Tác giả là cư dân San Jose, đã góp nhiều bài viết đặc biệt. Ông viết nhiều truyện ngắn, thuộc nhiều loại đề tài khác nhau. Đây là chuyện ngắn mới của ông.

 
Tôi về đây từ ngày cha đẻ của tôi tổ chức buổi ra mắt tại một địa điểm quy tụ khá đông người.
Qua bao năm dài thai nghén, bố tôi mới sẵn sàng cho tôi chào đời. "Thân Phận” là tên của tôi được bố chọn. Đó là nỗi đau trăn trở của Người muốn gởi gắm vào tôi.
Sau buổi ra mắt sách, tôi được ký tặng cho một người bạn vong niên của bố.
Chủ của tôi là một người Việt định cư ở Hoa Kỳ khá lâu, từ thuở còn là học sinh trung học. Tôi vui mừng và hãnh diện nằm trong tủ sách gia đình của ông ấy. Một chiếc tủ được đóng khá công phu vừa trang nhã vừa sang trọng. Tủ có cửa kiếng ngăn bụi nên các bạn của tôi ở đây đã mấy năm rồi mà vẫn sạch sẽ, láng lẩy.
Tôi được xếp chung trong ngăn tủ theo thứ tự lớp lang trông rất đẹp mắt. Có bạn sinh ra từ nước Pháp nước Anh. Nhưng phần lớn ra đời ở Mỹ.
Qua các lần tiếp xúc, tôi mới biết các bạn được chủ nhân đem về đây từ những buổi trình làng. Trên mỗi trang đầu đều có chữ ký của tác giả ghi tặng.
Tuy sống trong cái tủ ấm cúng, sáng sủa và thơm tho nhưng không một khuôn mặt nào vui tươi, phấn khởi. Đó là nguyên nhân sâu xa mà sau này tôi mới hiểu và thấm thía cho hoàn cảnh.
Chủ nhân làm gì, ở đâu, chúng tôi không rõ, chỉ thấy sáng đi, chiều về. Nghe nói vợ ông ấy làm chủ một tiem nail ở downtown.
Chúng tôi chưa bao giờ thấy ông chủ dành thì giờ rảnh rỗi cuối tuần để thưởng thức một bình trà hay ly cà phê cho trọn ve.n.
Tôi về đây đã gần ba năm mà lúc nào cũng thấy ông ấy tất bật, hết công việc này, đến công việc khác.
Lâu lâu ông đặt thêm vào ngăn tủ một cuốn sách mới xuất bản.
Hàng ngày cũng có tờ báo Mỹ vất trước cửa garage từ sáng đến chiều.
Ở sở làm về, ông nhặt nó lên, ngồi vào bàn nước, đọc lướt qua mấy cái tựa lớn rồi cho nó vào chồng báo cũ.
Vợ ông thì đặc biệt hơn, bà đọc khá kỹ những trang quảng cáo về mỹ phẩm, áo quần kiểu mới nhất và rất chịu khó cắt những coupons bỏ vào chiếc túi nhỏ bằng da gắn trên cửa tủ lạnh.
Một hôm, bất ngờ cha đẻ của tôi được ông chủ mời đến nhà dự tiệc Giáng sinh.
Mắt bố sáng lên khi trông thấy cái tủ sách lộng lẫy đứng dựa lưng vào vách dối diện với bộ sô-pha giữa phòng khách.
Như bắt gặp của quý, ông ồ lên rồi tấm tắc khen ông chủ tôi có tâm hồn yêu sách, bỏ công của ra để sưu tập một tủ sách có giá trị.
Dù chưa đầy ba năm mà bố tôi gầy đi trông thấy. Cặp kính lão hình như dày hơn trước. Mái tóc đã bạc và rụng nhiều để lộ vầng trán hói của Người lên khá cao.
Bố tôi xem qua một lượt những đề tựa sách. Chợt nhìn thấy tôi, ông liền mở cửa tủ nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng.
Từ ngày xa cách, tôi nhớ bố vô cùng.
Giờ được nằm trong vòng tay bố, tôi cảm động đến rơi nước mắt.
Sách tôi là đứa con thứ ba của bố sinh ra và được bố yêu chiều nhất.
Trong lòng bố, tôi lặng nghe từng hơi thở, từng nhịp tim gõ nhẹ trong lồng ngực tuy không còn nở nang nhưng vẫn tràn đầy nhiệt huyết của thời thanh xuân.
Ông đã đem hết nhuệ khí của tuổi đời vào sinh ra tử nơi quê hương Việt Nam.
Ông luôn giữ đúng cương vị của một nhà giáo, rồi trách nhiệm của một quân nhân trong thời chiến.
