổi học chính trị thành công mỹ mãn.
Vào dịp lễ Giáng sinh Trung tá trung đoàn trưởng tổ chức buổi tiệc tại trung đoàn, quan khách quan trọng gồm Tướng tư lệnh sư đoàn, Đức giám mục địa phận, Đại tá tỉnh trưởng tỉnh…. Hòa được kêu lên văn phòng trung tá trung đoàn trưởng:
- Tôi giao trách nhiệm cho anh tổ chức tiếp tân, công việc nhà bếp và phục vụ ẩm thực cho quan khách.
- Thưa trung tá tôi sợ không đủ khả năng.
- Anh là một sĩ quan chiến tranh chính trị! hơn nữa trước khi vào lính đã có kinh nghiệm về ngoại giao, tiếp tân tổ chức tiệc tùng, tôi thấy anh có thể đảm trách được.
- Thưa trung tá, kinh nghiệm chẳng có gì nhưng tôi sẽ cố sức làm tròn nhiệm vụ.
- Được, anh tính toán xem cần những gì để tổ chức một bữa tiệc với các món ăn theo phong tục tây phương. Tôi lưu ý anh tiệc mời gần 60 người, trong đó có Tướng tư lệnh sư đoàn, Đức giám mục, Đại tá Tỉnh trưởng, Ông Chánh án… Anh phải làm thế nào khỏi mất mặt trung đoàn.
Hòa biết đây là lệnh của thượng cấp, chưa biết phải tính toán thế nào nhưng cũng đứng nghiêm:
- Tuân lệnh.
- Anh cần gì cứ trực tiếp gặp tôi.
- Tuân lệnh.
Hòa phát họa các món ăn chính gồm ngỗng, trừu và tôm hùm. Phần rượu gồm chát trắng và đỏ dùng riêng với từng loại tôm thịt khác nhau. Champagne uống với bánh sinh nhật. Scotch để sẵn để vị nào muốn dùng trước tạo ngon miệng hay sau cùng để giúp tiêu hóa dễ dàng các món ăn. Sau khi trung đoàn trưởng vui vẻ thông qua các món ăn đến lượt Hòa vắt chân lên cổ để kiếm mua ngỗng đúng tuổi. Non thì hôi ngỗng, già thì dai thịt. Phần rượu phải vào tận Sàigòn tìm đúng loại chính gốc nhập qua từ Châu âu.
Hòa chuẩn bị trước gần hai tuần cho ngày đãi khách. Mượn tạm ba anh quân dịch ở tiểu đoàn tác chiến, gốc người Hoa trước kia nấu bếp tại chợ lớn để tăng cường bếp chính. Hướng dẫn cách phục vụ, bưng dĩa, rót rượu cho các nữ quân nhân. Riêng bàn danh dự, chính Hòa phải đảm trách. Một điều quan trọng, ngày nào Hòa cũng nhắc ông thượng sĩ thường vụ và đầu bếp chánh, trong đám ngỗng mua về, chỉ có một con ở độ tuổi ngon nhất, khi làm thịt phải canh chừng đừng để lẫn lộn với thịt dai của các con khác. Nhưng sự việc xảy ra ngoài ý muốn của tất cả mọi người. Các cô nữ quân nhân đã bưng lầm lên bàn danh dự những dĩa thức ăn làm bằng thịt các con ngỗng quá tuổi.
Đức giám mục dùng dao cắt miếng thịt đến ba lần, ngài quay qua nói đùa:
- Anh Cẩn, con ngỗng nầy học thái cực đạo đã mấy năm rồi?
Ông Tướng tư lệnh còn phang thêm một câu:
- Nó mang đai đen mấy đẳng anh Cẩn!
Phía quan khách được dịp cười rần lên.
Trung tá trung đoàn trưởng đỏ mặt nhìn Hòa. Hòa chỉ còn trân người chịu đựng chẳng biết làm gì được bây giờ.
Mất tinh thần vì các món thịt ngỗng, Hòa hơi run tay khi mở các chai champagne biểu diễn trước mắt quan khách. Mặc dù rượu chính Hòa tự tay lựa chọn từ các cửa hàng trên đường Tự do Sàigòn, nhưng vẫn thiếu bình tĩnh khi nắm nghiêng chai rượu vặn ngược khóa giây kẽm và dùng ngón cái đẩy nhẹ nút chai. May mắn, một tiếng nổ dòn, nút chai bay lên trần nhà và làn hơi khói bay ra… Hòa thở ra nhẹ nhỏm, đúng là rượu thật, người vui nhất có lẽ là trung tá trung đoàn trưởng. Cha Tâm, tuyên úy sư đoàn vớt vác cho Hòa sau vụ trục trặc thịt ngỗng:
- Chuẩn úy, hôm nào rảnh tôi phải theo anh học khóa mở rượu champagne mới được.
Ngay sáng hôm sau, Hòa được kêu lên trình diện:
- Tôi không muốn nói với anh một câu gì nữa. Anh về chuẩn bị, xuống ban nhân viên lấy sứ vụ lệnh lên trình diện tiểu đoàn 1 trên Quảng Đức.
Hòa cũng không còn gì trình bày trong lúc nầy, Hòa đứng nghiêm chào:
- Tuân lệnh trung tá.
Hòa vừa quay gót, vị trung tá gọi lại:
- Không ai gởi gắm anh cho tôi khi anh đến đây. Thấy anh có khả năng muốn giữ anh lại trung đoàn nhưng tối hôm qua anh đã làm tôi thất vọng.
- Xin lỗi trung tá chuyện xảy ra ngoài ý muốn của tôi.
Chuyến bay C123 hai ngày sau đó đưa Hòa và một số quân nhân đi Quảng đức. Ngọn đồi thấp và ngắn ở đầu tỉnh lỵ do công binh san bằng làm phi trường, máy bay phải thắng gấp khi các bánh xe vừa chạm đất, nếu không phi cơ sẽ đâm đầu xuống thành phố. Mang danh tỉnh lỵ chứ thật sự chỉ là thị trấn quá nhỏ, đứng trên cao có thể nhìn thấy toàn diện thị trấn với con đường độc nhất chạy từ phi trường đến cổng ra vào tiểu khu. Vài chục tiệm ăn, cửa hàng tạp hóa xen kẽ với các cơ quan hành chính tỉnh tập trung chung quanh khu chợ.
Thị trấn hẻo lánh của lính và của những bộ lạc Thượng ở rải rác chung quanh. Mỗi tháng một chuyến mở đường tiếp tế đến từ Buôn mê thuột, do địa phương quân tiểu khu đảm trách từ quận Đức lập trở lên. Quốc lộ 19 từ quận trở về Buôn mê thuột trách nhiệm bởi các lực lượng của Sư đoàn.
Về trình diện tiểu đoàn 1 do đại úy Tình chỉ huy. Vị đại úy nổi tiếng khắt khe nhất của trung đoàn 45 từ trước đến nay. Một sĩ quan cùng chung chuyến máy bay cho Hòa biết:
- Anh sẽ bị đại úy Tình đày cho biết thân.
- Tôi có làm gì đâu và cũng chẳng có liên hệ gì, tại sao?
- Ông ta có thói quen, trung đoàn đã đày về thì ông sẽ làm tới không nương tay.
- Thì cũng trung đội trưởng tác chiến là cùng, còn chỗ nào hơn nữa!
- Rồi anh xem.
Khi vào trình diện, gặp lúc tiểu đoàn đang họp, các đại đội trưởng và ban tham mưu có mặt đông đủ. Đại úy Tình nhìn Hòa:
- Thêm một thằng bị đày lên đây.
Cầm chai bia uống một hơi xong quay qua hỏi Hòa:
- Sao bị đưa lên đây vậy?
- Thưa đại úy tôi nghĩ không phải bị đày. Trường bộ binh Thủ đức đào tạo ra để làm trung đội trưởng tác chiến, phục vụ ở Buôn mê thuột, Quảng đức hay ở bất cứ nơi nào cũng vậy.
