Anh Hoà không cần nhắc lại tên anh với những người đã gặp anh một hay đôi lần thì họ cũng chỉ nhớ sai được nhiều nhất về tên anh là: Bình. Ngoài hai từ ngữ ấy, thật khó nghĩ đến những cái tên: Hùng, Cường, Mạnh, Dũng… cho gương mặt không hề gây hấn của anh. Tôi biết anh tình cờ ngoài quán cà phê Việt Nam.
Hôm đó, tôi đang tào lao thiên đế với ông bạn gìa, anh ấy đến từ phía sau lưng bạn tôi nên anh chào tôi trước, chào bạn tôi, sau. Anh nói với ông bạn tôi:
“Chào chú Sâm, tôi xin lỗi đã thất hứa với chú. Tôi hẹn trả chú hôm kia nhưng anh em cắt cỏ không lãnh tiền kịp. Tối hôm qua mới lãnh được tiền, tôi về thì chú đã ngủ, sáng ra lại không gặp chú, không ngờ gặp chú ở đây.”
Ông bạn tôi, lắng nghe những lời trần tình, phân bua trong tình thân hữu như ông thường đối xử với ai cũng vậy. Tôi cũng qúy trọng ông ở điểm đó. Con người ta, thuở hàn vi thường cúi xuống tìm bạc cắc mà mấy cha cầm viết ưa lên giọng văn hoa gọi là mặc cảm. Nhưng cũng con người ta, khá rồi mà cái mặt không vênh lên cho người khác dễ tát tai, không khinh khỉnh với những người quen cũ thì hiếm lắm! Thường mấy cha cầm viết cũng không quên tặng cho những ngôi sao mới mọc trên vòm trời rủng rỉnh cụm từ: “láu cá chó”. Kỳ. Người ta có của ăn, của để thì da dẻ đương nhiên hồng hào vì không mất ngủ, trằn trọc…, mặt mày hớn hở như gái xuân thì thì mấy cha lại không bảo là: phương phi mà đổ hô là: phì nộn một cách trí trá, mấy cha lại bảo: “Mặt má bầu nhìn lâu mắc chửi.” Tôi nghỉ chơi với cây viết cũng lâu rồi vì sợ bị xếp vào thành phần nắng không ưa, mưa không chịu, ưa chõ mỏ vào chuyện thiên hạ. Ngồi nghĩ lung trong đầu chứ dám nói ra đâu! Ngồi nhìn vai chánh trong phim “Những người khốn khổ” móc túi quần lấy tiền ra, vừa cẩn thận, vừa xót xa. Rứt tờ hai chục là tờ giấy bạc lớn nhất, duy nhất trong xấp tiền mỏng te. Anh không trao tay chú Sâm mà đặt xuống bàn, rồi cáo lui. Ông bạn tôi nói với anh:
“Anh có kẹt thì cứ dằn túi mà xài, lúc nào có được kha khá thì trả tôi cũng được.
Lúc này, anh có việc đều chứ?”
Anh Hòa từ tốn trả lời:
“Dạ. Dạo này, tôi theo mấy anh em cắt cỏ thì có việc, có tiền. Nhưng cực qúa chú ơi! Phần tiền tôi mượn chú thì xin chú nhận lại để khi cần, tôi mới dám hỏi mượn nữa. Chú cho mượn lúc ngặt là qúy lắm rồi! Cảm ơn chú Sâm, nhiều.”
Anh ta cáo lui lần nữa bằng cử chỉ ơn nghĩa của kẻ thấp hèn trước đại ân nhân làm tôi thấy xót xa trước mãnh lực đồng tiền. Anh đi về phía bàn có bốn nguời đàn ông không còn trẻ, tóc ai cũng đã nửa muối, nửa tiêu, nhìn thì biết ngay: Họ hành nghề cắt cỏ thuê. Tôi còn đoán được xuất xứ của họ là những người đã bị Hãng xưởng thải ra vì kinh tế tụt dốc, sau thời khủng bố NewYork. Thành phần đã có tuổi, thiếu năng lực bị quẳng ra đường, quán cà phê là nơi họ có tri kỷ để trút bầu tâm sự. Vài người ăn ý, hạp tánh sẽ thành lập một đội quân cắt cỏ nghiệp dư, mới toanh, không nhằm mục đích cạnh tranh với Mễ mà chỉ chia cơm sẻ áo. Họ chỉ đi cắt cỏ cho nhà những người bạn còn việc làm, những người bạn còn việc làm đành cất cái máy cắt cỏ của mình vô nhà kho trong tiếng càm ràm của vợ nhưng nhắm mắt làm ngơ để nhường công việc cho những người bạn không may, đã mất việc trong tinh thần “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát… chờ nhau mục một thể cho trọn nghĩa tình - những người không có quê hương, Tổ quốc - những người đã ăn chung đám giỗ miền Nam từ 30/04/75.
