Hôm từ California trở về VN tôi đã lên thẳng Đà-Lạt, tránh không gặp Phương Thảo và nhóm bạn trẻ tại Sài-Gòn. Tôi không muốn khuấy động mối tình si mà có lẽ Thảo đã quên vì gần một năm đã trôi qua.[1] Tuần này trường đóng cửa nghỉ lễ. Tôi nghĩ mình cần phải xuống Sài-Gòn mua một ít sách vở và tới International SOS xin tái khám, mua thêm thuốc cao máu. Tôi quen với bác sĩ Don Perkins trước đây khi tôi còn dạy học tại thành phố đó, và hồ sơ bệnh lý của tôi còn lưu giữ tại bệnh viện này. Tôi tới bệnh viện theo giờ hẹn. Cô y-tá tiếp tân cho tôi biết là bác-sĩ Don Perkins đã mãn hạn, trở về Mỹ, và bác-sĩ Hillary Corbin sẽ thay thế, chăm lo sức khỏe định kỳ cho tôi. Tôi gật đầu: - Bác sĩ nào cũng được. Lúc này tôi tương đối khoẻ mạnh. Chỉ cần mua ít thuốc cao máu. Cô y-tá trao cho tôi một tờ báo hàng tuần và chỉ cho tôi môt căn phòng nhỏ, ngồi đợi. Tôi nghĩ Hillary Corbin là người Mỹ, nhưng khi bà ta gõ cửa bước vào thì tôi mới biết bà ta là người Việt hoàn toàn. Hillary nhìn tôi đăm đăm, giọng nói đầy xúc động: - Khi Hạnh đọc hồ sơ thì Hạnh đã nghĩ là anh. Anh Duy, anh còn nhớ Hạnh không. Hạnh bán thuốc lá mà có lần anh đã … Hillary nghẹn lời và tôi ngỡ ngàng: - Hạnh, cô bé ngày xưa ở đường Trương Minh Giảng cũ? Hillary bật lên khóc: - Vâng em đây, Hạnh đây. Tạ ơn trời. Cuối cùng em đã tìm được anh. Tôi đứng lên, giang hai tay, và Hạnh gục vào vai tôi nức nở. Tôi cũng không nói lên lời, chỉ nhẹ nhàng vuốt bờ vai đã gầy đi vì tháng năm. Ngày đó đã lâu lắm, tôi không còn nhớ rõ thời gian … Tôi không có gia đình tại Sài-Gòn. Cuộc đời trôi nổi đưa tôi đi đây đó, tít mù khơi, và lâu lâu trở về thành phố tôi thường hay tới thăm gia đình Đức, người bạn thân tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, thân đến độ mà Oanh, đứa con gái nhỏ của Đức, gọi tôi là ‘bố Duy’ thay vì chú Duy. Trước khi vào nhà bao giờ tôi cũng tới ‘cửa hàng’ của Hạnh, mua một bao Pall Mall cho tôi và một gói kẹo chewing gum cho Oanh. Gọi là ‘cửa hàng’ nhưng thực ra đó chỉ là một chiếc thùng kính nhỏ có bánh xe, đặt dưới tàn cây sát tường của căn nhà ngay đầu ngõ. Hạnh chỉ mới chừng 15 tuổi, lúc nào cũng tươi cười và đôi mắt thông minh luôn luôn như mời gọi. Tôi ghé lại đó khá nhiều lần, nhiều đến độ Hạnh biết rõ thói quen, không cần hỏi chỉ mỉm cười chào “Anh Duy mới về”, và tự động lấy thuốc và kẹo trao cho tôi. Hạnh biết tên tôi vì thỉnh thoảng tôi hay dắt Oanh ra đầu ngõ, con bé luôn mồm bi bô gọi ‘bố Duy’, và có lần tôi phải cải chính khi Hạnh khen “Con anh ngoan quá!” Hôm đó chiếc taxi ngừng trước ngõ. Theo thói quen tôi tiến lại xe thuốc lá. Hạnh đang đứng dựa lưng vào tường, hình như đau, mặt trắng xanh và trán lấm tấm mồ hôi. Cô bé không chào tôi như thường lệ, chỉ cố gắng gượng cười, cúi xuống xuống toan mở cửa kính tìm bao thuốc cho tôi nhưng chưa kịp ngẩng lên thì đã ngã nằm bất tỉnh. Tôi nghe mấy người đàn