Một trung úy ngồi cạnh chen vào:
- Nói đúng, không sao đâu, lên đây lội rừng bắt vắt với chúng tôi cho vui.
Đại úy Tình hỏi:
- Nghe nói đang giữ chức vụ sĩ quan chính huấn của trung đoàn sao hôm nay balô khăn gói lên đây?
- Không phải nghề của tôi, thưa đại úy.
Một trung úy còn trẻ thưa:
- Đại úy cho tôi xin chuẩn úy này, đại đội tôi còn thiếu một sĩ quan.
- Nếu anh muốn.
Hòa theo xe về đại đội đang đóng trên phi trường. Vừa bước xuống Trung úy trẻ cho biết:
- Tôi tên Điệp, để gọi anh em ra giới thiệu với anh.
Một thiếu úy hai chuẩn úy và một thượng sĩ người Thượng bước vào lều:
- Tôi vừa xin chuẩn úy Hòa về với chúng ta. Như vậy đại đội đủ sĩ quan theo cấp số.
Quay qua thượng sĩ người Thượng:
- Chuẩn úy Hòa sẽ thay anh trên nguyên tắc, nhưng tôi yêu cầu anh giúp đỡ anh Hòa, cứ chỉ huy trung đội 3 như thường lệ.
- Dạ, tuân lệnh.
Hòa lên tiếng:
- Trước hết cám ơn trung úy đã xin tôi về đây, sau cám ơn thượng sĩ đã nhận lời giúp tôi trong thời gian đầu và cuối cùng xin chào các anh.
Xong mấy chai bia, tất cả lui ra, trung úy Điệp nhắc Hòa:
- Thượng sĩ Y Kloc rất giỏi, tôi muốn ông ta tiếp tục giúp anh trong lúc đầu. Hành quân anh sẽ đi sát với ban chỉ huy, có gì còn có tôi.
- Không sao đâu, trường dạy sao thì làm vậy. Xin cám ơn trung úy.
Trung úy Điệp xuất thân khóa 18 Võ bị Đà lạt, ra trường đã chọn sư đoàn 23 bộ binh. Sau một năm làm trung đội trưởng, ngày lên trung úy nhận ngay chức vụ đại đội trưởng đại đội này. Trung úy Điệp là sĩ quan xuất sắc và có tài, đại úy Tình trọng nể nhất trong số đại đội trưởng khác của tiểu đoàn. Chính điểm nầy, đại đội của trung úy Điệp thường đảm trách nhiệm vụ nặng nề hơn những đại đội khác.
Tiếp theo đó, thượng sĩ Y Kloc đã tập họp anh em binh sĩ thuộc trung đội 3 để ra mắt Hòa. Hai trung sĩ, hai hạ sĩ và hai mươi hai binh sĩ nghiêm chỉnh chào Hòa trước cửa văn phòng đại đội. Hòa đã dành nhiều thời gian hỏi han vui đùa với các anh em:
- Mặc dù tôi là trung đội trưởng, nhưng thượng sĩ Kloc vẫn giúp tôi chỉ huy các anh trong một thời gian ngắn. Tôi sung sướng về trung đội 3 với các anh, khổ cực sống chết cùng có nhau.
Nhìn đám anh em sẽ cùng sanh ra tử với mình, Hòa sót xa nhìn từng người, tất cả còn trẻ nhưng nỗi khắc khổ hiện rõ nét trên khuôn mặt. Hoàn cảnh họ cũng như Hòa, từ giã cha mẹ vợ con lên đường thi hành nhiệm vụ. Nhà cửa giờ đây là đồi núi, gia đình không ai hơn ngoài anh em đồng đội và tài sản chỉ vỏn vẹn chiếc balô. Hôm nay vui cười nhưng chưa biết ngày mai, sau cuộc hành quân trở về, sẽ rên rỉ trên chiếc băng ca hay nằm yên trong quan tài bằng gỗ.
Thượng sĩ Y Kloc trình diện Hòa một binh sĩ trẻ:
- Binh nhì Xí tình nguyện theo giúp chuẩn úy.
Hòa nhìn người bạn mới, tuổi chừng hai chục, khỏe mạnh đẹp trai.
- Anh đẹp trai sao lại mang tên Xí?
Xí cười đưa hàm răng trắng:
- Hồi nhỏ khó nuôi, mẹ em phải đổi tên…
- À, tôi biết. Chốc nữa nói chuyện nhiều.
Hướng về phía thượng sĩ Kloc, Hòa tiếp:
- Cho tan hàng, tôi sẽ ở chung với anh em trung đội.
Xí theo Hòa vào căn nhà sát văn phòng đại đội, nơi dành riêng cho các sĩ quan trung đội trưởng, Xí hỏi:
- Sao chuẩn úy không ăn ngủ chung với các sĩ quan kia?
- Tôi muốn ăn ở chung với anh em.
Xí kê chiếc giường xếp một góc trong phòng, cũng là nơi ăn uống nghỉ ngơi của trung đội, rồi hỏi Hòa:
- Đồ đạc chỉ có chiếc balô?
- Ừ chỉ có vậy, tôi muốn từ nay ăn chung với anh em và chiều nay mình xuống quán mua cái gì về tất cả nhậu chung.
- Đây chẳng có gì nhiều như ở Buôn mê thuột.
- Thì mua vài chục chai bia, vài ký thịt bò xào củ hành.
- Dạ, như vậy cũng nhất rồi chuẩn úy.
Trong buổi cơm tối, Hòa có dịp vui chơi với từng anh em một. Thượng sĩ Y Kloc là lính chuyên nghiệp, vợ bốn con ở tại quận Buôn Hô gần Buôn mê thuột. Chỉ biết đọc và viết nhưng có nhiều kinh nghiệm về trận mạc rừng rú. Tính tình ngay thẳng được lòng tất cả anh em. Trung sĩ nhất Vàng xuất thân trường Hạ sĩ quan Đồng đế, lanh lợi và gan dạ, có vợ hai con đang ở trong trại gia binh tiểu đoàn. Thượng sĩ Kloc nói nhỏ cho Hòa biết khi giới thiệu tiểu đội trưởng tiểu đội 3, trung sĩ Tâm, người ba gai nhất trung đội, nhất là sau khi vào vài chai rồi thì xem trời trăng chẳng ra gì nữa. Nhưng lại là một hạ sĩ quan gan dạ chuyên đi đầu mở đường rất giỏi. Tâm thường gọi mấy sĩ quan vừa ra trường là ‘chuẩn úy sữa’ mà phách lối, tuân hành mệnh lệnh nhưng không bao giờ chịu phục tùng ai.
Hòa trấn an:
- Nhưng là một hạ sĩ quan giỏi, sẽ làm được nhiều việc.
- Nó đang bất mãn về vụ đi phép của nó.
- Được để tôi xem lại.
Vừa ăn xong có lệnh sáng mai lên đường sớm. Đối với anh em trung đội không có gì lạ, chuyện hành quân như cơm bữa, có thể lên đường ngay tức khắc không có gì thắc mắc.
Nhưng Xí vừa vội vã lo cho mình vừa lo cho Hòa:
- Đồ đạc để em mang.
- Không được, anh mang đồ của anh, tôi phải mang theo đồ dùng của tôi. Nếu anh vui lòng thì nấu ăn giùm cho tôi trong thời gian hành quân vì tôi không có nhiều thời giờ.
- Bổn phận của em mà.
- Không phải bổn phận của một người lính mà tình cảm cá nhân với nhau. Tôi tự lo cho tôi những gì có thể làm được.
Vừa nói, Hòa vừa sắp balô cho mình, chiếc võng, cái mền, mấy gói cơm sấy, ký cá khô. Thấy còn rộng chỗ, Hòa bảo Xí,
- Anh đưa hết mì gói của hai anh em mình qua cho tôi mang. Nhẹ mà.