Rất nhiều đêm, bố tôi đã để rơi nước mắt trên tờ giấy bản thảo khi Người viết lại những năm tháng bị tù đày, đói khát và tủi nhục sau ngày miền Nam đổi chủ.
Qua tôi, bố muốn gởi đến các bạn trẻ và thế hệ mai sau nơi hải ngoại một điều mong mỏi thiết tha: "Xin hãy giữ gìn tiếng Việt như gìn giữ nhịp đập quả tim mình.
Như nhà văn kỳ cựu Thinh Quang đã hằng kỳ vọng nền văn học trong nước cũng như ở ngoài nước được tiến triển hơn lên, hy vọng trong làng văn hải ngoại và quốc nội xuất hien nhiều nhà làm văn hóa lỗi lạc hầu bắt kịp với nền văn minh của nhân loại.
Tôi thường được nghe ý hướng của bố tôi tâm sự với bạn bè rằng, bố viết không phải để làm nổi cái "tôi” của tác giả, mà mục đích chính là lưu lại cho giới trẻ những kinh nghiệm đau thương của thế hệ đi trước đã trải qua trên nửa thế kỷ dưới một chủ nghĩa tàn độc phủ trùm trên đất nước Việt Nam, cùng những di lụy đến ngày hôm nay do cái chủ nghĩa vô nhân tính của nó đã hủy hoại tận gốc rễ những tập tục, đời sống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Bố tôi cũng thường tỏ ra bất bình đối với một số người, chỉ vì đồng tiền đã làm cho họ mờ mắt không nhìn thấy cả dân tộc Việt đang quằn quại dưới ách độc tài, áp bức, bóc lột, nhũng lạm của hai triệu tên cướp cạn trá hình đảng viên Cộng sản.
Họ đã chối bỏ căn cước tỵ nạn, quên đi thời điểm sau tháng Tư, Bảy lăm, đã dắt dìu con cái chạy trốn trước họng súng hận thù ngày đêm săn đuổi trên rừng sâu, nơi biển cả, trực diện với cái chết từng giờ từng phút.
Giờ đây họ thành công trên xứ người, đã quay mặt làm ngơ với những cuộc đấu tranh kiên trì, không ngơi nghỉ của bao người có tâm huyết cho tự do dân chủ nơi quê nhà.
Bố nâng tôi lên, âu yếm đặt môi hôn vào gáy tôi rồi quay nhìn chủ nhà đang loay hoay chế trà.
Với ánh mắt đầy thiện cảm, bố tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn.
Ông rất hãnh diện khi tác phẩm của mình được đặt ngang hàng với những tác giả danh tiếng từ xưa đến nay.
Với ánh mắt hướng về người bạn trẻ của bố, tôi đoán biết bố muốn hỏi một câu mà theo thói quen của ông thường hay trao đổi với những độc giả đã xem qua sách của mình: "Thế nào, đọc hết tác phẩm Thân Phận, ông bạn có cao kiến gì không?”.
Nhưng bố tôi chợt phát giác cuốn sách còn nguyên vẹn chưa được bàn tay nào dở qua.
Lật tới, lật lui từ trang đầu đến trang cuối, nhiều trang sách còn dính vào nhau chứng tỏ sách chưa bao giờ được đọc.
Những dòng chữ của bố viết tặng cho chủ nhân, nét mực vẫn còn mới nguyên.
Đó là nỗi buồn của tôi và nỗi xót xa của bố.
Người thở dài, lặng lẽ đặt tôi vào chỗ cũ rồi chọn vài cuốn sách khác của những tác giả nổi tiếng từ khi còn ở Việt Nam mà đã có hàng chục tác phẩm xuất bản.
Niềm khắc khoải hiện rõ trên khuôn mặt âm u của Người.
Hàng trăm cuốn sách nằm trong tủ đều mang nỗi buồn như tôi. Người ta biến chúng tôi thành vật trang sức trí tuệ cho căn nhà thêm phần sang trọng chăng?
Bố tôi ngồi vào ghế sô-pha uống tách nước trà Đài Loan do chủ nhà trao. Hương vị chát ngọt của trà trở thành chất đắng ngấm vào cổ họng.
Hình như chủ tôi chỉ biết bố là nhà văn nhưng không biết bố tôi đã viết những gì và tên các tác phẩm của ông đã xuất bản.
Bố thật sự thất vọng.
Nỗi thất vọng hằn sâu thêm những vết nhăn đã hiện rõ trên vầng trán rộng.
Vầng trán đầy nét ưu tư mà bố tôi thường bày tỏ với bạn bè về những tác phẩm văn chương Việt ngữ trên xứ người có còn được duy trì đến các thế hệ mai sau nữa hay không?
Chủ nhà không thấy được điều đó. Nhưng là con ruột của bố sinh ra, tôi cảm nhận được niềm tuyệt vọng đó.