Bốn người đàn ông cộng lại chừng hai trăm tuổi, đang coi thiên hạ dưới con mắt (hay mắt họ đã mờ theo giòng sống nên chẳng còn ai trong mắt họ ngoài tình nghĩa bạn bè.) Họ đang tận hưởng chút hơi máy lạnh bên ly cà phê buổi sáng, bên bạn bè để lấy nghị lực mà bước vào một ngày mới chói chang mặt trời chân lý. Thứ chân lý của người nghèo, bị bạc đãi, là: dãi nắng dầm mưa. Tôi cũng còn ba mươi phút nữa để lao vào một ngày như thế. Tôi thầm cảm ơn tôi đã biết nghĩ đến những người cũng cơ cực như mình. Cảm ơn ông bạn gìa đã và cũng cơ cực như tôi, cùng tôi những năm mới qua Mỹ ở Hãng xưởng, ở Nhà hàng cuối tuần để kiếm thêm cho đồng lương bấm thẻ qúa bèo. Nay ông rảnh nợ con cái vì chúng đã lớn, hai vợ chồng gìa cho luôn đứa con trai út mới lập gia đình, căn nhà mà họ đã tạo nên bằng mồ hôi nước mắt, trả hết bằng sức lực, tuổi đời. Gía trị hơn căn nhà cũ là bài học cho con cái ở tuổi trưởng thành nhìn ngắm sự thuận thảo vợ chồng sẽ làm được tất cả. Hai ông bà dọn ra apartment ở để có chút riêng tư… tình gìa. Không trách trên bàn bia, những người bạn cũ ngang hàng với ông, gọi ông là: Gìa lựu đạn. Ông chỉ cười.
Tôi đang nghĩ về một người đã đi qua con đường vạn khổ, nay sống trong nể trọng của bạn bè, tình thương con cái. Vẫn ngoái lại con đường mà mình đã đi qua để giúp đỡ, chia sẻ với những người sau về tuổi tác, đến Mỹ sau trong chuyện di dân là hành vi cao đẹp mà không phải ai cũng làm được. Người xưa nói: “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”. Nhưng ông này bằng tôi hồi mới qua đây, cùng bấm thẻ ở chung một lò sát sinh kỳ thị của tên chủ phân biệt chủng tộc thấy sợ luôn. Bây gìơ, ông đã ở trên tôi đến mấy (level) về mọi mặt. Nhưng thỉnh thoảng lại gọi tôi ra quán cà phê sáng sớm để thăm hỏi bạn bè cũ, để động viên, an ủi tôi tiếp tục con đường còn xa mới tới đích của tôi.
Hình như trời sinh ra ông để chia sẻ với những người khốn khó. Không chừng cái tên Sâm của ông do một định mệnh nào đó mà ông cụ thân sinh ra ông đã nhìn thấy hết cái nhân tâm của đứa bé khi mới lọt lòng mẹ. Ông đúng là củ Sâm, nhìn bề ngoài xấu xí phát ớn, nhưng có thể chữa lành bệnh tủi thân, mặc cảm của người khác.
Anh Hoà lại chào chúng tôi lần nữa khi anh theo những người cắt cỏ rời quán cà phê. Tôi nhìn theo người đàn ông có vẻ bệnh hoạn. Da anh háp nắng nhưng không che được sự ốm yếu, vàng võ của một căn bệnh tiềm ẩn bên trong xác thân còm cõi. Mái tóc mới chớm những sợi bạc răn đe tuổi tác, không chừng anh chỉ khoảng tuổi tôi. Đôi mắt anh ta sâu hun hút, nói lên sự chịu đựng dấu dưới hai hàng chân mày rậm. Cái mũi dọc dừa là đẹp nhất trên gương mặt anh, nhưng nếu cái mũi ấy nằm trên gương mặt một người nữ thì đẹp hơn vì người nam không cần cái mũi qúa đẹp như vậy. Anh có nụ cười hiền của một người cam chịu hơn là nổi loạn. Tôi nghĩ khùng: Không biết cha nội này biết chửi thề không ta? Nếu không thì đi tu cho rồi chứ cái kiểu, tướng anh ấy thật khó sống với đám âm binh bất phân tuổi tác ưa tụ tập ở quán này. Tôi suy nghĩ miên man tới lúc ông bạn tôi lôi tôi về thực tại, ông nói:
“Gía nó có một chút lanh lợi của anh (người Bắc ưa gọi người nhỏ hơn mình bằng anh - lịch sự Bắc phần) thì đỡ biết mấy, tôi giới thiệu cho nó một việc làm vừa sức, không mưa nắng, thu nhập tương đối là quét dọn, chất rượu, bia lên kệ, báo cáo tồn kho ở tiệm rượu của ông bạn tôi. Nhưng cái anh chàng này ngộ: bước vô tiệm rượu nửa tiếng là anh ta say. Cuối cùng cũng không làm được.”
Tôi được một trận cười nghiêng ngả. Có hôm vợ tôi cự nự: “Anh uống vừa thôi nha! Một ly không nói thì rót ly nữa. Hễ nói thì anh bảo khắt khe, không nói thì làm tới…” Tôi kể vợ nghe chuyện người đàn ông vào tiệm rượu nửa tiếng là say - không cần uống giọt nào. Vợ tôi nói: “Trời Phật mà cho chồng em bị bệnh ấy thì em ăn chay trường! Thề, trung thành với mít-tờ Bu Đà vạn tuế!”
