Lời mở đầu
Dũng là một thanh niên 28 tuổi, mồ côi cha mẹ, được chú ruột (Duy) mang sang Mỹ cho ăn học từ năm 12 tuổi. Dũng đã tốt nghiệp B.S. về Biology tại một trường đại học miền Nam California, nhưng thay vì cố gắng xin vào trường y-khoa Dũng đổi ngành, học môn sử-ký vì có hoài bão riêng tư.
Dũng được một người bố nuôi (tự xưng là Ngụy) chu cấp nhưng vẫn phải đi thổi kèn tại một vũ trường để kiếm sống, nên cũng có biệt danh là Dũng Kèn. Đường tình ái của Dũng cũng không mấy sáng  cho đến khi gặp Candy, một cô sinh viên mới lớn đang theo học tại New York, về thăm bạn ở Cali, tình cờ gặp Dũng và say mê tiếng kèn saxophone của Dũng trong bài ‘Forever in love’.  Tên ở nhà của Candy là Bé, và Candy gọi Dũng là anh Dũng Ngố một cách thân tình.  Dũng cũng có tên là Dũng Khờ vì yêu ai Dũng cũng ‘yêu đến dại khờ’. Trước đây Dũng đã từng yêu Thùy Dung, chị họ của Candy, nhưng hai người đã đổi tình yêu thành tình bạn. (Xin xem ‘Người Dưng Khác Họ’, cùng một tác gỉa).
Dũng vẫn còn đang viết dở luận-án tiến sĩ, chủ đề là lịch sử và địa lý biển Đông, mang hoài bão chứng minh với thế giới tự do chủ quyền của VN trên các hải đảo đã bị Bắc phương chiếm đoạt. Dũng hy vọng hoàn tất thesis vào mùa hè năm 2007, và sau đó có ý-định sẽ về VN dạy học. Chú Duy của Dũng, nguyên là giáo-sư toán, và đã tốt nghiệp về Computer Science tại Hoa-Kỳ, cũng đã trở về VN dạy học tại một trường đại-học dân lập.
Tết Đinh Hợi vừa qua Candy xin mẹ về Cali thăm Tim bạn học cũ đang đau yếu và Thùy Dung ở cạnh nhà Tim. Dũng đã yêu Candy từ lần gặp gỡ đầu tiên nhưng bây giờ  mối tình của hai người mới thực sự bắt đầu.
 
Dũng và Candy có với nhau những ngày trong sáng thần tiên ở California, nhưng rồi Candy phải chia tay Dũng, về N.Y. đi học lại, và Dũng sẽ phải về thăm VN, tìm một hướng đi cho cuộc đời. Dũng viết cho Candy khi chia tay, và từ những nẻo đường đất nuớc, những bức thư tình thiết tha nhưng cũng mang nặng tình quê hương và hoài bão cuộc đời.
 
Chia Tay Ngậm Ngùi
Em yêu dấu,
 
Giờ này em đang trên chuyến bay về New York, ước gì có anh ngồi cạnh em, cho em bờ vai để em nương tựa thay vì gục đầu ngậm ngùi lau dòng nước mắt nhớ thương.
Sáng nay khi anh tới gặp em ở lobby khách sạn anh đã muốm ôm em vào lòng. Mắt em có quầng. Đêm qua chắc là em ít ngủ dù rằng anh đã dặn em lên giường sớm để ngày mai còn phải ra phi trường về NY.
 
Chúng mình ngồi ăn sáng với nhau trong phòng ăn khách sạn. Đĩa trứng Omlette trước mặt cứ nguội dần mà không đứa nào nhấc tay.  Cuối cùng anh dùng nĩa xắn một miếng nhỏ đút cho em. Em hé miệng ngậm miếng trứng mà như nuốt không được. Mắt em u buồn, và lòng anh xót xa:
- Em ăn một chút đi. Trưa nay bận bịu ở phi trường không có thì giờ ăn trưa em sẽ đói lắm.
Em gật đầu:
- Dạ, anh nữa. Anh ăn với em nhé.
Anh gật đầu thế nhưng rồi hai đứa vẫn ngồi nhìn nhau, bàn tay em nằm gọn trong bàn tay anh trên bàn.
 
Em có chút vui hơn khi anh đưa em tới nhà bạn để em giã từ. Tim vừa vui vừa buồn vì thấy em còn nhớ đến Tim, quen biết nhau từ khi còn học high school. Anh thấy Tim mang tặng em  món quà, và thủ thỉ ngồi nói chuyện với em.  Mẹ Tim ôm em mà mắt buồn như có ngấn lệ. Anh bỏ ra ngoài cửa ngồi hút thuốc cho em được tự nhiên. Thùy Dung,  ngồi bên anh, lâu lâu lại nói một câu. Anh ậm ờ, hồn anh bay nơi đâu, chẳng biết Dung nói gì, chỉ đến khi Dung kéo tay anh “Dũng đừng hút thuốc nữa” anh mới chợt tỉnh:
- Cám ơn Bé nhắc anh. Oh, I’m sorry, I meant Dung. Dũng sẽ bỏ dần. Đêm qua Bé cũng nói là Dũng hút thuốc hơi nhiều.
Đến lúc em phải ra phi trường ai cũng muốn đi theo. Nhưng em chỉ nhìn anh. Mọi người hình như hiểu nên nhẹ thở dài.  Em ôm hôn từ giã từng người, cả Tim nữa. Bàn tay em vỗ nhẹ trên lưng Tim:
- Tim khoẻ rồi đi học lại nhé. You better are! Write me whenever you can. OK?
Anh thấy Tim gật đầu, nói gì rất nhỏ mà anh không nghe.  Dung chỉ ôm em thật lâu mà không nói gì.
Khi xe đã lăn bánh em còn thò đầu ra đưa tay vẫy. Mọi người đứng im lìm trước cửa nhà Tim. Hình như họ dụi mắt. Anh âm thầm lái xe, em chợt nghiêng người về phía anh, hôn nhẹ lên vành tai anh:
- Anh Dũng buồn hả?
Anh vẫn nhìn về phiá trước:
- Có lần chia tay nào, dù chỉ là tạm biệt, mà không buồn, nhất là chia tay với người mình thương yêu.
Giọng em chợt ướt sũng:
- Anh làm Bé khóc nè.
Anh đưa tay nắm tay em, đưa lên môi hôn nhẹ. Anh nói gì được với em bây giờ?
 
Hành lý đã đưọc gửi xong nhưng em vẫn chưa đi qua security gate. Em kéo anh ngồi  xuống  hàng ghế đợi chờ, ngã đầu trên vai anh và để bàn tay nhỏ bé của em trong bàn tay anh. Chúng mình không nói một lời, cứ như thế lâu lắm, cho đến khi anh nhắc:
- Đến giờ rồi em.
Hai đứa đứng lên và em bật khóc, gục đầu vào ngực anh. Anh cũng dưng dưng. Con trai cũng biết khóc chứ em. Anh cúi xuống hôn nhẹ lên bờ môi em:
- Bé vào đi không muộn rồi.
Em ngửng lên nhìn anh rồi bất chợt vít đầu anh xuống hôn lên môi anh. Ừ thôi, em đi nhé, anh về giữ lại dấu môi hôn. Thơ của ai đó nhỉ, anh không nhớ nữa. Good bye, Candy. Em ngoái cổ nhìn khi đã đi qua security gate, giơ tay vẫy rồi cúi đầu gạt nước mắt còn đọng trên bờ mi.
 
Anh ngồi bất động trong xe ngoài parking. Lâu lắm. Nhìn những chiếc phi cơ cất cánh gào thét trên bầu trời, chiếc nào bay qua anh cũng tưởng như là có em.  Bây giờ anh mới thấy thắm thía nỗi buồn, có lẽ còn buồn hơn Cung Trầm Tưởng lúc chia tay người yêu bé nhở ở ga Lyon đèn vàng.
Tiễn em về xứ Mẹ
Anh nói bằng tiếng hôn
Không còn gì lâu hơn
Một trăm ngày xa cách
Tuyết rơi mỏng manh buồn
Ga Lyon đèn vàng
Cầm tay em muốn khóc
Nói chi cũng muộn màng
Ừ nhỉ, một trăm ngày xa cách, tại sao mình không nghĩ ra. Nếu còn thương nhớ nhau sao muà hè này anh không qua NY thăm em, hay đón em về lại Cali thêm một lần. Anh bỗng nhiên hăm hở, và nếu có em bên cạnh anh sẽ nói nhỏ với em là chúng mình không bao giờ xa cách đâu em. Hàng ngày chúng mình sẽ viết cho nhau, em nghe chưa? Nhớ gọi cho anh khi em về đến nhà và đọc được email này. Yêu em đến dại khờ.
Anh Dũng
 
 
Ngày … tháng … năm 2007
Em yêu,
Đêm qua đọc email của em lòng anh thật bàng hoàng. Chỉ có 3 chữ tô đậm “Bé nhớ anh” mà sao như ngàn lời yêu thương. Anh biết có thương thì mới nhớ và anh trăn trở cả đêm không ngủ được vì anh cũng thương nhớ em vô vàn. Nhớ người như chưa từng nhớ bao giờ,  lời thơ của nữ sĩ Nguyệt Thanh mà anh vừa mới đọc trên một diễn đàn văn nghệ sáng nay đó em.
 
Sáng nay chắc là em đã trở lại trường, đang thủ thỉ với bạn bè, đang khoe những tấm hình rực rỡ trong chợ hoa ngày Tết, ngộ nghĩnh và thân yêu trong xứ thần tiên Disney Land. Chúng mình đã có với nhau những kỷ niệm để đời. Làm sao anh quyên được ánh mắt em cười, cái nghiêng đầu tình tứ, những giọt nước mắt nhớ thương và nhất là nụ hôn nhẹ trên bờ môi khi chúng mình chia tay. Candy ơi, ‘mai sau dù có bao giờ’ nếu vì bất cứ lý do gì mà chúng mình không được gần nhau thì những ngày qua đủ cho anh ‘đốt lò hương cũ so tơ phím này’. Tiếng kèn của anh sẽ nghẹn ngào vì thương nhớ em.
 
Em đã nói ‘chuyện chúng mình’ với mẹ chưa? Anh biết là bà mẹ nào cũng lo lắng cho tương lai con cái nên anh viết vài hàng gửi mẹ dưói đây, em chuyển cho mẹ dùm anh nhé.
Nhớ gửi email cho anh hàng ngày, hay là ban đêm trước khi đi ngủ điện thoại cho anh, để anh nghe tiếng em thủ thỉ, để anh nói với em những lời yêu thương, và để anh ru em ngủ bằng những bản tình ca êm đềm. Yêu và nhớ em vô cùng.
 
Anh Dũng
Thưa dì,
 
Dũng quả tình không biết xưng hô sao cho phải phép nhưng nghĩ rằng dì còn ít tuổi hơn mẹ của Dũng nên mạn phép dùng danh xưng đó thay vì ‘Ms. Nga’, nghe có vẻ quá ‘Mỹ’. (Bé nửa đùa nửa thật nói với Dũng tên dì là Thiên-Nga, nếu không đúng mong dì đừng bận tâm).
 
Dũng mồ côi, mẹ mất khi còn nhỏ, và cha qua đời ít lâu sau khi đi ‘cải tạo’ về. Dũng được chú Duy nuôi nấng, mang sang Mỹ học hành cho nên người. Bố Ngụy, người bạn đồng ngũ của ba Dũng, nhận Dũng làm con nuôi, và hiện nay Dũng đang nương tựa người mà Dũng coi như cha.
Dũng học hành cũng bình thường, đã xong B.S. về Biology, nhưng thay vì cố gắng thi vào các trường y-khoa Dũng đã đổi ngành, học history vì một hoài bão riêng tư. Trong thời gian theo học tại UCI ban đêm Dũng chơi nhạc cho một vũ trường để kiếm sống nhưng bây giờ Dũng đã thôi việc ở vũ trường, nhận làm bán thời cho một công ty chuyên về medical equiment ở San Diego. Hai ngày một tuần Dũng vẫn tới trường, hy vọng là Dũng sẽ hoàn tất luận án tiến-sĩ vào cuối niên học này.
 
Dũng ôm một hoài bảo từ khi thấy bố Ngụy nhìn tấm hải đồ chỉ tay vào những quần đảo nói với Dũng là ngày xưa ba Dũng đã cố gắng bảo vệ nhưng thất bại. Ba Dũng đau xót và u buồn cho đến lúc qua đời. Những người lính gác sông và biển ít được nhắc nhở vì nhiệm vụ của họ khiêm nhường, nhưng khi để mất một phần đất nước  lòng họ rất là xót xa. Dũng nghĩ là ba Dũng, cũng như bố Ngụy, không thành công bằng những giải pháp quân sự thế nhưng công lý cần phải được sáng tỏ. Dũng chuyển sang học sử, và luận án của Dũng chuyên đề về ‘lịch sử và điạ-lý của biển đông’, tìm hiểu về những hải đảo đã mất về tay Bắc phương, với hoài bão là chứng minh cho thế giới tự do chủ quyền của dân Việt, dù rằng những hải đảo xa xôi đó rất xa đất liền.
 
