Nói về Nguyễn Huệ vâng lệnh Nguyễn Nhạc đem hai vạn thuỷ binh vào Gia Định đánh chúa Nguyễn. Đến cửa bể Cần Giờ, Nguyễn Huệ cho dừng quân, mời các tướng lên soái thuyền nhận lệnh. Huệ giở bản đồ ra rồi hạ lệnh: - Nguyễn Lữ làm chánh tướng, Đặng Văn Long phó tướng cùng Đặng Xuân Phong, Đặng Xuân Bảo và Phạm Ngạn dẫn một vạn quân theo sông Đồng Nai, tiến đánh chiếm thành Trấn Biên rồi Lữ và Long chia binh làm ba cánh. Một là cho Đặng Xuân Bảo lãnh một ngàn quân đi đường tắt đến con đường sang nước Cao Miên ở phía Tây thành Sài Côn đốt lửa làm kế nghi binh, không cho Lý Tài ở thành Sài Côn chạy trốn sang Cao Miên. Cánh thứ hai là Nguyễn Lữ và Phạm Ngạn lãnh ba ngàn quân ở lại giữ Trấn Biên đề phòng tiếp ứng cho Đặng Xuân Bảo. Cánh thứ ba là Đặng Văn Long và Đặng Xuân Phong đem sáu ngàn binh mã tiến ra đánh chiếm Bình Thuận, Diên Khánh và ải Vân Phong. Nguyễn Lữ nghe xong lãnh lấy lệnh bài. Nguyễn Huệ lại truyền: - Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Uy lãnh bốn ngàn quân vào cửa biển Hàm Luông theo sông Tiền Giang tiến lên đánh lấy thành Trường Đồn (nay là Mỹ Tho). Chiếm được thành rồi, ba tướng phải canh phòng cẩn mật không cho quân của Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên đem binh tiếp viện, đồng thời chẹn đường rút binh của chúa Nguyễn từ thành Sài Côn về Hà Tiên, làm cho chúng hai đầu không cứu ứng với nhau được. Các tướng nên nhớ trận này vô cùng quan trọng, phải tốc chiến tốc thắng tiêu diệt bằng được họ Nguyễn ở Gia Định rồi lập tức rút binh về Qui Nhơn đề phòng họ Trịnh đánh ta nơi mặt Bắc. Các tướng đều hăng hái nhận lệnh đi ngay. Bỗng Trần Quang Diệu bước ra nói: - Các tướng đều đã dẫn quân ra trận. Còn thành Sài Côn do Lý Tài trấn giữ, vợ chồng tôi xin lãnh binh tiên phong chiếm thành. Nguyễn Huệ cười rằng: - Thành Sài Côn không cần phải đánh, ta chỉ đem chiến thuyền và hai ngàn quân tiến theo sông Thị Nghè làm kế nghi binh. Đợi khi Nguyễn Lữ và Đặng Văn Long chiếm xong thành Trấn Biên, Lý Tài ắt phải bỏ thành Sài Côn mà chạy vào Trường Đồn. Nơi này có vùng rừng Tam Phụ do quân Đông Sơn Đỗ Thành Nhân hùng cứ. Thành Nhân mà nghe Lý Tài chạy đến đây ắt sẽ đem quân đón đánh báo thù năm trước Lý Tài đuổi Đỗ Thành Nhân khỏi thành Sài Côn, lấy mất binh quyền. Ấy là ta không đánh mà địch quân phải hao binh tổn tướng gấp hai lần vậy. Đợi hai con hổ này đánh nhau sức cùng lực kiệt xong, dù chúng có tài dời non lấp biển, cũng không thể nào thoát khỏi vòng vây của ta! Trần Quang Diệu nghe xong nói: - Tướng quân dùng binh như thần. Nhưng kể từ ngày đến Tây Sơn tụ nghĩa, vợ chồng tôi chịu ơn tướng quân sâu nặng, mà chưa lập được công trạng gì để trả nợ nước. Nay vào đến đất Gia Định này cũng không được cầm quân ra trận thật đáng buồn thay! Huệ vỗ vai Quang Diệu thân mật nói: - Quang Diệu