Những điều tôi vừa kể về anh Hòa, có đã ba năm. Sau lần gặp, đó. Thỉnh thoảng tôi ghé ông bạn gìa uống trà buổi sáng, bia buổi tối. Ông bạn tôi ở phòng trên lầu, vợ chồng anh Hòa ở phòng dưới đất với hai đứa con nhỏ. Họ vật lộn với cuộc sống của người mới sang Mỹ định cư, tháng tháng phải mượn tiền ông bạn tôi để trả tiền apartment, khi trả được nợ thì tiền apartment lại tới, lại mượn. Cái nghèo nào cũng dễ sinh hục đục. Ông bạn tôi nghe chén, dĩa bay trong một đêm nào đó. Hôm sau ông nói với anh Hòa: “Ai mới sang đây cũng khó khăn lúc đầu, đừng đánh vợ, chửi con. Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn.” Anh Hòa chỉ dạ dạ… rồi lặng lẽ đi theo những người cắt cỏ để có cuộc sống cho gia đình.
Không bao lâu sau, lại một trận chén bay, dĩa bể. Ông bạn tôi định sáng ra, lôi anh Hòa ra quán cà phê để giảng cho một bài học mà đàn ông qua Mỹ phải thuộc lòng trước bài thi Quốc tịch là: Nhất đàn bà, nhì con nít, ba con chó, thứ tư mới tới đàn ông. Nhưng sự thể đã đi ra ngoài tưởng tượng của ông bạn tôi, mặt mày anh Hòa bầm tím những vết bị hành hung. Mọi chuyện đã rõ như ban ngày.
Vợ anh làm shop may vì có nghề may. Anh không tìm được việc chứ không phải lười biếng, không chịu đi làm (thật tình mà nói: Nếu tôi là chủ thì tôi cũng không dại gì mướn một người làm thuê nhếch nhác như anh. Nhìn không thấy một chút gì sinh lực hay sự lanh lợi cho những công việc cần giao tiếp). Anh không tìm được việc làm nên kinh tế, tài chánh gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Rồi lại gia đình ruột thịt của anh còn ở Việt Nam - đương nhiên nghĩ là anh qua Mỹ thì giàu rồi nên những “lá thơ quê nhà” tới tấp tấn công vào căn nhà trống của người mới sang định cư, không cần thấu hiểu cho anh bên đây! Ai cũng hiểu chỉ người nhà không hiểu là tình ca của “khúc ruột ngàn dặm”, đã vô hình chung châm thêm dầu vào lửa cho quan hệ vợ chồng anh. Chị nhà chỉ còn biết trông cậy vào người chị ruột đã bảo lãnh gia đình chị sang đây. Niềm hy vọng ở người chồng - trụ cột gia đình chỉ còn là hoang tưởng! Phần tôi cũng đã rõ: Anh mang chứng bệnh gan mà truy nguyên tiền thân của nó là sốt rét rừng từ những năm kinh tế mới chứ anh có rượu chè gì đâu. Sốt rét kinh niên phá qua đủ thứ trong lục phủ ngũ tạng, lại không tiền chạy chữa nên ngày càng làm cho anh mất sức lao động, tâm trí cũng sa sút trầm trọng. Nhìn anh lêu khêu như cây cột đèn sẵn sàng gẫy gập vì một thứ giông bão tội tình - giông bão thù hằn những người cứng cựa.
Tôi nghe những chuyện kể về người đàn ông hiền lành, về anh Hòa mà chính anh cũng không nghĩ là tôi có quan tâm đến anh. Tôi giới thiệu cho anh những việc làm khi hết mùa cỏ như đi bỏ menu cho nhà hàng. Anh chịu không nổi sự khắc nghiệt của thời tiết mùa đông. Đi giao pizza thì anh không rành đường (không biết coi bản đồ) nên cứ chạy trễ. Khách hàng cự nự chủ tiệm pizza nhiều lần, cuối cùng, họ đuổi anh như cuộc sống đào thải những người không năng lực thì biết làm sao bây gìơ? Tôi năn nỉ gẫy lưỡi cho anh chạy delivery cho một nhà hàng Seafood của tay chủ Tàu mà tôi quen biết. Anh chỉ làm được nửa ý muốn của chủ tiệm, một phần tư ý muốn của tôi vì chạy deli là sống nhờ tip, lương đâu có bao nhiêu. Người deli phải hoạt bát, “bắt mạch” khách hàng nhanh hơn bác sĩ thì mới sống nổi. Anh ngược lại ù lì, tiếng Anh qúa yếu thì lấy gì mà tán chuyện thời tiết, chiến tranh Iraq, chính trị gia ngoại tình, người mẫu tự tử, tài tử ly dị, Tông tông tuốt dây nịt trong Nhà trắng… với khách hàng lắm chuyện mà chỉ mỗi một chuyện coi được là không cần tiền thối!