Vị giáo sư đỡ đầu thesis cũa Dũng bất đồng ý-kiến với Dũng về những từ ngữ như ‘expansion’ phải được dùng thay vì ‘invasion’ để chỉ sự bành trướng của Trung Quốc nên Dũng đã phải thay đổi giáo sư, chuyển trường làm chậm trễ việc học nhưng trước sau gì rồi Dũng cũng sẽ hoàn thành ý-nguyện của mình.
Dũng không muốn làm dì mất nhiều thì giờ về những vấn đề phức tạp, không mấy liên quan tới cuộc sống thường ngày nên Dũng xin ngừng ở đây và hẹn thư sau sẽ nói thêm về những dự định tương lai. Dũng luôn luôn nhủ thầm là mình làm hết lòng mình, còn thành công hay không phần nào cũng do cơ duyên. Dũng gặp được Bé là do cái duyên, và nếu có ‘nợ’ thì biết đâu chẳng đi chung một con đường.
 
Dũng xin phép dì để Bé và Dũng giữ một tình thân trong sáng. Dũng và em thương nhớ nhau nhưng ngoài một cái hôn phớt nhẹ trên bờ môi lúc nào Dũng và Bé cũng biết giữ gìn. Nghe có vẻ lỗi thời nhưng Dũng tin rằng ‘gìn vàng giữ ngọc’ cho tâm hồn trong sáng là đỉnh của thương yêu.
Cám ơn dì đã lắng nghe, và xin chúc dì một năm mới an-khang.
 
Trần Đình Dũng.
 
 
Một Thoáng Suy Tư
Ngày … tháng … năm 2007
Em yêu,
Anh đọc thư em rồi. Trời tuyết trơn trượt, em nên cẩn thận khi đến trường. Mang dù theo không mưa ướt áo em trên đường ra trạm xe. Em đau rồi anh làm sao yên lòng.
Sáng nay trời Cali cũng mưa, cơn mưa xuân làm ướt bờ vai và nước mưa đọng trên mắt kính anh  như những giọt lệ u buồn. Anh tới trường để tham khảo giáo sư đỡ đầu về  chương cuối cùng của luận án viết đã gần xong. Thày anh đã có vẻ hài lòng, và một vài sửa chữa nhỏ nữa là anh có thể sẽ được chấp thuận đem ra trình bày trước một hội đồng giáo sư.
Mưa làm anh nhớ nhiều về những ngày thơ dại ở quê nhà, nhớ cái đầu hè nhà chú Duy nơi anh hay ngồi nhìn mưa, thả con thuyền giấy trong vũng nước đọng, và  nghĩ tới ba, tới má  lúc đó đã ở một nơi nào đó xa xôi trên trời. Khi còn nhỏ anh hay buồn lắm, chú Duy cứ phải đưa bờ vai cho anh khóc vùi, nhất là những khi trời mưa gió như lúc này.
Anh đứng hút thuốc trong hành lang thư viện nhìn mưa và nhớ em. Anh biết là em không muốn anh hút thuốc nên anh không còn hút nhiều như xưa, chỉ những lúc nhớ em như lúc này anh mới tìm quên trong khói thuốc. Ước gì có em ở đây, để anh được ôm em, như đôi tình nhân đang đi dưới mưa kia. Người con trai một tay cầm dù một tay ôm chồng sách, người con gái nép mình, một tay ôm ngang lưng người yêu, lâu lâu lại ngửng mặt nhoẻn miệng cười, đưa bàn tay còn lại gạt những giọt nước mưa đọng trên má người con trai mà chiếc dù nhỏ bé không che kín được cả hai mái đầu.
Anh ước mơ có em ở gần vì anh lo sợ. Người ta thường nói tình cảm nào rồi cũng phôi pha với thời gian, ngay cả tình yêu, nhất là những người yêu nhau lại xa nhau hàng ngàn dậm. Mong là chuyện đó không bao giờ xảy ra cho chúng mình, để không bao giờ anh mất em trên cõi đời này.
Cám ơn mẹ em đã đọc thư và hiểu được tấm lòng anh. Hôm nay anh muốn chia xẻ với em một chút suy tư về tương lai để em thấý rằng anh Dũng không phải chỉ biết thổi kèn, chỉ biết yêu em, mà còn có một mang nặng một tâm tư.
Thư của chú Duy mới viết về từ VN:
 “… Chú dừng lại một tỉnh nhỏ trên đường từ Nha Trang vào Sài Gòn. Restaurant ngay gần bãi biển, mà bãi biển nào của VN mình cũng rất nên thơ, thế nhưng chú thật ngậm ngùi không nuốt nổi miếng cơm. Trong lúc chú ngồi ăn có vài em bé gái tuổi mới độ lên 10 lại gần gạ bán cho chú mấy cành san hô gắn với nhau một cách thô sơ. Có một em xin chú lon coca uống còn thừa. Chú hỏi em sao không đi học, em nói không có tiền đóng cho cô giáo. Em gầy còm, nước da em đen và mắt em ngơ ngác buồn …
Dũng biết là gia đình mình còn nhiều ‘ân oán giang hồ’ với chính thể này mà sao lòng chú thật là xốn xang. Chú đã nhận lời người bạn  trở về góp một bàn tay. Tay chúng mình nhỏ lắm, nhưng nếu một ngày nào chú chỉ giúp được MỘT người, hay đúng hơn một đứa bé được đến trường, có cơm ăn, có manh áo lành, có đôi dép cho đôi chân nhỏ bé thì chú sẽ thấy mình bớt xót xa.
Tuần rồi chú có ra Hà-Nội, thành phố mà một thời chú đã yêu thương đậm đà. Trong tiệm ăn chú thấy hai người trẻ ăn mặc sang trọng nhưng khạc nhổ và  vứt thức ăn xuống sàn! Trong tiệm sách chú thấy người trí thức lấn tới trước quầy hàng chứ không xếp hàng trả tiền. Trong khách sạn, người xuống thang máy chưa kịp ra thì người đi lên đã lấn vào. Có nhiều cái làm chú đau lòng. Người ta tranh sống, và hình như xã hội này thiếu tình người. Phải chăng vấn đề nằm trong căn bản giáo dục, cái mà chúng mình có thể góp một bàn tay? …”
 
Em yêu, anh biết là chú Duy đã có một thời đa đoan, dăm ba mối tình dang dở, nhưng chú cũng là người có lòng. Chú về VN dạy học không phải vì tiền hay vì danh vọng mà chỉ vì một chút gì cho quê hương. Dũng cũng sẽ về Bé ạ. Trước đây anh cứ tưởng là xong niên học này anh sẽ tìm một chỗ dạy học nào đó ở gần em nhưng có lẽ chưa phải lúc. Em hãy nghe mẹ, chú tâm vào việc học, biết đâu một ngày nào anh và em chẳng sống chung với nhau, chẳng cùng nhau góp một bàn tay cho quê hương, ở một thành phố nhỏ bên quê nhà. Anh biết đó chỉ là một mơ ước, nhưng em ơi nếu không có ước mơ đời sẽ thật buồn.
Anh sẽ đi xa, có lẽ rất là bận rộn, và có thể không có những phương tiện truyền thông tối tân để liên lạc với em hàng ngày, nhưng lúc nào anh cũng vẫn nghĩ tới em. Đây cũng là một thử thách cho em, hay đúng hơn cho chính anh. Nếu xa nhau mà còn âm thầm thương nhớ nhau thì rồi có ngày chúng ta sẽ đoàn tụ. Tuy nhiên anh cũng biết là một mối tình không thể tồn tại chỉ bằng nhớ thương. Nếu em có gặp một người nào đó cùng trang lứa, và có yêu người đó thì anh cũng không bao giờ giận hờn. Không phải là lòng anh bao la đến độ đó, nhưng anh cũng biết rằng khó có thể làm gì hơn.
Tuần tới anh sẽ về VN ít lâu để tiếp xúc với chú Duy, với những người cũng có một tấm lòng. Nếu em không thấy anh viết nhiều thì cũng đừng ngạc nhiên nghe. Anh có xa em ba, hay 10, ngàn dậm thì lúc này anh cũng vẫn thấy rất gần, và vẫn rất yêu em.
Anh Dũng
 
Quê Nhà Xa Lạ
Sài-Gòn, Ngày … tháng … năm 2007
Bé yêu,
Có lẽ anh là một Việt kiều nghèo nhất thế gian. Hành lý của anh là một valise nhỏ với vài bộ quần áo, cây kèn saxophone và cái backpack cũ mềm từ thời còn đi học under-graduate. Tài sản đáng giá chỉ là chiếc laptop anh mang theo để hàng ngày anh có thể viết thư cho em.
Em ơi, 16 năm trở lại anh vừa ngơ ngác vừa bồi hồi, vừa thương nhớ em ở bên đó, xa cách nhau không phải chỉ là ba ngàn dậm mà còn thêm cả một đại dương. Anh về vì chú Duy muốn anh nhìn thấy tận mắt những gì ở quê nhà VN trước khi anh quyết định theo chân chú, đóng góp một bàn tay trong lãnh vực học đường.
Khi ra đi anh vừa 12 tuổi. Bây giờ ngoài chú Duy,  thân nhân và bạn bè thời thơ ấu ở nơi này chẳng còn ai.  Anh đi giữa Sài-Gòn như một người xa lạ, chiếc taxi đưa anh về một khách sạn rẻ tiền nơi mà ‘Tây Ba-Lô’ thường trú ngụ trong những ngày thăm viếng VN. Có lẽ anh là một ‘Ta Ba Lô’ độc nhất ở khu này. Anh sẽ chỉ ở tạm đây vài ngày, nhìn lại Sài-Gòn trong trí tưởng trước khi lên Đà Lạt, nơi đó họ Trần Đình còn một căn nhà cổ mà chú Duy đang tạm trú để đi dạy học. Trước khi về anh đã đọc, đã tìm hiểu về quê nhà thật kỹ càng mà sao lúc này anh vẫn thấy mình rất bơ vơ.
Anh sẽ viết cho em từ những nơi anh sẽ đi qua trong vài tuần lễ thăm viếng ngắn ngủi. Hôm nay anh chỉ viết cho em vài dòng thôi vì anh vẫn còn ngất ngây sau chuyến bay dài, hơn thế nữa tháng này thời tiết Sài-Gòn nóng như thiêu, anh muốn ngủ một giấc cho lại sức trước khi bắt đầu cuộc hành trình về một nơi mà trong lòng lúc nào anh cũng nhớ thương.
Anh biết là thế nào trong giấc ngủ anh cũng sẽ mơ thấy em, thấy nét em cười, thấy làn tóc em bay và thấy cả ánh mắt em chan chứa ân tình. Em còn nhớ không, hôm chúng mình du ngoạn vịnh San Diego trên con tàu nhỏ của bố Ngụy em đứng gần anh, gió thổi tóc em cuốn vào mặt anh, hương tóc em đã làm anh ngất ngây, làm anh muốn ôm em vào lòng, muốn nói với em là anh yêu em và muốn che chở cho em suốt đời!
Bây giờ là 3 giờ chiều ở Sài Gòn và là 3 giờ sáng ở New York. Lúc này chắc em đang ngủ say. Sweet dream, my love. Lúc nào anh cũng mong em được êm đềm trong giấc ngủ cũng  như trong lúc em đi trên đường phố tới trường. Take care, Candy. Anh Dũng lúc nào cũng thương nhớ em.
Anh Dũng của Bé.
P.S. Anh viết thư này nhưng chưa biết lúc nào gửi được cho em. Khách sạn này không có Internet connection. Có lẽ anh phải đi tìm một quán café Internet. Nếu thư tới chậm đừng giận anh nghe.
 
 
Con Trai Cũng Biết Khóc
Sài-Gòn ngày … tháng … năm 2007
Em yêu,
 
Anh muốn về thăm lại căn nhà xưa ở con đường nhỏ gần cổng xe lửa số 6, nơi anh đã sống thời thơ ấu với ba má. Căn nhà xưa còn đó nhưng không còn như trong trí tưởng. Cây hoa huỳnh anh với những chiếc hoa vàng óng ánh và những con ong chập chờn đã biến mất. Khoảng sân nhỏ nơi anh hay tắm mưa cũng không còn! Người chủ mới đã dựng những tấm tôn làm thành một cửa tiệm bán quần áo cũ. Con đường nhỏ bây giờ cũng tấp nập hơn xưa và hình như chẳng ai quan tâm tới anh đang ngẩn ngơ đứng nhìn. Anh đã bỏ lại sau lưng một mảnh đời mà không bao giờ anh tìm lại được nữa đâu em.
 
