Khi Tôn Võ nghe Tiêu Đình Quý nói như vậy thì mắng lớn: - Đồ thất phu! Đừng có nói láo. Khi đó Dương Tôn Bảo năn nỉ lo lót với ta, nào ta có kèo nài chi đâu mà ngươi nói gian cho ta như vậy? Tiêu Đình Quý nạt lại, nói: - Vả Nguyên soái ta là người thế tộc, vương hầu, danh vang thiên hạ, chấp chưởng binh quyền, lẽ nào lại chịu năn nỉ với ngươi để lo lót tiền bạc hay sao. Tôn Võ nói: - Xin Bao đại nhân xét lại. Vả Tiêu Đình Quý khi trước đã đánh tôi, nay lại nhục mạ tôi như vậy thật là không nể gì luật pháp. Bao Công nạt Tiêu Đình Quý: - Ngươi chớ nên lỗ mãng như vậy. Liền khiến quân kéo Tiêu Đình Quý ra, rồi khiến đòi Trầm Quốc Thanh vào hỏi: - Ngươi nên nói rõ Trầm thị hiện nay ở đâu? Trầm Quốc Thanh thấy có mặt Y thị ở đó liệu bề không dấu được liền khai: - Trầm thị đang ở Ni am. Bao Công liền khiến Trương Long, Triệu Hổ đến ni am mà bắt Trầm thị về. Không dè Trầm thị hay được việc ấy, liệu bề trốn tránh không nổi nên đập đầu vào cột tự vẫn. Trương Long, Triệu Hổ đến nơi thấy sự việc như vậy liền trở về báo lại với Bao Công. Bấy giờ Bao Công xem xét và luận án: -“ Nếu Trầm thị muốn minh oan cho chồng mình sao không đến pháp đường mà đối nại, lại liều mình như vậy, ấy rõ ràng là cha con Lý Thành mạo nhận công lao rồi đó. Hễ rõ án cha con Lý Thành rồi thì Dương Tôn Bảo khỏi tội giết oan người có công. Còn Tiêu Đình Quý đánh khâm sai, lẽ thì cũng nên luận tội, song nghĩ vì Tôn Võ làm điều trái phép nên Tiêu Đình Quý nổi nóng mà làm càn, chớ không có ý đồ, nên rộng dung cho Tiêu Đình Quý. Tôn Võ khai Dương Tôn Bảo sài hết của kho nên lo hối lộ. Việc này sẽ sai người ra Tam Quan minh xét rồi sẽ luận tội. Địch Thanh làm mất chinh y, chẳng mấy ngày cũng lấy lại được, lại lập nên công lớn, thì lấy công mà dồn tội cũng được. Trầm thị đã dâng tờ ngư trạng giữa triều đình, lẽ thì phải tra xét cho ra người chủ sử mà định tội luôn, song bây giờ Trầm thị đã thác rồi, không còn tra cứu được thì cũng bỏ qua tội người chủ sử Tôn Võ cãi lời chiếu mạng, không tra xét lương thảo, kèo nài hối lộ, tuy của tang còn chưa rõ nhưng chứng cứ đã có. Dù vậy cũng không đến nỗi tử hình. Trầm Quốc Thanh làm đến Ngư sử, hưởng lộc triều đình, đã không lo đền nợ nước lại mong lòng hãm hại trung lương, gian ác như vậy xử tử đã đành. Y thị là người hiền đức, khuyên chồng không được phải liều thân. Đàn bà như vậy thật đáng là bậc trung quân ái quốc thì cũng đáng ban khen mà làm gương cho người khác. Còn con tỳ nữ Tố Lan, tuy bị oai chủ nhà bắt buộc, song cũng là một đứa bất trung, án ấy đáng tội treo cổ. Nếu ngũ hình không kịp thì làm sao ngăn kẻ gian tà, có công mà không thưởng thì lấy