chớ buồn, đánh trận này chính vợ chồng Diệu – Xuân là lập nên đại công vậy! Bùi Thị Xuân hỏi lẫy rằng: - Không cầm quân ra trận dám hỏi dượng rể sao lại lập nên đại công? Huệ chỉ vào bản đồ nói: - Khi chúa tôi nhà Nguyễn chạy vào Trường Đồn thì Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Văn Tuyết tất đã chiếm được thành Trường Đồn triệt đường về Hà Tiên của địch. Lúc ấy chúa Nguyễn chỉ còn một con đường là xuống thuyền theo sông Tiền Giang ra các cửa bể Cung Hầu và cửa bể Hàm Luông hòng chạy trốn ra ngoài hải đảo mà thôi. Vậy Diệu – Xuân hãy lãnh bốn ngàn binh chia quân mai phục ở các cửa bể này chờ hai chúa Nguyễn chạy ra đón bắt, thì không phải là lập được đại công đó sao. Diệu và Xuân mừng rỡ tạ ơn rồi lãnh lệnh đi ngay. Ngày hôm sau, Nguyễn Huệ mới gọi Lê Chu và hai ngàn quân dưới quyền mình theo sông Thị Nghè từ từ tiến về Sài Côn. Lúc ấy trong thành Sài Côn quân thám mã hớt hải chạy về phi báo cùng Nguyễn Phúc Dương. Dương cuống cuồng lo sợ gọi Lý Tài đến hỏi: - Hai vạn quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy hiện đang đóng ở cửa biển Cần Giờ, sớm chiều sẽ tiến đánh Sài Côn. Tướng quân đã có kế sách đánh giặc hay chưa? Lý Tài nói cứng: - Thần đã có cách tiến thủ, xin Tân vương chớ lo! Dương lại hỏi: - Cách tiến thủ thế nào mau nói ta nghe thử? Tài đáp: - Thần đã cho người hoả tốc đến Trường Đồn gọi Lê Văn Quân, Trấn Biên gọi Hồ Văn Lân, Bình Thuận gọi Nguyễn Văn Hoằng mang quân về cứu viện. Hiện thần đã cho quân đặt đại bác trên mặt thành thì không dễ gì Nguyễn Huệ lấy thành được. Chờ ít lâu viện binh về đến, Nguyễn Huệ tất lui binh, lúc ấy ta đem quân đuổi đánh ắt là toàn thắng. Phúc Dương hoàn hồn nói: - Ấy thật là kế sách vẹn toàn, nhưng Nguyễn Huệ mưu mẹo vô cùng, dùng binh rất lạ. Nhớ năm xưa hắn chỉ dùng có năm ngàn quân mà đánh tan ba vạn quân của Tôn Thất Hương ở núi Bích Kê sông Lại Dương, Qui Nhơn phủ. Năm sau hắn đem năm ngàn quân lại đánh tan hai vạn quân của Tống Phước Hiệp ở Phú Yên. Nay Nguyễn Huệ vào Gia Định đem hùng binh tới hai vạn nên ta lấy làm lo lắng lắm. Lý Tài trấn an Dương: - Xin Tân vương bình tâm. Năm xưa Tôn Thất Hương bất tài, Tống Phước Hiệp khinh địch nên mới lầm mưu sâu mà bại dưới tay Nguyễn Huệ. Sao đem Lý Tài này so sánh với hai người ấy được. Nay đồn Thị Nghè là yết hầu của thành Sài Côn đã có tướng Nguyễn Nghi trấn đóng, thần xin đem toàn quân ra hợp với Nguyễn Nghi giữ Thị Nghè thì Tân vương ở trong thành Sài Côn như ngồi trên bàn thạch vậy. Nói rồi liền dẫn quân đi. Lý Tài đi rồi, quân thám mã về báo với Dương: Thưa Tân vương, quân Tây Sơn đã đánh chiếm thành Trấn Biên, quan trấn thủ Hồ Văn Lân bỏ thành chạy trốn. Nguyễn Phúc Dương hoảng hốt định sang dinh phủ Nguyễn Phúc Thuần, vừa lúc thấy Phúc Thuần và Nguyễn Đăng Trường đến. Dương không kịp