Anh cũng tìm đến cái nghĩa trang hẻo lánh ở ngọai thành nơi ba má nằm yên giấc ngủ cuối đời. Nghĩa trang đìu hiu, không một bóng người. Khi má mất anh còn thơ dại nên chẳng nhớ gì nhưng ngày ba mất anh đã lên mười, anh đã biết đau đớn, hiểu thế nào là vĩnh viễn chia ly. Hai ngôi mộ thấp lè tè gần nhau nhưng mới được chú Duy thuê người đắp điếm lại nên cũng bớt thê lương. Anh đốt nắm nhang mua vội vã tại quán hàng ngoài cổng nghĩa trang, cắm lên đầu hai ngôi mộ và ngồi xuống đó khóc nức nở như ngày anh biết là ba không còn ở lại với anh trên đời. Nước mắt anh nhạt nhoà, đầu anh gục xuống, anh gọi “Ba ơi, Dũng nè”, như hồi anh thơ dại. Anh ngồi đó lâu lắm, những cây nhang đã tàn từ lâu và khi bóng chiều đã phủ dần xuống nghiã trang anh mới nặng nề đứng dậy ra về.
Anh trở về khách sạn, lòng ngẩn ngơ buồn, mang kèn ra thổi bài “Going home’, tiếng kèn ray rứt càng làm nỗi buồn thêm thấm thía, nước mắt anh lại ứa ra đầm đìa! Mặc dù anh đã cố giữ cho tiếng kèn thật nhỏ nhưng vách tường của khách sạn quá mỏng nên khi bài nhạc vừa chấm rứt anh nghe tiếng gõ cửa phòng mình. Một cái đầu tóc vàng bù xù ló qua cánh cửa hé mở và anh Tây Ba-Lô hàng xóm giơ ngón tay cái nói bập bẹ:
- Tốt … tốt.
Anh bật cười:
- Sorry to disturb you.
Anh chàng la lớn:
- Oh! You speak English! I actually enjoy your play. Outstanding! By the way, I’m Nick, staying next door.
Anh chìa tay bắt tay:
- Michael. Nice to know you, Nick - và mở rộng cửa mời anh ta vào phòng.
 
Nick khoe vơí anh là anh ta ‘taking a break from work’, cùng vơí bạn gái đi du-lịch các nước Á Đông. Nick đã thăm Thailand, Cambodia mà mới từ Hà Nội đi dọc theo quốc lộ ven biển bằng xe lủa vào tới Sài-Gòn. Nick bị tiếng kèn của anh đánh thức nỗi nhớ, vì cũng đã xa nhà khá lâu, nên tìm sang làm quen. Nick trở về phòng dẫn cô bạn gái Cathy sang giới thiệu với anh. Cô gái có đôi mắt xanh lơ, mái tóc mầu hạt dẻ, và má vẫn còn tàn nhang, cũng chỉ hơn em một hai tuổi là cùng. Cathy ăn nói nhỏ nhẹ, và hay nghiêng đầu dễ thương hệt như em làm anh nhớ Bé thật nhiều!
 
Buổi tối anh lang thang trên phố phường quanh quẩn gần trung tâm Sài Gòn. Thành phố vẫn nhộn nhịp hơn bất cứ nơi nào ở California về đêm. Còi xe inh ỏi, trai gái ăn mặc mượt mà và chắc chắn thời thượng hơn là cái quần jean và áo thung ngắn tay anh mặc trên người.  Nơi này xô bồ nhưng đầy sức sống, và em biết không, anh chợt ước ao có em bên cạnh để anh dắt tay em hoà nhập vào làn sóng người, vui hay buồn vẫn còn hơn làm người xa lạ cô độc trên quê hương.
Anh cũng tản bộ ra tận bến sông Sài-Gòn. Khi anh còn nhỏ ba có đưa anh ra đây vài lần. Những lúc đó ba buồn lắm, đứng nhìn những con tàu im lìm trên bến và thường thở dài. Anh chắc ba nhớ những ngày tháng cũ khi ba còn đi biển, nhớ bạn bè xưa kẻ mất người còn, tản mát khắp bốn phương trời. Bến tàu còn đó, anh đứng bơ vơ, nước mắt anh lại muốn trào ra vì thương nhớ ba.
 
Sài-Gòn có những con đường vương lá me bay tình tứ nhưng không có em bên cạnh nên anh đi lầm lũi cúi đầu. Mai anh sẽ dời thành phố này lên Đà-Lạt gặp chú Duy. Hành trình bằng xe đò lên thành phố cao nguyên đó cũng mất vài tiếng đồng hồ. Anh đi ngủ đây, mai anh viết nữa để cho em thấy là dù anh ở đâu chúng mình vẫn rất gần nhau, và anh vẫn nhớ em rất nhiều.
 
Anh Dũng
 
 
Đà-Lạt ngày … tháng … năm 2007
 
Em yêu,
 
Chú Duy đón anh ở bến xe đưa anh về căn nhà cũ của họ Trần Đình ở Trại Hầm, không xa trung tâm thành phố mấy. Căn nhà của ông nội dựng lên bằng những cây thông còn nguyên vỏ xù xì khi ông di cư từ miền Bắc vào đây năm 1954, và lần hồi qua bao nhiêu năm tháng được tu bổ thành một dinh cơ. Đàn con của ông đã được nuôi dưỡng và lớn nên lớn lên ở căn nhà đó để rồi mỗi người đi một phuơng. Ông qua đời trong hưu quạnh, và anh chẳng bao giờ biết mặt ông vì sinh ra quá muộn màng. Từ ngày ông qua đời căn nhà được giao cho một người cháu họ xa trông nom. Ngày xưa lâu lâu ba và chú Duy mới về thăm một lần, căn nhà vẫn đứng đó bên những cây thông già trên sườn đồi, ôm ấp quá khứ của một thế hệ nay không còn.
 
Buổi chiều xuống dần, sương mù từ rừng cây bay ra như muốn che kín mái nhà.Trời không lạnh bằng mùa đông Cali, nhưng cũng đủ cho bếp lửa thêm ấm áp và mùi thuốc từ ống điếu của chú Duy thêm nồng nàn. Anh lặng yên ngồi nghe chú nói về những ngày tháng cũ và về những hoài vọng cho những ngày còn lại của cuộc đời. Anh hỏi:
- Chú yêu nghề dạy học ở nơi này lắm hả?
Chú cười:
- Không phải là nghề Dũng ạ. Có lẽ là một đam mê từ ngày còn trẻ, bây giờ cũng vẫn còn là một ước mơ.
Nhìn chú ngồi mơ màng với khói thuốc anh mỉm cười:
- Chú vui không?
Chú gật đầu:
- Vui khi thấy ánh mắt sinh viên nhìn lúc chú giảng bài. Buồn vì có những điều không nói được, và đôi khi cũng nhớ nhà.
Anh cười với chú:
- Trước khi về cháu có ghé qua nhà. Thím Trinh dặn cháu nói với chú là đừng có lăng nhăng như xưa để làm buồn mọi người.
Chú chỉ mỉm cười lắc đầu:
- Thời của chú đã qua. Cháu hãy lo thân cháu đó Dũng ạ.
Anh nói nhỏ:
- Chú chưa gặp Candy nên nói thế. Cháu làm sao quên được người con gái đó một ngày để mà nghĩ ngợi vẩn vơ.
Chú chỉ cười và anh cũng lặng thinh nghĩ đến em. Người đàn bà đứng tuổi chú Duy mướn để lo cơm nước là một đầu bếp hiếm có. Lâu lắm anh mới lại được ăn một bữa cơm gia đình ấm cúng và ngon miệng. Trong bữa ăn chú Duy nói về công việc anh có thể làm, về nhà trường, về ban giám đốc, về những ưu tư, về những khó khăn mà anh có thể gặp phải nếu muốn về góp một bàn tay.  Giọng chú khi sôi nổi, khi thoáng u buồn và chú kết luận rất gọn là “chỉ cần có một tấm lòng”.
 
Buổi tối khi chú Duy rút vào phòng chuẩn bị cho bài giảng ngày mai, anh thả bộ theo con đường dốc đi lần về thành phố. Đà Lạt vẫn còn giữ được nét yêu kiều của một thành phố nhỏ, không có xe cộ đông đúc, không có tiếng động ồn ào, và trong không khí nhạt nhoà của buổi tối anh thoáng ngửi thấy mùi thơm từ những bông hoa trong vườn các biệt thự im lìm. Không rét lắm nhưng anh cũng thấy lạnh lẽo nên ghé vào quán café Thủy Tạ bên hồ Xuân Hương. Anh thèm một ly café, như anh thèm nét môi em. Candy ơi, lúc này em đang làm gì? Mới 8 giờ sáng ở bên đó thôi, chắc em đang trên đường tới trường, em có nhảy những bước chân chim như hôm chúng mình thăm Disney Land với nhau, hay là em âm thầm cúi đầu đếm bước, nhớ tới anh, nhớ như chưa bao giờ nhớ?
 
Đâu đâu anh cũng thấy bóng dáng em chập chờn. ‘Yêu em biết mấy cho vừa nhớ thương’. Anh không nhớ đó là thơ hay lời nhạc của ai đó. Chỉ biết rằng lúc này nếu có em ở bên anh sẽ ôm em thật chặt, cho hai đứa bay lên trời sao, và mãi mãi ở một nơi chỉ có hai đứa chúng mình. Điên phải không em? Ừ, anh điên vì nhớ thương em. Have a nice day, my love.
Anh Dũng
 
Đà-Lạt ngày … tháng … năm 2007
Cách nhau mười ngàn dặm!
Mỗi người sẽ có mỗi mảnh đời riêng.
Trong mảnh riêng của em.
Có một mảnh riêng riêng, rất riêng, nho nhỏ.
Dành cho anh …suốt đời! ( Nguyệt Thanh)
Em yêu,
 
Mấy câu thơ trên cũng là của nữ-sĩ Nguyệt Thanh viết về tình yêu. Anh cũng muốn bắt chước viết cho em vài dòng:
 
Anh Dũng biết
Bé rất buồn
Vì mười ngàn dậm đường xa cách
Là mười ngàn nỗi nhớ thương
 
Anh Dũng biết
không có anh cho em bờ vai
Lúc em buồn muốn khóc
Em sẽ buồn hơn, với tiếng thở dài
 
Anh Dũng biết
Không có anh đón đưa em đi học
Em sẽ không nghiêng mái tóc,
Hé môi cười,
Dù cho một ngày có  vui.
Ban đêm em hãy nhìn trời sao lấp lánh
Mỗi ánh sao là một niềm thương.
Và có một ngôi sao rất sáng
Là sao của chúng mình
Nên anh không thể lạc đường.
 
Anh cũng có một niềm riêng
Dấu trong trái tim đỏ thẫm
Là dáng em dịu hiền
Suốt một đời, để anh nói nhỏ
Yêu em.
 
Suốt một đời, để anh nhắc nhở
Rất yêu em.
 
Bé yêu của anh,
 
Anh Dũng không biết làm thơ, nhất là thơ tình, nên  anh chỉ viết vài hàng vụng dại. Mai mốt anh về sẽ xin đền em bằng một nụ môi hôn. Em chịu không?
 
Anh Dũng
 
 
Rồi Anh Sẽ Quen?
Đà-lạt ngày … tháng … năm 2007.
 
Em yêu dấu,
Quán café vào một buổi tối ngày giữa tuần nhưng vẫn khá đông. Đa số khách hàng còn rất trẻ, ngồi với nhau như một nhóm bạn bè hay như những cặp tình nhân. Anh được hướng dẫn tới một chiếc bàn nhỏ kê sát vách tường, lẻ loi nhưng không lạc lõng vì tiếng nhạc trữ tình mở vừa đủ nghe, không khí ấm cúng, và ánh đèn mờ  làm mọi người trông rất dễ thương.
Người nữ tiếp viên mặc áo dài, một hình ảnh hiếm hoi chỉ còn thấy ở những cơ quan du lịch, mỉm cười dịu dàng đứng chờ nhận order. 
- Café sữa nóng, please.
Cô tiếp viên che miệng dấu nụ cười và  anh  ngượng ngịu vì chợt nhận ra câu nói vụng về không hợp cảnh của mình. Anh phân trần:
- Xin lỗi, tôi không cố ý …
Cô tiếp viên nghiêm trang nhưng trong ánh mắt như có gì vui thích:
- Dạ, không có chi. Chúng tôi sẽ mang lại ngay.
Bé biết không, ở đây người ta hút thuốc ở bất cứ nơi nào nên anh cũng tìm điếu thuốc đưa lên môi ngồi trầm ngâm. Anh muốn hoà nhập vào thế giới rất khác biệt ở quê nhà nhưng dù cố gắng anh hãy còn rất vụng về, nhiều lúc đến ngô nghê. Xung quanh anh mọi người hầu như rất thoải mái, họ không nhỏ nhẹ giữ gìn ở những nơi công cộng như chúng mình. Họ nhìn anh, và có lẽ họ nhận ra ‘thằng Việt kiều’!
 
