Hầu như, trong chúng ta, mỗi người đều lưu giữ trong tim hình ảnh người cha. Nhân dịp, Father's Day cũng sắp đến, mời bạn cùng tôi làm một cuộc phiên lưu trong thế giới tình thương và hình ảnh của người cha.
Một chút lịch sử về Father's Day (tạm dịch: Ngày Từ Phụ)
Ở Mỹ, ngày Từ Phụ ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu (3rd Sunday in June). Năm nay, ngày lễ này sẽ là ngày Chủ Nhật 18-06-2006. Mục đích của ngày lễ là để cho con cái tỏ lòng biết ơn và vinh danh người cha. Ngày lễ bắt đầu với ý kiến của của một phụ nữ Mỹ, tên Sonora Smart Dodd, sinh trưởng ở Spokane, tiểu bang Washington muốn ghi nhớ và vinh danh công ơn của cha. Và vì cha của Dodd sanh vào tháng Sáu, nên Dodd đã tổ chức ngày lễ Từ Phụ đầu tiên của nước Mỹ ở Spokane, Washington vào ngày 19, tháng 6, năm 1910. Đến năm 1924, thì Tổng Thống Calvin Coolidge đã chính thức hóa ngày Chủ Nhật thứ ba của tháng Sáu, mỗi năm, là ngày Từ Phụ cho nước Mỹ. Theo truyền thống của ngày lễ Từ Phụ thì mang hoa hồng đỏ cho người cha còn sống, và hoa hồng trắng nếu người cha đã mất.
Như chúng ta biết, trong cuộc sống của con người thì "tình thương" rất là cần thiết, như chất đốt cần thiết để giữ ngọn lửa cháy, như gạch, ngói và các vật liệu xây dựng cần thiết để xây một ngôi nhà đẹp. Đời sống của một con người tương tự như vậy, không thể thiếu tình thương. Một người, có được tình thương càng nhiều thì cuộc sống càng dễ dàng và hạnh phúc hơn. Khi nói đến chữ “tình thương” thì không có thứ tình cảm nào có thể sánh bằng tình thương của cha mẹ. Đó là một thứ tình yêu thiêng liêng, cao cả, mênh mông sâu xa như biển cả. Một thứ tình thương không có đối tượng để so sánh, cũng chẳng bút mực, ngôn từ nào có thể diễn tả trọn vẹn, chỉ có thể tạm ví như ngọn núi Thái hay như nước trong nguồn chảy ra.
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra".
Núi có thể lở mòn, nguồn nước có thể cạn. Nhưng nguồn tình thương của cha mẹ thì không bao giờ cạn, tình cha nghĩa mẹ không vơi đầy thay đổi với thời gian. Tình thương của cha mẹ đã trở thành suối nguồn bất tận, tích tụ, vun bón từ bao đời và đã thấm sâu vào máu xương, gan thịt của con người. Như nước luôn chảy xuôi dòng, như mưa luôn rơi từ trên cao, dù con có ngoảnh mặt hay hân hoan đón nhận thì tình thương của cha mẹ lúc nào cũng sẳn sàng bên cạnh,. Cha mẹ luôn âm thầm chở che, dìu dắt và dõi theo từng bước chân bé bỏng của con đang chập chững bước vào đời và ngay cả lúc con đã trưởng thành. Tình cha, tình mẹ sẽ mãi mãi là một bản tình ca bất diệt của loài người.
Tình cha và tình mẹ có khác nhau không? Câu trả lời đúng nhất có lẽ là tình cha và tình mẹ vừa giống nhau và vừa khác nhau. Giống nhau vì đều là tình thương, đều xuất phát từ một thể, từ cùng một điểm hay vị trí của bậc sanh thành và con cái là kết quả của tình yêu, là "máu huyết" của cả hai. Điểm khác nhau là sự biểu hiện, sự cảm nhận của tình cha và tình mẹ qua hai khía cạnh của cuộc đời. Nói một cách khác, là cha và mẹ là hai thực thể khác biệt, có hai vai trò tương đối khác biệt trong cuộc sống của gia đình, dẫn đến sự biểu hiện tình thương của cha mẹ khác nhau, sự cảm nhận của con cái về tình cha và tình mẹ cũng khác nhau.
Nói đến tình mẹ, thì dường như ai cũng dễ dàng cảm nhận được. Bởi tình mẹ, một tình thương ngọt ngào, gần gũi và thân quen với chúng ta. Mẹ, bằng cử chỉ âu yếm, vỗ về, nâng niu, bảo bọc với những ngôn từ nhẹ nhàng, trìu mến v.v… luôn đem đến cho con một cảm giác êm mát, dịu hiền. Mẹ, lúc nào cũng quấn quýt bên con, luôn chia xẻ với con những vui buồn, được mất, những nỗi niềm tâm sự nhỏ to, đáp ứng hầu hết những yêu cầu và ước muốn của con.
Tình mẹ là thế, còn tình cha thì sao?