- Để em mang.
- Anh còn cái soong và mấy lon guigoz nữa. Đừng để tôi nói nhiều!
Tâm vừa để khẩu súng lục vào balô vừa giải thích với Xí:
- Thứ nầy để làm kiểng cho vui, đụng trận chẳng có ich gì. Anh lấy thêm một cấp số đạn carabin cho tôi.
Vừa sáu giờ sáng đại đội đã tập họp lên đường. Tất cả anh em trong đại đội ngạc nhiên khi thấy Hòa vai balô, súng carabin M2 cầm tay, trên người còn thêm hai trái lựu đạn, bi đông nước và hai cấp số đạn như một binh sĩ ra trận.
Trung sĩ Tâm hỏi Hòa:
- Thằng Xí đâu mà chuẩn úy tay xách vai vác?
- Tôi cũng có tay có sức như các anh vậy.
Trung sĩ Tâm đứng thẳng người lên đưa tay kính cẩn chào Hòa.
Nhìn người lính bộ binh hành quân một tuần với năm bảy chục cây số rừng rậm núi cao, trên vai không dưới hai chục ký lô… nào súng với hai cấp số đạn cá nhân, một thùng đạn liên phụ trội, lương khô thực phẩm, võng mền, chén đũa, Hòa không thể nhẫn tâm nhờ một người nào mang gì thêm, tự mình lo liệu với khả năng.
Nghe anh em kể lại bây giờ Hòa mới thấy những gì thượng sĩ Kloc vừa nói về Xí. Vừa đi vừa nấu cơm, mì hoặc nấu canh, thậm chí còn làm gà trong lúc di chuyển dưới mưa. Bí quyết chỉ cần một nón sắt, móc giây kẽm xuyên qua khúc cây làm đòn cho hai người gánh, nấu nước sôi trong lon guigoz treo tòn teng phía trên nón. Một tô mì, nồi canh chỉ cần mười phút, nồi cơm mười lăm phút và nửa tiếng có thể nhậu bộ lòng gà. Chưa nhậu xong bộ lòng đã có ngay thịt gà bóp tiêu muối hay kho mặn.
Những lúc dừng chân ngủ đêm, nằm sát bên nhau Xí có lần tâm sự:
- Gia đình em chỉ có mẹ già và hai anh em, đứa em còn nhỏ. Em rớt tú tài 1 liên tiếp hai năm, phải trình diện đi quân dịch.
- Học đến đệ nhị, sao em không theo học khóa hạ sĩ quan?
- Em không muốn ở lâu trong quân đội, bỏ mẹ già một mình đơn chiếc không ai ngày đêm chăm sóc. Em hy vọng xong thời hạn quân dịch ra về sống với gia đình.
- Sao không nghĩ đến chuyện lập gia đình để bà cụ có người bên cạnh trong lúc vui buồn?
Xí cười:
- Ai thèm lấy lính, nói đúng hơn con gái bây giờ sợ góa chồng quá sớm.
Hòa thầm nghĩ tội nghiệp cho tuổi trẻ cũng như tội nghiệp cho chính mình, thời buổi chiến tranh càng ngày càng ác liệt, biết đến bao giờ có thể áp dụng đứng đắn thời hạn thi hành quân dịch:
- Hoàn cảnh của em sao không xin phục vụ gần nhà?
- Khó lắm chuẩn úy, làm lính kiểng phải chạy chọt một số tiền lớn, không được lãnh lương mà còn phải đóng thêm hụi chết hàng tháng. Xin vào tiểu khu làm những công việc vớ vẩn để được gần nhà thì không đủ tiền để mua một chỗ.
Xí hỏi ngược lại Hòa:
- Còn chuẩn úy, sao lại lên đây?
- Học ra Thủ đức để làm trung đội trưởng tác chiến, phục vụ ở đâu cũng vậy. Sống chết đều có số mạng.
- Thế chuẩn úy có gia đình chưa?
- Mới cưới cách đây gần một tháng!
- Cô quê người gốc đâu?
- Sàigòn và hiện đang ở tại cư xá sĩ quan trung đoàn.
Không nghe hỏi tiếp, Hòa chỉ nghe tiếng thở nhè nhẹ của Xí và tiếng mưa rơi đều xuống tấm poncho.
Tỉnh Quảng đức thuộc khu 23 chiến thuật do sư đoàn 23 bộ binh trách nhiệm. Trong tình hình lãnh thổ khu chiến thuật không sôi động, sư đoàn thường tăng phái lên đây một tiểu đoàn bộ binh với nhiệm vụ hành quân lục soát và giữ gìn an ninh vùng rừng núi hiểm trở bao quanh tiểu khu. Tiểu đoàn 1 do đại úy Tình chỉ huy đang tăng phái đến, nhưng những cuộc hàng quân lục soát thường tổ chức ở cấp đại đội.
Trong thời gian Hòa phục vụ tại đây, chưa lần nào đụng độ lớn với địch, chỉ gặp từng nhóm nhỏ vài ba tên thường đặt mìn quấy phá chung quanh các trục lộ hoặc câu đạn cối vào thị trấn và bộ chỉ huy tiểu khu. Bộ chỉ huy tiểu đoàn lên tăng phái tiểu khu xem như đi dưỡng sức trong lúc các đại đội phải trèo núi băng rừng lội suối. Cứ sáu ngày hành quân được một ngày nghỉ. Đặc biệt chưa có thứ bảy chủ nhật nào được nghỉ ngơi, lý do đơn giản là những ngày địch thường pháo kích vào tiểu khu trong lúc các quan chức tổ chức đánh bạc nhảy đầm và ăn nhậu.
Ba khu vực hành quân chung quanh thị trấn do kế hoạch của phòng 3 tiểu khu phối hợp với tiểu đoàn nghiên cứu. Các đại đội phải tiến quân theo hướng đã định, chiếm các ngọn đồi và lục soát những tọa độ đã được chấm sẵn, Rừng già chằng chịt tre và mây rừng, những toán tiền phong phải khó khăn để mở đường cho các trung đội theo sau. Băng rừng lội suối chiếm mục tiêu nầy qua mục tiêu khác và nhất là phải chiếm những ngọn đồi nghỉ qua đêm. Hình như địch không lập căn cứ lớn hay chuyển quân ngang qua các khu rừng núi quanh khu vực Quảng đức. Những cuộc hành quân lục soát thường nhắm vào những toán nhỏ giao liên hậu cần, quấy phá bằng súng cối, chận các trục giao thông, đặt mìm trên các trục lộ và chận xe đò thu thuế.
Sáu ngày trong tuần cơm sấy cá khô, vật lộn với đồi núi mây rừng tre hoang, muỗi sốt rét và vắt rừng, một loại đỉa rừng nhỏ con nhưng hút máu còn độc hơn đỉa sông. Anh em binh sĩ thường mong đụng trận lớn, sau đó còn được nghỉ xả hơi vài ngày còn hơn tuần nầy tháng nọ lặn lội lùng bắt mấy tên Việt Cộng quấy rối. Chúng đợi quân ta đi qua, chui ra bắn vài ba tràng tiểu liên rồi vác súng chạy…
Thị trấn không có gì vui ngoài vài quán nhậu. Năm ba chai bia vài tô phở làm nguồn vui độc nhất của anh em binh sĩ mỗi khi được về nghỉ một ngày trong tuần. Thị trấn nhỏ bé của lính, làm sao tránh khỏi ồn ào mỗi khi bia rượu đón tiếp người về từ các cuộc hành quân. Tiểu khu thường than phiền với đại úy Tình rằng lính của tiểu đoàn gây ồn ào náo loại thị trấn. Cuối cùng tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng đưa cho đại úy Tình cây gậy để tự đập mình bằng cáchbổ nhiệm đại úy Tình làm quân trấn trưởng thị trấn Quảng đức!