Người nữ tiếp viên trờ lại với phin café và bình thủy nước nóng, nhẹ nhàng xếp mọi thứ trên bàn:
- Anh cần gì nữa không ạ.
Anh lắc đầu:
- Cám ơn cô.
Bất thình lình cô ta hỏi:
- Anh mới về VN lần đầu?
Anh hơi đỏ mặt gượng cười:
- Vâng, nhưng sao cô biết?
Cô ta nhoẻn miệng cười, khoe chiếc răng khểnh thật xinh:
- Vì ở đây người ta ít khi nói cám ơn.
Bỗng dưng cô ta có thoáng buồn:
- Nếu người khách nào cũng như anh thì … Loan cũng đỡ tủi thân.
Anh ngạc nhiên:
- Tôi tưởng đây là đây là một chỗ thanh lịch. Xin lỗi, phải vậy không cô Loan.
Vẻ thoáng buồn đã biến mất:
- Dạ đúng, nhưng không phải người khách nào cũng như nhau. Cũng may là  Loan chỉ làm vài tối một tuần, kiếm tiền đóng học phí.
Anh mừng rỡ:
- Thế ra cô là sinh viên. Tôi cũng đang muốn tìm hiểu về sinh hoạt học đường ở đây. Nếu không có gì bất tiện mời cô ngồi cho chúng tôi hỏi thăm vài điều. Please!
Loan lại che miệng cười, ngồi xuống chiếc ghế trông đối diện với anh:
-Anh về thăm nhà?
Anh cười buồn:
- Cũng không hẳn, cô Loan ạ. Tên tôi là Dũng. Tôi tính về đây dậy học, tuy nhiên chưa biết là mình có làm được gì ở chốn này.
Anh tóm tắt cho Loan nghe về những dự tính tương lai, về nỗi băn khoăn không biết là kiến thức của mình có giúp gì được cho quê hương, và nhất là quê hương có chấp nhận người đi xa trở về như lòng mong mỏi. Loan chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng nhẹ mỉm cười. Anh trầm ngâm:
- Chú Duy tôi cũng đang dạy học ở đây. Chú nói chỉ cần có một tấm lòng, và tôi rất muốn tin như vậy.
Anh mở nắp phin café, loay hoay với bình thủy nước nóng. Loan chìa tay:
- Để Loan giúp anh.
Loan chế nước sôi, quậy tan lớp sữa đặc ở đáy tách, đẩy về phía anh:
- Anh thử xem đã vừa chưa.
Anh gật đầu:
- Cám ơn cô. Ở bên đó tôi chỉ quen với café Starbucks và chưa dùng phin café bao giờ. Có nhiều thứ ở quê nhà tôi vẫn chưa quen. 
Loan mỉm cười đứng lên
- Rồi anh sẽ quen. Nhưng cũng có những cái anh không nên … Xin lỗi anh Dũng nhé. Loan phải làm việc. Hôm nào anh Dũng tới trường Loan xin tiếp chuyện anh lâu hơn.
Anh cũng đứng lên:
- Cám ơn cô Loan nhiều lắm. Vâng, mai mốt tôi theo chú Duy tôi lên thăm trường. Hy vọng là có dịp gặp lại cô.
Loan vẫy tay chào quay đi. Anh nghe một thanh niên bàn bên cạnh huýt sáo “Ê, Loan”, nhưng Loan cúi đầu đi thẳng, như không nghe tiếng gọi.
Anh ra khỏi quán café khì trời cũng đã khá khuya. Mùa xuân Đà Lạt hương hoa cỏ nồng nàn trong không gian. Kéo cao cổ áo lạnh anh thong thả đếm bước về nhà. Mai anh sẽ theo chú Duy lên trường nói chuyện với ban giám đốc. Cảm tưởng của anh vẫn còn rất mơ hồ, anh không biết là chuyến trở về tìm hiểu quê nhà này sẽ có kết quả ra sao nhưng có một điều rất rõ ràng, đó là lúc này anh thấy rất nhớ em.
Tháng sáu năm nay, sau khi trình xong luận án anh sẽ sang NY thăm em cho thỏa lòng nhớ thương. Candy ơi, đêm đêm em hãy nhìn lên trời, vì sao sáng nhất là sao của chúng mình, là sao hộ mệnh, soi đường cho chúng mình tìm về với nhau, dù lúc này chúng mình có xa nhau mười ngàn dậm đường.  Mùa hè năm nay sẽ là mùa hè rực rỡ cho chúng mình. Em có uớc mơ như anh không?
Anh Dũng của Bé,
 
 
Đà Lạt ngày … tháng … năm 2007
Em yêu.
Ngày chúng mình gặp nhau ở Cali anh đã  thấy ‘bao nhiêu lần môi cười, cho mình còn nhớ nhau’.  Chiều nay một mình trên phố, anh không thể nào không nhớ bài hát này của TCS:  http://www.cungvui.com/modules.php?name=Nvmusic&op=playsong&id=6384
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Có khi nắng khuya chưa lên mà một loài hoa chợt tím
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đã mềm gọi buồn cho mình nhớ tên.
Chiều qua bao nhiêu lần môi cười
Cho mình còn nhớ nhau
Chiều qua bao nhiêu lần tay mời
Nghe buồn ghé môi sầu.
Ngày nào mình còn có nhau xin cho dài lâu
Ngày nào đời thôi có nhau xin người biết đau.
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Gió ơi gió ơi bay lên để bụi đường cay lòng mắt
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Áo xưa chưa quen phong trần đợi mùa thu vàng áo thêm.
Chiều một mình qua phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Bước chân nghe quen cũng buồn lạy trời xin còn tuổi xanh
Còn một mình trên phố âm thầm nhớ nhớ tên em
Ngoài kia không còn nắng mềm ngoài kia ai còn nhớ tên.
Anh muốn ở bên em để hát cho em nghe. Nhưng lúc này em hãy ngủ ngon, và sẽ mơ thấy những điều rất riêng tư chỉ có trong giấc mơ thôi.
Anh Dũng
 
 
Đà Lạt ngày … tháng … 2007
Em yêu,
 
Em đau hả? Tội chưa! Mẹ phải đi làm, anh ở xa, em đau như vậy rồi ai săn sóc em! Ước gì anh ở cạnh em lúc này để đắp khăn ướp lạnh lên trán em cho em bớt nóng, ngồi bên em, nắm tay em cho em an tâm chìm vào giấc ngủ bình yên, và khi em ngủ say, hôn lên má em, như một thiên thần thường đến với em trong giấc mơ. Em chịu khó uống thuốc cho mau khỏi, đừng làm anh lo nghĩ nhiều trong lúc anh ở xa. Candy, em nhớ chưa?
Bé yêu, em đừng buồn vì history paper của em chỉ được grade C, và đừng quan tâm nhiều vì mẹ hay lo âu về thời thế! Anh cũng đang đi tìm kiếm ý-nghiã của cuộc đời, và đôi khi cũng có những băn khoăn như mẹ em thường ưu tư. Nhưng Bé à, anh cũng biết là chúng mình chỉ là một hạt cát trên xa mạc, nơi mà gió bão có thể đưa chúng mình đến bất cứ chân trời nào. Có những điều chúng ta không thể làm gì hơn, dù chúng ta rất muốn. Em nói mẹ đừng lo nghĩ nhiều về những vấn đề ngoài tầm tay vì băn khoăn nhiều chỉ làm chúng ta chóng hao mòn. (Mẹ muốn trẻ mãi để đi ngoài phố với em như là hai chị em, đúng không?)
 
Bố Ngụy anh thường nói “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”. Có lẽ Saddam Hussein là như vậy. Hàng vạn người đã chết cho ông ta, và dưới tay ông ta, để cho ông ta thành nhà cai trị độc tài. Ông ta chết cũng là do cái nghiệp của mình. Một cá nhân không có gì đáng kể, dù cá nhân đó là Cụ Diệm hay Hussein, trước quyền lợi của một tập đoàn hay một quốc gia. Người Mỹ bắt buộc phải có một chỗ đứng ở Trung Đông, nắm giữ nguồn năng luợng quan trọng để không bị các quốc gia Á Rập khác như Saudi Arabia, Iran, … làm áp lực. Anh nghĩ Cộng Hoà hay Dân Chủ họ cũng chỉ bất hòa ngoài mặt, bên trong họ có những thoả hiệp ngầm cho quyền lợi của nước Mỹ. Hussein hay võ khí nguyên tử cũng chỉ là cái cớ để hành động mà thôi. Em cũng đừng buồn vì giáo sư của em không đồng ý với bài viết của em.
Sáng ngủ dậy em hãy nhìn qua cửa sổ, ngắm tuyết phủ trên cành cây, cười với nắng vàng, nghe chim hót đâu đó trên mái nhà, nghĩ tới người thân, tới bạn bè, và tới anh cho một ngày thật vui. Em còn đang trong tuổi thần tiên, đang được mẹ che chở, được bạn bè quý mến, được anh yêu thương. Em hãy giữ lấy hạnh phúc đơn sơ nhưng đằm thắm đó trong lúc này. Những lo lắng, những ưu tư rồi sẽ đến, nhưng đó là lúc có anh chia xẻ với em tất cả những vui buồn của cuộc đời. 
 
Hoa mimosa ở đây đằm thắm lắm Bé à. Anh không biết NY có hoa này không, anh ước gì có em ở đây, để anh chụp cho em một tấm hình bên những nụ hoa vàng lẫn trong lá xanh biếc. Em sẽ cười, sẽ nghiêng mái tóc, và anh thấy em còn đằm thắm hơn mimosa! Một ngày nào đó chúng mình sẽ đi với nhau trên quê hương này, để em nép vào anh, để anh thấy trời xanh trong mắt em. Lúc này em nghe anh, uống thuốc  cho mau khỏi và viết thư cho anh thường, nhớ chưa? Thương nhớ em rất nhiều.
 
Anh Dũng.
 
 
Con Đường Anh Đi
Đà-Lạt ngày... tháng... năm 2007
Em yêu,
Chú Duy nói ‘chỉ cần có một tấm lòng’, và anh rất muốn tin như vậy, nhưng sau khi nói chuyện với những người có trách nhiệm anh thấy rằng những người trẻ như anh muốn trở về đây góp một bàn tay sẽ gặp nhiều trở ngại hơn là anh thường nghĩ.
Trở ngại chính không phải là tiền bạc vì thực ra những người tình nguyện như anh, như chú Duy không hề đòi hỏi  bất cứ một điều kiện tài chánh nào. Một người bạn của anh sang Indonesia dạy học đã phải tự lo liệu tất cả từ nơi ăn chốn ở đến phương tiện di-chuyển, v.v… nhưng cô ta chấp nhận vì muốn truyền đạt kiến thức và lý tưởng của mình. 
Trở ngại chính là vấn đề chuyên môn và ít nhiều liên quan tới suy tư và cách thức truyền đạt tư tưởng. Như em biết, anh học sử với hoài bão liên quan tới chủ quyền quốc gia trên biển Nam Hải. Chuyên môn của anh không thích nghi mấy tại trường đại-học dân lập này. Hai môn học ‘hot’ nhất là Anh-ngữ và vi-tính vì bất cứ sinh viên nào cũng cần để có thể kiếm được một việc làm xứng đáng sau khi tốt nghiệp. 
Anh ngần ngừ không muốn chấp nhận làm người dạy Anh-ngữ vì thứ nhất anh không có chuyên môn về linguistics, và hơn thế nữa anh không muốn hoài bão của mình sẽ mai một. Có lẽ anh sẽ phải đi tìm một nơi khác, gặp gỡ những người có chung một chí hướng và hoài bão như mình.
Tình cờ anh gặp lại Loan và một nhóm bạn tại sân trường. Anh làm quen với nhóm người trẻ này và họ có vẻ thích thú khi biết anh mới từ Cali về. Vài người trong nhóm đang có ý định du học tại Hoa-Kỳ nên Thủy, một cô trong nhóm bạn, mời anh tham dự birthday party vào cuối tuần, và anh đã hứa là sẻ tới tham dự.
Anh thấy lớp người trẻ bên này rất là năng động, và đặt trọng tâm vào vấn đề thành đạt ở đời. Thành đạt với họ là giầu sang và quyền thế. Có lẽ đây là một tư duy thích nghi ở một nước đang trên đà phát triển. Mọi người đều muốn thoát cảnh nghèo đói, chậm tiến, mong mỏi một đời sống thoải mái, ít lo lắng về môi sinh, về  xã hội như là các nước tây phương, nơi anh và Bé đang sinh sống.
Lẽ dĩ nhiên ở đâu cũng có những điều trái ngược, và những gì anh đang tìm chắc là cũng hiện hữu ở một nơi nào đó mà anh sẽ gặp nếu cố gắng hết sức mình, và có được chút duyên, như anh đã gặp em một lần ở Cali để rồi thương nhớ em suốt đời.
Hôm nay anh nói chuyện vơ vẩn hơi nhiều, em đừng giận nghe. À, anh mới thấy người ta bày bán các bộ đồ con gái Thượng. Anh muốn mua cho em một bộ vì anh nghĩ nếu em mặc bộ đồ sơn cước này đi dạo phố ở NY thì sẽ có trăm nghìn con mắt ngưỡng mộ. Dám không?  Thương nhớ em rất nhiều.
Anh Dũng
 