bà kêu la “Trúng gió, trúng gió…” và xúm xít quanh Hạnh, thoa dầu, dựt tóc mai, nhưng Hạnh vẫn nằm im lìm. Trước khi té xuống tôi thấy Hạnh một tay ôm bụng, một tay gạt mồ hôi. Tôi biết là Hạnh không phải trúng gió mà có gì nghiêm trọng hơn nhiều. Tôi gạt mấy người đàn bà ra, bế sốc Hạnh lên: - Để tôi đưa con bé vào bệnh viện Hoàn Mỹ gần đây cấp cứu. Bà nào biết nhà Hạnh vào thông báo cho gia đình dùm. Tôi phải đi ngay, để lâu sợ có biến chứng. Một người đàn bà nhanh nhẩu gọi dùm chiếc taxi. Tôi bồng Hạnh lên, con bé vẫn lã người im lìm. Tôi đưa được Hạnh vào phòng cấp cứu, và thở phào khi thấy bác-sĩ Vĩnh, em một người bạn thân, có mặt trong toán nhận bệnh. Vĩnh trấn an: - Tim đập đều, chắc không có gì nguy hiểm. Anh Duy đợi bên ngoài một chút, có gì Vĩnh sẽ thông báo ngay. Tôi ngồi đợi và thấp thỏm mong thân nhân của Hạnh tới để tôi ‘bàn giao’ Hạnh lại cho gia-đình, nhưng 30 phút trôi qua vẫn không thấy ai. Vĩnh xuất hiện, ra dấu gọi tôi. Tôi hấp tấp lại gần. Vĩnh đắn đo: - Cô ta tỉnh lại rồi, nhưng ôm bụng kêu đau. Em chích tạm thuốc an-thần, nhưng bạch huyết cầu lên cao lắm. Có thể là xưng ruột dư. Phải mổ ngay nếu không sẽ nguy hiểm. Tôi băn khoăn: - Không có thân nhân của cô ta ở đây. Tôi chỉ biết là gia đình cô ta ở trong ngõ gần cổng xe lửa số sáu, nhưng không biết rõ nhà. Hay là để tôi đi tìm? Vĩnh lắc đầu: - Sợ không kịp. Đây cũng chỉ là một ‘ca’ bình thường thôi. Tuy nhiên anh phải ký vào giấy này thì bệnh viện mới dám làm. Em không nghĩ là có gì rắc rối, nhưng đó là thủ tục. Tôi suy nghĩ một phút rồi tặc lưỡi ngoáy một chữ ký vào tờ giấy in sẵn Vĩnh đưa cho tôi. Tôi cũng chẳng buồn đọc xem tờ giấy in những gì. Đằng nào thì tôi cũng đã đưa Hạnh vào đây, tôi không thể bỏ mặc, và dù sao đi nữa tôi và bệnh viện cũng đã làm hết sức, không ai có thể trách cứ chúng tôi được nếu có chuyện gì xảy ra. Tôi nhủ thầm: - Vào sinh ra tử còn không sợ, thì xá gì một chút trách nhiệm này! Tuy vậy tôi vẫn không yên lòng, hồi hộp chờ Vĩnh thông báo tin tức và mong thân nhân của Hạnh tới để có người lo cho cô bé. Gần 3 tiếng đồng hồ sau Vĩnh mới lại xuất hiện, ra dấu cho tôi theo anh ta. Vừa đi Vĩnh vừa nói: - May quá, chậm một tí thì không biết sẽ ra sao. Không phải ruột dư mà là bướu trong buồng trứng. Máu đầy bụng vì vết thương đã vỡ. Bất ngờ nhưng bây giờ thì xong rồi. Vài ngày là sẽ bình phục, anh có thể vào thăm cô ta ở phòng hồi sinh. Tôi thở một hơi dài như chút được một gánh nặng. Hạnh nằm trên giuờng, hơi thở phập phồng nhưng chưa tỉnh vì thuốc mê. Tôi nắm bàn tay Hạnh, nhìn khuôn mặt trắng xanh và tôi nghĩ tới đứa em trên cao nguyên. Giờ này em tôi đang làm gì nhỉ? Học bài hay đang chúi đầu khúc khích cười với bạn bè. Đời sống mong manh quá. Tôi thì thôi đã đành. Chiến tranh mà, nhưng những đứa bé như Hạnh, như em tôi chắc gì đã hoàn toàn an vui! Tôi nghe tiếng khóc nhỏ và thấy cô y tá