Người thanh niên gặp lại người đàn bà tại gốc cây sồi vào lúc hai giờ bốn mươi lăm phút chiều. Lúc ấy chưa có người nào đến trường đón con và cảnh vật sau ngôi trường vắng vẻ yên lặng chẳng khác gì buổi chiều hôm trước. Nắng chiều của những ngày đầu tháng mười vẫn còn long lanh trên cây cỏ và gió của những ngày chớm thu bắt đầu thoang thoảng lạnh. Người đàn bà tươi cười chào hỏi khi người thanh niên tiến đến gần: - Em ra đây đón cháu? - Dạ phải - Anh ta nói. Câu trả lời của anh ngắn gọn, ngay vào câu hỏi, không lan man, không thừa thãi, và cũng không tiết lộ thêm điều gì xa hơn. Tuy nhiên, anh ta đã ngồi cạnh bà một cách thân mật như buổi chiều hôm trước. Ngại ngùng vì cử chỉ kỳ lạ của anh nhưng người đàn bà vẫn tỏ ra bình thản. Đưa ánh mắt lướt trên sóng cỏ chạy xa đến những khóm cây và những ngôi nhà xa xa bên dưới chân đồi, bà không mảy may tỏ ra chút quan tâm nào đến sự hiện diện của người thanh niên đang ngồi bên cạnh. Bất chợt người thanh niên lên tiếng, tiết lộ: - Em chỉ đón cháu của em vào ngày thứ hai hay ngày thứ ba, còn những ngày khác mẹ em đón Kevin vì em phải đi làm Người đàn bà nhìn người thanh niên, đáp lại với cái gật đầu nhè nhẹ: - Thảo nào trước đây chị không thấy em, cũng không gặp em đưa cháu của em đến trường. - Tại chị không để ý đến em thôi. Em thường đứng ở góc đàng kia kìa - Người thanh niên vừa nói vừa chỉ tay về dãy phòng mới xây phía sau khuôn viên trường trong lúc người đàn bà nheo mắt: - Thật vật ư? Câu nghi vấn của người đàn bà dường như dửng dưng với điều người thanh niên vừa tiết lộ, nhưng thực ra, tâm trí của bà đang lục lọi trong trí hình ảnh một người phụ nữ Việt nào đó thường đưa đón cháu của người thanh niên vào những ngày thứ tư, thứ năm và thứ sáu. Bà nhớ ra là thỉnh thoảng bà có gặp vài người Việt nhưng họ thường đến trường đúng vào lúc tan học và vội vã đưa con về ngay. Duy chỉ có một người đàn bà dáng thon gầy, khuôn mặt trung hậu với mái tóc bới gọn sau ót thường đến sớm hơn những người kia đôi chút và đón thằng bé cỡ năm tuổi với chiếc cặp nhựa, đủ màu kiểu Việt Nam sản xuất thì luôn luôn tránh né và lẩn khuất khi bà muốn trực diện và chào hỏi làm quen. Thái độ của người đàn bà ấy chẳng làm cho bà ngạc nhiên bởi vì bà đã gặp khá nhiều người Việt khác cũng có thái độ tương tự như vậy. Những người Việt sang Mỹ lâu dường như chẳng muốn giao tiếp nhiều. Đa số không muốn người khác biết tông tích về chỗ cư ngụ, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình hay những cái riêng tư mà họ có được ngay từ lúc ở Việt Nam. Mặc dù là người thích giao tiếp và kết giao với những người đồng hương, thái độ xa lánh tương tự như thế đã làm bà phải giữ thái độ chào hỏi chừng mực và khách sáo. Càng ở Mỹ lâu, càng thấu hiểu sự tự tách biệt và cô lập của một số người Việt cho nên bà thông cảm thái độ của bà mẹ của người thanh niên mặc dù bà không hiểu lý do gì mà hai mẹ con có thái độ đối với bà hoàn toàn trái ngược nhau: Trong khi người mẹ càng xa lánh chối bỏ, người con càng ân cần kết giao. Người thanh niên tiết lộ thêm: - Những ngày khác em học làm móng tay và làm móng bột ở tiệm mà chị em đang làm. Thót người như vừa nghe tin nhà bị cháy, người đàn