Không phải chúng ta ngày càng trở nên Anglo-Saxon hơn, mà là chúng ta đang phải đối mặt với thực tế. - Frank Schirrmacher, chủ nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung, bình luận cho tờ New York Times về việc nhân công người Đức cần được trang bị thêm công cụ và làm việc nhiều hơn Tìm kiếm kiến thức dù có phải đến tận Trung Hoa. - Lời của Tiên tri Muhammad Trong khi viết cuốn sách này, càng ngày tôi càng hay hỏi những người tôi gặp ở khắp mọi nơi trên thế giới họ ở đâu khi lần đầu tiên phát hiện thế giới này phẳng. Trong vòng hai tuần, tôi có được hai câu trả lời, một từ Mexico, một từ Ai Cập. Mùa xuân 2004 tôi ở Mexico City, ăn trưa với vài đồng nghiệp nhà báo Mexico và đặt câu hỏi đó cho họ. Một trong số họ nói nhận ra mình đang sống trong một thế giới mới khi đọc tin trên báo chí Mexico và mạng Internet nói rằng một số tượng vị thánh bảo trợ của Mexico, Đức mẹ Đồng trinh Guadalupe, được nhập khẩu vào Mexico từ Trung Quốc, có thể là thông qua các cảng biển ở California. Khi bạn là đất nước Mexico và vẫn được tiếng là nước có giá nhân công rẻ mà một số người dân của bạn nhập tượng vị thánh bảo trợ của bạn từ Trung Quốc, bởi Trung Quốc có thể làm ra chúng và chuyển chúng qua Thái Bình Dương đến đây, rẻ hơn bạn có thể làm, thì bạn đang sống trong một thế giới phẳng. Bạn cũng gặp phải một vấn đề. Ở Ngân hàng Trung ương Mexico, tôi hỏi vị thống đốc, Guillermo Ortiz, rằng liệu ông có quan tâm đến chuyện này không. Ông nhướng mắt bảo tôi rằng đã bấy lâu nay ông cảm nhận được sự cạnh tranh – trong đó Mexico đánh mất khá nhiều lợi thế địa lí tự nhiên trong quan hệ với thị trường Mĩ – chỉ cần thông qua những con số trên màn hình máy tính của ông. “Chúng tôi bắt đầu nhìn vào số liệu năm 2001 – đó là năm đầu tiên trong vòng hai thập niên xuất khẩu [của Mexico] vào Mĩ giảm sút,” Ortiz nói. “Đó là một cú sốc thật sự. Mới đầu tiền thu được của chúng tôi trên thị phần đó giảm xuống, rồi sau đó mất luôn. Chúng tôi nói với nhau rằng ở đây có một thay đổi thật sự… Và nguyên nhân là Trung Quốc.” Trung Quốc quả là một nơi có giá nhân công rẻ, đến mức ngay cả khi hiệp định NAFTA dành lợi thế lớn cho Mexico trong quan hệ với Mĩ, ngay cả khi Mexico nằm ngay sát chúng ta, năm 2003 Trung Quốc vẫn thay thế được Mexico để trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai vào Mĩ. (Canada vẫn đứng vị trí thứ nhất). Cho dù Mexico vẫn có được vị thế đầy sức mạnh trong xuất khẩu các mặt hàng lớn, chi phí chuyển hàng cao như ôtô, phụ tùng xe hơi hay tủ lạnh, Trung Quốc đã lớn mạnh và đã thay thế Mexico trong các lĩnh vực như linh kiện máy tính, thiết bị điện, đồ chơi, đồ may mặc, dụng cụ thể thao, và giày tennis. Nhưng điều còn nghiêm trọng hơn với Mexico là Trung Quốc đang đánh bại một số công ti Mexico ngay tại Mexico, nơi quần áo và đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc đã xuất hiện trên các quầy hàng ở khắp mọi nơi. Không có gì ngạc nhiên khi một nhà báo Mexico kể cho tôi nghe ngày anh phỏng vấn một quan chức ngân hàng trung ương Trung Quốc, câu trả lời của vị quan chức về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mĩ đã làm anh kinh ngạc thật sự: “Thoạt tiên chúng tôi sợ sói, rồi chúng tôi muốn nhảy với sói, và bây giờ chúng tôi muốn trở thành sói.” Vài ngày sau khi từ Mexico trở về, tôi ăn sáng ở Washington cùng một người bạn đến từ Ai Cập, Lamees El-Hadidy, một phóng viên kinh tế lâu năm ở Cairo. Dĩ nhiên tôi hỏi chị ở đâu khi lần đầu tiên chị phát hiện thế giới này phẳng. Chị trả lời là mới vài tuần trước, trong tháng Ramadan linh thiêng của người Hồi giáo. Chị viết một kịch bản cho Đài truyền hình CNBC Arabiya Television về những chiếc đèn lồng sặc sỡ tên là fawanis đốt nến ở bên trong, mà học sinh Ai Cập theo truyền thống thường cầm trong kì lễ Ramadan, một truyền thống lâu đời hàng thế kỉ, từ thời Fatimid ở Ai Cập. Trẻ con vung vẩy đèn lồng và hát, còn người lớn cho chúng kẹo hoặc quà, giống như ở Mĩ vào lễ Halloween. Hàng thế kỉ nay, các xưởng thủ công nhỏ, nhân công rẻ ở các vùng ngoại ô cổ xưa của Cairo vẫn sản xuất những chiếc đèn lồng đó – cho đến vài năm trước đây. Đó là khi những chiếc đèn lồng Ramadan bằng nhựa sản xuất ở Trung Quốc, được gắn đèn chạy bằng pin bên trong thay cho nến, tràn ngập thị trường, làm tê liệt các xưởng sản xuất của Ai Cập. Lamees nói, “Chúng đã tấn công vào truyền thống của chúng tôi – theo một cách thức đổi mới – và chúng tôi không thể làm gì được… Những chiếc đèn lồng đó thoát thai từ truyền thống của chúng tôi, tâm hồn của chúng tôi, nhưng [những chiếc đèn lồng của Trung Quốc] mang tính sáng tạo cao hơn và tiên tiến hơn đèn lồng Ai Cập.” Lamees nói rằng khi chị hỏi người Ai Cập, “Anh có biết chúng được làm ở đâu không?”, tất cả trả lời là không. Sau đó họ lật chiếc đèn lên và phát hiện chúng đến từ Trung Quốc. Dù vậy, rất nhiều bà mẹ, giống như Lamees, đánh giá cao sự an toàn của đèn lồng Trung Quốc so với đèn truyền thống Ai Cập, được làm bằng kim loại có cạnh sắc và thủy tinh, và thường xuyên sử dụng nến để thắp. Đèn Trung Quốc làm bằng nhựa gắn đèn nhấp nháy và gắn microchip chơi những bản nhạc truyền thống của kì lễ Ramadan Ai Cập, thậm chí có cả bài hát của chương trình phim hoạt hình Ramadan nổi tiếng, Bakkar. Theo số tháng Mười hai năm 2001 của tờ Business Monthly, do Phòng Thương mại Hoa kì ở Ai Cập xuất bản, các nhà nhập khẩu Trung Quốc “không chỉ đấu đá với nhau mà còn đấu lại ngành công nghiệp Ai Cập có đến bảy trăm năm tuổi. Nhưng các mẫu mã của Trung Quốc đã chiếm ưu thế, theo lời [một] nhà nhập khẩu nổi tiếng, Taha Zayat. ‘Hàng nhập khẩu đã làm sụt giảm nghiêm trọng doanh số bán ra của đèn fawanis truyền thống,’ ông nói. ‘Trên tổng số đèn fawanis có trên thị trường, tôi không nghĩ là giờ đây có đến 5% được sản xuất ở Ai Cập.’ Những người hiểu biết về ngành sản xuất [fawanis] của Ai Cập tin là Trung Quốc đã chiếm ưu thế hơn nhiều so với Ai Cập. Họ nói rằng với công nghệ cao hơn hẳn của mình, Trung Quốc có thể sản xuất số lượng lớn, điều này cho phép giữ được giá thấp. Ngành công nghiệp [fawanis] truyền thống của Ai Cập, ngược lại, được đặc trưng bởi một loạt các xưởng sản xuất chuyên môn hóa cho nhiều bước khác nhau của quá trình sản xuất. Thợ làm kính, thợ vẽ, thợ hàn và thợ thủ công đều có vai trò của mình. ‘Vẫn sẽ luôn có đèn fawanis vào dịp lễ Ramadan, nhưng trong tương lai tôi nghĩ đèn do Ai Cập sản xuất sẽ biến mất hoàn toàn’, Zayat nói. ‘Chúng không có cơ may nào để cạnh tranh với đèn Trung Quốc.’ Hãy thử nghĩ tình hình đó điên rồ đến mức nào: Ai Cập có rất nhiều nhân công giá rẻ, giống như Trung Quốc. Ai Cập lại nằm ngay cạnh châu Âu, ở kênh đào Suez. Ai Cập có thể và cần trở thành Đài Loan của Địa Trung Hải, nhưng thay vào đó nó lại phải đầu hàng một Trung Quốc vô thần trong việc sản xuất một trong những thứ đồ vật văn hóa được ưa thích nhất trong thế giới Hồi giáo ở Ai Cập. Ibrahim El Esway, một trong những nhà nhập khẩu lớn đèn fawanis Trung Quốc, cho phép tờ The Business Monthly đi thăm nhà kho của mình ở thành phố Muski, Ai Cập: trong năm 2004 ông đã nhập từ Trung Quốc về mười sáu mẫu đèn Ramadan khác nhau. “Trong đám đông ở Muski, [El Esway] vẫy tay cho một nhân viên của mình, người này nhanh chóng mở một cái hòm phủ đầy bụi và lôi ra một chiếc đèn fawanis bằng nhựa có hình giống như cái đầu của Simba, nhân vật của phim hoạt hình The Lion King. ‘Đây là mẫu đầu tiên mà chúng tôi nhập, năm 1994,’ ông nói. Ông bật nó lên. Đầu con sư tử ánh lên màu xanh, và tiếng bản nhạc ‘Một thế giới nhỏ bé’ vang lên.”
TỰ XEM XÉT