Nhưng dù sao, tôi cũng mừng khi thấy cuộc sống anh đã khởi sắc về thu nhập và tôi thề không nổi giận với anh khi anh gọi tôi một ngày mươi bận về việc không biết đường đi đã chán - đường về đi lạc mới khốn nạn và chết mẹ người chỉ đường là anh không xác định được chỗ đứng (nơi lạc) thì làm sao tôi định vị trên bản đồ mà chỉ anh đường về lại Nhà hàng Seafood. Anh tìm không ra địa chỉ khách hàng nên giao hàng trễ lại không biết nói câu xin lỗi mà thường là nói sạo vì miếng cơm manh áo: “Giao thông tệ qúa do thời tiết đang mưa hay gìơ cao điểm, kẹt xe qúa nên tao đến trễ, ở đâu đó gần nhà khách hàng đang sửa đường nên kẹt xe, miễn đừng nói sạo đâu đó có tai nạn vì như vậy Trời Phật trách mình chù (trù) người khác thì không được. Và người (drive) rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan…” thiếu gì cái vân vân như mây. Thật tội nghiệp cho con người không biết nói dối vì lòng nhân đạo. Nhân danh cuộc sống gia đình, vì đàn bà và trẻ em… có nói sạo chút ít thì ông Phật đâu có trách! Chúa cũng giơ cao đánh khẽ là cùng. Còn Phật bà độ mạng, Mẹ bề trên che chở… chung quanh ta thiếu gì thế lực siêu nhiên để mà cầu nguyện. Lý luận với anh Hòa như nước đổ đầu vịt nên cuối cùng tôi thua. Tôi thương tánh tình thật thà của anh là sự thật duy nhất còn sót lại trong tôi sau từng ngày giao tiếp trong môi trường gỉa dối đầy mưu lợi mà tôi đã và đang sống. Tôi hiểu trí nhớ của mỗi người do Trời ban tặng nên không thắc mắc về việc anh hỏi một địa chỉ, tên đường… mà tôi vừa chỉ anh hôm qua. Tôi có biết chuyện anh đặt lại tên đường cho dễ nhớ, như: Legacy là Lê Văn Sỹ, đường Hedcoxe là Hết xí quách… có lần anh gọi hỏi tôi bất tử:
“Tui chạy hết đường Cu lên (Cullen) rồi, quẹo dzô được đường Súc sanh (Susan) có thấy ma nào đâu? Giao hàng cho ai bây gìơ?”
Tôi không biết phải nói sao cho hết cái khờ của anh! Tôi không dám cười, sợ anh mắc cỡ, tủi thân… miễn sao anh nhớ đường là tốt rồi. Tôi nói:
“… Khu đó đang xây nhà, anh thấy mấy người thợ xây dựng chỗ nào thì giao chỗ ấy, miễn trả tiền đủ là được. Ngoài họ ra, thì ai order? Anh nghĩ coi.”
“…Ờ ha! Tui ngu thiệt!”
“… Khỏi giới thiệu nữa cha nội.”
Trong nghề deli thì trí nhớ và lanh lợi (lanh trí) tính thành tiền. Chạy đúng, chính xác, về lẹ để chạy chuyến mới là tiền đếm mỏi tay. Anh thì không bao gìơ được như thế và tệ hại hơn là kiếm được ít tiền hơn người khác nhưng đổ xăng thì hơn hẳn mọi đồng nghiệp vì anh đi lạc nhiều hơn đi đúng. Nghe buồn cười nhưng ngẫm nghĩ thì cười ra nước mắt chứ chẳng chơi. Ở nhà hàng Seafood, anh thường bị những đồng nghiệp vô lương ăn hiếp. Họ lấn lướt trên sự thật thà, ngờ nghệch của anh mà nghĩ cho cùng: Họ làm sao có được tình nghĩa gì với một người chia cơm, sẻ áo của họ. “Có phần mày, gầy phần tao” trong quy luật sinh tồn, là thế. Họ nhỏ to với chủ: “Đuổi anh”. Rất nhiều khi tôi sợ anh mất việc vì không ai hiểu hết cái dở của anh hơn tôi. Nhưng màu da, tiếng nói của tôi và anh giống nhau trong cái thành phố mắt xanh mũi lõ, chêm vào mớ da màu làm tạp dịch, mớ Mễ lậu vô tình đến rởn tóc gáy, (cho không lấy, thấy không xin, để kín thì rình, để hở thì rinh). Tôi cảm ơn anh đã cho tôi cơ hội để thể hiện tính người còn xót lại trong môi trường luôn thiếu sự thành thật nên dư thừa những trò “ném đá dấu tay, đâm sau lưng đồng nghiệp…” Tình đồng hương của tôi với anh lắm lúc nhức đầu, nhưng nhắc nhở tôi phải có trách nhiệm với anh! Chứ sống với tụi bạch qủy rặt giòng, nạ giòng này riết thì tôi cũng là con qủy vàng thâm độc.
Chúng tôi làm việc trong một thành phố giàu có, sang trọng nên không nhiều người Việt vì người Việt không thích sống ở những thành phố phải trả tiền điện, nước cao hơn những thành phố bình dân, chợ búa bị tính thêm khoản tiền phục dịch (service) cho những người đẩy xe chợ, chất hàng vô xe, mở cửa xe cho khách hàng. Nhất là thuế nhà hằng năm ở đây cao hơn gấp rưỡi những nơi nhiều người Việt sinh sống. Người Việt mình căn cơ, cần kiệm là bản chất mà lị! (Đừng nghe những gì họ nói trên bàn tiệc!) Buôn xa không qua giàu hà tiện là phương châm nhưng đừng ai nói tới à nha! (Biểu tình đó!) Có thể nói: Làm việc ở thành phố giàu rồi đem tiền về xài ở thành phố bình dân là tự mình đã lên lương cho mình 20%. Tôi khuyên anh phải ráng thích nghi thì mới tồn tại được với đời sống khó khăn bây gìơ, nơi đây. Nhiều khi anh tâm sự não lòng. Anh hối hận đã qua đây. Thà cứ ở Sàigòn làm người cưa chữ cho tiệm làm hộp đèn chữ nổi, không chừng cuộc sống nhẹ nhàng, hơn.