 
Đà-Lạt ngày … tháng … năm 2007
Bé yêu,
Hôm nay anh viết vội cho em vài hàng trước khi lên đường ra Nha Trang. Anh chưa quyết định hẳn là sẽ trở về Đà-Lạt trong tương lai hay không vì như anh nói với em trong thư trước là có còn nhiều trở ngại phải vượt qua trước khi những người trẻ như anh có thể về đây góp một bàn tay.
Còn hơn tuần nữa mới phải trở lại Hoa-Kỳ nên anh sẽ đi từ đây ra Hà-Nội bằng đường bộ, như anh ‘Tây Ba Lô’ Nick mà anh gặp ở Sài Gòn. Anh sẽ ngừng lại tại các thành-phố lớn như Nha Trang, Đà Nẳng, Huế, Quảng Trị trrước khi tới Hà-Nội để trở về California.
Sẽ có nhiều phong cảnh cho anh ngắm nhìn, sẽ có nhiều cảnh đời cho anh quan sát, học hỏi, và chắc chắn sẽ có những nơi anh sẽ đi qua để rồi nhớ thương một đời, như rừng thông Đà Lạt cạnh ngôi nhà của họ Trần Đình.
Uớc gì có em ở đây để chúng mình dắt tay nhau đi trên con đường mòn ven rừng. Em sinh ra ở đất nước người, nên có lẽ em chỉ biết đến VN như một địa danh, có chút cảm tình vì nguồn gốc chứ chưa chắc là đã thiết tha. Còn anh, dù đã sống ở bên Mỹ nhiều hơn là thời gian anh sống ở VN, mà sao anh vẫn thấy gắn bó với quê hương này. Anh biết có nhiều điều anh sẽ phải chấp nhận dù không hài lòng, và chắc đó cũng chỉ  là vấn đề thời gian mà thôi.
Anh chưa tới Nha Trang bao giờ nên lúc nào chẳng có gì kể em nghe, ngoài bản nhạc “Nha Trang Ngày Về’ mà anh rất thích, dù đây chỉ là một bản nhạc tình buồn, không thích hợp với hoàn cảnh chúng mình. Em nghe với anh nhé:
http://nhacvangonline.info/music/index.php?loi=111
 
Mấy hôm nay cơn sốt của em đã lui chưa? Mong em được bình yên, sớm trở lại trường, tung tăng bước chân chim, thủ thỉ với bạn bè (về anh ), và trước khi đi ngủ chắp tay cầu nguyện cho chúng mình. Người ta nói xa nhau thì tình sẽ phôi pha, out of sight out of mind, nhưng với anh thì càng xa cách nỗi nhớ càng đậm đà.  Mùa hè rực rỡ sắp đến với chúng mình, thay mùa đông giá buốt, để em yêu đời hơn, và để anh yêu em hơn.  See you soon, Candy.
Anh Dũng
 
 
Cô Đơn Trên Bờ Cát Trắng
Nha-Trang ngày … tháng … Năm 2007
Em yêu,
Sáng nay anh bỏ Đà Lạt lại sau lưng, có chút buồn vì không biết bao giờ mới về lại căn nhà của họ Trần Đình, và gập lại những người bạn mới quen. Chú Duy đưa anh ra bến xe đi Nha Trang, vỗ vai anh giã  từ:
- Cháu về suy nghĩ kỹ lại. Chú thì sao cũng được vì chú đi tỉm một chỗ bình yên cho tuổi xế chiều nên nơi đây là thích hợp. Cháu còn nguyên cả cuộc đời, còn nhiều hệ lụy, và còn một mối tình bên kia đại đương nên về được thì cũng là một điều hay, còn không, cũng đừng băn khoăn. Một ngày nào đó khi thích nghi cháu sẽ về cũng không muộn.  
 
Anh cám ơn chú, bịn rịn chia tay vì chắc cũng còn lâu mới gặp lại.
 
Con đường từ Đà Lạt ra Nha Trang làm anh yêu mến quê hường này hơn. Đèo Ngoạn Mục quanh co với núi non chập chùng đẹp như tranh vẽ. Đoạn đường quốc lộ I ven biển với những bải cát trắng, bóng dừa nghiêng ngả thơ mộng và thanh bình. 
Anh không chỉ rung động vì nét đẹp của thiên nhiên mà còn cảm thấy có sợi dây vô hình ràng buộc, níu kéo bước chân anh.
Anh tới Nha Trang trời cũng đã về chiều, check in một khách sạn gần biển vì anh không quen biết ai ở thành phố biển này. Ba anh và bố Ngụy ngày xưa được huấn luyện thành lính gác sông và biển ở đây nên Nha Trang là một phần đời của hai người. Anh sẽ đi trên bãi cát mà khi xưa ba anh đã để lại dấu chân. Dấu chân không còn, và người xưa không còn, còn chăng là tấm lòng của đứa con đang đứng ngẩn ngơ nhìn.
Anh ngồi bó gối trên bờ cát, trông ra khơi. Màn đêm đã xuống, những ngọn đèn của các ghe thuyền đánh cá ngoài khơi vật vờ như một thành phố nổi. Trời tối đen và bầu trời đầy sao. Ngày đó kỹ thuật còn đơn sơ, sao trên trời dẫn lối cho những người đi biển như ba anh, như bố Ngụy. Sao trên trời bây giờ chỉ để cho anh nhìn ngắm và nhớ thương.
Những lúc như thế này anh rất cô đơn. Anh nhớ ba, nhớ má và anh nhớ em. Uớc gì em ở đây cho hai đứa chúng mình dựa vào nhau nhìn lên bầu trời, mong có sao băng để nói lời ước nguyền. Candy em, ước nguyền của anh rất đơn sơ, đó là chúng mình được gần nhau suốt đời. Nói mấy cho vừa, mong em có một ngày yên vui.
Anh Dũng
 
 
Nha-Trang ngày … tháng … năm 2007
Em yêu,
Nếu phải chọn một nơi nào để sống trên đất nước này thì có lẽ là anh sẽ chọn Nha Trang vì biển ở đây quá đẹp và hiền hoà. Nước biển lúc nào cũng xanh màu trời và sóng chỉ nhẹ nhàng nhấp nhô đùa giỡn chứ không phũ phàng.
Anh theo một đoàn du-khách xuống một con tàu nhỏ đi thăm viếng vài hòn đảo và bãi tắm trong vịnh Nha Trang. Nơi nào cũng làm anh xúc động vì quê hương quá đẹp mà sao cuộc đời đưa đẩy cho chúng mình sống quá xa. Anh nghĩ tới em, nghĩ tới NY lúc này tuyết bay mù trời, gió lạnh se da thịt người, và ước gì em ở đây với anh, ngâm mình xuống làn nước ấm của quê nhà, đùa với sóng, với gió, với cát cho một ngày thật vui.
Anh gặp một cặp vợ chồng người Úc trong đoàn du-khách. Họ cũng ngẩn ngơ như anh trước vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước mình, chụp hàng trăm tấm hình, theo sát bên anh để chuyện trò và bày tỏ lòng ngưỡng mộ giải non sông gấm vóc của VN. Anh cám ơn họ và cũng có chút tự hào.
 
Anh cũng gặp một cặp vợ chồng trẻ với một đứa con trai 5 tuổi thật xinh. Họ từ Hải-Phòng và đang đi nghỉ hè tại Nha-Trang. Cả hai vợ chồng đều thuộc lớp người sinh ra sau chiến tranh, đều đã tốt nghiệp đại-học, và đang làm việc cho một công ty ngoại quốc. Họ không mang mặc cảm với người nước ngoài, với ‘Việt kiều’ như anh, và họ cũng không tự cao tự đại là dân tộc anh hùng, còn sót lại ở những người trưởng thành trong chiến tranh mà anh có dịp tiếp xúc. Những người trẻ đó không mấy quan tâm tới chính trị, họ chỉ mong có được một đời sống dễ chịu, thoát cảnh nghèo đói trầm luân của dân Việt trong nhiều thế hệ vừa qua. Anh chia xẻ với họ vài quan điểm khác biệt của một số người Việt lưu vong, nhưng anh biết rằng lớp người trẻ bây giờ không mấy thiết tha với những gì đã xảy ra.
 
Chuyến du lịch cũng có điều đáng tiếc. Một du-khách trung niên VN trong lúc cao hứng tung mình nhảy xuống biển làm nước bắn tung toé, ướt vài du khách đứng gần thành tàu, và làm hư máy hình của cặp vợ chồng du-khách người Úc. John, người chồng, lắc đầu ngao ngán, không phải tiếc chiếc máy hình, mà rất buồn vì những hình ảnh đẹp của chuyến đi nằm trong máy không còn. Anh biết trên những nẻo đường quê hương anh sẽ gặp những chuyện vui buồn, và đó là mục đích của chuyến đi này.
Ở thành phố này người ta bày bán những món nữ trang làm bằng vỏ ốc sáng lóng lánh. Anh không biết nhiều về nữ trang nhưng cũng chọn mua cho em một món. Anh không gửi cho em đâu. Anh muốn ngày nào chúng mình gặp nhau anh sẽ tự mình đeo cho em để thấy ánh mắt em vui, miệng em cười và được em hôn lên má anh, nói lời cám ơn. Mai anh lại tiếp tục lên đường, còn đêm nay anh ra bờ biển, nhìn trời, nhìn sao, để nhớ tới em. Cho anh gửi lời thăm mẹ, và xin hẹn em một ngày gặp lại cho vừa nhớ thương.
Anh Dũng
 
 
Đà Nẵng ngày … tháng … năm 2007
Em yêu,
 
Sau một ngày vật vờ trên xe lửa cuối cùng anh cũng đến Đà-Nẵng, thành phố mà anh nghe bố Ngụy nói đến nhiều nhưng bây giờ anh mới nhìn thấy tận mắt. Bố Ngụy có thời làm lính thú gác vùng biển này, và bố có một mối tình sôi nổi với một người con gái ở Đò-Xu. Chú Duy cũng đã từng lưu lạc đến đất này, và cũng đã ‘đa đoan’ với một người đẹp ở Câu Lạc Bộ Phượng Hoàng bên kia bờ sông Hàn. Hình như mẹ em cũng có một thời gắn bó với Đà Nẵng, như vậy anh và em biết đâu chẳng đang ‘thừa hưởng’ giấc mộng của những người xưa?
Anh đứng trước cổ viện Chàm, nhìn xuống bến sông. Anh nghĩ thầm chắc ở chỗ này ngày xưa người yêu của bố Ngụy vẫn đứng chờ, giơ tay vẫy tiễn đưa người thủy thủ một đời lang bạt. Chia tay nào mà không buồn xót xa, dù tình yêu  đang vẫn êm đềm! Mới tưởng tượng thế thôi mà anh đã nhớ em, lúc này đang cách xa muôn trùng. Nhưng anh chỉ thoáng buồn vì chúng mình sẽ gặp lại nhau, sẽ có với nhau một mùa hè rực rỡ, không giống như bố Ngụy mỗi lần tách bến mà một lần ly biệt vì không biết bao giờ mới trở lại bến xưa.
Anh nhập bọn với một đoàn du-khách đi thăm viếng Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội-An. Ngũ Hành Sơn là một dãy núi với hang động, chùa chiền và huyền thoại. Từ trên đỉnh núi anh có thể nhìn thấy biển, thấy bán đảo Sơn Chà, thấy Cù Lao Chàm, những địa danh mà bố Ngụy không quên. Trên núi cao người ta thấy tâm hồn thảnh thơi quên đi nhiều nỗi ưu-phiền nhưng anh chỉ thật sự thích thú khi thăm viếng những xưởng điêu khắc mỹ thuật, ở đó người ta biến nhửng viên đá cục mịch thành những bức tượng hình nhân hay thú vật sống động và đầy màu sắc. Người ta phá núi lấy đá gây ảnh hưởng cho môi sinh nhưng anh thành thật mong rằng nghệ thuật cổ truyền này tồn tại đời đời.
Phố cổ Hội An là nơi cho những người hoài cổ tìm đến để nhớ tới một thời xa xưa, để sống lại một dĩ vãng êm đềm. Phố có những căn nhà cũ xiêu vẹo, mái ngói rêu phong, tường vôi loang lở trong không gian trầm lắng, không tiếng xe cộ ồn ào. Có lẽ những người của phố đi xa trở về họ sẽ khóc vì hạnh phúc, vì những gì còn đây là một phần đời. Du-khách như anh nhìn phố cổ thấy lòng bâng khuâng vì những đổi thay trần thế, và bùi ngùi tiếc thương.
 
Buổi tối anh đi ngủ sớm vì náo nức tìm đường ra Huế ngày mai. Anh không có nhiều thì giờ ở lâu một nơi nào và có những ý tưởng mâu thuẫn. Nhiều lúc anh muốn buớc chậm lại để nhìn rõ quê hương, để yêu thương tha thiết, nhưng nhiều lúc anh chỉ mong ngày trở về, về với em, để thấy em e ấp trong vòng tay, cho tình mình thêm tha thiết mặn nồng. Mỗi bước chân anh đi trên những nẻo đường quê hương là một nỗi nhớ chập chùng, nhớ những mảnh đời anh mới gặp, và nhớ em đang mong đợi anh bên kia biển Thái Bình.
Bé yêu, anh mong rằng một ngày nào đó cả anh và em sẽ đi lại con đường anh đang đi để chúng mình chia xẻ với nhau những cảm nghĩ, cùng nhau ngắm cảnh chiều tà hay lặng nhìn bình minh trên biển Đông. Chúng mình sẽ có những kỹ niệm để mang theo suốt cuộc đời yêu thương đầm ấm. Em có bao giờ mong như thế không, Candy?
Anh Dũng
 
 
Huế ngày … tháng … năm 2007
 
Em yêu,
Đã có quá nhiều  bài viết về cố đô Huế nên anh sẽ không viết gì thêm cho em về phong cảnh, lịch sử hay văn hoá của thành phố cổ xưa này nhưng anh muốn chia xẻ với em cảm nghĩ của một người Việt xa quê hương trở về thăm những dấu tích của ông cha mình để lại từ một thời xa xưa.
Anh đã thăm Cấm Cung của Trung Hoa, đã nhìn thấy những đền đài, những phong cảnh u nhã, và anh thán phục những công trình kiến tạo nhưng anh không xúc động. Tới Huế anh cũng đi thăm lăng tẩm đền đài, thành nội và anh nhận biết rằng các công trình kiến trúc của ta ít nhiều mô phỏng theo kiến trúc của Trung Hoa và không vĩ đại bằng, nhưng sao lòng anh thấy xúc động bùi ngùi. Có lẽ ‘hồn sông núi’ quanh quất đâu đây làm anh bâng khuâng tưởng như đang nhìn thấy người muôn năm cũ xây thành, đắp lũy, chống ngoại xâm, mở rộng biên cương, và anh thấy trạnh lòng thương nhớ tiền nhân.
 