Bố ơi, nếu tác giả của những cuốn sách cùng số phận như con biết được thực trạng này họ cũng không tránh khỏi nỗi day dứt trong lòng như bố.
Tiệc mãn, bố đến trước tủ sách nhìn tôi lần cuối cùng rồi bắt tay chủ nhà từ biệt.

*

Thời gian trôi qua.
Ngày lại ngày, lũ sách chúng tôi âm thầm nhìn nhau mong đợi những bàn tay, những ánh mắt trìu mến dành cho chúng tôi.
Vào ngày thứ hai hàng tuần, chúng tôi lại ngán ngẩm nhìn khuôn mặt lầm lỳ quen thuộc của người đàn bà làm thuê đến quét dọn lau chùi nhà cửa, bàn ghế.
Mặt tủ gương sạch bụi nhưng lòng chúng tôi lại âu sầu như đám mây đen đang vần vũ ngoài kia.
Một hôm, tôi nghe vợ chồng chủ nhà bàn thảo sẽ tổ chức buổi tiệc kỷ niệm mười năm ngày cưới vào ngày thứ bảy tới.
Lòng tôi lại rộn ràng khấp khởi sắp được gặp gỡ người cha ruột của mình.
Từ thời điểm này, tôi có cảm tưởng kim đồng hồ treo tường nhích từng bước nặng nề chậm chạp như loài rùa bước đi lười nhác.
Tôi thao thức đếm từng tiếng tích tắc của quả lắc mong ngóng từng phút từng giây.
Dù thời gian mười ngày dài lê thê, cuối cùng ngày vui cũng đến. Bàn ghế đã được sắp xếp sẵn. Những bình hoa đủ màu sặc sỡ, những dãy đèn sáng choang. Khách mời đã bắt đầu tề tựu từ lúc 5 giờ chiều.
Từng cặp nam nữ dìu nhau bước đi giữa hai luống hoa hồng đang mùa nở rộ. Trông người nào cũng rạng rỡ trong những bộ y phục dạ hội.
Các bà, các cô mặc những chiếc áo đầm hở vai đủ màu sắc và đeo những bộ chuỗi kim cương, ngọc trai lấp lánh trên chiếc cổ trắng ngần... Hồi còn ở với bố, anh em chúng tôi sống chung trong những chiếc thùng cát-tông đầy bụi bặm dồn vào một góc garage chật chội, nồng nặc mùi xăng nhớt.
Hôm nay lần đầu tiên tôi chứng kiến được buổi tiệc dạ vũ có cả ban nhạc sống xập xình tiếng trống.
Mùi nước hoa thoảng bay sực nức hương thơm. Buổi tiệc đã bắt đầu.
Bạn bè của chủ nhân đến tham dự rất đông nhưng tuyệt nhiên không có mặt bố tôi.
Nỗi lo âu thay cho niềm vui rộn rã trong lòng, tôi nhủ thầm: "Có chuyện gì xảy ra hở bố? Sức khỏe của bố hiện giờ như thế nào? Cách đây một năm trông bố còn tráng kiện lắm mà. Nếu có được quyền năng hóa phép, tôi đã tông cửa tủ đến kéo tay chủ nhà hỏi lý do nào mà bố tôi không tới dự tiệc hôm nay.
Tôi thổ lộ nỗi lo âu ấy với các bạn nằm gần tôi.
Anh bạn có tên "Khuôn Mặt”, tác phẩm của một nhà văn kỳ cựu thì thầm: "Có lẽ ông cụ nhà anh chưa nguôi cơn buồn..
Tiếng nhạc, tiếng ca, tiếng cười nói râm ran từ phòng tiệc vọng lên cũng không làm nhòa đi hình ảnh người bố thất chí, tiều tụy xanh xao đang lởn vởn trong trí tưởng tượng của tôi.
Giữa bữa tiệc, có mấy ông lớn tuổi ra sân hút thuốc rồi ghé vào xem tủ sách.
Chợt một ông mang kính cận khá dày, thốt lên:
- Đây rồi! Vừa nói vừa mở cửa tủ cầm lấy tôi, ông bảo:
- Mục giới thiệu sách mới trong Nguyệt san KNM có đề cập đến tác phẩm Thân Phận. Moa có thưởng thức những truyện ngắn đọc trên đài phát thanh, báo chí Việt ngữ hải ngoại và một vài website đăng tải những bài viết của tác giả này. Ở bên tiểu bang mình cư ngụ đói sách chữ Việt lắm. Thỉnh thoảng mới có vài tác phẩm được tổ chức ra mắt tại đó, còn lại thì nhờ bạn bè mua hộ gởi sang.