chi mà khuyên người lương thiện. Vì vậy tôi hết lòng kính cẩn mà định rõ án này." Khi Bao Công lên án rồi thì khiến đem Tôn Võ, Trầm Quốc Thanh và con tỳ nữ Tố Lan giam vào ngục, còn Y thị và Tiêu Đình Quý thì cho về hết. Hôm sau, Thiên tử lâm trào, bá quan bái kiến xong, Bao Công dâng tờ án cho Thiên tử xem. Thiên tử xem rồi, nổi giận nói: - Giận lũ tặc thần không kiêng phép nước, nếu không có Bao khanh về triều thì Trẫm đã lầm mưu mà giết oan tôi lương đống. Nay Trẫm y theo lời Bao khanh trừng trị theo bản luận án. Còn Y thị là người đàn bà có lòng ngay thẳng như vậy, thật đáng khen. Vậy Trẫm gia phong làm Trung liệt Nguyên hậu, mỗi năm ban bổng lộc hai lần, gia tài của Trầm Quốc Thanh giao cho Y thị quản thủ hết. Như vậy Y thị đã may sống lại còn được hưởng phú quí vinh hoa. Còn Địch Thanh lấy công đền tội, mà không được phong làm Nguyên soái, chờ ngày lập được công sẽ phong thưởng. Khi Bao Công lui chầu thì dẫn Trầm Quốc Thanh, Tôn Võ và Tố lan ra pháp trường xử y như bản án. Thi hành bản án xong, Bao Công vào triều phục chỉ thì Thiên tử ban thưởng cho Bao Công rất nhiều vàng bạc, nhưng Bao Công từ chối không nhận, chỉ quỳ tâu: - Xin Bệ hạ sai người ra Tam Quan mà tra xét kho tàng cho minh bạch, để biết rõ nội tình. Thiên tử phán: - Vậy thì trong trào hiện nay ai có thể làm việc ấy? Bàng Hồng quỳ tâu: - Tôi nghĩ tội Địch Thanh làm mất chinh y, mà Dương Tôn Bảo không tâu cùng Bệ hạ thì hai người ấy đều phạm tội khi quân, xin Bệ hạ xét lại. Bao Công nghĩ thầm: - Ta đã không hạch tội nó ra thì thôi, nó còn muốn bước ra nữa. Nghĩ như vậy quỳ tâu: - Khi trước Bàng Quốc trượng tiến cử Tôn Võ ra Tam Quan tra xét thương khố, nay Tôn Võ bị tội thì Bàng Quốc trượng cũng liên can về tội tiến cử bất lực. Vả lại Tôn Võ lại đòi ăn hối lộ cho Bàng Quốc trượng nữa thì tội của Bàng Quốc trượng còn nhiều hơn tội của Dương Tôn Bảo. Xin Thánh thượng theo phép nước mà trị tội. Thiên tử nghe Bao Công tâu như vậy thì phán: - Đây là việc nhỏ mọn mà cũng không có chí làm chắc. Thôi, Trẫm cũng bỏ qua không làm tội cho hai đàng hết. Bàng Hồng tạ ơn. Vừa muốn tâu nữa thì Thiên tử phán: - Bàng khanh chẳng nên nhiều lời. Bàng Hồng tâu: - Chẳng phải là tôi tranh cãi đâu. Tôi chỉ có ý muốn tiến cử một người ra Tam Quan mà tra xét thương khố thôi. Thiên Tử hỏi: - Vậy ý khanh muốn tiến cử ai? Bàng Hồng tâu: - Có Binh bộ Thượng thư là Tôn Tú tánh rất công bình, chính trực, nếu Bệ hạ sai người ấy thì rất tốt. Thiên Tử liền hỏi Bao Công: - Nên sai Tôn Tú đi việc ấy hay không? Bao Công tâu: - Nếu sai Tôn Binh bộ đi thì cũng được việc. Thiên Tử nghe theo, trên truyền cho Tôn Tú ra Tam