Phần vừa rồi của cuốn sách xem xét các cá nhân, đặc biệt là người Mĩ, nghĩ gì khi phải đối mặt với thách thức do quá trình phẳng hóa thế giới gây ra. Chương này sẽ đặt trọng tâm vào các kiểu chiến lược mà các nước đang phát triển cần sử dụng để kiến tạo môi trường thích hợp để các công ti và nhà khởi nghiệp của mình lớn mạnh được trong một thế giới phẳng, dù cho nhiều điều mà tôi sắp nói cũng có thể áp dụng cho nhiều nước phát triển. Khi các nước đang phát triển bắt đầu nghĩ đến sự thách thức của tính phẳng, điều đầu tiên mà họ cần làm là thực hiện một kiểu tự xem xét một cách thẳng thắn hết sức. Một đất nước, cũng như người dân và lãnh đạo của nó, cần phải thẳng thắn với bản thân mình, phải thấy được rõ ràng và chính xác mình đang ở đâu trong mối quan hệ với các nước khác và trong mối quan hệ với mười lực làm phẳng. Nó phải tự vấn, “Đất nước của tôi có thể tiến đến đâu hoặc bị bỏ xa đến đâu do thế giới là phẳng, và nó có thể thích ứng và lợi dụng được đến đâu mọi nền tảng mới cho hợp tác và cạnh tranh?” Đúng như vị quan chức ngân hàng Trung Quốc đã nói với bạn đồng nghiệp Mexico của tôi, Trung Quốc là sói. Trong số mười lực làm phẳng, sự gia nhập của Trung Quốc vào thị trường thế giới là sự gia nhập quan trọng nhất đối với các nước đang phát triển, và với rất nhiều nước phát triển. Trung Quốc có thể sản xuất hàng giá rẻ chất lượng cao tốt hơn bất kì đất nước nào khác, và dần dần, nó cũng có thể sản xuất được hàng chất lượng cao giá đắt. Đứng trước Trung Quốc và chín lực làm phẳng còn lại đang ngày càng lớn mạnh, ngày nay không đất nước nào có thể làm khác việc tự xem xét chính mình một cách thẳng thắn hết sức. Để thực hiện được điều đó, tôi tin cái mà thế giới cần ngày nay là một câu lạc bộ được tổ chức theo mô hình Nghiện rượu Vô danh [Alcoholics Anonymous] (A.A.). Nó có thể được gọi là Các nước Đang phát triển Vô danh [Developing Countries Anonymous] (D.C.A.). Và hoàn toàn giống như ở buổi họp A.A. đầu tiên mà bạn tham dự, bạn phải đứng lên mà nói, “Tên tôi là Thomas Friedman và tôi là một người nghiện rượu,” như thế ở D.C.A, các nước cũng phải đứng lên trong buổi họp đầu tiên mà nói, “Tên tôi là Syria và tôi kém phát triển.” Hoặc “Tên tôi là Argentina và tôi kém cỏi. Tôi đã không sống xứng đáng với tiềm năng của mình.” Mỗi nước đều cần “khả năng tự xem xét mình,” vì “không đất nước nào phát triển được mà không phải qua chụp X-quang để biết mình đang ở đâu và giới hạn của mình là gì,” theo lời Luis de la Calle, một trong số các nhà thương thuyết Mexico tại NAFTA. Những nước bị rơi khỏi toa tàu phát triển cũng hơi giống những người say; để quay trở lại được họ phải học cách nhìn xem họ thật sự là ai. Phát triển là một tiến trình hữu ý. Bạn cần một quyết định tích cực để có được những bước đi đúng đắn, mà điều đó phải bắt đầu bằng sự tự xem xét.TÔI CÓ THỂ BÁN BUÔN CHO BẠN
Trong những năm cuối thập niên 1970, mà đặc biệt là sau khi tường Berlin sụp đổ, nhiều nước bắt đầu theo đuổi phát triển theo một cách thức mới thông qua một tiến trình mà tôi gọi là bán buôn cải tổ. Kỉ nguyên Toàn cầu hóa 2.0, khi thế giới chuyển từ cỡ trung bình xuống cỡ nhỏ, là một kỉ nguyên bán buôn cải tổ, một kỉ nguyên cải cách về kinh tế vĩ mô diện rộng. Những cải tổ bán buôn đó được bắt đầu bằng một số ít nhà lãnh đạo của các nước như Trung Quốc, Nga, Mexico, Brazil, và Ấn Độ. Những nhóm nhỏ các nhà cải cách đó thường dựa vào đòn bẩy của các hệ thống chính trị độc đoán để tháo gỡ cho các lực thị trường bị nhà nước thao túng tại các xã hội của họ. Họ đẩy đất nước của mình theo các chiến lược định hướng xuất khẩu, thị trường tự do – dựa trên tư nhân hóa các công ti nhà nước, bãi bỏ quản lí các thị trường tài chính, điều chỉnh đồng tiền, đầu tư nước ngoài trực tiếp, loại bỏ trợ cấp, giảm bớt hàng rào thuế quan bảo hộ, và áp dụng các điều luật lao động mềm dẻo hơn – đi từ trên xuống, hiếm khi thật sự hỏi ý kiến người dân. Ernesto Zedillo, từng là tổng thống Mexico từ 1994 đến 2000, trước đó là bộ trưởng tài chính, một lần nhận xét với tôi rằng tất cả các quyết định mở cửa nền kinh tế Mexico được ba người đưa ra. Bạn nghĩ Đặng Tiểu Bình hỏi ý kiến bao nhiêu người trước khi tuyên bố, “Giàu là vinh quang,” và mở cửa nền kinh tế Trung Quốc, hoặc khi ông bãi nhiệm những người đặt câu hỏi về sự chuyển đổi của Trung Quốc từ chủ nghĩa cộng sản sang thị trường tự do bằng cách nói rằng điều quan trọng là việc làm và thu nhập, chứ không phải ý thức hệ? Đặng vứt bỏ ý thức hệ Cộng sản hàng thập kỉ với duy nhất một câu: “Mèo đen, mèo trắng, mèo nào cũng được miễn là bắt được chuột.” Năm 1991, khi bộ trưởng tài chính Ấn Độ, Manmohan Singh, thực hiện những bước đi đầu tiên để mở cửa nền kinh tế Ấn Độ theo hướng chú trọng ngoại thương, đầu tư và cạnh tranh, đó không phải là kết quả của một cuộc tranh luận và trao đổi ở quy mô toàn quốc, mà của thực tế kinh tế Ấn Độ khi đó xơ cứng, kém hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, đến nỗi gần như không có ngoại tệ. Khi Mikhail Gorbachev bắt đầu nhúng tay vào perestroika, ông đã đứng dựa lưng vào điện Kremlin và cùng với một vài đồng minh trong giới lãnh đạo Soviet. Cũng tương tự ở trường hợp Margaret Thatcher khi bà tiến hành cuộc họp của thợ mỏ đình công năm 1984 và ép buộc cải tạo bán buôn lên nền kinh tế Anh đang suy sụp. Điều mà tất cả các nhà lãnh đạo đó vấp phải là thực tế không thể chối cãi rằng các thị trường cạnh tranh là phương thức bền vững duy nhất để đưa một quốc gia khỏi nghèo đói, bởi chúng là thứ đảm bảo duy nhất để các ý tưởng, công nghệ và kĩ năng mới dễ dàng đổ đến đất nước của bạn và để các công ti tư nhân, và thậm chí chính phủ, có được động lực cạnh tranh và sự mềm dẻo để làm theo các ý tưởng đó và biến chúng thành việc làm và sản phẩm. Đó là vì sao các nước không tham gia toàn cầu hóa, từ chối thực hiện bất kì đổi mới bán buôn nào – thí dụ Bắc Triều Tiên – thực sự thấy tăng trưởng GDP trên đầu người của mình sụt trong các năm 1990, còn các nước đã chuyển từ mô hình xã hội chủ nghĩa hơn sang mô hình toàn cầu hóa lại thấy GDP trên đầu người của mình tăng trong các năm 1990. Như David Dollar và Art Kray kết luận trong cuốn sách Trade, Growth, and Poverty của họ, tăng trưởng kinh tế và thương mại vẫn là chương trình chống đói nghèo tốt nhất trên thế giới. Ngân hàng Thế giới báo cáo rằng năm 1990 đã có khoảng 300 triệu người ở Trung Quốc sống cùng cực, với ít hơn 1$ một ngày. Đến 2001, có 212 triệu người Trung Quốc sống cùng cực, và đến 2015, nếu vẫn giữ được xu hướng hiện tại, sẽ chỉ còn 16 triệu người sống dưới mức 1$ một ngày. Ở Nam Á- trước hết Ấn Độ, Pakistan, và Bangladesh- con số người sống dưới 1$ một ngày là từ 462 triệu năm 1990 xuống còn 431 triệu vào năm 2001 và xuống 216 triệu năm 2015. Ngược lại, ở Châu Phi hạ-Sahara, nơi toàn cầu hoá tiến triển chậm, đã có 227 triệu người sống dưới 1$ một ngày năm 1990, 313 triệu năm 2001, và sẽ có 340 triệu người năm 2015. Vấn đề với mọi nước tham gia toàn cầu hóa nằm ở chỗ nghĩ rằng có thể dừng ở cải tổ bán buôn. Trong các năm 1990, một số nước nghĩ rằng nếu có mười lời răn cải tổ bán buôn đúng – bạn tư nhân hóa các ngành do nhà nước sở hữu, phi điều tiết các ngành công ích, giảm thuế quan và khuyến khích các ngành xuất khẩu, v.v… – thì bạn đã có một chiến lược phát triển thành công. Nhưng vì thế giới đã bắt đầu nhỏ đi và phẳng hơn – cho phép Trung Quốc cạnh tranh ở mọi nơi, với mọi người, ở mọi loại sản phẩm, cho phép Ấn Độ xuất khẩu chất xám đi mọi nơi, cho phép các hãng outsource bất cứ công việc nào ở mọi nơi, và cho phép các cá nhân cạnh tranh toàn cầu như chưa từng có trước đây – cải tổ bán buôn không còn đủ để giữ các nước trên con đường tăng trưởng bền vững nữa. Cần đến một tiến trình cải cách sâu sắc hơn – một tiến trình mà tôi sẽ gọi là cải tổ bán lẻ.TÔI CHỈ CÓ THỂ BÁN LẺ CHO BẠN
Điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới giống như những vùng lân cận của một thành phố? Thế g iới sẽ như thế nào? Tôi có thể mô tả như thế này: Tây Âu sẽ trở thành một trại dưỡng lão, với dân số già nua được các cô hộ lí Thổ Nhĩ Kì chăm sóc. Mĩ sẽ trở thành một cộng đồng đóng, có máy kiểm soát tự động đặt trước cửa ra vào và nhiều người ngồi ở sân trước cửa nhà phàn nàn về sự lười biếng của những người khác, nhưng đằng sau nhà hàng rào lại có một lỗ nhỏ để người Mexico và những người nhập cư chăm chỉ khác chui vào để giúp cho cộng đồng đóng hoạt động được. Châu Mĩ Latin sẽ trở thành khu phố vui nhộn, khu phố của các hộp đêm, nơi ngày làm việc chỉ bắt đầu vào lúc mười giờ tối, và mọi người ngủ đêm cho đến xế trưa. Dĩ nhiên đó là khu vực để tiêu khiển giết giời gian, nhưng giữa các câu lạc bộ bạn không nhìn thấy nhiều cửa hàng mở cửa, trừ trên phố của người Chilê. Các đại gia ở đó gần như không bao giờ tái đầu tư lợi nhuận của mình vào đây, mà gửi ở ngân hàng thành phố. Phố Arập sẽ trở thành một lối đi tối tăm mà ít người bên ngoài dám dấn thân vào, trừ vài phố ở vùng ven như Dubai, Jordan, Bahrain, Qatar và Morocco. Các doanh nghiệp mới duy nhất là những trạm bán xăng mà chủ, giống như gới ưu tú của khu Latin, hiếm khi tái đầu tư tiền của mình vào đây. Nhiều người ở phố Arập che rèm nhà mình kín mít, cửa chớp hạ xuống, và trước cửa treo biển, “Cấm vào. Đề phòng chó dữ.” Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Á sẽ trở thành “phía kia của đường.” Khu của họ là một khu chợ đông đúc, đầy các cửa hàng nhỏ và xưởng một phòng, xen kẽ với các trường dự bị SAT Stanley Kaplan và trường dạy nghề. Ở đây không ai ngủ, mọi người đều sống trong những gia đình nhiều thế hệ, mọi người đều làm việc và tiết kiệm tiền để có thể đi sang “phía đúng của đường.” Trên các đường phố Trung Quốc, không có luật lệ, nhưng đường phố đều có vỉa hè cẩn thận; không có ổ gà, tất cả các đèn đường đều sáng. Ngược lại, trên các đường phố Ấn Độ, không ai sửa chữa đèn đường, phố sá đầy vết bánh xe, nhưng cảnh sát thì vô cùng cứng nhắc về luật lệ. Bạn cần có giấy phép để mở một gian bán nước chanh trên phố Ấn Độ. Thật may mắn vì có thể đút lót cho cảnh sát địa phương, và các nhà khởi nghiệp thành công đều có máy phát điện riêng để vận hành nhà máy của mình và điện thoại di động đời mới nhất để gọi đi nơi khác vì điện thoại địa phương không hoạt động. Thật đáng buồn, châu Phi là phần của thành phố nơi buôn bán bị phong tỏa, cuộc sống sa sút, những tòa nhà mới duy nhất là các bệnh viện. Điểm chính ở đây là mỗi vùng trên thế giới đều có mặt mạnh mặt yếu, và tất cả đều cần cải tổ bán lẻ ở mức độ nào đó. Cải tổ bán lẻ là gì? Nói đơn giản nhất, nó cao hơn mở cửa đất nước bạn cho ngoại thương, đầu tư và tạo ra các thay đổi chính sách kinh tế vĩ mô từ trên đỉnh. Đó là cải tổ bán buôn. Cải tổ bán lẻ đặt giả định bạn đã thực hiện xong cải tổ bán buôn. Cần phải quan tâm đến bốn khía cạnh then chốt của xã hội bạn – hạ tầng cơ sở, các thể chế luật pháp, giáo dục, và văn hóa (cách thức chung mà đất nước và các nhà lãnh đạo của bạn quan hệ với thế giới) – và nâng cấp mỗi khía cạnh đó để loại bỏ càng nhiều điểm ma sát càng tốt. Ý tưởng của cải tổ bán lẻ là cho phép số lượng lớn nhất người dân của bạn có được cái khung pháp luật và thể chế tốt nhất ở trong đó để sáng chế, mở công ti, và trở thành các đối tác hấp dẫn cho tất cả những ai muốn cộng tác từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều yếu tố then chốt của cải tổ bán lẻ được nghiên cứu của Công ti Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới và nhóm phân tích kinh tế của nó, đứng đầu là nhà kinh tế Michael Klein xác định rõ. Bạn học được gì từ công trình của họ? Để bắt đầu, bạn không làm cho nước bạn thoát khỏi nghèo đói bằng đảm bảo cho mỗi người dân một việc làm. Ai Cập đảm bảo cho mọi sinh viên tốt nghiệp đại học một việc làm mỗi năm, song vẫn sa lầy trong nghèo đói với một nền kinh tế tăng trưởng chậm suốt năm mươi năm. “Nếu vấn đề chỉ là số việc làm, giải pháp sẽ dễ,” Klein và Bita Hadjimichaeal viết trong Nghiên cứu của họ cho Ngân hàng Thế giới, Private Sector in Development. “Chẳng hạn, các công ti nhà nước có thể hấp thu tất cả những người cần việc làm. Vấn đề thật sự không chỉ là việc làm, mà là việc làm ngày càng sinh lợi cho phép tăng các tiêu chuẩn sống.” Các công ti nhà nước và các hãng tư nhân được nhà nước bao cấp thường không có tăng năng suất bền vững, và cũng không có những phương pháp khác mà người ta vẫn thường cho là thuốc tiên cho tăng trưởng, họ viết thêm. Chỉ thu hút được thêm nhiều hơn đầu tư nước ngoài vào trong nước cũng không thể làm được điều đó một cách tự động. Và ngay cả đầu tư ở mức độ lớn vào giáo dục cũng không đảm bảo được điều đó. “Tăng năng suất và, do đó, cách thoát khỏi nghèo đói không chỉ đơn giản là ném thêm nguồn lực vào đó,” Klein và Hadjimichael nói. “Quan trọng hơn nhiều là việc sử dụng tốt nguồn lực.” Nói cách khác, các nước thoát được khỏi nghèo đói không chỉ khi họ quản lí được các chính sách thuế và tiền tệ một cách hợp lí từ trên, tức là cải tổ bán buôn. Họ thoát được khỏi nghèo đói khi họ cũng tạo ra được một môi trường bên dưới khiến cho người dân của họ rất dễ dàng mở công ti, gọi vốn, và trở thành nhà khởi nghiệp, và khi họ buộc được người dân của mình chí ít là phải chịu một sự cạnh tranh nào đó từ xa – bởi vì các công ti và đất nước biết cách cạnh tranh lúc nào cũng đổi mới nhiều hơn và nhanh hơn. IFC nhấn mạnh thêm điểm này với một nghiên cứu toàn diện ở hơn 130 nước, được gọi là Doing Business in 2004. IFC đưa ra năm câu hỏi nền tảng về kinh doanh ở mỗi nước đó, các câu hỏi về việc dễ dàng hay khó khăn để 1) mở một công ti mới theo luật, quy định địa phương và phí cấp phép, 2) thuê và sa thải nhân công, 3) thực thi hợp đồng, 4) có được tín dụng, và 5) đóng cửa một công ti vì phá sản hoặc thất bại. Để trình bày lại điều này theo hệ thống thuật ngữ của tôi, các nước thực hiện được những điều này tương đối đơn giản và không có ma sát là các nước đã thực hiện cải tổ bán lẻ, và các nước không làm thì vẫn đứng nguyên ở mức cải tổ bán buôn và không chắc sẽ phát đạt ở một thế giới phẳng. Các tiêu chí của IFC lấy cảm hứng từ tác phẩm xuất sắc và mang tính sáng tạo của Hernando de Soto, người đã chứng minh tại Peru và các quốc gia đang phát triển rằng nếu bạn thay đổi môi trường luật pháp và kinh doanh cho người nghèo, và cung cấp cho họ công cụ để hợp tác, họ sẽ làm nốt những việc còn lại. Doing Business in 2004 cố gắng giải thích từng điểm bằng vài ví dụ sinh động: “Teuku, một nhà khởi nghiệp ở Jakarta, muốn mở một công ti dệt may. Anh có nhiều khách xếp hàng chờ, đã nhập máy móc, và có một kế hoạch kinh doanh đầy hứa hẹn. Lần đầu anh đối mặt với chính quyền khi đăng kí doanh nghiệp của mình. Anh lấy các mẫu đăng kí chuẩn ở Bộ Tư pháp, điền và công chứng chúng. Teuku chứng minh rằng anh là một người dân cư trú ở đó và chưa bao giờ có tiền án tiền sự. Anh nhận được mã số thuế, đăng kí để xin giấy phép kinh doanh, và đặt số vốn tối thiểu (gấp ba lần thu nhập bình quân quốc gia tính theo đầu người) vào ngân hàng. Sau đó anh đăng bố cáo thành lập ở công báo, trả lệ phí, đăng kí ở Bộ Tư pháp, và đợi 90 ngày trước khi đệ đơn bảo hiểm xã hội. Một trăm sáu mươi tám ngày sau khi bắt đầu quá trình đó, Teuku có thể bắt đầu công việc một cách hợp pháp. Trong thời gian đó, các khách hàng của anh đã kí hợp đồng với hãng khác. “Ở Panama, một nhà khởi nghiệp khác, Ina, đăng kí mở công ti xây dựng trong vòng 19 ngày. Kinh doanh phát đạt và Ina muốn thuê một người cho hai năm. Song luật lao động chỉ cho phép thuê theo thời hạn đối với các công việc đặc thù, và thậm chí chỉ cho phép tối đa một năm. Cùng thời gian đó, một trong các nhân công của cô thường xuyên bỏ làm về sớm, không lí do, và gây ra nhiều nhầm lẫn tổn thất lớn. Để thay thế anh ta, Ina cần thông báo cho và được sự đồng ý của công đoàn, và phải trả bồi thường năm tháng tiền lương. Ina phải thôi không nhận một ứng viên có tay nghề mà cô muốn thuê để giữ lại tay nhân viên tồi kia. “Ali, một thương gia ở Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, có thể thuê và sa thải nhân công một cách dễ dàng. Nhưng một trong số các khách hàng của anh từ chối không trả tiền số thiết bị đã được giao từ ba tháng trước. Phải trải qua 27 bước thủ tục và hơn 550 ngày vụ tranh chấp mới được tòa giải quyết xong. Gần như toàn bộ các thủ tục được thực hiện thông qua văn bản, và đòi hỏi nhiều lí lẽ pháp lí và sử dụng luật sư. Sau vụ đó, Ali quyết định chỉ làm ăn với những khách hàng mà anh biết rõ. “Timnit, một nhà khởi nghiệp trẻ ở Ethiopia, muốn mở rộng công ti tư vấn làm ăn thành công của cô bằng tiền vay. Song cô không có bằng chứng lịch sử tín dụng tốt vì không có hồ sơ thông tin tín dụng. Dù cho công ti của cô có tài sản phải thu đáng kể, luật pháp hạn chế ngân hàng của cô coi đó như khoản thế chấp. Ngân hàng biết nó không thể đòi được số nợ nếu Timnit không trả, vì tòa án kém hiệu quả và luật pháp cho các chủ nợ ít quyền lực. Món vay bị từ chối. Công ti không lớn mạnh thêm được. “Đăng kí kinh doanh, thuê người làm, kí hợp đồng và vay tiền xong, Avik, một doanh nhân ở Ấn Độ, không thể tạo ra lợi nhuận và phải bỏ kinh doanh. Đối mặt với thủ tục phá sản lê thê 10 năm, Avik trốn, chẳng để lại gì cho công nhân, ngân hàng, và sở thuế.” Nếu bạn muốn biết