Một ông khác có thân hình gầy đét nhưng ánh mắt thì sáng quắc như một tráng sĩ, cầm lấy tôi, vỗ vỗ vào bìa, ngắt lời:
- Tác phẩm "Thân Phận này được tái bản lần thứ hai rồi đấy nhé. Đây là cuốn in lần đầu cách nay đã ba năm rồi. Truyện kể rất xúc động, kích thích người đọc lắm. Moa đã thức trọn đêm để xem cho hết tập truyện này đấy. Đến nỗi bà nhà tôi lấy sách cất đi, cằn nhằn: " Áp huyết cao mà ham thức khuya!
Chợt, tiếng nói của chủ nhà vang lên:
- Mời quý vị vào bàn tiệc tiếp tục chứ, lại đến cữ ghiền sách rồi sao!
Ông kính cận chìa tôi ra trước mặt chủ nhà:
- Chú mầy vui lòng cho bác mượn tác phẩm này về đọc, sẽ gởi trả trước khi bác lên máy bay về lại bên đó.
- Chuyện nhỏ mà bác - chủ nhà ngắt lời, bác với ba con là bạn nối khố từ thuở bé ở quê hương. Chúng con xem như người nhà cả, xin biếu bác cuốn sách đó gọi là quà kỷ niệm nhân chuyến viếng thăm vùng con ở.
Khuôn mặt ông kính cận bỗng hồng lên, hai tay ôm tôi vào ngực, miệng cảm ơn rối rít.
Tôi vui sướng như trống giục trong lòng khi ông kính cận mở chiếc xách tay thận trọng đặt tôi nằm nơi ngăn kéo êm ái nhất.
Tôi như được mọc cánh, ước gì bay bổng trên bầu trời cao.
Bầu trời mênh mông, núi rừng trùng điệp, biển xanh bát ngát và tâm hồn tôi rực rỡ mang hương sắc của các loài hoa.

*

Thế là tôi được một chuyến đi xa đầy lý thú.
Suốt cuộc hành trình bằng đường hàng không từ Tây sang Đông nước Mỹ, tôi luôn ở kề cận bên ông chủ mới.
Ông nghiền ngẫm từng trang sách.
Có lúc ông đặt tôi lên đùi suy tư điều gì đó và nhiều lần lấy khăn lau mắt kính.
Tiểu bang Michigan nằm trong vùng "Ngũ Đại Hồ rộng thênh thang.
Bầu trời trong vắt nhưng cảnh vật dưới đất thì phủ đầy tuyết trắng xóa. Tuyết kết thành bông tơ nở trên cành cây. Tuyết trải trên mái nhà như lợp bằng bạc óng ánh. Tuyết nằm vun cao hai bên đường như những con đê chắn lũ.
Ánh thái dương chiếu lấp lánh trên những mặt hồ nước xanh màu ngọc bích.
Tôi về đây rất ít bạn bè. Chủ mới của tôi, người mang kính cận, sách không nhiều chỉ vỏn vẹn vài ba chục cuốn đặt trên cái kệ tuy nhỏ hẹp nhưng toàn những tác phẩm có giá trị được chọn lựa.
Bà vợ của ông là người cũng ham đọc sách. Số sách chồng bà mua từ tiểu bang Cali trong chuyến đi này chiếm riêng một va-li nhỏ. Lục lọi một hồi, bất ngờ bà chủ chọn tôi đọc trước tiên.
Đêm nay, bà chong đèn ngồi đọc tôi một cách say mê bên chiếc bàn nhỏ. Hết trang này tới trang khác không ngừng.
Có những giọt lệ bất chợt rơi ướt mặt tôi, rõ ràng là bà ấy đã xúc động trước những truyện của bố tôi viết. Nỗi buồn trong tôi trước đây bỗng nhiên tan biến. Lòng tôi ấm lại và nghĩ đến cha đẻ của tôi.
Người sẽ vui biết bao khi biết được ở hải ngoại nầy còn có những độc giả yêu văn chương với tâm hồn trong sáng như vợ chồng của vị chủ mới của tôi bây giờ.
Bố ơi, con biết dù là mùa nắng ấm ở Cali bắt đầu nhưng lòng bố vẫn còn tê tái vì những đố kỵ của những con người không dám nhìn thẳng vào thực tài và năng khiếu bẩm sinh của tác giả.
Đêm nay, nơi con ở, tiểu bang tận cùng của miền bắc nước Mỹ, ngoài trời, gió mang theo những cánh tuyết giá buốt nhưng không gơn một tí bụi nhơ, nó hoàn toàn thanh khiết như cuộc đời của bố.
Trong căn phòng ấm, khiến con nhớ bố nhiều.
Con lại càng cảm phục bố đã quyết chí vượt qua những khó khăn ban đầu nơi đất khách quê người sau bao năm sống trong cảnh ngục hình tại quê hương đầy nghiệt ngã để thực hiện cho kỳ được hoài bão của mình.