Quan mà tra xét thương khố. Bàng Hồng lại tâu: - Nếu Bệ hạ sai Tôn Tú thì cũng nên giao cho Tôn Tú đem Thánh chỉ ra Tam Quan luôn thể. Bao Công nghe Bàng Hồng tâu như vậy thì nghĩ thầm: - Loài gian tặc thật là độc ác, còn muốn lập mưu Tôn Tú đi đặng mà hãm hại trung thần. Thôi ta cũng làm thinh để coi chúng nó làm điều gì quấy mà trị tội. Thiên Tử truyền bãi chầu. Các quan ai về dinh nấy. Khi Bao Công bãi chầu thì đến viếng Dư Thái hậu, thuật hết mọi việc cho Dư Thái hậu nghe, và khiến Trần Đạt, Tiêu Đình Quý hãy mau mau trở về Tam Quan kẻo lầm mưu gian thần. Hai tướng vâng lệnh ra đi. Kế đó, Tôn Tú đến từ giã Bàng Hồng. Bàng Hồng nói: - Bấy lâu nay cha con ta tính kế hại Dương Tôn Bảo Địch Thanh, té ra kế nào cũng không xong hết. Nay cha tính xin cho con ra đó thì con phải tìm cách mà hành động để trừ cho được hai tên ấy. Nhưng phải cho khéo léo kẻo lậu sự thì Bao Hắc tử chẳng chịu dung tình đâu. Tôn Tú nói: - Việc ấy xin nhạc phụ chớ lo, để con tới đó sẽ tùy cơ ứng biến. Nói rồi liền từ tạ ra đi. Hôm sau, Bao Công vào triều tâu rằng: - Nay tôi còn có một điều rất lớn, nên xin Bệ hạ tra xét cho minh bạch. Thiên Tử hỏi: - Vậy Bao khanh có chuyện gì hãy tâu cho Trẫm nghe? Bao Công tâu: - Việc này có liên can đến Tiên Đế, ảnh hưởng rất lớn đến triều-đình, nên lâu nay dẫu tôi có tài năng đến đâu cũng không tra xét được. Lúc ấy các quan nghe Bao Công tâu thì lấy làm lạ không biết việc chi, còn Thiên Tử thì vội vã hỏi: - Việc gì mà quan trọng như vậy? Bao Công tâu: - Nay tôi xét lại lý lịch của Bệ hạ thì cũng không thiệt là Thiên Tử, cho nên phải lấy lý mà luận cho minh. Thiên Tử và quần thần nghe nói thì ai ai đều sửng sốt, lấy mắt nhìn nhau. Bàng Hồng tâu: - Bao Chuẩn tâu lời ấy thật là đáng tội khi quân, xin Bệ hạ lấy phép mà trừng trị. Thiên Tử hỏi Bao Công: - Khanh gọi Trẫm không thiệt là Thiên Tử. Vậy khanh còn biết Thiên Tử nào thiệt hay không? Bao Công tâu: - Nếu bệ hạ có bằng cớ chi trong mình thì mới thiệt Thiên Tử, còn như không có bằng cớ thì chắc là còn có chơn mạng Thiên Tử khác nữa, song tôi không biết lưu lạc nơi đâu. Thiên Tử nghe nói thì cười rằng: - Vả khanh là đạo làm tôi sao lại dám hỏi bằng cớ của Trẫm. Trẫm đã trị vì bảy tám năm nay, thì Hoàng thân Quốc thích, văn võ bá quan không ai dám nói tiếng chi hết, sao khanh lại dám nói lời ấy. Bao Công lại tâu: -Xin bệ hạ thiệt cho tôi rõ, rồi sẽ tâu hết các việc cho Bệ hạ nghe. Vậy chớ trong long thể của Bệ hạ có dấu tích cho khác hơn người thường chăng? Thiên Tử nghe hỏi thì cười rằng: - Trong bàn tay của Trẫm có hai chữ SƠN HÀ còn ở bàn chân Trẫm có hai chữ Xã Tắc Như vậy có làm bằng cớ được chăng? - Như vậy thì Bệ hạ quả là chơn mạng thiên tử rồi, ngặt bây giờ Bệ hạ không rõ mẹ đẻ của Bệ hạ là ai. Thiên Tử nói: - Mẹ đẻ của Trẫm đang ở tại Nam Thanh cung chớ ở đâu. Bao Công tâu Nam Thanh cung Địch thái hậu là mẹ đẻ của Lộ Huê Vương mà thôi chớ không phải là mẹ đẻ của Bệ hạ đâu. Thiên Tử nghe tâu lấy làm lạ, hỏi: - Khanh nói Nam Thanh cung Địch thái hậu không phải là mẹ của Trẫm, vậy khanh biết mẹ đẻ của Trẫm là ai không? Bao Công tâu: -Bây giờ Quách Hòe ở tại cung nào? Nếu Bệ hạ muốn biết mẹ đẻ của Bệ hạ thì cứ tra hỏi Quách Hòe thì mới rõ. Thiên tử nghe tâu liền chỉ Thái giám vào Vĩnh An cung triệu Quách Hòe. Thái giám vâng lệnh ra đi. Thiên Tử lại hỏi Bao Công: - Nếu Bao khanh hiểu biết việc ấy thì tâu rõ cho trẫm nghe. Bao Công liền tâu hết các việc bị gíó thổi bay mão nơi Trần Kiều, đến việc gặp Lý Thần Phi trong lò gạch. Thiên Tử nghe tâu cả mình rởn ốc, ngồi sửng sốt,không nói chi đặng. Còn các quan thì ai nấy đều sửng sốt, song không biết chân giả thế nào. Nguyên Quách Hòe là người tâm phúc của Lưu thái hậu nên thì khi Nhơn Tôn lên ngôi thì Thái hậu gia phong Cửu tích cho Quách Hòe, lại cho phép an dưỡng thân già nơi Vĩnh An cung, khỏi việc sai khiến chi hết. Vì vậy cho nên Quách Hòe ỷ có quyền thế thì nội trong cung muốn giết ai thì giết, muốn đánh ai thì đánh mà chẳng ai dám nói điều chi. Mỗi ngày Quách Hòe cứ ăn tiệc và chơi cờ, không biết tới việc chi hết. Ngày kia có Thái giám vào báo với Quách Hòe: - Thiên Tử truyền triệu đến cung. Quách Hòe cười nói: - Ta là người an nhàn vô sự, có việc chi mà Thiên Tử triệu ta? Ngươi hãy trở lại mà tâu cùng Thiên Tử là ta mắc uống rượu, không rảnh mà đi chầu. Nếu có việc chi cần thì chờ lúc ta rảnh ta sẽ đến. Thái giám nghe nói như vậy thì đem lòng giận, song không dám nói gì hết, cứu đem lời ấy về tâu lại cho Thiên Tử nghe. Thiên Tử nổi giận nói: - Loài súc sanh! Nó ỷ thế Thái hậu mà không kiêng phép nước. Thôi, Trẫm cũng vị tình Lưu Thái Hậu mà cho triệu một phen nữa. Bèn sai nội thị đi mời Thái giám đến nói với Quách Hòe rằng: - Nay có việc quốc gia đại sự mà văn võ bá quan không nghị nổi, nên phải cho đòi Thái giám đến, không được nghịch chỉ. Nội thị vâng lệnh đến thẳng Vĩnh An cung nói lại y như lời Thiên Tử. Quách Hòe nghe nói thì cười rằng: - Dầu có việc đại sự đi nữa thì bá quan văn võ nội trào lại không có người nào toan liệu hay sao. Ta là người già cả rồi mà lại không phải công việc của ta nữa. Thôi để ngày nào ta rảnh ta sẽ đến. Lưu Thái Hậu nói: - Nếu nói như vậy thì trái lẽ quân thần rồi. Ta e không khỏi triều thần dị nghị. Quách Hòe nói: - Có việc chi mà triều thần dám dị