mời ngồi hỏi ngay: - Quân Tây Sơn chiếm lấy Trấn Biên, Thái Thượng vương đã biết chưa? Nguyễn Đăng Trường đỡ lời nói: - Thượng vương đã biết nên mới sang đây bàn bạc với Tân vương. Dương hỏi: - Vậy ta phải làm thế nào? Trường đáp: - Nay quân Tây Sơn đã lấy mất Trấn Biên thì Nguyễn Văn Hoằng không thể đem quân về cứu viện. Nguyễn Huệ lại từ cửa Cần Giờ đánh tới Thị Nghè, thành Sài Côn không thể nào giữ nổi. Hai Chúa hãy mau bỏ thành Sài Côn mà lui về Trường Đồn. Nếu Tây Sơn đánh tới Trường Đồn ta còn đường chạy về hà Tiên nương nhờ Mạc Thân Tứ, chứ ngồi ở thành Sài Côn này, ngộ nhỡ Nguyễn Huệ lại cho một cánh quân đánh lấy Trường Đồn, thì quân ta bốn bề thọ địch, khác nào cá nằm trong rọ vậy. Nguyễn Phúc Thuần, Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Đăng Trường liền đem gia quyến bỏ thành Sài Côn nhằm hướng Nam mà chạy. Trong đêm ấy Nguyễn Huệ thừa lúc nước lớn cho chiến thuyền tiến sát đồn Thị Nghè đánh trống tưng bừng. Lý Tài và Nguyễn Nghi lệnh quân bắn đại bác xuống thuyền Tây Sơn, Nguyễn Huệ liền cho thuyền lui ra khỏi tầm súng. Một đêm mấy lần như thế, quân Lý Tài bằn hết đạn đại bác thì trời vừa hừng sáng. Bỗng quân từ thành Sài Côn chạy về phi báo: Quân Tây Sơn đã chiếm Trấn Biên. Hai chúa Tân vương và Thượng vương đã bỏ thành Sài Côn chạy về Trường Đồn. Lý Tài thất sắc nói: - Quân Tây Sơn sao chiếm được Trấn Biên nhanh thế. Tân vương chạy về Trường Đồn sao không bảo ta một tiếng! Nói rồi truyền quân bỏ đồn Thị Nghè chạy theo hai chúa. Lúc ấy sào huyệt quân Đông Sơn Đỗ Thành Nhân ở rừng Tam Phụ cạnh thành Trường Đồn. Đỗ Thành Nhân nghe quân vào báo: - Thưa tướng quân, chúa Thái Thượng vương và Tân Chính vương bỏ thành Sài Côn vừa chạy ngang qua nơi này. Hiện Lý Tài cũng sắp sửa đến nơi. Đỗ Thành Nhân mừng rỡ nói: - Đây là dịp để ta báo thù năm trước, truyền lệnh xuất quân. Lý Tài dẫn quân chạy đến rừng Tam Phụ bỗng nghe một phát pháo lệnh nổ vang, quân Đông Sơn từ hai bên rừng bắn tên ra như mưa. Quân Lý Tài dùng khiên mà đỡ. Đỗ Thành Nhân thấy quân Lý Tài chẳng chết bao nhiêu liền hô quân giáp chiến. Võ Nhân, Võ Tánh từ bên phải xông ra, Đỗ Thành Nhân, Đỗ Nhàn Trập từ bên trái đánh tới. Lý Tài cùng đường bèn quay lại bảo quân sĩ: - Các ngươi hãy cùng ta quyết đánh một trận. Thắng quân Đông Sơn là chúng ta thoát nạn. Nếu quay lại gặp quân Tây Sơn thì chỉ còn con đường chết mà thôi. Nói xong rồi vung đao xông tới. Hai bên giáp chiến, quân Lý Tài thất thế chống không nổi bị giết thây nằm chật đất. Lý Tài ngửa mặt than: - Không ngờ Lý Tài ta cùng đường chết thảm nơi này! Than xong đâm cổ tự vẫn. Đỗ Thành Nhân toàn thắng, tàn sát quân Lý Tài không còn một người nào cả. Nhân kiểm điểm binh mã thấy tổn thất cả ngàn quân, tức giận bảo quân lấy xác Lý Tài treo lên cây ven rừng, đoạn Nhân chỉ vào thây Lý