bà chau mày hỏi liên tiếp: - Em? Làm móng bột? Làm móng tay? Ở Việt Nam em làm gì, em học đến đâu mà sang đây làm móng tay? Người thanh niên cúi đầu: - Không làm gì, nhưng em đã học xong năm nhất đại học. Sau đó phải chăm sóc ba bệnh rồi chuẩn bị sang đây nên em nghỉ học. Đến đây không có việc làm lại chưa rành đường sá nên ngày nào em cũng đi theo chị em học làm móng tay cho đỡ chán. Nhưng mà... Người thanh niên ngập ngừng bỏ lửng câu nói và người đàn bà đã tiếp lời của anh: -... em không thích nghề đó! Người thanh niên gật đầu không nói thêm, đôi mắt u buồn nhìn xa xa. Người đàn bà im lặng, tự giải đáp thắc mắc về thái độ kỳ lạ của người thanh niên mà bà mơ hồ từ phút đầu gặp mặt. Người thanh niên này chỉ mới vừa học xong năm thứ nhất Đại Học, sang đây một năm, phỏng tính theo thời gian ngừng học ở Việt Nam và định cư tại Mỹ, anh ta lớn hơn hai người con lớn của bà, cậu Phụng và cô Loan, độ hai, ba tuổi gì đó, có lẽ khoảng hai mươi, hai mốt. Thích thú với điều biết được và cho rằng sự gần gũi của người thanh niên đối với bà là cách biểu lộ cử chỉ thân mật của một người nhỏ tuổi đối với người lớn tuổi mà anh đã từng quen như thế, người đàn bà cười thật tươi, nói với người thanh niên: - Học Đại học năm thứ nhất ở Việt Nam sang đây ghi danh học Đại Học rất dễ dàng; chỉ cần em cố gắng là được thôi. Người thanh niên lắc đầu với đôi mắt buồn sâu thắm: - Hoàn cảnh em thì không dễ. - Lúc mới sang Mỹ chị cũng có ý nghĩ như vậy nhưng thực tình ở vào hoàn cảnh nào trên đất nước này nếu cố gắng sẽ thực hiện được tất cả những gì mình mong muốn. Vấn đề quan trọng là mình có kiên trì hay không - Người đàn bà nói thao thao một lúc rồi hỏi người thanh niên - Em có còn giữ bằng tốt nghiệp trung học ở Việt Nam không? - Dạ có. - Vậy thì em chỉ cần tìm nơi dịch bằng tốt nghiệp trung học của em sang tiếng Anh và thị thực. Sau khi bằng đã được thông dịch và công chứng, em nên đến trường Đại Học M. hay C. ghi danh thi TOEFL. Sau kỳ thi xét trình độ Anh Ngữ này, nhà trường sẽ báo cho em biết là em có thể trực tiếp vào Đại Học hay không. Trước đây, chị có ghi danh học vài lớp ở trường Đại Học M. ở Boston nhưng vì có con nhỏ khó khăn trăm bề nên chị đành phải bỏ dở. Còn em mới qua Mỹ, được mẹ và chị lo cho nơi ăn chốn ở thì chuyện học đại học ở nước này không khó khăn đâu. Chưa đi làm, chưa có thu nhập, nếu ghi danh học toàn thời gian thì em có thể xin trợ cấp học phí nữa đấy! - Từ đây đến trường đại học nào gần hơn hả chị? M. hay C.? - Đại học C. Nếu lái xe, em chỉ cần khoảng bốn mươi phút. Nếu không, thì phải tìm nơi lấy xe điện ngầm và xe buýt. Tiếc rằng bây giờ em muốn ghi danh thi vào đại học thì đã trễ rồi vì các trường đều đã nhập học xong. Theo chị nghĩ, lấy bằng lái xe là việc cần nhất cho em lúc này. Ở vùng này, không có xe và không biết lái xe, như người không chân. Chị không hiểu là em đã có bằng lái chưa? Người thanh niên lắc đầu: - Em rất muốn học lái xe để lấy bằng nhưng vì chưa lấy được bằng luật nên không thể nhờ ai dạy cho. - Em nên học tại trường chứ không nên nhờ ai dạy. Phải tìm nơi lấy xe buýt và xe điện ngầm đến nơi học. - Em cũng biết là phải làm như vậy - Người thanh niên gật đầu, nói