tại sao hai thập kỉ cải tổ kinh tế vĩ mô bán buôn ở trên đỉnh đã không làm giảm được sự lan tràn của nghèo đói và tạo ra đủ số việc làm mới ở các nước quan trọng của Mĩ Latin, châu Phi và Arập, và Liên Xô trước đây, bởi vì đã có quá ít cải tổ bán lẻ. Theo báo cáo của IFC, nếu bạn muốn tạo ra các việc làm có năng suất cao (loại dẫn đến nâng cao mức sống), và nếu bạn muốn thúc đẩy tăng trưởng của các công ti mới (loại đổi mới, cạnh tranh, và tạo ra của cải), bạn cần có một môi trường pháp lí cho phép dễ mở doanh nghiệp, dễ hiệu chỉnh công ti với hoàn cảnh và cơ hội thị trường thay đổi, và dễ để đóng cửa một công ti bị phá sản, để vốn có thể được giải phóng cho việc sử dụng có hiệu quả hơn. “Mất hai ngày để mở một công ti ở Úc, nhưng cần 203 ngày ở Haiti và 215 ngày ở Cộng hòa Dân chủ Congo,” báo cáo của IFC cho biết. “Không có chi phí tiền tệ để mở một công ti mới ở Đan Mạch, nhưng tốn hơn năm lần thu nhập bình quân đầu người ở Campuchia và hơn mười ba lần ở Sierra Leone. Hồng Kông, Singapore, Thái Lan và hơn ba mươi nền kinh tế khác không đòi hỏi công ti mới phải có vốn tối thiểu. Ngược lại, ở Syria yêu cầu vốn tương đương với năm mươi sáu lần thu nhập bình quân đầu người… Các công ti ở Cộng hòa Czech và Đan Mạch có thể thuê nhân công làm bán thời gian hoặc thời hạn cố định cho bất kì công việc nào, không quy định thời gian tối đa của hợp đồng. Ngược lại, luật lao động ở El Salvador chỉ cho phép hợp đồng định kì với các công việc đặc thù, và chỉ cho phép tối đa một năm… Một hợp đồng thương mại đơn giản được thực thi trong 7 ngày ở Tunisia và 39 ngày ở Hà Lan, nhưng ở Guatemala mất gần 1500 ngày. Chi phí thực thi hợp đồng thấp hơn 1% lượng tiền tranh chấp ở Áo, Canada và Anh, nhưng cao hơn 100% ở Burkina Faso, Cộng hòa Dominic, Indonesia… và Philippines. Các văn phòng tín dụng có lịch sử tín dụng của hầu hết người trưởng thành ở New Zealand, Nauy và Mĩ. Nhưng các phòng đăng kí tín dụng ở Cameroon, Ghana, Pakistan, Nigeria và Serbia và Montenegro chỉ có lịch sử tín dụng của ít hơn 1% người trưởng thành. Ở Anh, luật thế chấp và phá sản dành cho chủ nợ quyền lực lớn để thu nợ nếu con nợ không trả được. Ở Colombia, Cộng hòa Congo, Mexico, Oman và Tunisia, một chủ nợ không có các quyền như vậy. Mất ít hơn sáu tháng để tiến hành phá sản công ti ở Ireland và Nhật, nhưng hơn mười năm ở Brazil và Ấn Độ. Mất ít hơn 1% giá trị tài sản để giải quyết nợ không trả được ở Phần Lan, Hà Lan, Nauy và Singapore – và gần một nửa giá trị tài sản ở Chad, Panama, Macedonia, Venezuela, Serbia và Montenegro, và Sierra Leone.” Như báo cáo của IFC đã nêu, luật lệ quá hà khắc cũng có khả năng làm hại đến hầu hết những người mà nhẽ ra nó phải bảo vệ. Những người giàu và có quan hệ tốt chỉ cần bỏ tiền mua hoặc chạy chọt lách qua các quy định nặng nề. Tại các nước có thị trường lao động được điều tiết chặt chẽ, nơi khó có thể thuê và sa thải người làm, phụ nữ gặp khó khăn đặc biệt trong việc tìm việc làm. “Quy định tốt không phải là không có quy định,” nghiên cứu của IFC kết luận. “Mức độ tối ưu của quy định không phải là mức không, nhưng nên ít hơn mức thường thấy ngày nay ở phần lớn các nước, đặc biệt là các nước nghèo.” Kết luận cung cấp cái mà tôi gọi là danh sách năm bước cho cải tổ bán lẻ. Một, đơn giản và bỏ bớt các quy định nếu có thể trong các thị trường cạnh tranh, bởi vì cạnh tranh vì khách hàng và nhân công có thể là nguồn áp lực tốt nhất cho các tập quán tốt nhất, và quy định quá nhiều chỉ mở cửa cho các quan chức thối nát đòi tiền đút lót. “Chẳng có lí do gì để Angola có một trong những bộ luật lao động hà khắc nhất nếu Bồ Đào Nha, nguồn của bộ luật mà Angola áp dụng, đã xem lại nó hai lần rồi để cho thị trường lao động mềm dẻo hơn,” nghiên cứu của IFC cho biết. Hai, chú trọng tăng cường quyền sở hữu. Theo sáng kiến của Soto, chính phủ Peru trong thập kỉ vừa qua đã giao chứng thư quyền sở hữu cho 1.2 triệu hộ gia đình chiếm đất thành thị. “Quyền sở hữu an toàn đã cho phép các bậc bố mẹ rời nhà đi tìm việc làm thay vì ở lì đó để lo bảo vệ tài sản”, nghiên cứu của IFC viết. “Những người được hưởng lợi nhiều nhất là con cái họ, vì giờ đây chúng có thể đi học.” Ba, mở rộng sử dụng mạng Internet để thi hành các quy định. Mạng Internet khiến việc thi hành đó trở nên nhanh hơn, minh bạch hơn, và ít dẫn tới tham nhũng. Bốn, giảm bớt mức độ can thiệp của tòa án vào các vấn đề kinh doanh. Và cuối cùng, nhưng chắc chắn không kém phần quan trọng, nghiên cứu của IFC khuyên, “Biến cải cách thành một quá trình liên tục… Các nước thực hiện tốt một cách nhất quán các chỉ số của Doing Business làm được như vậy vì có cải cách liên tục.” Ngoài các tiêu chí của IFC, rõ ràng cải tổ bán lẻ còn phải mở rộng các cơ hội để người dân có được một nền giáo dục đủ các cấp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng – đường, cảng, viễn thông, và sân bay – mà không có chúng thì không cải tổ bán lẻ nào có thể cất cánh và không thể hợp tác với người khác. Ngày nay nhiều nước vẫn còn giữ hệ thống viễn thông nằm trong tay các công ti độc quyền nhà nước, làm cho truy cập Internet tốc độ cao và truy cập không dây hoặc quá đắt hoặc quá chậm, tình hình cũng tương tự với điện thoại đường dài và ra nước ngoài. Không có cải tổ bán lẻ trong lĩnh vực viễn thông, thì cải tổ bán lẻ trong năm khu vực khác sẽ là không đủ dù cần thiết. Điều đáng chú ý là nhiều người nghĩ các tiêu chuẩn của IFC chỉ liên quan đến Argentina và Peru, nhưng thực ra một số nước xếp hạng kém hơn là các nơi như Đức và Ý. (Quả thực, chính phủ Đức đã phản đối một số điều khám phá ra ở trong đó.) “Khi bạn và tôi sinh ra,” Luis de la Calle nói, “cạnh tranh với chúng ta [là] các hàng xóm liền kề chúng ta. Ngày nay cạnh tranh với chúng ta là một người Nhật, Pháp hoặc Trung Quốc. Bạn sẽ rất nhanh biết mình đứng ở thứ hạng nào trong một thế giới phẳng… Giờ đây bạn phải cạnh tranh với tất cả những người khác.” Người tài giỏi nhất trong một thế giới phẳng sẽ kiếm được nhiều tiền hơn, ông nói thêm, “và nếu bạn không cố gắng, sẽ có người khác thế chỗ bạn – và người đó sẽ không phải là gã ở bên kia đường.” Nếu bạn không đồng ý, chỉ cần hỏi những người có vai trò quan trọng. Craig Barrett, chủ tịch hãng Intel, nói với tôi, “Trừ rất ít ngoại lệ, khi bạn nghĩ đến đặt một nhà máy sản xuất ở đâu, bạn sẽ nghĩ đến giá nhân công, vận tải, và độ sẵn có của các tiện ích –các thứ đại loại thế. Ngày nay sự thảo luận đã mở rộng, và như thế không còn là bạn đặt nhà máy của mình ở đâu mà là bạn sẽ đặt các nguồn lực kĩ thuật, nghiên cứu và phát triển - ở đâu, nơi nào các nguồn lực trí tuệ và các nguồn lực khác có hiệu quả nhất tương đối với giá thành? Hiện nay bạn có quyền tự do để đưa ra lựa chọn đó… Hiện nay bạn có thể ở bất kì đâu. Bất kì đâu cũng có thể trở thành một phần của chuỗi cung của tôi – Brazil, Việt Nam, Cộng hòa Czech, Ukraina. Nhiều người trong chúng ta đang tự hạn chế phạm vi của mình vào một vài nước vì một lí do hết sức đơn giản: Một số có thể kết hợp sự sẵn có về tài năng và một thị trường - tức là, Ấn Độ, Nga, và Trung Quốc.” Nhưng với mỗi nước mà Intel dự định đến, Barrett nói thêm, ông đều tự hỏi mình câu hỏi sau: “Nước này mang mặt mạnh vốn có nào vào cuộc chơi? Ấn Độ, Nga – cơ sở hạ tầng tồi, trình độ giáo dục cao, bạn có nhiều người thông minh. Trung Quốc có mỗi thứ một chút. Trung Quốc có cơ sở hạ tầng tốt hơn Nga và Ấn Độ. Thế nếu bạn đến Ai Cập, khả năng độc nhất [nước đó phải cung cấp] là gì? Giá nhân công cực rẻ, nhưng cơ sở hạ tầng và giáo dục thì sao? Philippines hay Malaysia có tỉ lệ người biết chữ cao – bạn phải thuê người tốt nghiệp đại học vào làm ở dây chuyền sản xuất của bạn. Họ không có cơ sở hạ tầng, nhưng có nhiều người được giáo dục. Bạn phải có cái gì đó để dựa vào. Khi đến Ấn Độ, được hỏi về mở nhà máy, chúng tôi trả lời, ‘Các bạn không có cơ sở hạ tầng. Mỗi ngày mất điện đến bốn lần’.” John Chambers, CEO của Cisco Systems, hãng dùng một chuỗi cung toàn cầu để xây dựng các bộ định tuyến vận hành Internet và lúc nào cũng bị nài nỉ đầu tư vào nước này hay nước khác, nói thêm, “Việc làm sẽ đổ dồn đến các nơi có lực lượng lao động được giáo dục tốt nhất với một cơ sở hạ tầng, môi trường cho sáng tạo và sự hỗ trợ của chính phủ có tính cạnh tranh nhất. Điều