Chức vụ nầy không có gì quan trọng hơn ngoài việc chỉ huy quân cảnh tiểu khu, tuần tiễu bắt lính gây ồ ào say sưa làm mất trật tự ngoài đường. Đại úy Tình họp anh em sĩ quan chửi một trận:
- Các anh không biết giáo dục binh sĩ để chúng ăn uống say sưa ngoài đường, bây giờ tiểu khu đưa cho cây gậy để tự đập mình…
Trung úy Điệp trình bày:
- Suốt tuần trong rừng, về nghỉ được một ngày cũng nên nhắm mắt để anh em vui chơi một chút.
Đại úy Tình chưởi thề:
- Đ…m… chúng nó đưa gậy để anh em mình đập nhau.
Hòa đứng lên xin phép:
- Xin phép đại úy cho tôi có ý kiến.
- Nói đi Hòa.
- Thì mình dùng gậy đập chúng nó trước.
Tất cả sĩ quan đồng ý:
- Hay đó, nói đi Hòa.
- Đề nghị ‘tân quân trấn trưởng‘ ra một nhật lệnh phổ biến rằng, để duy trì quân phong quân kỷ, quân trấn sẽ áp dụng hình phạt tại chỗ đối với tất cả quân nhân các cấp về tội say sưa gây rối loạn, ăn mặc thiếu tác phong, tóc tai hớt không đúng tiêu chuẩn…
Đại úy Tình hỏi:
- Rồi sao?
- Đợi chiều chủ nhật tuần nầy, đại úy chuyển nhật lệnh qua tiểu khu thông báo, để không ai kịp chuẩn bị đề phòng. Thứ hai anh em chúng ta đang lúc còn ở trong rừng, trước giờ chào cờ, đại úy chỉ huy đám quân cảnh đứng tại cổng ra vào tiểu khu cũng như giữa phố, chận tất cả sĩ quan tiểu khu, dùng tondeur xớt ngay một đường từ trước ra sau, theo lệnh của quân trấn trưởng vừa ban hành hôm qua. Nhật lệnh cần nhấn mạnh, tất cả quân nhân các cấp sĩ quan trong quân trấn phải làm gương trước cho anh em binh sĩ, tóc tai gọn gàng đúng tiêu chuẩn quân phong quân kỷ...
Một thiếu úy thêm vào:
- Đám sĩ quan tiểu khu tên nào tóc cũng dài xuống tận vai, chỉ cần xớt một đường là đủ ăn tiền!
Tiếng vỗ tay hoan hô của các sĩ quan cổ võ thối thúc đại úy Tình phấn khởi, ông ra lệnh Hòa thảo ngay một nhật lệnh, mỗi đại đội cho trình diện tiểu đoàn năm người với dao kéo và tondeur hớt tóc.
Kết quả sau đó một tuần tiểu đoàn được lệnh rút về lại Buôn mê thuột!
Về hậu cứ, tiểu đoàn tạm thời đảm trách an ninh chung quanh Buôn mê thuột theo chương trình yểm trợ bình định nông thôn. Các đại đội chia ra đóng quân ở ba khu vực dọc theo quốc lộ 14 nối liền Buôn mê thuột với Pleiku. Đại đội Hòa lãnh nhiệm vụ vùng Quảng nhiêu, thuộc quận Buôn Hô, cách thị xã chừng 30 cây số về hướng tây bắc. Vùng đất xôi đậu nầy là địa bàn hoạt động của địch, vừa thu hoạch nông sản phẩm, hoạt động du kích và quấy phá quốc lộ 14 huyết mạch vùng cao nguyên. Đại đội trưởng gọi Hòa căn dặn:
- Anh là sĩ quan tôi tin tưởng, tôi giao trung đội anh vào đóng trong xã Quảng nhiêu, vùng xôi đậu chứa chấp, bao che địch nằm vùng như anh đã biết. Phải cẩn thận và khôn khéo trong việc tiếp xúc với dân.
- Tôi sẽ kiểm soát và không để anh em tiếp xúc trực tiếp với dân.
Xã Quảng nhiêu đếm chừng vài trăm nóc nhà, dân từ xứ Quảng lên đây lập nghiệp. Dưới thời Tổng thống Ngô đình Diệm đây là một ấp chiếc lược kiên cố, tổ chức chặt chẽ, nhưng từ lúc chương trình này bị hủy bỏ nơi đây trở thành địa bàn hoạt động nằm vùng. Bên đêm địch về thu gom lúa gạo, tổ chức tuyên truyền học tập. Sư đoàn và tiểu khu đã tổ chức nhiều cuộc hành quân truy lùng nhưng không kết quả. Nhà nào tại đây cũng có chồng, con hoặc anh em theo địch, ban ngày phân tán rút vào rừng ban đêm trở về với gia đình.
Hiệp định Genève chia cắt Việt nam làm đôi ở vĩ tuyến 17, Việt cộng đã ngon ngọt dụ dỗ và bắt cóc hàng chục ngàn người đưa ra bắc. Một kế hoạch thâm độc dùng tình thân ruột thịt để trấn áp những gia đình còn lại trong Nam. Những người bị bắt đưa đi, khi huấn luyện xong, miền Bắc đưa trở lại vô Nam, buộc gia đình phải bao che, hợp tác với địch. Mẹ không thể tố giác con, vợ không thể phản bội chồng, anh em tình máu mủ phải đùm bọc lấy nhau. cộng sản biến những người nầy với gia đình họ thành những thành phần nằm vùng nòng cốt ở miền Nam. Những địa bàn nổi tiếng xôi đậu miền trung, từ Quảng Nam Quảng Ngãi, đến miền nam như Củ Chi Bến Tre đã gây khó khăn và hao tổn cho quân đội miền Nam. Thủ đoạn dùng máu mủ tình thân giữa cha mẹ vợ chồng con cái anh em là một hành động tàn bạo vô nhân đạo đã đem lại những khổ đau tận cùng đến hàng chục ngàn gia đình sống giữa gọng kìm của hai chế độ. cộng sản lợi dụng liên hệ gia đình thao túng, buộc thân nhân phải phục tùng, làm địch vận, đóng thuế, nuôi dưỡng chứa chấp cán bộ nằm vùng. Phía niềm Nam nghi kỵ, kiểm soát cô lập và xếp loại những gia đình này thuộc thành phần tay sai của cộng sản niềm Bắc.
Rất nhiều trường hợp trớ trêu và đau lòng, trong gia đình nhiều cha con, anh em ruột thịt ở hai chiến tuyến gặp lại nhau trong đắng cay chua chát, đôi lúc còn thẳng tay bắn giết lẫn nhau nơi trận địa!
Hòa cho trung đội đóng tại bìa rừng, bên hông chợ. Dân trong xã không có thiện cảm khi thấy quân đội vào trú đóng tại đây. Chợ tan sớm, dân chúng rút vào nhà, ngoài sân không thấy bóng trẻ con.
Đến chiều, cùng đi với Xí và anh truyền tin Hòa vào xóm tìm gặp trưởng làng thăm hỏi xã giao đồng thời cho họ biết việc đóng quân chỉ tạm thời với mục đích để giữ gìn an ninh cho xã. Nhưng dân chúng đậy cửa đóng then cài, không muốn tiếp xúc với những người lạ mặt.
Nhiệm vụ của trung đội nằm ngoài phạm vi xã, ban ngày tuần tiểu tảo thanh khu vực chung quanh, ban đêm tổ chức nhiều tổ kích đón bắt những tên nằm vùng thường lén lút về nhà. Những tổ kích ban đêm luôn di động và thay đổi vị trí liên tục nhưng vẫn không tóm được tên du kích nằm vùng nào. Có nhiều đêm nghe tiếng chó sủa mừng người quen, Hòa biết chúng đang có mặt bên trong xã, nhưng không phải nhiệm vụ của trung đội. Hòa cho anh em bám sát những căn nhà nghi ngờ, nhưng chúng đã thoát một cách an toàn và bí mật.