đưa một người đàn bà đứng tuổi và một cô gái vào phòng. Tiếng cô y-tá dỗ dành: - Cô Hạnh qua khỏi rồi. Bác và cô yên tâm, đừng khóc làm kinh động em. Chỉ tôi cô y-tá tiếp lời: - Ông đây đưa em Hạnh vào bệnh viện cấp cứu. Người đàn bà chắp tay: - Muôn vàn đội ơn ông. Cô gái vừa gạt lệ vừa cúi đầu chào tôi. Tôi xua tay: - Bác đừng quan tâm. Chỉ là sự tình cờ. Bác và cô ở lại đây với Hạnh. Chúng tôi xin phép ra ngoài hút điếu thuốc. Tôi gặp Vĩnh cũng đang đứng hút thuốc bên ngoài. Nhớ tới người đàn bà mặc chiếc áo dài đã cũ, và nhớ tới chiếc xe thuốc lá nhỏ nhoi của Hạnh tôi biết là gia đình này có lẽ là rất nghèo. Tôi hỏi Vĩnh: - Phí tổn nhiều không? Nếu họ không thanh toán được thì sao? Vĩnh cười: - Phòng tài chánh biết rõ hơn nhưng vì anh là người quen nên em phỏng đoán là phí tổn sẽ được giảm bớt và có lẽ không quá tháng lương ‘quan tàu’ của anh. Tôi nghĩ thầm: - Chắc là gia-đình Hạnh khó có thể trả được. Tôi nhớ tới món tiền mẹ tôi mới cho. Thôi thì mình đã làm ơn thì làm cho chót. Tôi bảo Vĩnh: - Tội nghiệp họ. Chú Vĩnh, cứ coi như là anh chịu trách nhiệm tài chánh đi. Vĩnh gật đầu: - Vâng, để em cho phòng tài chính biết và yêu cầu họ ‘tính giá đặc biệt’. Vĩnh chào tôi, trở lại phòng làm việc. Tôi đang băn khoăn là không biết nên bỏ đi liền hay là nán lại nói chuyện với mẹ Hạnh dăm ba câu thì cô gái đã buớc ra tìm tôi. Cô ta lại chắp tay vái chào. Tôi bật cười: - Cô làm tôi như tôi là tượng gỗ không bằng. Để cho không khí bớt trang trọng tôi đùa: - Tôi là Duy, khách hàng trung thành của Hạnh. Không có cô ấy tôi sẽ chết vì … thiếu thuốc nên bằng mọi giá phải gồng mình đưa Hạnh vào đây. May quá, Hạnh bình an. Cô là gì của Hạnh? Cô gái nóí nhỏ: - Dạ, Vy là chị ruột của Hạnh. Mẹ của Vy còn đang trông chừng Hạnh nên nói Vy mời ông quá bộ tới nhà để cho cả gia đình được cám ơn ông. Tôi nghĩ thầm: - Cô này khách sáo nhưng ăn nói như con nhà gia giáo chứ không phải là con nhà lao động, bận rộn và cùng quẫn với đời sống. Nước da Vy trắng hồng dù trời Sài-Gòn nắng cháy, và chiếc áo dài trắng đơn sơ nhưng thẳng nếp nên tôi đoán Vy là nữ sinh hay sinh viên. Tôi thú thật: - Quả tình chiều nay tôi cũng hơi xúc động và lo lắng nên có chút mệt mỏi. Bây giờ mọi sự đã bình yên, nhưng xin phép để khi khác tôi sẽ tới thăm Hạnh và gia-đình. Cô cho tôi địa chỉ được không? Vy “dạ” rất nhẹ, bối rối tìm mảnh giấy. Tôi trao cây viết và xé một mảnh bao thuốc lá đưa cho Vy: - Cô ghi tạm vào đây. Tôi biết ngõ rồi, chỉ cần số nhà. Vy run run viết một con số, cúi đầu trao cho tôi. Tôi lại nói đùa: - À, con số hên, để tôi đi mua số đề! Tôi thấy Vy thoáng mỉm cười, chớp nhẹ đôi hàng mi cong: - Ông … nhớ tới nhé! Tôi gật đầu: - Nhớ. Nhưng đừng gọi tôi bằng ông nữa. Nghe trịnh trọng quá. Bây giờ xin phép cô, và gửi lời chào bác. Ra tới cổng bệnh viện, tôi quay đầu nhìn lại. Vy vẫn còn đứng đó nhìn theo. °°° Ba ngày sau tôi mớ trở lại bệnh viện thăm Hạnh. Cô bé đã tỉnh táo dù rằng còn hơi xanh. Hạnh mừng rỡ gọi tên tôi “Anh Duy” nhưng vết thương còn đau nên vẫn nằm yên trên giường. Tôi cười với Hạnh: - Con bé này làm anh sợ gần chết. Em đỡ chưa? Hạnh nhìn tôi như muốn khóc: - Cám ơn anh, em gần khoẻ hẳn rồi. Nếu không có anh thì không biết bây giờ em ra sao. Mẹ em và chị Vy cũng mới về. Mẹ em cứ băn khoăn không biết tìm anh ở đâu để cám ơn. Tôi nắm tay Hạnh: - Anh cũng đã gặp mẹ em hôm đưa em vào đây. Bác đã cám ơn anh, cả chị Vy em nữa. Như thế là đủ quá rồi. Bao giờ em được xuất viện? Ánh mắt Hạnh sáng lên: - Bác sĩ Vĩnh nói chắc là ngày mai em có thể về nhà, và chừng một tuần nữa là em có thể hoạt động lại bình thường. Em không muốn nghỉ học lâu. - Em học lớp mấy? - Lớp mười. Em học buổi sáng, buổi chiều trông coi xe thuốc lá giúp đỡ gia-đình. Chị Vy học Luật. Hôm em bị bất tỉnh chị Vy chở mẹ em sang nhà người bạn, chiều mới về, được tin em bị nạn vào ngay bệnh viện nhưng cũng hơi trễ. May mà có anh. Tôi vỗ nhẹ lên mu bàn tay Hạnh: - Ba em có vào thăm em không? - Có. Ba đi làm cả ngày nên tối với vào được. Ngày xưa ba em dạy học, nhưng bây giờ là công chức bộ quốc gia giáo dục. Tôi nghĩ thầm: - Thảo nào chị em Hạnh nghèo nhưng vẫn có cốt cánh con nhà! Thời buổi chiến tranh, lạm phát như ngựa phi, lương công chức chắc chắn là không đủ sống nên mẹ con Hạnh phải bươn chải. Bỗng dưng tôi thấy xót xa cho Hạnh. Tôi vuốt tóc con bé: - Chiều chủ nhật anh sẽ đến thăm gia-đình em. Lúc đó chắc em cũng đã về nhà. Tôi thấy Hạnh ứa nước mắt, nhưng cười rất tươi: - Em chờ anh. Anh biết không, mai sau lớn lên em sẽ không bao giờ quên lúc này. Em sẽ cố gắng có được tấm lòng như anh. Cám ơn anh. Anh không chỉ cứu giúp em mà anh còn cho em một niềm tin. Nước mắt Hạnh chẩy dài trên má, nhưng nụ cười thật rạng rỡ. Tôi cũng thấy cảm động, bóp nhẹ bàn tay con bé: - “Thôi Hạnh nằm nghỉ. Ðừng nghĩ xa xôi. Sẽ gặp lại em chủ-nhật này. Hạnh gạt nước mắt, gật đầu không nói, đăm đăm nhìn theo tôi mở cửa ra về. Buổi chiều hôm đó tôi cũng không có việc gì làm, chỉ lang thang giữa phố phưòng đông đảo và suy nghĩ về những sự tình cờ. Hạnh chỉ là người quen biết sơ sài, và bỗng dưng tôi bị đưa vào hoàn cảnh trở thành người thân trong gia đình. Có lẽ là định mệnh. Chủ nhật đó tôi tới nhà Hạnh như đã hứa với con bé. Thật ra thì tôi rất ngại thăm người ốm, nhất là đến thăm một gia-đình mình đã có chút ân huệ vì không thể nào tránh được những câu khách sáo, không hẳn là thiếu thành thật, nhưng có chút gì gò bó, lễ nghi. Hạnh phục hồi mau hơn là tôi tưởng, con bé đã có thể bước những bước rất mau, đón tôi khi tôi vừa bước chân vào nhà. Tôi thoáng thấy Vy chạy vào nhà trong, và khi Vy trở ra với cha mẹ Vy đã thay bộ quần áo mặc trong nhà bằng chiếc áo dài màu xanh da trời. Hạnh thật thông minh, con bé thấy tôi lúng túng và không được thoải mái với