này là không thể tránh khỏi. Và theo định nghĩa những người đó sẽ có tiêu chuẩn sống cao nhất. Đó có thể là hoặc không phải là những nước dẫn đầu Cách mạng Công nghiệp.” Nhưng khi mà tiền cược trong cải tổ bán lẻ ngày nay cao hơn bao giờ hết, và các nước biết điều đó, chỉ cần nhìn quanh thế giới để nhận ra là không phải nước nào cũng thành công. Không giống cải tổ bán buôn, có thể được thực thi bởi một nhúm người dùng mệnh lệnh hành chính hoặc đơn giản độc tài, cải tổ bán lẻ đòi hỏi cơ sở rộng hơn nhiều của sự đóng góp của công cộng và nghị viện nếu muốn thắng các giới đặc quyền kinh tế và chính trị. Ở Mexico, “chúng tôi đã thực hiện các giai đoạn đầu của cải cách cơ cấu từ trên xuống,” Guillermo Ortiz nói. “Giai đoạn tiếp theo khó hơn rất nhiều. Bạn phải làm từ dưới lên. Bạn phải tạo sự đồng thuận rộng lớn hơn để đẩy các cuộc cải cách trong bối cảnh dân chủ.” Và khi điều đó xảy ra, Moisés Naím, cựu Bộ trưởng Kinh tế Venezuela và hiện là chủ bút tạp chí Foreign Policy, nhận xét, bạn phải có được số lượng lớn hơn người tham gia, khiến cho tính logic nội tại và sự nhất quán kĩ thuật của các chính sách cải cách trở nên dễ bị tổn thương hơn đối với ảnh hưởng của các thỏa hiệp, mâu thuẫn chính trị, và những thất bại thể chế. “Vượt qua hay phớt lờ bộ máy quan liêu khăng khăng cố thủ – một sự xa xỉ mà các nhóm chính phủ thường xuyên được hưởng sau khi đã tung ra những cải cách ban đầu – khó hơn nhiều ở giai đoạn này,” Naím nói. Vậy vì sao một nước vượt qua được mô đất cản trở cải tổ bán lẻ này, với các nhà lãnh đạo có khả năng huy động bộ máy quan liêu và công chúng ủng hộ các cải cách nhỏ đau đớn hơn, đòi hỏi nhiều hơn đó, còn nước khác lại bị vấp?VĂN HOÁ LÀ QUAN TRỌNG: GLOCALIZATION
Một câu trả lời là văn hóa. Quy thành tích kinh tế của một nước cho riêng văn hóa là nực cười, nhưng phân tích thành tích kinh tế của một nước mà không tính đến văn hóa cũng nực cười ngang vậy, tuy đó là điều nhiều nhà kinh tế và khoa học chính trị muốn làm. Chủ đề này gây rất nhiều tranh cãi và được coi là không đúng đắn về chính trị để nêu ra. Cho nên thường là không ai muốn nói đến điều đó cả. Nhưng tôi sắp sửa nói đến nó, vì một lí do đơn giản: Vì thế giới đã phẳng, và ngày càng nhiều công cụ cộng tác được phân phối và vật dụng hóa, khoảng cách giữa các nền văn hóa có ý chí, cách thức, và sự chú trọng để nhanh chóng chấp nhận các công cụ này và áp dụng chúng và các nền văn hóa không muốn làm vậy sẽ là quan trọng hơn. Những khác biệt giữa hai thứ sẽ được khuyếch đại lên. Một trong những cuốn sách quan trọng nhất viết về chủ đề này là The Wealth and Poverty of Nations của nhà kinh tế David Landes. Ông lí luận rằng dù cho tất cả các yếu tố khí hậu, tài nguyên thiên nhiên và địa lí đều có vai trò trong việc giải thích tại sao một số nước có khả năng tiến đến công nghiệp hóa còn các nước khác thì không, nhân tố then chốt thực sự là tài năng văn hóa của một nước, đặc biệt là mức mà nước đó tiếp thu được các giá trị của lao động chăm chỉ, tiết kiệm, trung thực, kiên trì và nhẫn nại, cũng như mức độ nó mở đối với thay đổi, công nghệ, và bình đẳng cho phụ nữ. Người ta có thể đồng ý hoặc không với cách Landes dung hoà giữa các thói quen văn hóa này hoặc các nhân tố khác ảnh hưởng đến thành tích kinh tế. Nhưng tôi thấy sự nhấn mạnh của ông vào đề cao vấn đề văn hóa là thú vị, cũng như cách ông bác bỏ các lí luận cho rằng sự trì trệ kéo dài của một số nước chỉ đơn giản là vì chế độ thuộc địa của phương Tây, địa lí, hay di sản lịch sử. Trong các chuyến đi của tôi, có hai khía cạnh của văn hóa mà tôi thấy là đặc biệt có liên quan đến thế giới phẳng. Một là văn hóa của bạn hướng ngoại thế nào: Nó mở đến mức độ nào cho các tác động và ý tưởng ngoài? Nó “glocalize” khéo đến đâu? Thứ hai, mơ hồ hơn, là văn hóa của bạn hướng nội thế nào. Tôi muốn nói ý thức đoàn kết dân tộc và sự chú trọng vào phát triển đạt đến mức độ nào, lòng tin của xã hội với người nước ngoài trong việc cộng tác đến mức độ nào, và giới tinh hoa của đất nước có mối liên hệ với đám đông và sẵn sàng đầu tư trong nước đến mức độ nào, hay là họ bàng quan với đồng bào nghèo khó của mình và quan tâm hơn đến việc đầu tư ra nước ngoài? Bạn càng có một nền văn hóa glocalize một cách tự nhiên – nghĩa là nền văn hóa của bạn càng hấp thụ được các tư tưởng nước ngoài và các tập quán tốt nhất rồi hòa trộn với các truyền thống của mình – bạn càng có thêm lợi thế trong một thế giới phẳng. Khả năng glocalize tự nhiên từng là một trong những thế mạnh của văn hóa Ấn Độ, văn hóa Mĩ, văn hóa Nhật, và sau này, văn hóa Trung Quốc. Chẳng hạn người Ấn Độ có quan điểm là người Mogul tới, người Mogul đi, người Anh đến, người Anh đi, chúng ta giữ lại cái tốt đẹp nhất và bỏ những cái khác – nhưng chúng ta vẫn ăn cari, phụ nữ chúng ta vẫn mặc sari, và chúng ta vẫn sống trong các đại gia đình ràng buộc chặt chẽ. Đó là sự glocalize khéo nhất. “Các nền văn hóa mở và sẵn sàng thay đổi có một lợi thế to lớn trong thế giới này,” Jerry Rao, CEO của MphasiS, người đứng đầu hiệp hội thương mại công nghệ cao Ấn Độ, nói. “Cụ tôi mù chữ. Bà tôi học đến lớp hai. Mẹ tôi không học đại học. Chị tôi có bằng thạc sĩ kinh tế học, con gái tôi học ở đại học Chicago. Chúng tôi đã làm tất cả để lưu giữ kí ức, nhưng chúng tôi cũng luôn sẵn sàng thay đổi… Bạn phải có một văn hóa mạnh, nhưng cũng phải có độ mở để du nhập và áp dụng những cái đến từ nơi khác. Những người chủ trương cô lập về văn hóa gặp phải bất lợi thật sự. Hãy nghĩ về điều đó, hãy nghĩ về khoảng thời gian khi hoàng đế Trung Quốc đuổi đại sứ Anh quốc đi. Quyết định đó gây đau khổ cho ai? Người Trung Quốc. Sự cô lập là một điều nguy hiểm.” Tính mở rất quan trọng, Rao nói thêm, “vì bạn sẽ có xu hướng tôn trọng người khác vì tài năng và khả năng của họ. Khi bạn chat với một nhà phát triển khác ở một nơi khác trên thế giới, bạn không biết màu da của anh ta hay cô ta là gì. Bạn làm việc với mọi người dựa trên cơ sở tài năng – chứ không phải dòng giống hay chủng tộc – và một cách tinh tế điều đó sẽ làm thay đổi cách nhìn của bạn với con người nói chung, nếu bạn ở trong thế giới dựa trên tài năng và thành tích này hơn là trong một thế giới dựa vào xuất thân.” Điều này giúp giải thích vì sao rất nhiều nước Hồi giáo đã vật lộn khi thế giới trở nên phẳng. Vì các lí do văn hóa và lịch sử phức tạp, nhiều nước trong số đó không glocalize tốt, dù cho có rất nhiều ngoại lệ – Thổ Nhĩ Kì, Lebanon, Bahrain, Dubai, Indonesia, và Malaysia. Song tất cả các nước này đều có xu hướng trở thành các quốc gia Hồi giáo thế tục. Ở một thế giới nơi lợi thế lớn nhất duy nhất mà một văn hóa có thể có là năng lực nuôi dưỡng khả năng thích nghi và làm theo, thế giới Hồi giáo ngày nay bị thống trị bởi một tầng lớp giáo sĩ hoàn toàn nghiêm cấm ijtihad, tức diễn giải lại các nguyên lí của đạo Hồi theo ánh sáng của hoàn cảnh hiện tại. Hãy nghĩ đến toàn bộ nếp nghĩ của chủ nghĩa bin Laden. Đó là “thanh lọc” Arập Saudi khỏi toàn bộ người nước ngoài và các ảnh hưởng ngoại quốc. Điều đó chính xác là cái đối lập của sự glocalize và cộng tác. Phương châm của người theo thuyết bộ lạc là gì? “Tôi và anh trai tôi chống lại anh họ của tôi; tôi, anh trai tôi và anh họ tôi chống lại người ngoài.” Và phương châm của những người theo toàn cầu hóa, xây dựng các chuỗi cung cộng tác, là gì? “Tôi, anh trai tôi và anh họ tôi, ba người bạn từ thời thơ ấu, bốn người ở Úc, hai người ở Bắc Kinh, sáu người ở Bangalore, ba người từ Đức, bốn người mà chúng tôi gặp qua Internet tạo thành một chuỗi cung toàn cầu duy nhất.” Trong thế giới phẳng, phân công lao động chắc chắn đang trở nên ngày càng phức tạp hơn, rất nhiều người tương tác với nhiều người khác mà họ không quen biết và có thể chẳng bao giờ gặp nhau. Nếu bạn muốn có phân công lao động phức tạp hiện đại, bạn phải có khả năng tin tưởng nhiều hơn vào người lạ. Trong thế giới Arập-Hồi giáo, David Landes lí lẽ, một số thái độ văn hóa theo nhiều cách đã trở thành rào cản với phát triển, đặc biệt là xu hướng vẫn coi phụ nữ là một nguồn gốc nguy hiểm hay độc hại phải bị cách li khỏi môi trường công cộng và từ chối không cho tham gia các hoạt động kinh tế. Khi một nền văn hóa tin như vậy, nó sẽ mất phần lớn năng suất tiềm năng của xã hội. Một hệ thống ưu tiên