Hơn ba tuần lễ sau đại đội được hoán chuyển về giữ an ninh trên trục lộ 21, yểm trợ các trợ toán bình định nông thôn đang hoạt động trong phạm vi quận Phước an.
Thoải mái và sung sướng nhất trong thời gian làm trung đội trưởng tác chiến của Hòa là lúc đóng chốt nằm tại đồi Chukuc, có nhiệm vụ giữ an ninh khu vực chung quanh đồi và khoảng 10 cây số trên quốc lộ 21. Chung quanh Chukuc, một vùng đất đỏ phì nhiêu với những khu rừng thưa, nhiều buôn của người thượng tập trung tại đây. Địch quân không thể len lỏi ẩn núp trong buôn, chúng đến đây mục đích lấy nông sản phẩm. Người thượng không theo Việt cộng, họ thẳng thắng nói rõ như vậy và thường cho Hòa biết tin tức mỗi khi chúng xuất hiện tại đây. Hòa và anh em trong trung đội thường vào buôn an toàn, uống rượu mua bán trao đổi với dân ở đây.
Trước khi đến, Hòa đã xin người bạn dược sĩ trong tiểu đoàn quây y một số thuốc cảm, nhức đầu đau bụng đồng thời gởi tiền xuống Nha Trang nhờ mua mấy tạ muối làm quà trao đổi gà vịt rau cải với các buôn. Người thượng rất sòng phẳng, họ không nhận của cho mà thích trao đổi. Nhờ vậy trong thời gian đóng ở khu vực này anh em trong trung đội được ăn uống đầy đủ. Hòa rất khắt khe và nghiêm cấm nhiều vấn đề với anh em trung đội trong việc tiếp xúc mua bán đổi chác với dân trong buôn.
Hòa được dân trong buôn xem như người bạn và ông thầy thuốc giỏi, vì bệnh gì thầy thuốc cũng đều chữa khỏi với vài viên aspirine.
Ban ngày trung đội rải quân dài và tuần tiễu dọc theo quốc lộ, ban đêm chia thành ba tổ kích, nhưng may mắn trong thời gian đóng quân ở đây không xảy ra đụng độ nhỏ nào.
Một đêm Hòa kiểm soát một tổ kích, khám phá hạ sĩ An và binh nhất Thái vắng mặt. Vừa hỏi xong Hòa nghe anh em cười ồ lên
- Chút nữa chuẩn úy sẽ biết!
Hòa chất vấn trung sĩ tiểu đội trưởng:
- Cho tôi biết hai người nầy đi đâu?
- Dạ vào rừng một chút, chúng nó sẽ về ngay.
- Ban đêm vào rừng làm gì?
- Quanh quẩn gần đâu đây không đi xa đâu chuẩn úy.
- Tôi đang ở với tiểu đội Trung sĩ Tâm, nếu hai anh Thái và An về, cho qua trình diện tôi.
- Dạ chuẩn úy.
Trung sĩ Vàng vừa dứt câu, Thái và An đã về đến, gặp Hòa, hai người đứng nghiêm đưa tay lên chào:
Hòa hỏi ngay:
- Đêm hôm các anh bỏ đơn vị đi đâu đến giờ?
Thái ấp úng:
- Chúng em đi…
- Đi đâu?
An gải đầu:
- Dạ đi ‘bắt cái nước’.
Thái tiếp:
- Dạ bắt cái nước với hai em thượng ở bụi cây gần phía sau.
Hòa nghiêm giọng:
- Bỏ đơn vị trong lúc thi hành phận sự, các anh biết có lỗi không?
- Dạ
- Hơn nữa, lỡ có bầu tội nghiệp cho người ta, tôi làm sao ăn nói với tộc trưởng trong buôn?
Thái năn nỉ Hòa ngồi xuống đám cỏ, giải thích:
- Chuẩn úy đừng lo chuyện đó, các em đã hay và tính toán cũng giỏi, không mang bầu đâu. Chuẩn úy có nghe bao giờ gái thượng lén lút và có bầu với trai kinh bao giờ chưa.
Đến giờ trung sĩ Vàng lên tiếng:
- Thượng theo chế độ mẫu hệ, con gái tự động tìm trai và khoái ‘bắt cái nước’ với người kinh.
An hớn hở:
- Các em khoái ‘bắt cái nước’ với trai kinh vì có ‘cái đi cái về’ thích hơn với trai thượng. Chính các em hẹn hò và tìm đến đây với em.
Trung sĩ Vàng hỏi:
- Tại sao không làm ban ngày?
- Các em không chịu làm ban ngày vì sợ ông Trời nhìn thấy!
Hòa ngắt ngang:
- Thôi đủ rồi.
Hạ sĩ Hậu ngồi kế bên đùa với Hòa:
- Chuẩn úy đẹp trai dễ thương, các em trong mấy buôn đã chấm rồi, coi chừng sáng ngủ dậy sẽ thấy vài cô đứng trước lều dắt theo trâu bò xin cưới chuẩn úy… hi.. hi..
Sung sướng nhất của Hòa tại đây, hằng ngày rỗi rảnh, vai mang M16 cùng Xí và anh truyền tin ghé vào các buôn uống rượu chuyện trò với các trưởng tộc. Đối với người thượng những ai thực tình đều được quý mến, nhất là những người ăn cùng mâm uống cùng cần với những người trong buôn mà không lộ vẻ miễn cưỡng. Hòa uống rượu không bao giờ chùi cần hút trước khi ngậm vào miệng cũng như ăn một cách ngon lành những món thịt cá còn sống đựng trên miếng lá chuối… Trong vùng có nhiều bộ tộc Thái trắng, con gái ở đây trắng và đẹp hơn gái kinh rất nhiều. Một tộc trưởng thương mến Hòa, ông nhiều lần ngỏ ý muốn cho Hòa con gái đầu của ông. Ông nói nếu Hòa muốn, ông cho con gái đi hỏi cưới Hòa ngay.
Hòa vừa được lên thiếu úy và có lệnh về trình diện phòng 1 bộ tư lệnh sư đoàn. Chưa biết tương lai về đâu nhưng trước mắt phải từ giã hai mươi mấy anh em, những người đã cùng nhau chia sớt buồn vui cực khổ trong thời gian qua, Hòa thấy lòng mình thắt lại. Cầm sứ vụ lệnh trong tay Hòa tìm thượng sĩ Y Kloc:
- Anh cầm số tiền nầy mua vài lít rượu, ít gà vịt và vài ký thịt bò, anh em mình nhậu chơi một bữa.
Cầm số tiền thượng sĩ Y Kloc ngần ngại:
- Sao nhiều vậy, mua hết hay sao thiếu úy?
- Ừ mua hết, tôi vừa lãnh lương xong.
Buổi khao anh em và cũng là bữa cơm chia tay đối anh em trong trung đội. Ăn xong, Hòa báo tin Hòa sẽ rời anh em về trình diện sư đoàn nhận nhiệm vụ mới. Tất cả bỗng dưng im bặt không một ai nói được câu gì trước một mất mát lớn lao và bất ngờ đối với họ.
Một hồi lâu Hạ sĩ An bật khóc:
- Như vậy ông thầy bỏ tụi em rồi.
Buồn nhất là Xí, người đã theo sát Hòa như hình với bóng từ ngày Hòa vừa lên Quảng đức. Xí lấy trong túi áo cái hộp quẹt Zippo và tháo chiếc đồng hồ đang đeo tay trả lại cho Hòa, Hòa an ủi:
- Em giữ lại làm kỷ niệm để nhớ anh mỗi khi nấu cơm và xem giờ. Xa em anh thấy buồn…
- Nếu làm việc tại bộ tư lệnh, ông thầy nhớ ghé thăm em.
- Chưa biết đi đâu, làm gì, nhưng nếu ở gần sẽ đến thăm các anh em. Xin hứa.