Hướng dẫn viên du-lịch, nguyên là một giáo sư,  hiểu biết sâu xa về thành phố này. Anh T. quen biết rộng rãi nên đã đưa toán du-khách thăm những tư-gia có liên quan đến  triều đại cũ, và anh nhận thấy nếp sống của người dân Huế chính hiệu vẫn khép kín, tự hào với quá khứ và dòng họ cho nên thành phố Huế hình như ít thay đổỉ, vẫn thanh bình, trầm lặng và phong nhã so với Sài Gòn hay những tỉnh lớn ở miền trung như Đà Nẵng, Nha Trang. Anh nghĩ rằng những đứa con lưu lạc một ngày nào trở lại Huế họ vẫn tìm thấy những mảnh đời cũ mà họ nâng niu.
Buổi tối anh đi dạo dọc theo bờ sông Hương. Nước sông phẳng lặng và lững lờ như nếp sống của dân nghèo. Dù cố gắng nhưng anh vẫn không che dấu được cái vẻ du-khách của mình nên có chiếc xích lô chạy theo anh mời chào. Anh ngạc nhiên khi thấy người phu xe là một cậu bé mới lớn, mặt mũi sáng sủa và ăn nói rất lễ phép. Anh không muốn ngồi xích lô vì không muốn nhìn thấy dáng điệu nhọc nhằn của người phu xe trong lúc người khách ngồi ung dung nhàn nhã. Sự tuơng phản đó làm anh ít nhiều xót xa, nhưng nhìn nép mặt cầu khẩn của cậu bé anh không đành lòng từ chối.
Chiếc xe đưa anh qua cầu Tràng Tiền, qua những con phố nhỏ của nội thành như một kẻ nhàn du. Cậu bé vừa đạp xe vừa chỉ chỏ những địa danh trong lúc chuyện trò với anh. Ở bên Mỹ chúng mình cũng có những người vô gia cư, nghèo đói nhưng chắc là chúng ta không thấy em bé 15 tuổi đang học lớp 10, buổi tối đạp xe chở khách kiếm thêm tiền, giúp cha mẹ nuôi 3 đứa em. Một đồng dollar cho một giờ lao động! Anh nghe mà ngậm ngùi. Xe ngừng trước khách sạn nơi anh tạm trú, cậu bé mệt nhọc lau mồ hôi dù trời đêm đã mát dịu, nhưng hớn hở cúi rạp người cám ơn món tiền thưởng nhỏ nhoi.
Candy em, chú Duy nói “chỉ cần có một tấm lòng”. Anh rất muốn tin như vậy nên anh về đây, đi những nẻo đường VN để nhìn thấy bóng dáng quê hương mình. Nhiều cảnh đời làm anh xúc động, nhiều cảnh đời làm anh xót xa nhưng anh vẫn chưa thấy rõ được là mình sẽ làm được gì có ý nghĩa cho tuổi trẻ VN.
Sáng nay khi đi thăm chùa Thiên Mụ anh đã gặp vài cô gái Huế trong áo dài thướt tha tới lễ Phật, và anh không thể nào không nhớ tới em. Hình dáng yêu kiều của những cô gái VN trong chiếc áo dài, nhỏ nhẹ và dịu dàng giống như em khi chúng mình đi thăm chợ Tết ở California. Hôm đó nhìn em cười, nghe em nói, thấy những bước chân tung tăng em đi giữa phố phường anh biết là từ nay anh sẽ không thể nào sống thiếu em. Anh biết là em cũng đang nhớ anh, “nhớ anh đến trổ nhánh buồn” như em nói, nhưng chúng mình lúc nào cũng có nhau dù anh đang ở xa em lúc này. Take care of yourself, Candy. We’ll see each other very soon. I love you, dear.
 
Anh Dũng
 
 
Đồng Hới  ngày … tháng … năm 2007
Candy em,
Cám ơn em đã dành riêng một chổ ở NY cho hai đứa chúng mình. Anh tưởng tượng chúng mình đứng trên đỉnh cao của toà Empire State Building một buổi tối mừa hè rực rỡ nhìn thành phố chan hoà ánh đèn bên dưới như thể mọi người đang đến chúc mừng. Anh sẽ gọi nơi đó sẽ là ‘đỉnh yêu thương’, và hàng năm chúng mình sẽ đi ‘hành hương’ cho đến hết cuộc đời.
 
Sáng nay tại phòng ăn của khách sạn anh gặp một cặp vợ chồng  du khách từ Úc. Ông bà Bảo rời VN đi du học năm 1965, và hơn 40 năm sau đây là lần đầu tiên họ trở về thăm quê nhà.  Hai ông bà bay từ Hà Nội vào Huế, và có ý định đi thăm động Phong Nha, một thắng cảnh ở Đồng Hới.  Họ mời anh làm bạn đồng hành và anh vui vẻ nhận lời, cho bớt cô quạnh những ngày vắng em.
 
Anh ghé thăm Quảng Trị, tên thành phố gắn liền với ‘Đại Lộ Kinh Hoàng’, với ‘Muà Hè Đỏ Lửa’ của thời chiến tranh!  Đoạn quốc lộ I đó không còn dấu vết gì ghê rợn như những cuốn sách về chiến tranh mô tả, nhưng cổ thành Quang Trị, dù đã được sửa sang, vẫn còn mang nhiều chứng tích của cuộc chiến điêu tàn. Những khẩu đại pháo phòng không, những chiếc máy bay hư hỏng được trưng bày, và nhất là một đài kỷ niệm chiến sĩ trận vong nghi ngút khói hương nằm ngay giữa vòng thành. Anh lặng lẽ đứng nhìn tượng đài, thầm cầu mong là nơi đó thờ cúng chiến sĩ của cả hai phe trong cuộc chiến chứ không phải chỉ dành riêng cho phe chiến thắng. Những người chiến bại đã sống cho lý tưởng của riêng họ và họ cũng xứng đáng được tôn thờ.
Anh đau xót khi thăm viếng ngôi trường Bồ Đề ở ngay trung tâm thành phố. Những vách tường ám khói loang lổ vết đạn được giữ nguyên như chứng tích của chiến tranh. Anh không đọc những khẩu hiệu tuyên truyền mà chỉ cúi đầu tưởng niệm những người đã chết ở nơi này, cho mãnh quê hương mà họ phải giữ gìn. Chiến tranh không còn nữa nhưng hồn tử sỉ còn đâu đây, và anh thấy thật ngậm ngùi.
Anh cũng đi qua cầu Hiền Lương bắc ngang sông Bến Hải, chiếc cầu tầm thường và con sông nhỏ bé không có gì đáng chiêm ngưỡng thế nhưng đó là vết cắt đau xót gây ra bao cảnh chia lià, bao nhiêu tang thương cho người dân nuớc Việt. Anh đứng trên bờ sông nhìn giòng nước lòng buồn man mác.
   
Bọn anh vào thành phố Đồng Hới khi trời đã về chiều, checked-in một khách sạn ‘quốc doanh’ ngay bờ biển. Khách sạn thiếu tiện nghi nhưng là nơi độc nhất mà tour guide nói là an toàn. Thành phố buồn và nghèo nàn vì đây là vùng ‘oanh kích tự do’ trong thời chiến, không phải là chỗ du lịch mà chỉ là nơi dừng chân tạm cho những người ở xa muốn thăm viếng động Phong Nha, cách xa chừng 50 dậm về phía tây-bắc. Phố xá hưu quạnh loáng thoáng vài bóng người, bờ biển vắng tanh với hàng dương ủ rũ dù rằng bãi tắm được đánh dấu là nơi lịch sử vì nhân vật hàng đầu của chế độ tới ‘tham-quan’.
Lúc này là một ngày mới ở NY. Mọi người chen chúc ở những trạm xe điện ngầm, vừa đi vừa chạy,  vừa nói chuyện bằng cell phone. Em chắc cũng đang co ro trong tấm áo choàng, chưa nhớ tới anh vì còn lo tới trường cho đúng giờ.  Em mới đau dậy, nhớ mang khăn quàng cho ấm cổ. Ước gì có anh ở bên để anh che gió cho em, nắm tay em trên đường về, lắng nghe em nói líu lo và nhất là thấy miệng em cười. Đường về nhà sẽ rất ngắn vì chúng mình không muốn xa nhau. Trong bóng chiều nhạt nhoà anh sẽ hôn nhẹ bờ môi em giã từ, và hẹn hò ngày mai. Yes, I’ll be there. See you very soon, my love.
Anh Dũng
 
 
Huế ngày … tháng … năm 2007
 
Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương. (VĐN)
http://www.bennhac.com/#/song/8690/Goi-Nguoi-Yeu-Dau
Candy em,
Anh ngồi tại một quán café vắng bên bờ sông Hương buổi tối cuối cùng trước khi anh lên đường ra Hà-Nội. Người ca sĩ hát  ‘Gọi Người Yêu Dấu’ của Vũ Đức Nghiêm làm anh nhớ em thật nhiều. Anh như sống lại những ngày ngắn ngủi với em ở Cali, và thương em bây giờ một mình vò võ dưới trời NY tuyết lạnh.
Anh mới từ Phong Nha trở về,  buồn vui lẫn lộn. Chưa bao giờ anh thấy một dòng sông chạy ngầm trong lòng những hang động thạch nhũ có nước mầu xanh lá cây đẹp như sông Son. Nhưng anh cũng thất thật buồn nhìn thấy thiên nhiên đang bị phá hủy dần mòn. Những bao rác nylon nổi lềnh bềnh, và dầu nhớt từ các tầu thuyền phủ một lớp mỏng trên mặt nước. Hang động thiếu những tiện nghi cho du khách nên một số người thiếu ý thức phóng uế bừa bải làm thắng cảnh ‘di sản của thế giới’ này mất đi một phần nào lôi cuốn.
Trên đường từ Phong Nha trở lại Huế anh và ông Bảo tâm sự với nhau về những khó khăn khi trở về phục vụ cho quê hương. Ông Bảo than:
- Họ nói không có tiền mướn tôi, nhưng khi tôi cho họ biết là tôi không nhận thù lao, chỉ muốn giúp một bàn tay, thì họ lại tỏ vẻ lo lắng, sợ rằng nếu không nhận thù lao thì không có gì ràng buộc, và tôi có thể bỏ đi bất cứ lúc nào, làm gián đoạn công việc.
Ông cúi đầu trầm ngâm:
- Mình đã có một tấm lòng trở về vô điều kiện. Làm cách nào để giữ chúng mình ở lại là việc của họ, chứ chúng mình còn làm được gì hơn!
 
Anh cũng không biết nói gì hơn là cuời buồn.
Mai này xa Huế anh sẽ nhớ thành phố này vô cùng. Người dân ở đây trầm lặng nhưng thiết tha, và anh, dù chỉ đi thoáng qua, nhưng cũng đã cảm thấy nơi đây là một phần đời. Anh sẽ đưa em về đây một ngày trong tương lai để em nhìn thấy một mảnh quê hương làm em yêu quí và hãnh diện là người VN.
Hôm qua Dân, con bố Ngụy, email cho anh nói mấy hôm nay Cali nắng ấm như thể là mùa xuân đã về. Mùa xuân Cali bao giờ cũng đẹp, và nếu có em thì nắng sẽ vàng hơn, đồi cỏ sẽ xanh hơn và hoa sẽ rực rỡ muôn mầu. Lúc nào anh cũng mong có em ở bên anh, dù chúng mình đang đi trên những con đường ở Cali, NY hay quê hương mình. Nhớ em vô cùng. Hẹn em ngày về rất gần.
Anh Dũng
 
°°°
 
Hà-Nội ngày … tháng … năm 2007
 
Candy em,
Đây là lần đầu tiên anh đến Hà-Nội nhưng sao anh thấy như mình rất thân quen, có lẽ vì anh đã từng nghe bao nhiêu bài hát về thành phố này, đã nhiều lần nghe chú Duy và bố Ngụy nói về quê hương miền Bắc thiết tha như thể là hai người đang đi trên những con đường thân quen cũ. Hà-Nội ở trong trái tim những người đã một thời sống ở đó dù bây giờ họ đã đi xa, rất xa. Em nghe với anh “Hà Nội Đêm Trở Gió” để thấy nỗi niềm thao thức của những người yêu thành phố này.
http://nhacso.net/Music/Song/Tru-Tinh/2005/11/05F5FA52/
Anh có cảm tưởng như đang đi tìm một dĩ vãng chứ không phải là một du-khách nhàn du, tuy nhiên anh cũng chưa biết là mình sẽ đi đâu, thăm viếng những nơi nào trong vài ngày ngắn ngủi còn lại trước khi phải trở về Cali. Thực ra thì phong cảnh không phải là những gì anh thiết tha. Anh chỉ muốn cảm thông với nỗi lòng của người xưa khi đi trên những con đường còn dấu chân trong trái tim của một lớp người như chú Duy, như bố Ngụy và như những người học sử ký, sống với dĩ vãng như anh.
Nơi anh đến đầu tiên là Hàng Đào của phố cổ ngay sau khi checked-in một khách sạn nhỏ gần ‘Nhà Chung’. Anh nghe ‘người lớn’ nói chuyện và sách vở viết về con gái Hàng Đào như những người con gái đẹp tiêu biểu của Hà Thành thanh lịch nên anh muốn xem họ có gì đặc biệt hơn Candy của anh hay không. Có lẽ những gì người ta viết bây giờ đã là huyền thoại. Con đường Hàng Đào ngắn ngủi là một dẫy tiệm buôn nhỏ hẹp bày bán đủ thứ chứ không còn là con đường tơ lụa như xưa, và những người bán hàng cũng không có gì đặc sắc. Anh đi suốt con đường không thấy một tà áo dài, và anh chợt nhận thấy rằng quá khứ chỉ đẹp khi được giữ gìn trong tâm khảm, thực tế có thể làm chúng ta thất vọng đến ngỡ ngàng.
 