Tài đang treo lủng lẳng trên cây mắng: - Nếu không có mày đến đây thì giờ này ta đang làm phụ chính trong thành Sài Côn thống lãnh binh quyền phò tá chúa. Chính mày làm chúa tôi ta mỗi người đi một ngả, nghi kỵ lẫn nhau, làm rối loạn đất Gia Định này. Tội mày chết vẫn chưa trả được. Nói xong liền chia nhau đi tìm chúa Nguyễn. Lúc ấy hai chúa đem gia quyến chạy khỏi rừng Tam Phụ cách thành Trường Đồn hai mươi dặm. Bỗng thấy một đám tàn quân từ thành Trường Đồn chạy đến. Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương đón quân ấy lại hỏi: - Các ngươi là lính của trấn nào? Quân ấy đáp: - Kính Chúa thượng, chúng thần là quân ở thành Trường Đồn, thành Trường Đồn bị quân Tây Sơn đánh chiếm, tướng quân Lê Văn Quân không rõ trốn tránh nơi nào. Chúng thần định chạy về Sài Côn báo cho chúa biết chẳng ngờ gặp chúa nơi bày. Tân vương thất kinh hỏi Nguyễn Đăng Trường: - Tây Sơn chiếm thành Trường Đồn là ta không còn đường chạy về Hà Tiên. Nay bốn bên địch vây phủ vậy phải làm sao? Trường vẫn cần mẫn đáp: - Ta chỉ còn một con đường là theo đường sông ra cửa bể Hàm Luông chạy ra ngoài hải đảo mà thôi! Nói đoạn chúa tôi đưa gia quyến xuống thuyền xuôi dòng sông hòng ra cửa bể. Trong đoàn thuyền lánh nạn ấy có chiếc thuyền chở người cháu nội Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, con Hoàng tử Nguyễn Phúc Luân bị Phúc Loan giết chết trong ngục ở Phú Xuân cùng Ý đức hầu Thái uý Trương Văn Hạnh năm xưa. Người này tên gọi Nguyễn Phúc Ánh cùng mẹ và em gái là tiểu thư Ngọc Du đang ở trong thuyền, bỗng thuyền bị gãy cột buồm nên đi chậm lại một đoạn khá xa. Phúc Ánh giật mình đứng trên mũi thuyền nói thầm rằng: - Ta nghe nói tướng ra trận gãy cờ là điềm gở. Thuyền đang đi gãy buồm chắc là việc chẳng lành! Vừa nói xong bỗng thấy phía trước đoàn thuyền chúa Nguyễn xuất hiện một đoàn thuyền chiến Tây Sơn từ trong ngả rẽ ào ào xông ra. Tướng Tây Sơn đứng trên mũi thuyền là Trần Quang Diệu quát: - Hai chúa đừng chạy nữa, tôi chờ hai chúa ở cửa sông này đã lâu! Nói xong Diệu liền hô quân vây bắt hai chúa Nguyễn. Tân vương ngoảnh lại thấy mình chỉ còn vỏn vẹn mười chiếc thuyền nhỏ và một trăm tên quân, biết không thoát được đành bó tay chịu trói. Thượng vương Nguyễn Phúc Thuần liền chạy ra sau lái thuyền gào to lên rằng: - Phúc Ánh cháu ơi mau chạy đi! Gào xong nhảy xuống sông tự vẫn. Nguyễn Đăng Trường hét lên một tiếng đâm đầu theo Phúc Thuần. Trần Quang Diệu sai quân lặc xuống nước vớt Thuần và Trường lên thuyền. Về phần Nguyễn Phúc Ánh ở nơi xa thấy hai chúa bị Tây Sơn bắt liền quay thuyền hối quân chèo gấp. Vợ Trần Quang Diệu là Bùi Thị Xuân lướt thuyền theo đuổi bắt. Chạy được một đoạn Phúc Ánh liệu bề ở dưới sông không chạy kịp liền bảo quân quay thuyền vào bờ dìu mẹ và em gái lên đất liền chạy trốn. Bùi Thị Xuân