Tôi cũng không gặp anh thường vì tôi còn việc của tôi, đời sống gồm việc làm và thư giãn của tôi. Hôm trước Tết, chú Sâm gọi tôi: “Công việc làm của thằng Hòa ra sao mà nó hỏi mượn tôi một ngàn. Lúc này, con vợ nó bớt cằn nhằn chuyện cơm gạo nhưng hình như sinh tật thì phải, ăn diện dữ lắm. Tôi thấy đi về… không như trước! Anh coi tìm hiểu xem sao? Tôi không ngại cho nó mượn tiền, nhưng chỉ sợ vợ chồng nó lại có chuyện. Cô vợ hình như đã rẽ qua một lối khác!... tôi không muốn soi mói vào gia đình, chuyện vợ chồng người khác, nhưng… tôi thương thằng Hòa.”
Cái lối nói chuyện của người có tuổi thường úp úp mở mở, sợ hồ đồ nếu không đúng sự thật, nhưng biết mà không nói thì người có tuổi chịu không nổi. Tôi nghe ông bạn gìa xa gần, tôi thấy chán. Tôi biết tánh ông không bao gìơ dựng chuyện, chắc chị vợ anh Hòa đã có điều gì đó không vừa lòng ông gìa hàng xóm. Thôi, tính sau. Tôi gọi anh Hòa thăm hỏi vì lúc này anh đã khá hơn trong công việc deli, ít phải gọi tôi hỏi đường, nhờ tìm một địa chỉ nào đó. Anh cũng còn giữ được tính thật thà như cũ nên tôi rất yên tâm. Hai anh em hẹn gặp trước gìơ đi làm sáng ngày mai ở một quán cà phê quen. Anh cho tôi xem lá thơ gia đình anh bên Việt Nam mới gởi sang, nội dung xuân về, Tết đến của lá thơ quê nhà thì chắc không cần kể ra đây. (Cha mẹ cần sửa nhà ăn Tết, em út cần xe gắn máy để thay cho những cái xe đạp vì có anh ba bên Mỹ mà còn đi xe đạp thì thiên hạ chê cười. Đứa cháu lớn con của chị hai anh, chỉ xin cậu ba cái máy chụp ảnh để có hình ảnh gia đình gởi sang Mỹ cho cậu ba xem. Nhưng thằng nhỏ này rành máy ảnh! Nó xin chính xác chứ không mù mờ chút nào: (Nikon digital - 10.2 - model D80 - 18mm - 135mm). Anh Hòa tá hỏa khi hỏi tôi và nghe tôi trả lời gía cả cái máy ảnh đó là: 1299.99 USD cộng thuế. (Còn ghi chú rõ rành: “Cậu ba ráng kiếm cho con cái nào: Made in Japan, chứ Made in Thailan không tốt bằng Japan, đừng mua Made in China.) Thằng nhỏ này mà người Bắc Hàn thì thể nào cũng thay Kim chính Nhật vì trình độ ăn mày của nó cũng thượng thừa như Kim chủ tịch. Nó không bao gìơ biết cái khó khăn của cậu ba là mợ ba không duyệt. Chút dư gỉa về tài chánh phải để mua nhà, mua xe cho bằng chị bằng em trong chỗ làm. Đôi lần anh gởi về gia đình vài trăm là đôi lần sóng to gío lớn trong quan hệ vợ chồng. Anh rất buồn khi nói về gia đình mình còn ở Việt Nam thì những đứa con đã coi ông bà nội và các cô, chú là những người xấu, chỉ tạo phiền phức, gây khó khăn cho gia đình chúng. Anh buồn chị nhà đã giáo dục con quên cội nguồn nhưng anh bất lực.
Anh rớt vào một hoàn cảnh dễ dẫn đến đổ bể gia đình, (còn gia đình lớn sẽ mất gia đình nhỏ và ngược lại). Tôi khuyên anh đừng dẫn thân vào con đường nợ nần và nhất là nợ nần dấu vợ, khi chị nhà biết ra sẽ một lần bắt được vạn lần không! Anh đã lén lút gởi tiền về gia đình anh từ bao gìơ? Đã bao nhiêu? Ôi thôi. Cụ Nguyễn Du đã viết: “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền” là quan hệ con người muôn đời. Bất kể quan hệ gì!