nhưng câu thăm hỏi, cám ơn lập đi lập lại nên đã tế nhị dẫn tôi ra mảnh sân nhỏ cạnh nhà mời tôi ngồi trên chiếc ghế dài dưới hàng hiên. Vy mang cho tôi tách nước trà, mái tóc dài gần chạm vào mặt tôi thoảng mùi thơm nhẹ khi Vy cúi xuống trao tách nước. Từ lúc tôi tới Vy chưa nói với tôi một câu nào và hình như có nét buồn phảng phất. Tôi đón tách nước trà từ bàn tay hơi run của Vy: - Cám ơn cô Vy. Nghe Hạnh nói là cô đang học Luật phải không? Vy trả lời rất khẽ: - Dạ, Vy đang học năm thứ hai. Tôi pha trò: - Tính tôi ‘thiếu nghiêm túc’ với thượng cấp. Biết đâu ngày nào đó có thể tôi phải nhờ đến luật-sư Vy! Hạnh cười: - Chị Vy chọn lầm nghề. Hiền như ‘ma soeur’ thì không làm luật-sư được đâu. Nhìn tôi Hạnh tiếp: - Mẹ không cho chị ra bán hàng. Lần nào chị ra đó cũng bị mấy đứa con trai lối xóm trêu chọc, và chị chỉ biết khóc, nước mắt chẩy dài. Bỗng dưng tôi nổi máu anh-hùng: - Khốn nạn thật. Bán thuốc lá và bánh kẹo như vậy chắc cũng chẳng lời lãi bao nhiêu. Hay là để tôi giới thiệu Hạnh vớí người bạn tại USOM. Richard là người Mỹ nhưng nói tiếng Việt rất rành và có tên VN là Phú. Có thể anh ta sẽ tìm được việc bán thời trong thư viện cho Hạnh. Mắt Hạnh sáng lên, giọng run như muốn khóc: - Được như thế thì Hạnh vui biết mấy. Vy từ nãy vẫn đứng yên, tiến tới ôm vai em: - Ba sẽ còn vui hơn em nhiều.” Tôi chợt hiểu. Ông Thân, ba của Vy và Hạnh, chắc rất lấy làm khổ tâm vì không thể lo lắng cho các con đầy đủ, phải để con gái đứng bán vài bao thuốc lá đỡ đần gia đình. Tôi thở dài: - Đừng nói cho ba em biết vội. Chút nữa tôi sẽ viết thư để khi nào khỏe hẳn Hạnh cầm tới tìm Richard. Vy soắn hai bàn tay vào nhau, nhìn tôi băn khoăn như muốn nói. Tôi mỉm cười nhìn Vy đợi chờ, thế mà giọng nói Vy vẫn còn rất ngại ngùng: - Ba mẹ muốn mời anh ở lại dùng cơm, nhưng cơm nhà nghèo, không biết anh Duy … Tôi cười lớn ngắt lời Vy: - Cô không chọn lầm nghề đâu! Cô đã nói thế thì tôi làm sao dám từ chối. Tôi thấy Vy có nét vui, xin phép tôi vào nhà chuẩn bị bữa ăn. Tôi hỏi Hạnh: - Sao trông chị Vy em buồn vậy. Lúc nào Vy cũng vậy hay sao? Hạnh cũng tỏ vẽ băn khoăn: - Không, bình thường chị Vy rất dịu dàng nhưng không buồn như hôm nay. Em cũng không rõ là có chuyện gì. Bữa cơm diễn ra thoải mái hơn là tôi tưởng. Chỉ có tôi và Hạnh là ăn uống tự nhiên. Tôi muốn chứng tỏ là mình rất thích nghi với ‘cơm nhà nghèo’. Ông bà Thân ăn uống cầm chừng, riêng Vy hầu như không ăn, chỉ chăm chút lo cho Hạnh và cho tôi. Tôi cười với Vy: - Cơm ngon vậy sao cô Vy không ăn? Để dành cho tôi hết sao? Bà Thân đỡ lời: - Đấy, em nó nấu đấy. Chắc nó vui quá nên không muốn ăn. Em nó mới hứa hôn hôm qua! Vy kêu lên thảng thốt: - Mẹ! Bà Thân vẫn tiếp tục: - Con bà bạn thân của tôi. Anh ấy là giáo sư, tốt nghiệp ở Pháp mới về nước được hơn năm. Mẹ goá con côi mà học hành nên người nhờ bà mẹ hiền buôn bán khá giả, có tiền cho con đi du