Cha không thể hiện bằng tình thương ngọt ngào như chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau giống mẹ. Tình cha vừa thâm trầm, lắng đọng vừa nghiêm khắc giá băng, nhưng cũng rất dạt dào, dịu ngọt nếu con biết tận hưởng được tấm lòng cha. Tình cha không những lai láng dịu mềm như dòng nước mà nó còn ấm áp, đượm nồng như vầng thái dương. Cha uy nghi, sừng sững như núi Thái, chịu đựng và che chắn bão giông cho con được yên bình dưới bầu trời quang đãng. Cha âm thầm, lặng lẽ như chiếc bóng theo sát cuộc đời con và che chở con bằng cả cuộc đời cha. Đúng vậy, tình cha là như thế đó, thâm trầm và sâu thẳm. Nếu chúng ta không có cái nhìn tinh tế và cảm nhận sâu sắc thì khó thấy được hết tấm lòng của cha:
Con đúng sai cha chẳng hề để dạ
Vui hay buồn cha giữ lại trong tim
Như núi cao trong giông bão im lìm
Như đáy biển từ muôn đời yên lặng
Tình của cha thẩm sâu và bí ẩn
Bên cạnh con từ thuở mới lọt lòng
Ngoài giá băng nhưng trong rất ấm nồng
Từng bước nhỏ vào đời cha, sẽ thấy.
Nếu chúng ta để ý, thì trong kho tàng văn chương của nhân loại, có rất nhiều áng thơ văn ca ngợi và vinh danh người mẹ với đầy đủ chi tiết hình ảnh, ngôn từ đẹp đẽ nhất, thiêng liêng nhất. Nhưng bên cạnh đó, hình ảnh người cha lại mờ ảo, nhạt nhòa, khiến cho một số người quan tâm phải thắc mắc là tại sao như vậy?
Nếu ta thử trầm mình vào thế giới của cha, thì sẽ khám phá ra một kỳ quan tuyệt hảo nhất là trái tim thương yêu vô bờ bến của cha, một tình thương dạt dào bát ngát như biển trời, chẳng khác nào tình thương của mẹ. Nhưng tình cha ít khi biểu lộ rõ ràng ra bên ngoài, mà thường thì chỉ biểu hiện trong âm thầm lặng lẽ. Chính sự âm thầm lặng lẽ của cha, đôi khi làm cho các con vô tình lãng quên, sự hiện diện của cha trong cuộc đời mình. Cũng vì thế, mà hình tượng người cha hiền kính yêu của chúng ta, bị lu mờ bên ánh hào quang rực rỡ của mẹ, trong hầu hết các áng văn thơ.
Ngày xưa, dưới thời Nho giáo, cha được gọi là nghiêm đường, nên thường phải mang bộ mặt lạnh lùng như của một ông quan. Xã hội hôm nay, văn minh hơn, trí thức hơn, trong cuộc sống, cha một nghề, con một nghề, ai lo phần nấy, rốt cuộc thì tình thương cha con cũng trở nên lợt lạt. Sự quấn quýt, gần gũi giữa cha con chỉ thể hiện khi con còn nhỏ. Qua bậc tiểu học, con bắt đầu lớn, bắt đầu chọn bạn là lúc bắt đầu xa cha. Từ đó, hầu như cha chỉ còn đóng vai: nguồn cung cấp tiền bạc cho con ăn học, nguồn kinh nghiệm khôn dại, những lời chỉ bảo khuyên răn. Tất cả đều là lý trí lạnh lùng.
Cuộc sống bắt buộc, cha phải hướng mắt, nhìn ra ngoài đời, lăn lộn và tranh đấu với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, nhìn mảnh vườn, cái bếp và các con. Cha lặng lẽ đi làm kiếm tiền, con đâu có biết, bao nhiêu gian lao cực nhọc, lo toan đối phó, làm mệt mỏi thể lực và trí óc cha. Về đến nhà cha cần sự yên nghỉ, nhiều khi lại mang bực bội, phiền muộn từ ngoài xã hội về theo. Con phải len lén bỏ ra sau nhà, im lặng, càng xa càng tốt, gần như muốn xóa bỏ cái hiện hữu của mình trong mắt cha. Sự cách xa giữa cha con thường bắt đầu nhẹ nhàng như vậy. Và sự xa cách này càng xa hơn, vì bên cạnh mẹ, con thấy êm đềm hơn. Ai làm ra tiền, con không cần biết, muốn một viên kẹo, muốn một cái bánh... là chỉ cần thỏ thẻ với mẹ. Mua cây viết mới, sắm đôi dép mới... đều do mẹ đóng vai bà tiên. Tội cho người cha, bên cạnh người mẹ, bà tiên hiền, cha thành người dữ; bà tiên càng hiền, hình ảnh của cha càng trở thành dữ hơn nữa.