Con khắc sâu trong lòng hình ảnh người cha một đời "lập thân lập chí‘ đã sinh ra con.
Người đã viết từ trái tim mình, viết từ trí tuệ mình để con có được niềm kiêu hãnh ngày nay.
Bố ơi, người bạn cùng trên đường về đã khuyên con một câu rất chí lý khi biết được nỗi buồn của con: "Giá trị của một tác phẩm tự nó phát sáng như loài đom đóm, không có ma lực nào làm tắt đi được. Đó là ánh sáng bẩm sinh dù rất nhỏ nhoi nhưng cũng làm cho khách lữ hành đi trong đêm tối đỡ phần quạnh vắng.“
Thế là tôi thật sự hòa nhập vào gia đình mới, đơn sơ nhưng đầy ắp tình người. Gần ba chục bạn nằm quanh tôi trên chiếc kệ mộc mạc nhưng lúc nào cũng được chủ tôi săm soi, gìn giữ và lần lượt đọc hết cuốn sách này qua cuốn khác.
Anh bạn mới nằm bên tôi là một tác phẩm sưu khảo in từ Việt Nam. Bạn mang tâm tư u ẩn luôn giữ kín trong lòng theo thói quen hồi còn ở Việt nam, điều gì cũng sợ.
Một hôm bạn hỏi tôi:
- Bố anh bây giờ ở đâu?
- Tiểu bang California, thuộc Liên bang Hoa Kỳ, nằm về phía bờ biển Thái Bính Dương, tôi trả lời.
- Như thế là hạnh phúc lắm rồi - hắn tiếp: Bố tôi hiện giờ ở Việt Nam nghèo đói lắm, ông sống như người tu khổ hạnh chứ quyết không chạy theo cái đám bồi bút ăn càn nói sảng. Ông bảo: "Toàn một lũ nhồng bu quanh trái ớt xiêm cố liếm lấy để có chút cay hầu cho trong giọng mà hót với chủ.
Buông tiếng thở dài não nuột, hắn hồi tưởng:
- Hồi bố tôi xin phép cho tôi ra đời, chúng nó kèn cựa, hạch hỏi đủ điều. Nào ban văn hóa bôi xóa, ban chính trị kiểm duyệt gạch bỏ, tập bản thảo trông như đống giấy lộn. Nhìn những điều mà bố tôi viết ưng ý nhất bị chúng cắt bỏ chẳng khác gì những nhát dao cắt vào ruột gan của ông. Anh buồn vì số người đọc sách tiếng Việt nơi hải ngoại này ngày một giảm. Nhưng thử hỏi trên 80 triệu dân ở quê nhà ngày nay đã có mấy người đọc sách. Họ phải chạy kiếm miếng ăn từng bữa đến mờ mắt còn thời giờ đâu mà sách với báo. Người nông dân năm tháng làm việc như úp mặt xuống ruộng đồng, mà bọn "sứ quân‘ tìm cách lấy đất bán cho ngoại nhân. Cái nhóm cán bộ đảng viên lo chạy mánh, buôn lậu, ăn cắp của công thì còn tha thiết gì đến sách. Bọn họ đàn đúm ăn nhậu, phè phỡn hưởng thụ trên thân xác của những người con gái ngây thơ tuổi đáng con cháu của mình. Thử hỏi còn tìm đâu ra tinh hoa văn học, giá trị nhân bản trong xã hội đầy dẫy bất công hơn bao giờ! Sách không còn là phẩm vị của ngọn đèn trí tuệ thì xã hội ngập chìm trong bóng tối của suy đồi. Đó mới thật sự là nỗi đau của chúng ta, nỗi buồn của sách!
Khi chưa rời khỏi Việt Nam, tôi đã chứng kiến đủ điều. Xin kể một mẩu đối thoại sau đây để cho các bạn thấy rõ thực tiễn nền văn học nước nhà hien nay:
"... - Phúc cho mày là tao không thèm viết bao giờ.
" - Nếu anh cũng viết thì sao?
" - Thì mày sẽ không được phép viết hay hơn tao. Hay hơn tao là tao giết.
"Thế nếu không phải tôi, mà là những người khác thì sao?
" Thằng nào thì cũng thế cả, đều không được phép viết hay hơn tao.
Chính những đứa cùng viết văn cũng đối xử với nhau như vậy đấy (trích LTV) - Các bạn thấy đó, trên lãnh vực viết lách mà còn chèn ép nhau như thế, huống hồ những quyền lợi khác. Chưa kể đến chuyện ăn cắp bản quyền vô tội vạ xảy ra hà rằm như bọn cướp đường.