học. Tôi cũng mừng cho em nó. Tôi thành thực: - Chúc mừng ông bà, và nhất là chúc mừng cô Vy. Vy muốn nói điều gì đó nhưng rồi lại thôi, chỉ chăm chú nhìn tôi, và tôi hơi ngạc nhiên không thấy chút hạnh phúc nào trong đôi mắt u buồn. Sau bữa cơm tôi ngồi lại nói chuyện với ông bà Thân ít lâu, được biết trước đây ông dạy sử địa tại trường Nguyễn Du nhưng xin đổi về bộ giáo dục làm văn phòng. Ông than: - Nghề giáo bạc bẽo quá. Giá mà tôi dạy toán hay lý hóa thì còn có thể dạy tư, kiếm thêm được chút ít nuôi gia-đình. Sử-địa thì học trò chẳng buồn quan tâm. Tôi biết nỗi buồn của ông, nỗi buồn thời đại, nói nhiều chỉ thêm xót xa nên ngồi yên giữ im lặng. Bà Thân than: - Nhờ trời em Hạnh qua khỏi, nhưng chưa thấy bệnh viện đòi tiền. Không biết là hết bao nhiêu nhưng bà bạn tôi đã hứa cho vay nên tôi cũng yên tâm. Tôi đã thanh toán bệnh viện phí nhưng không muốn cho gia-đình Hạnh biết nên chỉ nói cho có chuyện “ Chắc không bao nhiêu vì cũng là chỗ quen biết”, và sợ ngồi lâu bất tiện nên xin phép ra về. Hạnh còn đau nên chỉ có Vy tiễn tôi ra đến tận ngoài đường. Tôi muốn hỏi sao Vy trông buồn thế nhưng ngần ngại. Vy cũng không nói gì, chỉ khi chia tay mới ngập ngừng: - Dù sao chăng nữa anh Duy cũng đừng quên Vy. Tôi không hiểu ý câu nói nhưng cũng không tiện hỏi thêm. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Vy vì ‘đường đời trăm ngả’, và tôi cũng như Vy đều trải qua ‘ngàn bước thăng trầm’. Tôi nhắc Hillary: - Lâu quá rồi, tôi cũng không còn nhớ nhiều chuyện cũ, nhưng thôi, Hạnh cho tôi biết trong trường hợp nào Hạnh trở thành Dr. Hillary Corbin. Hạnh gạt nước mắt, xua tay: - Khoan đã, chuyện của em lúc nào nói chẳng được. Em muốn biết là tại sao anh không bao giờ trở lại. Anh làm cho chị Vy tan nát cõi lòng, anh biết không? Tôi hơi ngỡ ngàng: - Hạnh biết là lúc ấy chiến tranh còn đang tiếp diễn. Tôi đang ở ngoài khơi thì được lệnh trở về Sài-Gòn ngay tức khắc, lên đường qua Mỹ làm việc trong chương trình Việt-Nam hóa. Tôi trở về nuớc được ít lâu lại qua California theo học cao học. Vì biến cố 1975 tôi không thể trở về. Sau nay thì Hạnh đã biết. Cuộc đời thay đổi dồn dập quá nên nhiều khi không có cả thì giờ nghĩ đến bạn bè chứ đừng nói là thăm viếng. Xin lỗi Hạnh, nhưng quả tình tôi không biết gì về chuyện của Vy. Hạnh cúi đầu, hình như cố đè nén xúc cảm trong lòng: - Anh đi rồi em mới biết là chị Vy yêu anh. Chị yêu anh ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên khi anh đứng bên giường bệnh nắm tay em. Chị nói con mắt anh nhìn em thân thiết và quan hoài, chị xúc động và không bao giờ quên anh từ phút đó. Tôi thở dài, Hạnh cũng thở dài: - Một đêm em vô tình nghe chị van xin mẹ cho chị được hồi hôn. Chị nói không hề yêu anh Chính, chỉ nhận lời vì mẹ yêu cầu, vì mẹ thân với bác Nhân, và nhất là vì mẹ cần vay tiền của bác để trả bệnh viện phí cho em. Chị nói bây giờ được biết