cũng tấp thuyền vào cùng mươi nữ hộ vệ đuổi theo Phúc Ánh. Vì vướng mẹ và em nhỏ chạy chẳng thoát, ngoảnh lại thấy quân đuổi theo toàn là nhi nữ, Ánh bèn quay lại vung gươm rượt đánh. Được vài hiệp, Thị Xuân chờ giáo Phúc Ánh đâm tới, liền đưa tay chụp lấy mũi giáo kẹp vào trong nách mình. Phúc Ánh dùng hết sức rút giáo về nhưng cánh tay Bùi Thị Xuân như sắt không sao rút được. Thị Xuân kề gươm vào cổ Ánh hô nữ binh trói lại. Lúc ấy mẹ Ánh và em gái Ánh là tiểu thư Ngọc Du cũng vừa bị giải đến. Mẹ Ánh quỳ lạy Thị Xuân và khóc rằng: - Nay dòng họ Nguyễn của tiên vương chỉ còn một mình nó là trai. Xin bà hãy bắt mẹ con tôi về làm tội, hãy tha thứ cho Phúc Ánh để nó lo việc tế tự tổ tiên về sau. Nói xong khóc lóc thảm thiết. Tiểu thư Ngọc Du lúc ấy vừa tròn mười bốn tuổi cũng quỳ cạnh mẹ mà lạy Thị Xuân. Thị Xuân ngoảnh mặt gạt đi: - Không van xin gì cả! Quân bay giải về hết cho ta! Lúc ấy Nguyễn Phúc Ánh mới quỳ lạy Thị Xuân ba lạy nói: - Tôi tuy còn nhỏ nhưng là nam nhi, vì nước loạn mà chết chẳng ân hận gì. Bất đắc dĩ phải lạy nữ tướng quân ba lạy, xin nữ tướng hãy thả cho mẹ và em tôi được sống. Mẹ tôi đã già, em tôi là nữ nhi thường tình không thể làm hại cho xã tắc được, xin nữ tướng quân mở lượng hiếu sinh. Thị Xuân quay lại bảo: - Được! Ta tha cho mẹ và em ngươi. Quân bay giải Phúc Ánh đi! Mẹ Ánh ôm chân phải Thị Xuân khóc rống lên rằng: - Cả dòng họ chỉ còn mình nó là trai. Nó chết đi mẹ con tôi còn sống làm gì nữa. Tiểu thư Ngọc Du ôm chân trái Thị Xuân khóc nức nở cầu xin: - Bà cũng là phụ nữ, cũng làm mẹ cũng có con, ắt hiểu được tấm lòng của mẹ con tôi. Vậy xin bà hãy tha cho anh tôi được sống. Hai mươi nữ binh của Thị Xuân trông thấy cảnh này đều rơi nước mắt. Thị Xuân động lòng nói với em mình là Bùi Thị Cúc: - Nếu ta tha Phúc Ánh, ngộ nhỡ Chúa công bắt tội biết ăn nói làm sao? Thị Cúc đáp: - Việc này chỉ có chị em ta cùng hai mươi vệ quân thân tín, ta giấu đi sao Chúa công biết được. Chỉ e rằng Phúc Ánh là dòng hoàng tộc nếu sau này khởi binh báo thù thì nguy cho xã tắc mà thôi! Thị Xuân cười bảo: - Cả một cơ đồ còn phải sụp đổ thay, huống gì thằng con nít này trong tay chẳng một tên quân thì làm gì ta được. Nói rồi liền ra lệnh tha cho ba mẹ con Phúc Ánh. Phúc Ánh cùng mẹ và em rối rít lạy tạ ơn, rồi vội vàng dìu nhau đi về làng dân gần đó. Ngọc Du hỏi Ánh: - Anh ơi! Nay không cửa không nhà, không người thân thích biết phải về đâu? Ánh vỗ về Ngọc Du: - Trời đất này là của nhà Nguyễn ta, nay ta lại không có chỗ dung thân sao? Ta sẽ về với Đỗ Thành Nhân. Nguyễn mẫu hỏi: - Ngày trước Thành Nhân quản thúc Thượng vương và hoàng tộc trong thành Sài Côn. Nay theo về với hắn để làm tù nhân ư. Thà mẹ sống làm một người dân hạ tiện còn hơn về với Đỗ Thành Nhân! Ánh trấn an mẹ và em rằng: - Mẹ cứ an tâm! Lần trước