Thật là bất công cho hình ảnh người cha, bên cạnh hình ảnh của người mẹ, trong mắt người con. Cha thương con và đâu có muốn như vậy. Nhưng cuộc sống thực tế phân công, mỗi người, mỗi việc. Mẹ như nhánh thấp, cành gần, để trái non xúm xít bu quanh. Cha như thân cây vững chắc, bám rễ thật chặt, hút nhựa nuôi lá, nuôi hoa, nuôi trái. Từng cành lớn từ thân cây, đâm ngang, vươn cao che mưa che nắng. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạc lòng, cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Vì vậy, lúc nhỏ thì con có thể gần gũi với cha. Nhưng từng bước, trên con đường đi vào trưởng thành, từ con khoảng trên mười hai tuổi, thì do vai trò của người cha trong gia đình: nghiêm khắc, cứng rắn... để dạy dỗ con, phải được áp dụng. Con lại càng ngại cha hơn, xa cha hơn và càng gần gũi với mẹ hơn. Có thể nói, là con chỉ có thể hiểu được cha và thương cha nhất, khi chính bản thân người con, đang trải qua đoạn đường làm cha. Nhưng đôi khi thì đã quá trễ. Cha đã không còn bên cạnh nữa.
Hình ảnh của một người cha trong mắt của con thay đổi tùy theo giai đoạn trưởng thành có lẽ đúng như một tác giả khuyết danh đã viết bằng tiếng Anh (1). Tạm dịch như ở dưới:
Cha Tôi,
Lúc tôi:
4 tuổi: Cha tôi là người làm được tất cả mọi việc.
5 tuổi: Cha tôi là người biết rất nhiều việc.
6 tuổi: Cha tôi biết nhiều hơn cha của bạn.
8 tuổi: Cha tôi không nhất thiết biết hết mọi việc.
10 tuổi: Thời tuổi thơ của cha tôi. Chắc chắn mọi việc khác với hiện tại.
12 tuổi: Cha tôi già rồi. Ông không biết và không nhớ gì về tuổi thơ của ông đâu.
14 tuổi: Cha tôi là ông già xưa. Bạn đừng có để ý đến ông.
21 tuổi: Cha tôi? Ông không hiểu và theo kịp chuyện của thế hệ trẻ đâu.
25 tuổi: Cha tôi chắc biết chuyện này vì ông đã từng trải qua rồi.
30 tuổi: Nên hỏi ý kiến của cha tôi. Ông có kinh nghiệm sống.
35 tuổi: Tôi phải hỏi ý kiến của cha tôi trước khi quyết định chuyện này.
40 tuổi: Tôi tự hỏi. Nếu là cha, thì cha sẽ quyết định làm việc này ra sao? Quyết định của ông luôn đúng, hợp tình, hợp lý.
50 tuổi: Phải chi cha tôi còn sống để tôi có thể bàn chuyện này với ông. Thiệt là đáng tiếc, tôi đã bỏ lỡ cơ hội để học những hiểu biết và kinh nghiệm quí giá từ ông.
Nói về hậu quả của sự thiếu vắng cha. Trong dân gian, có những câu ca dao:
"Con có cha như nhà có nóc,
Con không cha như nòng nọc đứt đuôi. "
Hay
"Còn cha gót đỏ như son
Một mai cha chết, gót con đen sì".
Qua những câu ca dao trên, chúng ta có thể thấy được trách nhiệm và vị trí của người cha đóng vai trò rất quan trọng với cuộc đời của người con. Nếu mẹ dạy con tình thương yêu và lòng nhẫn nại, thì cha dạy con lòng cao thượng bao dung, un đúc trong con lòng trung kiên và ý chí bất khuất. Người con sẽ thành công dễ dàng hơn nếu được thừa hưởng đầy đủ và hài hòa giữa tình cha và tình mẹ. Thiếu một trong hai yếu tố này thì người con đã mất đi phân nửa cuộc đời. Là con người, thì ai cũng có cha mẹ. Nói một cách khác, thì bất cứ ai cũng là con. Và có thể nói nửa phần đời của con là do cha ban tặng. Vì vậy, dù có xuôi ngược trên vạn nẻo đường đời, mong rằng các người con đừng bao giờ lãng quên một điều: Cuộc sống của ta có được hôm nay là do sự gầy dựng, đắp xây và đánh đổi bằng cả cuộc đời hy sinh thầm lặng của cha. Từng nhịp thở, từng bước chân ta luôn có sự hiện diện của cha trong đó.
Xin gởi một bông hồng đến những người cha trong ngày Lễ Từ Phụ.
Lý Lạc Long
(1) My Father,
when I was:
Four years old: My daddy can do anything.
Five years old: My daddy knows a whole lot.
Six years old: My dad is smarter than your dad.
Eight years old: My dad doesn't know exactly everything.
Ten years old: In the olden days, when my dad grew up, things were sure different.
Twelve years old: Oh, well, naturally, Dad doesn't know anything about that. He is too old to remember his childhood.
Fourteen years old: Don't pay any attention to my dad. He is so old-fashioned.
Twenty-one years old: Him? My Lord, he's hopelessly out of date.
Twenty-five years old: Dad knows about it, but then he should, because he has been around so long.
Thirty years old: Maybe we should ask Dad what he thinks. After all, he's had a lot of experience.
Thirty-five years old: I'm not doing a single thing until I talk to Dad.
Forty years old: I wonder how Dad would have handled it. He was so wise.
Fifty years old: I'd give anything if Dad were here now so I could talk this over with him. Too bad I didn't appreciate how smart he was. I could have learned a lot from him.
Writer: Unknown

Xem Tiếp: ----