Về trình diện bộ tư lệnh, Trung tá trưởng phòng 1 cho Hòa biết Hòa được chọn về tiểu đoàn 23 tiếp vận, một đơn vị mới đang được thành lập. Danh sách sĩ quan do bộ tư lệnh tuyển chọn mới có hai người, Thiếu tá Trương làm tiểu đoàn trưởng và Hòa phụ trách ban 4, ngày đầu tiên về tiểu đoàn chỉ có hai sĩ quan. Sau nầy Hòa được biết, do đề cử của Trung tá Tiến trưởng phòng 4, đại tá Cẩn, lúc nầy là tư lệnh phó sư đoàn đã chấp thuận khi thấy tên Hòa trên danh sách đề nghị. Để đáp ứng với tình hình chiến thuật mới, các tiểu đoàn tiếp vận được thành lập bên cạnh các sư đoàn. Đơn vị mới nầy kết hợp các đơn vị trực thuộc trước kia, ngoài hai đại đội quân nhu quân cụ làm nòng cốt, còn thêm một trung đội vận tải cơ hữu, một trung đội chung sự chuyên về hậu sự lo an táng chôn cất các chiến sĩ bỏ mình vì tổ quốc, một trung đội sửa chữa truyền tin và một trại nông mục nuôi heo, bò gà… Tiểu đoàn tiếp vận xem như một đơn vị trực thuộc và nằm bên cạnh sư đoàn để yểm trợ hữu hiệu và đắc lực từ hậu cứ đến tiền phương. Sau khi trình diện thiếu tá Trương, Hòa phóng xe xuống hậu cứ tiểu đoàn 1 báo tin vui cho anh em cũ, nhưng họ đã lên đường hành quân ngay trong đêm đó.
Gần ba năm sau, khoảng đầu hè 1971 chiến trường Buôn mê thuột trở nên sôi động. Trung đoàn 45 thường đụng độ lớn với địch trong các cuộc hành quân chung quanh các khu rừng giữa hai quận Buôn Hô và Thuấn Mẫn. Các tiểu đoàn bộ binh bị tổn thất nặng trong những lần giao tranh với địch tại vùng nầy. Địch quân không nhiều, chừng vài tiểu đoàn bộ binh với sự yểm trợ của nhiều đơn vị pháo, vừa cầm chân vừa làm tiêu hao lực lượng trung đoàn 45 tại Buôn mê thuột bằng chiến thuật khiêu khích dụ quân ta vào trận địa đã dàn sẵn. Trong giai đoạn đầu địch dùng thế thượng mộc hạ thổ. Toán địch quan sát và chỉ huy trận địa ẩn núp trên các cây cao. Dưới đất vài toán bộ đội xuất hiện chạm súng lẻ tẻ mục đích dụ quân ta đổi hướng truy kích. Khi các cách quân ta đã vào đúng ổ mai phục và tầm pháo, đạn cối 81 của chúng rót xuống như mưa, vừa sát hại vừa áp đảo tinh thần. Lúc dứt pháo, địch từ trong các hố chui lên đánh cận chiến. Sau trận nầy trung đoàn đổi chiến thuật, địch quân quay qua xử dụng chiến thuật ‘trận địa pháo’.
Với chiến thuật mới, địch quân chỉ tấn công quân ta bằng đạn pháo. Rừng rậm, chúng hóa trang ẩn kín trên cây, theo dõi hướng tiến quân và điều chỉnh tầm pháo. Khi đoàn quân đã vào trọn trong mục tiêu, hàng chục họng súng nhả đạn rót xối xả xuống đầu. Đến chừng pháo binh ta bắn trả chấm đứt được các họng súng địch thì tổn thất quân ta đã khá nặng nề.
Vào một chiều chủ nhật Hòa đang ngồi trong quán café ‘Tím’ trên đường Nơ Trang Long, trung úy Linh phụ tá của Hòa cùng thiếu úy Phan dừng xe trước cửa chạy vào:
- Kiếm anh từ trưa đến giờ.
- Chuyện khẩn cấp?
Phan tiếp lời:
- Anh quen thân các chủ trại mộc, tôi nhờ anh làm gấp một số hòm, chỉ cần cưa bốn miếng ván lớn, hai miếng nhỏ cho hai đầu. Gấp quá không cần phải bào láng.
- Hôm qua anh đã lấy hết hòm tại các nhà cung cấp chưa đủ?
- Không thấm vào đâu, vì một số lớn xác của anh em tiểu đoàn 1 vừa được trực thăng đưa về.
Vừa nghe đến tên tiểu đoàn 1 Hòa giật thót mình, đơn vị chiến đấu Hòa đã cùng đồng đội sát cánh chiến đấu hơn một năm trời.
Hòa trả lời vội Phan:
- Được tôi sẽ lo chuyện anh trong chiều nay, bây giờ chạy gấp xuống trung đoàn. Xác đem về ở đâu, đi với tôi để khỏi mất thời giờ.
Hòa để xe mình tại chỗ, lên chung với Phan chạy về hướng cây số 5. Khi ngang qua phi trường L19, Hòa thấy vẫn còn ba chiếc trực thăng đang lên xuống tải thương và tử thi. Mấy chiếc hồng thập tự của tiểu đoàn quây y và quân y viện Buôn mê thuột nối đuôi nhau liên tiếp chạy ra. Linh tính Hòa báo trước chuyện chẳng lành đã với những đồng đội cũ, với lối chiến thuật ác liệt nầy, khó ai giữ được tính mạng từ trận nầy qua trận khác.
Xe chạy thẳng vào nhà xác tiểu đoàn nhưng chỉ tìm được đây hơn một chục tử thi, chỉ huy hậu cứ cho dọn một phòng lớn nằm kế văn phòng ban chỉ huy tiểu đoàn để chứa thêm gần bốn chục xác khác.
Hòa bật khóc thành tiếng và chạy đến ôm lấy các xác chết những đồng đội cũ của mình. Xí đang nằm yên mặt nhợt nhạt đầy vết máu, một mảnh đạn súng cối xuyên qua ngực trên tay vẫn còn mang chiếc đồng hồ Seiko. Vàng không còn nguyên vẹn thân thể, trên áo vẫn còn bảng tên với cấp bậc trung sĩ nhất. Kloc bị ngay một mảnh đạn ngang đầu. Tâm thân mình chỉ còn một nửa nằm cạnh những anh em khác: Nghĩa, Báu, Hùng…như vậy trung đội thân yêu ngày trước của Hòa đã hoàn toàn tan rã.
Trung úy Linh bước đến ôm Hòa kéo ra vỗ về:
- Đằng nào anh em đã chết rồi, anh khóc họ cũng không sống lại được. Bây giờ tôi đưa anh lên bệnh viện để tìm những người bị thương xem có thể giúp gì được không.
Trong quân y viện những người bị thương đang nằm la liệt trên giường, trên băng ca, dưới đất. Không còn chỗ cho những anh em vừa đến. Hòa chạy thẳng vào phòng cấp cứu thấy Chín, Hoan đang được truyền máu. Ba binh sĩ Sâm, Trọng, Bá còn tỉnh, đã được băng tạm đang ngồi dựa vách tường.
- Trung úy!
Nghe tiếng gọi Hòa quay lại, Đậu đang được chuyển vào phòng cấp cứu, còn tỉnh và nhận ra Hòa. Hòa vội hỏi:
- Trung đội của mình…?
- Dạ tiêu tùng hết, chúng nó pháo tới tấp trên đầu không cách nào chống đỡ. Em được đưa về đây bằng trực thăng, không biết những người còn lại ra sao.
Nắm tay anh em một hồi, Hòa phải ra khỏi cấp cứu theo yêu cầu của y sĩ trưởng.
Trước lúc lui ra Hòa đến cạnh bác sĩ Hoạt bạn học ngày trước, nói như van xin:
- Lính cũ của tôi, anh lo liệu giùm.
