Dịch giả: Hoàng Phương

Nguyên tác: The hair and the teeth

Một lần có người đã đột nhập vào nhà khi chúng tôi đang đi mua sắm ở siêu thị. Tôi đoán bọn chúng đã đi khỏi khoảng một tiếng hoặc một tiếng rưỡi trước khi chúng tôi về đến nhà. Khi sự việc xảy ra, bọn trẻ lớn còn ở trường nhưng tôi còn hai bé nhỏ nữa đang ở cùng tôi.
Một bé chỉ mới 3 và bé kia 2. Vì vậy khó mà xoay sở mọi việc cho nhanh chóng được.
Bạn lái xe đến trung tâm mua sắm và đỗ xe dưới tầng hầm. Sau đó bạn bế bọn trẻ ra khỏi xe, vào thang máy để lên siêu thị. Rồi bạn phải đi ngang qua cửa hàng đồ chơi Gấu Humphrey. Nó sẽ hát và nhảy múa nếu bạn cho tiền xu vào. Rồi trò chơi cưỡi voi hồng. Rồi máy bán nước uống Coke. Nếu bạn cho bọn trẻ ngồi vào xe đẩy hàng ở siêu thị thì bạn sẽ chẳng còn chỗ để chất hàng hoá nữa. Nhưng nếu bạn không làm thế thì bạn phải chuẩn bị tinh thần là bạn sẽ phải di chuyển rất rất chậm vì lũ trẻ. Khi bạn phải đẩy xe một cách chậm chạp như vậy bạn sẽ phải chịu đựng âm thanh phát ra từ siêu thị, nghe mùi thuốc tẩy uế, nhìn ngắm ánh sáng phát ra từ các quầy hàng và tất cả các màu sắc khác. Tất cả những gì lung linh mờ ảo ở siêu thị.
(Tôi thấy âm thanh, ánh sáng và các thứ khác ở siêu thị thật chán ngắt và không thể nào chịu đựng được).
Bạn chất đầy hàng hoá vào xe đẩy và xếp hàng. Hàng người di chuyển thật chậm chạp. Từng món một trong đống hàng hoá trong xe đẩy đằng trước bạn đều phải được kiểm tra giá. Âm nhạc phát ra được chuyển từ Ascot Gavotte (Điệu nhảy Gavốt Ascot) sang Easter Parade (Hành khúc Phục sinh) cũng không thể nào xoa dịu được bạn. Bạn chỉ muốn nhấc bọn trẻ ra và quẳng lại cái xe đẩy đầy hàng hoá về chỗ cũ. Nhưng bạn vẫn phải chờ để trả tiền, đưa xe đẩy vào thang máy, rồi đẩy ra ôtô. Bạn sắp xếp hàng hoá lên xe, cho bọn trẻ vào xe, lái xe ra cổng, trả tiền đỗ xe và lái về nhà. Trời đã nhá nhem tối. Khi về đến nhà, bạn tra chìa khoá vào cửa sau nhưng không mở được vì bọn trộm (từ nào chính xác hơn: kẻ đột nhập, bọn cướp, kẻ cắp, bọn bẻ khoá, kẻ tội phạm). Bọn chúng đã cài then ở bên trong.
Ngay từ khi không mở được cửa tôi đã chắc chắn rằng chuyện gì đã xảy ra. Tôi vẫn để bọn trẻ và hàng hoá trong xe rồi đi vòng ra của trước. Cửa sổ bị mở toang. Rèm cửa bay phần phật, cuồn cuộn căng phồng trông như một cô dâu thảm hại hay một con ma ngộ nghĩnh. Một trong hai bé trong xe bắt đầu khóc. Tôi quay lại xe lấy hai gói bánh trong đống hàng hoá đưa cho mỗi bé một gói.
“Các con ăn cái này đi”, tôi vừa nói vừa xé miệng túi bánh đưa cho các bé. Bọn trẻ nín khóc, trông chúng có vẻ ngạc nhiên nhưng ngoan ngoãn nghe lời. Tôi khoá bọn trẻ trong xe và lại đi vòng ra cửa trước. Cửa này không bị chặn then. Tôi mở cửa, bật đèn đứng im một lúc lắng nghe và nhìn về phía hành lang. Trên sàn ngay dưới chân cầu thang một chiếc bông tai bị rơi. Cái nắp hộp đựng đồ trang sức thì nằm giữa cầu thang và cửa trước. Điện thoại ở trên bàn ngay gần cửa. Tôi gọi cảnh sát.
