Lời nói đầu

 

VẠN HUÊ LẦU là một bộ y truyện có giá trị sử liệu của TQ, được phổ biến rộng rãi sang Việt Nam từ xa xưa. Các vị cụ lão nước ta trước đây đã lấy tích truyện soạn ra tuồng hát và trình diễn khắp nơi trong dân gian, làm cho nhân vật trong truyện trở nên quen thuộc.
Truyện viết vào thời Tống, sau Ngũ Đại, Thập Quốc, thời kỳ mà “năm nước mười đời” đánh nhau liên miên, dân chúng chết chóc đói khát.
Bắt đầu từ năm 960, Triệu Khuông Dẫn cướp ngôi nhà hậu Chu, tiêu diệt các lực lượng phong kiến hùng cứ các nơi, thống nhất đất nước, trừ nước Liêu phía Bắc sông Hoàng Hà, đánh nước Hạ phía Bắc Trung Quốc... và đóng đô ở Khai Phong lập nên nhà Tống, lịch sử gọi là Bắc Tống (960- 1127).
Sau thời kỳ thống nhất, nước Tống luôn bị nước Liêu và nước Hâ ở phía Bắc Trung Quốc tấn công, làm cho nước Tống nhiều lần thảm bại.
Nước Liêu gồm các bộ lạc du mục ở phía Đông Bắc Trung Quốc đến phía Bắc sông Hoàng Hà, năm 916 gọi là nước Khiết Đan, sau đổi thành nước Liêu.
Nước Tây Hạ gồm các bộ lạc dân tộc Khương ở Tây Bắc Trung Quốc, thấy nước Tống muốn gồm thâu thiên hạ nên kéo quân xuống phía Nam tranh chấp.
Đến năm 1115, vùng Cát Lâm, Liêu Ninh lại nổi lên một quốc gia mới gọi là nước Kim.
Năm 1125, nước Kim tiêu diệt nước Liêu, rồi kéo binh xuống đánh Tống, bao vây Khai Phong. Vua Tống đầu hàng, nước Kim tạm rút lui về phía Bắc.
Năm 1127, Kim lại đánh Tống bắt được vua Tống là Tống Huy Tong và vua Tống Khâm Tông, phá nát kinh đô, làm cho nhà Bắc Tống bị diệt vong.
Sau khi quân Kim rút lui về Bắc, Triệu Cấm em của Khâm Tông, được một số tôi thần tôn lên làm vua ở Ưng Châu Hà Nam, xưng hiệu là Cao Tông thành lập nhà Nam Tống (1127-1287)
Nhưng triều đình Nam Tống nhu nhược, thu dụng nhiều tôi nịnh nên chính trị không vững vàng, nhiều lần bị quân Kim đánh phá làm cho nhân dân bị đói kém, sưu thuế nặng nề, phong trào nhân dân khởi nghĩa nhiều nơi, gồm cả cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Lương Sơn Bạc do Tống Giang điều khiển.
Nói về việc cải tổ, chỉnh đốn việc cai trị thì thời Bắc Tống có cuộc cải cách của Phạm Trọng Yêm, thời Nam Tống có cuộc cải cách của Vương An Thạch, nhưng cả hai cuộc cải cách ấy cũng không cứu vãn được tình thế.
Triều Tống có hai lần kéo quân đến đánh Việt Nam, nhưng cả hai lần đều bị thua thiệt.
Lần thứ nhất vào năm 981, quân Tống bị Lê Hoàn đánh bại ở sông Bạch Đằng, tướng Tống là Hầu Nhân Báo bị giết chết.
Lần thứ hai vào năm 1076, nước Tống lại đem quân xâm lược nhưng Lý Thường Kiệt đánh phá không vượt qua nổi sông Cầu và binh Tống bị giết chết quá nhiều, nên tướng Tống là Quách Quỳ phải rút quân về nước.
Đến thế kỷ XIII, quân Mông Cổ bành trướng khắp nơi ở Châu Á, và Đông Âu, năm 1234 diệt nước Kim, năm 1297 diệt Nam Tống thành lập nhà nước Nguyên ở Trung Quốc.
Đó là bối cảnh chung của một số truyện ghi lại tình hình Trung Quốc thời ấy.
Vạn Huê Lầu dựa theo những thập niên đầu của thời Bắc Tống giai đoạn chống lại nước Liêu, và những diễn biến nội bộ của triều đình nhà Tống.
Phần nội bộ phản ánh hai phe trung và nịnh âm mưu chiếm đoạt quyền thế, tạo ra nhiều âm mưu xảo trá, tác động vào chính trị của Tống triều.
VẠN HUÊ LẦU là một quán rượu, được lấy tên đặt cho bộ truyện, nơi đó là chỗ gặp gỡ của các anh hùng khí phách, mà cũng là nơi mâu thuẫn giữa trung và nịnh, giữa chánh và tà làm cho cốt truyện lắm điều kỳ thú.
Phần nổi bật nhất trong truyện là Bao Công xử án Quách Hoè sau mười sáu năm mới phát giác. Mặc dù Quách Hoè được Hoàng thái hậu che chở, song Bao Công là người ngay thẳng, tôn trọng công lý, nên đã vạch trần âm mưu của nịnh thần qua những hành động gian ác chôn chặt trong qúa khứ.
Đọc VẠN HUÊ LẦU chúng ta tìm hiểu được lòng người tự ngàn xưa, vẫn phân định hai ranh giới thiện, ác, và đó là những bài học mà chúng ta tìm hiểu trong lẽ sống con người.
........
Mùa thu năm 2000.
MỘNG BÌNH SƠN.