Bắt tay Hòa, bác sĩ Hoạt gật đầu:
- Không sao, bổn phận của tôi, anh đừng nóng ruột.
Từ giã quân y viện Hòa đến thẳng hai trại mộc, yêu cầu làm gấp năm chục hòm đơn giản để tẩm liệm vào sáng mai.
Hôm sau Hòa có mặt trọn buổi sáng trong lúc trung đội chung sự tắm rửa, thay áo và liệm các binh sĩ cũ của mình. Linh cữu được sắp thành từng hàng dài trong một căn nhà dài để chờ thân nhân. Đứng từ xa đã nghe tiếng than van khóc lóc não nùng của những bà mẹ mất con, những người vợ mất chồng... Hòa nước mắt đỏ hoe, bước nhẹ đến sau lưng mẹ của Xí, vợ Vàng, vợ Tâm, vợ con Kloc… ôm các bà vào lòng vỗ về sót xa như đang ôm những người thân yêu nhất trên đời. Không ai nói được tiếng nào, chỉ có nước mắt và những tiếng nấc nghẹn ngào giữa mùi khói hương nồng nặc, tiếng chuông mõ hòa lẫn tiếng cầu kinh. Suốt ngày hôm đó cho đến sáng hôm sau, Hòa ở lại bên cạnh các quan tài với thân nhân, Hòa không can tâm quay về đơn vị.
Sáng hôm sau Hòa nhờ trung úy Linh lấy một số tiền riêng và một bộ đồ dân sự. Tiền Hòa nhờ Linh đưa lại cho thân nhân từng gia đình để mua hương hoa và góp thêm lộ phí đưa linh cữu về nguyên quán. Hòa thay bộ áo dân sự, lên xe ngồi chung xe chở linh cữu Xí đến tận đồi Chukuc, nơi đã ghi dấu nhiều kỷ niệm, để tiễn đưa một người lính, người bạn, người em một đoạn đường.
Trung úy Linh nói với Hòa:
- Anh cần tôi chạy theo anh, hay tôi bảo tài xế đón anh.
- Cám ơn Linh, tôi sẽ trở lại bằng xe đò. Đường không an ninh, anh đừng cho jeep chạy theo.
Trên đường trở lại Buôn mê thuột, quá mệt mỏi nhưng không thể chợp mắt, hình ảnh của những người lính cũ chết không toàn thây, của các bà mẹ bà vợ nằm lăn bên hòm than khóc thảm thiết cứ ám ảnh trên suốt đoạn đường.
Chia ly, đau khổ, tàn phế, chết chóc và mất mát là định luật của chiến tranh mà phần thiệt thòi lúc nào cũng giáng xuống đầu những gia đình nghèo khó, những binh sĩ vô tội đáng thương dù ở dưới chế độ nào cũng vậy, họ không đủ tiền để mua một chỗ núp bóng che thân. Họ đã nằm xuống hàng trăm hàng ngàn người ngoài mặt trận cho sự an toàn của một vài quan quyền trong bàn giấy.
Những chiến sĩ đáng thương nầy đã thực sự hy sinh cho tự do và toàn vẹn của lãnh thổ nhưng được gì ngoài vài chục ngàn tiền tử với chiếc hòm sáu miếng ván? Xác chưa kịp chôn, vành tang chưa quấn chặt, nước mắt cha mẹ vợ con đang chảy… trong lúc các tướng tá hãnh diện nhận thêm sao thêm hoa trên cổ, thêm huy chương xanh đỏ trước ngực. Hãy nhìn kỹ đằng sau những chéo vải xanh đỏ này, không gì hơn ngoài nước mắt đau thương của những người còn lại, máu và những xác chết của những anh em thuộc cấp đã hiến thân mình cho tổ quốc cũng như hàng ngàn trẻ con, thanh niên đáng thương vô tội phía bên kia chiến tuyến, đã hy sinh cho mưu đồ tham vọng xâm chiếm miền Nam của cộng sản.
Vùng rừng núi Pleiku-Kontum, vị trí chiến lược quan trọng, địch cần khống chế để làm bàn đạp thôn tính miền Nam. Ranh giới Việt-Miên-Lào là vùng lý tưởng để ẩn náu, dưỡng quân của bộ đội miền Bắc, nơi lập kho hậu cần lương thực vũ khí đạn dược để chuyển tiếp vào Nam xuyên qua đường mòn Hồ chí Minh. Làm chủ được vùng này miền Bắc có thể cắt đôi miền Nam thành hai, đẩy ranh giới từ Bến hải vào tận Quy nhơn.
Mùa hè 1972 miền Bắc đã tập trung trên hai sư đoàn chính quy với sự hỗ trợ của những trung đoàn xe tăng và trọng pháo hạng nặng. Quân đoàn 2 đóng tại Pleiku tiên liệu trước khả năng địch, điều động sư đoàn 23 bộ binh từ Buôn mê thuột lên làm đơn vị cơ bản, phối hợp với sư đoàn 22 đóng tại Quy Nhơn, các lữ đoàn trọng pháo, thiết giáp cùng với nhiều liên đoàn nhảy dù và biệt động quân tăng phái.
Bộ chỉ huy tiền phương của chiến dịch đóng quân trên ngọn đồi về hướng tây cách thị xã chừng dưới mười cây số. Một cách quân được chỉ định đóng ở bìa rừng để bảo vệ thành phố Buôn mê thuột. Tiểu đoàn 23 tiếp vận do thiếu tá Nhất chỉ huy, đang theo sát bộ tư lệnh, trung úy Linh tháp tùng ban chỉ huy, Hòa liên lạc đi về giữa tiền phương tại Kontum, Pleiku và hậu cứ tại Buôn mê thuộc.
Chiến thuật đánh thành phố của địch, chúng thường dùng pháo trấn áp trước, chiếm lấy dân để cản đường phản công của quân ta.
Sau một đêm địch pháo kích như điên vào thị xã, vùng cát trắng Kontum nhuộm thành đỏ bởi máu của dân lành vô tội. Thành phố trở thành đống gạch, người và gia súc chết nằm ngổn ngang trong nhà ra đến đường. Vừa dứt pháo, địch từ nhiều hướng ồ ạt vào chiếm các điểm trọng yếu nhưng đã gặp phản công kịp thời của quân ta chúng buộc phải rút lui sau vài giờ giao tranh. Kế hoạch đánh chiếm thị xã Kontum hoàn toàn thất bại, địch đã để lại một thành phố hoan tàn đổ nát và tang thương.
Đánh bạt địch ra khỏi thành phố Kontum, bộ tư lệnh tiền phương quân đoàn 2 chia lực lượng thành nhiều mũi tiến quân thẳng vào cơ sở hậu cần và sào huyệt của chúng, chận đường tiếp viện vào từ miền bắc, giải vây các tiền đồn đang bị chúng cô lập. Bộ tư lệnh tiền phương đã san bằng sào huyệt các cơ sở hậu cần dễ dàng và mau chóng. Chỉ tiếc một hai tiền đồn đã lọt vào tay địch sau những loạt tấn công biển người, một thủ đoạn thí quân không vô nhân đạo của Cộng sản.