với giọng trầm trầm - Cả mẹ và chị em không thích tiếp xúc với bên ngoài cho nên khi bảo lãnh em sang đây theo diện đoàn tụ gia đình, em không có được người nào hay hội bảo trợ nào giúp đỡ hay chỉ dẫn việc nào nên làm trước, sau. Chị em lại là người biết ít chữ Mỹ lại bận rộn với công việc làm, thỉnh thoảng chỉ mới đưa em đi chợ, còn thường ngày thì đưa em đến tiệm làm móng tay mà chỉ làm để em học nghề ở đó mà thôi. - Nói như vậy có nghĩa là mẹ và chị em đến Mỹ trước em hả? - Dạ đúng vậy! Mẹ và chị em sang đây từ năm 1993 kia. Đáng lý cả gia đình em được đi cùng và đến Mỹ sớm hơn thế nhưng vì giấy tờ đi theo diện con lai bị trục trặc hoài. Đến khi cả gia đình em có giấy xuất cảnh, bà nội em bệnh nặng, ba em không nỡ bỏ đi và em cũng quyết định ở lại theo ba và nội. Người đàn bà ho khúc khắc trong khi gật đầu, cố gắng chăm chú lắng nghe lời người thanh niên nói, và giữ mức lịch sự nhất định, không hỏi gì thêm dù thắc mắc khá nhiều về mối quan hệ gia đình của anh ta. Người thanh niên tiếp tục: - Qua đây được ba bốn năm, chị em lập gia đình và vợ chồng chỉ sống chung với mẹ em. Ở với nhau được một năm thì anh chỉ có cháu Kevin nhưng sau khi có Kevin hai người lục đục với nhau luôn. Đến lúc Kevin được bốn tuổi thì ảnh chỉ chính thức ly dị. Hai người ly dị năm ngoái, đúng vào năm em sang đây. Người đàn bà chép miệng, nói một cách thông cảm: - Vậy là em đã không được may mắn vì không được sự giúp đỡ của anh rể em trong bước đầu khi mới đến đây. Người thanh niên gật đầu trong im lặng và người đàn bà hỏi một cách dè dặt: - Chị của em... đã có bằng lái xe chưa? - Dạ rồi. Thì em nói chỉ đưa em đi chợ và đến chỗ làm chỉ có nghĩa là chỉ chở em đi đó! Chị mới lấy bằng chỉ hơn một năm thôi. Biết ảnh nhất định muốn ly dị nên chỉ lo thi lấy bằng lái xe ngay. Nhưng chỉ không thể chở em đến nơi nào khác ngoài chỗ làm vì chỉ làm suốt cả tuần chứ không lấy ngày nghỉ như người khác. Cố nén cơn ho khan đang hành hạ một lúc, người đàn bà ôn tồn nói: - Nếu em muốn, chị có thể đưa em đến chỗ thi lấy bằng luật, và chỉ nơi học thi lấy bằng lái. Nếu em muốn hướng dẫn đến chỗ lấy xe buýt hay các thư viện để em mượn sách báo hay tra cứu các trang trong internet, chị sẽ chỉ cho. Chị cũng có thể giúp em lấy địa chỉ và bản đồ để tìm đường đến các trường đại học trong tiểu bang Maryland này nữa. Người thanh niên gật đầu: - Em mong được giúp như vậy. Người đàn bà chưa biểu lộ hết vẻ ưng thuận của mình đã bật lên một tràng ho kéo dài đến độ khuôn mặt trắng mịn của bà trở nên đỏ ửng. Sau khi dằn được cơn ho bà đứng lên nói với người thanh niên: - Nếu thế thì chị sẽ tìm những câu vấn đáp thi bằng luật rồi ngày mai chị sẽ đưa cho em. Khi nào em học xong cho chị biết chị sẽ chở em đi thi. Người thanh niên mỉm cười. Đó là lần đầu tiên người đàn bà thấy nụ cười trên đôi môi lạnh khô và ánh mắt tươi vui trong đôi mắt đen buồn của anh ta. Người đàn bà lắc đầu: - Không phải đâu, chị thường bị ho như thế! Bây giờ chị phải đi đón cháu. Hẹn gặp em sau. Người thanh niên đứng phắt dậy, hỏi nhanh: - Chị chưa cho em biết tên chị? - Kim Cúc. Dứt lời, người đàn bà vội vã bỏ đi ngay. Những tiếng ho khan của bà vẫn còn vang đằng sau lưng.