quản thúc họ nhà ta trong thành Sài Côn hắn tưởng rằng con khờ dại nên mới bảo con lên mặt thành vờ không nhận Đông cung Thế tử Dương. Nhờ vậy con bắn tên đưa thư cho Thế tử Dương thông báo việc Thành Nhân làm phản. Đến nay Thành Nhân vẫn nghĩ rằng con tin hắn một dạ trung thành ắt vui vẻ mà đón tiếp mẹ con ta. Vả lại Thành Nhân dấy binh lấy tên Đông Sơn là có ý cho rằng binh hắn đối dịch với Tây Sơn. Nay có mẹ con ta hắn ắt mừng vì có nghĩa tôn phò, không hậu tiếp con sao được? Mẹ chớ lo! Nói rồi liền dìu mẹ và em ngày đi đêm nghỉ bước thấp bước cao cực khổ trăm bề, tìm đến rừng Tam Phụ nương náu Đỗ Thành Nhân. Nói về tướng Tây Sơn là Nguyễn Huệ vào thành Sài Côn rồi. Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân dẫn Thượng vương Phúc Thuần, Tân vương Phúc Dương, Tĩnh điệp hầu Nguyễn Đăng Trường về nộp dưới trướng. Nguyễn Huệ cười hỏi Phúc Dương: - Đại huynh tôi sửa thành Đồ Bàn, tạm mời Đông cung Thế tử ra chùa Thập Tháp, chờ sửa xong thành sẽ rước Thế tử về xưng vương. Sao Thế tử lại chạy vào Gia Định để nhà Nguyễn ta có một lần hai chúa vậy? Phúc Dương đáp: - Ta thoát được về Gia Định mưu khôi phục cơ đồ. Nay việc không thành là do lòng trời vậy. Muốn chém giết mặc lòng, chớ hỏi lôi thôi. Nguyễn Huệ truyền quân đem tạm giam Dương và Thuần, rồi tự tay mở trói cho Nguyễn Đăng Trường hỏi: - Ngày trước chia tay ở Qui Nhơn, tiên sinh ra đi định xoay chuyển lại đất trời. Nay tiên sinh bị tôi bắt lần nữa, cỗ xe cầu hiền tôi vẫn dành cho tiên sinh đó. Chẳng hay ý tiên sinh thế nào? Trường lạnh lùng đáp: - Ngày nay chỉ có chết mà thôi! Huệ cười bảo: - Nếu thả tiên sinh lần nữa, chỉ e rằng lần sau quân lính của Huệ lại tốn thêm một sợi dây trói chứ lợi ích gì? Nói rồi Huệ truyền quân lôi Thượng vương Phúc Thuần, Tân vương Phúc Dương và Nguyễn Đăng Trường ra chém. Chém xong Huệ lại sai quân tống táng theo nghi lễ vương hầu. Nói về Nguyễn Lữ lấy xong thành Trấn Biên rồi, bèn sai Đặng Văn Long đem sáu ngàn binh mã tiến đánh Bình Thuận. Quân Tây Sơn trước đặt đại bác bắn vỡ thành rồi xung phong giáp chiến. Quân Nguyễn nghe súng nổ, trống đánh vang trời đã kinh hồn bạt vía bèn bỏ thành chạy trốn vào rừng. Nguyễn Văn Hoằng lúc ấy đã ngoài năm mươi tuổi, lên ngựa mặc giáp cùng vài trăm quân tín cẩn đến cửa thành cản địch, bị Đặng Xuân Phong chém một đao rơi đầu. Đặng Văn Long thừa thắng kéo quân ra thẳng thành Diên Khánh. Đồn trại quân Nguyễn dọc đường bị quân Tây Sơn tung hoả hổ mà đốt, khắp nơi lửa cháy ngút trời. Bại binh quân Nguyễn đổ xô chạy về thành Diên Khánh, tên nào tên nấy áo rách tả tơi, kẻ phồng mình, người gãy tay, sứt trán kêu khóc xin mở cửa thành. Quan trấn thủ Diên Khánh là Tống Phước Khuông kinh hãi đốc thúc quân canh phòng cẩn mật. Bỗng nghe trống trận Tây Sơn dồn dập từ xa, quân của Khuông run lên bần