Tôi chia tay anh hôm đó. Nghĩ đến những người: một cảnh hai quê mà trong đó có tôi, tôi cũng đâu khác gì anh. Nhưng gia đình tôi không bát nháo, ầm lên vì còn ngồi xuống nói chuyện với nhau được về gia đình bên anh, bên em. Tôi thương anh Hòa không người chia sẻ. Rồi ý trời sui khiến đến tay tôi những phong thơ nhuận bút của mấy Tờ báo quen. Tôi chia cho mình những cuốn báo Xuân, những cánh thiệp, những chai rượu độc gỉa gởi về tòa soạn cho tôi. Tôi không quen tính tiền chữ nghĩa nên có dịp thì xài những đồng tiền lẽ ra không nên nhận của những tòa báo. Tôi chia sẻ với anh. Tôi nói: “Xin lỗi, tôi không giúp anh được nhiều hơn. Nhưng anh không nên mượn ông gìa nữa. Coi như tôi cho anh chứ nếu nói là cho mượn thì khác nào tôi đồng lõa, tiếp tay cho anh dấu vợ. Tôi không gánh nổi hậu qủa, đâu. Tôi khuyên anh chỉ gởi về Việt Nam ngần này cho tất cả là đã qúa sức anh rồi.”
Chúng tôi không gặp lại nhau từ hôm trước Tết. Tôi cũng biết anh ấy sẽ ráng dành dụm một cách lén lút để trả lại tôi chứ con người anh không cầm tiền không của bạn bè. Tôi biết tôi sai về căn bản khi đưa tiền cho anh, nhưng đúng về tình bạn trong khó khăn vì không đưa thì anh cũng hỏi mượn những người cho vay ăn lãi. Tôi đang tìm một chút thời gian rảnh để ngồi với ông bạn gìa, để nghe ông chỉ giáo về trường hợp ấy thì phải xử sự làm sao cho phải lẽ!
Tôi còn chưa thực hiện được ý nguyện thì tay chủ nhà hàng Seafood gọi tôi:
“Ê. Tên bạn mày bị té dập mặt, tối hôm qua. Tao biết nó rất cần tiền, nhưng mày cứ nói nó nghỉ hai hôm mà tịnh dưỡng. Tao trả lương cho nó.”
Tôi cảm ơn một người tốt bụng, có chút ân hận về việc nhiều lần tên chủ này mời tôi hợp tác, hùn hạp làm ăn. Nhưng tôi không thích làm chủ. Ai bảo tôi sạo thì tôi chịu. Tôi đã từng làm chủ từ khi còn trẻ lắm, đến xuýt mất gia đình nên khi tỉnh ngộ lại tôi chỉ làm công. Gia đình tôi cần tôi với đồng lương căn bản chứ không cần tiền tôi đem về thật nhiều, mà đầu óc tôi thì không có ở nhà. Tôi định, tối về ghé thăm anh. Nhưng mới chập choạng thì tên chủ nhà hàng Seafood lại gọi tôi:
“Ê, thằng bạn mày phá tao rồi! Tối qua, nó nói tao là nó vấp té ở bậc tam cấp nhà khách hàng vì không đèn. Nhưng vừa rồi, khách hàng gọi tao. Thằng chủ nhà không muốn (cấm) thằng drive - tối hôm qua đến nhà nó vì lần nào đến cũng hỏi: ‘Vợ mày đâu, không thấy?’ Lần trước, nó đã cảnh cáo: Không được hỏi vợ nó. Nhưng tối qua lại hỏi nên nó nóng, nó cho ăn cái bộp tai. Một lần nữa như vậy thì nó thưa ra Tòa.”
Tôi bất ngờ với tin động trời như vậy! Nhưng phải bình tĩnh để giữ việc cho anh Hòa trước, mọi chuyện tính sau. Tôi nói với tên chủ nhà hàng Seafood:
“Bây gìơ, mày tính sao?”
“Tao xin lỗi mày, tao không giúp được nó nữa, mày tìm cho nó việc làm khác đi. Mày cũng biết thương vụ của tao đang xuống, xuống tới mức tháng trước tao phải bù tiền nhà vào nhà hàng để trang trải mọi chi phí. Nó làm ăn kiểu này thì từ từ tao mất hết khách hàng. Tao chết.”
“Mày cho tao biết: Khách hàng đó là trắng hay đen?”
“Trắng. Mới chết tao!”
“Tao hiểu rồi! Mấy thằng đàn ông trắng rất bủn xỉn. Không tin tao thì mày coi lại cái credit card nó ký tối hôm qua, không cho tip đồng nào. Mày còn nhớ thằng nhỏ đầu trọc, chạy cho mày năm ngoái đã nói với tao và mày bên nhà hàng thằng Miếng: Mấy thằng Mỹ trắng không biết đọc tiếng Anh, chữ tip tổ cha mà nó không biết đọc. Bảo ký thì nó ký không thôi. Ăn đồ order đến tận nhà mà không cho tip thì thằng chạy đái vào xe mà chạy cho nó à?!”
“Tao nhớ, nhưng trên Menu đã in hàng chữ: ‘Free delivery’. Tiền tip do khách hàng tùy ý! Người chạy không được đòi hỏi. Thằng bạn mày không tôn trọng luật làm ăn, làm hại tao mất khách. Nếu thằng Mỹ khó tính này, nó thưa kiện thì mày tính sao đây?”
“Thằng bạn tao dở tiếng Anh nên không khéo nói dẫn đến hiểu lầm thôi. Nó hỏi vợ thằng chủ nhà vì đàn bà trắng thường cho tip rất hậu. Nó hỏi vì muốn con vợ ký trả bill thì nó mới có tiền tip. Tao nghĩ. Mày gọi lại khách hàng xin lỗi và giải thích cho người ta vui bụng, mọi chuyện sẽ êm thôi.”