Chiến lợi phẩm do trung đoàn 45 tịch thu đuợc ngoài vũ khí trang bị cá nhân đều xuất xứ từ Liên sô và Trung cộng còn mấy chục tấn gạo ẩm ướt lên mốc, muối hột và cá khô các loại. Bên trái bãi đất trống nằm sát bộ chỉ huy tiền phương trung đoàn, các chiến lợi phẩm đã được phân ra từng loại, bên phải vẫn còn chất đống bừa bãi. Trong lúc tiểu đoàn làm thủ tục tiếp nhận, Hòa tách riêng đi về hướng các tù binh, trên trăm người đang bị bịt mắt ngồi thành từng hàng dưới bóng cây. Họ còn quá trẻ chừng 16 đến 18 tuổi là cùng, nhiều khuôn mặt còn búng ra sữa, trên người chỉ chiếc áo rách và cái quần cụt. Hòa nhìn họ bỗng thấy xót xa trong lòng. Đám tù binh trẻ nầy chào đời trong chiến tranh, áo không đủ mặc, ăn không đủ no, chữ nghĩa chỉ vài ba chữ. Đời chưa bao giờ biết đến miếng cá miếng thịt là gì ngoài những món ăn trường kỳ ngô khoai và rau cải. Đến lúc vừa đủ sức vác cây súng, chục quả súng cối và vài ký lương thực thì bị lùa vào miền Nam, lần lượt bỏ thây vì bệnh tật và bom đạn sau khi vượt qua vĩ tuyến 17. Cấp chỉ huy lúc nào cũng hồ hởi báo cáo, vận động dân chúng rằng chúng ta đã tiến mạnh tiến nhanh..
Hòa tiến đến bên cạnh một tù binh trẻ:
- Tôi mời anh điếu thuốc.
Anh tù binh không trả lời, quay mặt qua hướng khác.
Châm xong điếu thuốc Hòa ôn tồn:
- Tôi không ở trong đơn vị đã bắt anh và cũng không phải sĩ quan an ninh điều tra đến thẩm vấn.
Anh tù binh trẻ quay lại nhưng vẫn không có thái độ nào.
- Anh hút điếu thuốc cho ấm. Tôi biếu anh vì tình cảm riêng của tôi.
Đến đây anh tù binh gật đầu, Hòa cúi xuống gắn điếu thuốc vào hai môi, anh ngập ngừng vài giây rồi hút tiếp những hơi dài. Những tấm vải bịt mắt không cho phép Hòa thấy được phản ứng trên gương mặt các anh em tù binh nhưng Hòa cũng nhận biết tất cả đều muốn được một điếu thuốc.
Vừa châm thuốc cho từng người Hòa vừa nói:
- Các anh may mắn được chúng tôi bắt về đây, dĩ nhiên sẽ bị giam giữ một thời gian, được săn sóc chữa bệnh và nuôi ăn. Sau nầy các anh sẽ được trả về lại miền Bắc trong chương trình trao đổi tù binh. Không ai giết hại, móc mắt mổ bụng để ăn thịt như các anh đã bị tuyên truyền. Đừng sợ!
Nghe đến đây các tù binh đổi ngay thế ngồi, quay hẳn về hướng Hòa đang đứng, ngước mặt lên nghe ngóng.
Chưa dứt câu, Hòa nghe tiếng người quen sau lưng:
- Hòa qua đây hồi nào. Làm sĩ quan chiến tranh chính trị hay lắm, nhưng không nên. Mấy ông sĩ quan ban 2 sẽ báo cáo bậy lên trung đoàn càng thêm lắm chuyện. Lui vào trong làm ly café nói chuyện hay hơn.
Đại úy Điệp, tiều đoàn trưởng tiểu đoàn 1 choàng tay qua vai kéo Hòa vào trong lều bên cạnh bộ chỉ huy.
- Có thường lên đây không Hòa?
- Dạ thường nhưng ở ngoài thị xã, hôm nay có dịp đi theo vào kiếm thăm anh em cũ.
- Báo Hòa tin buồn, trong đại đội chỉ còn một mình tôi, các anh em trung đội truởng khác cùng thời với Hòa đã ra đi.
Hòa ngồi yên một lúc hỏi lại:
- Sao em không hay biết gì?
- Xác đưa thẳng về hậu cứ, lúc nầy anh thường có mặt ở Pleiku-Kontum?
- Dạ lâu lâu cũng về Buôn mê thuột, nhưng quá bận rộn không liên lạc thường xuyên với hậu cứ tiểu đoàn.
Anh em uống xong tách café, đại úy Điệp bắt tay đứng dậy:
- Tôi phải về tiểu đoàn bây giờ.
Hòa nước mắt lưng tròng:
- Bảo trọng nghe anh.
Đại úy Điệp gượng cười:
- Cám ơn, số mạng do Trời định làm sao biết được Hòa.
Trực thăng vừa ra khỏi thị xã Kontum, đạn từ dưới bắn lên tới tấp, hai xạ thủ đại liên vừa bắn trả xuống vừa trấn an:
- Chúng nó bắn bằng AK không sao đâu, sẽ bay lên trên tầm đạn.
Hai tay nắm chặt vào thành ghế Hoà nhìn ra ngoài, những viên đạn lửa chỉnh hướng bay ngang trước mặt, máy bay phải bốc ngược lên vượt qua tầm bắn. Lúc trực thăng vào hẳn trong đám mây, xạ thủ đại liên ngồi ở cánh cửa nói vào tai Hòa:
- Chỉ ngại khi chúng nó bắn bằng hỏa tiễn hay súng phòng không, đạn AK nếu không trúng thùng xăng thì không sao.
Hai lần suýt chết vì máy bay nhưng Hòa không lo lắng mỗi khi bước lên trực thăng. Hòa nghĩ rằng Trời chưa kêu đến tên mình mặc dù đã hai lần lọt ngay vào ổ phục kích trên đèo Chư Pao, giữa quốc lộ 14 nối liền Kontum và Pleiku.
Bạn bè đồng đội và anh em dưới quyền đã vĩnh viễn ra đi để lại những nỗi buồn thương tiếc trong lòng người ở lại. Hòa tự nghĩ, không biết bao giờ sẽ đến lượt mình, bom đạn vô tình đâu biết phân biệt được ai, kẻ hứng chịu trước nhất là những người lính đáng thương, những cấp sĩ quan nhỏ bé như Hòa. Năm 1954 ngưng chiến và chia đôi đất nước để hai miền nam bắc sống yên lành trong hòa bình hạnh phúc, nhưng chính đây là cơ hội để miền Bắc dưỡng quân, huấn luyện binh sĩ, trang bị vũ khí tối tân để vượt ranh giới, xâm lược gây thương đau chết chóc cho miền Nam. Ủy ban quốc tế kiểm soát đình chiến đâu? Pháp, Mỹ, Anh… đâu? Chính các người đã nhân danh hòa bình công lý và đạo đức, dựa vào sức mạnh súng đạn để buộc dân tôi ký vào hiệp định Genève. Ngày nay địch quân đã đạp lên chữ ký của các người, kéo hàng vạn binh lính vượt biên giới vào Nam gây tang thương cho hàng triệu người vô tội.
Miền Nam không có người lính nào gọi là quân giải phóng. Danh từ mặt trận nghe thật vĩ đại nhưng thực chất là những tên trí thức tay sai của miền Bắc nằm vùng phá hoại, núp bóng giật giây. Địch quân có mặt tại miền Nam chính là hàng chục sư đoàn chính quy hùng hậu của miền Bắc, đã vượt qua biên giới với những dụng cụ giết người tối tân trang bị từ Liên sô và Trung cộng!
Dân hai miền Nam Bắc đều là người Việt nhưng hoàn toàn sống trong hai quốc gia riêng biệt và dưới hai chế độ hoàn toàn trái nghịch nhau. Các ông đừng ngây thơ và cũng đừng đánh lừa dư luận cho rằng chiến tranh Việt nam đơn thuần là một nội chiến tại miền Nam, mà thực sự là cuộc xâm lược vĩ đại của cộng sản miền Bắc, đã vi phạm trắng trợn các nguyên tắc căn bản giữa hai quốc gia độc lập và có chủ quyền.
Các người nghĩ thế nào khi cùng nhau đặt bút ký kết các điều khoản kiểm soát đình chiến và bảo đảm tự do hòa bình cho hai quốc gia độc lập theo công pháp quốc tế? Hãy can đảm nhận lấy trách nhiệm để thực thi các điều khoản do chính các người đẻ ra, đừng để lịch sử phê phán và chính con cháu các người ngày sau sẽ lên án buộc tội.
 
Đinh Lâm Thanh
 

Xem Tiếp: ----