Anh bạn ở Việt Nam ngưng kể như để trấn tĩnh tinh thần, rồi lên tiếng hỏi:
- Trong số anh em ta sinh ra ở đây có anh nào chưa nghe kể đến cuộc hành quyết tập thể hàng triệu cuốn sách được xuất bản dưới chế đô. Việt Nam Cộng Hòa đã bị cho vào lò hỏa thiêu sau ngày "Giải phóng 30- 4-75?”
Hỏi xong hắn không cần câu trả lời, ngả người vào lưng tôi chán nản.
Bỗng, tiếng nói của một nàng thơ từ góc bên kia lên tiếng:
- Không riêng gì chúng tôi mà cả thế giới đều biết đến thảm nạn đó. Lịch sử sẽ lên án hành động điên cuồng ti tiện của chính quyền Hà Nội như đã lên án chính sách của Tần Thủy Hoàng đốt sách chôn học trò của Trung Hoa. Thưa các bạn, tôi là nữ giới, sinh trưởng từ quốc gia láng giềng Canada, xin bộc lộ với quý vị một điều mà từ bao lâu nay tôi mang uẩn khúc trong lòng:
Mẹ đẻ của tôi là một nữ sĩ, tuổi đã ngoài 80. Tôi là đứa con tinh thần sinh sau đẻ muô.n. Mẹ tôi đã lặn lội mang tôi qua nước Mỹ, nơi có khá đông thi văn hữu là bạn thân của bà cụ sẵn sàng đứng ra tổ chức cuộc ra mắt cho đứa con út của bà. Không biết vì lý do gì mà có vài người cho rằng thơ bà không chống cộng. Lấy cớ đó họ vận động một số người khác tẩy chay khiến mẹ đẻ tôi nhiều đêm mất ngủ. Tôi thật sự đau đớn và phẫn nộ bởi thơ của bà có khá nhiều bài chống cộng với lời thơ bóng bẩy, thâm thúy và đầy trăn trở.
Chị bạn ngưng một khắc, hình như để tránh bức xúc rồi đọc bài "Vĩnh biệt Xã Hội Chủ Nghĩa” với giọng đầy xúc cảm:
"Thế giới người ta tỉnh cả rồi,
Nước mình mê ngủ mãi không thôi.
Giáo điều rã mục từ trong gốc,
Chủ nghĩa tan tành ở tận nôi.
Còn kẻ rao hàng ôm xác chết,
Cản người xịt thuốc khử mùi hôi.
Mau lay nhau dậy bừng con mắt
Ngẩng măt cho, không tủi giống nòi!
T.H.
Chị bạn thơ vừa ngưng đọc, người bạn nằm gần chị vội vàng lên tiếng bình phẩm:
- Ôi, ở đời sao có kẻ ác tâm đến thế, đi đánh phá một người đem cả tâm huyết cuối đời lưu lại một thi phẩm cho nền văn học nước nhà.
- Thân chào các thân hữu, tôi cũng từ tiểu bang Cali sang đây.
Anh bạn kế bên nàng Thơ tự giới thiệu rồi lên giọng triết lý:
- Cuốn sách nào cũng mang theo nỗi buồn của nó.
Bố nuôi của tôi là một nhà thơ nổi tiếng. Tài làm thơ nhanh của ông được người đời bây giờ truyền tụng: "Chỉ bảy bước là xong một bài thơ đường luật. Trước năm 75, cụ từng là chủ bút một tờ báo lớn tai miền Nam. Những bài thơ đăng trong mục "đàn ngang cung‘ đã nhiều lần cụ chọc viết vào "hang hùm” chẳng chút e dè.
Mười mấy năm tù cộng sản, bố nuôi tôi vẫn bền lòng, giữ tư cách và chí khí của một nhà trí thức miền Nam. Tôi còn nhớ một giai thoại về ông cụ trong những năm ở tù Cộng Sản đã được nhà thơ Trường Giang từng sống chung trong tù kể lại.
Nói đến đây bỗng dưng anh bạn im bặt.
Chờ đợi hồi lâu không nghe anh ấy tiếp, cả kệ sách bèn nhao nhao lên tiếng:
- Xin bạn tường thuật cho chúng tôi nghe về giai thoại ấy đi.
- Kể lại câu chuyện nầy, bố nuôi tôi sẽ phiền lòng lắm bởi ông cụ không muốn ai ca ngợi lẫn bênh vực mình, nhưng chiều lòng các bạn tôi xin kể sơ lược câu chuyện mà thôi: - "Trong giờ lao động tại trại tù Z30A, tên cán bộ coi tù mặt còn non choẹt thấy bố nuôi tôi bỏ cuốc vào bụi để tránh cơn xây xẩm vì say nắng, hắn liền đến trước mặt ông cụ, rồi lớn tiếng giáo dục.