bật. Khương nổi giận vung gươm chém một tên quân vì sợ hãi mà rơi mất giáo. Khuông quát: - Giặc tới phải liều chết mà đánh, nếu ai sợ ta giết chết không tha. Vừa dứt lời quân Tây Sơn ở dưới thành đặt đại bác bắn vào. Súng nổ ầm ầm, đạn bay vèo vèo lên mặt thành, trúng vào đâu gạch đá vỡ tan. Quân Khuông hò nhau bỏ chạy. Khuông ngăn không được bèn hoà trong đám loạn quân bỏ thành mà trốn. Chiếm được thành Diên Khánh, Đặng Văn Long nói với Đặng Xuân Phong: - Nay từ Qui Nhơn vào Gia Định chỉ còn quân Nguyễn đóng trên ải Vân Phong. Chiếm được ải này là từ Quảng Nam đến Sài Côn đã thuộc về Tây Sơn ta vậy! Nói rồi truyền quân tiến đánh ải Vân Phong. Quân Tây Sơn đến chân đèo, thấy trên đèo tĩnh mịch như tờ, không một bóng người. Long liền cho vài tên quân lên dò thám, đến nơi mới hay tướng giữ Vân Phong là Tống Phước Lương và toàn quân đã bỏ trốn mà trốn tự bao giờ! Quân Tây Sơn khắp nơi toàn thắng. Nguyễn Huệ liền để Lê Chu giữ thành Sài Côn, Nguyễn Uy giữ thành Trường Đồn, Phạm Ngạn giữ Trấn Biên, Đặng Xuân Phong giữ Bình Thuận, Diên Khánh rồi hợp binh các đạo tại cửa Cần Giờ định ngày rút về Qui Nhơn. Văn Long hỏi Huệ: - Nay ta mới bình chứ chưa yên được đất Gia Định. Lê Chu, Nguyễn Uy, Phạm Ngạn đều là người hữu dũng vô mưu không biết phép trị dân, nay ở lại trấn Gia Định e lòng người không phục. Huệ đáp: - Ta cũng biết thế, nhưng lúc xuất binh ở Qui Nhơn đại huynh dặn dò ta khi chiếm được Gia Định phải để ba người này trấn thủ ba dinh, rồi rút đại binh về Qui Nhơn để phòng quân Trịnh xâm phạm mặt Bắc. ta để Lê Chu, Phạm Ngạn, Nguyễn Uy trấn thủ ba dinh là làm theo lệnh đại huynh mà thôi. Nguyễn Văn Tuyết vểnh râu nói: - Nguyễn Uy, Lê Chu, Phạm Ngạn là do Chúa công lập trường đấu võ tuyển dụng ra. Chúa công đố tài tướng quân nên để ba người này trấn Gia Định để làm vây cánh ở cõi ngoài mà thôi. Huệ ôn tồn bảo Văn Tuyết: - Tuyết nói sai rồi! Chẳng qua đại huynh ta thấy các ông đều là hào kiệt nên muốn cùng ta về Qui Nhơn đề phòng quân Trịnh. Tuyết chớ nói càn mà mang tội khi quân. Văn Tuyết quỳ tâu: - Tướng quân là người trung hậu, tình nhà nghĩa nước vẹn đôi bề. Đối với Chúa công hết dạ trung thành, chúng tôi rất lấy làm kính phục. Bản thân Tuyết tôi chịu ơn cứu mạng của Chúa công, nguyện đem thân này ra đáp trả. Nhưng Tuyết tôi nghĩ sao thì nói vậy, Chúa công là người nhân hậu, vì thương người nghèo mà dấy nghĩa cứu dân, nhưng Chúa công tánh hay đố kỵ người tài trí hơn mình, e bất lợi cho đại sự, tướng quân nên tính trước. Tuyết tôi nói thế là vì quốc dân mà thôi. Xin tướng quân tha tội. Nguyễn Huệ trợn mắt quát: - Văn Tuyết to gan! Nếu không nghĩ ngươi là một công thần theo đại huynh ta từ lúc Tây Sơn dấy nghĩa, ta giết chết không tha. Nói rồi đuổi Văn Tuyết ra ngoài, truyền quân xuất phát đem đại binh về Qui Nhơn.