đàn ông kể từ khi sinh, Landes cũng lí lẽ, chỉ vì họ là đàn ông, và cho họ quyền lực đối với chị em gái của họ và các thành viên nữ khác trong xã hội, là xấu đối với đàn ông. Nó tạo trong họ một ý thức về sự được quyền và làm hại đến cái cần hoàn thiện, cần tiến lên, và cần đạt được. Kiểu phân biệt đối xử đó, ông lưu ý, tất nhiên không chỉ giới hạn ở thế giới Arập Trung Đông. Thực ra, thiên hướng đó có thể thấy ở các cấp độ khác nhau trên khắp thế giới, ngay cả ở các xã hội được coi là xã hội công nghiệp tiên tiến. Sự kháng cự của thế giới Arập-Hồi giáo đối với glocalization là cái gì đó mà giờ đây một số nhà bình luận Arập tự do đang chú tâm vào. Xem thử bài báo ngày 5 tháng Năm năm 2004 trong tờ nhật báo Saudi bằng tiếng Anh, Arab News của nhà báo Saudi tự do Raid Qusti, có tít là “Mất bao lâu trước khi có bước đi đầu tiên?” “Các vụ khủng bố ở Arập Saudi ít nhiều đã trở thành tin tức hàng ngày. Mỗi lần như thế tôi lại hi vọng và cầu nguyện là nó kết thúc rồi, nhưng có vẻ như là ngày càng chỉ tồi tệ thêm,” Qusti viết. “Một giải thích tại sao tất cả những điều đó xảy ra được tổng biên tập tờ Al-Riyadh, Turki Al-Sudairi, đưa ra khi xác định nguồn gốc của các hành động khủng bố. Ông nói rằng những kẻ thực hiện các cuộc tấn công này chia sẻ ý thức hệ của phong trào Juhaiman từng chiếm Nhà thờ lớn Hồi giáo trong các năm 1970. Họ có một ý thức hệ tố cáo người khác là không trung thành và tự cho phép mình quyền giết họ, dù đó là người phương Tây – những người, theo họ, phải bị đuổi khỏi bán đảo Arập – hay tín đồ Hồi giáo không đi theo con đường của họ. Trong con mắt công chúng họ biến mất trong các năm 1980 và 1990 nhưng đã lại nổi lên với ý thức hệ mang tính tàn phá của mình. Câu hỏi Al-Sudairi đã quên không đặt ra là: Người Saudi chúng ta phải làm gì bây giờ? Nếu chúng ta là một quốc gia từ chối nhìn vào các nguyên nhân cội nguồn, như chúng ta từng làm trong hai thập kỉ vừa qua, thì việc một nhóm người khác với cùng ý thức hệ đó xuất hiện chỉ còn là chuyện thời gian. Chúng ta có tiếp tay tạo ra các con quái vật đó không? Hệ thống giáo dục của chúng ta, không hề nhấn mạnh sự khoan dung với các niềm tin khác – kể cả với những người theo các trường phái tư tưởng Hồi giáo khác – là một điều cần được xem xét lại từ đỉnh đến đáy. Bản thân văn hóa Saudi và thực tế rằng phần lớn chúng ta không chấp nhận các phong cách sống khác và áp đặt phong cách sống của chúng ta lên người khác, là chuyện khác nhau. Và thực tế rằng kể từ lớp bốn đến lớp mười hai chúng ta không dạy con cái mình rằng có các nền văn minh khác trên thế giới và chúng ta thuộc về một cộng đồng toàn cầu, mà chỉ nhấn mạnh nhắc đi nhắc lại các vương quốc Hồi giáo, thực tế đó cũng đáng phải xem xét lại.” Không thể đơn giản mà quên rằng khi bước vào các hoạt động kinh tế, một trong những phẩm chất lớn nhất mà một nước hay một cộng đồng có thể có được là một văn hóa khoan dung. Khi khoan dung là một tiêu chuẩn, tất cả mọi người sẽ bừng nở – bởi vì khoan dung sinh ra lòng tin, và lòng tin là nền tảng của đổi mới và tinh thần kinh doanh. Hãy tăng mức lòng tin trong bất kì nhóm, công ti hay xã hội nào, nhất định các điều tốt đẹp sẽ đến. “Trung Quốc khởi đầu sự cất cánh thương mại và công nghiệp thần kì của mình chỉ khi hình thức bất khoan dung cộng sản ghê tởm của Mao Trạch Đông được xóa bỏ, dành chỗ cho cái có thể gọi là sự không can thiệp mang tính toàn trị,” sử gia Anh Paul Johnson viết ngày 21-6-2004 trong một tiểu luận trên tạp chí Forbes. “Ấn Độ là một ví dụ khác. Bản chất của đạo Hindu là khoan dung và, theo cách thức lạ lùng của riêng nó, thoải mái… Khi để tự họ, người Ấn Độ (giống người Trung Quốc) luôn phát đạt với tư cách một cộng đồng. Thử xem trường hợp cộng đồng người Ấn ở Uganda, những người bị độc tài khủng khiếp Idi Amin đuổi đi rồi được nhận vào xã hội Anh khoan dung. Hiện nay trong nhóm này đã có nhiều triệu phú hơn bất kì cộng đồng mới nhập cư vào Anh nào. Họ là một ví dụ nổi bật về lao động chăm chỉ, nền tảng gia đình vững chắc và ham muốn học hành có thể đưa những người bị mất toàn bộ tài sản của mình đi xa đến đâu.” Đạo Hồi, nhìn lại quá khứ, cũng từng phát đạt khi xây dựng một văn hóa khoan dung, như ở vùng người Moor của Tây Ban Nha. Nhưng trong hình thức hiện đại, trong quá nhiều trường hợp đạo Hồi đã bị bắt giữ và bị diễn giải bởi các nhà lãnh đạo tinh thần không chịu thu nhập một văn hóa khoan dung, thay đổi, hay đổi mới, và, Johnson viết, điều đó chắc hẳn là đã đóng góp vào việc kéo lùi tăng trưởng kinh tế ở nhiều vùng đất Hồi giáo. Đến đây chúng ta lại quay trở lại hệ số phẳng. Các nước không có tài nguyên thiên nhiên, thông qua tiến hóa con người, thường sẵn sàng phát triển các thói quen cởi mở với các tư tưởng mới, vì đó là cách duy nhất giúp họ có thể sống sót và tiến lên. Dù vậy, tin mừng là không chỉ văn hóa có vai trò quan trọng, mà văn hóa còn có thể thay đổi. Văn hóa không được ghi sẵn vào ADN của chúng ta. Nó là sản phẩm của hoàn cảnh – địa lí, trình độ giáo dục, lãnh đạo, và kinh nghiệm lịch sử – của bất kì xã hội nào. Khi những cái đó thay đổi, văn hóa cũng có thể thay đổi. Nhật Bản và Đức đi từ những xã hội quân sự hóa cao độ đến các xã hội dân chủ rất hòa bình và vững chắc trong vòng năm mươi năm qua. Bahrain là một trong các nước Arập đầu tiên phát hiện ra dầu mỏ. Đó là nước Arập đầu tiên hết dầu. Và đó là nước Arập đầu tiên ở vùng Vịnh Arập cho phép phụ nữ ứng cử và bầu cử trong bầu cử nghị viện. Trung Quốc trong Cách mạng Văn hóa giống như một quốc gia gắn chặt với một văn hóa điên rồ về ý thức hệ. Trung Quốc ngày nay đồng nghĩa với chủ nghĩa thực dụng. Tây Ban Nha Hồi giáo là một trong những xã hội khoan dung nhất trong lịch sử thế giới. Arập Saudi Hồi giáo ngày nay là một trong những xã hội kém khoan dung nhất. Tây Ban Nha Hồi giáo từng là một xã hội thương mại và buôn bán nơi người dân phải tìm cách sống nhờ vào sự khôn ngoan của mình và do đó học được cách sống yên ổn với người khác; Arập Saudi ngày nay chỉ có thể kiếm được tiền qua bán dầu mỏ. Ngay cạnh Arập Saudi là Dubai, một thành phố-quốc gia Arập từng sử dụng đồng đôla dầu mỏ của mình để xây dựng trung tâm thương mại, du lịch, dịch vụ và máy tính của vùng Vịnh. Dubai là một trong những nơi khoan dung nhất, có tính chất thế giới nhất với nhiều quán sushi và sân golf hơn nhà thờ Hồi giáo – và khách du lịch thậm chí không cần đến visa. Vì lẽ đó, văn hóa là quan trọng, nhưng văn hoá làm tổ trong bối cảnh, chứ không trong gen, và khi các bối cảnh đó, cũng như các nhà lãnh đạo địa phương, thay đổi và thích nghi, văn hóa cũng có thể thay đổi và thích nghi.NHỮNG ĐIỀU VÔ HÌNH
Chỉ so sánh các đường chân trời bạn đã có thể nói rất nhiều điều. Giống nhiều người Mĩ gốc Ấn khác, Dinakar Singh, một nhà quản lí quỹ đầu tư tự bảo hiểm, thường xuyên về Ấn Độ thăm nhà. Mùa đông năm 2004, anh quay về New Delhi. Khi tôi gặp anh vài tháng sau đó, anh nói với tôi về thời điểm khi anh nhận ra tại sao kinh tế Ấn Độ vẫn chưa cất cánh được ở mức cần thiết – dĩ nhiên là ngoài lĩnh vực công nghệ cao. “Tôi ở tầng sáu một khách sạn ở New Delhi,” anh nhớ lại, “và khi nhìn ra ngoài cửa sổ tôi có thể nhìn xa nhiều dặm. Sao thế được? Vì không bảo đảm được điện cho thang máy nên ở Delhi không có nhiều nhà cao tầng.” Không có nhà đầu tư nhạy cảm nào muốn xây một tòa nhà cao tầng nơi điện có thể bị cắt bất kì lúc nào và bạn sẽ phải leo bộ hai mươi tầng gác. Kết quả là đô thị ngổn ngang hơn và sử dụng không gian không hiệu quả. Tôi bảo Singh, câu chuyện này nhắc tôi nhớ lại một chuyến đi vừa qua đến Đại Liên, Trung Quốc. Tôi đã ở Đại Liên năm 1998, và khi trở lại vào năm 2004, tôi không còn nhận ra thành phố nữa. Có rất nhiều tòa nhà mới, kể cả các tòa tháp bằng kính và thép hiện đại, đến mức tôi bắt đầu tự hỏi liệu thật sự mình đã đến đây năm 1998 hay không. Rồi tôi kể thêm một chuyện nữa. Tôi đến học ở Cairo hè năm 1974. Ba tòa nhà lớn nhất thành phố khi đó là Nile Hilton, Cairo Tower và tòa nhà của TV Ai Cập. Ba mươi năm sau, năm 2004, chúng vẫn là các tòa nhà lớn nhất ở đó; đường chân trời của Cairo gần như không hề thay đổi. Mỗi lần trở lại Cairo, tôi biết chính xác mình ở đâu. Trước khi đến Đại Liên tôi ghé thăm Mexico City, nơi tôi chưa quay lại sau 5 năm. Tôi thấy thành