là gia-đình không nợ nần gì bác vì anh đã trả bệnh viện phí cho em nên chị Vy thấy không cần phải hy sinh. Anh cũng ‘ác’ quá, nếu anh cho gia đình em biết là anh đã lo xong vấn đề tiền bạc thì chị Vy em đâu có bao giờ nhận lời lấy anh Chính. - Tôi cũng đâu có ngờ. Hồi đó thấy gia-đình Hạnh khó khăn nên muốn giúp đỡ một cách kín đáo. Chẳng qua là số phận. Tôi ngừng một chút rồi gượng cười: - Nếu Vy chưa hứa hôn, biết đâu tôi chẳng trở lại. Vy đẹp và hiền, lúc đó tôi còn độc thân, và tôi cũng đâu là gỗ đá. Bây giờ Vy ra sao? Hạnh lắc đầu: - Từ từ để rồi em sẽ nói. Vì chị Vy cương quyết nên mẹ em đành lòng phải nghe, nhưng mẹ em rất buồn, và chị Vy còn buồn hơn. Vy hỏi em là anh bây giờ ra sao, em cũng không biết gì hơn. Có lần gặp anh Đức em làm gan hỏi về anh, anh Đức giơ hai tay lên trời than “Cái thằng ấy nó như ma. Không hẹn thì nó đến, muốn tìm nó chẳng biết đâu tìm. Tôi chỉ biết là nó vẫn đi biển chứ chưa ‘lên bờ’, mong nó lấy vợ cho yên thân”. Chị Vy tâm sự với em là thế nào cũng có ngày anh trở lại. Nhiều lần chị ra bến sông, mơ màng nhìn những con tàu mong được thấy anh. Chúng em đâu có biết anh ở trên chiếc nào, chỉ đứng nhìn vì nhớ thương mà thôi. Tôi thấy dưng dưng buồn: - Tội cho Vy quá. - Anh còn nhớ Richard không? Nhờ lá thư của anh mà Richard cho em làm tại thư viện của USOM. Công việc nhẹ nhàng, xếp lại sách người ta xem xong vứt bừa bãi, nhưng lương bổng cao gấp đôi lợi tức bán thuốc lá. Em cũng nhờ cơ hội đó học thêm sinh ngữ, và cũng chính Richard xin cho em học bổng du học tại Hoa Kỳ khi em lên lớp 12. Em không rõ Richard làm việc gì nhưng hình như cái gì Richard cũng biết, và chính Richard cho em hay là có lẽ anh đang ở California. Lúc đó em đang học tại Boston, em cũng có ý tìm nhưng chẳng biết tìm anh cách nào. Hạnh kể tiếp: - Lúc nào em cũng nhớ tới tấm lòng nhân hậu của anh nên em nhất định theo đuổi việc học tới cùng. Em học ngành y vì em muốn làm cho mọi người những gì anh và bệnh viện Hoàn Mỹ đã làm cho em. Anh là động cơ thúc đẩy em qua bao khó khăn. Em vừa đi học vừa đi làm, vay nợ tứ tung nhưng không ngã lòng. Khi em tốt nghiệp em đã khóc nức nở, chỉ mong có ba mẹ, có chị Vy và có anh để em nói lời cám ơn và chia xẻ nỗi vui mừng. Nưóc mắt Hạnh ưá ra lăn trên gò má đã có nếp nhăn: - Hôm nay em gặp lại được anh nhưng không bao giờ em gặp lại được ba mẹ, được chị Vy. Gia đình em vượt biên và mất tích trên biển. Nhiều năm qua rồi mà nỗi đau này vẫn chưa nguôi. Ba mẹ em không thấy được em thành người. Chị Vy ôm một khối tình si xuống lòng biển sâu. Chị không yêu ai ngoài anh. Tôi thấy lòng xốn xang, không thể ngờ số phận người con gái hiền dịu ấy lại đau thương như vậy. Tôi an ủi Hạnh: - Mỗi người đều có số phận. Em Hạnh, ba mẹ em linh thiêng thế nào cũng vui lòng thấy em đã nên người. Kiếp này anh và Vy không có duyên. Biết đâu kiếp sau, vâng, biết đâu kiếp sau … Tôi nghẹn lời. Hạnh gạt nuớc mắt cười: - Anh Duy, anh vừa gọi ‘em Hạnh’, và không còn xưng tôi nữa. Hạnh tìm thấy anh thật rồi! Tôi cũng cười: - Con bé này lúc nào cũng thông minh và lém lỉnh như xưa. Cơ duyên nào đưa đẩy em thành bà Hillary Corbin? Hạnh kể thêm: - Em không lấy chồng VN vì somehow I couldn’t find anybody with a warm heart like you. Mike làm việc cùng chỗ với em và đã theo đuổi em nhiều năm. Cuối cùng em bằng lòng với điều kiện là ngày nào đó Mike phải đưa em về VN, phải theo em giúp đỡ người nghèo, phải có tấm lòng nhân hậu như anh. Mike đã giữ lời, và như anh thấy chúng em bây giờ làm việc cho International SOS ở Sài Gòn. Hôm nay Mike có việc bận trên Toà Tổng Lãnh Sự. Chút nữa anh theo em về. Em rất muốn Mike gặp anh. Anh bằng lòng nhé. Tôi gật đầu: - No problem. Nhưng em cho anh ngày mai. Chiều nay anh có vài việc phải làm. Em và Mike được mấy cháu? Chắc chúng cũng đã lớn và có gia đình riêng. Hạnh cười: - None! Anh nhớ khi anh đưa em vào bệnh viện họ đã cắt bỏ gì không? Hai buồng trứng! Em không rõ là ‘accident’ hay là em có buớu cả hai nơi. Em không có con được, nhưng em không buồn. Em có nhiều thì giờ thì giờ lo cho bệnh nhân hơn. Nhiều người cần được giúp đỡ hơn là chính bản thân mình. Anh chẳng đang về nước dạy học mà không nhận thù lao đó thôi. Tôi đùa: - Vì anh già rồi nên hết thời. Cuối cùng thì nước trở về nguồn. Em có bao giờ về thăm lại căn nhà xưa? Hạnh đầy nét u-buồn: - Chỉ một lần. Người chủ mới không cho em vào, có lẽ vì em đi với Mike. Em muốn cho Mike thấy cái ‘root’ của em. Không bao giờ em hổ thẹn vì nguồn gốc nghèo nàn của mình, em hãnh diện là đằng khác. Tôi hỏi thêm: - Bao giờ em trở về Mỹ. Hay là em ở đây luôn? Hạnh lắc đầu: - Em cũng không biết nữa. Em thì thế nào cũng được, nhưng em cũng rất thương Mike. Mike cô đơn, vì ngoài em ra Mike chẳng có ai để tâm tình. Mike ‘misses America’ như là em đã từng thương nhớ VN. Hợp đồng còn vài tháng nữa. Khi đó em sẽ tính sau. Tôi đứng lên: - Em còn bệnh nhân khác đang chờ. Tối mai anh sẽ đến thăm em và Mike. Chúng mình còn nhiều chuyện nói. Anh cũng muốn xin em một tấm hình của Vy, nếu em còn. Anh muốn mang hình Vy lên chùa, để Vy nghe kinh kệ, cho linh hồn Vy thoát cõi u-minh. Nước mắt Hạnh lại ứa ra: - Em còn tấm hình bán thân của chị Vy, chụp sau ngày gặp anh. Tấm hình áo trắng thơ ngây nhưng đối mắt rất buồn, như số phận chị Vy vậy. Hôm nào anh lên chùa cho em và Mike đi với anh. Hạnh ghi vội cho tôi điạ chỉ, tiễn tôi ra tới cổng bệnh viện. Tôi quên là mình tới khám bệnh, xin đơn, và Hạnh cũng quên mất là tôi tới đó như là bệnh nhân. Tôi gọi taxi ra bến Bạch Đằng. Mỗi lần có tâm sự tôi thường muốn nhìn dòng nước trôi. Nước trôi êm đềm, và tôi cũng thấy tâm hồn bình thản, yêu thương người và yêu thương cuộc đời hơn. Chú thích : [1] Xin đọc ‘Về Nơi Mù Sương’, cùng tác giả. Trần Quang Thiệu Mùa Xuân – 2006