Anh chưa thấy em mặc áo dài bao giờ nhưng dáng em nhỏ nhắn nên mặc áo dài sẽ rất dễ thương. Một ngày nào đó anh sẽ đưa em về chốn này, em sẽ mặc áo dài lụa đi dạo với anh khắp phố phường. Lúc đó anh sẽ không cần tìm về quá khứ để thấy nét đẹp Việt Nam mà chỉ cần nhìn em tha thướt yêu kiều trong nắng xuân. Anh biết tương lai của chúng mình có thể ở chốn này, hay một nơi nào đó rất xa xôi, nhưng nước Việt vẫn còn trong em, trong anh, và anh lúc nào cũng yêu em như anh yêu nước Việt của chúng mình.
Em ngủ ngon và mơ thấy chúng mình đi với nhau lên toà nhà cao nhất New York City để thấy trời xanh mây trắng trong mắt nhau. Yêu em nồng nàn.
Anh Dũng
 
Hà-Nội ngày … tháng … năm 2007
 
Candy em,
Có phải anh là người hoài cổ nên tìm về thành phố này với những hình bóng xưa đầy ắp trong tim để rồi thoáng buồn vì Hà-Nôi bây giờ cũng ồn ào đông đúc không kém gì Sài-Gòn? Anh đã đi thăm hầu hết những địa danh của thành phố này, không tìm đâu thấy  “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương...” Anh biết là tháng ngày đã đi qua, và những gì xa xưa êm đềm chỉ còn trong sách vở, trong trái tim của những người thiết tha với quá khứ chứ không còn tồn tại ở một nơi mà người ta tranh sống đến độ đôi khi quên cả tình người.
Anh cũng tới con đường giữa hồ Trúc Bạch và Hồ Tây. Đây là con đường ‘Cổ Ngư” cũ, con đường thơ mộng xưa của bố Ngụy trong thủa thiếu thời, con đường của những người trẻ yêu nhau đến để tìm cho mình một không gian riêng. Đường cổ Ngư bây giờ đã đổi tên, cao ốc đã mọc đầy quanh hồ, và không còn vắng vẻ cho những người yêu nhau đi xe đạp sóng đôi như thủa nào. Chùa Trấn Quốc trên con đường này đã được trùng tu và đầy khách thập phương. Anh không biết đủ chữ Hán đọc hết tấm bia đá sau chùa nhưng nhìn chữ ‘Quốc’ lu mờ anh cảm thấy bâng khuâng như có gì mất mát.
Anh cũng về thăm từ đường của họ Trần Đình. Quê anh là một làng nhỏ ven sông Hồng, không xa Hà-Nôi mấy. Ông và cha anh sinh ra  ở đó, bỏ đi và không trở lại một lần. Nhà thờ tổ của họ Trần-Đình vẫn còn được hương khói bởi một người bác họ. Anh bùi ngùi nhìn căn nhà rêu phong, mái ngói xô lệch,  tường vôi loang lổ đứng im lìm  buồn bã với cây soan già nua còn sót lại ở đầu nhà. Ông bác họ dẫn anh đi thăm ngôi mộ tổ ở một cánh đồng ngập nước, khó khăn lắm anh mới vào được để cắm vài nén hương cho tiền nhân. Anh đứng đó, nước mắt nhạt nhoà, xót xa thương người xưa gây dựng một cơ đồ nhưng rồi con cháu vẫn phải chia lià, sống ở một nơi rất xa.
Tuy không tìm thấy Hà-Nội trong trí tưởng nhưng anh vẫn thấy gần gũi mà thương mến thành phố này, có lẻ là vì dòng máu trong huyết quản anh. Anh ước gì có em ở đây để anh dẫn em chen chúc giữa phố phương, nhất là đưa em tới những đền chùa, thấy em mặc áo dài, cúi đầu cầm nén hương lễ phật, cầu nguyện cho tình yêu của chúng mình. Hà Nội có nhiều đền chùa và lòng tín ngưỡng của người dân rất cao. Anh không mê tín nhưng lòng anh thanh thản hít thở mùi hương trầm, như mùi tóc em, cho nỗi nhớ thêm đậm đà.
Em yêu, anh từng nghe bố Ngụy nghêu ngao một bài hát rất ‘sến’, có câu ‘càng đi xa anh càng nhớ em’. Khi đó anh chỉ cười hỏi bố “thật không?” Bây giờ thì anh biết rồi, anh ở rất xa và anh Dũng rất nhớ em …
Anh Dũng
 
 
Đảo Cát Bà ngày … tháng … năm 2007
Từ Hải Phòng anh theo một đoàn du-khách đi thăm viếng đảo Cát-Bà và Vịnh Hạ Long. Ba anh và bố Ngụy là những người đi biển chuyên nghiệp nên trong anh chắc cũng có dòng máu phiêu lưu yêu trời nước mênh mông. Biển hơi động nên con tàu nhỏ lắc lư như người say rượu. Anh bám lấy lan can, nhìn sóng bạc đầu nhấp nhô khi  tàu chạy ngang cửa sông Bạch Đằng, lòng bồi hồi nhớ chuyện xưa khi tiền nhân giữ nước đại phá quân xâm lăng Bắc phương tại con sông lịch sử này hơn một lần. Anh cũng thấy thương ba anh, thương những người đi biển, đời sống thật là cơ cực, những khi sóng gió phũ phàng như lúc này.
Đảo Cát Bà với những bãi tắm mịn màng, nuớc trong xanh là nơi du-lịch lý tưởng cho tuổi trẻ yêu đời. Rất tiếc là không có em bên anh để chúng mình cùng vui với sóng nước. Buổi tối đoàn du-lịch được đưa ra một nhà hàng nổi ngay giữa vịnh có cái tên ngộ nghĩnh là quán ‘Tuyết Béo’ để thưởng thức đồ biển tươi. Tiếc là thời tiết không mấy lý tưởng, mưa nhỏ, gió lạnh, và biển có sóng nên nhà hàng tròng trành, làm bữa ăn mất ngon. Anh ngồi chung bàn với một cặp vợ chồng du-khách đã đứng tuổi nhưng tình yêu của họ còn rất nồng nàn. Anh đã phải cúi đầu, đưa khăn che miệng dấu nụ cười khi nghe người chồng thì thầm với vợ “Lạnh quá, đêm nay cho … ôm tí nghe”.  Anh bâng khuâng không biết là anh sẽ nói gì với em nếu có em ngồi bên.
Ngày mai đoàn du-lịch sẽ được đi thăm Vườn quốc gia Cát Bà là nơi có những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới lớn của Việt Nam. Lúc này anh đang ngồi trong căn phòng ấm cúng của khách sạn viết cho em. Xem tin tức truyền hình thấy NY mấy hôm nay cũng lạnh và tuyết nhiều, không biết là em vẫn tới trường hay là nằm nhà … nhớ anh. Anh biết là dù ở nơi giá lạnh, nhưng nếu có người yêu quấn quít bên mình thì người ta vẫn thấy đầm ấm, như cặp vợ chồng anh gặp trong quán ăn tối nay.
Anh ước gì đang ở bên em, dìu em đến trường, ngửng nhìn tuyết bay để rồi dấu mặt vào vai nhau tìm hơi ấm yêu thương. Còn một vài nơi nữa anh cần phải đi qua cho cuộc hành trình này được trọn vẹn nhưng nơi mà anh mong tới nhất thì em biết là đâu không? Đó là nơi có em. Ngày xưa bố Ngụy cũng xa người yêu năm 28 tuổi, mà xa nhau hàng năm chứ không phải chỉ vài tuần. Khi đó không có email để liên lạc hàng ngày. Những lá thư vượt đại dương cả tuần mới tới nơi nhưng tình yêu của bố không phôi pha là vì bố đã tìm được người con gái bố thật lòng yêu thương, cũng như anh thật lòng thương nhớ em lúc này.
Có một bài thơ của Tô Thùy Yên được Trần Thiện Thanh phổ nhạc nói về tình yêu của một người con trai đi xa, một chiều nhớ tới người yêu ở Sài-Gòn. Bài thơ mang tâm sự của bố Ngụy hồi đó, và không khác gì mấy tâm sự anh lúc này, mặc dù không gian và thời gian có chút khác biệt. Anh ghi lại vài đoạn lại để chia xẻ với em niềm thương nhớ.
 
Chiều trên phá Tam Giang
anh chợt nhớ em
nhớ ôi niềm nhớ ôi niềm nhớ
đến bất tận
em ơi
em ơi 
Giờ này có thể trời đang nắng
em rời thư viện đi rong chơi
hàng cây viền ngọc thạch len trôi
nghĩ đến ngày thi tương lai thúc hối
căn phòng nhỏ cao ốc vô danh
rồi nghĩ tới anh
rồi nghĩ tới anh
nghĩ tới anh
Giờ này có thể trời đang mưa
em đi dưới hàng cây sướt mướt
nhìn bong bóng nước chạy trên hè
như đóa hoa nở vội
giờ này em vào quán nước quen
nơi chúng ta thường hẹn
rồi bập bềnh buông tâm trí
trên từng đợt tiếng lao xao
(Em vào site này nghe bài hát. Nhớ click ‘play’ to start:
http://www.vmdb.com/home_in_frame.jsp?url=http://www.vmdb.com/viewSong.jsp?id=432)
Em nghe xem có phải là tâm sự của chúng mình đó không? Rất nhớ em.
Anh Dũng
 
 
Vịnh Hạ-Long ngày … tháng … năm 2007
Candy em,
Bố Ngụy khoe ‘đã từng đi khắp sông cùng biển’, ngang dọc Thái Bình Dương, nên có lần anh hỏi bố là vùng biển nào đẹp nhất cho mình viếng thăm, bố trả lời là vịnh Hạ Long! Anh biết bố có phần thiên kiến vì đó là vùng biển của quê nhà, nhưng quả tình sáng nay anh đã ngỡ ngàng với vẻ đẹp thiên nhiên dù rằng anh đã đọc nhiều bài viết, xem nhiều hình ảnh về vùng biển này.
Hàng ngàn đảo nhỏ thiên hình vạn trạng nổi trên mặt nước trong xanh không một con sóng nhỏ nhấp nhô. Anh đứng trên mui thuyền nhìn trời mây nước, cám ơn trời đã ban cho nước Việt viên ngọc trân quí. Anh nhớ ba anh ngày xưa đau buồn vì chúng ta mất Hoàng Sa, và anh chợt bàng hoàng lo sợ biết đâu một ngày nào đó kẻ thù chẳng đến chiếm vùng biển Hạ Long. Nếu có ngày nào đó thì chắc chắn là những người như anh sẽ sẵn sàng chết cho quê hương!
Đoàn du-lịch cũng ghé thăm những hang động thạch nhũ huyền ảo, nhưng dù cho có ‘Sửng Sốt’, có lạc vào ‘Thiên Cung’, anh vẫn thấy vùng trời và vùng biển ngọc ngà đó mới là những gì cho chúng ta hãnh diện, yêu thương. Người ta viết nhiều về Hạ Long nên anh không muốn viết gì thêm cho em. Mai mốt nếu em phải viết paper về đất nước mình thì em có thể đọc thêm trang Web này:
http://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%8Bnh_H%E1%BA%A1_Long
Chiều nay anh sẽ trở về Hà Nội để lên tàu hỏa đi Sapa. Thực ra thì có nhiều nơi nữa anh muốn đi qua bởi vì những địa danh đó không phải chỉ có phong cảnh đẹp mà có một lịch sử hay một truyền thuyết đầy dân tộc tính. Anh muốn thấy Hoa Lư, thấy nàng Tô Thị, thấy phố Kỳ Lừa, thấy thác Bản Giốc, thấy ải Nam Quan nhưng không có đủ thì giờ nên anh chọn Sapa vì xe lửa sẽ chạy qua Yên Thế, nơi các anh hùng Việt Nam Quốc Dân Đảng lên đoạn đầu đài. Anh biết mình sẽ chẳng nhìn thấy gì vì xe lửa qua đó vào ban đêm, nhưng nghĩ đến lúc đi qua vùng linh địa này, để tâm hồn lắng đọng, tri ân người xưa đã vì nước non mà anh dũng bỏ mình, anh đã thấy lòng tràn ngập xúc cảm. Em biết không, anh nghĩ mình như người đang đi hành hương trên đất nước Việt mình.
Hướng dẫn viên du-lịch nói với anh rằng những cô gái người Dao ở Sapa đều trắng hồng, bé nhỏ và xinh xắn làm anh nghĩ tới em. Em cũng nhỏ nhắn, xinh xắn và trắng hồng ngày em về Cali thăm anh. Hơn thế nữa em về với anh với một trời thương nhớ, đầy ắp ân tình. Không có cô gái nào thay thế được hình bóng em. Có lần anh đã nói, và bị thằng Dân con bố Ngụy chê là ‘cải lương’, nhưng anh vẫn muốn lập lại, đó là nhiều lúc anh thương nhớ em đến dại khờ… Em ngủ ngon nghe, mai anh viết tiếp cho em.
Anh Dũng của Bé
 