phố sạch hơn nhiều so với tôi còn nhớ, nhờ một chiến dịch của thị trưởng với toàn thành phố. Cũng có vài tòa nhà mới xây, nhưng không nhiều như tôi trông chờ sau một thập kỉ NAFTA. Tuy vậy, bên trong các tòa nhà tôi thấy các bạn Mexico của tôi có vẻ hơi buồn. Họ bảo tôi rằng Mexico đã đánh mất lối sống của mình – nó đã không phát triển theo đúng cách, và sự tự tin của người dân đang mất dần đi. Vậy là ở Delhi, bạn có thể nhìn mãi mãi. Ở Cairo, đường chân trời dường như mãi mãi như nhau. Ở Trung Quốc, nếu bạn không quay lại một thành phố trong một năm, có vẻ như bạn đã chưa bao giờ đến đó. Và ở Mexico City, ngay khi người Mexico nghĩ là mình đã đổi được hướng đi mãi mãi, thì họ lại vấp phải Trung Quốc, nước đi con đường khác và đi nhanh hơn rất nhiều. Cái gì giải thích các khác biệt này? Chúng ta biết công thức cơ bản cho thành công kinh tế – cải tổ bán buôn, kế theo là cải tổ bán lẻ, cộng quản trị, giáo dục, cơ sở hạ tầng tốt và khả năng glocalize khéo. Tuy vậy, điều chúng ta không biết, mà nếu biết tôi sẽ đóng chai đem bán, là câu trả lời cho câu hỏi tại sao một nước lại có thể thực hiện được tất cả các điều này theo cách vững chắc còn nước khác thì không. Tại sao đường chân trời của một nước lại thay đổi sau một đêm, còn của nước khác lại không thay đổi gì sau một nửa thế kỉ? Câu trả lời duy nhất mà tôi có thể tìm ra là cái gì đó không thể định nghĩa được: tôi gọi nó là các điều vô hình. Trước hết chúng là hai phẩm chất: khả năng và sự sẵn sàng của một xã hội để cùng hành động và hi sinh tất cả cho phát triển kinh tế và sự hiện diện trong xã hội của các nhà lãnh đạo có tầm nhìn để nhận ra cần làm cái gì về mặt phát triển và sẵn sàng dùng quyền lực để thúc đẩy thay đổi hơn là làm giàu cho bản thân và duy trì nguyên trạng. Một số nước (như Hàn Quốc và Đài Loan) có vẻ có khả năng tập trung các nguồn lực của mình để ưu tiên cho phát triển kinh tế, và các nước khác (như Ai Cập và Syria) bị rối trí bởi ý thức hệ và hận thù địa phương. Một số nước có các nhà lãnh đạo dùng nhiệm kì của mình để cố thúc đẩy hiện đại hóa hơn là để làm giàu cho bản thân. Và một số nước đơn giản có tầng lớp ưu tú vụ lợi, dùng thời gian đương chức của mình để nhồi đầy túi và sau đó đầu tư vào bất động sản ở Thụy Sĩ. Tại sao Ấn Độ có các nhà lãnh đạo xây dựng được các viện công nghệ và Pakistan đã có các nhà lãnh đạo không làm được thế, là một sản phẩm của lịch sử, địa lí, và văn hóa mà tôi chỉ có thể tóm gọn như một trong các điều vô hình kia. Nhưng ngay cả khi các thứ vô hình ấy không dễ đo đếm, chúng thực sự quan trọng. Cách tốt nhất tôi biết để minh họa điều này là so sánh Mexico và Trung Quốc. Trên giấy, Mexico dường như nằm ở vị trí hoàn hảo để phát đạt ở một thế giới phẳng. Nó nằm liền kề với nền kinh tế lớn nhất, hùng mạnh nhất thế giới. Nó đã kí một hiệp ước tự do thương mại với Mĩ và Canada vào các năm 1990 và ở tư thế bàn đạp sang Mĩ Latin của hai nền kinh tế khổng lồ kia. Và nó lại có tài nguyên thiên nhiên là dầu mỏ, chiếm đến hơn một phần ba thu nhập của chính phủ. Trái lại, Trung Quốc cách đó hàng nghìn dặm, chịu gánh nặng của quá đông dân số, ít tài nguyên thiên nhiên, nhân công thạo việc nhất tập trung ở các vùng duyên hải, và với di sản nợ nần từ năm mươi năm của chủ nghĩa Cộng sản. Mười năm trước, nếu bạn chọn tên hai nước này và đưa cho ai đó hồ sơ của họ, anh ta chắc chắn đặt cược vào Mexico. Thế mà Trung Quốc đã thế chỗ Mexico để trở thành nước xuất khẩu lớn thứ hai vào Mĩ. Và có cảm giác chung, ngay cả giữa những người Mexico, là dù Trung Quốc cách xa Mĩ hàng ngàn dặm, nó ngày càng gần Mĩ hơn về mặt kinh tế, còn Mexico, ngay sát Mĩ, lại trở nên xa hàng ngàn dặm. Tôi không hề gạch bỏ Mexico. Mexcico, khi có đủ thời gian, có thể sẽ trở thành con rùa chậm nhưng chắc đối với con thỏ Trung Quốc. Trung Quốc vẫn còn phải trải qua một chuyển đổi chính trị khổng lồ, việc có thể làm nó trật bánh bất kì lúc nào. Hơn thế nữa, Mexico có nhiều nhà khởi nghiệp có tính Trung Quốc như người Trung Quốc có máu kinh doanh nhất. Nếu không phải vậy Mexico không thể xuất khẩu với giá trị 138 tỉ đôla vào Mĩ năm 2003. Và có nhiều nông dân Trung Quốc không tiên tiến hay đạt sản lượng cao như nông dân Mexico. Nhưng đặt trên bàn cân, khi bạn cộng tất cả những cái đó vào, Trung Quốc đã trở thành thỏ chứ không phải Mexico, cho dù dường như Mexico xuất phát với nhiều lợi thế tự nhiên hơn khi thế giới bắt đầu phẳng dần. Tại sao? Đấy là câu hỏi mà bản thân người Mexico đặt ra. Khi bạn đến Mexico City những ngày này, người Mexico sẽ nói với bạn rằng họ đang nghe thấy “tiếng gào khổng lồ” ba chiều đó. “Chúng tôi bị kẹt giữa Ấn Độ và Trung Quốc”, Jorge Castaneda, cựu bộ trưởng ngoại giao Mexico, nói với tôi năm 2004. “Rất khó cho chúng tôi để cạnh tranh với người Trung Quốc, trừ các ngành giá trị gia tăng cao. Nơi chúng tôi có thể cạnh tranh, trong khu vực dịch vụ, chúng tôi lại bị người Ấn Độ đánh bằng các back office và call center của họ.” Không nghi ngờ gì Trung Quốc được hưởng lợi ở mức độ nào đó từ việc nó vẫn có một hệ thống độc đoán có thể đè bẹp các giới đặc lợi và các tập quán cổ xưa. Giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể ra lệnh nhiều cải cách từ trên xuống, cho dù là để xây dựng một con đường mới hay gia nhập WTO. Nhưng ngày nay Trung Quốc cũng có những cái vô hình tốt hơn – một khả năng tập hợp và tập trung các nguồn lực địa phương cho cải tổ bán lẻ. Trung Quốc có thể là một nhà nước độc đoán, nhưng tuy thế nó lại có những thể chế nhà nước mạnh và một bộ máy quan liêu có khả năng cất nhắc nhiều người trên cơ sở tài năng lên các vị trí then chốt có quyền quyết định, và nó cũng có một tinh thần cộng đồng nhất định. Truyền thống Nho giáo cất nhắc các quan chức nhận thức được vai trò của mình là thúc đẩy và bảo vệ các quyền lợi của nhà nước vẫn còn sống động mạnh mẽ ở Trung Quốc. “Trung Quốc có truyền thống coi trọng tài năng [meritocracy] – truyền thống cũng có ở Hàn Quốc và Nhật Bản,” Francis Fukuyama, tác giả của cuốn sách kinh điển The End of History and the Last Man, viết. “Tất cả các nước này đều có một ý thức cơ bản về ‘tính nhà nước’ nơi [các công bộc] được trông chờ biết cách nhìn xa trông rộng vì lợi ích của nhà nước” và được hệ thống tưởng thưởng vì làm như vậy. Ngược lại, Mexico vào các năm 1990 chuyển từ một nhà nước độc đảng về cơ bản độc đoán sang một nền dân chủ đa đảng. Như thế đúng khi Mexico cần dồn toàn bộ ý chí và nguồn lực của mình cho cải tổ bán lẻ ở mức vi mô, nó phải trải qua quá trình dân chủ xây dựng thể chế chậm hơn, tuy chính danh hơn. Nói cách khác, mỗi tổng thống Mexico muốn thay đổi phải tập hợp nhiều nhóm lợi ích hơn rất nhiều – như chăn lũ mèo – để tiến hành một cải cách, hơn là những người tiền nhiệm của mình có thể thực hiện điều đó bằng sắc lệnh. Các nhóm lợi ích đó, dù là các nghiệp đoàn hay bọn đầu sỏ, có các đặc lợi mạnh trong nguyên trạng và có sức mạnh để bóp nghẹt các cải cách. Và hệ thống nhà nước Mexico, cũng giống của rất nhiều nước Mĩ Latin láng giềng, có một lịch sử dài chỉ đơn thuần là công cụ đỡ đầu cho đảng cầm quyền hoặc các quyền lợi địa phương, chứ không phải quyền lợi quốc gia. Một thứ vô hình khác là nền văn hóa của bạn quý trọng giáo dục đến đâu. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có một truyền thống lâu đời là cha mẹ nói với con cái mình rằng điều tốt đẹp nhất mà chúng có thể làm trong đời là trở thành kĩ sư hoặc bác sĩ. Còn ở Mexico việc xây trường học để biến điều đó thành sự thật đơn giản chưa được làm. Hiện nay Ấn Độ và Trung Quốc đều có hơn năm mươi nghìn sinh viên học tập ở Mĩ. Họ đến từ cách đó mười hai múi giờ. Mexico, nhỏ hơn nhưng ở liền kề, chỉ có khoảng mười nghìn. Mexico ở sát nền kinh tế lớn nhất, nói tiếng Anh. Nhưng Mexico không hề thực hiện chương trình cấp tốc để dạy tiếng Anh hoặc đầu tư cấp học bổng để gửi nhiều sinh viên Mexico hơn đến Mĩ để học. Có một “đứt gãy”, Tổng thống Zedillo nói, trong hệ thống chính trị Mexico, các thử thách của toàn cầu hóa, và mức độ mà mỗi người giáo dục và hướng dẫn dân chúng Mexico cho nhiệm vụ đó. Bạn phải đợi lâu để thấy sinh viên Mexico áp đảo trong chương trình cao học khoa học hay toán học ở một trường đại học Mĩ, theo cách mà sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ vẫn đang áp đảo. Chính phủ của Tổng thống Vicente Fox đã định ra năm khu vực về cải tổ bán lẻ để khiến nền kinh tế Mexico có năng suất và linh hoạt hơn: cải cách thị trường lao động để khiến việc thuê và sa thải nhân công đơn giản, cải cách tư pháp để các tòa án Mexico bớt tham nhũng và bớt thất thường hơn, cải cách bầu cử và hiến pháp để hợp lí hóa nền chính trị, cải cách thu thuế để cải thiện tình hình thu thuế ảm đạm, và cải cách năng lượng để mở cửa các thị trường năng lượng và điện lực cho các nhà đầu tư nước ngoài, để Mexico, một nước sản xuất dầu mỏ quan trọng, thoát khỏi sự trói buộc kì quặc là phải nhập khẩu một số gas tự nhiên và dầu lửa từ Mĩ. Song phần lớn các ý tưởng đó đã bị nghị viện Mexico chặn đứng. Chỉ nhìn vào Mexico và Trung Quốc sẽ rất dễ để kết luận, dân chủ có thể là một trở ngại cho cải tổ bán lẻ. Tôi nghĩ kết luận như thế là quá sớm. Có nhiều nền dân chủ may mắn có các nhà lãnh đạo có khả năng bán hàng và khiến người dân của mình chú trọng vào cải tổ bán lẻ – Margaret Thatcher ở Anh chẳng hạn – và có các nền dân chủ buông trôi trong thời gian dài mà không chịu hậu quả – thí dụ Đức hiện đại. Có các chính thể độc đoán thực sự tập trung – Trung Quốc hiện đại – và có các nơi khác chỉ trôi dạt vu vơ, không muốn thực sự tập hợp người dân của mình vì các nhà lãnh đạo ít chính danh đến độ sợ gây ra bất cứ đau đớn nào – Zimbabwe. Tổng thống Zedillo nói, Mexico và châu Mĩ Latin nói chung có “tiềm năng tuyệt vời”. “Ba mươi năm trước Mĩ Latin vượt trên tất cả, nhưng trong vòng hai mươi lăm năm qua về cơ bản chúng tôi đã đình trệ và các nước khác đã tiến gần, thậm chí vượt qua. Các hệ thống chính trị của chúng tôi không có khả năng xử lí, du nhập và thực hiện các tư tưởng [cải tổ bán lẻ]. Chúng tôi vẫn còn bàn cãi về tiền sử. Những thứ được coi là hiển nhiên ở mọi nơi vẫn bị đưa ra thảo luận ở đây, như thể chúng tôi vẫn sống ở các năm 1960. Cho đến bây giờ bạn không thể nói một cách thẳng thắn là có một nền kinh tế thị trường ở Mĩ Latin.” Trung Quốc tiến lên mỗi tháng, Zedillo nói, “còn chúng tôi mất hàng năm trời để quyết định các cải cách sơ đẳng mà nhu cầu là cực kì khẩn thiết đối với mỗi người. Chúng tôi không có sức cạnh tranh vì chúng tôi không có cơ sở hạ tầng; bạn cần người dân đóng thuế. Kể từ khi kí kết NAFTA đến giờ có bao nhiêu đường cao tốc mới được xây dựng để nối Mexico với Mĩ? [Hầu như không có cái nào]. Nhiều người được hưởng tiền chi tiêu của chính phủ lại không đóng thuế. Cách duy nhất mà chính phủ có được là bắt người dân đóng thuế cao hơn, [nhưng] khi đó chủ nghĩa dân túy sẽ phát triển và giết chết nó.” Gần đây một tờ báo Mexico đăng một câu chuyện về hãng giày Converse làm giày tennis ở Trung Quốc, sử dụng keo dán Mexico. “Toàn bộ bài báo là về chuyện tại sao chúng ta lại cung cấp keo dán cho họ,” Zedillo nói, “khi mà thái độ đúng đắn nhẽ ra phải là chúng ta có thể bán bao nhiêu keo dán nữa cho họ? Chúng tôi vẫn còn phải phá bỏ một số rào cản ý thức.” Không phải là Mexico đã thất bại về hiện đại hóa các ngành xuất khẩu của mình. Nó đã để mất sân vào tay Trung Quốc chủ yếu vì Trung Quốc đã thay đổi còn nhanh hơn và ở phạm vi rộng hơn, đặc biệt là trong việc đào tạo nhân công lành nghề. Một nhà tư vấn kinh doanh, Daniel H. Rosen, chỉ ra trong một tiểu luận đăng trên tờ The International Economy (mùa xuân năm 2003), cả Mexico và Trung Quốc đều có thị phần tăng lên trong tổng xuất khẩu toàn thế giới về nhiều lĩnh vực giống nhau vào các năm bùng nổ kinh tế 1990 – từ phụ tùng ôtô, điện tử cho đến đồ chơi và sản phẩm thể thao – nhưng thị phần của Trung Quốc tăng nhanh hơn. Điều này không chỉ vì cái Trung Quốc làm là đúng mà vì cái Mexico làm là sai, điều không hẳn là làm xói mòn khả năng cạnh tranh của nó với các cải cách vi mô. Điều mà Mexico đã thành công là tạo ra được các hòn đảo cạnh tranh tốt, chẳng hạn như Monterrey, nơi thực hiện rất đúng cách và có được lợi thế ở ngay sát Mĩ, nhưng chính phủ Mexico chưa bao giờ có một chiến lược nhằm hoà các đảo đó vào phần còn lại của đất nước. Điều này giúp giải thích vì sao từ 1996 đến 2002, thứ hạng của Mexico trong Báo cáo về sức cạnh tranh toàn cầu đã rớt trong khi thứ hạng của Trung Quốc lại tăng lên. Và điều đó không chỉ vì nhân công rẻ, Rosen nói. Đó là vì Trung Quốc có lợi thế trong giáo dục, tư nhân hóa, cơ sở hạ tầng, quản lí chất lượng, quản lí ở cấp trung, và đưa công nghệ mới vào. “Vì thế Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của Mexico,” Rosen kết luận, “nhưng điều đó do sự bất lực của Mexico để lợi dụng các thành công và tiến hành đổi mới ở diện rộng hơn là việc Trung Quốc có nhân công giá rẻ.” Nói cách khác, đó là cải tổ bán lẻ, ngu đần. Theo báo cáo Doing Business in 2005, trung bình mất năm mươi tám ngày để mở một công ti ở Mexico, so với tám ngày ở Singapore và chín ngày ở Thổ Nhĩ Kì. Mất bảy mươi tư ngày để đăng kí một tài sản ở Mexico, nhưng chỉ mất mười hai ngày ở Mĩ. Thuế thu nhập doanh nghiệp ở Mexico là 34%, gấp đôi mức ở Trung Quốc. Báo cáo “Ngoài lao động rẻ” của McKinsey Quarterly cho biết kể từ năm 2000, khi Trung Quốc gia nhập WTO và bắt đầu có lợi thế trong quá trình phẳng hóa thế giới, Mexico mất 270.000 nhân công trong các dây chuyền sản xuất, và hàng trăm nhà máy phải đóng cửa. Nhưng lời khuyên chính mà báo cáo đưa ra cho Mexico và các nước có thu nhập hạng trung bình, bị Trung Quốc chen lấn, lại là: “Thay vì cố tạo ra các việc làm bị mất vì Trung Quốc, các nước đó nên nhớ đến một thực tế của đời sống kinh tế: không nơi nào có thể mãi mãi là nhà sản xuất giá rẻ của thế giới – ngay cả Trung Quốc cũng sẽ mất danh hiệu này một ngày nào đó. Thay cho cố bảo vệ các việc làm dây chuyền lương thấp, Mexico và các nước có thu nhập trung bình nên chú trọng tạo ra các việc làm có giá trị gia tăng cao hơn. Chỉ khi các công ti có năng xuất cao với các hoạt động có giá trị gia tăng cao thay thế các công ti năng suất kém hơn thì các nước có thu nhập trung bình mới có thể tiếp tục được lộ trình phát triển của mình.” Nói ngắn gọn, cách duy nhất cho Mexico phồn vinh là một chiến lược cải tổ bán lẻ có khả năng đánh bại Trung Quốc ở trên đỉnh, chứ không phải ở đáy, bởi vì Trung Quốc không chú trọng đánh bại Mexico bằng đánh bại Mĩ. Nhưng chiến thắng trong kiểu chạy đua đến đỉnh cao đó cần đến tiêu điểm và ý chí vô hình. Bạn không thể duy trì các tiêu chuẩn sống tăng lên trong một thế giới đang phẳng khi bạn đương đầu với các đối thủ cạnh tranh không chỉ có các nền tảng đúng đắn mà còn có những điều vô hình tốt nữa. Trung Quốc không chỉ muốn giàu. Trung Quốc còn muốn hùng mạnh. Trung Quốc không chỉ muốn học cách làm ra các ôtô GM. Trung Quốc muốn trở thành GM và đánh bật GM khỏi thị trường. Bất kì ai nghi ngờ điều đó phải dành thời gian với các thanh niên Trung Quốc. Luis Rubio, chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Mexico, nói, “bạn càng tự tin thì các huyền thoại và mặc cảm của bạn càng giảm xuống. Một trong những điều lớn lao của Mexico trong các năm đầu thập kỉ 1990 là người Mexico thấy mình có thể làm được, thực hiện được điều đó.” Tuy vậy, rất nhiều sự tự tin đó đã bị mất đi trong các năm gần đây, vì chính phủ đã ngừng không cải cách nữa. “Thiếu tự tin sẽ đưa một đất nước đến chỗ ngồi nhấm nháp quá khứ của mình,” Rubio nói thêm. “Thiếu tự tin [ở Mexico] có nghĩa là mọi người ở nước này đều nghĩ Mĩ sẽ biến Mexico thành những người lao công.” Đó là vì sao NAFTA quan trọng đến vậy cho sự tự tin của Mexico. “Điều NAFTA làm là khiến Mexico nghĩ về phía trước và hướng ra thay cho nghĩ hướng vào và lùi. [Nhưng] NAFTA được [các nhà kiến tạo ra nó] coi là một kết quả hơn là một sự bắt đầu. Nó được coi là kết thúc của một tiến trình cải cách chính trị và kinh tế. “Thật không may,” ông nói thêm, “Mexico không có một chiến lược để tiến lên phía trước.” Từ lâu Will Rogers từng nói: “Ngay cả khi bạn ở trên con đường đúng đắn, bạn sẽ bị vượt qua nếu bạn chỉ ngồi ở đó.” Thế giới càng phẳng thì điều đó càng xảy ra nhanh hơn. Mexico từng đi đúng đường ở giai đoạn cải tổ bán buôn, nhưng sau đó, vì nhiều lí do hữu hình và vô hình, nó đã chỉ ngồi đó và quá trình cải tổ bán lẻ bị ngừng. Mexico càng ngồi đó lâu thì nó càng bị vượt qua nhiều hơn. Và Mexico không phải là nước duy nhất.