Mọi người nói với tôi là phải đợi lâu lắm cảnh sát mới tới được vì những vụ đột nhập như thế này ngày càng nhiều mà cảnh sát thì lại hiếm. Nhưng cảnh sát đã ập đến ngay khi tôi vừa buông điện thoại xuống. Có lẽ do bị sốc bởi toàn bộ sự việc nên tôi bị nhầm lẫn về thời gian chăng. Tuy nhiên, một xe ôtô lớn màu trắng (có vẻ như là lớn) với những dòng chữ màu xanh và đèn nhấp nháy cũng màu xanh phóng vù vù lao vào phố và trượt (đúng là trượt) bên cạnh lề đường. Hai cảnh sát một nam một nữ nhảy ra khỏi xe (chính xác là nhảy) và bất thình lình đứng bên cạnh tôi. Ý nghĩ đầu tiên ập tới là trông họ thật mạnh khoẻ. Họ thực sự trông rất rất mạnh khoẻ. Viên cảnh sát nam trông to lớn, trẻ trung, vui vẻ và đáng yêu. Còn viên cảnh sát nữ thì nhỏ người hơn, nhưng cũng trẻ trung, tươi tắn và xinh xắn. Họ đều đội mũ. Họ còn trông rất tươm tất trong sắc phục xanh: xanh da trời và xanh nước biển. Họ đều thoang thoảng mùi xà phòng thơm.
Họ lục soát nhà để tìm bọn kẻ cắp còn lẩn trốn trong khi tôi dỡ hàng hoá và đưa bọn trẻ ra khỏi xe. Bọn trẻ đã ăn xong bánh quy. Tôi đưa thêm khoai tây rán. Trong lúc đó kem thì bắt đầu chảy nước còn máu gà trong bao ni lông cũng nhỏ giọt ra ngoài.
“Chị có thể gửi bọn trẻ bên hàng xóm để chúng ta làm việc một chút được không” - viên cảnh sát yêu cầu. Tôi đem bọn trẻ sang nhà hàng xóm. Cũng may là có người ở nhà và bọn trẻ cũng vui vẻ ngồi lại xem tivi.
Chúng tôi đi khắp nhà. Tôi cùng hai viên cảnh sát tìm kiếm bằng chứng cho công việc mà họ gọi là “chuyên môn thực sự”. Chúng tôi ngồi trong bếp và cùng lập danh sách kê khai những vật bị mất cắp.
Tôi thường giữ đồ nữ trang ở ngăn kéo trên cùng bên trái trong tủ com-mốt. Bọn trộm chắc hẳn đã đổ mọi thứ trong ngăn kéo ra tấm ra trải giường rồi cuộn lại như nải xách. Tôi tưởng tượng hai tên đàn ông nhỏ thó như con chuột, rất chuyên nghiệp, đeo mặt nạ, đi nhón chân lao xuống cầu thang. Một tên thì vác cái nải xách trên lưng, một tên thì ẵm chiếc áo da lông thú trên cánh tay. Tôi kê khai với hai viên cảnh sát những vật bị mất cắp: dây chuyền san hô, nhẫn kiểu nữ vương. Viên cảnh sát ghi chép rất cẩn thận. Ánh sáng trong bếp có vẻ hơi gắt nên tờ giấy viên cảnh sát đang ghi chép bỗng trở nên trắng loá. Khuôn mặt sạch sẽ khoẻ mạnh của viên cảnh sát toát lên vẻ cảm thông nhưng không hứa hẹn giúp đỡ được gì giống như bọn trẻ tôi đã gửi sang nhà hàng xóm. Tôi mời họ ăn bánh quy và uống cà phê nhưng họ từ chối. Ngoài nhẫn ngọc bích, vòng tay bằng bạc với đá màu xanh ngọc chúng còn lấy đi cả cái rổ đựng củi đốt nữa. Cảnh sát không thể giải thích nổi điều này. Bỗng nhiên tôi sực nhớ ra rằng trong số nhưng tài sản mang giá trị tình cảm trong ngăn kéo còn có mớ tóc và răng sữa của mấy đứa trẻ lớn. Giọng nói của tôi bắt đầu lạc đi và tôi nghĩ tôi sắp khóc.