Nào là chây lười, mang thói ngồi không ăn bám, trước kia chỉ biết ăn bơ thừa sữa cặn của đế quốc, nay làm việc như thế chỉ bốc cứt mà ăn... Ông cụ ngồi yên nghe hắn mạt sát, nói trên trời dưới đất như một con vẹt.
Khi bài "thuyết giảng chấm dứt, cụ bảo với hắn: - Cán bộ nói xong rồi, bây giờ cho phép tôi có vài lời.
Cán bộ có đồng ý cho tôi trao đổi trên tinh thần cởi mở không?
- Được, cho anh nói nhưng phải đứng dậy lễ phép và phát biểu nghiêm chỉnh.
Đứng trước mặt tên vệ binh coi tù, ông cụ bình tĩnh lên tiếng chậm rãi, thẳng thắn:
- Nhìn khuôn mặt, tôi đoán tuổi tác cán bộ ở vào hàng vai vế cháu con tôi. Còn chữ viết, cán bộ chỉ là anh học trò lớp bảy hay lớp tám là cùng. Trong khi đó học trò của tôi ngoài đời có người đã là giáo sư đại học, là tướng lãnh. Nguyễn S. là ông tướng của chế độ hiện giờ cũng là học trò cũ của tôi đấy. Tôi là người đã từng xuất ngoại hàng chục lần đến các nước trên thế giới để thuyết trình về nền văn học nước nhà, còn anh chỉ lẩn quẩn trong cái phạm vi xã thôn với cái cuốc cái cày nhiều lắm anh đi từ Bắc vô Nam. Đi một ngày đàng học một sàng khôn. Tôi đi xa hơn anh cả ngàn lần thế mà anh đòi giáo dục tôi, thì giáo dục cái gì! Tôi là người trí thức được đào tạo để làm công việc bằng trí óc. Hãy thử giao công việc bằng trí óc cho tôi, tôi sẽ không thua bất cứ một lãnh đạo nào của anh, kể cả Tố Hữu.
- A, anh này láo! Cán bộ chặn lại - Anh là cái thớ gì mà dám đem so sánh với Phó Thủ Tướng.
- Muốn biết tôi là ai, cán bộ đi hỏi Tố Hữu là hắn phải biết tôi. Tố Hữu một thời là bạn thơ của tôi đấy. Ngay cả anh ta cũng chưa dám giáo dục tôi nữa là anh. Là kẻ chiến thắng, có súng trong tay các anh bắt chúng tôi nói con chó là con bò, chúng tôi cũng phải nói theo. Nhưng trong thâm tâm, chúng tôi vẫn cho đó là con chó, không thể nào khác đươ.c. Vì vậy những điều anh "giáo dục” khiến tâm tôi đã không phục mà khẩu cũng không phục luôn. Tri thức con người không cho phép chúng tôi nhắm mắt tin theo.
Tên cán bộ đỏ mặt quát:
- Anh là tên ngụy cực kỳ phản động, hãy bước ra ngoài hien trường đi lao động ngay, tối về viết tờ kiểm điểm.
Tuy rất cay cú, nhưng đã lỡ hứa cho phép nên hắn đành ngậm đắng nghe ông cụ chửi khéo.
Thế là bố nuôi tôi phải qua nhiều đêm bị phê bình kiểm điểm trong đội. Sau cùng ông cụ bị đưa ra toàn trại tuyên phạt 30 ngày cùm trong nhà kỷ luật. Cái hình phạt bị cùm đã ớn lạnh còn thêm cái bao tử phải đối phó với cơn đói dày vò vì tiêu chuẩn phần ăn bị cắt bớt thì càng khủng khiếp hơn. Thế mà khi hết cùm, tinh thần ông cụ vẫn cứng cỏi như thường.Vì bị cùm lâu ngày chân ông cụ rất yếu không đi lao động ngoài đươ.c. Trại cho cụ làm công tác y tế, giữ vệ sinh trong phòng ăn tập thể của tù bằng cách cầm cái quạt mo cau đằp ruồi cho hàng chục dãy bàn có đặt sẵn thức ăn. Tức cảnh, óc khôi hài châm biếm không ngăn được, cụ làm ngay một bài thơ. Một hôm, cả đội tù ngồi nghỉ giải lao mười phút trên đồi trồng sắn, anh bạn tù vui miệng đọc cho nhau nghe bài thơ:
"Ba miếng da trâu, một miếng lòng,
Mừng ngày cách mạng đã thành công.
An tâm tin tưởng nhờ khoai sắn,
Từng bước đi lên đến đại đồng‘
Vì thiếu cảnh giác để cán bộ bảo vệ nghe được, chiều về anh bạn đọc thơ bị kêu viết kiểm điểm.
Không còn phương cách nào giấu giếm, anh đành khai thực bài thơ đó là của ông PXN.
Thế là bố nuôi tôi bị kỷ luật thêm lần nữa.