“Dù sao, tao cũng không cần nó nữa! Mày nói nó giùm tao: Khỏi trở lại làm việc. Lương nó còn ở đây thì cuối tháng đến nhận.”
“Mày không giúp tao được một lần nữa sao? Mày cũng có vợ con như tao, như nó. Mày hiểu chi phí cho một gia đình, chứ?! Và việc làm không khó kiếm với tao, với mày. Còn nó cù lần như vậy thì ai mướn nó?”
“Sao mày không giới thiệu cho tao người giỏi? Mày sợ nhà hàng tao bán hơn nhà hàng mày, à? Tao không giúp được nữa đâu! Xin lỗi.”
Hết cách. Anh Hòa mất việc mà tôi thấy quan trọng hơn tôi bị lay-off. Tôi về apartment, lâu lắm rồi mới thấy ông bạn gìa đốt thuốc ngoài hành lang. Ông không tay bắt mặt mừng như những lần tôi ghé nhậu. Mặt ông như tang chủ mà tôi là khách viếng đám tang. Bước vào phòng khách nhà ông, anh Hòa ngồi thu lu trên sofa như một tội đồ dị chủng, mặt mày sưng vêu. Sự yên lặng của những người khốn khổ đến ngột ngạt. Ông gìa chửi tôi: “Anh… ngày thường lắm mồm, lắm miệng. Hôm nay ăn phải bã hay sao mà câm như hến, thế?”
Tôi biết cơn giận trong ông đang ngùn ngụt nên tôi ra về. Đầu óc tôi hoang mang nhưng không giận như ông. Tôi đã quen với sự ngược đãi do chính quê hương thứ hai này tôi luyện tôi. Tôi đã đánh đổi biết bao nhiêu tự trọng, tự ái một con người không Tổ quốc để có cuộc sống tự tin ban ngày - tủi hổ ban đêm. Viết ra điều này chỉ có người hải ngoại thông cảm cho tôi chứ người nhà bên kia biển làm sao hiểu được? Tôi sống trong nhẫn nhục trên xứ sở này tới bao gìơ cũng được, tới gục chết cũng được vì tôi có mục đích cụ thể của tôi. Tôi tâm niệm mình là kẻ ăn nhờ ở đậu nên người bản xứ cho tôi cơ hội nuôi con là tốt rồi! Cái nhục không Tổ quốc trong từng hơi thở - những người nhà bên kia biển không bao gìơ hiểu được! Một con người tha phương cầu thực không thành danh cũng thành nhân trong quan hệ ruột rà. Tất cả những người Việt hải ngoại đều là Phật đang thành, chỉ cách ông Phật đã thành chừng vài năm ánh sáng vì có bị khinh khi, coi rẻ mà lòng bình thản thì chỉ có ông Phật. “Khách tới nhà, chủ cho qùa. Khách không nhận, qùa về đâu?” Tôi không thể nào không nhận như Phật được! Tôi chỉ còn người vợ thấu hiểu cho hoàn cảnh một cảnh hai quê của tôi, con tôi hiểu mẹ cha là phước đức lắm rồi. Nhưng anh Hòa có vợ trên giường mà không có vợ chia chung những ngặt nghèo tha phương cầu thực thì nói gì cũng bằng thừa! Con còn nhỏ qúa, chưa hiểu biết.
Tôi rời căn phòng khách quen thuộc ban nãy với lời nguyền rủa của ông bạn gìa đang cơn thịnh nộ: “Anh lo kiếm luật sư cho tôi. Chuyện này phải thưa kiện tới nơi. Đâu có lý muốn đánh ai thì đánh như thế chứ! Người tỵ nạn đâu phải con chó mà con chó cũng không được đánh nó như thế!...”
Tôi lầm lũi như con chó xuống cầu thang apartment, ra xe. Hên là không có thằng Mỹ nào nhìn tôi xấc xược.
Nhà tôi êm ru trong gío đông tàn, tôi như con cú đêm tìm về tổ ấm với cõi lòng xác xơ. Bữa ăn tối chỉ đáng một phần trăm tiền tôi kiếm được trong ngày nhưng công lao người vợ nấu nướng, chờ dọn cơm thì tiền nào trả nổi?! Tôi nghĩ về người phụ nữ Việt Nam trên quê hương thứ hai này! Ước gì vợ anh Hòa hiểu được anh ấy đôi điều cho tôi tin có Hồng ân Thiên chúa. Như niềm tin mà anh khắc cốt ghi tâm. Rất tiếc!
Tôi thao thức giữa màn đêm dật dờ ánh sáng đèn ngủ và tiếng gío rít bên ngoài cửa sổ. Vợ tôi thở đều trong tấm chăn cuối đông, sau một ngày cũng vất vả như tôi, hơn tôi phần giặt giũ, cơm nước, con cái… biết em cực thế thì ngày xưa tôi đã không cưới để ân hận! Có rất nhiều ý nghĩ mà tôi không dám nói ra. Người đàn bà nào cũng muốn có giấc ngủ êm đềm bên người đàn ông mà mình tin tưởng, người đàn ông nào cũng muốn có giấc ngủ bình an trong mái ấm gia đình. Sự bình an của anh Hòa đã không còn nữa vì chị nhà không thấu hiểu cho chồng thì làm sao chia sẻ? Anh ấy là người đáng tin tưởng hơn tôi về mọi mặt, sao chị nhà không biết?