(Tôi gói những chiếc răng trong một mảnh lụa đựng trong một hộp thiếc mua từ máy tự động ở ga điện ngầm Paris. Lúc ấy tuyết đang rơi. Trong ga điện ngầm thì ấm. Tôi cho tiền vào máy tự động và lấy được một hộp thiếc hình bầu dục với vòng hoa violet trên nắp. Mấy viên kẹo trong hộp kêu lọc cọc. Những viên kẹo bọc đường.)
Tôi có nên khai báo với viên cảnh sát về những chiếc răng và mớ tóc đó? Tôi có nên kể lể than van:
“Hai chiếc lược bằng đồi mồi (của Tây Ban Nha), bốn cái vòng bằng ngà voi (của Châu Phi), chín cái răng sữa (của trẻ con) và hai mớ tóc (màu vàng)?
Họ nhìn tôi đầy thông cảm khi tôi ngồi khóc nức nở bên cạnh bàn ăn trong bếp. Tôi uống cà phê và whisky. Họ vẫn tiếp tục chăm chỉ ghi chép: dây chuyền màu xanh dừa cạn, nhẫn màu hồng lựu.
Tôi hỏi họ liệu tôi có thể lấy lại được những vật bị mất cắp. Họ bảo với bản chất sự việc thế này khó có thể mà tìm lại được.
Tôi báo cho bên bảo hiểm. Một người phụ nữ của công ty đến phỏng vấn tôi. Bà ta kẹp một cái cặp táp dưới cánh tay và có cái nhìn sắc sảo. Bà ta hơi béo nhưng duyên dáng với chiếc váy màu đen, áo khoác lông và kiểu trang điểm, làm tóc, sơn móng tay của dịch vụ làm đẹp. Bà ta dùng nước hoa Chanel và mang giày Ý. Bà ta đứng trên tấm thảm chùi chân, đằng sau là bầu trời xanh, trông bà ta giống như hình ảnh quảng cáo của một hãng rượu, tôi nghĩ, ồ không, công ty bảo hiểm hay dịch vụ ma chay thì đúng hơn.
“Tôi là Halliwell của công ty Phoenix. Tôi đã gọi cho bà”, bà ta nói. Tôi đưa bà ta vào phòng khách. Tôi không thể nói chuyện về cái rổ đựng củi và những đồ nữ trang gói trong tấm ra giường với một người như bà Halliwell trong bếp được. Tôi mời bà ta cà phê nhưng bà ta từ chối. Những nguyên tắc thể hiện sự hiếu khách của tôi không có hiệu quả gì với cảnh sát cũng như nhân viên công ty bảo hiểm. Bà ta có một danh sách các vật bị đánh cắp đã được đánh máy. Cái ghế xôpha bỗng trở nên rất thảm hại khi bị bà Halliwel ngồi lên. Xe đồ chơi ôtô cứu hoả của mấy đứa nhỏ thì nằm lăn lóc ngay bên dưới chân trái của bà ta.
“Tôi cần thêm những mô tả chi tiết về một số đồ vật bị mất cắp”. Bà ta vừa nói vừa ngước nhìn tôi qua cặp kính. “Chị cần phải miêu tả cụ thể hơn nữa. Thế nào là một chiếc nhẫn kiểu nữ vương? Một chiếc nhẫn kiểu nữ vương chung chung với tôi là rất mơ hồ”. Rồi tiếp đến là cái vòng cổ bằng san hô. Tôi mô tả nó được kết bằng những hạt san hô màu hồng nhạt và rất bóng.
“Nó đã được chuốt lại à?”, bà Halliwel hỏi.