nghị. Thái hậu nói: - Thiên Tử vời nhà ngươi đã hai lần mà ngươi không chịu đến thì không phải ngươi khinh dể Thiên Tử sao? Thôi, phải đi chầu một chút cho khỏi miệng quần thần bàn luận thị phi Quách Hòe nói: - Nương nương phỏng đoán như vậy chớ triều thần ai dám dị nghị gì đâu. Lưu Thái Hậu nói: - Nhà ngươi đừng nói như vậy. Tuy trước mặt không dám nói nhưng sau lưng không khỏi tiếng thị phi. Quách Hòe nói: - Nếu Nương nương nói như vậy thì tôi phải đi. Lưu Thái Hậu nói: - Ngươi có đi thì đi cho mau để trở về cùng ta yến ẩm kẻo ta chờ. Quách Hòe vâng lời, khiến tả hữu đỡ mình lên kiệu đi vào chầu Thiên Tử. Nguyên Quách Hòe lúc này đã tám mươi ba tuổi, mà lại mập lắm nên đi không nổi. Mỗi. lần đi đâu đều phải có người đỡ mới được. Vào đến nơi, Quách Hòe tâu: - Chẳng hay Thiên Tử triệu tôi có việc chi?, Thiên Tử nói: - Vì có một việc rất oan ngày trước, nên Trẫm phải triệu ngươi đến mà xét việc ấy. Quách Hòe tâu: - Có việc chi quan trọng mà oan ức? Thiên Tử nói: - Trước đây mười tám năm có xảy ra việc ly miêu hoán chúa và thiêu hủy Bích Vân cung, khanh có biết không? Quách Hòe nghe nói thì kinh hãi, nghĩ thầm: - Việc ấy đã 18 năm, duy có một mình ta và Lưu Thái hậu biết mà thôi, tại sao hôm nay lại tiết lậu như vậy? Chắc là có chuyện bất thường, vậy ta cứ dấu nhẹm đi là hơn. Nghĩ như vậy liền tâu: - Việc ấy thiệt tôi không biết, xin Bệ hạ hỏi người khác thì hơn. Thiên Tử thấy Quách Hòe không chịu nói thì nạt lớn: - Nay việc đã tiết lộ ra như vậy mà ngươi còn giấu giếm nữa sao? - Quách Hòe tâu: - Việc ly miêu hoán chúa và tiêu hủy Bích Vân cung thì tôi đều không biết, xin Bệ hạ đừng hỏi đến tôi nữa. Nói rồi liền khiến kẻ tả hữu đỡ mình lên kiệu trở về cung. Bao Công thấy vậy nổi giận thộp ngực Quách Hòe nạt lớn: - Quách Hòe!Đến nỗi này mà ngươi còn không kiêng phép nước, dám vô lễ như thế sao? Quách Hòe nạt Bao Công nói: - Ngươi là người chi? Làm đến chức chi mà ngang tàng như vậy? Lời bàn.Trong cuộc sống ai cũng đua chen về danh lợi mà chính vì danh lợi đã đưa con người đến những hành động bất nhân, bất nghĩa, đến lúc hối hận thì việc đã lỡ rồi. Kẻ có lòng nhân đạo thì tránh không làm điều ác, dẫu chết cũng không hối tiếc. còn kẻ bất nhân,bất nghĩa vì thua vọng mà làm những việc vô nhân tâm, đến lúc xảy ra tội thì sợ chết, chối quanh. Không có kẻ nào tham lam lợi danh mà không sợ chết vì lợi danh là nguồn hưởng thụ của họ. Đã ham hưởng thụ thì sợ chết là lẽ đương nhiên. Quách Hòe lúc dấn thân vào con đường tội lỗi thì chớ nghĩ đến danh vọng và quyền lợi, rồi đến lúc bị tiết lộ là đau khổ vì sợ chết. Kẻ sợ chết thì lắm khi làm những việc trái đạo nghĩa.