 
Sapa ngày … tháng … năm 2007
 
Candy em,
Bây giờ đêm đã khuya ở Sapa. Thành phố trên cao ở miền thượng du Bắc Việt này khí hậu gần như Đà-Lạt, quê hương thứ hai của họ Trần Đình, nên anh Dũng thấy từ lâu như đã thân quen với mảnh đất này. Sáng nay leo lên núi Hàm Rồng, đứng trên ‘Cổng Trời’, nhìn hoa đào đỏ tươi và mây mù giăng đầy trời anh thấy lòng mình thanh thản, quên đi những phiền muộn của cuộc đời. Một ngày nào anh sẽ dắt em lên đây, chổ này là chỗ cho những người yêu nhau trong vòng tay, chia nhau hơi ấm để có những kỷ niệm không bao giờ quên.
Anh mới đi thăm ‘chợ tình’ về. Ngày xưa khi giao thông còn khó khăn những người dân bản xứ từ trong các bản xa xôi ra tỉnh buôn bán vào ngày cuối tuần, đêm họ ở lại và trai gái tụ tập bên đống lửa, để làm quen, để yêu nhau nên mới có tên ‘chợ tình’. Ngày nay ‘chợ tình’ chỉ là nơi tụ họp để chuyện trò vui chơi cho tất cả mọi người, kể cả dân bản xứ lẫn du-khách. Anh đi lang thang, hít thở hơi sương, mua nắm hạt dẻ nóng ủ trong túi áo, chào hỏi những người mới quen như là một đêm Noel đi dạo trên đại lộ Lê Lợi của Sài-Gòn ngày xưa.
Mai anh sẽ đi thăm một bản của người Dzao trước khi lên xe đi Lào Cai, đáp xe lửa về lại Hà-Nội. Người Dzao thì anh đã gặp nhiều ờ thành phố này rồi. Họ đều hồn nhiên, đứng bán ngững món đồ thủ công đầy mầu sắc. Anh không thể làm ngơ khi một cô bé mời anh  với giọng nói dễ  thương “Mua cho mình cái này đi” nên anh đã mua cái mũ đội lên đầu, làm anh trông giống như là một chú người Mường! Anh nói nhỏ cho em hay là mấy cô bé người bản xứ không dễ thương bằng em đâu!
Chỉ còn vài ngày nữa là anh phải trở về Cali. Anh đã đi qua nhiều thành-phố trên quê hương nhưng còn thiếu rất nhiều nơi. Anh chưa đặt chân tới miền sông nước miền Nam hiền hoà, có lẽ đành phải chờ một dịp khác, và khi đó anh rất mong là có em đi cùng. Em biết không, từ ngày đưa em trở lại NY lúc nào anh cũng muốn được gặp lại em. Anh đã hứa là mùa hè này anh sẽ lên thăm em, và anh nhất định sẽ giữ lời. NY mấy hôm nay trời đã ấm, mùa xuân đã bắt đầu, cho em vui, cho những người đang yêu bớt nhớ thương người ở xa. Em nghe với anh "Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên":
 
http://nhacvangonline.info/nhac/index.php?loi=2602
Em ngoan đợi anh về nghe. I love you dear.
Anh Dũng
 
Hà-Nội ngày … tháng … năm 2007
Candy em,
Anh đã trở về Hà-Nội hôm qua và sáng nay quyết định đi thăm chùa Hương dù có vài người quen đã  từng tới đó khuyên anh không nên! Có nhiều thứ ràng buộc anh với quê hương trong đó thơ văn là một. Hình ảnh cô thiếu nữ đi chùa Hương ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp đã in đậm trong tâm trí, và anh không thể nào không đi tìm, dù biết rằng sẽ không gặp:
Khăn nhỏ, đuôi gà cao
Lưng đeo giải yếm đào
Quần lĩnh, áo the mới
Tay cầm nón quai thao
(Gần đây trên Internet người ta đã cho phổ biến những hình ảnh gợi cảm của những người mẫu mặc y phục cổ truyền, yếm đào, váy rộng, tóc đuôi gà thật là dễ thương. Anh tưởng tượng một ngày nào Candy cũng mang trang phục đó chụp hình và gửi cho anh. Anh không phổ biến hình ảnh trên Internet đâu, nhưng giữ cho riêng mình, và anh biết là em còn dễ thương hơn những cô kiểu mẫu đó nhiều.)
Anh đã cảm thấy lòng thảnh thơi trên suối Yến. Núi xa xa in trên nền trời xanh, mây trắng bay lững lờ, mái chèo khuấy nước nhẹ nhàng, và con thuyền trôi chậm đủ cho anh nghiêng mình thò tay xuống dòng nước mát lạnh. Anh ước gì có em dựa vai ngồi bên để chúng mình vừa ngắm cảnh vừa chuyện trò, cho anh hôn lên má em những lúc em reo hò vì cảnh sắc tuyệt đẹp của thiên nhiên như vài du-khách trên thuyền.
 
Suối Yến dễ thương nhưng con đường lên động Hương Tích làm anh thất vọng não nề. Những quán hàng xập xệ bên đường làm mất vẻ đẹp thiên nhiên, chốn thâm sơn không còn tịch mịch vì du-khách quá đông và vì sự mời chào ồn ào của những người bán hàng. Động Hương Tích khói hương mù mịt, người hành hương đứng ngồi ngổn ngang, không còn là “Nam Thiên Đệ Nhất Động’ vì thua xa những động thạch nhũ huyền ảo ngoài vịnh Hạ Long. (Đây cũng là cảm giác luống tiếc khi anh đi thăm ‘Vạn Lý Trường Thành’ vào một ngày lễ lao-động năm nào. Du-khách quá đông đến độ người ta chen nhau bước từng bước trên mặt thành. Tìm đâu thấy cảnh ‘Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt’, cảnh quân reo ngựa hý hoang đường nhưng kỳ thú trong văn chương?)
Đêm nay là đêm cuối cùng ở thành-phố Hà-Nội, ngày mai anh sẽ lên đường trở lại Cali. Rồi anh sẽ lại nhớ thương đất nước này, như thể là anh đang nhớ em. Bây giờ anh mới thấy thấm thía thế nào là “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng’ (Kiều). Nhưng em ạ, xa cách để rồi trùng phùng. Anh nghĩ tới ngày gặp lại em, ôm em trong vòng tay mà ngất ngây.
Candy ơi, mấy con cá vàng của em lớn được chút nào chưa? Khi đã quen chúng sẽ xúm lại xin ăn mỗi lần thấy em, coi thật dễ thương, dễ thương như em khi mặc yếm đào! Anh đi ngủ để mai còn ra phi trường sớm. Sẽ mơ thấy em vì lúc nào anh cũng thương nhớ em vô cùng.
 
Anh Dũng
 
°°°
 
It’s time …
California ngày … tháng … năm 2007
 
Em yêu,
Hôm qua anh về tới nơi, ôm điện thoại gọi em liền, nghe em nói “Bé nhớ anh” gần như khóc, khiến anh thật bồi hồi. Bé biết anh còn mệt sau chuyến bay dài nên không cho anh nói nhiều, bắt anh đi ngủ để mai còn đi làm. Em yên lòng vì anh đã trở về bình yên, anh vui mừng nghe tiếng em sau gần 30 ngày xa cách, dù rằng chưa gặp được nhau nhưng chúng mình vẫn có nhau. Ít ra thì bây giờ chúng mình có thể gọi nhau bất cứ lúc nào, có thể thủ thỉ những lời thương nhớ mà không cần ngồi trước computer chờ email. Anh không phải viết cho em thường nữa, chỉ khi nào biết em đang có lớp mà anh chợt nhớ tới em thì anh sẽ ghi vội vài hàng, em chịu không?
Anh trở lại sở làm sáng nay và ngỡ ngàng nhận được tin buồn. Boss của anh vừa quit! Lần đầu tiên anh nghe Patrick chửi thề “Goddamn it. I can’t stand it anymore, I quit!” Patrick đã làm việc ở công ty này vài năm, luôn luôn tới trước và về sau mọi người, nhưng có lẽ vì nhiệt tâm nên Patrick thường đụng chạm với những người “take it easy”. Anh cũng chỉ mới làm bán thời ở đây ít lâu nhưng Patrick để anh nghỉ một thời gian dài về thăm VN nên anh vẫn nhớ ơn. Patrick bỏ đi, bọn anh bơ vơ, nhưng cũng không sao Bé ạ, hè này trình xong luận án, anh sẽ qua NY xin việc để được gần gũi em, công việc ở đây dù sao cũng chỉ là tạm thời.
Anh suy nghĩ thật nhiều sau chuyến thăm VN vừa qua. Như em biết anh rất là thiết tha với quê nhà, yêu từng nẻo đường VN, nhưng có lẽ lúc này anh chưa đóng góp gì được như chú Duy hằng mong. Chú Duy đã làm xong bổn phận với gia đình, đã đạt được một vài mục tiêu của đời sống nên có thể về vui với những ngày tháng êm đềm ở bên đó, đóng góp ít nhiều cho tuổi trẻ, và không thắc mắc gì với những chuyện quanh mình. Anh chỉ mong chú có đầy đủ sức khoẻ và luôn luôn yêu đời.
Anh không có được những điều kiện như chú Duy. Môn học nhân văn của anh không thích nghi với đời sống VN lúc này như môn khoa học thực dụng của chú. Anh còn thắc mắc về lý tưởng và hoài bão mà anh biết là không thể nào thực hiện được ở một môi trường như nơi chú Duy đang dạy học. Nhưng lý do chính đáng nhất là … em.
Anh mồ côi từ khi còn thơ dại, và dù được chú Duy, được bố Ngụy thương yêu nâng đỡ, nhưng anh vẫn thiếu một tình thương cho đến khi anh gặp em. Anh biết rằng chúng mình sẽ không thể nào sống xa nhau. Em mới vào đại học, không thể nào theo anh đến góc biển chân trời, mà anh bỏ em lại sao đành. Thôi thì anh hãy gác lại những chuyện xa xôi, về sống gần em, vun sới tình yêu của chúng mình, đợi đến một ngày nào thích hợp cả hai đứa chúng mình sẽ cùng cất cánh tung bay, sống đời chúng mình thấy thích nghi, em nghĩ sao? Hơn thế nữa, anh biết là VN đang trên đà thay đổi, có lẽ vài năm nữa sự đóng góp của chúng mình sẽ dễ dàng và hữu hiệu hơn.
Mai anh mới trở lại trường gặp giáo sư đỡ đầu đề chuẩn bị cho ngày bảo vệ luận án. Xa trường ít lâu anh cũng đã thấy nhớ, dù rằng không nhớ như là nhớ em. Bây giờ thì anh chỉ mong tới mùa hè để sang NY gặp em. Chúng mình sẽ đi với nhau tới chỗ em để dành riêng cho chúng mình, sẽ tung tăng suốt mùa hè, và suốt đời bên nhau, em có mong như thế không? Yêu em tới dại khờ.
 
Anh Dũng
------------
Thư gửi bạn thay lời kết:
Ít lâu nay Dũng đã dùng những lá thư để viết về quê hương và hoài bão của tuổi trẻ lồng trong tình yêu của Dũng dành cho Candy. Dũng đã đi trên nhiều nẻo đường VN, đã nói nên được hết tâm sự mình nên Dũng thấy cũng là tạm đủ. Tình yêu của Dũng và Candy dù sao cũng có chút riêng tư, và Dũng muốn giữ một chút cho riêng mình.  Dũng cám ơn các bạn đã theo dõi những lá thư này và xin hẹn gặp lại các bạn ở một nơi khác.
 
Thân mến.
Trần Quang Thiệu
Mùa Xuân -2007 

Xem Tiếp: ----