Trong tù cộng sản, ông cụ khí khái như thế đấy.
Vậy mà ở hải ngoại này có người chê ông cụ là "không biết làm thơ chống cộng‘ rồi nghênh ngang làm thơ lếu láo chống báng ông.
Có lần ông cụ phát biểu: " Làm thơ tranh đấu mà như hô khẩu hiệu thì Cộng sản làm giỏi hơn.
Thơ như thế có in ra cũng không ai đọc, bán không ai mua! Về thơ, cụ sáng tác đủ thể loại có đến hàng chục ngàn bài nhưng nhất quyết không chịu xuất bản mặc dù có khá nhiều "Mạnh Thường Quân” đề nghị đứng ra bảo trợ tài chánh.
Thơ ông như những luồng sinh khí ngào ngạt hương thơm phát ra từ đóa hoa mới nở, ông không cần giữ lại.
Bạn bè, có người nào thích thì ghi chép lưu giữ.
Kẻ nhớ thì đọc lại cho người sau thưởng thức.
Kệ sách trong nhà ông cụ không sang trọng, đẹp đẽ nhưng toàn những cuốn sách có giá trị của nhiều tác giả từ các nơi trên thế giới gởi tặng.
Ví như tôi đây được sinh ra từ nước Úc. Cha đẻ tôi đã gởi tôi qua Mỹ tặng cho ông cụ. Kể từ ngày đó, tôi xem ông cụ như là bố nuôi của tôi bởi vì ông yêu quý chúng tôi thật lòng.
Đã nhiều lần cụ phát biểu: Tôi yêu thơ nên yêu người làm thơ. Tôi trân trọng những tác phẩm mà tác giả đã dành cả tâm huyết nuôi dưỡng đứa con tinh thần của mình lớn lên trong nền văn học nghệ thuật của nước nhà. Ông cụ thông cảm cảnh nghèo của người làm thơ như Nguyễn Bính đã khuyên con:
"Khuyên con chớ lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi, khổ lắm con!”
Sau ngày bố nuôi của tôi mừng lễ Thượng thọ 88 tuổi, ông gọi hai học trò cũ đến nhà. Ông dẫn họ đến trước kệ chứa trên 100 cuốn sách thốt lên với giọng ngùi ngùi: - Mắt tôi đến nay mờ lắm rồi không còn đọc sách được nữa.
Con cháu tôi thì ở xa mà chúng nó thì lại thích đọc tiểu thuyết viết bằng Anh ngữ.
Các anh còn nhỏ tuổi, hai mươi năm nữa mới bằng tuổi tôi.
Biết hai anh là người quý sách, tôi giao số sách này cho hai anh giữ lấy.
Hy vọng các anh bảo tồn được số sách Việt ngữ xuất bản tại hải ngoại nầy mà theo tôi hiểu thì mỗi ngày một khan hiếm. Mai này chúng tôi lại phải dời nhà sang một khu housing khác không còn đủ sức di chuyển nữa. Vợ chồng tôi ở cái tuổi gần đất xa trời mà vẫn chưa được an cư.
Thế là anh em nhà sách chúng tôi sống bên nhau có kẻ mười năm, kẻ mười lăm năm đành phải chịu cảnh phân ly đôi ngả như đàn con của Âu Cơ - Lạc Long Quân, năm mươi lên rừng, năm mươi xuống biển.
Giờ phút chia xa, tôi đã rơi nước mắt vì thương tuổi già ông cụ.
Chúng tôi là những đứa con tinh thần được ông cụ lúc nào cũng nâng niu, che chở.
Giờ chia tay, bố nuôi tôi đứng trong khung cửa thẫn thờ nhìn theo những thùng sách được mang ra xe.
Về với chủ mới gần hai tháng, bỗng một hôm tôi được đóng gói với ba bạn khác rồi gởi đi theo đường bưu điện về tận Houston, Texas.
Nhưng vì cái số còn lận đận, tôi lại phải theo chân ông chủ mang kính cận về đây trong cuộc hành trình bằng xe hơi từ cực Nam nước Mỹ đến tiểu bang Michigan này.
Người bạn sách sinh trưởng từ châu Úc bất thình lình ngưng kể, dường như có tiếng nấc nghẹn ngào trong những trang sách.
Niềm vui trong tôi bỗng tắt lịm.
Tôi lại liên tưởng đến ngày nào đó không xa, anh em chúng tôi đang quây quần trên kệ sách này cũng sẽ rơi vào hoàn cảnh phân ly.
Chợt hình ảnh tuyệt vọng của bố tôi hiện ra như thân phận ông đồ ngày xưa mà nhà thơ Vũ Đình Liên đã chạnh lòng trước cảnh tàn lụi của nền nho học trên đất nước mình:
"Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
 
 
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Xem Tiếp: ----