Tôi trả lời tôi nghĩ là như vậy. “Da thiên thần” bà ta ghi chú không cần trao đổi với tôi. Sau đó bà ta hỏi tôi đã có chuỗi hạt đó bao lâu rồi, tôi lại trả lời và bà ta lại ghi “Độ dài Opera”. Mãn nguyện, bà ta đọc thành tiếng “Độ dài opera đã được chuốt lại da thiên thần”, dường như bà ta còn mỉm cười. “Còn vật gì bị mất cắp bà quên chưa khai báo không? Đây là cơ hội cuối cùng của bà”. Tôi cố gắng nhớ lại để làm bà ta hài lòng. Rồi tôi nghĩ có nên nói cho bà ta biết một nửa những gì tôi khai báo với bà ta đều là dối trá. Tôi lại nhớ đến mớ tóc và những chiếc răng. Nhưng cuối cùng tôi lại trả lời là không còn gì. Bà ta khuyên tôi nên đặt hệ thống báo động, sắp xếp tuần tra an ninh, lắp hệ thống an toàn cho cửa sổ và cửa ra vào hoặc nuôi một con chó biết trông nhà. Tôi hỏi bà ta có biết ai làm dịch vụ lắp hệ thống an toàn cho cửa sổ và cửa ra vào không. Nhưng bà ta bảo tôi là tự tìm số điện thoại trong danh bạ “Những trang vàng”. Sau đó bà ta vừa kẹp cái cặp táp dưới cánh tay vừa nhắc nên nuôi một con chó biết trông nhà thêm một lần nữa. Tôi tiễn bà ta ra cửa.
“Nhớ lắp thêm một lỗ quan sát và điện thoại an toàn cho cửa ra vào”, bà ta tranh thủ nói thêm khi ra về.
Ngày hôm sau một người đàn ông đến đo cửa sổ và cửa ra vào để đóng chấn song. Ông ta chìa cho tôi xem danh thiếp ngay trước cửa. Trên danh thiếp là một con cá mập với tấm mắt lưới bằng kim loại ở phía sau.
“Tôi là Jack McClaren”, ông ta giới thiệu “người của Công ty Cá mập”. Ông ta nhìn quanh khu vườn của tôi rồi nhận xét: “Bà có khu đất rộng rãi và đẹp thật. Thật là không dễ có ở khu vực này”.
Khi ông ta kết thúc việc đo đạc, chúng tôi thảo luận về chất lượng và việc lựa chọn của loại lưới một chiều, sự cần thiết của hệ thống khoá an toàn ba ổ với ba điểm chết và chống cạy khoá. Ông ta uống một cốc cà phê ở trong bếp. Chúng tôi ăn bánh quy và hút thuốc. Tôi kể cho ông ta nghe về vụ trộm. Ông ta bảo tôi vẫn còn may mắn vì nhiều người khác còn bị bọn trộm khoắng sạch. “Đồ đạc bị mất hết không còn gì ngoài mấy cái bóng đèn điện. May mà bà không có ở nhà khi chúng đến. Chúng còn dở bạo lực ra nữa ấy chứ. Việc này ngày càng gia tăng. Tôi đã xem thống kê, dĩ nhiên”.
Sau đó tôi kể cho ông ta nghe về mớ tóc và mấy chiếc răng. Ông ta bảo đó mới là việc tồi tệ nhất.
“Bà biết không, bọn chó chết ấy rồi cũng quẳng đại chúng ở đâu đó thôi. Chúng sẽ vứt mớ tóc của mấy đứa trẻ vào rãnh nước hay đống rác nào đó. Tôi từng đến nhà một bà bị bọn trộm nẫng đi hầu như là toàn bộ, kể cả những bức ảnh của con trai bà ấy đã chết trong chiến tranh. Bà biết không bọn vô lương tâm ấy làm rơi và để gió thổi bay mấy tấm ảnh trên đường dưới trời mưa. Vài tuần sau đó bà ấy vẫn còn tìm được mấy mảnh vụn ảnh còn sót lại trong đám bùn bên lề đường. Bà ấy chẳng giờ hồi tâm lại được sau chuyện ấy.”
Khi ông ấy kể chuyện, tôi chợt nhớ ra vẫn còn một vật gì đấy nữa trong ngăn kéo đựng đồ nữ trang. Còn một vật gì đó nữa cũng bị mất cắp. Đó là con búp bê nhỏ bằng sáp. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy nó là một đêm dưới ánh đèn cửa sổ ở một cửa hàng. Nó là một cô bé con nhỏ nhắn trần truồng với đôi mắt xanh màu ve chai và đầu đội mớ tóc thật. Ngày hôm sau tôi trở lại lúc cửa hàng mở cửa. Tôi nghĩ con búp bê này quả là đắt thật nhưng tôi vẫn mua nó.
Hoàng Phương dịch
(Nguyên tác: “The hair and the teeth”)
Trích từ: “Những câu chuyện của các nhà văn nữ Australia”
Nhà xuất bản Oxford (1999 )

Xem Tiếp: ----