Lòng dạ đàn bà bí hiểm hơn lòng đất, lòng biển… bao la như không gian.
Tôi nhớ lời người chị dâu trong gia đình tôi, chị làm thông dịch ngoài Tòa án. Chị không biết tôi để bụng câu nói của chị trong lúc trà dư, tửu hậu ở gia đình: “Đừng bao gìơ thưa kiện với Mỹ trắng. Chị làm việc ngoài Tòa án lâu năm chị biết. Thể nào ông quan Tòa cũng bênh vực cho người da trắng. Tội nặng thành nhẹ, nhẹ thành không. Phải công bằng mà nói thì Tòa án Mỹ không có chuyện nhẹ thành nặng; không thành có cho người da màu. Nhưng sự kỳ thị đã đạt đến một trình độ tinh vi hơn mình tưởng.”
Tôi nhớ ông anh ruột thứ sáu của tôi là lính Hải quân, sang đây từ ’75. Năm ’78, anh đi làm về thì chị dâu - vợ anh ba tôi nói: “Chú ra chợ mua giùm chị bình sữa cho cháu. Trời tuyết, chị không dám lái xe.” Anh tôi ra chợ, đậu xe cạnh ba người Mỹ trắng đang hút thuốc, nói chuyện. Một người trong bọn họ nói với anh tôi: “Ở đây không có chỗ đậu xe cho những con heo Châu Á. Đi chỗ khác đi… đồ con heo Châu Á.” Như anh tôi kể thì chưa bao gìơ anh thèm có vài thằng bạn lính bằng lúc đó! Nhưng một mình thì cũng phải ngửng đầu lên, Thánh Tổ Trần Hưng Đạo đâu có thứ quân sĩ ươn hèn trước ngoại bang! Anh tôi thí mạng cùi. Kết qủa là anh tỉnh lại trong bệnh viện, nhưng ra Tòa thì anh phải bồi thường cho một thằng gẫy răng: Tiền nha sĩ trồng răng mới, tiền nó nghỉ làm hết một tuần, tiền thuốc men và đủ thứ tiền có thể khai ra. Năm ’78 mà anh tôi phải chi trả gần hai ngàn đô la, đi nhặt rác ngoài xa lộ mười ngày chủ nhật.
Nghĩ đến đó, tôi chịu thua sớm cho cao cờ. Thưa kiện gì nữa chứ?! Ngày mai, tôi sẽ nói với ông bạn gìa: “Chỉ có một nhân chứng là người vợ của tên chủ nhà. Cô ấy là người tốt, thương người… lòng tốt của người phụ nữ đâu kể màu da. Nhưng đứng trước một quyền lợi thì đạo đức con người đứng sau trong thời đại lương tâm không bằng lương thực, xa xỉ tràn lan. Đứng trước một chọn lựa: Chồng cô ấy vô tù vì tội hành hung người khác hay anh Hòa vô tù để không ảnh hưởng gì tới gia đình cô ấy? Cô ấy là người mẹ của mấy đứa con nhỏ - rất cần tiền lương của chồng như mọi người đàn bà khác. Cô ấy không muốn nói dối trước Tòa, lương tâm người phụ nữ… nhưng dù sao sự cao đẹp cũng cần thứ đạo đức không còn tồn tại trong đời sống hôm nay. Tôi tưởng tượng ra người đàn bà Mỹ trước Tòa tuyên bố: ‘Hắn sàm sỡ nên chồng tôi có phản ứng.’ Ai làm chứng là cô ấy nói dối? Chỉ có lương tâm cô ấy! Rất tiếc. Thứ ấy đã là xa xỉ trong cuộc đời này. Không có ai ở hiện trường ngoài nạn nhân và tên bạch qủy - vô lương. Vậy Tòa phải tin anh Hòa đã sàm sỡ, mà tội sách nhiễu ở Mỹ thì không có ngày ra”.
Thưa kiện con mẹ gì cho tiền mất tật mang. Có nghĩ thì nghĩ đến một cách lấy lại công đạo, khác hơn - Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy. Tôi mòn mỏi theo những suy tư và tiếng đồng hồ treo tường qúa rõ giữa đêm về sáng. Gương mặt méo mó, sưng vêu của anh Hòa lại ẩn hiện trong giấc ngủ chập chờn. Có nhiều khi người khác bị đánh mà mình đau chỉ vì cùng màu da, tiếng nói. Nhưng những người cùng huyết thống với nạn nhân thì bất nhân hơn cả kẻ thù. Bản nhạc gọi ngày thay cho đồng hồ báo thức ngân lên: “Ôm lòng đêm… nhìn vầng trăng mới về, nhớ trăng giang hồ. Ôi phù du… từng tuổi xuân đã gìa, một ngày kia bến bờ, đời người như gío qua…” Tôi nhớ trăng giang hồ dễ sợ!
Phan

Xem Tiếp: ----